Hôm nay,  

Chuyện Đời 1 Nữ Sinh Viên

02/08/200100:00:00(Xem: 152142)
Người Viết: Faith Linh H. Ngo
Bài tham dự số: 02-310-vb0429

+
Tôi năm nay mới hơn 19 tuổi, là một sinh viên tại San Jose State University nằm trong thung lũng hoa vàng.
Gia đình tôi đã qua Mỹ hơn 10 năm. Dù có những điều không đúng như mong ước, tôi vẫn cảm thấy mấy mẹ con tôi may mắn hơn những gia đình khác. Chúng tôi không phải đi vượt biên, mà đã được ba tôi bảo lãnh theo diện ODP.

Lúc đầu, khi vừa đặt chân đến đất Mỹ, tôi cứ nghĩ rằng mình sẽ có cha, có mái ấm gia đình, muốn gì được nấy. Nhưng sau đó, mẹ tôi cho anh em tôi biết là chúng tôi sẽ không ở chung với ba tôi.
Sau khi ba mẹ tôi làm thủ tục ly dị, mẹ tôi đã dẫn tôi và anh tôi về định cư tại San Jose, California vì đa số thân nhân gia đình bên mẹ tôi đều ở tại California. Còn bên gia đình ba tôi thì đang định cư bên Boston, Massachusett.
Lúc đó nước mắt tôi rơi và tôi cảm thấy cuộc sống của tôi đã không còn may mắn có được hạnh phúc mà tôi hằng mong ước. Khi ba tôi đi vượt biên qua Mỹ tôi chỉ mới sanh ra được ba tháng. Biết bao năm qua, tôi đã mơ ước được gặp ông.
Mấy mẹ con tôi ổn định được cuộc sống tại miền đất ấm áp của tiểu bang California. Lúc đầu gia đình tôi đã được sự giúp đỡ tận tình của những cô chú, anh chị em bên gia đình Mẹ tôi. Anh em tôi đi học đàng hoàng, còn mẹ tôi thì đi làm để kiếm tiền nuôi chúng tôi ăn học.
Vì bận rộn với công việc và đời sống hàng ngày, từ từ gia đình chúng tôi bắt đầu thay đổi. Me tôi thì cứ lo đi làm kiếm tiền, anh tôi học cho đến lớp 12 thì bỏ học đi chơi. Còn tôi thì cũng đi chơi sau những giờ tan trường. Khi về tới nhà thì cơm ai nấy ăn. Gia đình chúng tôi càng ngày càng ít có những bữa cơm chung hay ngồi nói chuyện vui đùa với nhau như lúc mới qua Mỹ. Tình cảm mẹ con càng ngày càng phai nhạt. Tôi ưa gây gổ với mẹ tôi. Mẹ thì ưa la còn tôi thì ưa cãi. Có nhiều lần mẹ còn cho tôi bạt tai vào mặt. Anh tôi thì đi chơi tối ngày với bạn bè. Từ từ anh em chúng tôi ít có bao giờ nói chuyện hay đi chơi chung. Mạnh anh anh đi, mạnh tôi tôi đi.
Dù ham chơi hơn học, nhưng chúng tôi cũng đã ra trường trung học như tất cả những học sinh khác. Sau đó anh em chúng tôi ghi tên vào đại học. Anh tôi được nhiều trường nổi tiếng tại California nhận, nhưng anh không chịu đi xa, chọn một trường đại học nhỏ nằm trong thành phố San Jose. Bị bạn bè rủ rê, ham chơi, sau cùng anh tôi đã bỏ học nữa chừng để đi làm. Xét ra anh thông minh và nhanh nhẹn hơn tôi, cho đến bây giờ tôi vẫn không hiểu tại sao anh không chịu trở lại trường học.
Riêng tôi, bây giờ là đứa con duy nhất trong gia đình được may mắn vào đại học. Tuy ngày xưa tôi ham chơi và hay gây lộn với mẹ, nhưng tôi không bao giờ bỏ học.
Điều tôi sai lầm và làm cho mẹ tôi thất vọng nhất, đó là việc tôi lấy chồng sớm và có con sớm. Tuy vô trường tôi là một học sinh, nhưng khi về nhà tôi là một người mẹ trẻ tuổi. Có nhiều khi tôi cảm thấy mình sống trong hai thế giới khác nhau.
Tôi lấy chồng ngay sau khi xong trung học. Không vui với anh, với mẹ, tôi cứ tưởng mình sẽ tìm được hạnh phúc thật sự với người đàn ông này. Nhưng đời đâu dễ dàng như chuyện cổ tích mà tôi thường đọc lúc còn là con nít. Vợ chồng chúng tôi sống được gần một năm thì tôi mang thai. Lúc tôi mang thai được bốn tháng thì người đàn ông ấy bắt đầu thay đổi tánh tình. Anh ấy đi làm ra, chỉ ưa ngồi những quán cà phê, có hôm đi quán nhậu, bia ôm cho đến một hai giờ sáng mới về tới nhà. Chúng tôi ưa gây gổ, càng ngày tình cảm vợ chồng càng lạnh nhạt. Cuối cùng hôn nhân gãy đổ. Trong suốt thời gian tôi mang thai, người đàn ông đó đã bỏ tôi ra đi. Trong thời gian tôi mang thai mẹ và anh tôi đã an ủi và giúp đỡ rất nhiều cho tôi. Gia đình đã giúp cho tôi cả tinh thần lẫn vật chất. Vào mùa hè năm qua tôi vừa mang thai vừa đi học hè vì tôi không muốn suy nghĩ nhiều rồi lại không tốt cho thai nhi.


