Hôm nay,  

Tôi Làm Mailman Ở Mỹ

26/11/200200:00:00(Xem: 271709)
Người viết: Nguyen Thoi

Bài tham dự số 62\VBST

Tác giả cư trú tại Pasadena.

Mơ ước của tôi khi còn ở trong trại tỵ nạn là khi ra trại phải xin làm cho được mailman ở sở bưu điện Mỹ, vì ngành đó thuộc công chức liên bang, có đầy đủ các thứ bảo hiểm và nhất là không sợ bị lay off bất ngờ, có nghiệp đoàn, lương khá và có nhiều quyền lợi lúc nghỉ hưu.

Khi được nhà thờ Mỹ ở California sponsor về Pasadena, tôi liền đem ý định trình bày với bà Mỹ đại diện cho nhà thờ, liền được bà ấy đáp rằng: "Đó là ý kiến thật hay, thật tốt nhưng sức mầy không thi nổi cái test để được chọn vào đó đâu, khó lắm. Vả lại, chúng tôi đã thu xếp xin cho mầy một việc làm tốt rồi, có đầy đủ quyền lợi và làm fulltime nữa, lại được làm trong nhà khỏi ra ngoài bỏ thư mưa nắng bất thường, mầy chịu không nổi đâu."

Được nghỉ ở không 1 tuần để bà Mỹ đưa đi làm các thứ giấy tờ cần thiết như: thẻ an ninh xã hội, ID v.v... Đến tuần thứ hai, bà Mỹ dẫn tôi đi nạp đơn xin việc ở nhà thương Methodist có liên hệ đến nhà thờ Methodist sponsor chúng tôi. Sau khi thi test, phỏng vấn, khám sức khỏe tôi được chính thức nhận vào làm janitior toàn thời gian (fulltime).

Suốt ngày tôi quanh quẩn với mấy cái máy đánh sàn nhà, sô nước, máy hút bụi v...v... lui tới hết cái rest room nầy đến cái rest room khác và phải xài các loại nước hóa chất cực mạnh mà mỗi khi dùng đều phải mang găng tay và bịt miệng mùi không khác gì mấy ông nhân viên ở phòng mổ.

Có lần tôi được phân công vào nhà xác làm sạch sẽ, tôi đang lui cui ngồi xuống lau mấy vết máu dưới cái băng ca đang để xác một người vừa mới chết thì một bàn tay đập mạnh trên đầu tôi làm tôi giật mình ngờ ông bạn đồng nghiệp nào lẻn vào phá thì ra bàn tay của cái xác chết gát trên bụng trợt ra và rơi xuống đụng vào đầu tôi. Tôi thất kinh đứng dậy nhìn cái xác và đoán chừng Ông Mỹ nầy nặng cỡ 230 pounds độ 50 tuổi. Hỏi ra ông ấy là nha sĩ bị "heart attact" và mới chở vào nhà thương hồi sáng nay. Tôi có cảm tưởng rằng bàn tay ấy như nhắc nhở, thúc dục tôi là đừng quên thi vào làm mailman, không những lương hơn ở đây nhiều mà còn cho mình có dịp đi bộ bỏ thư mỗi ngày nên có lợi cho tim nhiều lắm. Hơn nữa, công việc tôi đang làm ở đây thật bận rộn, liên tục mà lương giờ của tôi chỉ hơn lương căn bản thời đó có 15 xu, nhưng được cái là có rất nhiều giờ overtime nên cũng đấp đổi qua ngày.

Những lúc nghĩ giờ "break" buổi sáng, cứ khoảng 11 giờ, ngày nào cũng vậy, tôi thấy ông mailman mặc đồng phục, rề xe jeep bưu điện đến đậu sát cửa lobby, mở đèn emergency, rồi từ từ bước xuống, tay ôm theo một xấp thư lớn có khi ông ta bưng cả một khay nhỏ có cả tạp chí và bưu kiện, tươi cười giao cho cô thư ký. Lúc ra lại còn đứng tán chuyện gẫu với mấy cô y tá trông nhàn nhã, thảnh thơi làm lòng tôi lại rộn lên ước muốn, nôn nao được làm mailman.

Trong đầu tôi, tôi quyết chí phải có ngày làm được mailman mới đã. Vì tôi là nhân viên tân tuyển ở nhà thương nên supervisor giao phần việc cho tôi theo nhu cầu nghĩa là có tuần tôi làm ca ngày, tuần làm ca đêm. Những tuần làm ca đêm, tôi quyết không ngủ bù ban ngày để dùng thì giờ đi nạp đơn thi bưu điện.

Vào khoảng thời gian nầy, các sở bưu điện ở miền Nam Cali mở liên tục những kỳ thi tuyển mailman, thư ký bưu điện v...v... Tôi nạp đơn thi nhiều nơi và đậu được lên danh sách chờ gọi phỏng vấn đi làm tới bảy nơi. Thi mailman không khó, nhưng có một điều là phải lanh tay, lẹ mắt, quyết định nhanh và chính xác vì nếu ngồi đó mà suy nghĩ thì không thể nào kịp giờ cả. Thành phố M, tôi có số điểm cao nhất nên được gọi thi "roadtest" và phỏng vấn trước.

Thi "roadtest" không khác gì thi bằng lái xe ởi DMV mấy. Tôi qua được cầu "roadtest", tới ngày phỏng vấn, tôi đã đến sớm trước giờ ấn định vì sợ cái xe quá cũ của tôi nằm đường bất ngờ, đến nơi tôi ngồi chờ nơi lobby cùng với mấy người bạn đồng nghiệp tương lai đủ các chủng tộc như Mễ, Đại Hàn, Phi, Tàu, Mỹ, Âu Châu v.v... Người nào trông vẽ cũng nghiêm trọng và lo lắng, chờ đợi. Riêng tôi trong lòng thì rất hồi họp nhưng cố lấy sự bình tĩnh, thản nhiên và tự trấn an với mình rằng: "Mình hiện đang có việc làm toàn thời gian (fulltime) vả lại có tên trên danh sách chờ đợi phỏng vấn tới 7 nơi, nếu lần nầy ta không được nhận làm ở Post Office của city nầy thì ta chờ ở City khác gọi vậy. Hơn nữa, phỏng vấn lần nầy nếu ta thất bại thì ta đã rút ra được một ít kinh nghiệm cho lần phỏng vấn sau."

Nhờ tự trấn tỉnh mình như vậy nên tôi lấy lại được sự bình tĩnh và thản nhiên lấy báo ra đọc, thỉnh thoảng liếc mắt nhìn các ông bạn đồng nghiệp tương lai ôm cặp ra vào. Có ông thì hớn hở lúc được gọi tên vào nhưng khi ra về trông vẻ mặt buồn bã, thiểu não, thất vọng, lầm lũi đi thẳng ra cữa không buồn nhìn và nói với ai. Lại có ông thì cười cười, vui vẻ lại còn nói "good bye và good luck" với chúng tôi nữa.

Rồi cũng đến phiên tôi được gọi vào. Sau khi chào hỏi và an tọa, tôi bắt đầu quan sát kỹ những người ngồi đối diện để phỏng vấn tôi. Trước mắt tôi là 2 vị giám khảo: một ông Mỹ đen, một ông Mễ và một bà Mỹ trắng. Tôi đoán chừng họ cũng trạc tuổi như nhau cỡ ba mươi lăm, bốn mươi. Tôi thầm nghĩ đây đúng là Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Trông họ trân trọng, nghiêm trang nhưng tỏ ra cởi mở làm tôi yên tâm.

Ông Mễ ôn tồn hỏi một câu không ăn nhập gì đến nghề nghiệp mailman cả, ông ấy phán:

- Trong hồ sơ xin việc của Anh, Anh có ghi là quân nhân Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa, vậy Anh đã từng tham dự những trận đánh nào mà đã để lại cho Anh nhiều ghi nhớ sâu đậm nhất"

Tôi thầm nghĩ: "Ông Mễ nầy đã mở đúng tần số rồi đây." Tôi liền nổ ra những trận đánh mà Tiểu đoàn tôi đã tham dự và những chiến địa mà tôi đã đi qua, có lúc tôi đứng lên nghiên cái đầu chỉ cái vết xẹo dài sau ót khi tôi bị mãnh cối của Cộng quân ở Bến tranh, Định tường năm 1966, tôi xắn tay áo trái chỉ ngay vết xẹo khi tôi bị AK-47 của địch bắn thương nơi cổ tay, tôi cởi nút áo cổ kéo ngay cái cà vạt xuống chỉ cho họ xem vết sẹo ngang nơi cổ khi chúng tôi đánh cận chiến với Cộng quân ở mặt trận Tam quan, Bình định hồi Tết Mậu Thân 1968, tôi bị mã tấu địch chém trợt qua cổ. Tôi còn định cởi chiếc giày bên trái để chỉ họ xem cả gót chân bị mất đi một góc khi tôi bị mìn ở Trận An lão năm 1971, nhưng tôi lại thôi.

Tôi đi đứng không được vững và thường bị nhức nhối khi trời trở lạnh cũng vì vết thương nầy. Tôi ngồi xuống và từ từ rút trong tập giấy mang theo một tấm hình tôi được gắn huy chương có Cố Vấn Mỹ và xếp của tôi đứng cạnh. Ông Mỹ đen nói làm tôi thật cảm động và nhớ mãi, ông ta chỉ tay về phía ông Mễ:

- Chúng tôi cũng đã kề vai chiến đấu chống Cộng sản xâm lăng với các Anh ở Việt Nam, tôi là phi công trực thăng, bạn tôi đây là lính thủy quân lục chiến đóng ở Đà nẵng, chúng tôi đã tình nguyện ở lại Việt Nam hai năm, Việt Nam là một đất nước có cảnh trí thật đẹp, người Việt Nam hiền hòa, hiếu khách, người phụ nữ Việt Nam đẹp thùy mị, dịu dàng nhưng tiếc rằng đất nước của các Anh bị Cộng Sản tàn phá, giết hại nên tôi thấy người dân khổ lắm, chết chóc khắp nơi. Chúng tôi rất hãnh diện được đứng bên các Anh chiến đấu chống Cộng Sản...

Có điều tôi lấy làm lạ là bà Mỹ trắng giám khảo vẫn ngồi tĩnh lắng nghe, lạnh lùng, không tỏ ra bị kích động hay bà không thích mấy khi chúng tôi nói chuyện đánh đấm lạc đề.

Sau này khi vào làm bưu điện tôi mới biết bà có một người anh là Sĩ quan cố vấn cho binh chủng quân cảnh VNCH bị Cộng quân đặt mìn sát hại tại cư xá Brink đường Hai Bà Trưng, Sàigòn năm 1965. Bằng một giọng nghiêm nghị, đắn đo, ngắn gọn, bà hỏi:

- Tại sao anh chọn nghề làm mailman"

- Tôi theo nghề nầy là vì truyền thống của gia đình tôi. Thân phụ tôi là Công chức sở Bửu Điện Việt Nam, tôi mơ ước được theo nghề của Cha tôi khi tôi trưởng thành nhưng Cộng sản miền Bắc xâm lăng Việt Nam Cộng Hòa, giết hại đồng bào tôi nên tôi tình nguyện gia nhập quân đội để giết giặc, như Bà đã rõ chúng tôi không may mắn...Tôi đã ở đây không còn là quân nhân nữa, tôi muốn tiếp tục được theo nghề nghiệp của thân phụ tôi và thõa mãn ước mơ của tôi, nếu được quí vị nhận làm tôi sẽ hết sức cố gắng để làm tròn bổn phận được giao phó.

- Tốt, tốt lắm! Anh thứ hai của tôi hiện là Cảnh sát ở thành phố này. Thân phụ tôi là Chef Cảnh sát ở đây từ mấy năm trước, hiện Ông đã nghĩ hưu gần 10 năm nay rồi.

Bốn ngày sau, tôi nhận được thư báo "job offer". Tôi thông báo trước hai tuần cho supervisor ở nhà thương là tôi "quit job" để đi làm mailman. Mọi người đều rất ngạc nhiên.

Thấm thoát mà tôi đã làm ở đây gần hai năm rồi, tôi quen biết nhiều người và cũng thường chuyện trò với họ, vì vậy tôi có nhiều bạn. Nghe tin tôi sắp nghỉ việc, nhiều người tới chúc mừng tôi đã kiếm được việc khá lương hơn, ngày cuối cùng cả Dept.Janitor dẫn tôi ra tiệm ăn đãi cơm trưa và tặng quà cho tôi.

Tôi rất bịn rịn khi phải rời họ, những người bạn lao động của tôi, những người bạn chân tình đã giúp đỡ, chỉ vẽ công việc cho tôi, những người bạn bộc trực, thẳng thắn đã rất tận tình nâng đỡ tôi khi tôi bắt đầu làm một công việc mới mà ở Việt Nam trước kia tôi chưa từng làm bao giờ. Họ là những người di dân từ khắp các nơi trên Thế Giới: Nam Mỹ, Trung đông, Trung Hoa, Âu Châu hoặc những người Mỹ trắng, Mỹ đen, Mễ đã sinh đẻ và lớn lên ở đây từ nhiều đời.

Thứ hai đến, tôi trình diện ở sở Bưu Điện và được gởi đi huấn luyện 1 tháng. Hết kỳ huấn luyện tôi trở về gặp Postmaster và Supervisor. Sau khi dặn dò tôi một vài điều cần thiết, Supervisor dẫn tôi ra bãi đậu xe của sở chỉ cho tôi chiếc xe jeep mà tôi sẽ dùng mỗi ngày.

Cầm chiếc chìa khóa xe jeep bưu điện và ống thuốc hóa học để phòng chó dữ tấn công mà supervisor vừa mới trao, tôi chợt nghĩ và tức cười trong bụng, ở Sàigòn ta cũng lái xe jeep và trang bị súng cá nhân để chống lại bọn Cộng sản ác ôn, nay tỵ nạn Cộng Sản sang đây ta cũng lái xe jeep và cũng được trang bị vũ khí cá nhân (Personel protection against dog) để chống lại những con chó hung dữ, điên, khi ta đi làm bổn phận là bỏ thư.

Vừa đi trở vào sở, tôi mơ màng nghĩ đến những cái "pay check" mà tôi sẽ lãnh, nó sẽ gấp ba lần lương tôi ở nhà thương, tôi sẽ để dành tiền "downpayment" căn nhà vì Ông Bà ta xưa thường nói "An Cư Lạc Nghiệp" mà. Tôi cũng sẽ mua lại cho nhà tôi chiếc nhẫn cưới vì chiếc nhẫn cưới mà nàng mang trong tay phải tháo ra bán để mua thêm sữa cho cháu Út khi chúng tôi vượt biên vừa tới trại tỵ nạn. Tôi cũng để dành ra chút đỉnh để gởi về giúp Mẹ tôi còn kẹt lại ở Sàigòn.

Làm mailman không ai bắt mình đi bỏ thư ban đêm, giờ giấc cố định, tôi yên trí sẽ ghi tên đi học lại vào buổi tối. Mỗi sáng, sau khi casing thơ vào các hộc địa chỉ đã định sẳn tôi đem thư, bưu kiện và tạp chí cùng các giấy quảng cáo ra xe và lái thẳng ra route đường mà họ đã chỉ định, đậu xe lại và đi bỏ thư.

Tôi không thể nào bỏ hết số thư mà tôi mang theo thì đã hết giờ. Muốn bỏ thư cho hết thì phải xin ở lại trễ giờ điều mà những xếp bưu điện rất tránh. Đã vậy, vì là nhân viên mới nên supervisor nay phân công tôi làm route nầy, ngày mai lại đổi tôi qua route khác, vừa mới quen được đường lối và chỗ để các hộp thư của route nầy được vài ngày thì liền bị chuyển qua route khác nên tôi bỏ thư chậm đi và thường về trể giờ, thêm nữa chân trái tôi yếu lắm nên tôi không thể đi nhanh được mặc dù tôi cố đi nhanh, bỏ cả "take break" và ăn trưa nhưng không tài nào về sở đúng giờ ấn định. Tôi bị gọi lên cảnh cáo nhiều lần, tôi lo rằng tôi không qua nổi 3 tháng thử thách.

Mỗi chiều về nhà, tôi suy nghĩ lung lắm tìm mọi cách để khắc phục sự trở ngại nầy. Gần cuối tháng thứ hai, tôi mới nghĩ ra: Tại sao mình không "LẤY CÔNG LÀM LỜI"", bưu điện học chỉ quan tâm là mình làm quá vào giờ họ đã ấn định trả lương cho mình, tại sao mình không nghĩ chuyện làm CHÙA nghĩa là thư vẫn đến cho bà con ở ngoài route mà mình không tính giờ cho họ, dầu sao lương đây cũng lớn gấp ba lần lương nhà thương mà không pass probation mất sở uổng lắm.

Tôi cũng có cái tính như đa số người Việt Nam mình "thường làm hết việc chứ không làm hết giờ". Nghĩ vậy tôi thực hành ý định ngay. Ngày hôm sau cứ đúng giờ ấn định là tôi lái xe về sở, số thư còn lại tôi đem bỏ vào cóp xe của tôi, tôi vào bấm thẻ ra về, đậu xe jeep ở sở. Xong tôi âm thầm lái xe của tôi ra những con đường mà tôi chưa kịp bỏ thư lúc nẫy và tiếp tục công việc, tôi bắt đầu làm CHÙA không tính giờ cho sở bưu điện. Thơ từ mỗi ngày ở Mỹ rất quan trọng: nào các thứ bill, các loại thư, các loại check như: SSI, Welfare, thất nghiệp, bảo hiểm v.v... Người Mỹ vẫn thường tự hào là họ có một hệ thống bưu chính hoàn hão và hữu hiệu nhất thế giới. Tôi nghĩ tôi đã đem đến niềm vui cho họ nhưng mình cũng có cái nhờ là khỏi bị kêu vào cảnh cáo và hy vọng pass probation.

Công việc xuông xẻ, trôi chảy gần bốn tuần lễ. Chỉ còn hai ngày nữa là tôi hết hạn kỳ probation, lúc đó tôi sẽ được chính thức mặc đồng phục và có một route thường xuyên không phải ngày nay đi route nầy, mai đi route khác.

Hôm đó,ngày thứ năm như thường lệ tôi đem xe về trả ở sở, bấm thẻ ra về, xong tôi trở lại những con đường tôi chưa có thì giờ bỏ lúc nãy và tiếp tục công việc. Gần xong, sắp thu xếp trở về thẳng nhà thì một bà Mỹ đang đứng trước nhà nói rằng: "Tôi vừa mới gọi vào hỏi xếp của Ông là sao giờ nầy vẫn chưa có thư mà chỉ có mấy phút sau ông đã có mặt ở đây rồi." Mặt tôi tái đi, linh tính như báo cho tôi biết là có việc chẳng lành rồi!

Ngày hôm sau khi đến sở, tôi không thấy thẻ bấm giờ của tôi trên "shelve" như thường lệ, thay vào đó là cái nốt phải vào gặp ngay Post master và supervisor. Họ cho tôi biết là đã vi phạm nghiêm trọng điều lệ của bưu điện là tự ý làm việc sai nguyên tắc, họ buộc lòng phải chấm dứt nhiệm vụ của tôi. Họ trao cho tôi hai cái check cùng với thư cám ơn. Tôi cố trình bày, biện minh, nhưng vô ích!"

Tôi đứng dậy, họ đưa tay ra bắt, nhưng tôi đứng lên không nổi nữa, chân tay tôi như bị tê cứng lại. Tôi thẫn thờ, chán nản, thất vọng chào họ, nặng nề quay lưng đi, miệng nói lý nhí những gì tôi không nhớ rõ, khi đi ngang qua hành lang tôi thấy hai bộ đồ đồng phục bưu điện mới đang treo cạnh đó. Tôi nghĩ có thể một trong hai bộ đồ nầy là của mình đây.

Tôi lái xe ra về mà lòng ngổn ngang trăm mối. Ăn nói sao với nhà tôi và lũ trẻ đây. Đang nghĩ vẩn vơ như vậy thì chiếc xe Cảnh sát chớp đèn xanh đỏ chạy sau mình cố ý như ép mình ngừng lại, tôi chua chát chợt nghĩ là Ông Postmaster đã đổi ý nhờ Cảnh sát gọi khẩn cấp mình lại để tiếp tục đi làm đây. Tôi tấp xe vào lề đường và Cảnh Sát cho tôi biết hồi nãy đến bảng STOP tôi không ngừng, nên cho tôi cái ticket phạt... Đúng là "Phước bất trùng lai, họa vô đơn chí."

Hai tuần sau, tôi kiếm được một công việc làm khác, và sau ba tháng huấn luyện tại hãng tôi giữ công việc nầy liên tục cho đến ngày nay. Tôi vừa làm vừa học và từ từ vươn lên.

Ở Mỹ kiếm việc không khó nhưng điều quan trọng là có thiện chí đi làm việc hay không, lúc ban đầu bất cứ việc gì ta cũng nhận và làm được việc đã rồi từ đó ta đi học thêm và tiến lên. Người Mỹ họ rất trọng những người đi làm việc dù đó là nghề gì đi nữa, họ rất xem thường những kẻ ăn không ngồi rồi. Làm nghề để sống và đóng thuế không phải cứ Bác Sĩ, Luật Sư, Kỹ sư là họ nể mà nghề khác họ xem thường đâu. Ta thường thấy trên chương trình giải trí truyền hình như "Family Feud" hay "Who wants to be a millionaire" người "host" thường hỏi những tham dự viên: "How's you make living"" và người Mỹ cũng thường hãnh diện trả lời về nghề nghiệp của họ và họ thường tự hào là "taxpayers".

Bây giờ chân trái tôi đã được chữa trị và trở lại bình thường sau hai lần được Bác sĩ ĐẶNG BỈNH CHÚC mỗ và săn sóc rất tận tâm, tôi có thể đi nhanh, chạy, nhảy, nhậm lẹ, gọn gàng như xưa. Mặc dù tuổi đã lớn, mỗi sáng tôi vẫn thường chạy bộ trước khi đi làm, giờ đây, nếu sở Bưu điện gọi tôi trở lại làm việc, tôi rất sẳn sàng và vẫn còn thích thú nhưng với một điều kiện là họ phải trả lương cho tôi ít ra cũng băng lương tôi đang lãnh ở sở nầy.

Câu "Tái Ông Thất Mã" thật đúng với tôi vậy./.

Nguyen Thoi

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,003,167
Tác giả đã góp nhiều bài viết đặc biệt và đã được trao tặng giải thưởng Việt Về Nước Mỹ. Ông sinh năm 1951, du học Nhật trước 1975. Đến Mỹ năm 1981. Hiện là cư dân Irvine, Nam California. Công việc: Kỹ Sư Điện tại một hãng trong cùng thành phố. Đây là bài viết mới nhất
Bà cho biết tên thật Jeanne Bùi, sinh năm 1945. Từ trước 1975, dạy học ở Saigon. Sang Pháp từ 1982, đi học lại rồi làm việc cho Mairie de Paris (Tòa Thị Chính), hiện đã nghỉ hưu.
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie Kim đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016.
Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Năm 2019, Tác giả nhận thêm giải Chung Kết Vinh Danh Tác Giả Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ hay còn gọi là giải Hoa Hậu. Tốt nghiệp Y Khoa Huế, thời chiến tranh Bác sĩ Vĩnh Chánh đã là Y Sĩ Trưởng binh chủng Nhảy Dù.
Tác giả là cư dân Huntington Beach. Những Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của cô là “Chuyện Vui Sầu” ký bút hiệu Khánh Doãn đã được phổ biến từ tháng Tư 2011.
Nguyễn Cao Thăng là tên thật của tác giả, 52 tuổi, dân gốc Kinh 5 Rạch Giá, một cựu thuyền nhân, hiện là kỹ sư cơ khí của hãng máy bay Beechcraft tại Wichita, Kansas.
Tác giả hiện sống ở thành phố Victorville California, đã từng tham gia VVNM năm 2018
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ 2004. Võ Phú sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University.
Nhạc sĩ Cung Tiến