Hôm nay,  

I Am Sorry

13/03/200100:00:00(Xem: 168824)
Bài tham dự số 197-VB1210

1

Gia đình tôi mười người sinh sống ở Sàigòn, được người em vợ tại Oklahoma bảo lãnh, hồ sơ gởi về ODP Thái Lan từ năm 1980.

Chờ đợi khá lâu, năm 1986, ba người con tôi đã vượt biên, sang Thái Lan 6 tháng và, có lẽ cũng nhờ vào tôi nguyên là công chức cũ, nên các cháu được vào Mỹ, nay học hành thành đạt và đã có quốc tịch.

Đã mấy lần về thăm quê hương, các cháu muốn vợ chồng tôi sang bên này, song vì còn 5 đứa, nên chúng tôi cứ chần chừ mãi. Nhưng sau Noel 1998, con trai tôi lập hồ sơ bảo lãnh.

Tháng 6 năm 2000, chúng tôi được gọi phỏng vấn, và chỉ được chấp thuận hai vợ chồng đoàn tụ theo diện con cái với cha mẹ, dù cố gắng xin thêm cho 2 con nhỏ dưới 21 tuổi cũng không được. Thành thực là lòng tôi rất buồn.

Mua vé máy bay xong xuôi, định lên đường vào cuối tháng 8, thì thật không ngờ, đầu tháng 8, chúng tôi lại nhận được giấy tờ của NVC (National Center Visa) chấp thuận cho 2 cháu nhỏ dưới 21 tuổi được đi theo diện em vợ bảo lãnh.

Chính lúc thời gian này, tôi đã tự trách mình: NGHĨ KHÔNG TỐT VỀ THỂ THỨC HÀNH CHÁNH CỦA VP ODP TẠI THÁI LAN TRƯỚC ĐÂY.

Vì sự việc thay đổi, lên hỏi Tòa Đại sứ, và được chỉ dẫn tôi cứ đi theo diện Con, còn nhà tôi với 2 cháu chờ phỏng vấn đi theo diện Em và chính ra đã được gọi phỏng vấn rồi, song vì bầu cử Tân Tổng Thống và TT Clinton thăm Việt Nam, nên bị đình lại tới đầu tháng 12.

Tôi đặt chân đến quê hương thứ hai vào những ngày hạn hán và nóng kinh khủng cuối tháng 8-2000.

2

Tháng đầu tiên, tôi sống tại một chung cư 99... Forest LN # Dallas, toàn người da mầu. Cũng có ít người Ấn và Pakistan. Cái ấn tượng về người da mầu không hiểu đã tiềm ẩn trong tôi từ bao giờ không rõ. Sống chung gần gũi bên nhau mà cứ như là xa lạ.

Lúc ấy, Bưu Điện gởi về thật nhiều cuốn Niên Giám vừa dầy vừa nặng cho mỗi hộ và đống sách nằm vất vơ vất vưởng ít người đến lấy. Sợ trời mưa ập xuống, tôi khuân dần dần lên từng căn hộ và để nơi cửa.

Ngày Chủ Nhật ra tắm hồ bơi, những người Mỹ da mầu mời tôi uống bia và ăn bánh, tuy vậy, tôi cũng cứ có mặc cảm thế nào ấy. Một tối khác, họ lại cho tôi cả một tảng thịt nướng rất to. Họ ân cần niềm nở, còn tôi có vẻ cách chia.

Ngày cuối tháng, tôi dọn nhà đi nơi khác. Lúc sắp lên đường, những người bạn Mỹ đã bất chợt chạy lại chia tay thật chân tình cởi mở. Có cả vợ và con họ cũng đứng chào tôi. Khi giơ ta định bắt tay từng người, thì không, họ không bắt, mà làm cử chỉ là đập hai tay vào nhau. Tôi cũng vui vẻ đập tay lại với họ, song chưa hiểu ý nghĩa ra sao. Thì chính lúc ấy, mấy người bạn Mỹ rút trong túi áo ra các cỗ tràng hạt bằng gỗ mầu trắng trắng cũng giống với của tôi mà từ ngày đến đây, thường khi vào chiều tối tôi đi bách bộ trong sân và lần hạt. Thế là tôi đã hiểu.

Họ và tôi là người đồng tín ngưỡng. Họ cho biết tràng hạt Mân Côi của họ rõ Cỗ tràng hạt của tôi là do UPUS ROSA MARIA MYSTICA tại Đức gởi cho tôi ở Việt Nam năm 1998. Có cả tượng Đức Mẹ cao bảy tấc và một trăm tràng chuỗi làm bằng gỗ Sồi.

Thế mà, từ bao lâu tôi đã có ấn tượng thật không chính đáng về những người Mỹ da mầu. Tôi cảm thấy xấu hổ về sự nhận định nông cạn của mình.

3

Tôi về nhà mới ở vùng Allen, mà mỗi hộ là một ốc đảo. Cả ngày chỉ thui thủi một mình với vài ba cuốn sách. Những bạn bè quen ở xa, vì yêu mến, căn dặn là phải đề phòng bất trắc khi ở lẻ loi thanh vắng.

Dù tôi tự an ủi mình là những gia đình người Mỹ da trắng chung quanh đều rất tốt, song cái nỗi ám ảnh lo âu cứ luẩn quẩn loanh quanh trong đầu. Rồi nào tin vợ chồng người Mỹ bị giết ở Dallas gần với chỗ tôi ở cũ, nào tin Ông Cụ Người Việt Nam bị mất tích mãi mấy ngày sau mới tìm thấy... cũng làm cho tôi có những suy nghĩ vẫn vơ. Nhất là cái thanh vắng cả ngày từ sáng tới tối tạo nên trong lòng những làn sóng lăn tăn nơm nớp và buồn buồn.

Hôm ấy, một ngày mưa. Trời nặng chĩu những khối mây trắng nặng nề di chuyển. Từng cơn gió lộng thổi ào ào làm rung các ngọn cây.

Ngồi khuất nơi phía cửa bên trái sau bức màn sáo hơi nghiêng, tôi lặng lẽ nhìn những mái nhà xám xịt như đang co ro dưới những chiếc roi mưa quất túi bụi. Bất chợt, một chiếc xe lạ đậu ngay phía trước nhà và một người che trên đầu bằng một miếng bìa giấy, đi thẳng vào nhà tôi.

Nhìn kỹ, đó là một cô gái da mầu, hai mắt cô sáng ngời trên khuôn mặt đen đen, tôi chưa hề quen biết bao giờ. Hình như áo quần cô cũng đã ướt cả. Đeo bên vai là một túi vải mầu đen hơi căng căng, mà khi cô chạy, tay phải cô cặp nó vào nách.

Tôi ngỡ ngàng đôi chút, và tự trấn an, theo dõi xem cô làm gì, tuy vậy, lòng cũng phập phòng lo âu.

Đầu tiên, cô bấm chuông. Tôi lặng im. Cô bấm chuông lần nữa, tôi cũng lặng im. Chắc cô sẽ không ngờ là có tôi ngồi bên trong và tay đã sẵn sàng bấm số 911 nếu cần.

Chiếc xe thì đậu sát gần cột thùng thơ, đèn vẫn chớp, và trong xe, lố nhố còn hai ba bóng người nữa. Tôi lại thêm nghi hoặc về một điều bất tường.

Cô gái da màu, sau khi bấm chuông hai ba lần không thấy có người ra, lại gõ vào cánh cửa.

Sẳn trong đầu có sự đề phòng là không nên mở cửa cho bất cứ ai lạ mặt, vì mới dọn về, nào có quen biết ai, nên tôi cứ lặng im mà hơi thở đập dồn. Có tiếng vạên nơi tay nắm, làm tim tôi đập mạnh, rồi như không thể chờ đợi hơn, cô quay ra định đi. Nhưng từ phía ngoài xe, tôi thấy có cánh tay người ra dấu chỉ chỉ vào chỗ tôi ngồi, song chắc là vì mưa quá, cô Mỹ ấy không nghe và không hiểu ý, nên chạy vội ra xe. Đèn pha bật sáng, chiếc xe từ từ lăn bánh dưới lớp mưa tầm tã. Tôi thở phào nhẹ nhõm, tuy vẫn còn chút ít lo âu.

Chiều hôm ấy, người con trai tôi đi làm về, tôi thấy cuộn nơi tay một chiếc bao nylon đen khá lớn gỡ nơi nắm cửa và đem cất vào tủ trong bếp. Tôi không mấy để ý, và nghĩ cũng không nên kể lại câu chuyện cô gái Mỹ, vì ngại rằng làm nó thêm lo âu cho tôi ở nhà. Vả lại, cũng chẳng có gì xảy ra, thì thôi kể lại làm gì"

Thời tiết tháng 11 đã khá lạnh, trời nhiều mây và ít nắng, nên tôi không đi dạo buổi sáng, mà chỉ đi vào buổi chiều. Khi đi qua các căn nhà cùng dãy, tôi thấy có nhiều nhà cứ để nơi trước cửa nào là máy computeur, nào là tivi, rồi cái gói áo quần và sách đủ loại... Đem điều thắc mắc này ra hỏi, thì con nó cắt nghĩa cho biết là cứ vào sáng thứ ba hàng tuần, có những người trong tổ chức bác ái thiện nguyện sẽ đi lấy các tặng vật ấy và sẽ chuyển đến những nơi hoặc những nước nghèo khác cần hơn. Bao giờ họ cũng đến từng nhà và trao cho một bao nylon đen in chữ tổ chức bác ái. Điều này tôi mới nghe lần đầu và thật cảm phục những người Mỹ giàu lòng quảng đại biết bao!

Khi con đi làm rồi, tôi tìm lại cái bao nylon hôm trước và mới hiểu vấn đề.

Rồi tôi cũng thử bắt chước những gia đình bên cạnh. Sáng sớm một ngày thứ ba, tôi để nơi trước cửa một gói nhỏ, vỏn vẹn chỉ là một chiếc áo lạnh mua trước khi sang Mỹ vì nghe bên này lạnh lắm, nhưng đã không thể xử dụng vì so sánh ra nó quá mỏng không đủ ấm mà phải mặc thứ khác loại dầy hơn nhiều.

Hôm nay, trời hửng nắng, ngồi xem sách, tôi cố tình kéo liếp cửa nằm ngang nhìn rõ phía ngoài. Chờ đợi cũng không lâu, tôi đã thấy chiếc xe đen trờ tới, và cô Mỹ đen, đúùng là cô hôm trước, cô vui vẻ đi thẳng vào cửa. Tôi mở của chào cô. Cô cho biết là lần trước đến đây, cô có ý muốn gặp chủ nhà mới, vì người chủ cũ đã dặn, song rất tiếc trời mưa quá và tôi đi vắng!

Cô vui vẻ cắt nghĩa về tổ chức bác ái của người dân Mỹ và hứa sẽ trở lại ngày thứ ba tới.

Ở ngoài xe, cửa mở và hai em bé gái đồng phục màu xanh lá cây, váy đen, trên đầu kết hai chùm tóc rẽ hai bên, có gắn hai chiếc nơ đỏ thật đẹp.

Từ lúc gặp co,â thay vì chào, tôi cứ "I am sorry". Tiễn cô ra tận xe, tôi cũng cứ I am sorry. Bắt tay thân ái với hai em bé thiên thần, tôi cũng I am sorry.

Nói lời xin lỗi ấy để tự trách mình, cho lòng nhẹ nhàng thanh thản. Nhưng có lẽ những người bạn Mỹ vừa quen biết ấy họ nghe và cũng buồn cười cho ông già Việt Nam lẩm cẩm dùng sai chữ với nghĩa! Họ đâu hiểu được lòng tôi bấy giờ!

Ngồi ghi lại những dòng này, một lần nữa tôi chân thành xin lỗi tất cả những người Mỹ tốt bụng mà tôi đã ba lần hiểu lầm.

I am sorry. Xin hãy vui lòng tha thứ cho tôi.

VŨ HỒNG
Allen, 22-11-2000

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,272,895
Vân Hải Nguyễn Xuân Hùng là Cựu Sĩ Quan Tiểu Đoàn 20 Chiến Tranh Chính Trị (Khoá 16 Thủ Đức)
Tên thật: Trịnh Thị Đông. Sanh quán: Bình Dương, Việt Nam. Nghề nghiệp: Giáo viên cấp 2, môn Anh Văn. Hiện cư ngụ tại thành phố Fort Smith, tiểu bang Arkansas, Hoa Kỳ.
Trần Nguyên Đán là bút hiệu của Mục sư Lữ Thành Kiến, từng quản nhiệm Hội Thánh Maryland, miền Đông, rồi Fort Worth, Texas. Sau giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ năm 2007, ông nhận thêm giải Việt Bút 2009 và là thành viên Ban Tuyển Chọn Chung Kết Viết Về Nước Mỹ từ 2010. Ngoài Việt Báo Online, nhiều thơ và truyện của ông hiện có trên tạp chí văn chương trên mạng internet, như da mầu, tiền vệ. Sau đây là bài viết mới nhất.
Anne Khánh Vân, sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống và làm việc tại miền Đông Hoa Kỳ. Năm 2007, cô nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ với tự truyện “Duyên Nợ Với Nước Mỹ.” Chỉ ít tuần sau đó, cô “chạy” đủ giấy tờ đón ba má từ Việt Nam dự lễ phát giải. Sau chuyến du lịch, hồ sơ bảo lãnh gia đình được hoàn tất và từ 2011, ba má, và vợ chồng người em trai đã chính thức định cư, đoàn tụ. Hiện nay, cô là một thành viên trong ban điều hành Mount Vernon, di sản của vị Đệ nhất Tổng Thống Hoa Kỳ George Washington, tại Alexandria, Virginia.
Tác giả là một cựu chiến binh Mỹ từng đóng quân ở Biên Hoà và kết hôn với một phụ nữ Việt. Viết Về Nước Mỹ, ngày 18 -12-2012 phổ biến bài viết trực tiếp bằng tiếng Việt đầu tiên của ông, kể chuyện tình 40 năm trước giữa chàng thuỷ quân lục chiến Hoa Kỳ và một cô gái Việt. Với bài "Hành Trình Tiếng Việt của Một Người Mỹ", Sáu Steve Brown đã nhận Giải Việt Bút mang tên Bà Trùng Quang năm đầu tiên, 2013. Ông bà nay có 7 người con, hiện ở Ohio. Sau đây, thêm một bài mới của ông Sáu.
Tác giả một mình vượt biển giữa thập niên 80 khi còn tuổi học trò. Dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, cô nhận giải danh dự 2001. Bốn năm sau, nhận thêm giải vinh danh tác phẩm 2005.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà hiện có tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ mười chín, 2017-08. Sau đây là bài viết thứ 12 trong năm.
Tác giả Tâm Chánh là người con gái của Trung Tá Từ Tôn Khán, Tỉnh Đoàn Trưởng Tỉnh Đoàn Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn, Huế, thời 1968. Ông bị Việt Cộng bắt và sát hại trong Tết Mậu Thân tại Huế. Hiện nay Tâm Chánh là Vice President of the Real Estate Entitlement Development Incorporation tại Southern California.
Tác giả là cư dân Minnesota, đã nhận giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ 2008. Với những bài viết thuộc nhiều thể loại đề tài, cô là một tác giả rất được bạn đọc yêu mến.
Chủ Nhật tuần này là Father’s Day 2018 tại Hoa Kỳ. Mời đọc bài viết về thân phụ của một nhà giáo. Với bài “Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine”, tác giả đã nhận Giải Việt Bút Trùng Quang 2016. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay. Sau khi nhận giải Trùng Quang 2016, tác giả vẫn tiếp tục góp thêm bài viết về nước Mỹ.
Nhạc sĩ Cung Tiến