*
Tôi đến Chicago lần đầu, vào mùa hạ năm ngoái, lúc khu rừng sồi Oak Forest đang xanh lá bạt ngàn. Từ phi trường Ohare đến Orland Park xa thăm thẳm. Highway phải chạy xuyên qua Oak Forest rộng tít mù. Chúng tôi tưởng chừng đi lạc vào cõi thảo nguyên miên viễn, nơi chỉ có cỏ cây và vô tận thiên nhiên. Dăm chú nai dạn dĩ, có lẽ chán cảnh rừng xanh, nên rủ nhau thong thả dạo chơi sát bờ highway. Có chú ung dung băng qua đường, đưa mắt "nai tơ" khinh thường những chiếc xe du lịch đang vun vút lao nhanh.
Qua khỏi khu rừng sồi, là đến Orland Park, nơi dừng bước giang hồ của cậu con trai duy nhất của chúng tôi. Làng này thuộc hạt Cook, nằm về phía tây Chicago. Chính ở đây, nhà văn nổi tiếng Ernest Hemingway chào đời, và sống thời thơ ấu vàng son, học hết chương trình High School ở đây. Nhắc đến nhà văn Hemingway, chúng ta không thể quên những tác phẩm tiếng tăm của ông. Trong đó, có quyển A farewell to arms (1929)...và một tác phẩm đoạt giải Pulitzer 1953 : The old man and the sea. Ông còn được vinh dự đoạt giải Nobel năm 1954. Nhà kiến trúc trứ danh Frank Lioyd Wright cũng sống ở đây vào năm 1890 cho tới 1910. Kiến trúc sư Wright là một trong những khuôn mặt lớn nổi bật của thế kỷ 20. Năm 1887, ông về sinh sống ở Chicago, định cư tại Orland Park, và nơi đây, ông đã trở thành một designer tiên phong trong phong trào sáng tạo kiểu mẫu tân thời. Có tới 25 công trình kiểu mẫu về làng mạc được ông design đầu tiên tại nơi này, bằng bàn tay và trí óc tuyệt vời của ông.
Khu chung cư con tôi ở nằm trên đường Franklin. Một con đường vắng vẻ đầy bóng mát của hàng cổ thụ ngập lá. Hai bên đường là thảm cỏ xanh rờn, mượt mà như nhung, trải dài trên những sườn dốc thoai thoải. Người bạn đời tương lai của con tôi ra đón chúng tôi tại phi trường. Đó là một cô bé dễ thương, hiền lành, và lịch sự một cách cẩn thận. Cô bé lễ phép mở cửa xe, hướng dẫn chúng tôi vào nhà, dọc theo hành lang hình chữ L nhàn nhạt ánh đèn. Đó cũng là lý do chúng tôi đến Chicago: cưới vợ cho con.
Cậu con trai và cô bé là đồng nghiệp, làm chung một tiệm nail. Các cháu cũng là láng giềng trong khu chung cư ấm áp này. Môi trường quá thuận lợi để các cháu làm quen, tìm hiểu và yêu đương. Dần dà, chúng đồng ý lấy nhau, chọn Chicago làm nơi cử hành hôn lễ. Thế là, chúng tôi lật đật từ San Diego (California) bay qua. Anh chị thông gia rục rịch từ Tupelo (Mississippi) bay tới. Thôi thì, ở Mỹ, "con đặt đâu thì cha mẹ ngồi đó vậy!".
Buổi chiều, cậu con trai lại lái xe ra phi trường Midway đón anh chị thông gia từ Tupelo đến. Đêm đó, chúng tôi quây quần bên mâm cơm, giới thiệu và làm quen nhau một cách cấp tốc. Đêm đó, chất rượu làm đầu mối câu chuyện, tôi cùng anh sui kéo nhau ra phòng khách, cụng ly tới khuya.
Đám cưới được cử hành đơn giản, nhưng không thiếu xót phần phong tục cổ truyền. Cậu con trai mướn một phòng ngủ trong khách sạn ở khu du lịch hạt Cook. Căn phòng này chính là điểm xuất phát của đàng trai. Chúng tôi chuẩn bị : trầu, cau, trà, rượu, bánh, trái...vào đầy các mâm quả - kể cả con heo quay vàng ính còn bốc khói thơm lừng. Đàng trai khá đông, gồm : anh chị hai tôi, vợ chồng tôi và nhóm thanh niên trẻ trung ( đồng nghiệp của chú rể ). Hàng xe du lịch bóng lộn đậu trước cửa hotel. Chiếc xe đầu kết hoa cưới trang nhã và mỹ thuật, làm các người Mỹ trong khách sạn ùa ra xem, tấm tắc khen ngợi. Máy quay phim, máy chụp hình...cứ đua nhau bấm tá lả; trước khi cả nhóm sắp hàng tiến thẳng ra đoàn xe, trực chỉ khu chung cư Franklin.
Căn phòng khu chung cư rực rỡ màu sắc. Hành lang sáng choang ánh đèn. Tấm bảng Vu Quy được trương ra ngay cổng ra vào, bên cạnh là đàng gái xinh tươi, lấp lánh những chiếc áo dài Việt Nam tuyệt vời. Đàng gái gồm : anh chị thông gia, anh chị Vượng láng giềng và nhóm thanh nữ trẻ đẹp ( đồng nghiệp với cô dâu ). Chúng tôi thân mật tiến hành hôn lễ theo phong cách cổ truyền, rồi mời nhau ra nhà hàng Trung Hoa ở Chinatown cùng dùng một bữa tiệc rất thịnh soạn.
Đêm đó, khi trở về khách sạn, tôi không tài nào ngủ được. Bữa tiệc làm tôi nhớ đến 30 năm trước, lúc gặp vợ tôi, trên một dòng sông cơ hàn. Thao thức mãi, chỉ còn cách ...làm thơ :
Mừng con - hôn lễ - kiêu sang
Sơn hào, hải vị - đèn vàng, đỏ, xanh...
Hoa đua nhau nở khoe cành
Rượu trào bên phím âm thanh gọi mời.
Cô dâu chú rể trọn đời
Bước trên đất Mỹ tuyệt vời văn minh
Mừng con - chợt nghĩ đến mình
Ba mươi năm trước chiến chinh liên hồi
Ba, tên lính trận rách tơi
Mẹ con, thiếu nữ mồ côi cơ hàn
Cưới nhau trong tiếng súng vang
Rước dâu đi giữa hai hàng lính reo
Dăm chai rượu đế...lèo tèo
Bày ra một bữa tiệc nghèo trên sông
Ba mươi năm trĩu trong lòng
Vui sao, nước mắt rơi vòng quanh tim"
Hôm sau, chúng tôi tổ chức đi chơi Chicago. Thằng con tôi lại chuẩn bị những chiếc xe khởi hành ra downtown, xuyên ngược qua khu rừng Oak rì rào cây lá.
Chicago quả thật là một thành phố lớn và bề thế của nước Mỹ. Nó còn là một xứ dẫn đầu về kỹ nghệ, thương mại...và là trung tâm các nguồn tài chính khác. Chicago nằm về hướng đông bắc của tiểu bang Illinois, giáp với bờ hồ Michigan ở phía tây nam, nơi cửa khẩu của con sông Chicago thơ mộng. Chicago trải rộng dưới ánh nắng ấm áp của mặt trời mùa hạ. Đất đai trù phú. Phong cảnh nên thơ. Diện tích khoảng 588.2 sq km, và kéo dài...dọc theo bờ hồ Michigan 47km nữa. Dòng sông thơ mộng Chicago phát xuất từ hồ Michigan chảy trườn qua downtown, rồi từ đó rẽ hai, một nhánh lên hướng bắc, một nhánh ngược về hướng nam...chia vùng đất Chicago làm 3 ô rõ ràng.. Ở phía nam, Chicago có thêm một con sông ngắn, tên là Calumet. Calumet mơn man, phẳng lặng như mặt cẩm thạch xanh rờn, phát xuất từ hồ nhỏ Calumet êm đềm.
Đứng ở một khúc sông Chicago, bên này bờ, nhìn sang bên kia bờ - tôi chợt nhớ đến những dòng sông tội nghiệp trên đồng bằng miền nam Việt Nam. Dòng sông Mỹ có khác dòng sông Việt Nam đâu" Cũng đôi bờ lau lách trùm kín bến bãi. Cũng màu nước vàng bạc phù sa, êm đềm theo thủy triều, trôi nổi theo tháng năm. Cũng mùi cá tôm nồng nàn thân thương. Cũng những con tàu xình xịch qua lại. Nhưng, dòng sông Mỹ vắng vẻ quá, yên bình quá. Nó đâu có những kỷ niệm lao đao, đâu có những gắn bó một đời, mà người ta phải trăn trở tiếc thương khi xa cách nó. Dòng sông Việt Nam là dòng sông tội nghiệp. Thời chiến, nó chìm ngập trong thê lương, chìm ngập trong súng đạn. Thời bình, hàng chục hàng trăm xuồng ghe chạy bủa trên mặt sông, tất tả ngược xuôi trong cảnh nghèo kiếm sống. Dòng sông Việt Nam suốt đời lao lung, cơ hàn một cách đau khổ.
Chicago. Bão tuyết. Tan.
Rừng cung tay đứng bạt ngàn. Khẳng khiu.
Sông đong băng giá. Buồn thiu.
Phố nằm vùi dưới tịch liêu. Bạc đầu.
Sầu ta trắng xóa đỉnh cao
Đời buông thạch nhũ
lao đao cội nguồn
Cuộn nhau trong đất trời buồn
Đôi chân Bắc Mỹ. Linh hồn Cửu Long.
Kể từ đây, Chicago là một trong những nơi chốn thân yêu nhất trong đời tôi. Có đi đâu xa nghìn dặm, chúng tôi cũng phải gắng tìm về. Vì chẳng những... Chicago là một thành phố đặc biệt, bề thế, có nhiều địa linh nhân kiệt - mà nó còn là quê quán của cháu nội chúng tôi: Phạm Tâm Giao.
PHẠM HỒNG ÂN