Hôm nay,  

Đi Mỹ: Vạn Dặm Tìm Chồng

08/04/200100:00:00(Xem: 169078)
Bài tham dự số: 02-211-vb0409


Mười năm trước đây, mẹ chồng tôi, các con tôi và tôi được cho sang Mỹ theo diện đoàn tụ gia đình. Tôi bâng khâng tự hỏi không biết mình có thích nghi được với lối sống mới này hay không"
Gánh nặng luôn đè nặng trên đôi vai nhỏ bé của tôi. Phần chăm sóc bà mẹ chồng tuổi già sức yếu lại mang nhiều bệnh tật trong người, một đàn con ba đứa còn nhỏ dại. Mười năm dài xa chồng, bây giờ tôi phải trải qua nữa vòng trái đất mới được gặp lại, quả là một chặng đường đầy gian nan vất vả.
Tay xách, nách mang cùng mẹ già con dại, qua những khâu giấy tờ ở sân bay Tân Sơn Nhất khi rời khỏi đất nước Việt Nam, cũng đủ làm tôi phờ phạc. Tôi ví mình giống như Thoại Khanh ngày xưa vạn dặm tìm chồng. Thoại Khanh ngày xưa cõng mẹ băng rừng vượt suối. Bây giờ hiện đại hơn, tôi chưa phải cõng, chỉ dìu mẹ và dắt díu đàn con leo lên máy bay mà thôi.
Theo đường bay, đến Thailand gia đình tôi phải ở lại trại để chờ thủ tục chuyển tiếp vào đất Mỹ. Tám ngày đêm ở trại Thailand, tôi không tài nào chợp mắt được. Hình ảnh quê nhà cứ chập chờn ẩn hiện. Đậm nét nhất vẫn là hình ảnh của cha tôi. Do một sự rủi ro cha phải rơi vào cảnh mù lòa tăm tối. Vì hạnh phúc của tôi, vì tương lai một đời của các cháu, cha tôi phải nén niềm thương nhớ để cho tôi ra đi không bịn rịn, nhưng tôi vẫn nhìn thấy được đôi dòng lệ chảy dài qua hai hố mắt sâu thẳm của người, đôi mắt đã vĩnh viễn không tìm thấy ánh sáng. “Cha ơi! Rồi một ngày nào đó thật gần con sẽ về lại thăm cha”. Trong bóng đêm và trong nước mắt, tôi đã thì thầm như thế.
Rồi cuộc hành trình lại tiếp tục, qua nhiều lần làm giấy tờ, nhiều chặng đường bay, một mình lo đủ thứ, người đã muốn lả đi, nhưng tôi vẫn vượt qua tất cảù.
Từ Washington State, tôi đáp chuyến bay nhỏ về tiểu bang Idaho, một nơi hầu như ít người biết đến. Đây là chặng đường bay cuối cùng của cuộc hành trình. Nhìn mẹ chồng thiêm thiếp, các con say sưa trong giấc ngủ hồn nhiên, tôi cảm thấy nhẹ nhàng. Qua khung cửa sổ tròn của máy bay là vòm trời cao lồng lộng. Xa vút tầm mắt của tôi, một đám mây đen đang vần vũ. Đám mây ấy lại nhắc tôi lá thư của người bạn thân mà tôi đã vài tuần lễ,trước ngày lên đường đi Mỹ. Lá thư ấy, cho tới nay, tôi vẫn giữ bên mình, và vẫn thấy lòng mình bị lá thư ám ảnh.
Máy bay đang bình phi. Tôi phải đọc lại tận tường lá thư đó.

Ngày...tháng...năm
Thủy thân thương,
Đáng lẽ mình viết thư về liền cho Thủy sau khi đặt chân lên đất Mỹ tự do, thế mà cho mãi đến hôm nay, hơn nữa năm rồi... Hơn nửa năm ấy khủng khiếp ấy, làm sao mình có thể kể hết được với Thuỷ.
