Hôm nay,  

Anh Hai Joe Và Bà Fender

26/11/200200:00:00(Xem: 378940)
Người viết: Nguyễn H. Thời
Bài tham dự số 102\VBST

Ông Thời, 61 tuổi, trước 1975: dạy học, quân nhân. Nguyên Hiệu Trưởng Trường Trung Học Lê Văn Duyệt, tỉnh Quảng Ngãi. Cao Học Chính trị và Xã Hội, Trường Chính Trị Kinh Doanh, Viện Đại Học Đà Lạt. Nghề nghiệp hiện tại: Senior Computer Specialist (METRUM DATAPE Inc.) Hiện là Sinh Viên Chương Trình MBA Woodbury University, Los Angeles.


Tôi đang cố gắng hết sức đẩy ngược máy cắt cỏ lên cái dốc dưới cái nắng chang của mùa hè Cali sau vườn bà Fender thì chợt nghe tiếng gọi thoang thoảng trong gió từ đằng xa vọng đến. Tôi dừng lại, tắt máy và nhìn về hướng phát ra tiếng kêu. Thì ra bà Fender, chủ nhà đang đứng dưới mái hiên vẫy tay gọi tôi. Tôi lững thững đi vào và khi đến gần, bà vừa nói vừa chỉ vào con chó tên Joe đang nằm ngủ lim dim ở góc hiên.

- Thời, ông xem, tôi vừa mới đem Joe đi cắt tóc, tỉa lông, tắm gội cho nó về đây, ông thấy hôm nay nó có đẹp hơn không"

Tôi cũng muốn câu giờ một chút để nhân cơ hội nghỉ giải lao dã chiến, nên tán vào:

- Tôi thấy Joe ngày càng đẹp ra, thường chó mũi đen sao Joe mũi nó ngày càng hồng hồng ra nhỉ, nó có đôi mắt xếch ngược lên trông như tranh vẽ những ông tướng Tàu thời xưa, bốn ống chân nó có những bộ lông dài tua tủa như những cao bồi Texas chân mang giày ống cỡi ngựa, trông oai vệ quá.

Tôi ngập ngừng và tiếp:

- Vậy họ tính cho bà bao nhiêu tiền công"

- Kể cả tiền típ nữa là 125 đôla.

Tôi bước lại gần Joe và ngồi xuống cạnh nó, lấy tay vuốt vào bộ lông sóng mượt trên lưng, vừa vuốt tôi vừa ngước mắt hỏi:

- Bà nuôi nó được bao lâu rồi"

- Bốn năm rồi đó, chắc hồi đó ông còn ở Việt Nam.

Tôi tiếp tục vừa nói chuyện vừa vuốt lưng Joe, ban đầu nó nằm yên, chốc sau nó quay đầu lại gầm gừ mấy tiếng nhỏ, rồi đứng lên bỏ đi vào nhà. Bà Fender mắng yêu:

- Honey, ngoan đi. Thời là bạn của chúng ta mà.

Vừa nói bà vừa quay lưng đi theo Joe.

Tôi thấy không có lý do gì để câu thêm giờ nữa nên đủng đỉnh đi về phía máy cắt cỏ đang chờ tận đàng xa kìa, vừa đi tôi vừa nghĩ thầm trong bụng: "Giá em Joe này mà đi lang thang vùng Gò Vấp, Ngã ba Ông Tạ, ngã tư Bảy Hiền, khu nhà thờ Ba Chuông, Xóm Chiếu hay Cầu Xa lộ quê hương yêu thương, xa tít của tôi thì chỉ mấy giờ sau em sẽ thành những xâu chả đùm, rựa mận, nồi cháo thơm phức ngon lành chứ ở đó mà gầm gừ, khó dễ với tôi".

Từ khi vượt biên đến Mỹ tị nạn Cộng Sản, ngoài công việc làm Janitor fulltime ở nhà thương, tôi lãnh làm vườn cho mấy ông bà hội viên nhà thờ đã sponsor chúng tôi vào dịp cuối tuần để kiếm thêm ít tiền chi phí lặt vặt, áo quần, sách vở cho lũ trẻ. Ông bà Fender, ông bà Calvert, ông bà Smith, bà Lisa, ông Steven là những customer hào sảng của tôi. Tôi thuộc nằm lòng từng gốc cây, ngọn cỏ vườn nhà họ, từng cái ly, quyển sách, bình bông để ở chỗ nào trong nhà.

Ông Fender đỗ Tiến Sĩ điện tử ngành không gian hồi rất còn trẻ (24 tuổi), ông hiện là khoa trưởng kiêm giáo sư chuyên dạy những sinh viên là ứng viên chương trình Tiến Sĩ (Ph.D) ở trường Cal Tech, Pasadena (California Institude of Technology) một đại học kỹ thuật cao ngang ngửa với trường MIT (Massachusettes Institude of Technology) ở Boston. Những bộ óc phát minh ra hỏa tiễn, chế tạo Space shuttle, đưa người lên tận thượng tầng không gian, cung trăng, hành tinh Mars phần nhiều xuất phát từ hai trường nầy.

Mỗi năm sau kỳ thi tốt nghiệp, ông bà thường tổ chức tiệc tùng tại nhà để khỏan đãi các tân Tiến sĩ, những lúc đó tôi dọn dẹp mệt nghỉ còn Joe thì cứ thong thả đi ra, đi vào, nhởn nhơ, thỉnh thoảng ra nằm giữa ngoài bãi cỏ trước sân nhà lăn qua, lộn lại mấy vòng, xong đứng lên rùng mình mấy cái, ngồi xuống nhìn vào trong núi sủa vu vơ hoặc tà tà đi vào chỗ tôi đang làm việc nhìn qua, ngó lại, để mũi vào chân tôi, xong lại bỏ đi.

Giáo sư Fender trông bệ vệ, nặng nề, mỗi khi ông đi cái bụng đi trước, ông lùn như Đặng Tiểu Bình của Trung Cộng, mặt ông đỏ như con gà trống đá, ông mang cái kiếng cận thị nặng và dày, ông chừng 45 tuổi nhưng đầu tóc trắng bạc như cước, râu ria rậm rạp che khuất cả cái miệng. Ông nói năng nhỏ nhẹ, ôn tồn, điềm đạm, có khi ông nói không ra tiếng nữa cho nên tôi phải cố gắng tai nghe kỹ mới hiểu được những gì ông cần tôi làm.

Trái lại, bà Fender thân hình mảnh mai, da trắng như tuyết, đôi mắt xanh như mắt mèo, má lúm đồng tiền, đôi môi trái tim đỏ hồng không son phấn, tóc bạch kim, đẹp và duyên dáng, phơi phới cứ như người mẫu không bằng. Tuy đã gần 40 nhưng bà để tóc xõa ngang vai nhìn xa như con gái đôi tám. Gặp bữa có gió chiều thổi nhẹ, bà đi từ nhà ra vườn, mái tóc bay phất phơ che mặt bà khi ẩn, khi hiện làm tôi nhớ lại những chuyện Liêu trai của Bồ Tùng Linh mà tôi đã lén đọc khi hồi mới lớn, có Joe vững chắc, tự tin đi theo sau bà.

Bà nói bà sinh thằng Tim người con trai cả của bà hồi bà mới có 17 tuổi, năm nay Tim đã 22 và đã dọn ra ở riêng với bạn gái sau khi tốt nghiệp trung học và hiện là thợ sửa ống nước ở Portland, tiểu bang Oregon, còn thằng Bob con trai thứ hai của bà nó đã 20 và hiện là sinh viên năm thứ hai ngành Sử ở Đại Học State Pennsylvania, năm nào ngày Thanksgiving tụi nó cũng về thăm và ở lại chơi một vài tuần. Bà ở nhà nội trợ, nhưng tôi thấy bà ít khi đi chợ và nấu ăn, thường là ăn tiệm hoặc cơm CHỈ (1) mua ở các siêu thị như Albertsons, Ralph, Vons v..v.. và công việc thường ngày của bà là săn sóc và chơi với Joe, thỉnh thoảng bà đọc sách, thêu, đan hoặc đánh đàn piano hoặc đi nhà thờ làm việc thiện nguyện.

Những buổi chiều mát trời bà thường cùng Joe ra vườn tỉa, cắt những cành hồng đã tàn hoặc bà lái xe đưa Joe xuống phố hay đi chợ. Thảng hoặc có khi đi chợ về gặp lúc tôi đang làm sau vườn bà thường nhờ ra xe mang vào những bịch thực phẩm lặt vặt khác. Bà vui vẻ, lúc nào trên môi cũng nở nụ cười, bà ưa chuyện trò, năng động, tung tăng đây đó quanh khu vườn nhà rộng lớn của bà. Tôi thấy ở bà như là cái hoa rất đẹp, biết nói để cho ông Fender sau những giờ điên đầu ở phòng thí nghiệm hay ở lớp học và khi trở về nhà nhìn bà cho vơi đi phần nào sự căng thẳng đầu óc.

Nhà vườn của ông bà Fender ở sát chân núi, phía sau nhà là một bãi cỏ xanh chạy dài thoai thoải tới tận một thung lũng nhỏ, đó đây những tảng đá và cây rừng, bông hoa chen lẫn với nhau. Trên cành cây các loại chim quây quần làm tổ, reo hót cả ngày. Chiều đến nai, thỏ, chồn thường xuất hiện, góc vườn có một con đường mòn đi thẳng tới một suối nhỏ, lòng suối trãi mỏng những viên đá như hòn bi nằm lẫn với cát, nước trong veo, chảy róc rách quanh năm. Lội qua con suối đi ngược lên bờ thung lũng bên kia là nhà của ông bà Calvert. Từ con đường chính rẽ vào driveway có để bảng "private drive" và phải chạy ngoằn ngoèo gần 1/4 miles mới đến sân đậu xe trước nhà. Nhà cửa ở đây xa cách nhau, rải rác, che khuất dưới những tàng cây rậm, không phải san sát như sát như nhà cửa ở dưới đất bằng.

Một hôm đã hơn 6 giờ, nhưng là mùa hè nên trời vẫn còn sáng, nắng dịu dần dần, tôi đang cố bỏ những cành cây cuối cùng vừa mới chặt dưới triền suối ban nãy vào máy xay ra bột để làm phân bón hoa hồng thì bà Fender tay bưng một ly nước, tay kia cầm mấy cái bánh ngọt đi về hướng tôi, theo sau là Joe. Nó chững chạc, thong thả như thường lệ, quanh cổ mang một cái vòng bằng nhung đỏ, trên đầu được thắt một cái nơ màu xanh đậm giống như những con gấu trong gánh xiệc, thỉnh thoảng có đến lưu diễn ở vùng nầy. Bà bảo:

- Thời, nghỉ khỏe một chút và giải khát đi, có nước chanh và ít bánh ngọt đây. Dùng xong ông ráng ở lại giúp tôi thêm một giờ nữa, ra sau garage rửa và dọn dẹp sạch cái nhà (chuồng chó) cho Joe nhé.

Bà tính quay đi vào nhà, nhưng ngừng lại và nói tiếp:

- Ông nhà tôi đi họp ở NewYork tuần sau mới về.

Tôi thật thà và ái ngại hỏi:

- Nhà vườn bà quá rộng và xa cách hàng xóm quá, tối ở một mình, bà không sợ sao"

- Tôi đã có bạn vào ngủ với tôi rồi, có gì đâu mà sợ!

Thấy tôi nhìn quanh quất vào nhà như tìm kiếm cái gì, bà hiểu ý, và nói:

- Ông tưởng là ai khác hả! Joe đầy nầy, được nó ngủ yên bên cạnh cho tới sáng không phá rầy giấc ngủ của tôi lúc nửa đêm về sáng như ông nhà tôi. Thỉnh thoảng nó có thức giấc khi nghe tiếng động ngoài vườn, nhưng nó nhẹ nhàng nhảy ra khỏi giường đi kiểm soát, xong lại gọn gàng nhảy lại lên gường nằm cạnh, có lúc tôi cũng không hay biết nữa.

Tôi mở to mắt ra ngạc nhiên và bà không để ý, nên nói bồi thêm:

- Không có Joe tôi buồn chết được, ông nhà tôi cứ một, hai tháng lại đi meeting hay thuyết trình có khi cả hai ba tuần mới về nhà.

À thì ra bà bảo mình ráng ở nán lại một giờ nữa để đánh rửa cái nhà của Joe vì nó đâu có cần ở đó đêm nay. Tôi đáo mắt qua nhìn con chó Joe, nó to không khác gì con gấu, lông tóc tỉa đều đặn, mướt và sạch. Tôi tưởng tượng nó nằm cạnh bà Fender, nếu trùm chăn cả hai lại thì đâu có khác gì ông Fender chỉ khác có cái đầu. Nếu kẻ trộm lẻn được vào nhà, tranh tối, tranh sáng chắc chắn chúng tưởng là ông Fender ở nhà đang nằm ngủ cạnh bà Fender và dưới gối ông lúc nào cũng có khẩu súng lục, mà không rõ Joe biết bắn súng không nhỉ. Ý nghĩ hài ấy làm tôi suýt bật cười nhưng tôi dằn lại được.

Tôi định vờ hỏi và làm như không biết gì "Bộ nó biết mở cửa cầu tiêu, nhà tắm để làm vệ sinh cá nhân mà sao bà để cho nó vào nhà ngũ cùng giường với bà"" nhưng bà vừa quay lưng đi, và tôi đổi ý không hỏi nữa.

Người Mỹ họ tập con chó đi đại tiện, tiểu tiện đều có giờ giấc nhất định và có nơi có chốn không phải phóng uế bừa bãi nên chúng có thể ở trong nhà suốt ngày đêm. Những nhà có nuôi chó thường khoét một cái lỗ dưới cánh cửa sau khi con chó chui ra hoặc vào thì màng plastic ấy tự động đóng lại. Hình như con chó ở Mỹ cũng biết "xem mặt mà bắt hình dong" nữa.

Tháng trước bà bận tiếp mấy bà bạn đến chơi, nhưng đã tới giờ dẫn Joe đi lòng vòng dưới xóm, bà ra chỗ tôi đang làm việc và bảo:

- Thời, ông vui lòng giúp tôi một chút, dẫn Joe đi chơi một vài tiếng rồi hãy trở về làm tiếp.

Joe ban đầu miễn cưỡng theo tôi, nhưng ít phút sau nó ngoan ngoãn vâng lời. Tôi để ý khi nó đi qua những căn nhà đẹp, bông hoa nở đều phía trước, cây cỏ xanh tươi cắt xén cẩn thận, nó đi đứng bình thường, nhưng khi đi qua những căn nhà cỏ để mọc bừa bãi, cháy vàng, rác rến bỏ đầy phía trước, nó thường kéo tôi lại và tự tiện giơ chân lên tiểu tiện vào góc vườn hoặc chổng khu phóng uế làm tôi lại phải dùng bao nylon hốt đi. Có khi nó thấy những ông bà homeless đẩy xe chợ đi qua, trên xe chất đầy những quần áo cũ, mền, vỏ chai và những thứ lỉnh kỉnh khác, nó sủa ầm lên nhưng khi gặp những người đi truyền đạo, cà vạt, veston, quần áo tươm tất, tay xách chiếc cặp thì nó ve vẩy cái đuôi ra chiều mừng rỡ, đón tiếp.

Cách đây mấy hôm, trên đường tôi đang đi làm về, gần 5 giờ chiều, ở xa lộ 605 gần chỗ vào xa lộ 10, xe kẹt kinh khủng, trên trời thì máy bay trực thăng vần vũ, dưới đất thì xe cứu thương, xe cứu hỏa, xe cảnh sát công lộ đi mô-tô chạy chậm chậm sát xe tôi, tôi quay kiếng xuống và ló đầu ra hỏi:

- Có chuyện gì xảy ra hả xếp"

- Tai nạn, có người lái xe bất cần làm bị thương con chó đi lạc trên xa lộ.

Tối hôm đó trên Ti-vi đài số 5, phần tin tức địa phương, tôi thấy chiếu lại cảnh xa lộ bị kẹt xe lúc ban chiều, con chó bị gãy chân được xe cứu thương mở đèn, hụ còi đưa vào bệnh viện, các bác sĩ, y tá xum xít băng bó, chích thuốc, chụp hình X-ray, soi rọi kết quả chụp hình, tôi thấy cái chân trái phía trước của nó bị gẫy.

Tôi tắt T.V. và thẫn thờ ngồi hồi tưởng lại mấy năm trước, khi còn ở trong quân đội, tôi cùng anh em truy kích Cộng quân mới về đánh phá thôn làng đêm qua ở tỉnh nhỏ ngoài Trung, tôi thấy những anh em dân vệ, nghĩa quân, cụ già, phụ nữ, trẻ em bị thương nặng, nhẹ được đồng bào khiêng đến để nằm lẫn lộn nơi sân trường Tiểu Học địa phương. Tất cả chỉ được y tá băng bó qua loa, chờ đợi phương tiện di chuyển về Tỉnh. Nhìn những đôi mắt mở to ra thất vọng, buồn bã, những nét mặt cố gượng đau, cắn răng chịu đựng của những nạn nhân, nghe tiếng la khóc của trẻ em, lúc đó tôi cảm thấy có hai dòng nước âm ấm chảy ra ở hai bên má tôi.

Trực thăng, xe cứu hỏa, xe cứu thương, cảnh sát ở đâu"!...Mỗi năm nước Mỹ tốn ra cả hàng tỷ đô la để sản xuất thực phẩm cho chó, mèo trong khi đó những trẻ em ở các nước Phi Châu, Á Châu và đặc biệt là ở Việt Nam ta, các em phải sống duới bọn thống trị Đỏ, chịu đói lạnh, đi ăn xin, làm ma cô, cướp dựt, trộm cắp, đa số không được đến nhà trường học. Tôi tự hỏi rồi tương lai của các em, của những mầm non dân tộc Việt Nam ta đi về đâu"

Tôi nhức nhối trong tim và nhớ lại bài thơ của thi sĩ Nguyễn Duy, một nhà thơ ở Việt Nam hiện nay, khi ông chua chát nhìn về Tổ Quốc Việt Nam:

"Tổ quốc, Tổ quốc thông minh sao trẻ con toàn thất học

Không thấy trường, không thấy lớp, chẳng thấy Thầy, Cô

Chỉ thấy những trẻ thơ lang thang thất thểu,

Đi đầy đường để kiếm miếng cơm rơi..."

Chó ở Mỹ còn có bệnh viện, bác sĩ, y tá, nghĩa địa và khi chết được chôn cất tử tế, mộ bốn mùa, có nước chảy róc rách, lại còn có người canh giữ nữa. Bây giờ lại có cả công viên cho chó nô đùa, giải trí. Chính tôi đã xem hình cái công viên dành cho chó mà báo Mỹ vừa mới đăng. Hàng trăm, người Mỹ có tổ chức những cuộc thi tuyển lựa chó đẹp, chó ngoan, các cô cậu chó tha hồ mà nũng nịu, yêu sách.

NGUYỄN HỮU THỜI

(1) Cơm Chỉ. Chỉ: Nguyên là động từ (to point out, to indicate or to teach...) và người tỵ nạn CS Việt Nam biến dạng thành danh từ chung để nói những món ăn đã được nấu sẵn bày bán trong tủ kiếng nơi các chợ như Đồng Hương, Viễn Đông v.v... hay các tiệm bán thức ăn nấu sẵn. Trong bài là những món ăn làm sẵn thường gọi là Deli trong các chợ Mỹ.


Ý kiến bạn đọc
23/08/201602:54:35
Khách
Một sự cố gắng làm lại cuộc sống mới của bạn sau khi đã mất tất cả do bọn cọng sản Bắc Việt nuốt trọn miền Nam Việt nam. Bạn may mắn đã thoát được đến bến tự do.
Chúc mừng tác giả, và chúc bạn cùng gia đình an bình.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,272,895
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến