Hôm nay,  

Sau Thảm Họa 11-9

02/10/200100:00:00(Xem: 253406)
Bài tham dự số: 02-363-vb70930


Cuối năm 1992, ngay sau khi tới Mỹ, không bỏ phí thời gian, gia đình chúng tôi đã tìm ngay đến lớp ESL để trau dồi Anh ngữ với hy vọng sớm hội nhập được vào xã hôi mới.
Trong buổi học đầu tiên, ông Tom Smith, người thầy giáo phụ trách lớp học đã để thời gian giới thiệu nước Mỹ với chúng tôi. Ông nói qua về 13 tiểu bang đầu tiên của nước Mỹ, về lịch sử tranh đấu giành độc lập của Hoa Kỳ. Ông cũng nói nước Mỹ là nơi quy tụ mọi sắc dân trên khắp thế giới. Ông Tom còn nói rằng sau này, khi hội đủ điều kiện về thời gian cư trú trên đất Mỹ, chính chúng tôi cũng có thể trở thành công dân Mỹ. Ông Tom hỏi mọi người trong lớp có muốn trở thành công dân Mỹ không" Cả lớp đều trả lời có, chỉ có mình tôi trả lời không. Ông Tom hơi ngạc nhiên hỏi tôi tại sao và tôi đã gỉai thích với ông như sau:
- Tôi là một trong số những người chống Cộng sản bị thua trận, bị giam cầm rồi được trả tự do nhờ sự can thiệp của chính phủ Hoa Kỳ. Tôi đến tỵ nạn tại Mỹ để tránh bị trả thù và ngược đãi. Vì vậy khi nào chế độ Cộng sản tan rã hoặc tình hình chính trị của đất nước chúng tôi trở nên khả quan hơn thì tôi sẽ trở về sinh sống trên quê hương mình. Tôi không có ý định ở luôn trên đất Mỹ nên không nghĩ đến việc trở thành công dân Mỹ.
Ông Tom gật gật cái đầu ra chiều thông cảm nhưng vợ tôi thì lại nhìn tôi như ngầm trách móc tôi sao không biết giữ mồm giữ miệng. Tôi thấy rõ qua ánh mắt, vợ tôi không hài lòng về những điều tôi vừa bày tỏ. Tôi hiểu rõ tại sao vợ tôi lại có phản ứng như vậy. Có lẽ sau những năm tháng sống dưới chế độ kìm kẹp của Cộng sản, vợ tôi đã rút tỉa được bài học khôn ngoan là đừng bao giờ nói thật lòng mình. Việc tôi thẳng thừng tỏ ý không muốn trở thành công dân Mỹ, dưới chế độ cộng sản có thể bị bắt bẻ hoặc nghi ngờ có "ý đồ" này nọ và sẽ bị ghi vào sổ đen để rồi bị theo dõi, trù ếm suốt đời.
Sau giờ học tôi đã phải trấn an vợ tôi ngay. Tôi nói mình đang sống trên một đất nước thực sự tự do chứ đâu còn luôn bị rình rập theo dõi như dưới chế độ "ưu việt" kia đâu mà lo. Vợ tôi thông cảm nhưng nhắc tôi rằng việc tới đâu hay tới đó "tính trước bước không tới", đừng có nói chuyện gì chưa đến.
Cuối năm 1997, chúng tôi đã sinh sống trên đất Mỹ được 5 năm. Nhìn về quê hương thấy giấc mơ hồi hương để sống nơi quê cha đất tổ còn quá mờ mịt. Cũng vào thời điểm này di dân nói chung và bà con người Việt nói riêng, đua nhau thi vào quốc tịch Mỹ để được hưởng nhiều quyền lợi hơn. " Ai sao mình vậy", chúng tôi cũng nộp đơn thi quốc tịch Mỹ.
Ngay khi hoàn tất việc nộp đơn, mỗi người được phát một bản gồm 100 câu hỏi có sẵn câu trả lời liên quan đến lịch sử, hiến pháp của Hoa Kỳ, về các cơ chế của guồng máy công quyền, về bổn phận và quyền lợi của người công dân v. v . để học mà trả lời khi được gọi phỏng vấn. Chúng tôi còn cẩn thận mua cả băng cassette thu giọng nói của người Mỹ về những câu hỏi cũng như câu trả lời để nghe cho quen.
Dù chuẩn bị tương đối kỹ, chúng tôi cũng không khỏi hoang mang vì những người đi trước nói mỗi người một cách. Có người nói thi quốc tịch dễ ợt. Họ kể những chuyện đại loại như có một bà khi vào phỏng vấn, người phỏng vấn đưa giấy bút rồi đọc câu tiếng Anh "The president lives in White House" và yêu cầu bà viết lại nhưng vì qúynh quá, nghe tai nọ ra tai kia, bà ta viết thành "The president lives in my house" vậy mà cũng đậu được. Có người thì lại hù rằng khi vào phỏng vấn họ đã bị quay như . . . dế, rằng phỏng vấn viên không chỉ hỏi trong phạm vi 100 câu hỏi mà còn hỏi nhiều câu hóc búa khác nữa. Theo những người này nói thì đậu được quốc tịch Mỹ cũng "chằng ăn trăn quấn" lắm. Nỗi lo lắng rồi cũng qua đi, đến ngày phỏng vấn gia đình tôi đều "đậu" cả. Người phỏng vấn nói chúng tôi đã đủ tiêu chuẩn để trở thành công dân Mỹ và hẹn ngày tuyên thệ.
Buổi lễ tuyên thệ đã diễn ra cách long trọng tại một tòa án cách chỗ chúng tôi ở khoảng hơn 2 giờ lái xe; nhưng chúng tôi phải để ra 4 giờ để đi đến đó vừa trừ hao thời gian tìm và hỏi thăm đường đến tòa án vừa muốn có mặt sớm sủa. Vậy mà khi tới nơi mới được biết chúng tôi là những người đến sau cùng. Trong phòng tuyên thệ, ngoài những nhân viên của sở di trú còn có đoàn hướng đạo sinh và hội phụ nữ địa phương đến tham dự.
Khi mọi người đã tề tựu đông đủ, ông chánh án trong y phục của một quan tòa, xuất hiện với một nụ cười thật tươi. Ông xuất hiện tại tòa lần này không phải để xử án mà để chủ tọa buổi lễ tuyên thệ của hơn 100 người đủ mọi sắc dân sắp trở thành công dân của nước Hoa Kỳ. Sau nghi lễ chào quốc kỳ và tuyên thệ, mỗi người lần lượt được gọi tiến lên phía trước để nhận những giấy tờ liên hệ đến việc trở thành công dân Hoa Kỳ và một lá cờ Mỹ. Sau buổi lễ, ông chánh án vui vẻ chúc mừng mọi người. Ông sẵn sàng chụp hình chung với những ai muốn có một tấm ảnh lưu niệm để ghi nhớ ngày đặc biệt này. Một tiệc trà cũng được tổ chức để khoản đãi những công dân mới. Cũng như hơn 100 người đến tuyên thệ trong ngày hôm đó, tôi chính thức có quốc tịch Mỹ, trở thành công dân của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ.
Từ ngày trở thành công dân Mỹ, tôi chưa một lần xử dụng đến cái "quyền được làm người Mỹ" của mình. Có chăng là mỗi lần đi sang Canada qua trạm kiểm soát ở biên giới, khi nhân viên kiểm soát hỏi quốc tịch gì thì tôi có thể mạnh dạn trả lời với họ tôi là"US citizen". Có lẽ đó là tất cả sự đổi thay đối với việc tôi vào quốc tịch Mỹ, ngoài ra không có gì khác. Tôi vẫn là người da vàng mũi tẹt. Tôi vẫn nói tiếng Việt, vẫn ăn thực phẩm đã quen ăn từ khi cha sinh mẹ đẻ. Tôi vẫn suy nghĩ và hành động theo cách suy nghĩ và hành động của người Việt Nam. Tóm lại, ngoài sự thay đổi về mặt pháp lý, hoàn toàn không có gì thay đổi trong con người của tôi. Tôi vẫn nghĩ quê hương thực sự của tôi là ở bên kia bờ đại dương. Tôi quan tâm đến những gì đang xảy ra trên mảnh đất hình chữ S nhiều hơn là những gì đang diễn ra quanh tôi.
Nhưng mọi việc đã đổi khác từ khi xẩy ra biến cố thảm khốc ngày 11-9.


Nhìn trên màn ảnh TV thấy chiếc máy bay do bọn khủng bố cướp đoạt đang lao vào Trung Tâm Thương Mại Thế Giới tại New York, tôi lặng người đi. Lòng tôi quặn đau khi nghĩ tới số phận của những hành khách trên máy bay và những người đang ở trong tòa nhà định mệnh này. Từ giây phút đó, như người bừng tỉnh sau một giấc ngủ dài, tôi không còn nhìn nước Mỹ như là một kẻ bàng quan. Tôi thực sự nhận ra mình là người trong cuộc, và như bất cứ người Mỹ nào khác, tôi hồi hộp theo dõi từng diễn biến của của biến cố.
Tôi thật mừng rỡ khi được biết Tổng thống Bush, Phó tổng thống Dick Cheney và ông Chủ tịch Hạ viện đã được nhân viên hữu trách đưa đến một nơi an tòan và được bảo vệ ở mức độ cao nhất. Tại nơi đây, các vị này có thể liên lạc với nhau và tiếp tục điều khiển nước Mỹ. Tại sao tôi mừng" Là vì theo hiến định, những vị này theo thứ tự sẽ cầm vận mạng của Hoa Kỳ. Họ sẽ là người điều hành guồng máy công quyền để bảo vệ an ninh cho dân chúng và đưa ra những biện pháp cần thiết để đối phó với tình thế. Nếu có chuyện không may xảy đến cho họ, đất nước không có người lãnh đạo như rắn không đầu sẽ rơi vào hỗn loạn, chính quyền sẽ sụp đổ. Những kẻ thù ghét nước Mỹ sẽ "chờ nước đục thả câu" tung ra những đòn phép hiểm độc hòng làm tan rã nước Mỹ. Trong tình huống như vậy, hậu qủa thảm khốc sẽ đến với người dân Mỹ mà tôi cũng không thể là một ngoại lệ.
Trong trận tấn công vừa qua, bọn khủng bố đã dùng thủ đoạn đê hèn nhất mà không ai có thể tưởng tượng được. Hàng ngàn sinh linh chỉ trong phút chốc đã bị cướp đi sự sống, bị tan xác hay là thân xác bị chôn vùi dưới đống tro tàn. Họ là những người thường dân, là đàn ông , đàn bà và trẻ em. Họ có một trái tim để yêu thương, có một gia đình để sống hạnh phúc, có một ước mơ để thực hiện. Họ là những người lịch sư, bặt thiệp, hiếu khách và dễ mến như bao nhiêu người Mỹ khác mà tôi gặp hàng ngày. Nay bỗng dưng họ biến mất vào hư vô. Cả thế giới bàng hoàng, cả nhân loại đều căm phẫn, lên án. Chỉ có bè lũ vô lương tâm và xuẩn động mới tỏ thái độ hả hê, vui thích trước thảm cảnh này. Những người có lương tri đều thấy bất nhẫn, đều chia sẻ nỗi đớn đau của đất nước và nhân dân Hoa Kỳ. Là người sinh sống trên đất nước này sao tôi có thể thờ ơ" Sao tôi không phẫn nộ trước những hành động điên cuồng ấy"


Chận đứng và tiêu diệt khủng bố là việc cấp bách phải làm. Việc đó không phải chỉ là trách nhiệm của chính quyền hay cơ quan an ninh mà bất cứ những ai đang được hít thở không khí tự do, đang được hưởng tinh hoa của nền dân chủ, bằng cách này hay cách khác, đều phải góp phần. Bọn khủng bố và bè lũ đỡ đầu cho chúng đã tuyên chiến với nhân dân Hoa Kỳ. Chúng coi mọi người Hoa Kỳ là mục tiêu tấn công của chúng. Những tin tức liên quan đến những nghi can dò hỏi mướn máy bay phun thuốc trừ sâu ở Florida và những điều tra của cơ quan FBI liên quan đến những người mua bằng gỉa để lái xe chuyên chở hóa chất cho thấy có khả năng bọn khủng bố đã nghĩ đến việc dùng chất độc hóa học để tấn công nước Mỹ. Bọn khủng bố có thể tấn công bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào, bằng bất cứ phương cách nào nhằm sát hại người dân Hoa Kỳ.Trước đây, khi Hoa Kỳ mở cuộc tấn công vào Irak nhằm ngăn chặn quốc gia này chế tạo các loại vũ khí hóa học và vi trùng, đã có nhiều người nghi ngờ lý do Hoa Kỳ đưa ra hoặc cho đó chỉ là cái cớ để Hoa Kỳ tấn công Irak với mục đích khác. Những sự kiện diễn ra trong những ngày gần đây cho thấy những cảnh giác của Hoa Kỳ không phải là điều bịa đặt mà có thật trong ý đồ thâm hiểm của những kẻ thù ghét Hoa Kỳ. Ngày nào còn bọn khủng bố thì ngày đó người dân Hoa Kỳ không thể ăn ngon ngủ yên được. Nếu như có được phép thần thông, nhất định tôi sẽ tình nguyện đi bắt bin Laden mà không hề nhận một đồng tiền thưởng.
Nước Mỹ đang ở trong chiến tranh. Tổng thống Bush đã tuyên bố như vậy sau khi bọn khủng bố tấn công vào Trung Tâm Thương Mại Thế Giới ở New York và ngũ Giác Đài ở Washington. Và rồi không chỉ bằng lời nói, chích phủ của ông Bush đã ban hành những biện pháp cần thiết cho một nước có chiến tranh. Tổng thống Bush đã tuyên bố tình trạng khẩn trương trên toàn nước Mỹ. Quân đội hiện dịch được lệnh thao luyện ráo riết và sẵn sàng lên đường tham chiến. Lực lượng trừ bị cũng đã có lệnh gọi nhập ngũ. Phi cơ, chiến hạm, vũ khí, quân trang , quân dụng đang được vận chuyển đến vùng Trung Đông. Nước Mỹ đang đi dần đến một cuộc chiến không thể tránh khỏi. Cuộc chiến này, cũng như bất cứ một cuộc chiến nào khác, chắc chắn phải có tổn thất và tốn kém. Để cung ứng cho cuộc chiến ấy, chính phủ sẽ phải huy động đến mọi nguồn nhân, vật và tài lực của đất nước. Điều này có nghĩa là người dân Mỹ, trong đó có tôi, sẽ phải chấp nhận hy sinh, sẽ phải thắt lưng buộc bụng, sẽ phải đương đầu với những khó khăn trong những ngày sắp tới.
Có một điều đáng mừng là nước Mỹ đã đoàn kết. Thực sự đoàn kết. Sau kỳ bầu cử Tổng thống vừa qua, nước Mỹ đã bị phân rẽ trầm trọng. Chia rẽ giũa hai đảng dẫn đến chia rẽ trong quần chúng và chia rẽ ngay trong nội bộ đảng gây khó khăn cho người lãnh đạo. Nay mọi người đã đồng một lòng. Những ai quan tâm đến chính tình Hoa Kỳ hẳn đã thở phào nhẹ nhõm khi thấy hai đảng đã chen vai sát cánh bên nhau, khi thấy những nhân vật đối lập tên tuổi tuyên bố đứng sau lưng Tổng thống Bush và sẵn sàng hậu thuẫn cho ông trong mọi quyết định cần thiết nhằm đối phó với tình thế. Mọi người sẵn sàng bỏ qua đi những bất đồng, sẵn sàng hy sinh quyền lợi của phe nhóm cho quyền lợi tối thượng của đất nước, cho vận mệnh của dân tộc. Đó là điểm son của thế chế dân chủ, của người Mỹ mà tôi có quyền tự hào vì tôi cũng là một phần tử của đất nước vĩ đại này.
Trên bình diện quốc tế, những biến chuyển chính trị sau vụ khủng bố 9-11 đang dành nhiều ưu thế cho Hoa Kỳ. NATO đã đi tiên phong trong việc hậu thuẫn các biện pháp quân sự của Hoa Kỳ. Ông Tổng thư ký của khối này nhận định rằng Hoa Kỳ bị tấn công có nghĩa là các nước trong khối bị tấn công và 18 nước thành viên còn lại trong khối đều có trách hiện hỗ trợ khi Hoa Kỳ lâm chiến. Ông Tổng thư Ký Liên Hiệp Quốc cũng kêu gọi các nước hội viên chống khủng bố. Hội đồng Bảo An yêu cầu Afghanistan giao nộp Osama bin Laden vô điều kiện. Tổng thống Pháp, Thủ tướng Anh, Thủ tướng Nhật, Thủ tướng Canada, Thủ tướng Úc, Ngoại trưởng Ý, Ngoại trưởng Á Rập v.v. đã tới tấp bay tới Washington để đoan chắc với Tổng thống Bush hay Ngoại trưởng Powell về sự cam kết ủng hộ Hoa Kỳ trong cuộc chiến chống khủng bố. Nga và Trung Quốc vốn muốn tranh giành ảnh hưởng, luôn kèn cựa với Mỹ cũng đã phải đồng ý với Hoa Kỳ trong nỗ lực tiêu trừ khủng bố.
Trên thế giới chỉ có ba nước thừa nhận chế độ Taleban ở Afghanistan là chế độ đã trực tiếp đỡ đầu bin Laden và tổ chức khủng bố của y thì hai nước Á Rập Saudi và Liên Đoàn Ả Rập Thống Nhất đã tuyệt giao với chế độ này. Chỉ còn lại Pakistan thì đã đứng hẳn về phía Mỹ, tích cực ủng hộ Mỹ trong nỗ lực tiêu diệt tận gốc bọn khủng bố. Nhiều nước khác cũng đã tuyên bố sẵn sàng cho nượn không phận hay ngay cả lãnh thổ để Hoa Kỳ có thể tiến hành chiến tranh trên bộ hay trên không đánh vào đầu não của bọn khủng bố ở Afghanistan. Các cơ quan tình báo trên thế giới cũng đã phối hợp chặt chẽ với nhau và đã cung cấp cho tình báo Hoa Kỳ nhiều tin tức hữu ích liên quan đến hoạt động của bọn khủng bố.
Tổng thống Bush đã thành công trong việc thành lập một liên minh quốc tế chống khủng bố. Nước Mỹ đang có những thuận lợi đúng như cựu Tổng thống Clinton đã nói, Tổng thống Bush có những thuận lợi mà các vị Tổng thống tiền nhiệm của ông không có, trong công cuộc diệt trừ nạn khủng bố vốn là mối bận tâm của Hoa Kỳ từ lâu. Với sự hưởng ứng và cộng tác tích cực từ nhiều quốc gia trên thế giới, Hoa Kỳ sẽ lãnh đạo cuộc chiến tiêu diệt tận gốc rễ mầm mống khủng bố để trả lại an ninh cho Hoa Kỳ và cả thế giới, trả lại an vui cho nhân loại. Nước Mỹ sẽ thắng lợi trong cuộc chiến chính nghĩa này. Người dân Mỹ sẽ hãnh diện về vai trò của nước Mỹ trong cộng đồng thế giới. Là người mang quốc tịch Mỹ làm sao lòng tôi không cảm thấy nôn nao"
Vận mạng của tôi và gia đình tôi giờ đây gắn liền với sự tồn vong của đất nước Hoa Kỳ. Nhưng tôi lại mang trong người dòng máu Việt Nam. Đất nước Hoa Kỳ hiện là quê hương của tôi nhưng tôi còn có một quê hương khác. Nơi đó tôi đã cất lên tiếng khóc chào đời, tôi đã vui sống cuộc sống vô tư của thời niên thiếu, và rồi khi trưởng thành, cũng như bao nhiêu chàng trai khác, tôi đã bị cuốn hút vào cuộc chiến chống lại chủ nghĩa phi nhân muốn áp đặt một chế độ độc tài trên mảnh đất miền Nam. Chúng tôi đã thất bại trong cuộc chiến tranh đó, đã bị cầm tù, rồi được chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ mở rộng vòng tay đón nhận vào mảnh đất tự do nhất trên trái đất này.
Tôi đã được hít thở không khí tự do,được hưởng mọi quyền lợi mà người dân Mỹ được hưởng, có được một cuộc sống đầy đu, nhưng tôi vẫn không thể nào quên được quê hương xưa cũ của tôi. Nơi đó đồng bào của tôi đang sống trong đói nghèo, đồng bào của tôi không được hưởng những quyền căn bản mà một con người được hưởng. Không có tự do tôn giáo, không có tự do ngôn luận, không có tự do hội họp và lập hội v.v. Càng được sống trong tự do, càng được đầy đủ tôi càng thương những người đồng bào khốn khổ của tôi.
Biến cố 9-11 đã mở ra cho tôi một tầm nhìn mới, một lối suy nghĩ mới. Mọi diễn biến trên đất nước Hoa Kỳ đều có liên hệ trực tiếp đến cuộc sống của tôi, của con cháu tôi. Hoa Kỳ, nơi tôi đang sinh sống, không còn là mảnh đất tạm dung mà đã thực sự trở thành quê hương của tôi. Việt Nam, nơi tôi đã từng có nhiều kỷ niệm trong qúa khứ, nay là quê hương cũ để cho tôi hoài vọng, nhớ thương. Tôi nghĩ ù có lẽ đó cũng là tâm trạng của những người đã an cư lạc nghiệp trên đất nước Hoa Kỳ.

Hải Triều

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,169,190
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến