Khi cả gia đình tôi dắt dìu nhau đến Hoa Kỳ với một bầu đoàn thể tử gồm mười người -bố mẹ và tám anh em tôi- mẹ tôi đã thì thầm với tôi tại phi trường LAX bằng giọng buồn buồn:
- Con ạ, hai chỉ vàng cuối cùng mẹ đã tiêu bên Thailand rồi. Bây giờ, trong túi mẹ chẳng còn đồng nào. Không biết làm sao mà sống đây!
Chúng tôi đã vội an ủi mẹ bằng một giọng chắc như đinh đóng cột:
- Mẹ đừng lo, không sao đâu. Người Mỹ họ đã cho mình đến Hoa Kỳ thì chẳng bao giờ họ để mình chết đói! Mẹ đừng có sợ!
Và quả thật, người Mỹ rất chu đáo, đã lo cho chúng tôi gặp người bảo trợ là ông chú rể của tôi và Hội tương trợ tù nhân cải tạo. Bước đầu chúng tôi đã có một mái nhà để tạm trú trong Hội Tượng Trợ Tù Nhân Cải Tạo. Sau hơn một tháng, chúng tôi lo đầy đủ giấy tờ tùy thân và tiền trợ cấp với sự trợ giúp của nhân viên trong hội. Như chim đã đủ lông đủ cánh, gia đình mười người chúng tôi tự tách riêng ra, đi thuê một căn Apt rẻ tiền để tự sinh sống. Những người bạn cũ của bố mẹ tôi tới thăm chúng tôi đều an ủi chúng tôi rằng:
- Các cháu đừng lo, với lực lượng đông đảo như mấy cháu, lại vừa trẻ vừa có ăn học nữa, nếu ráng cố gắng chẳng bao lâu sẽ thành công tại xứ sở này.
Tôi phải kể sơ một chút về gia đình tôi. Bố tôi vốn là một sĩ quan cấp tá của quân đội VNCH. Sau ngày 30/4 cũng như bao nhiêu người khác, nghe lời phỉnh phờ của bọn Cộng Sản, ông đi học tập cải tạo, bỏ lại vợ và tám đứa con thơ, mà đứa nhỏ nhất không đầy hai tháng tuổi. Ông ra đi nhưng vẫn hy vọng sau một tháng trở về với vợ con. Thế rồi biền biệt!
Sau hơn mười năm trong lao tù Cộng Sản, ông trở về với chúng tôi như một con người bị xã hội phế thải. Ông sống trong gia đình như một chiếc bóng. Sự mất đi quyền hành cùng tiền bạc đã làm ông bị lu mờ ngay đối với anh chị em của ông trong gia đình. Ông hiểu mà không biết phải làm gì để phụ giúp mẹ tôi và tám anh em tôi. Ông cũng biết rằng ông không thể làm gì khác hơn để khôi phục vị trí của ông trong gia đình, bởi lẽ sau năm tháng dài đăng đẳng trong chốn lao tù, ông dường như bị tách ra khỏi thế giới thực tại. Cái thế giới mà người đàn bà phải săn tay áo ra tranh đấu với cuộc sống, còn người đàn ông trở thành thứ yếu trong gia đình.
Trong lúc đó, chúng tôi vừa kiếm sống phụ giúp cho Mẹ, vừa phải đối phó từ những dèm pha từ phía người thân xảy ra đối với gia đình mình. Trong những năm tháng dài đó, tôi ý thức được rằng “Cái nghèo thật nhục nhã và thiệt thòi biết bao nhiêu.”
Mẹ tôi như trăm ngàn phụ nữ Việt Nam khác, vẫn phải cắn răng tảo tần nuôi chồng, nuôi con ăn học đầy đủ. Mặc cho thế sự đời khen chê, vật đổi sao dời, bà vẫn cam đảm đương đầu chống chọi. Cùng với một người bác ruột không chồng con, gia đình tôi được lèo lái bởi hai người đàn bà chân yếu tay mềm, nhưng ý chí mạnh hơn sắt thép. Trong nổi tủi cực những đứa con có cha bị tù đày, bị phân biệt đối xử như là thành phần xấu trong xã hội, chúng tôi vẫn được sự khuyến khích của mẹ và bác cố gắng học “để làm cho chúng nó (Cộng Sản) biết mặt”
Chúng tôi đã kiên trì theo đuổi sự học dù biết bao khó khăn xảy ra trong đời sống, dù chúng tôi phải kiếm ăn từng bữa. Cho đến ngày ra đi, bảy anh em chúng tôi đã có mảnh bằng tú tài đôi, và anh cả tôi thì đang theo học tại trường đại học tổng hợp Saigon.
Chuyến đi nhân đạo mà chính phủ Mỹ dành cho chúng tôi đánh đổi bằng 10 năm lao tù tưởng rằng không có ngày trở về vẫn làm cho bố tôi hả dạ lắm. Ông đã cứu tương lai của tám đứa chúng tôi. Chúng tôi cùng cha mẹ rũ áo ra đi, và tôi chợt thấm bài hát của nhạc sĩ Phạm Duy “Một ngày năm tư cha bỏ quê, một ngày bảy lăm con bỏ nước”.
Những tháng đầu tiên ở Mỹ, chúng tôi phải đi học ESL và bắt đầu trước mắt sau đi tìm việc. Trong khi có những người đến Mỹ và được thân nhân bão lãnh thì lại may mắn hơn chúng tôi là họ có thể thong dong học đến khi nào hết hạn thì thôi. Còn chúng tôi thì phải bắt đầu cuộc sống mới bằng con đường tìm việc ngay lập tức. Dù rằng tiếng Mỹ của chúng tôi vừa nói, vừa múa, nhưng vẫn may đã giúp chúng tôi, khiến cho cả năm anh em tôi tìm được việc làm trong các hãng xưởng Mỹ. Và thế là cuộc đời mới bắt đầu với chúng tôi.
Trong khi chúng tôi phơi phới hy vọng ở tương lai, thì người anh cả của tôi vẫn ngập tràn nổi buồn vì chia tay với người yêu. Ngày ra đi của chúng tôi, cũng là ngày anh thật sự kết thúc mối tình vô vọng. Tôi tội nghiệp cho cả anh tôi lẫn chị ấy và cả mối tình gần mười năm của anh nữa. Vì yêu anh và biết rằng bố mẹ tôi muốn anh phải ra đi cùng với gia đình, chị đã tự động đăng ký nghĩa vụ lao động tại một nước Đông Âu, và chị tự chấm dứt mối tình ấy bằng lời từ khước bởi vì anh nghèo không đủ tiền bảo đảm đời sống gia đình sau này. Chị biết rằng anh sẽ không làm điều ấy một mình được. Chị đã tàn nhẫn (trái với ý mình) viết một lá thơ báo cho anh biết chị đã lấy chồng xa ở nơi chị đang lao động, và khuyên anh nên quên chị đi, để rồi năm năm sau tôi biết rằng chị đã nói dối, buộc phải làm anh đau lòng. Tôi biết, anh tôi như tan nát con tim. Anh lao đầu vào công việc cho quên thời gian để cốt quên đi chị. Anh nhậu nhẹt, đi chơi, đi làm bất kể ngày giờ. Lúc nào anh cũng nói với tôi “Nghèo nhục nhã lắm, mày ơi!” Anh kiếm thật nhiều tiền để đưa cho bố mẹ tôi sắm sửa chuyến đi.
Rồi đến ngày lên máy bay, trong lúc mọi người khóc lóc cho cuộc chia tay không hẹn ngày trở lại, thì anh chỉ nói với chúng tôi:
- Đi càng xa nơi này càng tốt. Tao chẳng muốn ở lại cái thành phố này làm gì nữa.
Sang đến Hoa Kỳ, anh cũng là người đầu tiên lao vào tìm Job trước. Ở Việt Nam anh vốn là một công nhân điện tay nghề rất giỏi. Lúc đó anh lại đang học bổ túc tại trường Đại Học Tổng Hợp Saigon về nghành điện, nên anh có khá nhiều kinh nghiệm. Nhưng tiếc thay chỉ vì cái tiếng Anh ba rọi của mình, anh đành phải làm cho một công ty nhỏ chuyên sản xuất gỗ. Nhưng anh lại rất hồ hởi về chuyện kiếm được việc. Anh lao về nhà, ôm lấy eo mẹ tôi reo lên:
- Mẹ ơi, con kiếm được việc làm rồi không sợ đói nữa.
Anh có vẻ hãnh diện là người đầu tiên kiếm được việc làm, bởi vì anh luôn thích chứng tỏ anh cần phải cư xử như một người anh cả trong gia đình. Anh thường đùa với tụi tôi rằng:
- Có đứa nào đã từng đọc truyện “Người anh cả” của Lê Văn Trương chưa" Tao đấy, một người anh cả vô cùng xứng đáng!
Trong lúc chúng tôi lao nhao phản đối, thì anh cười lớn rồi bỏ đi. Anh lại thích nhõng nhẻo với mẹ tôi lắm, dù rằng anh đã ngoài ba mươi xuân xanh. Mỗi lần đi đâu về, câu đầu tiên anh hỏi là:
- Mẹ đâu rồi" Trời ơi, con đói bụng quá đi thôi! Có gì cho con ăn không"
Bố mẹ tôi thương anh lắm vì muốn bù đắp trong tình cảm riêng tư của anh. Thỉnh thoảng, anh nhắc về người yêu cũ của mình với một giọng buồn ray rứt. Anh tâm sự với tôi rằng:
- Tao biết cô ấy cố tình nói như vậy để tao dễ rủ áo ra đi. Tao hiểu cô ấy, nhưng thôi cái gì cũng là số mệnh. Nhưng chắc có lẻ từ đây về sau, tao khó có thể tìm thấy được người thứ hai nào như cô ấy nữa.
Tôi thấy anh thật tội nghiệp nhưng tôi chỉ có thể an ủi anh và khuyến khích anh rán cố gắng mà quên. Nhưng tôi biết tôi chẳng thể nào hiểu được tình yêu anh dành cho chị ấy lớn như thế nào.
Rồi chúng tôi quyết định xin vào đại học cộng đồng. Chúng tôi hăm hở mang đơn về cho anh cùng điền vào để đi học. Anh đẩy ra và bảo:
- Thôi, tao già rồi. Cho tao nghĩ ngơi một chút đi chứ. Tụi bay đi học đi, tao nuôi.
Tụi tôi ùa vào thuyết phục anh, thì anh nói:
- Thôi tao hứa, chỉ cần hai đứa ra trường làm phụ bố mẹ, tao sẽ trở lại học ngay. Bây giờ tao chỉ học tiếng Anh thôi.
Rồi anh cũng đi học với chúng tôi, nhưng chỉ lấy những course tiếng Anh mà thôi.
Còn tôi vốn là con gái lớn trong nhà, nên tính cứ hay lo. Tôi vừa đi làm fulltime, và học cũng gần như fulltime, vì tôi muốn ra trường thật lẹ để phụ với bố mẹ. Anh em chúng tôi có giao ước là đứa này phải đùm bọc đứa kia để tất cả đều phải học xong ít nhất là hai năm đại học. Nhưng thật không may cho tôi, sau gần hai năm làm cho hãng, tôi bị lay-off vì hết việc. Tôi trở về nhà và nói chuyện với anh. Anh nghiêm giọng bảo tôi rằng:
- Mày đi học full time đi, kiếm việc part time mà làm. Ráng học cho lẹ mà ra trường để đi làm cho khá lương. Tao sẽ làm thêm để phụ tiền nhà cho. Đừng có lo!
Như được mở cờ trong bụng, tôi lao đi tìm một công việc part time trong một trường tiểu học và bắt đầu cuộc đời sinh viên của mình từ đó. Thế là trong gia đình tôi, chỉ còn có anh và mẹ tôi đi làm toàn thời gian, còn lại chúng tôi chỉ đóng góp một phần rất nhỏ trong việc chi tiêu gia đình. Anh vẫn luôn khuyến khích chúng tôi:
Calif, chiều mưa cuối mùa. 2001
Trịnh Thu Ha