Hôm nay,  

Câu Chuyện Thật

12/07/200100:00:00(Xem: 161524)
Bài tham dự số: 02-296-vb0713

Khởi đầu, không ai trong chúng ta những người đang tỵ nạn ở đây nghĩ rằng mình sẽ định cư ở nước Mỹ cả. Tôi viết theo lời kể của người “trong cuộc”. Đây là câu chuyện có thật, trừ tên nhân vật buộc phải thay đổi...
Đến bây giờ tôi vẫn chưa quên cụm từ “di tản chiến thuật”. Tôi có ông anh đã chết trong một trại tù ở miền Bắc. Anh bị tập trung “cải tạo” chỉ vì đã làm việc ở “Phủ Bạch Đằng” trước năm 1975. Anh là người đầu tiên gieo vào đầu tôi ý niệm ”di tản”. Thực ra là tôi nghe lén thôi vì lúc đó tôi chỉ là con bé ở độ tuổi còn tắm mưa. Vào một ngày cuối tháng 4 năm 1975, anh ấy từ đơn vị vội vàng trở về nhà thông báo:
- Tình hình trở nên nguy kịch lắm rồi. Ba má lo liệu thu xếp di tản theo đơn vị của con. Mấy ông xếp trong đơn vị đã chuẩn bị đưa vợ, con, cha mẹ và anh em đến điểm tập trung để chờ ra phi trường Tân Sơn Nhất. Lệnh này chỉ được phổ biến giới hạn trong nội bộ mà thôi. Điểm đến là chưa ai biết được là ở đâu. Ngoài ra, theo con nghe nói phong phanh, là có khả năng quân dân cán chính được di tản bằng tàu của Hải quân.
Ba tôi thì hồn nhiên tự tại trước cái tin mà ông anh tôi nghĩ rằng ông cụ sẽ đón nhận và chia xẻ. Ông nhìn anh tôi thương xót và có vẻ thông cảm cho nổi hốt hoảng của con. Có lẽ ông cụ lúc đó nghĩ rằng: “Tội nghiệp thằng nhỏ, nó sợ bị trả thù”. Ông cụ an ủi anh tôi:
- Đi đâu con, mình sinh ra lớn lên ở xứ sở này. Nếu ngày nào đó con phải ra đi, thì chỉ có cái mảnh đất này là nơi đến con à.
Mặc dù còn nhỏ, nhưng tôi cảm nhận được nổi buồn qua ánh mắt của anh tôi. Anh thất vọng tột cùng, nhưng vì có hiếu anh chỉ biết cúi đầu im lặng vâng lời. Tất nhiên anh từ bỏ ý định “di tản chiến thuật”.
Một ông anh khác trở về và cũng đề nghị ông cụ ra đi. Ông cụ tiếp tục từ chối với ý nghĩ đơn giản là: “Hòa bình rồi, mấy ông anh tôi sẽ không ai phải đi đánh trận hoặc xa nhà”. Ông nói: “Mặt trận GPMNVN tuyên bố hòa giải hòa hợp dân tộc. Thôi các con được về nhà làm dân là ba vui rồi. Ở đâu tụi con cũng phải làm để có mà ăn. Khỏi phải đi đâu hết”.
Ông giải thích tiếp:
- Ngày trước, vì hoàn cảnh lịch sử, đất nước mình chia đôi, nên một số người phải di cư vô Nam. Dù đi đâu, đó cũng là quê hương mình. Còn bây giờ mà bỏ đi thì biết bao giờ tụi con trở về quê hương và gặp lại họ hàng. Các con đâu phải là những nhà chính trị. Các con cũng không có gì để mất.
Kết cục các anh tôi cũng không thể ra di một mình, khi cha mẹ anh em còn đó. Nhìn ra đường, tôi thấy mọi người tay xách tay bồng bế nhau chạy đi lánh nạn. Có thể vì tò mò, tôi cũng muốn chạy theo họ, nhưng biết đi đâu, trong khi đường phố SaiGòn tôi còn chưa biết hết. Ở xóm tôi, có nhiều người cứ chạy loanh quanh trong thành phố. Cuối cùng họ lại quay về nhà.
Ngày 30 tháng 4, một người anh khác lại trở về trong bộ thường phục thay vì quân phục như trước đây. Thế là cả nhà tôi sum họp, Ba tôi khuyên các anh:
- Nghe nói chính phủ Cách Mạng Lâm Thời chỉ tập trung những anh em sĩ quan chế độ củ mười ngày để học tập cái gì đó. Ba tôi khuyên nhủ các anh tôi:
- Trước đây tụi con đi hành quân năm bảy tháng mới về một lần. Bây giờ chỉ đi có mười ngày thôi. Các con cố gắng tuân theo lệnh của Chính Phủ, sau đó về làm ăn sinh sống an nhàn.
Ba người anh tôi lần lượt trình diện.


Ngày tháng trôi qua, mẹ tôi cứ mòn mỏi trông chờ các con trở về. Trong thời gian đó, để thăm nuôi các con, mẹ tôi cho đồ đạt trong nhà lần lượt “cuốn gói ra đi”. Tội nghiệp cho bà chị lớn của tôi. Bà cứ xoay vòng lặn lội từ Nam ra Bắc để thăm các em, ba mẹ tôi lớn tuổi vì lý do sức khỏe không đi được. Có lần năm đó tôi lớn thêm được vài tuổi, tôi cũng được đi theo bà chị vào tận rừng sâu để thăm một người anh.
Một ngày kia bà chị lớn của tôi chuẩn bị khăn gói ra Bắc. Chị lên đường lần này trong tâm trạng khác với những lần trước. Chị ra đi không phải là để gặp em mình, mà là đi thăm mộ. Đến nơi, chị được cán bộ coi tù hướng dẫn ra mộ anh ấy. Tên anh được ghi trên miếng gỗ thô sơ với dòng chữ nhận diện”Đinh Đình Hợp Tác chết ngày..tháng...năm” không có chữ yên nghỉ! Một nổi buồn được biết trước đó vài ngày, vì Ủy Ban Nhân Dân Phường đã gởi giấy Báo Tử đến nhà tôi. Gia đình tôi, tất cả đều đau buồn trước mất mát này...
Nhiều năm qua đi, Sau cơn mua dài, trời bắt đầu lại “sáng”. Những người đã từng bị cải tạo rỉ tai nhau gởi đơn qua văn phòng ODP thuộc Tòa Đại Sứ Mỹ tại Bangkok để xin được ra đi. Có người lúc bấy giờ vẫn chưa tin là khả năng đó xảy ra, nên còn do dự.
Riêng ba tôi, lần này ông cụ quyết định nộp đơn cầu may. Kế tiếp HO một, hai, ba rồi cứ thế những người cựu tù tiếp tục lên đường cùng với vợ con.
Một ngày kia, ông cụ nhận được thư thông báo của phái đoàn Mỹ. Tôi còn nhớ rỏ họ cho biết: “Chưa có cha mẹ nào xin ra đi (thực tế là tỵ nạn) theo chương trình ra đi có trật tự (ODP) vì lý do con độc thân chết trong trại cải tạo. Về phía Văn phòng ODP thì mô tả: “Đây là một trường hợp ngoại lệ”. Có thể luật tỵ nạn trên thế giới cho đến giờ này vẫn chưa giải thích đúng với thực trạng xã hội, qua đó người ta có thể xét đến việc chấp thuận cho ra đi hoặc không căn cứ vào yếu tố nhân đạo thay vì một mớ nguyên tắc cứng ngắt. Ngược lại, ông cụ thì được phía Bộ Nội Vụ Việt Nam cấp hộ chiếu chờ ngày phỏng vấn vv...
Thế mới biết, đâu phải chương trình nhân đạo nào cũng hoàn hảo. Khi hoạch định chính sách, tác giả thường không cảm nhận được sự đau khổ mà người khác gánh chịu. Sau này, chúng tôi có gởi thư khiếu nại đến thượng nghị sĩ John Mc Cain. Vì nghe dư luận kể: “Chính ông là tác giả tu chính án giúp cho nhiều người đi theo diện HO bị bác đơn, nay được tái cứu xét lại” Rồi ông đã trả lời cho ông cụ đại ý như sau:
- Hy vọng trường hợp của ông có thể được giải quyết thỏa đáng.
Trước ngày lên đường đi Mỹ định cư, tôi có hứa với ba tôi, là tôi sẽ cố gắng tiếp tục viết thư cho ông thượng nghị sĩ ấy, dù hy vọng rất mong manh...
Bây giờ tôi ngồi ngẫm nghĩ lại. thấy trong đời ba tôi, mọi quyết định của ông đều đúng. Ngoại trừ việc ông khuyên các anh tôi ở lại, thay vì các anh ấy đã “di tản chiến thuật” từ năm 1975.
Dù sự thể có ra sao đi nữa, ông cụ cũng chỉ làm một điều: “Khuyên dạy cho con mình biết bằng lòng với cuộc sống bình thường của một công dân. Ông khuyên các con yêu thương xứ sở của mình, đừng ra đi.” Như bao người cha khác, ông chỉ mơ ước con em mình không phải ra chiến trường nữa. Buồn thay niềm mong muốn đơn giản của ba tôi không bao giờ trở thành sự thật. Ông đã đón nhận hòa bình trong một tình huống đáng buồn... Đến khi ông thay đổi ý định, cơ hội không bao giờ đến với ông nữa.
Kể xong câu chuyện, người bạn tôi bật khóc thành tiếng!
VƯƠNG NGUYỄN

Ý kiến bạn đọc
16/08/201708:47:57
Khách
Bon CSVN VO CUNG TAN AC va GIAN MANH. Nay chi vi bi Tau Cong DAP LEN DAU CHIU KHONG NOI moi quay qua "theo My" ( sic ).
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,192,959
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến