Hôm nay,  

Chuyện Gia Đình Tôi

19/04/200100:00:00(Xem: 182708)
Bài tham dự số: 02-220-vb0420

Khi Cộng Sản xâm chiếm miền Nam ngày 30-4-75, gia đình chúng tôi mỗi người một ngã. Tài sản, nhà cửa đều bị tịch thu. Chồng tôi thì bị đi tù cải tạo tận miền Bắc. Đứa con gái lớn là Phạm Tuyết Vân sau khi tốt nghiệp trường Đại Học Kinh Tế, bị đưa tuốt xuống tỉnh Minh Hải xa xôi. Đứa con gái kế là Phạm Tuyết Thu ở đậu nhà bác để tiếp tục học trường Dược Khoa II, đứa con trai thứ ba là Phạm Trung Thanh bị đuổi khỏi trường Y khoa Minh Đức vì nó thuộc đối tượng thứ 13, nghĩa là con của ngụy phải đạp xích lô để sinh sống.

Tôi và ba đứa nhỏ phải hồi hương về quê làm ruộng. Má tôi già yếu vì thương cho hoàn cảnh của gia đình tôi nên đau ốm liên miên và đã qua đời. Thật là đau đớn làm sao, cả cuộc đời tôi chưa làm được điều gì để báo hiếu cho người!

Ôi! Kể sao cho xiết những nổi thống khổ trong giai đoạn này. Dân trong làng Bình Trịnh đông phần đông trước kia là tá điền, tá thổ của ông ngoại tôi là cai tổng Phạm Văn Cần. Cũng may trước kia ông bà tôi ăn ở hiền lành nên làng xóm cũng chấp nhận cho chúng tôi hồi hương, nếu không họ đã tố khổ chúng tôi để trả nợ máu của cha ông để lại.

Về quê được chị chồng chia cho 30 sào ruộng và một miếng đất đầy hào hố để ở. Sau đó một con kinh được đào ngang qua miệng ruộng nên chỉ còn lại có 20 sào. Hai đứa nhỏ là Phạm Trung Nguyên Và Phạm Tuyết Nhung phải lội bộ vô huyện Tân Trụ để học trường Trung học, cách xa nhà cở 5 cây số. Thằng anh là Phạm Trung Quang 18 tuổi, mới vừa đậu tú tài 1 phải theo tôi về quê giúp đở gia đình. Nó làm ruộng cực khổ quanh năm mới có đủ gạo nuôi cả nhà, tôi còn phải đi kéo lưới kiếm tôm cá để có miếng ăn.

Ngoài những cực khổ để kiếm miếng cơm manh áo, chúng tôi còn bị bọn Cộng Sản địa phương bắt đi lao động như: Đào kinh, đắp đê, đắp hố. Ban đêm thì phải đốt đèn dầu băng rừng lội ruộng để đi họp tổ, họp đoàn. Đường đi bùn lầy trơn trợt, có khi vấp té bằm dập cả mặt mày mình mẩy.
Về thực phẩm thì chúng cấp một cuốn sổ để mua: muối, dầu lửa, nước mắm, vải sồ, kim chỉ...lâu lâu mới mua được một lần, mỗi lần đi phải đem cơm nước theo ăn vì có khi phải chờ từ sáng tới chiều mới tới lượt mình. Khi đau ốm thì tới Y tá xã để xin thuốc uống, chỉ độc nhất có một thứ thuốc là Xuyên- tâm- liên, trị bá chứng.

Đang là một gia đình trung lưu, đủ ăn đủ để, thế mà bỗng chốc trắng tay trở thành thứ dân cùng đinh mạt rệp. Còn một số vốn liếng cả chục triệu bạc lúc đó vẫn còn gởi ở ngân hàng vì rút ra không kịp, hơn nữa dù có rút ra, biết phải cất giữ ở chỗ nào, Rốt cuộc cũng bị tịch thu hết không trả lại đồng nào. Sau 2 lần đổi tiền tôi chỉ nắm trong tay 100 đồng tiền Cộng Sản.

Tưởng đâu ông xã đi cải tạo chừng vài ba tuần rồi về ai dè ổng đi múc mùa luôn, bỏ lại cho tôi gánh nặng nghìn cân. Thôi thì cũng đành gánh vác. Sau 3 năm bặt tin, tôi mới nhận được thơ của chồng, cho hay là đang học tập cải tạo tại Hà Sơn Bình ở miền Bắc. Ảnh nói là được nhà nước đối đãi tử tế, nhưng xin gia đình tiếp tế thực phẩm.

Sau này, khi được thả về, ảnh mới nói cho biết là những người cải tạo đều được học tập về việc viết thơ về nhà. Phải động viên gia đình, phải nói tốt chế độ cộng sản, mọi lá thơ gởi đi đều qua sự kiểm duyệt rất gắt gao, ảnh nói bóng nói gió là chừng nào “thằng Nhơn cưới vợ thì ảnh sẽ được về.” Nhơn là thằng cháu kêu tôi bằng cô ruột, đã tử trận trước năm 75 ở tiểu khu Phước Long. Ôi! nghe mà bủn rủn chắc không mong ngày trở lại.

Mặc dầu nghèo khổ thỉnh thoảng tôi cũng ráng gởi cho ảnh gạo, mắm, đường khô...Có lần tôi dấu tờ giấy bạc 20 vào bụng con khô cá sặc gởi cho ảnh, thế mà cũng bị bọn cán bộ moi ra tịch thâu và ảnh còn bị tra hạch đủ điều.

Năm 1980, mặc dầu túng hụt, thấy chị em đi thăm nuôi chồng liền liền, tôi cũng ráng vay mượn tiền của bà con để đi xe lửa ra Bắc thăm.

Sau 3 ngày đêm gian nan vất vả, tôi và cháu Tuyết Thu mới lần mò đến trại Hà Sơn Bình với một giỏ quà quí báu của bà con mỗi người một món. Sau khi đưa danh sách thăm nuôi lần lượt những người bạn đồng hành đều được gặp những người thân thương. Chỉ còn tôi và cháu Thu ngóng dài cổ mà không thấy nhà tôi xuất hiện. Sốt ruột quá Mẹ con tôi mới đến năn nỉ người nữ cán bộ. Chị ta ngoe ngoảy nói: “Tôi đã thông báo rồi mà chồng chị không muốn gặp mặt vợ con thì thôi chớ tôi làm sao mà biết được.”

Một lúc sau nhờ có ông bạn quen trở vô trại nhắn dùm thì mới thấy nhà tôi vội vả đi ra. Thì ra lúc được thông báo, ảnh tưởng văn phòng kêu lên làm việc về vụ con khô sặc như mọi khi nên anh lên đợi ở văn phòng, chớ đâu có ngờ là vợ con ra thăm nuôi.

Ông xã tôi được tha từ trại cải tạo về năm 1984, mang theo trong mình hai chứng bệnh ngoặt nghèo mà nào có biết. Đó là bệnh tiểu đường và bệnh cao máu. Bệnh tiểu đường thì đến khi qua Mỹ 1993 mới khám phá ra, còn bệnh cao máu thì một hôm đi đám giỗ nhà bà con làm bác sĩ, nhờ đo dùm nên cũng có uống thuốc.

Nghe đồn là chánh phủ Mỹ chấp nhận cho những người đã cải tạo và các con còn độc thân được sang định cư ở Mỹ, nên 2 đứa con gái của chúng tôi không chịu lấy chồng, hy vọng là được cùng đi với cha mẹ. Chúng tôi sống đạm bạc để chờ thời cuộc đổi thay, đến năm 1991 mới được nộp đơn xin xuất cảnh sang Mỹ với diện tị nạn. Vì không có nhiều tiền bạc để lo lót nên đến năm sau chúng tôi mới được cấp hộ chiếu để cho phía Mỹ phỏng vấn.

Chúng tôi nhận số HO 18, những HO đầu từ HO 1 đến HO 15 phỏng vấn dễ dải vì Mỹ chưa biết những mánh mung của Cộng sản Việt Nam, tới HO của chúng tôi thì đã đổ bể ra nhiều vụ hồ sơ gán ghép, khai man, dối trá nên việc phỏng vấn của phái đoàn Mỹ trở nên gắt gao, dè dặt.

Sau một năm dài chờ đợi, chúng tôi dẫn đàn con cháu gồm 6 đứa và vợ chồng chúng tôi vào phỏng vấn với niềm hy vọng tràn trề. Nào ngờ sau một tiếng đồng hồ lo âu hồi hộp, bà phỏng vấn viên chỉ chấp nhận cho hai vợ chồng chúng tôi mà thôi, còn từ chối tất cả đám con cháu vì lý do không đủ điều kiện. Chúng tôi biết chắc chắn là vì chúng không sống liên tục cùng hộ khẩu với chúng tôi, trong giai đoạn đó, chúng tôi thất vọng não nề nhưng đành cam chịu chớ biết làm sao bây giờ. Thấy con gái út của tôi buồn rầu khóc lóc vì sợ phải xa cha mẹ, tôi cầm lòng không đặng định ở lại VN không đi Mỹ nữa. Nhưng ông xã tôi nói là ông không thể sống dưới chế độ Cộng Sản, tôi đành gạt nước mắt theo chồng với hy vọng là sẽ bảo lãnh các con sau.

Trải qua biết bao giai đoạn làm thủ tục, giấy tờ phức tạp, chích ngừa và khám sức khỏe, mỗi lần đi là phải cả ngày chờ đợi. Tôi thì qua khỏi trót lọt, còn ông xã tôi thì khi đã có chuyến bay, trước ngày tái khám lần chót, có lẻ vì lo buồn nhiều nên ảnh bị stroke, may mà bị đứt mạch máu nhỏ, chúng tôi vóc sức ra để mà lo chữa trị cho ảnh nếu nặng một chút thì đã theo ông bà rồi.

Khi đi khám lại ở bệnh viện Chợ Rẩy, tôi hồi hộp lắng nghe vì phòng nam và nữ gần nhau. Tới phiên ảnh, thật đúng y như rằng, tôi nghe ông Bác Sĩ nói, ông này phải đưa qua phòng bên kia khám lại, thế là ảnh bị đình hoãn chuyến bay đến 3 tháng để trị bệnh. Trong 3 tháng đó ngày nào cũng phải chờ ảnh đi chạy điện ở Bác Sĩ tư và gọi một chuyên viên đấm bóp đến để nắn gân cốt cho ảnh. Khám lại lần nữa may thay lần này được thoát nạn.
Những bạn HO khác được đi trọn cả nhà, hoặc ít nhất cũng được một hai đứa con đi theo, nên họ rất hồ hởi phấn khởi. Riêng chúng tôi chỉ đi vỏn vẹn có hai vợ chồng già mà ông nhà tôi lại đau yếu nữa.

Hôm tiển đưa lên máy bay, chúng tôi nghẹn ngào tức tưởi, kể như ra đi không hẹn ngày tái ngộ. Mặc dầu đau khổ các con tôi cũng ráng nuốt lệ làm vui, để cho chúng tôi được an tâm lên đường. Chúng nó kể lại là khi máy bay cất cánh, tụi nó òa lên khóc như đưa đám vậy!

Từ VN bay qua Mỹ mất hết 18 tiếng đồng hồ, chưa kể thời gian chờ đợi để sang chuyến bay ở Hồng Kông và Nhật Bản, chờ 6 tiếng đồng hồ tại tiểu bang Seatle mới có chuyến bay tới Los Angeles. Tôi quá mệt mỏi mà còn phải săn sóc cho nhà tôi, lúc này ảnh lờ đờ như cái xác không hồn, cứ 10 phút là đòi đi tiểu và khát nước vô cùng.

Tới Los Angeles, được gia đình con cháu kêu ảnh bằng cậu ruột ra đón về nhà cho ở share phòng, chúng tôi mới cảm thấy ấm cúng phần nào. Một tuần lễ sau đi khám sức khỏe tổng quát, bệnh viện phát hiện ra ông xã tôi bị cao máu và tiểu đường rất nặng, phải đưa ảnh vào bệnh viện UCI với tình trạng Emergency. May quá! Nếu còn ở bên VN vài ngày nữa, khi ảnh bị hôn mê rồi thì có trời mà cứu.

Tôi cảm đội ơn trên và cảm thấy quyết định lìa bỏ quê hương với đàn con cháu là một điều rất đúng. Nhờ bác sĩ tài giỏi và thuốc men thật hay nên mười ngày sau ông xã tôi được xuất viện. Bác sĩ dạy tôi cách chăm sóc, thử máu và chích thuốc Insulin mỗi ngày cho ảnh. Bác sĩ cho biết là bệnh tiểu đường không thể chữa trị cho dứt, nhưng nếu biết kiêng cử và chích thuốc, tập thể dục đều đặn thì cũng sống lâu được. Thật vậy, ảnh một ngày một bớt và lên cân, từ 120lbs lên 160 lbs, bây giờ tôi phải cho anh “Diet” bớt.

Nhờ mang chứng bệnh nan y nên tôi xin tiền SSI cho ảnh sớm hơn được một năm, tôi còn được take care cho ảnh mỗi tháng được 25 giờ.

Mới đây, ngaỳ 25-10-2000 ảnh lại bị nghẽn mạch máu, phải đưa vào bệnh viện Fountain Valley để mổ tim (Bypass) chưa có lúc nào tôi cảm thấy cô độc và lo sợ cho bằng lúc này, con cái thì đông tới 6 đứa, mà đều còn ở lại cả bên VN, chỉ có mình tôi chạy lo đầu tắt mặt tối. May nhờ những tấm lòng vàng của các bạn cùng khóa 4- Dalat, an ủi, thăm nom và khuyến khích nên tôi có mới đủ nghị lực để vượt qua tai nạn thử thách quá lớn lao này của Chúa.

Hôm nay ông xã tôi đã bình phục mặc dầu còn rất yếu. Hiện nay mấy đứa con và cháu của chúng tôi đang chờ chính phủ Mỹ cho tái phỏng vấn theo chương trình Mc Cain nới rộng. Xin quý bạn đồng hương cầu nguyện dùm cho gia đình chúng tôi được sớm đoàn tụ. Chúng tôi xin muôn vàn cảm tạ, kính chào quý vị.

Nguyễn Thị Tuyết

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,967,019
Tác giả đã góp nhiều bài viết đặc biệt và đã được trao tặng giải thưởng Việt Về Nước Mỹ. Ông sinh năm 1951, du học Nhật trước 1975. Đến Mỹ năm 1981. Hiện là cư dân Irvine, Nam California. Công việc: Kỹ Sư Điện tại một hãng trong cùng thành phố. Đây là bài viết mới nhất
Bà cho biết tên thật Jeanne Bùi, sinh năm 1945. Từ trước 1975, dạy học ở Saigon. Sang Pháp từ 1982, đi học lại rồi làm việc cho Mairie de Paris (Tòa Thị Chính), hiện đã nghỉ hưu.
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie Kim đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016.
Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Năm 2019, Tác giả nhận thêm giải Chung Kết Vinh Danh Tác Giả Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ hay còn gọi là giải Hoa Hậu. Tốt nghiệp Y Khoa Huế, thời chiến tranh Bác sĩ Vĩnh Chánh đã là Y Sĩ Trưởng binh chủng Nhảy Dù.
Tác giả là cư dân Huntington Beach. Những Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của cô là “Chuyện Vui Sầu” ký bút hiệu Khánh Doãn đã được phổ biến từ tháng Tư 2011.
Nguyễn Cao Thăng là tên thật của tác giả, 52 tuổi, dân gốc Kinh 5 Rạch Giá, một cựu thuyền nhân, hiện là kỹ sư cơ khí của hãng máy bay Beechcraft tại Wichita, Kansas.
Tác giả hiện sống ở thành phố Victorville California, đã từng tham gia VVNM năm 2018
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ 2004. Võ Phú sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University.