Hôm nay,  

Đi Đến Chicago

18/04/200100:00:00(Xem: 403183)
Bài tham dự số: 02-219-vb0419

Tác giả Phạm Hồng Ân đã góp cho giải thưởng Viết Về Nước Mỹ nhiều bài viết đặc biệt. Ông sinh năm 1950, trước 1975, cựu sĩ quan hải quân VNCH, nhiều năm tù Cộng Sản, tới Mỹ theo diện HO, hiện định cư tại San Diego, công việc : assembler. Sau đây là bài viết mới của ông.

*
Tôi đến Chicago lần đầu, vào mùa hạ năm ngoái, lúc khu rừng sồi Oak Forest đang xanh lá bạt ngàn. Từ phi trường Ohare đến Orland Park xa thăm thẳm. Highway phải chạy xuyên qua Oak Forest rộng tít mù. Chúng tôi tưởng chừng đi lạc vào cõi thảo nguyên miên viễn, nơi chỉ có cỏ cây và vô tận thiên nhiên. Dăm chú nai dạn dĩ, có lẽ chán cảnh rừng xanh, nên rủ nhau thong thả dạo chơi sát bờ highway. Có chú ung dung băng qua đường, đưa mắt "nai tơ" khinh thường những chiếc xe du lịch đang vun vút lao nhanh.

Qua khỏi khu rừng sồi, là đến Orland Park, nơi dừng bước giang hồ của cậu con trai duy nhất của chúng tôi. Làng này thuộc hạt Cook, nằm về phía tây Chicago. Chính ở đây, nhà văn nổi tiếng Ernest Hemingway chào đời, và sống thời thơ ấu vàng son, học hết chương trình High School ở đây. Nhắc đến nhà văn Hemingway, chúng ta không thể quên những tác phẩm tiếng tăm của ông. Trong đó, có quyển A farewell to arms (1929)...và một tác phẩm đoạt giải Pulitzer 1953 : The old man and the sea. Ông còn được vinh dự đoạt giải Nobel năm 1954. Nhà kiến trúc trứ danh Frank Lioyd Wright cũng sống ở đây vào năm 1890 cho tới 1910. Kiến trúc sư Wright là một trong những khuôn mặt lớn nổi bật của thế kỷ 20. Năm 1887, ông về sinh sống ở Chicago, định cư tại Orland Park, và nơi đây, ông đã trở thành một designer tiên phong trong phong trào sáng tạo kiểu mẫu tân thời. Có tới 25 công trình kiểu mẫu về làng mạc được ông design đầu tiên tại nơi này, bằng bàn tay và trí óc tuyệt vời của ông.
Khu chung cư con tôi ở nằm trên đường Franklin. Một con đường vắng vẻ đầy bóng mát của hàng cổ thụ ngập lá. Hai bên đường là thảm cỏ xanh rờn, mượt mà như nhung, trải dài trên những sườn dốc thoai thoải. Người bạn đời tương lai của con tôi ra đón chúng tôi tại phi trường. Đó là một cô bé dễ thương, hiền lành, và lịch sự một cách cẩn thận. Cô bé lễ phép mở cửa xe, hướng dẫn chúng tôi vào nhà, dọc theo hành lang hình chữ L nhàn nhạt ánh đèn. Đó cũng là lý do chúng tôi đến Chicago: cưới vợ cho con.
Cậu con trai và cô bé là đồng nghiệp, làm chung một tiệm nail. Các cháu cũng là láng giềng trong khu chung cư ấm áp này. Môi trường quá thuận lợi để các cháu làm quen, tìm hiểu và yêu đương. Dần dà, chúng đồng ý lấy nhau, chọn Chicago làm nơi cử hành hôn lễ. Thế là, chúng tôi lật đật từ San Diego (California) bay qua. Anh chị thông gia rục rịch từ Tupelo (Mississippi) bay tới. Thôi thì, ở Mỹ, "con đặt đâu thì cha mẹ ngồi đó vậy!".
Buổi chiều, cậu con trai lại lái xe ra phi trường Midway đón anh chị thông gia từ Tupelo đến. Đêm đó, chúng tôi quây quần bên mâm cơm, giới thiệu và làm quen nhau một cách cấp tốc. Đêm đó, chất rượu làm đầu mối câu chuyện, tôi cùng anh sui kéo nhau ra phòng khách, cụng ly tới khuya.
Đám cưới được cử hành đơn giản, nhưng không thiếu xót phần phong tục cổ truyền. Cậu con trai mướn một phòng ngủ trong khách sạn ở khu du lịch hạt Cook. Căn phòng này chính là điểm xuất phát của đàng trai. Chúng tôi chuẩn bị : trầu, cau, trà, rượu, bánh, trái...vào đầy các mâm quả - kể cả con heo quay vàng ính còn bốc khói thơm lừng. Đàng trai khá đông, gồm : anh chị hai tôi, vợ chồng tôi và nhóm thanh niên trẻ trung ( đồng nghiệp của chú rể ). Hàng xe du lịch bóng lộn đậu trước cửa hotel. Chiếc xe đầu kết hoa cưới trang nhã và mỹ thuật, làm các người Mỹ trong khách sạn ùa ra xem, tấm tắc khen ngợi. Máy quay phim, máy chụp hình...cứ đua nhau bấm tá lả; trước khi cả nhóm sắp hàng tiến thẳng ra đoàn xe, trực chỉ khu chung cư Franklin.
Căn phòng khu chung cư rực rỡ màu sắc. Hành lang sáng choang ánh đèn. Tấm bảng Vu Quy được trương ra ngay cổng ra vào, bên cạnh là đàng gái xinh tươi, lấp lánh những chiếc áo dài Việt Nam tuyệt vời. Đàng gái gồm : anh chị thông gia, anh chị Vượng láng giềng và nhóm thanh nữ trẻ đẹp ( đồng nghiệp với cô dâu ). Chúng tôi thân mật tiến hành hôn lễ theo phong cách cổ truyền, rồi mời nhau ra nhà hàng Trung Hoa ở Chinatown cùng dùng một bữa tiệc rất thịnh soạn.
Đêm đó, khi trở về khách sạn, tôi không tài nào ngủ được. Bữa tiệc làm tôi nhớ đến 30 năm trước, lúc gặp vợ tôi, trên một dòng sông cơ hàn. Thao thức mãi, chỉ còn cách ...làm thơ :

Mừng con - hôn lễ - kiêu sang
Sơn hào, hải vị - đèn vàng, đỏ, xanh...
Hoa đua nhau nở khoe cành
Rượu trào bên phím âm thanh gọi mời.
Cô dâu chú rể trọn đời
Bước trên đất Mỹ tuyệt vời văn minh
Mừng con - chợt nghĩ đến mình
Ba mươi năm trước chiến chinh liên hồi
Ba, tên lính trận rách tơi
Mẹ con, thiếu nữ mồ côi cơ hàn
Cưới nhau trong tiếng súng vang
Rước dâu đi giữa hai hàng lính reo
Dăm chai rượu đế...lèo tèo
Bày ra một bữa tiệc nghèo trên sông
Ba mươi năm trĩu trong lòng
Vui sao, nước mắt rơi vòng quanh tim"

Hôm sau, chúng tôi tổ chức đi chơi Chicago. Thằng con tôi lại chuẩn bị những chiếc xe khởi hành ra downtown, xuyên ngược qua khu rừng Oak rì rào cây lá.
Chicago quả thật là một thành phố lớn và bề thế của nước Mỹ. Nó còn là một xứ dẫn đầu về kỹ nghệ, thương mại...và là trung tâm các nguồn tài chính khác. Chicago nằm về hướng đông bắc của tiểu bang Illinois, giáp với bờ hồ Michigan ở phía tây nam, nơi cửa khẩu của con sông Chicago thơ mộng. Chicago trải rộng dưới ánh nắng ấm áp của mặt trời mùa hạ. Đất đai trù phú. Phong cảnh nên thơ. Diện tích khoảng 588.2 sq km, và kéo dài...dọc theo bờ hồ Michigan 47km nữa. Dòng sông thơ mộng Chicago phát xuất từ hồ Michigan chảy trườn qua downtown, rồi từ đó rẽ hai, một nhánh lên hướng bắc, một nhánh ngược về hướng nam...chia vùng đất Chicago làm 3 ô rõ ràng.. Ở phía nam, Chicago có thêm một con sông ngắn, tên là Calumet. Calumet mơn man, phẳng lặng như mặt cẩm thạch xanh rờn, phát xuất từ hồ nhỏ Calumet êm đềm.
Đứng ở một khúc sông Chicago, bên này bờ, nhìn sang bên kia bờ - tôi chợt nhớ đến những dòng sông tội nghiệp trên đồng bằng miền nam Việt Nam. Dòng sông Mỹ có khác dòng sông Việt Nam đâu" Cũng đôi bờ lau lách trùm kín bến bãi. Cũng màu nước vàng bạc phù sa, êm đềm theo thủy triều, trôi nổi theo tháng năm. Cũng mùi cá tôm nồng nàn thân thương. Cũng những con tàu xình xịch qua lại. Nhưng, dòng sông Mỹ vắng vẻ quá, yên bình quá. Nó đâu có những kỷ niệm lao đao, đâu có những gắn bó một đời, mà người ta phải trăn trở tiếc thương khi xa cách nó. Dòng sông Việt Nam là dòng sông tội nghiệp. Thời chiến, nó chìm ngập trong thê lương, chìm ngập trong súng đạn. Thời bình, hàng chục hàng trăm xuồng ghe chạy bủa trên mặt sông, tất tả ngược xuôi trong cảnh nghèo kiếm sống. Dòng sông Việt Nam suốt đời lao lung, cơ hàn một cách đau khổ.


Chicago có bờ hồ Michigan là một trong những cảnh quan tuyệt diệu của thế giới. Ngoại trừ vài khu vực công nghiệp nằm tận cùng ở phía cực nam, toàn bộ vị trí bờ hồ đều dành hết cho du lịch và giải trí. Với các bến tàu thanh lịch, nơi có đoàn tàu xinh xắn sẵn sàng đưa khách ra khơi, du ngoạn quanh hồ. Với các bảo tàng viện cổ kính, tàng trữ vô số điều bí hiểm của thiên nhiên, của lịch sử Mỹ. Với những bãi hồ thon thả, êm ái - nơi hẹn hò lý tưởng của các cặp tình nhân thích sóng nước mênh mông. Và 3 công viên bề thế nhất của thành phố Chicago : Grant park (gần downtown), Lincoln park (hướng bắc), Jackson park (hướng nam).
Hồ Michigan đẹp, rộng, nước trong xanh, nằm trọn vẹn trong nước Mỹ. Mặt trước hồ là mặt trước của thành phố Chicago. Mặt sau, giáp ranh với đường biên giới Canada. Hồ Michigan kết hợp với 4 hồ khác : hồ Superior, hồ Huron, hồ Erie và hồ Ontario...tạo thành Đại Ngũ Hồ (Great Lakes) - một trong những kỳ quan nổi tiếng trên thế giới.
Buổi chiều, chúng tôi vào Navy Pier Center chơi, nhìn thiên hạ qua lại trong những khu giải trí rực rỡ ánh đèn. Navy Pier Center mới xây dựng vào tháng 8 năm 1995. Nó gồm có : trung tâm triển lãm hàng hóa (170,000 sq ft), một sân trượt băng, một vườn thực vật (32,000 sq ft) và một bánh xe đu quay lớn (cao 150 ft). Sau đó, cả nhóm mua vé lên tàu, chạy ra khơi cho biết. Tàu ra khơi trong cơn mưa lay bay nhè nhẹ. Chúng tôi nép mình vào nhau tìm hơi ấm thân tình. Rồi, nhìn ngược lại thành phố Chicago đang bắt đầu lên đèn. Thành phố đẹp tuyệt! Nổi bật trong hoàng hôn, trong ánh sáng lộng lẫy màu sắc, trong sương khói mù mờ của cơn mưa bất chợt, những tòa nhà chọc trời phóng vút lên không trung, phóng vút như đâm toạc một mảnh trời lơ lửng trên cao, trên một chỗ thật cao...
Tàu lướt trên mặt hồ mênh mông, mênh mông không thấy bến bờ. Chúng tôi tưởng chừng như đang chạy trên biển, đang hải hành về một hòn đảo xa xôi nào. Tàu càng lúc càng xa bờ. Cơn mưa cứ nhè nhẹ, day dứt. Dù thời tiết không thuận lợi, du khách vẫn vui vẻ bấm máy ảnh lách tách. Flash lóe liên hồi. Tiếng cười trai gái giòn tan, tạo nên một không khí sinh động, tươi tắn. Hồ rộng thênh thang, thăm thẳm nghìn trùng. Chúng tôi chỉ còn nghe tiếng sóng cuộn phía sau lái tàu, tiếng mưa quất vào mặt rát rạt. Chúng tôi chỉ còn thấy những mảng lân tinh lấp lánh dưới thân tàu, thấy ngọn hải đăng ngả nghiêng theo triền sóng, thấy thành phố Chicago nhỏ dần...và mờ dần trong màn sương khói hoàng hôn.
Buổi tối, trước khi trở lại Orland Park, thằng con tôi dẫn đoàn xe vòng vào downtown. Downtown ban đêm rất đẹp. Nó sừng sững và uy nghi giữa hàng hàng lớp lớp ánh đèn rực rỡ đủ sắc đủ màu. Tôi cứ ngước mặt lên cao, chiêm ngưỡng nét kiến trúc độc đáo của các tòa nhà chọc trời...đến mỏi cả cổ và mắt. Các nhà kiến trúc lừng danh đã dồn hết tâm trí và sức lực, để tạo nên những tòa nhà nổi tiếng trên thế giới, là: Louis Sullivan, William Le Baron Jenny, Daniel H. Burnham, Frank Lioyd Wright, Ludwig Mies Van Der Rohe...và Helmut Jahn. Đến giữa trung tâm, chúng tôi rất ngạc nhiên khi nhìn thấy những tòa nhà cao nhất thế giới, trong đó có Sears Tower cao 110 tầng. Sears Tower nằm ở góc tây nam của vùng Loop. Nó có chiều cao là 1,454 feet; được xây dựng trên một diện tích khá lớn : 129,000 square feet. Tòa nhà này có gần 17,000 nhân viên làm việc và phục vụ. Sears Tower cao hơn Newyork World Trade Center 100 feet. Những tòa nhà chọc trời nổi tiếng kế tiếp ở Chicago là : Hancock Center (tọa lạc tại 875N. đường Michigan), Standard Oil Building (tại 200E. RanDolph).
Ngày hôm sau, chúng tôi chia tay nhau tại phi trường Ohare. Tôi nắm tay anh sui thật chặc, một cách thân tình, như mãi mãi không muốn rời...
Mùa đông năm sau, giữa lúc tôi đang chuẩn bị đi San Bernadino thăm người bạn, thì nhận được cú phone cấp tốc của cậu con trai :"_ Sửa soạn qua con gấp ! Ba mẹ đã có cháu nội. Bé Tammy vừa chào đời..." Chúng tôi nhảy bổ lên, ôm nhau reo mừng, đến ...chảy cả nước mắt.
Chúng tôi lại đến Chicago lần nữa. Mùa này là mùa đông lạnh lẽo, thường có những trận bão tuyết khắc nghiệt. Chúng tôi đến đây, sau một cơn bão lớn vừa thổi qua, phi trường Ohare còn đầy dẫy những dấu tích kinh hoàng. Tuyết trắng xóa mênh mông. Tuyết trùm phủ mọi vật. Tuyết đùn cao như núi, phau phau kéo dài đến ngút ngàn, đến vô tận. Phi trường chỉ còn lại đường băng. Con đường chỉ còn lại các lane ẩm ướt, vừa chỗ cho xe chạy. Đoàn xe cơ giới xúc tuyết, cào tuyết...luôn có mặt khắp nơi, hoạt động liên tục. Nhà cửa, xe cộ, cây cối...đều chìm ngập dưới màn tuyết khổng lồ. Có thể, người ta tưởng tượng cả thành phố Chicago đều vùi yên dưới ba tấc tuyết, như một nghĩa trang lạnh lẽo, âm u.
Từ ở thềm nhà đợi của phi trường, cậu con trai của tôi đã dùng Remote Control để start máy xe và heat nhằm sưởi tuyết tan trên các ô kính. Thế mà, cậu còn "thủ" thêm một bồn nước nóng, để tạt vào kính trước cho giá băng tuột đi. Chúng tôi co ro bước ra đường, mặc quần áo trùm kín từ đầu đến chân, mang cả găng tay da, vậy mà rét mướt ở đâu vẫn len lỏi vào thịt vào da, một cách tái tê.
Đường về Orland Park buồn thỉu buồn thiu, mù mờ heo may. Dòng sông Chicago đong giá, bốc hơi loáng thoáng. Tôi tìm mãi những nét thơ mộng của nó, những nét thơ mộng của mùa hạ năm ngoái - nhưng không thấy. Khu rừng Oak thăm thẳm, lúc trước xanh lá bạt ngàn, bây giờ trụi hết lá, đứng khẳng khiu như những bộ xương khô thời tiền sử. Tuyết đọng từng chỏm trắng trên ngọn cây, trải dài, đều đặn - trông giống như vô số vành khăn tang trên đầu dân tộc nào đó, trong một cuộc chiến tranh tương tàn. Tuyết trắng xóa, mịt mùng trọn khu rừng. Không biết bầy nai dễ thương và dạn dĩ năm xưa, trú ẩn nơi đâu"
Chung cư Franklin buồn bã hiện ra. Trên mái chung cư, tuyết đã đóng lại thành băng, nhểu xuống như thạch nhũ, long lanh dưới ánh nắng mặt trời, tuyệt đẹp. Chúng tôi chạy ụp vào nhà. Chạy thẳng vào phòng để nhìn mặt cháu nội. Bé Tammy bụ bẫm, dễ thương quá chừng ! Bé đang ọ oẹ dưới lớp chăn ấm áp, và ngạc nhiên đón những nụ hôn rất đỗi ngọt ngào từ phía chúng tôi.
Tôi muốn gọi bé Tammy một cái tên Việt Nam: Phạm Tâm Giao. Để khi giao tiếp, phần nào nhắc về cội nguồn của nó - người Việt Nam lưu vong trên đất Mỹ. Đêm đó, tôi cũng không tài nào ngủ được. Mùa đông Chicago đã làm tôi thao thức. Và thao thức kiểu này, chỉ còn cách lấy bút ra làm thơ:

Chicago. Bão tuyết. Tan.
Rừng cung tay đứng bạt ngàn. Khẳng khiu.
Sông đong băng giá. Buồn thiu.
Phố nằm vùi dưới tịch liêu. Bạc đầu.
Sầu ta trắng xóa đỉnh cao
Đời buông thạch nhũ
lao đao cội nguồn
Cuộn nhau trong đất trời buồn
Đôi chân Bắc Mỹ. Linh hồn Cửu Long.

Kể từ đây, Chicago là một trong những nơi chốn thân yêu nhất trong đời tôi. Có đi đâu xa nghìn dặm, chúng tôi cũng phải gắng tìm về. Vì chẳng những... Chicago là một thành phố đặc biệt, bề thế, có nhiều địa linh nhân kiệt - mà nó còn là quê quán của cháu nội chúng tôi: Phạm Tâm Giao.

PHẠM HỒNG ÂN

Ý kiến bạn đọc
22/09/201810:18:42
Khách
Bay viet hay qua. Tuyet voi!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,722,093
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC của Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại tiểu bang South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College.
Bước qua thêm một mùa Lễ Mẹ, mời đọc bài viết mới nhất của tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2010: Nhà văn Linh Mục Nguyễn Trung Tây, thuộc Dòng Truyền giáo Ngôi Lời, tỉnh dòng Chicago.
Tác giả là cư dân San Jose, đã nhận giải vinh danh tác phẩm Viết Về Nước Mỹ 2008 và ba năm sau, với bài "Thế Hệ Gạch Nối", nhận thêm giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2011.
Tác giả là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011, với loạt bài tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến, kết hôn với một chàng hải quân Hoa Kỳ.
Ngày Lễ Mẹ đang tới. Mời đọc bài viết của Dong Trinh. Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, hiện là cư dân Arkansas. Nguyên quán Bình Dương, Việt Nam. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2.
Chủ nhật cuối tuần này là Mothers Day, mời đọc bài viết mới của Năng Khiếu: chuyện về bà ngoại, đồng thời là chuyện về bà mẹ. Tác giả họ Trần, trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH.
Tháng Năm, Chủ Nhật 14 sắp tới là Mothers Day. Mời đóc bài Phan viết nhân ngày Lễ Mẹ.Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.
Tác giả bắt đầu tham dự VVNM năm 2015 và nhận giải danh dự năm 2016. Tác Giả sinh trưởng ở miền Nam sông nước, sang Mỹ năm 1973, đã về hưu từ lâu và đang cư trú ở Orange County.
Iris Đinh là tác giả đã nhận Giải Vinh Danh Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ, 2003 với bài viết “Cái Chăn Mỹ và Con Gái Họ Đinh”, thể hiện nhiều thao thức của người phụ nữ Việt sống qua thời di cư,
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông"
Nhạc sĩ Cung Tiến