Hôm nay,  

Lá Thư Đầu Tiên Viết Từ Nước Mỹ

12/11/200200:00:00(Xem: 203458)
Người viết: Nguyễn Thị Thùy Dương
Bài tham dự số 09\VBST

Tác giả Nguyễn Thị Thùy Dương
Tuổi : 32.
Nghề nghiệp: Thợ may.
Cư ngụ tại Westminster, California.

Ban Sơ Tuyển Giải Thưởng Việt Báo mong Thùy Dương gửi thêm ảnh, địa chỉ liên lạc để bổ túc hồ sơ. Đồng thời, mong các bạn gửi bài tham dự nhớ gửi kèm ảnh chân dung. Việt Báo cũng rất mong nhận thêm hình ảnh liên quan tới nội dung bài viết để có thể đăng kèm theo bài.


California, ngày 9 tháng 9 năm 1990

Hằng mến,
Những ngày trước khi chia tay bạn để lên đường sang Mỹ, chúng mình thường ngồi bên nhau và bàn chuyện đi Mỹ, có lẽ chẳng riêng gì hai đứa mình mà hầu hết những người sắp đi Mỹ đều có cùng tâm trạng giống nhau, nửa mừng, nửa lo. Mừng vì mình có thể sắp được đến vùng đất hứa,lo vì không biết khi sang đất khách quê người, mọi cái đều lạ lẫm lại thêm ngôn ngữ bất đồng. liệu có thích nghi đuợc không. Lúc đó tụi mình chỉ ao ước giá có ai từ bên Mỹ viết thư về nói cho mình biết những điều đang cần biết thì qúi hóa biết bao. Cũng vì nôn nóng muốn biết cuộc sống bên xứ người, nên khi mình sắp bước chân ra phi trường, bạn vẫn còn dặn với theo :"Nhớ qua đến nơi gởi thư về liền đó nghe"! Nhưng đến nơi đã gần một tháng, nay mình mới thực hiện lời hứa vơí bạn, vì lẽ mình cần có thời gian, hỏi han những đồng hương qua trước và đi vài nơi, đến vài chỗ để được chính mắt thấy, tai nghe mới có thể nói cho bạn đôi điều về đất nước và con người Mỹ, hầu bạn bớt bỡ ngỡ khi đặtë chân đến Hoa kỳ.
Trước khi nói về Mỹ,mình cũng cần nói qua cho bạn biết về lộ trình di chuyển từ Sàigòn qua đến bên này để bạn chuẩn bị. Trước tiên máy bay cất cánh rời phi trường Tân Sơn Nhất, độ hai tiếng đồng hồ sau thì tới Thái Lan. Xuống phi trường đã có xe buýt chở thẳng về khu tập trung. Trong khu này có sẵn nhiều người Việt đi trước đang chờ chuyến bay. Khu tập trung có hàng rào cao bằng lưới B40 bao quanh và cổng khóa suốt ngày không cho ai ra vào, trừ nhân viên của trại. Hàng ngày họ phát cho mình hai bữa ăn đựng trong những hộp giấy gồm cơm,trứng gà, và thịt cá thay đổi. Đám nhân viên Thái này cũng lợi dụng buôn bán kiếm chác. Hàng ngày họ đến tận chỗ nằm gạ mua vàng của những người mang theo, vàng tây, vàng ta gì họ cũng mua ráo hết và trả bằng tiền Đô hoặc tiền Thái. Nhưng chính nhờ vậy mà bà con mình có tiền mua thêm hoa qủa, bánh trái và đồ dùng lặt vặt.
Ở Thái lan, có người một hai hôm đã có chuyến bay, có người mất cả tháng. Riêng gia đình mình cũng phải ăn chực nằm chờ mất mười hai ngày đêm. Trong thời gian ở trại, mỗi ngày họ tập trung mọi người lại hai tiếng để nghe thuyết trình về cuộc sống, phong tục tập quán Mỹ, rồi đi khám bệnh, chích ngừa. Khi có chuyến bay rồi còn phải bay qua Nhật hoặc Nam Hàn để đổi máy bay rồi mới từ đó bay một lèo vào Mỹ.
Trên chuyến phản lực cơ Boeing 747 của hãng hàng không Mỹ, gia đình mình từ phi trường Seoul qua tới phi cảng quốc tế Los Angeles mất khoảng mười bảy, mười tám tiếng. Trên phi cơ rất thoải mái, có nhiều máy truyền hình cho hành khách xem, chốc chốc các nữ tiếp viên lại mang thức ăn, nước uống đến mời, nhưng tuyệt đối không còn nhìn thấy cơm, canh như bên mình hay bên Thái nữa.
Ngồi trên máy bay, mình nhìn qua khung cửa sổ, bên ngoài từng tảng mây trắng lững lờ, có lúc máy bay chui vào trong đám mây dầy đặc, tuyệt nhiên không còn thấy một cảnh vật nào trên mặt đất. Sau nhiều giờ bay mệt mỏi, hành khách trên phi cơ đều ngủ cả, cho mãi đến lúc nghe tiếng loa phóng thanh báo cho biết phi cơ đã bay vào không phận nước Mỹ, mọi người mới giật mình thức dậy, và người nữ tiếp viên ra dấu cho hành khách buộc giây an toàn . Lúc đó mình nhìn xuống dưới, biển cả mênh mông một màu xanh biếc, rồi dần dần những ngọn núi trùng điệp tiếp nối nhau như đuổi theo chiếc phi cơ, và rồi những con đường phía dưới hiện ra dầy đặc với những xe cộ nhỏ li ti đang nối đuôi nhau di chuyển.. Hai bên đường nhà cửa san sát, nhưng ít thấy những nhà lầu cao. Thỉnh thoảng cũng có những khu vực không thấy có bóng nhà cửa hay cây cối, chỉ trơ trọi đất là đất. Máy bay càng hạ cao độ, hình ảnh sinh động bên dưới càng hiện rõ hơn. Từ lúc phi công báo tin máy bay đã vào không phận Mỹ đến khi chuẩn bị hạ cánh, thời gian cũng khá lâu, chứng tỏ đất nước này thật bao la, bát ngát..
Sau khi máy bay ngừng hẳn, mọi người rời phi cơ và đi trong một cái hành lang giống như đường hầm, nhưng chỉ mất khỏang vài phút, mình đã ra ngoài phòng khách phi trường.Nhìn xung quanh, mọi cái đều hòan tòan mới lạ, căn phòng rộng thênh thang và người đi lại tấp nập nhưng không thấy một cọng rác, có những ông Mỹ trắng, Mỹ đen to lớn đứng bên cạnh những người đàn bà mập ú. Mọi người cười nói ríu rít. Bây giờ mình đã thật sự ở Mỹ rồi. Đứng trong tòa nhà lầu, xung quanh là những cửa kiếng trong vắt, nhìn ra ngoài phi đạo, máy bay lên xuống không ngừng. Đầu óc còn đang choáng váng như người say sóng, chợt một người đàn ông Việt Nam đến bắt tay và tự giới thiệu là nhân viên của Hội bảo trợ, có nhiệm vụ đến đón gia đình mình.Bạn khỏi lo bỡ ngỡ khi đến phi trường Mỹ, vì Hội bảo trợ cũng như thân nhân của mình nếu có ở bên này, đều được thông báo trước ngày giờ và chuyến bay.Đến phi trường, gia đình nào đi diện HO là biết liền, vì mỗi người đều mang trên tay một túi xách màu trắng có chữ IOM, Một đại diện hội bảo trợ dẫn gia đình mình vào văn phờng làm thủ tục. Mọi việc đều tiến hành rất nhanh. Lần đầu tiên tiếp xúc với người Mỹ, mình thấy họ thật dễ thương, ai cũng tỏ vẻ niềm nở và tươi cười chào hỏi. Sau đó nếu ai có thân nhân ra đón thì về với thân nhân.Ai không có thân nhân, đã có hội bảo trợ chuyên chở về nơi tạm trú.
Đoạn đường từ phi trường về nơi mình cư ngụ, xe chạy mất khoảng bốn mươi lăm phút. Ra khỏi phi trường, xe rẽ vào xa lộ, con đường rộng thênh thang.Trên mặt đường có kẻ những lằn sơn trắng thẳng tắp, mình đếm thấy mỗi bên những sáu lằn xe chạy, xe cộ thì nhiều không thể nào đếm xuể, nhưng họ chạy có trật tự lắm, chả bù cho bên mình, mạnh ai nấy chạy. Xe cộ nối đuôi nhau lao đi vun vút, mình liếc nhìn kim đồng hồ, chiếc xe đang chạy với vận tốc trên một trăm ki lô mét giờ.Hai bên đường nhiều hãng xưởng với những cột khói bốc cao, tuyệt nhiên không thấy bóng dáng một chiếc xe đạp hay xe gắn máy. Qua một đoạn khá dài trên xa lộ, người tài xế cho xe rẽ vào một đường nhỏ, nói là nhỏ nhưng nó cũng không thua gì những đại lộ lớn ở Sàigòn. Hai bên đường, nhà cửa san sát, nhưng nhìn thấy nhà nào cũng có vẻ rập khuôn như nhau, đặc biệt trước cửa nhà họ đều có trồng cỏ xanh mướt và cắt xén gọn gàng. Bên mình chỉ những gia đình khá giả mới có vài chậu hoa hồng.Bên này, hầu như nhà nào cũng có, những bông hồng thật to và màu sắc rực rỡ. Đặc biệt nhiều nhà có trồng những cây thông cao chót vót, nhìn như những ngọn tháp giáo đường. Loại thông này mình chưa thấy bên nhà.


Sau một đêm nghỉ ngơi, sáng hôm sau, người nhà chở gia đình mình tới Hội bảo trợ I.R.C. Tại đây có nhân viên Việt Nam làm việc, họ rất vui vẻ và niềm nở tiếp đón rồi cấp phát cho giường, mền, dụng cụ nấu nướng và cả một tấm chek mấy trăm đô nữa, sau đó cả gia đình lại đến Cơ quan Xã Hội để làm thủ tục xin tiền trợ cấp và phiếu khám bệnh, mua thuốc miễn phí, rồi đến Y viện để khám ngừa lao. và đến Nha Lộ Vận để chụp hình làm thẻ căn cước. Qua một số các cơ quan công quyền của Chính phủ Mỹ, mình phải công nhận một điều là nếp sống ở đây văn minh thật, cơ quan nào phòng ốc cũng vô cùng sạch sẽ và ngăn nắp, mọi người chăm chú làm việc, không có cảnh các cô ngồi dũa móng tay, móng chân như bên mình đâu, nhưng đang bận bịu với công việc như vậy mà có người đến là họ niềm nở đón tiếp ngay, không bao giờ tỏ thái độ cau có, bực bội.
Sau khi đã làm xong một số việc cần thiết, sáng nay người thân của mình dẫn đi xem một vài khu thương mại của cả người Mỹ lẫn người Việt. Bên này không có cảnh họp chợ như bên mình, nhưng tất cả hàng hóa, thực phẩm đều được bày bán trong những tòa nhà thật lớn gọi là Siêu thị. Những Siêu thị do người Việt hay Tàu làm chủ thì hầu như không thiếu món ăn nào của Việt Nam, từ bó rau đay, rău muống đến cà pháo, mắm tôm, nên bạn đừng lo sang bên này không được ăn những món ăn Việt Nam, chỉ có một món duy nhất mà nghe người nhà qua trước nói là tuyệt đối cấm, đó là món "Nai Đồng Quê" mà chúng mình thường thấy ở khu chợ Oâng Tạ hay Xóm Mới, Gò Vấp. Rời siêu thị Việt Nam, mình được chở đi xem khu Thương mại Mỹ, ở đây gọi là cái Mall. Vô đây mình càng thấy rõ cái văn minh, tân tiến của xứ người ta. Từ lối kiến trúc đến sự trang trí, bày biện các gian hàng, từ lối đi đến những cầu thang máy, cái gì cũng đẹp, cũng sang, không có ai từ trẻ nhỏ đến người lớn xả rác ra đường, cứ một quãng ngắn họ lại để sẵn một thùng rác có nắp đậy cẩn thận, mình để ý không thấy con ruồi hay con muỗi nào cả. Cả một khu thương mại rộng lớn lắm mà chỗ nào cũng có máy điều hòa mát rợi, mình nghĩ bụng, gía như bên mình có lẽ mọi người sẽ đổ xô vào đây để tránh những cơn nóng gay gắt của mùa hè, gian hàng nào cũng bắt điện sáng trưng, dù giữa ban ngày sáng sủa họ cũng không tắt, thật là phí phạm, chả bù cho bên mình tý nào!
Sau một ngày đi xem các phố phường, chợ búa Mỹ, mấy người đồng hương qua trước đến thăm và cho biết, mình phải tập lái xe rồi thi lấy cái bằng mới có thể đi học, đi làm hay đi chợ búa được, Nhìn những giòng xe cộ ngược xuôi như mắc cửi, rồi chốc chốc lại nghe tiếng còi hú của xe cứu thương, cứu hỏa, mình cũng rét lắm, không biết có dám liều mạng đi học lái không, nhưng để ý ngoài đường, lâu lắm mới thấy người đi bộ nên chắc dù muốn dù không cũng phải ráng thôi. Thấy mình có vẻ nhát gan, một người bạn của ba qua trước bảo: "Cháu đừng lo, ở đây có nhát mấy cũng phải học lái xe, không lái được xe thì chẳng khác gì người cụt chân, nên trước sau gì cháu cũng phải học lái để còn chở ba má và các em đi đây đi đó chứ, vả lại giám khảo Mỹ họ dám ngồi bên cạnh cho cháu lái thì chắc họ còn rét hơn cháu nhiều", nhưng thôi chuyện lái xe, sau này bắt tay vào học, mình sẽ viết thư kể cho bạn sau.
Bây giờ đang là mùa tựu trường, mình nhờ người thân dẫn mấy đứa em đi khai học, Ngôi trường cũng không xa nhà lắm và có cả một sân cỏ to như sân đá banh Thống Nhất bên mình vậy. Đến nơi học sinh đã kéo đến khá đông, nhiều đứa đang chơi trên những chiếc xích đu, đứa khác đang cố ném những qủa banh vào rổ, Những mái tóc vàng hoe chen lẫn những cái đầu đen cùng nô đùa chạy nhảy tung tăng, chẳng có dấu hiệu gì kỳ thị cả. Sau khi trình giấy tờ cho một cô giáo Mỹ còn rất trẻ, cô ta vui vẻ nhận ngay và cho mỗi đứa em một con số phòng học, để chờ chuông reo sẽ vào lớp. Còn ba má và mấy chị em mình lớn tuổi thì phải đến ghi tên ở trường do Chính phủ chỉ định để học Anh văn.
Gia đình mình có cái may mắn được cư ngụ ở thành phố có đông đồng hương Việt Nam mình nhất, nên nghe nói nhà thờ cũng như chùa chiền rất nhiều, có cả Thánh thất Cao Đài và đạo Hòa Hảo cũng như các tôn gíao khác, nên bạn đừng băn khoăn sợ không có nơi cho bạn đi thờ phượng. Ngoài ra nghe nói còn có cả báo chí viết bằng tiếng Việt nữa. Đồng hương mình qua đây trước, đa số rất tốt., biết mình mới qua, nhiều người không quen biết cũng mang đồ đạc đến cho, rồi họ còn hướng dẫn, chỉ vẽ cho mình nhiều thứ trong lúc chân ướt chân ráo đến xứ lạ quê người này. Bạn còn nhớ trước đây vài năm, hai đứa mình cùng đọc trong cuốn báo Thế giới Tự Do, trong tạp chí đóï có một bài phóng sự về chuyến đi thăm Disneyland của bà Ngô Đình Nhu, lúc đó báo họ gọi Disneyland là khu "Vườn Mộng Aûo. Cả hai đứa mình đều trầm trồ và ao ước, nay thì theo một bạn đồng hương cho biết, từ chỗ ở của mình đến đó chỉ không đầy hai mươi phút lái xe, còn chỗ Mỹ đóng phim nổi tiếng là Hollywơod thì cũng chỉ cách nhà mình chưa đầy một giờ xe chạy. Như vậy trước sau gì mình cũng có cơ hội đặt chân đến những nơi nổi tiếng mà hàng triệu người trên thế giới đang mong muốn được đặt chân tới. Sau này chắc mình sẽ kể cho bạn những chuyến du ngoạn đầy lý thú ấy.
*
Hằng mến,
Trên đây mình đã cho bạn biết qua về con người Mỹ và cuộc sống bên Mỹ, còn đất nước Mỹ thì thật ra nó bao la lắm, mình mới có mặt ở một chấm nhỏ trong cái tiểu bang California rộng lớn này thôi, mà nước Mỹ thì còn những bốn mươi chín cái tiểu bang khác nữa, nên những gì mình viết trên đây liên quan đến chuyến đi, nhà cửa, xe cộ, trợ cấp việc làm, chợ búa, học hành, tôn giáo và các nơi giải trí v.v. Tất cả mới chỉ là một phần nhỏ trong cái sinh hoạt lớn lao của đất nước đa chủng, đa dạng và văn minh nhất trên trái đất này, và mình nghĩ với một vài nét tiêu biểu như trên, mình đã có thể làm cho bạn an lòng và xóa tan nỗi băn khoăn trước khi lên đường sang Mỹ.
Chúc bạn gặp may mắn và sớm hội ngộ với mình trên đất Mỹ.

Thân mến,
Thùy Dương

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,638,861
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014 và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả hiện là trưởng ban Tuyển Chọn Chung Kết giải Việt Báo từ năm 2017. Tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, bà nhận giải chung kết VVNM 2001, với bài “32 Năm Người Mỹ Và Tôi” và vẫn tiếp tục viết. Bà hiện làm việc bán thời gian cho National-Interstate Council of State Board of Cosmetology (NIC) và là cư dân Westminster. Bài mới nhất, tác giả viết cho mùa Vu Lan.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Sau đây là bài mới của ông.
Với bài “Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine”, tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay.
Tác giả tên thật là Trương Nguyên Thuận, tuổi 60', cựu sĩ quan không quân VNCH, di tản sang Mỹ từ 1975, kỹ sư điện toán, từng làm việc với Hewlett Packard/ Houston... rồi mở lò dạy võ tại Houston. Ông đã góp nhiều bài viết đặc biệt và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2004. Sau nhiều năm ngưng viết, ông vừa trở lại với sức viết mạnh mẽ. Bài mới là chuyện mừng đón cháu ngoại sinh đúng ngày bão lụt ở Houaton, Texas.
Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Tới Mỹ theo diện Hát Ô Một từ 1990. Suốt 27 năm qua, ông là nhà hoạt động văn hóa cộng đồng, là thầy dạy võ, và không ngừng viết văn viết báo tiếng Việt, tiếng Anh. Với sức viết mạnh mẽ, vừa có thêm tới 7 cuốn sách mới đang ra mắt khắp nơi. Góp sức với Viết Về Nước Mỹ, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ những năm đầu, và vẫn tiếp tục góp bài mới. Sau đây, là bài mới viết cho mùa lễ Vu Lan.
Tác giả định cư tại Pháp, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Bài mới của tác giả cho mùa Vu Lan 2017 giống như bông hồng đỏ dành cho một bà mẹ vẫn tiếp tục sống vui sau cuộc bể dâu thời hậu chiến bi thảm.
Tác giả quê quán ở Bến Tre, đi du học Mỹ năm 1973 và ở luôn cho tới ngày nay. TG gia nhập chương trình VVNM do Việt Báo tổ chức từ năm 2015. Năm đầu tiên, nhận được giải danh dự (2016) và năm thứ hai được giải “Á khôi” Vinh Danh Tác Giả (2017). Hiện ông đã về hưu và đang định cư ở Orange County.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bài được chuyển đến bằng điện thư. Mong Lanh Nguyễn tiếp tục viết và vui lòng bổ túc phần sơ lược tiểu sử và địa chỉ liên lạc.
Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2014. Cô sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo. Cô đến Mỹ tháng 4 năm 2000, hiện là cư dân Waxahachie, Texas, trong một thành phố ít người Việt cư trú. Sau đây là bài viết mới của tác giả.
Nhạc sĩ Cung Tiến