Thủy ơi! Khi chúng ta chia tay nhau, ngày lên đường đi đoàn tụ với chồng, mình đã dệt biết bao nhiêu là mộng đẹp. Nhìn chung quanh bạn bè cùng lứa mình thầm nghĩ mình là người may mắn và hạnh phúc nhất. May mắn là giấy tờ suông xẻ ra đi nhanh chóng. Hạnh phúc là mình sắp được gặp lại chồng, các con của mình sắp gặp lại cha.
Mình và Thủy, hai đứa hoàn cảnh giống nhau, cũng có khoảng thời gian xa chồng dài đăng đẳng. Chắc Thủy sẽ dễ dàng cảm nhận được tâm trạng của mình hơn. Có lẽ mình đã tự dệt quá nhiều mộng đẹp nên khi va chạm với thực tế phủ phàng, mình mới thấy tinh thần bị sa sút dữ dội.
Ngày máy bay tới phi trường, trong dòng người hỗn độn đó, tay dắt hai đứa con thơ, mình cảm thấy thật bơ vơ, lạc lõng. Đảo mắt chung quanh để tìm kiếm người chồng thân thương nhất của đời mình, nhưng chẳng thấy đâu. Đang tâm trạng lo lắng, mình chợt thấy một cặp vợ chồng trẻ tiến về phía mình, sau khi giới thiệu tên và nói là bạn của chồng mình đại diện để mang hoa ra đón mừng ba mẹ con đến nước Mỹ.
Cũng vừa lúc ấy, bất chợt mình nhìn thấy anh Hoàng chồng của mình đang đứng chung với một cô đầm Mỹ trong gốc nhỏ nơi thân nhân chờ đợi, mình định kêu lên và chạy lại, nhưng đôi vợ chồng trẻ đã kịp thời giữ chặt lấy mình và nói nhỏ vào tai “Tốt nhất chị đừng nhìn anh ấy ngay bây giờ”.
Thấy mình tròn xoe mắt ngạc nhiên, họ nói thêm như để giải thích “Nếu chị nhìn anh ấy không những bất lợi cho anh Hoàng mà còn bất lợi cho cả mẹ con chị nữa. Chị có nhìn thấy con đầm Mỹ đứng sát cạnh anh ấy hay không" Hiện tại nó là vợ của anh ấy. Nó biết chị sắp qua, nên kè kè bên anh ấy không rời nửa bước. Túi xách nó đeo cạnh hông và tay lúc nào cũng để hở nơi miệng túi. Chỉ cần một hành động nào của chị hay của anh Hoàng là nó sẽ sẳn sàng rút súng và nhả đạn ngay. Sở dĩ tôi biết được điều này là vì trước ngày chị qua, anh Hoàng đã điện thoại cho tôi biết hoàn cảnh bất khả kháng của anh, con đầm Mỹ đã hâm dọa như thế. Chị nên biết cường độ ghen tuông của đàn bà Mỹ chỉ hơn chứ không thua gì người nữ Việt Nam, nhất là ở cái xứ mà ngay cả súng đạn, một thứ vũ khí dùng để giết người cũng được quyền bán tự do”.
Lời nói khó tin ấy như những làn roi quất mạnh vào da thịt nghe rát buốt. Đầu óc trống rỗng, bước chân hụt hẩng, mình dắt con theo họ để đi nhận lại đồ. Trước khi rời khỏi phi trường, mình quay nhìn lại Hoàng, người chồng mà mình hằng ắp yêu thương nhớ. Anh ấy vẫn đứng đó, xa lạ, khó hiểu.
Hoàng đã mướn căn nhà nhỏ cho mình và hai đứa con ở. Mọi sắp xếp nơi ăn chốn ở, sự học hành của con mình đều do cặp vợ chồng trẻ bạn của anh lo liệu hết. Chắc có lẻ họ thương hại hoàn cảnh của mình nên rất nhiệt tình giúp đở.
Đêm đêm khi các con đã ngủ say, một mình trong căn nhà cô quạnh, giữa nơi xứ lạ quê người, mình nghe tủi thân làm sao. Mình chỉ cầu xin cho ơn trên phù hộ cho anh Hoàng hồi tâm trở lại với gia đình. Mình luôn luôn hy vọng, dù chỉ là một hy vọng mỏng manh để làm cứu cánh cho cuộc đời mình.
Thời gian lặng lẽ trôi qua, sự chờ đợi của mình chỉ hoài công vô ích. Có lần mình nói lại với vợ chồng anh chị Lan (bạn của Hoàng) ý định muốn trở về quê hương, anh chị đã cản và giải nghĩa cho mình biết, mình không nên vì mình mà hãy vì tương lai của các con. Sống trên một đất nước văn minh tiến bộ, chúng có điều kiện phát triển khả năng hơn là ở một nước nghèo đói chậm tiến.
Tình thương của một người Mẹ đối với con cái bao giờ cũng đặt lên trên hết, nên mình đã từ bỏ ý định trở về Việt Nam. Mình đã nhờ anh chị Lan xin cho mình một việc làm khả dĩ nào đó, để quên đi những buồn phiền trong tâm khảm. Mới qua, vốn liếng sinh ngữ ít ỏi, muốn tiếp thu được tiếng nói của nước người không phải là một ngày một tháng mà biết được. Vì thế anh chị Lan chỉ xin cho mình một việc làm hết sức khiêm nhường là cắt rau cải ở một nhà hàng Tàu. Nổi buồn chưa kịp vơi, thì mình lại nhận được tin anh Hoàng đã nạp đơn xin ly dị. Mình đau khổ cùng quẫn. Chồng còn đó mà mình như người góa bụa. Cha còn đó mà các con mình phải chịu cảnh mồ côi.
Mình thật sự lầm lẫn khi đã chọn Hoàng để làm chồng. Không ngờ Hoàng lại tệ bạc như thế. Mình thì rả rời mà hai đứa con lại liên tiếp bị đau vì chúng chưa thích hợp với thời tiết bên đây. Thiên chức làm mẹ không cho phép mình buông xuôi, phải đứng lên chống chọi, dù đời có đen bạc như thế nào đi chăng nữa. Bây giờ, chỉ có ba mẹ con đùm bọc lấy nhau, mình không thể nào để cho các con mình mất đi một điểm tựa cuối cùng.
Sau nhiều lần hòa giải, thủ tục ly dị cũng đã hoàn tất. Mình đã vĩnh viễn mất Hoàng. Hàèng ngày, mình chỉ còn biết lầm lủi với công việc cắt rau cải, đêm về vui với các con, với sự học hành của chúng. Bây giờ các con là niềm hy vọng cuối cùng của đời mình. Khi thư này đến tay Thủy, thì chắc có lẽ Thủy cũng sắp sửa ra đi. Thuỷ ơi, Hãy chuẩn bị tâm lý khi đặt chân lên xứ người và nhất là được đoàn tụ lại với chồng.
Chúc Thủy một cuộc hành trình tốt đẹp, một cuộc trùng phùng đầy hạnh phúc.
Người bạn bất hạnh của Thủy,
Phượng

Xếp lá thư lại trong tâm trạng bồi hồi cảm xúc, tôi thả tầm mắt xa xa để tưởng tượng một nơi mà tôi sắp sửa đặt chân đến, và cảm thấy lo sợ vu vơ. Hoàn cảnh của tôi và Phượng giống nhau, có thể nào xảy ra một sự trùng lập giống như thế không" Tôi cố xua đuổi những nổi ám ảnh không đâu. Tôi hoàn toàn tin tưởng ở chồng tôi, ảnh rất tốt. Vốn sinh ra trong một gia đình luôn luôn lấy nền tảng đạo đức làm đầu, thì không thể nào là một Hoàng thứ hai được. Nhưng biết đâu được...
Tiếng cò tiếp viên trên loa phóng thanh báo hiệu máy bay sắp đáp xuống phi trường Boise làm cắt đứt dòng tư tưởng của tôi.
Hai vai, hai túi xách, tay dìu mẹ, tay dẫn con, tôi bước từng bước chân hồi hộp ra khỏi phi cơ trong tâm trạng vui mừng lẫn lo sợ khi gặp lại chồng sau 10 năm dài xa cách. Vì đi bằng máy bay nhỏ, nên chúng tôi phải bắt buộc đi một đoạn ngắn từ sân bay vào bên trong phi trường. Đến đất Mỹ vào thời đang đổ tuyết, sự chuyển tiếp khí hậu từ nóng sang lạnh làm chúng tôi bị mất thăng bằng, cộng thêm cuộc hành trình khá dài, nên mẹ tôi đã yếu hẳn đi. Qua khung cửa kiếng mờ mờ, tôi thấy chồng tôi đang vẫy tay lia lịa, tôi cố dìu mẹ tôi đi nhanh vào cánh cửa để tránh cơn gió lạnh đến buốt da.
Bên trong phi trường, quang cảnh thật ấm áp và náo nhiệt, một số người thân và bạn bè của chồng tôi đang đứng đón chào. Chồng tôi chạy ào đến hai tay dang rộng ôm chầm hết tất cả những người thân vào trong vòng tay yêu thương ấm áp. Từng dòng nước mắt lăn dài trên má của chúng tôi, những giọt nước mắt ngọt ngào mừng vui cho ngày đoàn tụ. Có lẽ tôi là người sung sướng nhất, mọi ám ảnh, mọi gánh nặng âu lo trong tôi bây giờ đã được trút bỏ một cách nhẹ nhàng. Chồng tôi vẫn còn giữ được dáng vẻ hào hoa như ngày nào, nhè nhẹ chậm nước mắt cho tôi qua cái nhìn âu yếm gởi trao như lần đầu quen biết. Phải chăng đây là phần thưởng mà Thượng Đế đã ban cho tôi trong suốt mười năm trời xa chồng, tôi vẫn trọn niềm là một người con dâu hiếu thảo" Trong vòng tay hạnh phúc của chồng, tôi chợt cảm thấy se lòng chạnh thương cho hoàn cảnh của Phượng.
Đêm đó vợ chồng tôi nằm tâm sự kể cho nhau nghe những nổi niềm nhung nhớ. Trong bóng đêm, anh khẽ đọc lại bài thơ mà hầu như anh đã thuộc lòng không sót một chữ. Bài thơ tôi đã làm bằng tất cả sự yêu thương của một người vợ xa chồng, trong đó có đoạn:

Anh nhé! Đừng quên em với con
Một lòng em giữ dạ sắt son
Chờ anh chờ đến ngày sum hiệp
Dẫu nát vàng phai, dẫu đá mòn...

....Và tôi đã chìm vào trong giấc ngủ hạnh phúc hồi nào không hay.

Sau hai tuần lễ tạm thời ổn định cuộc sống, vợ chồng tôi bắt đầu làm thủ tục nhập học cho các con.
Một lần nữa tôi lại lo sợ khi nghe các bạn ở Việt Nam có người thân bên Mỹ gởi thư về nói là ở Mỹ có những trường học họ kỳ thị dân da màu tóc đen. Con của người Á Đông vào học thường bị mấy đứa nhỏ Mỹ trắng đánh tới bầm mặt, bươu đầu, chảy máu.
Ngày đầu đưa các con tới trường, ra về tôi cứ trông từng giờ các con tan học, để xem chúng có sao không" Nhưng thật bất ngờ, con tôi về trong niềm vui hớn hở, chúng tíu tít kể cho tôi nghe ngày đầu đến trường, các cô giáo rất dễ thương, chăm sóc chúng từng chút, các bạn Mỹ thì bu lại chung quanh hỏi han, hướng dẫn những gì các con tôi không biết, dành nhau để được chơi chung. Một lần nữa tôi lại thở phào nhẹ nhõm. Sự kỳ thị chủng tộc tôi nghĩ cũng có, nhưng luật pháp của nước Mỹ đã nghiêm cấm điều đó. Riêng tiểu bang tôi ở, mặc dù ít người biết đến, nhưng tôi rất thích vì mọi người đối xử với nhau rất là “nice”.
Thời gian trôi qua, các con tôi lớn dần theo năm tháng và rất tiến bộ trong sự học hành. Tôi cũng mừng là chúng vẫn còn khép mình trong khuôn khổ dạy dỗ của tôi. Bởi vì con trẻ ở Mỹ lớn lên chúng giao tiếp với bạn bè ở trường hay ngoài xã hội nhiều hơn là với cha mẹ ở nhà.
Trong quá trình dạy dỗ con cái, tôi cố gắng để vừa là mẹ mà cũng vừa là người bạn tâm tình của chúng. Tôi dạy dỗ hướng dẫn các con những ưu điểm nào cần nên học và bắt chước. Những khuyết điểm nào cần phải sửa chữa cho được tốt hơn, vì thế gia đình tôi luôn luôn tràn đầy hạnh phúc.
Tính đến hôm nay tôi định cư ở tiểu bang Idaho này đã được hơn mười năm. Mẹ chồng tôi tuổi tác quá cao lại bệnh tật, phần không chịu đựng được khí hậu lạnh, nên đã qua đời sau khi đến Mỹ được 2 năm.
Cuối tuần, chúng tôi dự định một cuộc đi chơi, nhưng được tin người bạn đang làm việc trong sở tự nhiên ngã vì bị chứng máu cao hiện bại nửa thân người, dự định đi chơi phải chuyển qua đi thăm người bệnh.
Người bạn chúng tôi đến tham là anh Bách, tuy không thân lắm, nhưng sống giữa xứ người, nhất là tiểu bang này rất ít người Việt, nên chúng tôi luôn trân trọng tình đồng hương. Trong phòng bệnh thật im ắng, chúng tôi thấy anh nằm thiêm thiếp vẻ mặt xanh xao tiều tụy. Nhẹ đặt bình hoa với lời chúc anh mau chóng bình phục ở cạnh cửa sổ, ngoại trừ cô y tá trực và vợ chồng chúng tôi, không có một người thân nào ở cạnh để chăm sóc cho anh.
Biết anh Bách cũng khá lâu, nên chúng tôi cũng hiểu khá rỏ hoàn cảnh của anh. Một vợ năm con còn kẹt lại ở quê nhà, thiết nghĩ anh có đủ điều kiện để bảo lãnh vợ con, anh làm cho hãng điện tử từ năm anh mới qua cùng đợt với chồng tôi năm 81, nhưng không hiểu tại sao anh vẫn lẳng lơ con cá vàng mà không bảo lãnh chị và các cháu. Nhiều lần chồng tôi thúc giục anh xúc tiến giấy tờ cho gia đình mau chóng đoàn tụ, nhưng anh chỉ ậm ừ mà thôi. Sau này tôi mới biết nguyên nhân chánh của việc anh không chịu bảo lãnh vợ con là vì anh mới vừa cặp bồ với một cô còn rất trẻ vào khoảng bốn mươi, nếu so về tuổi đời thì anh ấy lớn hơn cô ta khoảng gần 20 tuổi. Cô ta qua Mỹ cùng với chồng và hai đứa con, một trai, một gái chỉ mới vài tháng sau bỏ chồng cặp bồ với anh Bách gần hai năm nay.
Anh Bách còn có một người em gái lấy chồng Mỹ, một người em trai út mới qua theo diện HO mà anh bảo trợ cho về ở chung. Anh Bách và cô ta chỉ là hai mảnh đời dở dở dang dang rồi chấp nối lại với nhau thì làm sao có được những tình cảm thâm thúy đúng nghĩa của chữ vợ chồng. Từ ngày người em út về ở chung đã xảy ra nhiều chuyện. Người ta đồn cô vợ trẻ đang lẹo tẹo cùng người em trai út của anh. Anh hoàn toàn không tin về lời đồn ấy. Một lần bỏ quên cái bóp ở nhà, anh phải quay trở về lấy, anh mới chứng kiến tận mắt người em trai và cô vợ trẻ đang âu yếm tình tự. Sau sự thật bẽ bàng ấy, nghe đâu bây giờ họ thản nhiên mướn nhà khác ra mặt ở chung với nhau. Trong cảnh bất hạnh ấy, anh Bách thường gọi điện thoại tâm sự với vợ chồng chúng tôi, anh nói anh rất đau buồn, hối hận ăn năn vì đã phụ bỏ vợ nhà để lao vào một cuộc tình không đâu. Sự uất ức dày dò anh đến cao độ, vì thế đã làm anh đứt mạch máu não, liệt cả nửa thân người. Anh Bách từng bị người đời lên án bỏ vợ mình để đi cướp vợ người. Bây giờ tới phiên anh bị chính người em trai của mình cướp vợ. Anh nằm đó, thiêm thiếp trong cơn mê.
Thấy không thể hỏi han gì được nên vợ chồng tôi phải ra về. Nắng chiều trải nhẹ trên thềm bệnh viện. Đi song song bên cạnh chồng, tôi nghĩ nếu so sánh với hoàn cảnh của Phượng hay của chị Bách còn ở VN thì tôi thật là một người có phước. Tôi thầm cám ơn Thượng Đế đã ban cho tôi quá nhiều ân sủng, một người chồng tốt, ba đứa con ngoan đều sắp sửa ra trường. Hiện bây giờ ngoài giờ học, chúng lao vào công tác xã hội, giúp đở cho cộng đồng người Việt mới qua những giấy tờ cần thiết khi du nhập vào nước Mỹ, mở lớp dạy Việt ngữ cho các cháu nhỏ, vv... Tôi rất hãnh diện và sung sướng khi có được một mái gia đình hạnh phúc và ấm cúng như thế. Tôi tâm niệm phải dạy dỗ các con tôi làm sao, dù học hỏi theo văn minh tiến bộ của nước Mỹ, nhưng cũng phải luôn giữ nề nếp gia đình, và cội nguồn dân tộc.

Hương Thủy

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,809,202
Tác giả cho biết, “Trước năm 1975, tôi là giáo sư dạy tại trường trung học Lương văn Can , quận 8, Sài gòn.
Cùng với bài “Mười Lăm Năm ở Mỹ” đã phổ biến hôm qua, tác giả Minh Nguyệt Graves còn gửi thêm bài sau đây, cho biết bài được viết bởi ông chồng Carl Graves, một người Mỹ làm công chức tại Texas.
Tác giả qua Mỹ cùng với 2 con, theo diện đoàn tụ do cha bảo lãnh, hiện có tiệm Nails ở Texas và lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ với bài “Chuyện Ông Mỹ có vợ Việt”, đã phổ biến 2 tuần trước.
Việt Báo thành kính tưởng nhớ Nhạc Sĩ Vũ Đức Nghiêm, một tác giả huynh trưởng từng góp bài Viết Về Nước Mỹ. Ông sinh ngày 30-6-1930 tại làng Hoành Nha, Giao Thủy, Nam Định, vừa từ trần tại San Jose,
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017 và sẽ nhận giải đặc biệt năm thứ XVIII. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, định cư tại New Jersey năm 1994 theo diện HO.
Tác giả là một nhà giáo hưu trí, cư dân Riverside, đã góp nhiều bài viết đặc biệt cho giải thưởng Việt Báo từ năm đầu tiên, và nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2009. Sau đây là bài viết mới nhất.
Tác giả có tên trong Danh Sách Chuing Kết Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, hiện là cư dân Arkansas. Nguyên quán Bình Dương, Việt Nam.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng; Cựu nữ sinh NTH Hồng Đức ĐN từ 1969- 1975. Đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia.
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất hiện là cư dân Minneapolis, MN. Ông đã về hưu sau khi dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả tên thật là Trương Nguyên Thuận, tuổi 60', cựu sĩ quan không quân VNCH, di tản sang Mỹ từ 1975, kỹ sư điện toán, từng làm việc với Hewlett Packard/ Houston... rồi mở lò dạy võ.
Nhạc sĩ Cung Tiến