Hôm nay,  

Những Ngày Đầu Nôn Nao

26/11/200200:00:00(Xem: 223694)
Người viết: Huỳnh Phạm Phước Duyên

Bài tham dự số 91\VBST

Người viết 33 tuổi, hiện cư trú tại Washington State.

Sau khi Cộng sản chiếm trọn miền Nam từ năm 1975, hai anh trai lớn và một người chị của tôi đã vượt biên đến Hoa Kỳ vào năm 1979. Cả gia đình tôi đều cho đó là một ân phước lớn nhưng đồng thời cũng rất buồn cho sự chia ly cách biệt này.

May mắn thay, chương trình Ra Đi Trong Trật Tự mà chúng ta quen gọi là chương trình ODP đã cho phép gia đình chúng tôi đến Hoa Kỳ đoàn tụ cùng các anh tôi. Đó là năm 1991, khi tôi còn là một nữ sinh 24 tuổi. Bài này tôi viết với hồi tưởng về những ngày mới tới.

Đó là một ngày mùa Hạ khô ráo tháng Tám năm 1991, chiếc Boeing 747 khổng lồ chở chúng tối từ Bangkok Thái Lan hạ cánh xuống phi trường quốc tế San Francisco. Tại đây chúng tôi phải chuyển máy bay về Santa Ana. Khung cảnh rộng lớn của phi trường với hàng ngàn người vội vã qua lại đã khiến chúng tôi càng thêm bỡ ngỡ.

Chúng tôi đều mệt lả sau một cuộc hành trình dài. Má tôi vì không quen đi máy bay nên mệt muốn ngất đi. Ba tôi cũng không hơn gì. Chị tôi kéo lê bước chân trên đường tới cổng mới để chuyển máy bay, một tay xách túi hành lý cá nhân một tay dìu má tôi. Anh tôi cũng vậy. Chân tôi bị phồng thật đau do đôi giày đóng từ Việt Nam, có lẽ vì quá vừa vặn theo kiểu đi lại ở Việt Nam, không bắt kịp tốc độ vội vã ở Hoa Kỳ.

Cuối cùng, chuyến bay cũng hạ cánh xuống phi trường John Wayne.

Tôi nhớ lại cảm giác từ máy bay nhìn xuống bờ biển California, một quang cảnh hoang vu, chông chênh những đá và đá. Nó hoang vu như chính nỗi hoang mang trong lòng những người vừa rời bỏ quê hương ra đi như chúng tôi. Tuy nhiên, chúng tôi đều có chung một cảm giác: nôn nóng được nhìn thấy người thân, nhật là tôi háo hức chờ gặp anh Lộc.

Tôi cảm thấy tim mình đập mỗi lúc mỗi nhanh khi nhìn thấy tấm bảng "Exit" ở phía cuối con đường dẫn ra từ thân máy bay. Bên ngoài có cả một đám đông tụ họp. Sự háo hức và vui vẻ hiện rõ trên gương mặt họ. Vài người mang hoa. Vài đứa con nít cầm bong bóng với hàng chữ "I love You" hoặc "Welcome".

Và rồi tôi đã nhìn thấy anh tôi.

Anh đang đứng cạnh cửa, mặc chiếc áo T-shirt màu rượu chát và chiếc quần Jeans. Trông anh đẹp trai hơn lúc còn ở Việt Nam nữa. Vẫn cao, mang kính với nụ cười quen thuộc nở trên môi làm rạng rỡ gương mặt. Tôi cảm thấy trong lòng chất ngất niềm vui lẫn nước mắt cảm động. Xung quanh tôi, người ta ôm nhau hôn nhau. Họ là những người Mỹ. Còn chúng tôi, những người Á đông quen dấu kín cảm xúc của mình, chỉ biết lặng lẽ nhìn nhau.

Vậy là cuối cùng tôi lại gặp anh Lộc. Anh chở chúng tôi về nhà. Trên đường đi, tôi thấy cái gì cũng mới lạ. Chưa bao giờ tôi tưởng tượng ra nổi cảnh số lượng xe hơi đông đảo như vậy lại chạy một cách rất trật tự với một vận tốc cao; trông cứ như một đàn kiến đang di chuyển.

Ngồi trong xe anh Lộc, tôi có cảm giác như đang bay thay vì chạy trên đường, bởi vì ở Việt Nam tôi chưa hề kinh nghiệm được cái cảm giác chuyển động nhanh mà lại êm nhủ ru như vậy. Tôi để ý đến những tiệm ăn bán fast food dọc đường. Dấu hiệu "M" của tiệm Mc Donald hay dấu hiệu cái chuông của tiệm Taco Bell gây cho tôi một ấn tượng mạnh. Tất cả đều sạch sẽ, gọn ghẽ chẳng giống chi với những tiệm ăn xập xệ, bình dân và mất vệ sinh ở những khu phố ồn ào, đông đúc ở Việt Nam.

Chúng tôi nghỉ ngơi ở nhà người anh cả một tuần lễ. Sau đó, tôi từ giã ba má và các anh chị để đi theo anh Lộc. Tôi rất vui khi anh bảo tôi về sống với anh ở San Jose, vì nơi đó có điều kiện tốt hơn cho tôi tiếp tục việc học. Tôi không mong gì hơn, vì mục đích của tôi khi rời xứ sở qua đây là để học.

Về San Jose, đêm đầu tiên tôi đến nhà anh Lộc tôi bị sốt. Có lẽ vì tôi trải qua nhiều thay đổi và lại vừa từ giã những người thân cùng đi với mình nên tôi cảm thấy muốn bệnh vì cô đơn. Tôi tự nghĩ mình phải cố gắng sống một mình từ bây giờ, và cần nhất là phải tự cố gắng dứt bệnh không cần ai chăm sóc đúng theo tinh thần tự lực cánh sinh mà tôi đã tự hứa khi lên đường sang xứ sở này.

Nhưng tôi đã không hề cô đơn. Khi anh Lộc bước vào phòng thăm tôi, trên tay anh mang theo một miếng chanh đã sửa soạn sẵn. Anh hỏi tôi muốn dùng nó ngay để giảm nhiệt hay không, sau đó anh đi ra không quên vặn nhỏ ngọn đèn trần cho tôi nghỉ và nói "Good night".

Tôi cảm động vô cùng, vì dường như anh tôi có thể đọc được suy nghĩ của tôi. Anh vẫn quan tâm đến tôi y như khi xưa lúc tôi còn bé, mặc dù bây giờ anh đã có con. Tôi vói tay lấy miếng chanh anh đặt trên bàn ngủ và vắt vài giọt vào miệng đang bị khô đắng. Tôi cảm thấy dễ chịu hẳn, một cảm giác dễ chịu vì được chăm sóc thương yêu. Mặc dù chanh không là một loại thuốc đắt tiền nhưng bệnh cảm của tôi dường như thuyên giảm.

Thái độ đầy hiểu biết của anh tôi nhắc tôi nhớ lại quê hương nơi mà chanh thường được dùng để làm hạ nhiệt.

Sáng hôm sau khi tôi thức dậy, anh tôi đã đi làm. Trên bàn anh để lại một mảnh giấy ghi sẵn những điều cần thiết cho tôi như lấy thức ăn gì ở đâu để ăn sáng, ăn trưa những nơi tôi có thể đi tới xem trên đường đi dạo vòng vòng quanh khu xóm, và những nơi để những thứ cần thiết trong nhà mà tôi có thể cần đến...

Tôi khá bối rối vì đây là lần đầu tôi phải ở nhà một mình. Tôi không biết phải làm gì thậm chí ăn gì nữa! Anh tôi thật là thông cảm cho nỗi khổ của tôi vậy! Ở nhà một mình, tôi thấy ngôi nhà sao mà im lặng quá. Hàng xóm xung quanh thậm chí còn im lặng hơn. Khi tôi đi lại, tôi không dám đi mạnh vì tôi có thể nghe bước chân mình rõ ràng trong khung cảnh yên lặng xung quanh dường như nó có thể làm bực mình hàng xóm! Tôi tự hỏi tại sao lại có thể có một sự yên lặng như vậy ở xứ sở này. Khi ở Việt Nam tôi không thể nào tưởng tượng được một tình cảnh như vậy. Tôi không thể chịu nổi cảnh ở nhà một mình thế này và tôi tự hỏi mình nên đi đâu. Anh tôi dường như biết trước tôi sẽ lo lắng điều gì bởi vì trong giấy anh đã mô tả vị trí của cái chợ gần nhà.

Sau khi ra khỏi nhà, tôi cảm thấy dễ chịu hơn. Tôi thận trọng đi trên lề phố một cách chậm rãi, thư giản và sung sướng ngắm nhìn cảnh vật tôi trông thấy lần đầu. Nơi anh tôi ở là một khu dân cư tên gọi "Willow Glen". Quả thật tôi thấy có nhiều cây willow. Đây là một khu xóm, thật tình mà nói, nếu hiện diện ở Việt Nam thì hẳn là một khu xóm giàu có, sang trọng. Tuy nhiên khi ở đây, trong đất nước thịnh vượng này, nó chỉ là một khu xóm bình thường như bao khu xóm khác. Đa số các nhà đều có hàng rào xung quanh với những cây hoa hồng khoe màu rực rỡ, loại hồng nổi tiếng của đất California.

Mãi suy nghĩ vẩn vơ tôi bước chân đến một ngã tư lúc nào không hay và ở góc đường có một cây cột với nút bấm hiệu để khách bộ hành xin qua đường. Bỗng nhiên tôi có một ý nghĩ kỳ cục thôi thúc tôi băng đại qua đường không cần bấm nút hiệu. Nó bảo tôi rằng không có xe nên tôi hãy băng qua. Có lẽ vì tôi đã quen với sự giao thông mất trật tự ở Việt Nam rồi cho nên giờ đây khi mọi việc trở nên quá trật tự tôi đâm ra bối rối! Thật tức cười phải không bạn. Tuy nhiên cuối cùng tôi quyết định bấm nút hiệu. Tôi bấm thật nhẹ như thế là tôi sợ làm nó đau. Lại một lần nữa thật tức cười. Nhưng vì tất cả mọi thứ của xứ sở này đối với tôi quá mới, quá đẹp tới nỗi tôi sợ làm hư chúng.

Đang suy nghĩ như vậy thì dòng tư tưởng của tôi bị cắt đứt bởi một người đàn ông Mỹ đi ngược lại. Ông ta giơ tay vui vẻ chào "Hello" với tôi. Tuy nhiên tôi lại sợ đến nỗi tôi không trả lời trả vốn gì được, ngay cả cười đáp lại. Bởi vì ở Việt Nam người ta thường đâu có chào nhau, đặc biệt là giữa một người đàn ông và một phụ nữ không quen biết. Trong trường hợp này, tôi không biết phải ứng phó ra sao. Do đó, tôi bỏ đi một nước thật nhanh lòng thầm mong ông đừng đánh giá thái độ bất thường của tôi. Tuy nhiên ấn tượng đầu tiên của tôi về người Mỹ tốt đẹp. Họ thân thiện.

Chiều lại, tôi vui mừng đón anh tôi về. Ở nhà suốt ngày tôi nảy ra ý định viết bất cứ cái gì đến trong óc cho anh tôi. Tôi nhớ tôi viết về ý nghĩa hai chữ "Tự do" mà xứ sở này đã đem lại cho tôi bao ấn tượng trong vòng mấy ngày qua. Rất tiếc là tôi bỏ mất bài viết đó rồi!

Anh tôi bước vào nhà là hỏi tôi mọi việc có OK với tôi hôm nay không. Một lần nữa, anh lại tỏ ra rất hiểu biết. Sau đó, anh chở tôi đi chợ và mua cho tôi hai thứ tôi chưa biết bao giờ là Pinacolada juice và hạt Pitaschio. Anh bảo là tôi sẽ thích chúng cho mà xem. Quả thật, chúng thật ngon, tôi nghĩ ai mà chẳng thích!

Anh cũng mua cho tôi một đôi tennis shoes vì theo anh ở xứ sở chạy đua này ai ai cũng cần một đôi giày kiên cố như vậy để bảo vệ đôi bàn chân. Chúng vừa chắc chắn vừa tiện lợi, thật cũng đúng lúc cho yêu cầu đôi bàn chân còn đang sưng phồng vì đôi giày ở Việt Nam của tôi.

Tôi đến, sau khi ăn cơm xong, anh chở tôi đi đăng ký học ESL. Sau đó hàng đêm anh đều đưa rước tôi đi học. Tôi cảm thấy biết ơn anh vô cùng, vì với hoàn cảnh một người mới tới, tôi rất bở ngỡ và nhút nhát. Mặc dù vốn liếng Anh Văn của tôi cũng kha khá, nhưng tôi làm sao quen được đường sá, trường lớp và con người. Cần phải có người bảo hộ thôi. Nhưng sau đó, tôi lấy vài tờ lộ trình và thời khóa biểu xe bus, nghiên cứu chúng với ý định sẽ tập đi xe bus vừa để đỡ mắc công cho anh tôi phải chở tôi đi đó đi đây vừa chứng minh khả năng có thể tự sinh tồn của mình. Dù gì đi nữa, anh tôi vẫn đóng vai trò quyết định trong cuộc sống mới của tôi. Có anh bên cạnh lúc nào tôi cũng thấy rất yên tâm.

Anh cũng dạy tôi cách lái xe hơi mỗi cuối tuần khi anh được nghĩ ở nhà. Tôi nhớ lại thật là một ấn tượng sâu sắc khi lần đầu tôi ngồi trong xe hơi tập lái. Tôi hãnh diện làm sao khi lần đầu tiên được cầm tay lái học những điều căn bản, vì ở Việt Nam chỉ có những người giàu hay đàn ông mới được lái xe hơi. Lần đầu tiên lái được xe đến chợ, tôi sung sướng ra mặt. Tôi có cảm giác tôi không còn là một cô gái yếu đuối hay một đứa con nít nữa, vì giờ đây tôi có thể lái xe hơi. Đó phần lớn là nhờ sự động viên của anh tôi. Với sự hiện điện của anh bên cạnh, tôi không sợ khi lái xe trên đường phố tấp nập xe cộ mà còn đùa rằng ngày nào đó tôi còn có thể lái cả máy bay!

Những ngày yên ả sống trong nhà anh tôi trôi qua êm đềm. Trong suốt thời gian này tôi học được nhiều điều mới. Cảm giác quê mùa mất dần đi khi tôi tự đi chợ, đi shopping, đi học một mình được. Với sự giúp đỡ của anh tôi, tôi thích ứng với cuộc sống từng bước một. Cảm giác sợ người Mỹ cũng không còn cũng như cảm giác đi ứng với những điều mới mẻ. Tôi kết thân với nhiều bạn bè trên khắp năm châu trong lớp học ESL. Vì biết rằng họ cũng có những nan đề khắp năm châu trong lớp học này, tôi cảm thấy an ủi và vơi bớt nổi cô đơn.

Cuối cùng, tôi đi làm. Tôi làm việc thiện nguyện cho một cơ quan Công giáo chuyên lo vấn đề giúp trẻ lai Mỹ Việt thích nghi với cuộc sống. Tôi rất hãnh diện lần đầu tiên được đi làm trên xứ sở này, được hữu ích cho người khác, cho xã hội. Tôi nghĩ rằng với những điều kiện rộng rãi, ưu việt của Hoa Kỳ thì những ước mơ khiêm nhường của tôi hay của những người tuổi trẻ như tôi là được phục vụ cho xã hội sẽ không khó gì cả, ngay cả việc muốn đi phục vụ ở những nơi xa xôi như Phi Châu cũng vậy.

Rất tiếc thời gian sống ở San José với gia đình anh tôi chỉ vỏn vẹn ba tháng mà thôi. Với nhiều ý kiến vủa người đi trước, tôi phải theo ba má tôi lên tiểu bang Washington nơi tiền trợ cấp cho di dân khá hơn mà điều kiện hưởng cũng dễ hơn. Hơn nữa nơi đó khí hậu lại tốt và thích hợp với người già như Ba Má tôi hơn. Tôi buồn vì mọi thứ chấm dứt đột ngột. Không còn nữa những ngày đầu bỡ ngỡ với những thích ứng vào xã hội ở Mỹ ở California.

Có lẽ suốt đời tôi không bao giờ quên được những ngày đầu sống ở nhà anh Lộc, người anh thân yêu của tôi. Đó là thời gian nôn nao nhất mà cũng hạnh phúc nhất của tôi, vì với tôi hạnh phúc là được sống gần người mình yêu thương và được hít thở không khí tự do.

Huỳnh Phạm Phước Duyên

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,246,390
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông sinh năm 1952, dân Sài Gòn, cựu sinh viên Văn Khoa, cựu Sĩ quan Quân đội Miền Nam, một trung đội trưởng tác chiến. Hồi cuối cuộc chiến, chàng là một thương binh và buổi sáng ngày 1 tháng Năm 1975, bị đuổi ra khỏi quân y viện... Bài viết mới là chuyện về cơn bão Irma tại vùng quê mới của tác giả Tampa, Florida.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản và vẫn tiếp tục viết. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey, một vùng ít cư dân Việt. Sau đây, thêm bài mới của Song Lam.
Tác giả đã góp bài Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, nhận giải chung kết 2009. Là nhà giáo dạy Anh và Pháp ngữ tại các trường trung học ở Việt Nam trước 1975, ông vượt biển đến Mỹ năm 1984, đi học và trở lại nghề cũ. Sau nhiều năm dạy tại một trường công lập Mỹ ở San Jose, ông về hưu tại Riverside, Nam California và tiếp tục góp bài. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017 và đã nhận giải đặc biệt năm thứ mười tám. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, trước là nhà giáo tại Việt Nam, định cư tại New Jersey năm 1994 theo diện HO. Sau đây là bài viết mới của bà.
Tác giả nguyên là luật sư hành nghề tại Việt Nam trước năm 1975. Ông hiện cùng gia đình đang sinh sống tạiHonolulu, Hawaii. Tác giả đã từng tham gia mục Viết Về Nước Mỹ với các bài "Tôi Hiến Tủy," “Vợ Tôi Bị Ung Thư,” và “Con Chó Trắng Trong Nghĩa Địa.” Và đây là bài thứ tư của Lê Tấn Phước.
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ, hiện có tiệm Nails ở Texas và lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Để phân biệt với tác giả Minh Nguyệt có bài Viết Về Nước Mỹ từ 2001, tác giả chọn bút hiệu Minh Nguyệt Graves, theo họ của ông chồng người Mỹ. Sau đây là bài viết mới của bà.
Gia đình tác giả tại Houston là nạn nhân trực tiếp của bão Harvey. Nhà bị tốc mái. Mẹ Lúa vào bệnh viện bằng trực thăng tải thương. Tác giả định cư tại Mỹ 24 năm, tốt nghiệp đại học tổng hợp, hiện đang là cộng tác viên của một đài truyền hình nhưng chỉ mới bắt đầu dự viết về nước Mỹ từ Tháng Bảy 2017, với bút danh Như Nguyện, bài “Nước Mẹ, Nước Con.” Sau đây, bài viết thứ hai, lần đầu ký đầy đủ tên họ Trần Như Nguyện.
Gió Đồng Nội là bút hiệu của một tác giả đã góp nhiều bài đặc biệt và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ năm đầu tiên. Bà là một chuyên gia từng làm việc tại Trung Tâm Không Gian Kennedy ở Merrit Island, Florida, hiện đã hưu trí. Bài viết mới của Gió Đồng Nội về “vòng tay” của bão Irma cho thấy nhiều ghi nhận chu đáo hiếm có.
Tâc giả 45 tuổi, cùng gia đình đoăn tụ tại Mỹ từ 1991, 26 năm trước, khi mới 18 tuổi. Hiện là cư dân Huntington Beach; Nghề nghiệp: Kỹ sư phần mềm cho Northrop Grumman Corporation; Đã tham gia VVNM từ 2002 với 4 băi viết tươi tắn, tử tế. Sau 15 năm bặt tin, ông xuất hiện trở lại với nhịp viết mạnh mẽvà đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017, năm thứ 18. Sau đây thêm một bài viết mới.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến