Bài tham dự số: 02-388-vb71031
Tác giả tên thật Nguyễn Viết Tân, đã góp cho giải thưởng Việt Báo nhiều bài viết giá trị. Ông đã được trao tặng Giải Thưởng Viết Về Nước Mỹ đợt II năm 2000. Ông Tân hiện cư trú tại Costa Mesa, Nam Cali. Công việc: làm lanscaping cho các xa lộ tại Nam-Bắc Cali. Lần này, ông Tân gửi loạt bài du ký hậu khủng bố 9-11.
Chúng tôi vì đã lỡ mua vé đi New York và Washington DC từ một tháng trước ngày xảy ra vụ khủng bố rồi, nên ai sợ thì cứ sợ, mà ai đi vẫn cứ đi. Bằng cớ là đã mua bốn vé, nhưng một anh rụt vòi ở lại, nên thay vì có bốn chàng Ngự lâm pháo thủ, lại chỉ còn có ba ông Táo.
Sau ngày kinh hoàng 9-11 đã hơn hai tuần rồi, mà phi trường San Jose vắng hơn chùa Bà Đanh. Cả chiếc máy bay rộng thênh thang mà chỉ có vài chục người khách, mỗi người nằm dài ra một băng ghế, gương mặt ai nấy buồn so.
Trước kia, những dịp cả bọn được đi chung như thế này, chúng tôi thường cười nói râm ran, nhưng bây giờ ruồi đậu mép cũng không buồn đuổi.
Máy bay đáp ở Chicago, hành khách lèo tèo: ''Ga thôn trơ nỗi, băng nguồn héo hon''. Phi trường thênh thang này là tụ điểm của United Airline, nhưng giờ đây trông ảm đạm quá, trần nhà ga thấp chủm, có lẽ không cao hơn mười phít.
Chúng tôi đổi sang máy bay khác để đi Buffalo -New York, chuyến máy bay này có chừng một chục hành khách. Ông Captain nói lời chào mừng rồi thêm:
- Xin qúi vị quay qua phải , qua trái xem có ai đáng bị nghi ngờ không.
Tôi nhìn qua ông bạn Bao Phân trách móc:
-Tôi đã nói ông cạo râu đi, mà ông cứ để , coi ghê gớm quá.
Ông ta chặc lưỡi:
-Mình người Á Châu mà.
-Nhưng mà da ông đen quá, bây giờ mà ông đội lên một cái khăn trắng nữa là đố có ai dám đi cùng với mình.
-Ông cứ lo sợ hão.
Chẳng biết tôi có lo hão hay không, mà người ta lại mời tất cả hành khách rời phi cơ để kiểm soát lại trong ba mươi phút.
Buồn tình, tôi kiếm thăm lăng Bác, cả dẫy hàng chục phòng vệ sinh, mà chỉ có một ngọn đèn ống tối mò mò. Tường lại sơn màu xám đen trông mới thê lương làm sao. Có lẽ tại lòng mình buồn nên trông cảnh mới ra thế ấy. Thấy giấy lót bàn cầu có dấu vết người nào đã ngồi lên, tôi loay hoay tìm kiếm, chỉ thấy một thùng gần đó mà ở trong đựng đầy rác, tôi bèn xé giấy toilet tissue trải lên dùng đỡ. Khi xong xuôi đứng lên, tôi thấy có ngọn đèn đỏ và hàng chữ ''Hãy quơ tay''. Tôi làm thử thì thấy giấy lót cầu tự xoay chuyển , bỏ đi giấy cũ mà thay bằng giấy mới. Quê quá, đúng là Hai Luá lên tỉnh.
Thế rồi chúng tôi cũng lên tới Buffalo trễ mất một tiếng. Hai người bạn ra đón về ngay tiệm Phở 99 ở đường Niagara. Đây là tiệm phở VN độc nhất ở thành phố này do bạn tôi làm chủ, nó sống được là vì nằm đối diện với City Hall và văn phòng FBI. Vì là buổi trưa nên quán đông nghẹt khách, cho dù là quán chỉ có một chỗ parking. Nhân viên chính phủ ở đây coi bộ chịu quán này, họ chỉ cần băng ngang đường là tới.
Người bạn tôi đã mua nhà ở thành phố này được vài ba năm rồi. Hôm 12 tháng 9, lúc cả nhà đang ở ngoài tiệm Phở, thì cả vài chục xe cảnh sát và FBI đến bao vây căn nhà. Ông hàng xóm hớt hải hỏi chuyện gì vậy" Cảnh sát bảo là vây bắt khủng bố người Trung Đông. Sau cùng mới vỡ lẽ ra rằng một trong những tên không tặc xưa kia đã từng ở đây, tuy giấy tờ vẫn ở địa chỉ này, nhưng chúng đã bán nhà cho người Việt mấy năm nay rồi. Cảnh sát lúc tới thì đằng đằng sát khí, khi biết mình lầm, bèn tẽn tò rút êm, nhưng cả khu phố bị một phen lên ruột.
Tuần lễ sau đó, Phở 99 đã góp nguyên một ngày tiền bán được để cứu trợ nạn nhân khủng bố ở NY.
Buffalo tuy thuộc tiểu bang New York, nhưng nằm sát biên giới Canada, chỉ cách có con sông và thác nước nổi tiếng Niagara. Ai cũng biết Tổng Thống Kennedy bi ám sát ở Dallas, nhưng chắc không mấy người biết ở thành phố Buffalo này cũng đã từng có một ông Tổng thống bị bắn chết khi đến đây đọc diễn văn. Thành phố này lại càng nổi tiếng trong cộng đồng người Việt vì nơi đây có ông Trần Đình Trường đã hiến tặng cho qũi cứu trợ NY tới hơn hai triệu đồng. Ông lại còn bao ăn ở cho những đơn vị cấp cứu đến làm việc ở NY nữa.
Nhớ lại trước đây, khi cha mẹ ông còn sống, mỗi lần đến dịp sinh nhật ông bà cụ, ông Trường thường chịu hết chi phí máy bay và ăn ở cho tất cả những người Việt nào tới chung vui với gia đình ông.
Người bạn tôi đã gọi dặn lấy hai phòng ở khách sạn do ông Trường làm chủ, nhưng chúng tôi thấy bạn mình ở nhà rộng quá, mà bạn bè đã lâu không gặp, cần tâm sự nhiều, nên đành cancel phòng ngủ. Tiếc là mất một dịp diện kiến ông, một con người thành công và có lòng.
Tôi cũng ngại khi đến thăm ông, sợ người ta nghĩ là mình thấy sang bắt quàng làm họ.
Sáng hôm sau, chúng tôi đi thăm thác nước, cảnh trí thật là hùng vĩ và thơ mộng, lại có mưa bay nhè nhẹ và trời hơi hơi lạnh. Người bạn tôi nói mọi ngày du khách đông lắm, nhưng hoàn cảnh này đâu còn ai muốn đi ngắm cảnh nữa. Tôi cũng buồn nhưng ráng góp vui:
-Thấy thời tiết như vầy , tôi nhớ Paris quá.
-Uả, ông đã tới Paris rồi sao"
-Lâu rồi, .. hồi còn nhỏ tôi thường đi bán đậu phọng rang bên bờ sông Sen !!
Bên bờ phía bắc là nước Canada với những cao ốc cao vời vợi, những khách sạn, nhà hàng và cả Casino nữa, trông nhà cửa có vẻ mới xây chứ không cũ kỹ như bên phiá Mỹ.
Lúc qua cầu biên giới để sang Canada, chúng tôi bị cảnh sát Mỹ chặn lại, chung qui cũng tại bộ râu cuả ông Bao Phân, họ thu hết giấy tờ, passport để check lại. Cả bọn ngồi chán nản trong xe cả tiếng đồng hồ, sau cùng cũng được thả ra cho đi thăm xứ Cờ lá phong.
Xa lộ và bảng chỉ đường ở nước này đúng là cơn ác mộng cho du khách từ xa tới, nó không báo trước như ở Mỹ, thế nên chúng tôi, dù có bản đồ, vẫn lạc hai tiếng rồi mới tới Toronto. Người bạn tôi- Đồng hương đồng khói- của ông Nguyễn Ngọc Ngạn chỉ đường như thế này:
-Exit ra đường Queen, quẹo phải, chạy năm phút, gặp đèn đỏ quẹo trái, chạy thêm mười phút nữa quẹo phải vào khu chung cư. Căn nhà có chiếc xe màu xanh đậu trước cửa.
Nói xong anh ta cúp phôn. Trời đất ơi, điệu này còn phải lạc dài dài, cứ chạy năm phút, rồi dù không có đường cũng phải quẹo chăng" Còn xe màu xanh đậu trong khu chung cư thì có biết bao nhiêu cái mà kể"
Ấy vậy mà chúng tôi cũng tới được nhà, là vì nhà có ít rau thơm mọc trước cửa. Cái cách người Việt nhận ra nhau là nhờ nhúm rau thơm, rau ngò này chăng"
Đã vào muà thu, lá cây bắt đầu đổi màu: ''Rừng phong thu đã nhuộm màu quan san''. Cảnh rừng đẹp như tranh vẽ. Đất nước Canada rộng bạt ngàn sơn dã, nhưng dân chúng lại khoái ở chung cư cao tầng, càng cao càng mắc tiền. Người ta mua từng ''căn hộ'', căn ba phòng ngủ cũng vài ba trăm ngàn, nhưng cũng phải nói thêm rằng, một trăm đô la Mỹ đổi ra được 150 đô Canada. Parking cũng phải mua, bảy ngàn một chỗ. Nhưng người dân vẫn khoái là vì không phải chăm sóc cỏ cây, không phải cào tuyết về muà đông, và nhất là gần chỗ làm, chợ và trường học. Ở trên cao còn được ngắm cảnh, nhưng vì bọn không tặc, nên bây giờ ai cũng sợ ở trên cao.
Chiều hôm đó là đêm Trung thu, nên phố Tàu ở Toronto đông nghẹt người. Cộng đồng Tàu ở đây mạnh thật, họ được phép đóng con phố rộng một đoạn khá dài, làm sân khấu để diễn văn nghệ, muá lân và đấu võ. Người ta ở đâu ra mà đông thế" Chen chân không lọt, nhưng giai nhân không thấy đâu. Chẳng phải tôi khó tính , nhưng mấy người bạn đồng hành đều nhận xét như thế. Coi phim ảnh và trên báo chí, người đẹp Tàu nhiều quá, nhưng trong đời thường, họ trốn đâu mất biệt, các bạn thử qua Hồng Kông và Đài Bắc mà coi, chắc cũng sẽ nhận thấy như vậy.
Chợ nơi đây có vẻ giống ở Sài Gòn, hàng hoá bày tràn cả ra lề đường, nhất là trái cây. Đủ loại trái miền nhiệt đới, giá cũng rẻ nên chúng tôi mua mỗi thứ một kí. Thật là từ cha sanh mẹ đẻ đến giờ tôi mới phải ăn cố trái cây như vậy, chỉ có bốn người, nhưng phải ăn cả chục kí lô trái cây, mang về Mỹ lại sợ bị phạt, đành phải ráng sức mà ăn, nhưng sau cùng cũng phải vứt đi mấy bọc lớn.
Vì đã có nhiều tên khủng bố vào nước Mỹ bằng con đường Canada, nên khi chúng tôi về tới biên giới, Cảnh sát Mỹ còn kiểm soát nghiêm nhặt hơn cả lúc đi, vì ngoài vấn đề kiểm soát trái cây, họ còn kiểm về an ninh di trú nữa. Ông Cảnh sát kiểm soát xe chúng tôi xong, cười và bảo bằng tiếng Việt:
-Sao, đi chơi bên đó vui không"
Chúng tôi ngạc nhiên , hỏi ra mới biết anh ta đã từng qua chiến đấu bên VN hai nhiệm kỳ, và có vợ người Việt.
Khởi đầu chúng tôi đã dự tính đi thăm tượng Nữ Thần Tự Do và Twin Tower, nhưng nay nhà chọc trời đã xập, còn đâu mà lên coi, vả lại nếu không có phép đặc biệt họ cũng chẳng cho mình đến gần, vì người ta đang phải dọn dẹp hàng núi đất đá sắt thép ngổn ngang, nên chúng tôi đành đi Washington DC.Trong những ngày này, phi trường Reagan vẫn còn đóng cửa, nên chúng tôi xuống phi trường Dules, rồi thuê xe mà lái về DC.
Phi trường trên toàn quốc kiểm soát rất phiền hà và làm mất nhiều thì giờ, nhưng người đưa kẻ đón vẫn còn có thể vào tận ga hành khách, ngoại trừ phi trường Los Angeles, xe phải đậu ngoài Parking C. rồi đi xe bus vào phi trường, bởi vậy ai cũng phải đến trước giờ cất cánh vài ba giờ đồng hồ. Nhưng tôi nhận thấy còn quá nhiều sơ hở, thí dụ bọn khủng bố đem chất nổ vào tới chỗ xếp hàng mua vé , rồi cho nổ ngay ở đó, thì biết bao nhiêu người chết. Vì từ ngoài vào đến đây, không hề có ai kiểm soát gì cả, chỉ kiểm khi nào băng ngang chỗ vào chờ lên máy bay mà thôi.
Thủ Đô những ngày này xơ rơ như một con gà trống dưới cơn mưa, du khách lèo tèo dăm ba người, bãi đậu xe trống trơn. Chúng tôi ghé khu chợ VN ở Ngã Năm, đầu đường Arlington để ăn sáng, trong khu vực này có tới hơn 20 quán ăn , người ra vào khá tấp nập, tuy không được bằng khu Bolsa, nhưng khá phồn thịnh.
Toà nhà Quốc hội vẫn cho du khách vào, nhưng không được vào hẳn trong nhà như trước nữa. Còn White House thì mình chỉ đứng xa mà ngó. Tuy trước đây có quen ông Bush cha, nhưng nay ông Bush con không mời vào, nên chúng tôi cũng không vào làm chi cho nó nhẹ thể.
Pentagon - tượng trưng cho sức mạnh quốc gia- bị hư hại không nặng nề lắm, nhưng vết khói cháy nám đen còn tèm lem, làm cho sự tức giận xen lẫn tự ái nổi lên trong lòng những người Mỹ gốc Việt như chúng tôi. Những tên khủng bố đâu có ngờ rằng, hành động của chúng đã đánh động lòng yêu nước cuả tất cả mọi người con dân Hiệp Chủng Quốc này. Lầu Năm góc được xây cất theo hình thể cuả sao Venus, ông thần chiến tranh. Hoàn tất năm 1943 với kinh phí 83 triệu Mỹ kim trong thời gian 16 tháng. Building này có 26,000 nhân viên làm việc ở đây. Đường hành lang di chuyển tổng cộng lên tới 17.5 miles. Nhưng vì hình thể của toà nhà, nguời ta chỉ mất có bảy phút để đi bộ từ điểm này qua đìểm kia mà thôi.
Lúc đi ngang nghiã trang Arlington, Michael- một người bạn mới quen ở DC- hỏi tôi:
-Anh có biết ở nghiã trang này có bao nhiêu người chết không"
-.. " "
-Tất cả mọi người ở trong đó đều đã chết hết anh à !
Câu khôi hài rơi vào im lặng, không có ai cười nổi.
Đi một vòng Mỹ quốc trở về Cali, lòng chúng tôi buồn nhiều hơn vui. Nếu hôm trước, chúng tôi tới NY sớm hơn vài tuần, thì có lẽ hôm nay chẳng còn ngồi đây mà kể chuyện vui buồn xứ Mỹ cho các bạn nghe nữa đâu.
Từ trên cao nhìn xuống những ánh đèn lung linh của thành phố, tôi tự hỏi: Niềm an bình của chúng ta biết bao giờ mới trở lại như xưa.
TÂN NGỐ