Hôm nay,  

Tiếu Ngạo Con Người

05/01/200100:00:00(Xem: 144203)
“Thằng này hậu vận có số xuất dương”. Ông cậu tôi đã chấm tử vi cho tôi và nói chắc bắp như vậy hồi 33 năm trước, nhân ngày tôi khăn gói quả mướp từ nhà quê lên Sài gòn ăn học. Nay tôi qua Mỹ đã mười năm, thình thoảng vẫn mân mê cái cằm nhẵn râu, gật gù suy ngẫm chuyện nhân tình thế thái.

Cậu tôi còn nói nhiều điều khác nữa. Đại khái là: “Có đi học rồi cũng chẳng thành ông gì. Lại do sinh ra có mạng ở chân ông Huỳnh Đế nên phải bôn ba. Tuổi thanh niên, tấn vi quan thối vi tù. Bị hung tinh chiếu mạng nên khó ngóc đầu lên. Tuổi trung niên nhờ cái hậu phụ mẫu, lại có quới nhơn phò trợ, nên gia đình được sống an lành” Mẹ tôi nghe đến đó, có lẽ bà cho rằng biết qua hậu vận của tôi thế là đủ, nên vội ngắt lời: “Cái cậu này, uống rượu vừa thôi chứ!” Chả là lúc ấy, có đủ mặt cả nhà trong bữa cơm tiễn chân tôi, và đang hào hứng bàn chuyện công danh về sau của thằng con trai lớn, chắc mẫm rằng sẽ nhờ tôi mà nở mặt nở mày với làng nước.

Thời ấy, đang ở tuổi mộng tràn chăn gối, lại không hiểu cũng không tin tử vi, tôi ít chú ý những lời cậu tôi nói, nhưng vẫn nhớ giọng điệu rất ư trịnh trọng của ông. Đến Sài gòn rồi, tôi chỉ ngồi trên ghế nhà trường vỏn vẹn một năm, đã phải đứng dậy xếp bút nghiên theo lệnh tổng động viên năm 68. Sáu tháng sau, tôi trở thành một anh “quan” nho nhỏ có đơn vị ở Sài Gòn, và tháng tháng đi công tác khắp nơi từ Quảng Trị đến Cà Mau. Hoạn lộ đã mở ra với nhiều hứa hẹn, nhưng không bao lâu sau thì xẩy ra vụ đổi đời 75. Không lâu mà vẫn đủ cho tôi có tiêu chuẩn đi “học tập” nhiều năm tiếp theo. Thời gian này, hàng vạn người cùng hoàn cảnh như tôi được thực tập lại rất kỹ bài “Mưu Sinh Thoát Hiểm”, vốn đã học trong giai đoạn cuối ở quân trường.

Việc “học tập” kéo dài ngoài sức tưởng tượng của mọi người, tuy chỉ quanh đi quẩn lại các đề tài “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, kèm theo phần thực hành khá đơn giản: lao động sản xuất với cách thức và dụng cụ mà ông bà xưa từ thời dựng nước đã rất quen thuộc... Kể ra thì “học viên” không đến nổi phải ăn lông ở lỗ, dù rằng tất cả các hiện trường đều ở nói thâm sơn cùng cốc. Lẩm rẩm thời gian trôi qua, rồi cũng đến ngày tôi được hạ sơn. Tôi tẩn mẫn tính trên đầu ngón tay, nếu bỏ công học hành chí thú, tôi đã cầm chắc mảnh bằng “phó tiến sĩ” mang về.

Ba mẹ tôi dẫu trông chờ, hẳn cũng không hy vọng tôi xênh xang áo gấm về làng. Lúc ấy đang mùa đông, tôi vận áo chằm bằng nhiều lớp bao cát, rất dầy và ấm. Và theo sự xác định rất đáng tin cậy của những anh em biết rành về đạn đạo, loại áo ấy đại liên bắn không thủng! Thật ra, lúc ấy chẳng ai cần dùng áo giáp nữa, vì đã hết chiến tranh. Nhưng chẳng gì bằng lành, các bạn đồng môn bảo nhau như vậy, các áo ấy ít ra cũng đỡ được những nắm “con-phét-ti đá cục” của dân chúng chào đón, theo như cảnh báo của các “thày” trên “tường” về những sự cố có thể xảy ra. Sự thực trên đường từ Bắc về Nam, đã làm chúng tôi ngạc nhiên, vì chỉ nhận được những ánh mắt cảm thông. Sau đó, tôi rất phấn khởi vì thấy đã nhanh chóng hòa mình vào đám đông nhân dân, nhờ kiểu quần áo, đang được xử dụng đại trà ấy. Chiếc áo còn giúp tôi việc khác, mà về đến nhà mới biết, lúc được ba mẹ tôi khen là mập mạp hơn các người vẫn tưởng! Khi đi Mỹ, tôi muốn mang theo chiếc áo đã trung thành với tôi suốt mười mùa đông ấy, nhưng mẹ tôi đã dành giữ nó làm kỷ niệm.

Sở sĩ tôi hơi dài dòng về chuyện “học tập”, vì tuy không nhận được văn bằng, nhưng được cấp giấy chứng nhận có ký tên và đóng dấu cẩn thận. Giá trị của giấy ấy về sau được nhà nước Mỹ công nhận: Sự nhất trí hiếm hoi và chưa có tiền lệ này của cả hai phía, dẫn tới việc tôi cùng bầu đoàn thể tử được xuất dương sang Mỹ, như hàng vạn gia đình khác có cùng hoàn cảnh. Thế là câu tiên tri quan trọng nhất của cậu tôi đã ứng. Nhưng tôi chưa chịu phục hẳn, vì vẫn nghĩ rằng “có công mài sắt, có ngày nên đinh”, huống chi tôi lại đang ở Mỹ, vốn nổi tiếng là đất nước của nhiều cơ hội.

Tôi bèn ghi tên vào trường để tiếp tục việc học dở dang vì chinh chiến ngày xưa. Và để có tiền sinh sống, tôi xin làm thợ ủi tại một hãng may do người Việt làm chủ. Rồi mỗi buổi chiều sau khi gác bàn ủi, tôi dong chiếc xe còn khá sung sức nhờ trẻ hơn tôi 30 tuổi, thẳng đường đến trường. Phải nói rằng tôi rất mừng vì tay vẫn còn khỏe để mổi ngày ủi được mấy trăm quần áo, phục vụ cái mặc cho nhân dân Mỹ- những người đã tỏ ra rất hào sảng với gia đình tôi- và đồng thời cũng chứng minh cho vợ tôi thấy sức lực tôi chưa đến nỗi tồi. Lại còn mừng hơn, vì những lời vàng ngọc của các thầy cô ở trường, sau khi vào lỗ tai này không ra hết lỗ tai kia, mà còn ở lại một ít.

Ở nơi làm việc, sau một thời gian tôi được bà chủ cứu xét cho lên chức vụ kiểm hàng, có oai hơn cái “chóp” trước một chút. Ngoài tiền lương tháng không lấy gì nhiều, tôi còn được lãnh một khoản tiền nhà nước Mỹ trả công cho việc đi học. Đời như thế là lên hương! Cha con nhà tôi cũng được học, và mỗi tối về nhà được vợ tôi đãi một bữa “tiểu yến”. Và lâu lâu, tôi cũng dự một lần “đại yến” chung vui với bạn bè. Đôi khi nghỉ lại, tôi hơi ân hận vì hồi còn ở nhà trước khi đi Mỹ, đã trách oan cậu tôi chỉ nói phét lúc tửu nhập ngôn xuất, mà không thật sự chấm tử vi cẩn thận giùm tôi.

Thời gian tôi mài đũng quần trên ghế nhà trường Mỹ, cũng như mài bàn ủi ở hãng may, kéo dài chừng bốn năm thì chấm dứt. Tôi xin dược một chân bán hàng tại một tiệm buôn, có đồng lương khá hơn. Làm công việc mới này, tôi có phần phụ công thày dạy vì những môn học tuy có điểm, lại không giúp gì nhiều cho tôi, một người quá tuổi sồn sồn không thể làm chủ bí-zi-nịt và không rành khoa học kỹ thuật.

Nơi tôi làm việc thuộc một vùng có nhiều dân gốc Nam Mỹ, một ít da trắng và da đen, cũng có một số gốc Á. Với những khách hàng phần đông là Mễ, ít biết tiếng Anh vì mới sang không lâu, mà giọng Anh của tôi thì hơi ngọng, thế là tôi lần mò học nói tiếng Tây Ban Nha, mà tôi cho rằng cách đọc và viết có phần giống tiếng Việt.

Nhờ đã học qua lớp ngoại ngữ, lại thường xem các bằng tần truyền hình có chiếu các trận đá banh quốc tế tường thuật bằng tiếng Tây Ban Nha, tôi dần dần cũng thông được các câu xã giao “tủ” cần thiết trong việc chào hàng và mua bán. Rất nhiều khách Nam Mỹ còn xuýt xoa khen tôi nói tiếng Tây Ban Nha hay hơn tiếng Mỹ! Thế là vui vẻ cả làng. Thật ra, tính tôi vốn cũng thường lo ra như nhiều người Bắc và người Trung, nhưng nhờ mấy năm sống ở Nam Bộ, tôi có nhiễm chút ít tính chịu chơi. Nay tôi yêu đời hơn nhờ người Mễ. Một số khá giống cái hình ảnh biểu tượng trong những phim cao bồi tôi xem hồi nhỏ: một chàng để ria mép rậm với chiếc mũ rộng vành sùm sụp trên đầu và đôi giày mũi nhọn dưới chân, đang lim dim ngồi dựa vào tường, bên cạnh dựng một cây đàn và chai rượu đã cạn. Hình ảnh này trông vui vẻ hơn cảnh một người đầu đội chiếc nón tả tơi, đang khom lưng kéo bừa trên đám ruộng lầy, thường thấy ở quê tôi là người bán hàng, tôi thấy người Mễ tiêu xài rộng rãi đồng tiền làm ra. Đầu kỳ lương, họ trả tiền mua hàng bằng giấy bạc lớn, và sau đó họ đưa ra những giấy bạc ngàn càng nhỏ lớn, khác với dân Mỹ gốc Á, trong đó có tôi, chỉ dùng giấy bạc lớn để mua những thứ như nhà cửa, xe cộ mà thôi.

Thế mà lúc mới học tiếng Tây Ban Nha, tôi đoán già đoán non rằng người gốc Nam Mỹ rất dè xẻn, vì khi nói và viết họ thường tiết kiệm chủ từ (chỉ được hiểu ngầm nhờ động từ theo sau) như “te-amo) nghĩa là “anh yêu em” thì không thấy “anh” đâu cả. Sau mới biết, khi yêu họ rất cởi mở chứ không khép nép như người mình. Nếu người Việt, và một số người gốc Á khác như Nhật hoặc Hoa ở Mỹ, thưởng chỉ được hưởng lộc, thì người gốc Nam Mỹ lại được hưởng phần phước- như ông bà ta vẫn quan niệm- vì hầu hết nam nử, cở tuổi 35 đã có cháu nội ngoại đầy đàn. Âu cũng là một trong những biểu hiện rất hay ho của cung cách tương nhượng để tương sinh trong đời sống Mỹ.

Những khách hàng Mễ quen thuộc dù biết tỏng tôi là người Việt, vẫn thân mến gọi tôi là Đôn Ki-Hốt-Tê, còn đám trai trẻ lại kính cẩn gọi tôi là Xê-nhô Chi-nô. Có lẽ họ nhận tôi là bà con xa chăng, vì Đôn Ki-hốt-tê là người Tây Ban Nha cùng quê cha với họ, và người Chi-nô biết đâu vừa là ông tổ của thổ dân Mỹ, xưa đến đây qua ngả eo biển Bering, vừa là ông tổ của tôi vốn đã từ vùng sông Dương Tử đi về phương Nam, thành người Việt. Và ngày nay trên đất Mỹ, bà con lại tao ngộ sau khi thất tán mấy ngàn năm. Nếu ngược thời gian xa hơn nữa, qua kết quả nghiên cứu của các nhà nhân loại học, tất cả con người dù nay có các màu da khác nhau, đều có chung bà tổ người da đen, gốc ở Phi Châu là cái nôi của nhân loại. Thế ra, dân Mỹ từ hồi nào đã thực hiện được một cái mẫu “Thế Giới đại đồng”, nhưng lại quên không khua chuông gióng trống rùm beng để khoe thành tích!

Riêng tôi thì không nén được phấn khởi hơi quá mức, vì có cả phần phấn khởi dùm mọi người. Không chỉ mình tôi được quen biết, giao thiệp và học hành với nhiều người, mà các con tôi cũng vậy. Những lần đưa con đi học, tôi thường nán lại ngắm bọn trẻ chơi đùa trong sân trường. Ngoài các màu da, chúng gần như không có gì khác nhau cả. Tôi cũng nhận ra một số trò chơi như cút bắt, oẳn tù tì, nhảy lò cò, bắn bi...mà hồi nhỏ tôi rất khoái. Vào lớp học thì học trò trắng, vàng, đen cùng chăm chú nghe thầy giảng; giống hệt như tôi và các bạn đồng học, chỉ khác là tôi có nhiều thầy cô hơn: ông Ấn Độ dạy điện toán, bà Ác Mê Niên dạy địa lý thế giới, ông Cuba dạy tiếng Tây Ban Nha, cô người Hoa dạy Anh ngữ, ông Mỹ gốc Phi dạy sử Nhật và Trung Quốc...

Cứ thế, trong trường học ai giỏi thì có điểm cao, ngoài đời ai lắm tài thì kiếm nhiều tiền. Nhưng điều khiến tôi thấm ý nhất là, trên đất Mỹ mọi người dù có màu da khác nhau đều là dân Mỹ; không ai buộc ai phải đen, phải trắng, phải vàng như mình cả. Thật khác với ở quê tôi, người rặt một nòi da vàng, nhưng ai không chịu đỏ thì không được coi là dân, nên hàng triệu người đành phải ra đi xin tạm làm...dân nước khác.

Rốt cuộc, tôi đã phục những lời nhân bảo như thần bảo của cậu tôi ngày xưa. Quả thật, tôi có rất nhiều quới nhơn phò trợ: những lương y đã cứu bà vợ èo uột của tôi qua cơn bịnh ngặt nghèo và giúp thằng cu con nhà tôi chào đời khỏe mạnh, vị tu sĩ nhiều lần mang cho quần áo và nồi niêu soong chảo, người bạn Mễ đã săn sóc vết thương khi tôi ủi đồ lớ quớ nên tay bị bỏng, các khách hàng thường ngày chiếu cố, quí thầy cô đã mở mang cho cái đầu tôi đang chực lú lẩn, vị quan tòa đã thay mặt tổng thống Mỹ long trọng nhận tôi làm chánh thường dân, và vô số quới nhơn tôi chưa bao giờ biết mặt, nhưng đã góp phần cho gia đình tôi một đời sống an lành. Ngoài ra, tôi cũng không quên rất nhiều quới nhơn đã giúp tôi ngày còn ở quê nhà: cho tôi củ sắn hay vài con nhái đỡ lòng, san sẻ những gánh nặng quá sức khi khiêng cày vác củi trên rừng, nhín bớt những viên thuốc trong cơn sốt rét... của cho dù ít dù nhiều, nhưng giá trị ơn nghĩa suốt đời không thể trả hết.

Phần hậu vận còn lại, tôi nghĩ mình tài sơ sức yếu không bon chen gì được nữa. Được yên lành như bây giờ cậu tôi đã nói thế- là quí rồi. Chỉ còn một tham vọng là sẽ được hưởng sự yên lành ấy quê nhà cùng với đồng bào tôi. Sự yên lành đơn giản là thế mà nay coi mòi còn khó hơn chuyện lên cung trăng, chuyện mà cả người Mỹ lẫn người Nga (có thời đã chống chịu đội một ông trời chung) trước sau đã thực hiện được, chỉ khác ở chỗ: Mỹ tà tà, Nga cái rụp!

QUẢNG NHÂN

(Bài tham dự số 130-VB 0104)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,280,970
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ. Bài viết mới của bà là chuyện về một viện dưỡng lão.
Với bài viết đầu tiên từ tháng Sáu 2017, tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Thư kèm bài, cô cho biết đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi và xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Bài viết mới là truyện ngắn.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey.
Trước 1975, tác giả là một hạm trưởng hải quân VNCH, sau đó là 10 năm tù cộng sản. Ông định cư tại Mỹ theo diện H.O., dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, đã nhận giải bán kết 2001. Tuy từ 10 năm qua đã là thành viên Ban Tuyển Chọn Chung Kết, tác giả vẫn tiếp tục góp bài mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ. Sau đây, thêm một bài viết mới của bà.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Thời chiến trước 1975, ông xuất thân Khóa 9 Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức, sau đó dự Khóa Căn Bản TQLC ở Quantico, Virginia năm 1963, nhiều lần bị thương và thăng chức ngay tại mặt trận. Sau gần 10 năm tù hậu chiến, ông vượt biển và định cư tại Salt Lake City, Utah từ tháng 8 năm 1987 đến nay. Bài viết của ông là hồi ký về một bạn thân người Mỹ tử trận tại Việt Nam.
Tuần lễ Halloween bắt đầu, mời đọc chuyện sợ ma. Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018.
Tác giả đã nhận giải bán kết - thường được gọi đùa là giải á hậu 2001. Sách đã xuất bản: Chuyện Miền Thôn Dã. Từ nhiều năm qua, ông là một huynh trưởng Viết Về Nước Mỹ và là thành viên ban tuyển chọn chung kết của giải thưởng nhưng vẫn tiếp tục vui vẻ góp bài mới.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster. Tham dự Viết Về Nước Mỹ năm 2015.Đã nhận giải Đặc Biệt năm 2016. Giải Danh Dự VVNM 2017. Sang năm 2018 nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Bài mới của bà là chuyện về một gia đình H.O. có các con trên 21 tuổi từng bị từ chối cho đi theo cha mẹ. Nhờ Tu Chính Án của Thượng Nghị Sĩ John McCain, mà họ đã có thể đoàn tụ từ sau năm 1995.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Sau đây, thêm một bài mới của ông.
Nhạc sĩ Cung Tiến