Hôm nay,  

Chuyện Hai Bà Dì

08/09/200100:00:00(Xem: 160471)
Bài tham dự số: 02-344-vb30907


Tôi có hai Bà dì họ bên chồng, tiếng là dì họ nhưng thân thiết như ruột thịt. Gia đình các dì ở Tỉnh nhưng giàu có nên mua nhà trên Saigon cho các con ăn học và đi làm.
Khi chúng tôi lập gia đình, Ba Má tôi nói phải ở riêng mới cho cưới, mà năm đó tại Việt Nam đang đúng cái thời ăn bo bo, khoai lang độn cơm thì làm gì có tiền mua nhà. Dù vậy, bên chồng tôi cũng lo được chỗ ở cho chúng tôi. Đó là xin ở nhờ nhà của một trong hai bà dì trên. Tên Dì là Mười Một mặc dù là con cả nhưng Ba Má Dì kêu vậy cho dễ nuôi, vì trước Dì có mấy người không nuôi được.
Sau ngày mất nước các em Dì đều về quê , chỉ có mình Dì ở Saigon để đi làm, Dì dạy học, vì thế nhà chỉ có mình Dì, Dì đồng ý cho chúng tôi ở nhờ mà không lấy đồng nào, lại còn cho chúng tôi sử dụng nguyên căn dưói còn Dì ở trên lầu. Mặc dù lúc hỏi ở nhờ nhà Dì, Ba Má chồng tôi nói ở tạm chờ kiếm chỗ khác, vậy mà chúng tôi ở chung với dì hơn 3 năm trời, Dì cháu thuận thảo và Dì cũng không có ý định nói tụi tôi dọn đi.
Thật chưa thấy ai tốt hơn Dì, chúng tôi mang ơn Dì rất nhiều.
Dì có tấm lòng và lý tưởng giống như nhân vật hiền lương trong truyện của Ông Hồ biểu Chánh, là đi ra nước ngoài làm có tiền giúp đỡ cho người nghèo khó. Khi Dì tìm được mối đi vựơt biên, Dì nói Dì còn thiếu một cây vàng cho Dì mượn, nếu đi được qua bên đó đi làm có tiền Dì gửi lại cho, tính Dì từ trước đến giờ không bao giờ tính thiệt cho ai, và Dì giao nhà cho tụi tôi giữ phòng hờ Dì đi không được trở về còn có chỗ ở.
Ngay lần vượt biên ấy, Dì đi thoát, và được các em Dì qua trước bảo lĩnh.
Ngoài chồng tôi ra, Dì Mười Một còn có mấy đứa cháu họ khác. Khi đến Mỹ mục đích trước tiên của Dì là kiếm tiền giúp đỡ những đứa cháu đó. Năm nay Dì cũng đã năm mưoi mấy gần 60 rồi mà trông vẫn trẻ và khoẻ, Dì không lập gia đình, Dì đi làm hãng nhưng cuối tuần thì đi làm Nail, làm bao nhiêu Dì nhịn ăn nhịn tiêu để gửi tiền về nuôi 3 đứa cháu học xong đại học, mà ở VN tiền học đâu phải ít. Có lẽ trong đầu của Dì nghĩ đơn giản mình giúp đỡ chúng sau này già có tiền về VN ở có các cháu nó lo.
Sau mấy năm làm việc vất vả, Dì đã để dành được một số tiền định gửi về cho mấy đứa cháu mua nhà sau này Dì về dưỡng già. Không dè tình đời đen bạc, đâu cần chờ đến già, ngay khi Dì về VN chơi thì mấy đứa cháu từng được Dì nuôi cho ăn học, nay đã khá giả, chỉ dành cho bà Dì sự tiếp đãi lạnh nhạt. Đứa cháu nay là bác sĩ thì kêu bận con cái, đẩy Dì sang ở nhà đứa cháu dược sĩ. Ông cháu dược sĩ bất đắc dĩ phải chứa Dì thì để dì ở nhà một mình rồi đi làm, khi về nó hỏi Dì ăn chưa rồi tự động lấy đồ ra ăn không mời. Nhà lạ chẳng lẽ Dì đi lục đồ ăn. Muốn ra ngoài ăn. Dì còn phải đãi tụi nó nữa, vì lúc đó đói chẳng lẽ đi ăn một mình. Mà chúng có nghèo gì cho cam, mức sống của mấy ông cháu Bác sĩ, Dược sĩ phải kể là khá giả.
Sau chuyến đi VN, Dì quay về Mỹ và thấm thía tình đời. Nhưng Dì vẫn còn tấm lòng nhân hậu nên đã nhờ người tìm 1 đứa con nhà nghèo hiếu học để bảo trợ cho học như mấy đúa cháu kia. Tính Dì rất trung thực ngay cả với nước Mỹ này, khi bị thất nghiệp Dì cũng không xin trợ cấp mà dùng tiền để dành chi dùng, Dì nói: Ữ kệ Dì để đó khi nào già không làm được hãy hay. Sau đó Dì bôn ba từ tiểu bang này qua tiểu bang khác làm, chỗ nào có công việc là Dì đi.
Độc thân như Dì vậy mà hay, Dì đi các tiểu bang, nghe nói tuyết đẹp Dì đến tiểu bang có tuyết ở, Dì đi du lịch các nơi khi có dịp, ai cũng quý mến Dì. Bây giờ Dì lại quay về tiểu bang mà các em Dì ở. Làm hãng và làm Nail thêm, mộng của Dì là sang năm về VN chơi nữa nhưng không đến ở với mấy đứa cháu vô ơn mà sẽ tìm lại nhà các bạn già ngày xưa dạy học chung.
Dì có ngưòi em tên là Dì 12, hồi nhỏ bị bịnh đậu mùa (hồi xưa đâu có thuốc chủng ngừa như bây giờ) nhờ gia đình có tiền chữa khỏi không bị rỗ nhưng bị co rút tay chân, cơ thể không phát triển nhiều, thành ngưòi tàn tật. Cuộc sống của Dì Mười Hai đối với tôi cũng là tấm gương phấn đấu lớn. Khi qua My, Dì đi theo diện PIP tức là đi theo Mẹ do các em bảo lĩnh nên Dì không được hưởng gì hết kể cả thẻ xanh, sức khoẻ.. vv. . dù Dì là người tàn tật.
Ngay từ những ngày đầu tới Mỹ, Dì đã rất cố gắng vượt qua mọi khó khăn của số phận. Tuy tàn tật, yếu đuối, nhưng tính Dì cũng quả cảm giống như người chị.
Dì không hề xin trợ cấp sức khoẻ dù xin có thể được, vì nghe nói xin như vậy thì ảnh hưởng tới người em đã bảo lĩnh mình.
Khi chúng tôi qua Mỹ do Ba tôi bảo lĩnh, Dì liên lạc nói muốn bay qua Cali làm nghề may vì Dì không muốn là gánh nặng cho Gia đình các em, Dì ở nhà các em thì trông con cho tụi nó, phụ tụi nó cơm nước, và nuôi Mẹ già bị bịnh tai biến mạch máu não, vì các em Dì ai cũng bận đi làm, nên Dì đảm nhiệm hết. Nay bà mẹ đã qua đời, Dì muốn tự mình lo lấy thân.


Phải nói Dì Mười Hai là người đã gánh hết những gì không tốt cho mọi người trong gia đình. Mặc dù vậy, khi Mẹ Dì còn sống không hiểu sao bà rất ghét Dì, hay rầy la Dì. Thay vì thương yêu đứa con tàn tật, bà mẹ Dì hình như thương mấy người con lành lặn kia hơn. Dì hiểu vậy, nhưng không lấy làm buồn, vẫn nhẫn nhục chịu đựng.
Đến khi mẹ mất, Dì nghĩ mình đã xong bổn phận làm con rồi , ý của Dì là muốn tự kiếm tiền nuôi thân mình và dành dụm gửi về giúp cho các chùa nghèo ở VN.
Các em Dì cũng đều là người tốt, sẵn lòng nuôi chị, nhưng vì muốn cho chị mình thoải mái và độc lập nên để Dì tự do quyết định. Họ mua vé máy bay cho Dì và cẩn thận mua vé khứ hồi cho Dì phòng khi Dì muốn về thì còn có sẵn vé. Họ sợ Dì qua không có việc làm lại không có tiền trở về.
Chúng tôi thuê 1 Apt. 2 phòng xong, báo cho Dì biết để chuẩn bị qua. Dì và tôi mua máy may về cùng nhau may, Dì tuy tàn tật nhưng may rất giỏi. Từ lúc ở VN thỉnh thoảng Dì lên Saigon chơi, Dì đã cùng tôi đi học đủ thứ về nấu cơm Ta, cơm Tàu, cách làm mỳ sợi, làm bánh trung thu& làm các loai bánh, các món ăn tỉm sấm, làm bánh bằng thạch .vv... Lúc đó, hai dì cháu còn mơ hồ về cuộc sống bên Mỹ, cứ nghĩ bà con bên này chắc thèm món VN, nên học để qua Mỹ có thể đi nấu nhà hàng! Hai Dì cháu có lúc còn mơ mộng có thể cùng nhau mở nhà hàng ăn nữa. Nhưng qua tới đây bao nhiêu mộng tưởng tiêu tan, các nghề đã học chỉ đủ để biểu diễn... trong bếp. Dì ăn chay trường nhưng nấu thức ăn rất khéo. Đặc biệt, các món chay Dì nấu có thể nói ngon hơn các tiệm mà tôi đã ăn qua bên này.
Hai Di cháu may chung một thời gian, công việc giảm dần vì hàng may chỗ tôi ở ít, Dì lại nhà người bà con xa ở may tiếp. Khi biết tôi có ý định hoc Nail, Dì cũng muốn học để đổi nghề, và hai Dì cháu cùng học. Hàng ngày Dì đi xe buýt đi học dến 10 giờ đêm mới về cũng như tôi vì sinh kế vừa học vừa kiếm sống, tôi học chân trước chân sau chạy còn Dì thì chăm chỉ học không bỏ ngày nào, và về nhà thì cũng phải may phụ chung với người ta để kiếm tiền chi dùng.
Vì học nhiều giờ hơn nên Dì ra trường trước tôi 2 tháng. Vì thấy Dì tàn tật, ngay khi ngồi học, người ta đã dòm ngó xì xào Bà đó bị tật như vậy mà làm cái gì, thậm chí còn nghi ngờ Dì thi chưa chắc đậu nữa. Kết quả trái lại, Dì thi đậu liền trong khi nhiều người nghi ngờ Dì thì thi rớt cái bịch. Hôm Dì báo tin thi đậu tôi mừng lắm vì biết nó làm tăng tinh thần Dì lên rất nhiều.
Thi đậu rồi.Dì đi tìm việc khắp nơi nhưng ở đâu người ta cũng lắc đầu, khi Dì quay đi có người nói "Nhìn tướng bà ta kìa. Người như vậy ai dám đưa tay cho làm" Lành lặn như mình mà còn chưa ăn ai nữa là..."
Mặc những lời dè bỉu, Dì vẫn kiên nhẫn tiến tới, dù tôi biết hàng đêm Dì vẫn khóc thầm, đổ không biết bao nhiêu nước mắt cho số phận không may của mình. Không phải thấy tàn tật ai cũng thương, mà ngược lại.
Tôi rất khâm phục sức chịu đựng của Dì. Bản tính cũng giống như người chị của mình, Dì không muốn thiếu ai cái gì, hay nhận của ai cái gì mà không trả ơn lại, Dì nói: "Thà mình chịu thiệt chứ không để người thiệt."
Nghề Nail ở Cali cạnh tranh gay gắt, người đông, giá hạ. Dì quyết định về tiểu bang nơi các em Dì ở, vì bên đó nghề Nail phát triển nhiều, đang lúc thiếu thợ. Có người chủ tiệm Nail là chỗ quen biết nên mới nhận Dì vô làm. Dì xin thi đổi bằng, và 1 thời gian sau đó thì đi làm, hàng ngày nhờ cô em dâu tốt bụng đưa đón.
Dì làm móng tay, chân nước, ban đầu chủ tiệm chỉ cho Dì dọn dẹp này nọ, sau đó khi có đông khách họ mới cho ra làm. Trong tiệm Nail là nơi người ta đua nhau làm đẹp, mà Dì thì tay chân còng queo, đi đứng khó khăn, nhìn Dì người ta thật khó mà thoải mái khi đưa chân tay họ cho Dì làm đẹp. Hiểu rõ phận mình, Dì không nản lòng, kiên trì chăm chỉ miệt mài. Dần dà cũng có dăm ba khách quen chịu cho Dì làm. Tiền kiếm được, một phần Dì gửi về VN giúp đỡ bà con và giúp các chùa nghèo dưới quê.
Dì có lòng, lại chịu thương chịu khó nhưng số còn lận đận! Một hôm Dì bị tai biến mạch máu não, chân tay bị liệt nhẹ. Sau thời gian chữa trị, Dì đi lại dược nhưng khó khăn hơn trước, không thể làm việc được nữa, đành phải ở nhà.
Hôm biết tin Dì bịnh tôi gọi điện thoại hỏi thăm, Dì khóc,. Tôi gửi chút đỉnh tiền nói phụ Dì thuốc men thì Dì từ chối không nhận nói có các em Dì lo rồi.
Bây giờ Dì đang xin thẻ xanh, sau khi ở Mỹ gần 10 năm, khi nào có được thẻ xanh, hy vọng Dì sẽ xin được Medical, và an tâm dưõng bịnh. lành lánh dữ cho đỡ tội cho kiếp sau, Dì tin ở thuyết luân hồi của nhà Phật. Cầu xin Trời Phật phù hộ cho những ngưòi có tấm lòng từ tâm như Dì. Dì nói chắc kiếp trước Dì nhiều tội nên kiếp này phải trả và Dì ăn chay Niệm Phật, làm lành lánh dữ.
Riêng tôi, mỗi khi gặp khó khăn vất vả, tôi thường nhớ tới nghị lực và từ tâm của các Dì và thấy mình có thêm sức mạnh. Dì Mười Một ăn ở hiền lương. Dì Mười Hai tàn tật mà nhẫn nại hiếm có. Cả hai Dì đều đã làm việc thêm trong các tiệm Nail ở Hoa Kỳ. Tiệm Nail, nghề Nail của người Việt tại Mỹ chắc còn rất nhiều những tấm gương tốt đẹp khác.

ANH NGA

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,180,623
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến