Hôm nay,  

Một Ngày Làm Việc Ở State Board

05/01/200100:00:00(Xem: 51420)
(Bài tham dự số 109\VB0906)

LỜI ĐẦU

Ngọc Anh nó xúi tui "Viết đi, viết về một ngày làm việc ở State Board đi!" Tui nói "Tao làm biếng bỏ dấu lắm." Nó nói "Viết đi tui bỏ dấu cho rồi gởi đi luôn."

Ờ. Viết thì viết.

5 GIỜ RƯỠI SÁNG

Đồng hồ vừa ré lên là tôi ngồi dậy rồi. Con em chậm lụt của tôi ưa nói "Tui khoái nằm nướng thêm mấy phút cho nó sướng." Tôi thì nói "Sướng khỉ gì mậy, nằm thêm vậy làm tao mệt thêm. Tật làm biếng."

Để ly nước 16 ounce vô microwave một phút hâm nóng, nuốt vô hai viên thuốc bổ, một viên bổ đủ thứ, viên kia bổ máu.

Ra đường. Trời còn tối hù. Ghé vô Burger King mua hai ly cà phê vợ chồng uống cho tỉnh táo. Tôi chuẩn bị một ngày đứng suốt buổi.

6 GIỜ 45 PHÚT

Xe rề sát lề đường sở làm. Vợ chồng chào nhau xong đường ai nấy đi. Vài người đứng lẻ tẻ bận đồng phục trắng, đúng là thí sinh, ngóng nghe bạn bè dặn dò:

"Đọc cho kỹ câu hỏi rồi mới trả lời nghe. Ở đủ hai tiếng đồng hồ, đừng có ra sớm quá."

Vậy là người này có kinh nghiệm thi cử. Phải rồi, thi lý thuyết mà gấp rút nóng nảy quá, có người làm bài xong hổng chịu bỏ thì giờ coi lại, chừng lấy kết quả rớt một hai điểm mới tiếc hùi hụi "Phải chi mình ngồi coi lại mấy câu hỏi nghi nghi."

Vô sớm vậy là mấy người thi lại lý thuyết. Trong building, một dọc thí-sinh với người mẫu đứng đợi lên thang máy là nhóm đi thi thực hành môn thẩm mỹ (tóc, móng tay, dưỡng da). Tui đi đường cầu thang (hai chị em tui có dịp là đi lên cầu thang, đi vậy để tập thể dục luôn), vừa nghe loáng thoáng sau lưng:

"Giám khảo Việt Nam đó."

Vậy là bữa nay có vài người Việt đi thi lấy bằng tóc.

Vô phòng nghỉ giải lao, cất cái bóp bự bằng cái giỏ đi chợ hồi ở Việt Nam vô tủ. Bận cái áo đồng phục màu xanh hy vọng xong, tui lên văn phòng lấy giấy chấm thi. Ký tên vô sổ, biết "mình bữa nay ở phòng số 1".

Người nào ở phòng số 1 có phận sự dẫn thí sinh vô phát cho mấy phòng kia. Gặp con em, nó nói:

"Cha. Bửa nay đông dữ. Chắc đầy phòng"

"Ờ, dòm cỡ 40 chục."

6 GIỜ 50 PHÚT

Bà xếp xét sơ sơ giấy dự thi với thẻ căn cước. Nhờ vụ xét giấy nầy đỡ cho giám khảo trong phòng thi, có khi bỏ ra được vài mạng vô lộn ngày, thẻ bị hết hạn, quên đem thẻ căn cước theo, người mẫu không có thẻ, thẻ giả, thông hành giả (đa số là người Mễ), tên họ lộn ngược (người Việt), họ này đổi qua họ khác, không giấy tờ chứng-minh vv. và vv... Dĩ nhiên mấy người này không được vô thi, thế nào cũng có màn khóc lóc năn nỉ. Nếu người Việt, văn phòng kêu một trong hai chị em tui lên thông dịch.

"Cô ơi nói dùm em hồi em làm căn cước người ta hỏi em tên với họ. Hồi mới qua còn lộn xộn em ghi lộn tên là họ, họ là tên. Bây giờ nó hổng cho em vô thi, tốn công tốn tiền quá, cô giúp dùm em đi cô."

"Em à, cô đâu có giúp được. Tên của em thì đề là chữ lót, mà còn viết tắt nữa, họ thì thành tên, chữ lót trở thành họ thì làm sao bả cho em vô. Em cần phải đi điều chỉnh tên họ lại cho giống như giấy xin dự thi mới được."

Cho dầu có nói gì đi nữa, người ta cũng nghĩ là mình làm khó. Còn mấy người Mễ xài giấy tờ giả, kêu cảnh sát tới là bị còng tay dẫn đi liền. Mấy người này họ qua lâu, muốn lấy bằng ở đây rồi trở qua Mễ xài bằng của Cali là ngon lành.

"Good morning."

"Good morning."

Lúc nào cũng good, hổng có ngày nào là "Bad morning" hết.

Đám giám khảo là nhóm người đã có bằng thẩm mỹ, đã đi dạy nhiều năm, đã qua kỳ thi tuyển khó khăn của State Board, được chọn trong những người dậu điểm cao. Chị em tui có cái may là trong nầy họ cần giám khảo người Việt để thông dịch. Nhưng đâu phải ỷ mình là người Việt mà được nói tiếng Việt thong thả đâu.

Khi mới vô làm, họ cấm nói tiếng Việt với thí sinh. Sau khi thi lấy chứng chỉ Bilingual (Tiếng Việt qua tiếng Anh, tiếng Anh qua tiếng Việt) được tăng lương hơn 30 chục cents một giờ rồi mới được thông dịch khi họ cần. Người mình ít hiểu như vậy. Trong phòng thi, có lẫn Việt, Mỹ với ngoại-quốc, mình đâu được nói tiếng Việt vì State Board sợ người ta nói là mình thiên vị người Việt, nói riêng gì đó. Có khi người mình nghĩ là "Hai con mẹ giám-khảo Việt-Nam làm phách, hổng chịu nói tiếng Việt, hỏi nó tiếng Việt nó trả-lời tiếng Mỹ."

Nghe ngoài hành lang họ dạy mánh lới cho nhau để qua mặt giám khảo: "Chừng nào giám khảo xây lưng là lấy tóc dầy dầy quẹt kem thiệt nhiều, mấy bả hổng thấy đâu."

Đây ý họ nói về bài thi nhuộm tóc hay tẩy tóc, họ xài thuốc giả là kem cạo râu phết lên từng lớp tóc giống như phết thuốc thiệt. Tụi tui coi cách họ phết thuốc bắt đầu phần tóc nào chừa đầu chừa đuôi ra sao thì biết họ làm bài gì đúng hay sai. Họ đâu có biết trong phòng thi xung quanh gắn kiếng, giám khảo xây lưng bên nầy để nhìn vô kiếng "chiếu hậu" thấy rõ ràng sau lưng mình thí sinh đang làm cái gì. Tụi tui ưa nói với nhau:

"Nó làm như tao đui vậy đó, vừa xây lưng là nó bỏ nguyên mẩu nhắc thí-sinh, nói lầm-thầm trong họng. Mình xây lại dòm thì nó nín, mình cũng dư sức biết ai đương nhắc ai.

7 GIỜ 15 PHÚT

Trong phòng đợi bà xếp bắt đầu nói vài lời chào mừng thí sinh, người mẫu. Bả cho biết thì giờ thực-hành, giờ nghỉ, giờ chấm dứt, giờ ăn trưa, giờ trở vô thi lý thuyết, giờ phát kết-quả vv và vv. Bả còn dặn người mẫu không được nói chuyện, nhắc bài, đọc đề thi... rồi "Chúc quí vị được thành công."

7 GIỜ 25 PHÚT

Tui đứng trước cửa phòng đợi đặng dẫn thí sinh vô phòng thi. Ở đây có năm phòng thi thực hành, một phòng thi lý thuyết, một phòng cho thí sinh với người mẫu ngồi đó.

Có ngày, như bữa nay, nhóm thi thực hành buổi sáng vừa thí sinh vừa người mẫu là 80, nhóm thi lý thuyết lại độ vài chục, nhóm giám khảo giám thị tổng cộng lại cỡ 140 mạng.

Bây giờ được vậy là đỡ rồi. Hồi trước có khi người ta đem theo chồng, vợ và luôn đám con lên. Thấy mẹ kéo valy vô phòng thi, đám con đứng ngoài kêu khóc rùm trời "Má ơi, con muốn đi theo má..."

Thí sinh tay cầm thẻ căn cước, giấy dự thi, tay kéo cái valy đựng đồ nghề bự tổ chảng. Người mẫu bận áo đầm tò tò theo sau, (có khi thí sinh đem người mẫu là đàn ông, cũng bận áo đầm luôn) tay cũng cầm thẻ căn cước, vì bà xếp có dặn nếu không có thẻ thì không được vô phòng thi. Hầu hết là họ mướn đồ nghề của hai hãng tư nhân. Hai hãng này hay làm cho thí sinh hiểu lầm là họ làm việc cho State Board. Nhiều lần mình nói cho rõ là hai hãng này không phải làm việc ở đây mà thí- inh cũng hổng tin, hổng hiểu tại sao"

Bữa nay 40 thí sinh. Phát mỗi phòng thi 8 thí sinh 8 người mẫu. Còn vụ đổi người nữa. Nếu người nào thi lại thì không phải thi với người giám khảo cũ mà được quyền xin dời qua phòng khác. Làm như vậy để cho có sự công bằng giữa giám khảo với thí sinh. Đôi khi vì vụ này mà sinh lộn xộn mất vài phút đồng hồ vì hai chị em tụi tui ai cũng nói giống nhau quá (tui thấy đâu có giống gì đâu, tui giống ba tui, nó giống má).

"Cô ơi, em thi cô rồi."

"Vậy thì đổi."

Qua phòng bên kia gặp con em tui, cô nhỏ thụt lùi lại:

"Ủa kỳ rồi cũng thi bả, vậy là em lộn hai cô."

Tui vội vàng dời cô nhỏ qua phòng giám khảo người Mỹ cho gọn.

7 GIỜ 35 PHÚT

Sau khi xét thẻ kỷ lưỡng lần cuối, tụi tui phải chỉ dẫn thí sinh cách thức xài đồ nghề, bàn ghế trong phòng.

7 GIỜ 45 PHÚT

Bắt đầu thi phần nhứt.

Mỗi phòng thi có tám bàn gắn kiếng giống như ngoài tiệm uốn tóc, mỗi thí sinh một bàn có đánh số từ 1 tới 8.

Phòng tui có 3 Mỹ trắng, 2 Mỹ đen, 1 người Việt, 1 Mễ và một người ngoại quốc hổng rõ nước nào, chắc Trung đông" Người Việt đòi thi đề tiếng Anh, người ngoại quốc coi bộ hổng hiểu đề thi mấy, đứng đọc lâu lắm. Thấy tội nghiệp. Không hiểu họ có biết là họ có quyền đem người mẫu biết tiếng Anh thông dịch để thực hành hay không"

Hai đứa Mỹ trắng cũng dễ thương, cắm cúi làm. Đứa kia thì mỗi lần tui lại gần coi, nó ngừng tay lại nghinh tui. Mình có làm gì nó đâu. Việc làm của mình phải cho rõ ràng chắc chắn nó làm sai. Đứng đàng xa đâu thấy rõ được. Hay là tại nó run nó có thái độ đó. Khi run con người có phản ứng khác nhau. Có người khi run thì cười hề hề (đa số người Việt). Mễ thì xuất mồ-hôi (ăn nhiều đồ cay quá") Mỹ thì hơi khác, khó đoán...

Nhớ ngày mình đi thi, tối ngủ đâu có được. Sáng thức sớm, đi lạc phải kêu điện thoại về hỏi chồng tui đi về hướng nào; chồng tui nói "Đi ngược hướng nhà!"

Bây giờ nhìn thí sinh, phải thông cảm cho họ. Nhìn mặt mày người nào người nấy khẩn trương, quan trọng lắm, thấy mà tội nghiệp. Họ đâu có biết giám khảo chấm thi dễ hơn thầy cô ở trường nhiều. Mỗi tháng tụi tui có phiên họp lúc nào mấy người xếp cũng dặn là phải chấm cho công bằng. Mục tiêu của State Board là coi thí sinh có khả năng phục vụ khách hàng một cách an toàn hay không chớ không phải chấm điểm hay điểm đẹp.

Đang yên lặng nặng nề bỗng nghe phòng con em tui kế bên có tiếng cà huớt, cà huớt... Tui dòm qua thì thấy Kim Loan đang đứng kế bàn số 1 đưa tờ khăn giấy cho thằng nhỏ da đen chậm nước mắt. Kim Loan mượn tui kêu dùm văn phòng. Bà Xếp đủng đỉnh đi vô, nói gì nhỏ nhỏ với anh chàng rồi dẫn anh chàng ra ngoài hành lang, vừa đi vừa sụt sịt khóc.

Hổng biết bà xếp dỗ ngon ngọt sao đó mà một lát sau anh chàng trở vô thi tiếp. Bữa trước có một bà đang thi ngả cái đùng bất tỉnh, phải kêu xe cứu thương rần rần...

10 GIỜ 20 PHÚT

Giờ nghỉ giải lao.

Vô phòng ăn, đám giám khảo vừa ngốn đồ ăn sáng vừa khảo vừa khai:

"Kim. You làm gì mà nó khóc dữ vậy""

"Me đâu có làm gì nó đâu. "Me thấy nó run quá còn hổng dám lại gần, nó muốn khóc thì cho nó khóc."

"Trong phòng me có một người hổng biết là con hay thằng."

"Phải nó đứng bàn số 2 hông""

"Uh."

"Vậy là nó đổi giống đó. Nó là đàn ông đổi qua đàn bà. Dòm cái cổ họng của nó cục yết-hầu nhảy lên nhảy xuống là đủ biết".

"Ờ há. Còn phòng 'me' thằng này nó vừa thoa thuốc vừa lè lưỡi làm "me" nín cười muốn chết."

"Đừng có nín quá hơi dồn xuống bụng mà địt ra đó".

Cả bọn cười một cái rần.

Nghề giám khảo là một nghề rất "căng thẳng". Trong phòng 8 người thi, học ở tám trường, cách thực hành khác nhau dù cùng chung một căn bản. Giám khảo phải suy xét cặn kẽ trước khi cho điểm hay trừ điểm. Thần kinh căng thẳng, nếu không có mấy câu khôi hài vô thưởng vô phạt nói ra để cười cho xả hơi thì tụi tui chắc vô nhà thương tâm thần sớm.

"Thằng mẫu đàn ông của "me" râu ria tùm lum hổng biết làm sao chấm bài trang điểm đây."

"Me có một đứa nó rớt từ ngày hôm qua." (Nghĩa là dở quá trời là dở.)

"Còn "Me" thì con nhỏ này ngày mai nói mới xong. (nghĩa là chậm quá trời là chậm). Làm như nó đứng đếm từ cọng tóc. Nó tưởng trái đất ngừng lại đợi nó. Nếu bộ hô hấp hổng phải là bộ phận tự động thì chắc là nó đã chết ngộp từ lâu".

Cả đám lại cười một cái rần.

10 GIỜ 40 PHÚT

Giám khảo cùng thí sinh trở lại phòng. Thi phần thứ hai.

Người thí sinh Mễ sao mà làm ẩu quá. Thuốc quẹt đại lên da hổng biết chùi đi, nếu là thuốc thiệt thì quá sức nguy hiểm. Không rẽ tóc rõ ràng hổng biết thoa phần nào chừa phần nào.

Tay cầm cây viết chì, tui suy nghĩ hoài. Nếu trừ điểm này kể như nó rớt, mấy điểm của bài khác cũng thấp làm sao mà vớt cho nổi. Do đó đắn đo là "nghể của nàng". Không có người giám khảo nào mà "vui vẻ" chấm rớt người ta hết. Dở lắm mới thi rớt. Không biết thí sinh có hiểu điều đó hay không"

Còn con nhỏ da đen kia hổng thuộc bài thì coi như rớt một cái bịch, từ khuya.

12 GIỜ

Giờ thi thực hành chấm dứt.

Người mẫu ra thay đồ. Thí sinh dọn dẹp đồ nghề. Giám khảo lo cộng điểm. Giờ này là giờ kỵ nói chuyện giữa giám khảo và thí sinh, nhứt là khi mình nói cùng thứ tiếng, để tránh người Mỹ và người ngoại quốc khỏi nghi ngờ thí sinh Việt hối lộ giám khảo.

"Cô ơi cô giúp dùm em, nhà em ở xa quá em run quá chời làm rớt đồ tùm lum, cô có chấm rớt hông" Cô cô ơi, cô thông cảm dùm em."

"Em dọn dẹp cho mau rồi đi ra. Em cần đi ăn uống cho có sức để chiều nay thi lý thuyết, ráng làm bài nha."

Chỉ được nói vậy thôi rồi ra khỏi phòng cho lẹ. Đem giấy tờ lên văn phòng ký tên rồi đi nghỉ trưa.

Bữa hôm, có một ông chận tui lại trong hàng lang nói cám ơn tui đã "Chấm cho con cháu nó đậu, chúng tôi rất hãnh diện thấy bà người Việt được làm giám khảo ở đây. Có đứa thi rớt về đồn tùm lum là hai bà khó lắm, tôi có mắng nó rằng học không chăm học, vào trường bấm thẻ xạo xạo rồi về cuối tuần lo đi nhậu gần ngày thi mới quính lên dợt đại khái như thế vào thi rớt rồi về đổ thừa người ta chấm khó chấm dễ."

Tui có nói "Cám ơn ông. Tụi tui cũng hiểu chuyện đó bởi vậy có khi thí sinh kêu tụi tui bằng cô, có khi bằng chị, còn hễ thi rớt thì kêu bằng hai con mẹ, cũng hổng sao, tự họ hiểu lấy họ."

Nghỉ trưa tới 1 giờ 15. Ăn một cái bánh mì, uống một ly nước cam, 16 ounce nước ấm lấy sức cho buổi chiều.

1 GIỜ 15 PHÚT

Sửa soạn phòng cho nhóm thi nails.

1 GIỜ 25 PHÚT

Đem thí sinh vô phát mỗi phòng 8 thí sinh 8 người mẫu. Phòng tui hôm nay có một ông tóc muối tiêu, muối nhiều hơn tiêu. Người này có dáng nhẫn nại chịu đựng, hai bàn tay dầy, chai, da còn đen lắm, chắc mới qua. Ông ta dù ốm yếu nhưng dáng dấp thẳng thớm, tác phong của một cựu quân nhân, cựu sĩ quan. Có phải là một trong những người ở lại, bị mất bao nhiêu năm sống trong tù tội, đen tối" Nhìn ông mà tui thấy xốn xang. Tui tưởng tượng tới mấy người bạn học cũ. Mấy người đã chết, mất tông mất tích... Mấy đứa em trẻ tuổi, có phải là đám con của H.O. mới qua" Được qua đây nhưng phải kiếm liền một nghề sinh sống. Có nghề làm nails là dễ, lẹ ra trường.

Kim Loan ưa nói:

"Dòm mấy đứa cỡ tuổi thằng Khanh (con nó) bưng thau nước làm chân, thấy tội nghiệp."

Tui trả lời:

"Người Việt khôn lắm. Bây giờ mới qua họ làm tạm vậy chớ nay mai đi học đại học ra bác sĩ kỹ sư bây giờ đó."

Hôm trước Kim Loan nói:

"Bữa hổm lên Santa Ana chơi nghe ông Đàm nói có người này nó đồn là hai bà khó lắm vô phòng hai bà là rớt, bữa nào "chơi hai con mẻ."

Tụi tui cho bà xếp biết, bà cử người gác cửa phải đưa hai chị em tui ra xe. Sau vài ngày tụi tui mới nói không phải ai cũng nghĩ như vậy đâu. Cũng có người hiểu biết, dở lắm thì mới rớt thực hành. Đâu phải mình muốn chấm họ rớt làm gì. Mình mong họ thi đậu để đi làm chớ. Khỏi phải hộ tống tụi tui làm chi. Nghề nghiệp nào cũng có kẻ thương người ghét, không sao đâu, làm phải thì gặp lành.

Trở lại cái ông thí sinh, khi ông làm xong tui lại gần chấm điểm thì "hỡi ôi" móng tay bột ổng đắp dòm y như cái móng rùa. Nó u lên chính giữa, tràn qua hai bên da, đầu móng thì cúp xuống. Vậy là kể như rớt nguyên điểm đắp bột. Móng típ thì xéo xẹo. Hình dạng ba móng hổng móng nào giống móng nào hết. (hơi giống móng chim, móng rùa, một cái vuông vuông dài dài như cái mả). Tay cầm súng ngày xưa, bây giờ bắt cầm cây cọ nhỏ xíu, làm sao"

Nếu mình không chấm điểm cho đúng, người này mà đậu thì không công bằng. Hai điều tối kỵ của nghề làm móng tay là không cắt da chảy máu, không để hóa chất tràn lên da, mà ông phạm đủ hai điều. Ổng ra ngoài làm cho khách như vậy có khi bị thưa gởi... Thôi thì phải chấm đúng với lương tâm nghề nghiệp. Tay cầm viết trừ điểm mà trong bụng xót xa, xốn xang. Nói đúng ra nếu ông ta mà đậu thực hành, ai dòm vô bàn tay ông ta làm, thế nào cũng cười "bà giám khảo này đui".

3 GIỜ RƯỠI

Chấm dứt giờ thi nails. Cộng điểm. Năm mạng đậu ba mạng rớt. Coi lại giấy ba mạng rớt, có vài điểm hổng mấy gì quan trọng, thôi được, vớt cho họ vài điểm, đậu tối thiểu thì cũng là đậu. Vậy là sáu đậu còn hai thì vô phương cứu chữa. Hổng chừng họ sẽ thấy đây không phải là "nghề của chàng." Đem nộp giấy lên văn phòng. Ngoài hành lang nghe thiên hạ "chấm điểm":

"Chời ơi, đậu là đà ngọn cỏ-ỏo. Bả quần quần ngay chỗ tụi tui, bả cứ dợt lên dợt xuống làm tui sợ chết mẹ."

"Đ.M. làm...ạm gì mà run dữ vậy. Đã dặn rồi đi thi đừng có dũa kiểu cưa cây. Mầy cắt da rồi mày mới đẩy da, vừa cắt vừa dựt đau chết cha. Đ.M., rớt rồi. Đ.M., dở ẹt. Học cái giống gì mà làm lung tung mậy."

"Ối, rớt kỳ này thi lại kỳ sau. Làm gì chửi dữ dậy cha aa.."

3 GIỜ 45 PHÚT

Trở vô phòng dọn dẹp sửa soạn cho ngày mai.
Thở cái khì.
Xong một ngày làm việc ở State Board

LỜI CUỐI
"Rồi đó, đọc đi."
Nó cầm cây viết lên bỏ dấu.

TRƯƠNG THỊ NGỌC XUÂN

Ý kiến bạn đọc
27/09/202322:36:47
Khách
http://ck.agencymindset.com/ - https://khlui.mybrandedlink.com/images/img2.jpg

http://vqhqf.pf0neg.shop/ - Sex XXX Tube - Reddit Hot Porn Movies, NSFW Fuck Videos, Porn Sex Rocks.
http://bussyhunter.profissaopersonal.com/ - Home - .
27/03/201801:02:38
Khách
TNBX viết nhiều chuyện cảm động nhưng bài này bị cấp trên trách là đúng, vì nói ra các mánh lới của thí sinh và cách đối phó của giám khảo, rồi các nhận xét về họ tuy không nói rõ danh tính nhưng cũng là vi phạm quyền riêng tư thí sinh, khi mình ở vị trí giám khảo. Tôi làm trong một ngành cũng có nhiều chuyện hay ho nhưng đang đợi về hưu hẳn rồi mới dám viết.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,683,754
Tác giả đã nhận Giải Vinh Danh Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2003. Sau nhiều năm ngưng viết, tháng Năm 2017, Iris tái ngộ bạn đọc Việt Báo với "Chuyện Góc Bếp," tự sự của một bà mẹ độc thân nuôi con trên đất Mỹ.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ. Ông là con của một sĩ quan Võ Bị Đà Lạt, ra đời trong mùa hè đỏ lửa. Bài viết mới của ông có lời ghi “Xin cám ơn Ba vì câu chuyện đã kể, là nội dung chính cho bài viết này!”
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ. Nhiều bài và hình ảnh của ông hiện được phổ biến trên mạng internet,
Tác giả từng nhận các giải bán kết từ năm đầu tiên 2001, và từ 8 năm qua, là thành viên Ban Tuyển Chọn Chung Kết Viết Về Nước Mỹ. Trước 1975, ông là một hạm trưởng hải quân VNCH,
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey, một vùng ít cư dân Việt. Sau đây, thêm bài mới của Song Lam.
Chủ Nhật 18 tháng Sáu là Fathers Day 2017. Mời đọc bài viết cho ngày này của Đoàn Thị. Tác giả định cư tại Pháp, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010.
Chủ nhật 18 tháng 6 là Fathers Day 2017, mời đọc bài mới của Năng Khiếu: đứa con được sinh ra tại khu kinh tế mới Sông Ray, tỉnh Long Khánh, trở thành một nữ dược sĩ tại Mỹ kể về người cha H.O.
Chủ Nhật 18 tháng Sáu sẽ là Fathers Day 2017, mời đọc bài mới của Trương Ngọc Bảo Xuân. Tác giả hiện làm việc bán thời gian cho National-Interstate Council of State Board of Cosmetology (NIC)
Tác giả đa nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Tốt nghiệp Y Khoa Huế, thời chiến tranh Bác sĩ Vĩnh Chánh đã là Y Sĩ Trưởng binh chủng Nhảy Dù
Chủ Nhật 18-6 tới đây là Fathers Day 2017. Xin mời đọc bài Viết Về Nước Mỹ thứ hai của Nguyễn Diệu Anh Trinh. Cũng “Ngày Lễ Cha” hai năm trước đây, tác giả đã có bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên kể về Ba.
Nhạc sĩ Cung Tiến