Hôm nay,  

Láng Giềng, Trường Học Và Cha Mẹ

24/10/200100:00:00(Xem: 290607)
Bài tham dự số: 02-381-vb41024


Đây là chuyện kể về sinh hoạt thường nhật của một gia đình Mỹ gốc Việt. Gia đình tôi là một trong những gia đình này, có các con sinh ra và lớn lên ở Mỹ.
Chúng tôi đang mò mẫm phương cách nào hay để hướng chúng trở thành những công dân tốt. Chúng tôi đã đi được 15 năm trời và nhận thấy hướng giáo dục cho các cháu chưa thấy có gì trục trặc cả. Còn 10 năm nữa để cho cháu gái Út học xong đại học, con đường còn nhiều chông gai và chúng tôi vẫn đang phải mò mẫm chỉ dẫn hướng đi cho các cháu.
Xóm cư trú và môi trường của trường học cộng với sự lưu tâm của cha mẹ dành thời gian để kiểm soát chúng là 3 yếu tố ảnh hưởng đến tương lai của con cái. Đó là điều chúng tôi đang nghĩ và thực hiện, nhưng liệu sự thành công sẽ được bao nhiêu phần thì chỉ có thời gian mới trả lời được.
Xóm tôi được xây dựng vào năm 1967 gồm 40 căn nhà tọa lạc gần ngã tư Brookhurst và Hazard, ngay trung tâm tiểu Saigon, đi bộ 10 phút là tới Phước Lộc Thọ, gần đền thờ hồi giáo nổi tiếng và to lớn nhất quận Cam.
Vào thời chiến tranh vùng Vịnh, có những người Mỹ quá khích đặt những túi giấy tờ giả làm bom đặt chung quanh hàng rào của đền thờ này.
Từ đây người dân của xóm này có thể đi bất cứ nơi nào, mất khoảng 15 phút là có thể tới Disneyland, Knott's Berry Farm, Wax Museum, Newoport Beach và Huntington Beach hoặc Seal Beach để tắm biển và câu cá, 30 phút là đến Wild River để chơi trò trượt nước, 45 phút đến Universal studio, hơn 1 tiếng để đến Sea World, San Diego Zoo hoặc Wild Animal Zoo.
Mỗi năm vào tháng hè tôi thường hay chở gia đình tới bãi biển Seal Beach để tắm biển mất chừng 20 phút mà thôi, từ Lillte Saigon trên đường Westminster đi về hướng tây vừa qua khỏi Pacific Coast Highway là đến chỗ tắm biển nằm bên tay phải.
Cư dân xóm tôi phân nữa là người Việt khoảng 20 gia đình còn lại là người Mỹ trắng và Trung Đông. Hễ có gia đình Mỹ trắng nào dọn ra là dân Việt và Trung Đông nhào vô mua liền. Người Việt mua là vì tiện đường đi chợ búa và nhà hàng Việt, còn người Trung Đông thì muốn gần nhà thờ Hồi giáo để lễ bái cho tiện. Tôi vẫn thường thấy vài người đàn bà bịt mặt bằng khăn lụa đi trong khu xóm tôi, mỗi trưa thứ sáu là có hàng trăm chiếc xe đậu chật xóm để đi lễ bái.
Vào năm giữa thập niên 80 hình như gia đình tôi là dân Việt đầu tiên dọn đến ở xóm này. Người đầu tiên tôi gặp sau khi dọn đến được 1 ngày là ông Steve một giáo sư trung học dạy về hội họa. Ông đang sống với người vợ hình như bị bệnh nên trông rất yếu, thỉnh thoảng thấy các con của ông về thăm hỏi. Tôi đã có dịp làm việc và nói chuyện với ông khi một trận gió lớn thổi đổ cái hàng rào gỗ mục nát cũ kỹ giựa hai khu nhà. Hai bên bàn với nhau mướn thợ nề để xây cái tường bằng gạch cho nó chắc chắn và bền hơn, tiền bạc thì chia đôi mỗi nhà trả một nữa.
Đôi khi tôi và ông hẹn nhau ngày thứ bảy cắt ngắn những cây to lớn rậm rạp, có bữa cái cây cưa điện của tôi bị đứt dây xích, ông tưởng hư nên đề nghị mua cái mới tặng cho tôi, tôi mĩm cười nói là cái cưa điện có thể sửa được dễ dàng. Một hôm nhà tôi bị trộm đồ ông sốt sắng chạy qua hỏi thăm và cho mượn cái máy chụp hình lấy liền.
Ông dọn đến khu này từ lúc xóm mới thành lập, hồi đó ông mua căn nhà có hơn 20 ngàn đồng, ông đã trả hết nợ căn nhà chỉ còn phải trả thuế đất hàng tháng khoảng hơn 200 đồng.
Cho đến bây giờ hình như có khoảng hơn 7 gia đình là dân sống lâu đời ở xóm này từ lúc mới thành lập, tất cả đều đã tới tuổi về hưu.
Hai vợ chồng ông Tom đằng sau lưng vườn nhà tôi, có dịp quen biết cũng vì cái hàng rào gỗ bị gió bão thổi sập, nó cũng đã quá cũ kỹ, mỗi bên chịu tiền đồ và tiền công một nửa, hẹn tuần sau sẽ bắt tay vào việc thì trong lúc tôi đi làm ông và người con trai đã làm xong từ lúc nào, có lẽ họ thấy tôi nhỏ con thân hình mảnh khảnh nên không nỡ để tôi rờ tay vào, tôi đứng chưa tới vai của họ.
Còn căn bên tay phải nhà tôi cũng vậy, cái hàng rào cũng bị sập, anh chàng Garcia dân Mỹ gốc Mễ tự động mua gỗ và dựng hàng rào lấy một mình vì thấy tôi quá nhỏ con đối với anh ta.
Căn đầu ngõ ngay ngã ba ngày nào cũng đăng bảng bán garage sale, ông Mark hình như không đi làm đâu cả tuổi trạc chừng 56, chỉ sống bằng cái nghề mua đi bán lại này. Ông chịu khó đi lùng những đồ cũ rồi về nhà chất đống bán với giá cao, ai trả đúng giá thì mới bán, có cái piano cũ rích phiếm đàn đã tróc vỏ hết ông kiên trì để bán từ ngày này qua ngày khác ròng rã cả năm trời, vậy mà cũng có người ngứa tay mua. Chiếc xe van "Ford" cũ mèm ông đăng bảng bán cả hai năm trời không ma nào thèm ngó cả, rút cục cũng biến mất. Rồi ông lại đi mua chiếc xe cũ khác thế vào, cái món hàng bán ông bày thôi đủ thứ từ cái bàn, cái ghế, bánh xe hơi, tivi, tủ lạnh, máy hút bụi, máy cắt cỏ, vv…
Ông Richard đối diện với ông Mark, cũng đã tới tuổi về hưu, nhưng hiện tại vẫn thầu làm patio để có thêm thu nhập. Con cái của ông bà này rất đông, lâu lâu lại tụ họp về nhà ông vào mấy ngày lễ để ăn uống và sum họp. Hàøng năm vào ngày lễ độc lập cả hơn chục gia đình gồm có anh em con cháu kéo về có hơn 40 người già trẻ lớn bé. Mỗi gia đình góp tiền mua một bịch pháo bông gom lại có thể đốt hơn 1 tiếng đồng hồ, khiến cho khu xóm náo nhiệt hẳn lên.
Căn đối diện hơi xế trước nhà của hai ông bà già Mỹ có trên 80 tuổi thọ. Hai ông bà ngày nào cũng ngồi trước cửa nhà trông bà con đi lại và những trẻ con trong xóm chơi đùa như một thứ vui cuối đời, bà cụ thỉnh thoảng cho mấy đứa trẻ con nhà tôi tập giấy viết.
Căn kế bên nhà của hai cụ là gia đình người Việt dọn đến sau tôi chừng 1 năm, vì làm ăn thua lỗ sao đó nên đã bán căn nhà. Người chủ kế tiếp cũng là dân Việt, có người con trai lớn tuổi đi xe gắn máy bị đụng chết trên xa lộ, ông buồn chán đi chỗ khác cho người Trung Đông nhảy vào mua.
Căn đối diện nhà tôi là hai ông bà người Việt đã trên 70 tuổi, nghe nói người con trai trưởng mua căn nhà này cho hai ông bà già ở sau khi bảo lãnh qua. Ông cụ có tay nghề làm đồ kiểu gỗ trạm trổ con rồng vàng rất đẹp, ông cụ đồng thời trồng cây ăn trái để đem bán, đằng trước và sau nhà thì ôi thôi đủ thứ chậu cây.
Sau đó vài năm một cặp vợ chồng trẻ và hai đứa con một trai một gái mua lại căn nhà này, đứa con trai 12 tuổi hồi mới đến nhuộm tóc vàng và để chổng ngược, học hành có vẻ bê bết, sau 1 năm chơi với hai con trai tôi cũng đã đổi tính bỏ nhuộm tóc và hớt húi cua, bắt chước hai đứa con tôi bỏ thêm giờ học hành nên phiếu điểm đã khá hơn trước. Gần mực thì đen gần đèn thì sáng tôi cũng vui mừng thấy nó thay đổi. Ba đứa trẻ thích chơi RC racing car (remote control racing car) điều khiển bằng vô tuyến. Ngày đầu tiên mua xe về ba đứa mất hết cả gần buổi để lắp ráp vì có đến hơn 100 bộ phận linh tinh, thành hình xong chiếc xe mất hơn 500 đồng, bao gồm dàn sườn với bốn ống nhún thật tốt, động cơ điện, remote control, 2 cục pin 7V. thỉnh thoảng chở chúng đi đua xe tại trung tâm đua xe "So Cal" gần ngã tư Brookhurst và Garfield.
Như thế xóm tôi cũng được tạm được gọi là xóm trung bình về nhiều phương diện, như về mức thu nhập, hàng xóm tương đối yên tĩnh và thân mật, điều này rất có ánh hưởng đến con trẻ không ít.
Xóm tôi là nơi chôn nhau cắt rốn của ba đứa con tôi. Đứa con trai đầu 15 tuổi, đứa con trai thứ hai 13 tuổi, và cháu út gái năm nay 11 tuổi.
Chúng sinh và lớn lên ở Mỹ, nhưng vợ chồng tôi vẫn cố gắng dạy chúng những văn hóa tốt đẹp của người Việt. Các cháu đi học ở trường tiểu học công lập Hill gần nhà, đến năm cháu đầu tiên lên lớp 4, cháu thứ hai lớp 2 và cháu út lớp mẫu giáo, vợ chồng tôi bàn nhau cố gắng tiết kiệm tiền cho các cháu học trường công giáo.
Cả ba cháu bắt đầu làm quen với không khí trường công giáo, với những lớp giáo lý như một môn học bắt buộc hàng tuần để trau dồi về đức hạnh, mỗi sáng tuần 2 lần dự lễ ở nhà thờ trước khi vào lớp học. Nếu là người công giáo các cháu sẽ được dạy giáo lý để sửa soạn xưng tội rước lễ lần đầu khi lên lớp 4.
Hầu như những xứ đạo lớn ở Mỹ đều có trường công giáo riêng dưới sự bảo trợ của nhà thờ, học phí từ lớp mẫu giáo đến lớp 8 là 240 đồng cho một học sinh, 2 học sinh là 370 đồng, 3 học sinh là 450 đồng.
Thời gian qua mau, cháu lớn đã tốt nghiệp lớp 8, cũng áo và mũ mão tốt nghiệp như ai. Hầu hết số học sinh của trường này khi lên lớp 9 đều tiếp tục theo học các trường trung học công giáo khác nhau. Tôi cũng ráng dành dụm tiền cho cháu học trường trung học công giáo Mater Dei High School. Vợ chồng tôi cũng đã có sự tranh luận về việc cho cháu học trường công giáo.
- Anh à, em muốn cho con nó tiếp tục học trường công giáo MDHS.
- Anh nghĩ cho con nó học trường công Bolsa Grand High School cũng được mà. Nhiều học sinh Việt học trường này học hành rất giỏi và ra trường với điểm tối ưu.
- Em không chối cãi ở trường công nào cũng có nhiều học sinh xuất sắc, chỉ có lo học hành mặc kệ những lôi cuốn khác. Con nó chơi với đám bạn tốt thì không sao, nhưng em sợ con nó lỡ theo đám bạn xấu ăn chơi lêu lổng rồi bỏ học thì kẹt lắm. Nhất là ở cái tuổi 14, 15 và 16 này.
- Anh nghĩ phần trăm học sinh hư hỏng ở trường Bolsa Grand chắc cũng không nhiều đâu. Trường này đào tạo ra nhiều nhân tài lắm, không thế thì xã hội loạn hết cả sao. Ngay cả các cháu hư hỏng cũng đều có nhiều mầm mống tốt trong tâm hồn nhưng có lẽ các cháu chưa được hướng dẫn đúng mà thôi.
- Em đồng ý số học sinh hư hỏng không có nhiều nhưng lỡ con mình lại rơi vào cái phần trăm ít ỏi này thì tội cho nó. Em nghĩ phòng bệnh hôn là chữa bệnh.


- Hay dời nhà lên Irvine mình khỏi phải đóng học phí tốn tiền, trường trung học Irvine nổi tiếng là rất tốt. Như vậy là một tháng mình tiết kiệm được cả ngàn đồng để dành tiền cho nó lên đại học.
- Dời nhà lên đó cũng tốt thôi, nhưng lại xa các chợ Việt, khu phố Việt mà mình đã gắn bó hơn 20 năm trời, với lại em muốn cho con nó tiếp tục hấp thụ giáo lý công giáo đây là điều cốt yếu.
Tôi đã ngập ngừng chưa chịu đồng ý kéo dài đến cả mấy tháng trời. Qua những tháng ngày ngồi suy nghĩ cảm thấy bà xã nói cũng có lý. Tại sao mình không chọn những môi trường bớt rủi ro cho con. Cuối cùng chúng tôi đã đồng ý với nhau.
MDHS là trường công giáo được thành lập hơn 50 năm dưới sự bảo trợ của toà Tổng giám mục giáo phận Orange, học phí và tiền sách vở vào khoảng hơn 6000 đồng một năm. Trường tọa lạc trong vùng Santa Ana góc Bristol và Edinger, hiện nay trường đang xây dựng lại thành 2 lầu tốn phí vào khoảng hơn 40 triệu đồng, tòa tổng giám mục bảo trợ một phần, phần còn lại là do cha mẹ quyên góp và các nhà hảo tâm.
Học sinh qui tụ lại trường MDHS từ các thành phố khác nhau như Irvine, Yorba Linda, Newport Beach, Huntington Beach, Santa Ana, Garden Grove, Westminster, Long Beach vv…60% là dân Mỹ trắng, 26% là dân gốc Latin, 13% là dân gốc á châu (đa phần là học trò gốc Việt) 1% dân da đỏ và dân da đen.
Có vào khoảng 6 trường trung học công giáo như thế tại vùng quận Cam. Trường nam trung học Servite tọa lạc ở Anaheim, có 823 học sinh, thành lập năm 1958, học phí 6,150 đồng. Trường nam nữ trung học Santa Margarita tọa lạc ở Rancho Santa Margarita có 1,850 học sinh, thành lập năm 1987, học phí 5,900 đồng. Trường nội trú nam trung học St Michael tọa lạc ở El Toro, chỉ có 50 học sinh, thành lập năm 1961, học phí 10,000 đồng bao luôn ăn và ở, trường này cứ 4 học sinh chỉ có 1 giáo sư, một nữa số các giáo sư là các cha. Trường nam nữ trung học Mater Dei tọa lạc ở Santa Ana, có 2,100 học sinh, thành lập năm 1950, học phí 5,875 đồng. Trường nữ trung học Rosary tọa lạc ở Fullerton, có 740 học sinh, thành lập năm 1965, học phí 5,632 đồng. Trường nữ trung học Connelly tọa lạc ở Anaheim, có 220 học sinh, thành lập năm 1961, học phí 7,800 đồng, 3 trường có 100% học sinh tiếp tục lên đại học là St Michael, Rosary và Connelly, 3 trường còn lại có 99% học sinh tiếp tục lên đại học.
Nhưng không phải đưa con vào trường công giáo rồi là yên tâm, chắc chắn con mình sẽ giỏi dang ra không thèm để ý và kiểm soát đến chúng, tất cả đều phó mặïc cho nhà trường. Như vậy là chỉ có tiền mất tật mang. Nhà tôi có dịp nói chuyện với bà người Việt có con học trường công giáo, bà dân cư nói trường công giáo không ra cái gì cả, tốn tiền mà con bà học hành thi SAT điểm bết lắm.
- Nói với bà nghe, tôi tốn tiền để cho con học trường công giáo, giao hết cho nhà trường lo lắng tôi tưởng con tôi phải giỏi.
- Vậy bà có kiểm soát phiếu điểm, bài tập ở nhà của con bà không.
- Kiểm soát cái gì. Tốn tiền cho con học rồi thì nhà trường phải lo dùm chứ. Mà tôi cũng không đủ chữ nghĩa để kèm con.
- Chỉ trừ có những cháu nào có sẵn đầu óc thông minh và tính hiếu học thì cha mẹ đở khổ. Còn không thì bà phải kiếm người kèm thêm những môn gì mà nó kém.
- Kèm với kiếc gì năm nay tôi cho nó ra trường công học, không thèm tốn tiền vô ích nữa. Nói xong bà nguây nguẩy quay đít bỏ đi như có ý hờn mát với trường.
Theo thiển ý của tôi, một nhà trường tốt chưa đủ, cũng còn cần phải có sự tiếp tay của cha mẹ để dìu dắt và kiểm soát con cái. Con hư là phần lớn tại cha me.ï Không thể đổ cho xã hội và trường học được. Cần thường xuyên giải thích cho chúng rõ đâu là những hư bại của xã hội.
Chẳng hạn tôi thường nghe nói về tự do luyến ái tiền dâm hậu thủ, con cái trèo lên đầu lên cổ cha mẹ, một số người thường cho những hư bại này là văn hóa nước Mỹ chúng ta phải chấp nhận. Tôi hoàn toàn không đồng ý với lối suy nghĩ dễ dãi này chối bỏ trách nhiệm làm cha mẹ.
Tôi có những tiếp xúc với gia đình Mỹ đã đến ở 3 hoặc 4 đời, họ giáo dục con cái rất tốt, chúng biết vâng lời cha mẹ, đối thoại như người lớn nhưng không phải hỗn hào, phải cưới hỏi rồi mới ở chung với nhau, đi chơi đâu cũng phải xin phép và về nhà đúng giờ.
Mỗi ngày khoảng 2 tiếng vợ chồng tôi thay phiên nhau kiểm soát và giúp bài vở cho các cháu từ Math, egabra, geometry, english, religion, biology, tới social. Cái cực nhất cho tôi là phải kiểm soát English đôi khi cũng bị trục trặc về các từ mới. Mỗi lần kiểm soát về Religion tôi thường đưa cho bà xã phụ trách, còn tôi thì chỉ dẫn về toán. Hai cháu nhỏ học hành rất khá tự mình tìm tòi được ra phương pháp học, đạt điểm GFA trên 3.5 dễ dàng, tôi không phải bận tâm nhiều, chỉ kiểm soát coi chừng có bỏ sót những bài tập làm ở nhà.
Riêng phần cháu lớn, thấy cháu học hành không được tập trung, tôi phải bỏ rất nhiều thời gian kèm, và duy trì điểm GPA 3 cho cháu cũng khá vất vả để có thể vào các đại học khá sau này. Điểm trung bình để tốt nghiệp trung học chỉ đòi hỏi GPA 2 nhưng chỉ có thể vào các đại học thường. Về vocabulary vài tháng đầu tiên cháu thường chỉ được điểm C, tôi phải chỉ dẫn cháu phương pháp học để nhớ những từ ngữ mới. Trước ngày có test phải khảo đi khảo lại cho đến thuộc làu. Kết quả cuối cùng cháu đã đạt được điểm A dễ dàng. Mỗi lần viết về tiểu luận dựa theo cuốn sách chỉ định tôi đã bỏ thì giờ ra đọc và kiểm soát bài viết của cháu. Nhờ thế điểm đã được nâng lên từ C đến B như vậy là tôi đủ mãn nguyện rồi không muốn ép cháu học thêm. Còn về toán thường thì cháu hay bỏ sót một hay hai câu hỏi. Tôi phải giải thích cho cháu hiểu, nhờ vậy về toán, lúc nào cháu cũng được điểm A. chỉ trừ những cháu có đầu óc thông minh hay chăm học như đứa bạn người Việt học cùng trường với cháu lúc nào cũng đạt điểm A+, điểm GPA 4+, cha mẹ không phải bận tâm. Nhưng thật sự những cháu được thông minh như thế thì không có nhiều lắm, chỉ vào khoảng trên dưới 15% tùy theo trường học, tại trường Master Dei HS tỷ lệ vào khoảng 294 học sinh đạt điểm GPA 4+ trên tổng số 2100 tức là chỉ có 14%, còn đối với những em học sinh trung bình hoặc trên trung bình thường thì cha mẹ phải kiểm soát về việc học hành và phải bỏ nhiều thời gian chăm sóc.
Sinh hoạt hằng ngày của các cháu là 7 giờ dậy đánh răng rửa mặt, ăn sáng coi phim hoạt họa hay tin tức đài số 9 hay 11, 8 giờ đến trường, 2 giờ rưỡi về nhà, ăn uống nhẹ nghỉ ngơi xem phim hoạt họa đến 3 giờ rưỡi làm bài tập ở nhà, cho đến 7 giờ cả nhà quây quần bên bữa cơm tối. Trước khi ăn cơm các cháu tự động làm dấu đọc kinh cầu nguyện và mời bố mẹ bằng tiếng Việt, tập cho chúng ăn những đồ ăn Việt như thịt kho trứng, rau muống, canh rau đay, canh mồng tơi, lòng và dồi heo, cháo gà, bún riêu. Cởi mở gợi ý để chúng nói về những điều xảy ra ở trường học, lâu lâu pha trò để cả nhà cười vui vẻ. Tiếp tục làm bài nếu chưa xong, sau đó coi chương trình Who's Want To Become Millionaire, Wheel Of Fortune, Family Feud, hay Simpson. Tới 9 giờ rưỡi là tự động các cháu đánh răng rồi leo lên giường ngủ cho khỏe và đủ giấc tiếp tục cho sinh hoạt ngày hôm sau. Ngày thứ bảy và chủ nhật là ngày các cháu được thả lỏng. Các cháu vẫn được họp mặt sinh nhật của các bạn trong lớp, cho các cháu đến nhà bạn sau đó hẹn đến giờ cho các cháu về, cho các cháu dự đánh bóng rổ, ở lại theo dõi và cổ võ những trận đấu, dù thắng hoặc thua đều tốt cả.
Vào mùa đấu bóng rổ, cả nhà quây quần bên chiếc tivi để theo dõi những trận đấu để ủng hộ đội nhà Laker, hay cùng theo dõi trận đấu Superbowl về môn bóng bầu dục.
Các cháu không phải là không có lỗi lầm những lần như thế chúng tôi ôn tồn giải thích phạt các cháu chắp tay quay mặt vào tường, cấm không được coi tivi và chơi video game. Những lần đầu chúng có vẻ miễn cưỡng bị phạt, sau trở thành thói quen chúng tự động nhận lỗi lầm và chịu bị trừng phạt.
Đi lễ chủ nhật mỗi tuần là điều bắt buộc, vào những dịp lễ như labor day chẳng hạn, cả nhà rủ đi xem phim tại rạp chiếu bóng "21 Irvine" rạp chiếu bóng này có tới 21 phòng chiếu phim khác nhau.
Ngoài việc học hành chúng tôi còn cho cháu gái học piano từ lúc 7 tuổi. Sau bốn năm trời học, bây giờ cháu đã đánh được những bài của Richard Clayderman soạn như Ballade Pour Adeline và Mariage D'amour, ngoài ra còn đánh được những bài cổ điển như Moonlight và Fur Elise của Beethoven. Cháu còn thích đánh bài Saigon Vĩnh Biệt của nhạc sĩ Nam Lộc.
Hằng năm chúng tôi tổ chức đi chơi xa cả gia đình thường là vào mùa hè, đi xem thắng cảnh vùng Redwood hay Yosemite, ở lại đêm qua những khách sạn để thay đổi không khí cho khác lạ với ở nhà. Vài năm đi lên Oregon để thăm ông bà ngoại, các dì, các cậu. Mỗi lần như thế là chúng rất vui, trước ngày lên đường sửa soạn đủ thứ từ quần áo cho đến bàn chải đánh răng, mỗi đứa một xách tay vali riêng biệt.
Vì phải lái xe mất hơn 16 tiếng đồng hồ, nên chiếc xe minivan được tháo băng giữa rồi trải chăn nệm để thành cái phòng ngủ nhỏ, chúng có cảm giác thích thú khi được đi như thế. Gặp nhau là chúng như những con chim hót líu lo đủ thứ chuyện, căn nhà ông bà ngoại trở thành những ngày hội vui vẻ. Ông bà ngoại đã về hưu và lãnh tiền hưu, ông ngoại có thú câu cá, mỗi lần ghé thăm là ông ngoại cho đi câu cá ở ngoài sông nên các cháu rất thích.
Nêu ra những sinh hoạt trên để cho thấy láng giềng, trường học, cha mẹ với sinh hoạt gia đình là những mối tương quan rất cần thiết với nhau để dạy dỗ con cái, tạo ra cho chúng thấy gia đình là nơi an toàn nhất và thương yêu chúng nhất. Cha mẹ chính là những người thầy giáo đầu tiên ảnh hưởng đến con cái, sau đó mới tới các thầy cô ở trường học.

Lê Hiền

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,203,377
Nhạc sĩ Cung Tiến