Cho đến ngày 6 tháng 9 năm 2000, đứa con của tôi đãõ được chào đời. Tôi đặt tên con tôi là Ngô Hoàng Bejamin. Sau khi sanh xong chưa đầy một tháng thì bên gia đình chồng tôi lại muốn giữ và đòi quyền nuôi dưỡng đứa con tôi. Tôi cảm thấy rất là buồn, chán nản và lo sợ, vì bên gia đình chồng tôi có tiền, họ mướn luật sư để đòi quyền nuôi dưỡng đứa con.
Chỉ mới 19 tuổi, tôi không biết rành về luật pháp. Nhiều đêm đêm tôi ôm con mà khóc vì không biết phải giải quyết cách nào.
Cho đến một ngày khi tôi nhận được thư luật sư của chồng tôi gởi. Từ lá thư luật sư đó, tôi đã bắt đầu suy nghĩ mình phải nên làm gì với bên chồng. Sau đó, tôi gọi điện thoại hỏi thăm bạn bè tôi phải nên làm gì với lá thư luật sư của chồng tôi. Rất may, một người bạn của tôi đã chỉ giúp cho tôi đi lên tòa điền đơn để trả lời lại cho luật sư của chồng tôi. Khi đến tòa tôi đã được những sự giúp đỡ của những người Mỹ làm giấy tờ tại tòa. Họ đã chỉ cho tôi những số điện thoại để gọi những luật sư để đứng ra biện hộ cho tôi trong ngày ra tòa. Tôi tốn rất nhiều thời gian để hoàn tất những thủ tục của tòa.
Vì chuyện sanh đẻ và ly dị, tôi đã nghỉ một mùa học để lo cho con tôi và làm giấy tờ. Cho đến giờ cuối cùng bà luật sư người Mỹ gốc Mễ đã chấp nhận biện hộ giùm tôi. Và cuối cùng chuyện ly dị của chúng tôi đã kéo dài suốt gần cả hai tháng mới xong. Anh ấy phải cấp dưỡng cho con tôi và ảnh đã chấp nhận ngày giờ đến thăm con. Nhưng cho đến ngày hôm nay anh ấy cũng không đến thăm đứa con, và không ai trong gia đình ảnh gọi điện thoại để thăm hỏi một lời.
Sau những chuyện này tôi cảm thấy bản thân tôi rất mạnh dạn để đi đương đầu với những khó khăn trong cuộc đời này của tôi. Tôi nghĩ rằng khi chấp nhận để đứa con chào đời, tôi đã nói với chính bản thân tôi cho dù chuyện gì xảy ra tôi phải gánh trách nhiệm làm một người Mẹ, và tôi sẽ cố gắng tạo ra những gỉ tốt đẹp nhất cho con của tôi.
Sau khi tôi có con thì tôi mới biết được tình thương và sự lo lắng của người Mẹ như thế nào, cũng như là mẹ tôi đã từng lo lắng và thương yêu tôi vậy. Tôi cảm thấy rằng đứa con tôi hoàn toàn thay đổi cuộc đời của tôi rất nhiều.
Điều may mắn nhất đối với tôi đó là tôi vẫn còn mẹ bên cạnh. Mẹ tôi khuyên can an ủi, cổ võ để tôi đứng dậy làm lại từ đầu. Mẹ còn tha thứ cho tôi những gì tôi đã làm mẹ đau buồn trong quá khứ. Hiện tại, mẹ giúp tôi chăm nuôi bé Benjamin vào ban đêm để cho tôi đi học, còn ban ngày thì tôi phải chăm nuôi bé Benjamin và làm công chuyện nhà trong những giờ mẹ tôi đi làm.
Cuối cùng những đau buồn và lo sợ kia tôi đã vượt qua hết. Tôi rất vui mừng và hãnh diện về chính bản thân tôi. Tôi đã cố gắng đứng lên để tranh đấu cho cuộc đời của tôi và bé Benjamin mai sau. Bây giờ tôi chỉ đợi học xon đại học và ra trường, đi làm để giúp đỡ mẹ và nuôi con.
Bé Benjamin bây giờ đã được chín tháng và bé rất dễ thương, trong nhà ai ai cũng thương yêu bé. Nhờ có bé, tôi đã hiểu ra và đã tìm lại được những tình thương và hạnh phúc của gia đình mà tôi đã mất trước đây. Chính con tôi đã mang đến những tình thương và hạnh phúc ấy. Nhất là tình mẹ con giữa tôi và mẹ tôi càng gần gũi nhiều hơn.
Cũng chính bé Benjamin đã đem đến cho tôi hiểu biết và nghị lực biết để quyết tâm học hành. Chỉ có học vấn mới giúp mẹ con tôi thoát được cảnh nghèo khó trên đất Mỹ này.
Viết ra sự thật về cuộc đời của mình, một sinh viên đồng thời là một single mom tại đất Mỹ, tôi muốn đem bài học đời này của tôi, để gởi đến những đọc giả trẻ tuổi như tôi bên ngoài xã hội. Tôi muốn những bạn trẻ ấy đọc bài văn này để rút kinh nghiệm , đừng vấp phải lỗi lầm như tôi, để phải tự rước lấy rắc rối, đau khổ đến cho bản thân và những người yêu thương của mình.
Đất nước này có quá nhiều tự do, ít ràng buộc, cho nên có quá nhiều bạn trẻ nữ có con sớm như tôi. Vì một phút ham chơi và sai lầm mà phải trả những giá rất đắt.
Tôi mong các bạn nên suy nghĩ thật kỹ trước khi quyết định một điều gì. Đừng quên, chỉ một quyết định sai cũng đủ đưa cả cuộc đời chúng ta sang một con đường khác.

FaithLinh H. Ngo

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,224,447
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến