Hôm nay,  

Giấc Mơ Nước Mỹ

20/11/200200:00:00(Xem: 171600)
Người viết: Đoan Trang

Bài tham dự số 45\VBST

Tác giả không gửi ảnh. Nhưng cho biết "Lý lịch trích ngang" là cô sinh năm 1961, nghề nghiệp: giáo viên thuộc Los Angeles County. Hiện cư trú tại Westminster.

Giấc mộng mười năm đã tỉnh rồi,
Tỉnh rồi lại muốn mộng mà chơi!
(Nguyễn Khắc Hiếu)

Buổi tối, từ trường trở về, tôi lái xe trên xa lộ. Xa lộ đêm không nhiều xe lắm, nên cứ ung dung mà lái. Đêm ở đây lạnh, những ánh đèn xe từ hai chiều xe chạy vàng lóa và tỏa chút hơi ấm vay mượn. Tôi chạy ngang qua tấm biển quảng cáo xổ số của tiểu bang. Số tiền lớn và được tô đậm ngạo nghễ cho tất cả mọi xe qua lại chiêm ngưỡng. Tôi chạy qua, cũng ngắm nhìn tấm biển ấy, và lại thấy trong mình thức dậy một ước mơ ...

Giấc mơ ấy khởi đầu từ một bệnh viện ở Việt Nam, cái bệnh viện nghèo nàn, nhỏ bé, và xuống cấp trầm trọng, mang tên "Trung Tâm Ung Bướu." Bệnh Viện ấy nằm kế bên Bệnh Viện Nguyễn Văn Học bề thế và khang trang. Nếu như mẹ tôi không mắc phải chứng bệnh nan y ấy, tôi cứ cho rằng nó là một kho chứa đồ cũ của Bệnh Viện Nguyễn Văn Học.
Nếu tôi không ra vào nơi ấy thường xuyên suốt một thời gian dài, tôi cũng không hề biết cái bệnh viện quá nghèo nàn và lạc hậu ấy là nơi có chức năng duy nhất chạy chữa tất cả những chứng ung thư của hơn phân nửa nước Việt Nam. -
Ở đó, những phòng bệnh, những phòng khám và hành lang đều có không khí ảm đạm nặng nề như pháp đình. Lúc ấy tôi chưa biết cụm chữ "dead man walking" của người Mỹ để diễn tả bước chân nặng nề của những người tử tù khi bị hành quyết, nhưng tất cả những người bệnh khi đến bệnh viện ấy cũng bước đi như thế, và bản án tức tưởi của họ là những hồ sơ bệnh trên tay. Bệnh nhân và người thân khi đến đấy cứ có cảm giác mình không thể trở ra được nữa, và tiếng ồn ào xe cộ bên ngoài như đã thuộc về một thế giới khác, thế giới của những người rất may mắn mà không hay biết. - trong khuôn viên bệnh viện này, hoàn toàn không có người bệnh ngồi đây đó trên ghế đá. Họ chen chúc nhau trong những phòng bệnh chật hẹp và hôi hám. Những người bị hoại thư phải nằm cả ra hành lang vì cái mùi trên cơ thể họ không tiện để họ trong phòng. Cái mùi thịt thối rửa trên những thân thể sống cứ làm không khí rờn rờn đe dọa. Chỉ cần một cơn gió nhẹ thoảng qua, cả trại bệnh sẽ ngửi thấy mùi chết chóc ấy, và nỗi đau trong họ tê tái hơn một chút nữa. Những người mắc bệnh hoại thư, có khi còn rất trẻ, mỗi ngày nhìn xuống thân thể mình đang rửa tan dần dần và chờ đợi. Chờ đợi gì thì ai cũng hiểu, nhưng không ai dám nói thành lời. Nhìn vào mắt họ, tôi đọc biết một điều hơn cả niềm tuyệt vọng! Những phương tiện chạy chửa ở đấy thì thật là thảm hại. Máy móc cứ nay hư mai sửa, kéo theo chút hy vọng còn lại của những người bệnh vì tế bào ung thư không ngồi chờ máy sửa xong mới phát triển. Điều kiện vệ sinh cho người bệnh lẫn người nuôi bệnh ở cái mức không còn có thể tệ hơn. Và cũng giống như điều kiện trong tù, khi không còn có chọn lựa nào khác, người ta quên mất là còn có những tiện nghi!
Một ngày ở đấy dài ghê lắm, dài như thời gian không thể nào kéo dài sự đe dọa của nó lâu hơn thế. - đấy, tôi gặp đủ mọi tầng lớp, đủ mọi lứa tuổi, và đủ mọi ngôn ngữ địa phương. Vậy mà tất cả những bệnh nhân cùng giống nhau đến lạ, họ cùng đến đấy để mơ chung một giấc mơ: được sống!
Những ngày nuôi bệnh ở đấy, tôi học được rất nhiều điều mà tất cả sách vở triết lý không thể diễn tả trọn vẹn những ý nghĩ đó. Tôi nhận ra biên giới giữa sự sống và cái chết mỏng manh hơn khói; tôi biết được khi đối diện cái chết, một kẻ vô thần hay một người sùng đạo đều bỏ rất nhiều thời gian còn lại của mình để đối thoại cùng những đấng Tối Cao Vô Hình. Trong cuộc đối thoại đầy nước mắt ấy, tôi mới học biết sự tuyệt vọng thật sự là như thế nào. Và may mắn thay, tôi cũng chứng kiến nhiều phép lạ. Những phép lạ hiếm hoi kỳ diệu đã tiếp thêm sinh khí cho những người đã chết một nửa ấy. Mỗi ngày, tôi đi qua những giường bệnh u ám, luôn có những đôi mắt mệt mỏi nhìn tôi ao ước, bởi vì tôi còn một sức sống mà họ đang dần mất.
Ngày đã dài, đêm ở đấy lại còn vô tận. Tôi hãi hùng với những đêm đầu tiên, khi vừa chấm dứt giờ thăm bệnh, người y công tử tế lau vội dùm tôi sàn nhà để tôi trải tấm chiếu mỏng ngủ qua đêm . Vừa đặt lưng xuống thì ôi thôi cơ mang là chuột bò ra. Lũ chuột to lớn và nghênh ngang như chỗ không người, chúng hình như đoán biết được ý nghĩ của những bệnh nhân hầu như buông xuôi cả thể xác lẫn tinh thần ấy, họ không buồn đuổi chúng, cũng chẳng khiếp sợ thân thể lông lá của chúng nữa. Họ bận rộn với cái chết và hãi hùng với điều đó hơn cái sinh vật cứ chờ đêm xuống là ra lục lạo những chỗ có đồ ăn tự nhiên như trong hang ổ của chúng . Tôi không dám ngủ, cứ ngồi ngó lũ chuột và liên tục làm những cử động cho chúng biết là tôi còn thức để chúng đừng đến gần tôi. Cũng không dám gây ra tiếng động sợ làm phiền những người bệnh trong phòng, tôi cứ ngồi loay hoay trên tấm chiếu như người mộng du bị trói. Và tôi cùng thầm ước mong tất cả khung cảnh này, không khí này chỉ là một giấc mơ không đợi. Vậy mà, sáng ra mới biết mình không ngủ thì làm sao có thể nằm mộng được. Sự thật trần trụi đến đau lòng ...


Những đêm không ngủ được ở bệnh viện ấy, tôi cứ ngồi nhìn lũ chuột chờ trời sáng và giết thời khắc của đêm dài bằng những ước mơ. Thật ra, rất khó có thể mơ mộng được gì ở một khung cảnh trắng xóa tang tóc ấy và cùng với những người "bạn" không mời mà đến ấy. Đêm đêm, tôi nghe những tiếng khóc rấm rứt của những người không-muốn-chết và tiếng cầu kinh của họ. Và chính sự sợ hãi của tôi trước một mất mát có thể xảy ra, chính nơi chốn mỗi ngày có rất nhiều bi kịch ấy, tôi mơ một giấc mơ đẹp nhất trong tất cả những giấc mơ đời tôi. Tôi mơ một giấc mơ của riêng tôi và tôi không ngần ngại chia xẻ ước mơ đó với lũ chuột. Mỗi đêm, tôi nhìn lũ chuột chạy nhảy nghênh ngang một cách căm tức và đe dọa chúng: "Một ngày nào đó nếu ta có thật nhiều tiền, nhiều thật nhiều, ta sẽ trở lại đây trùng tu lại bệnh viện khổ này, mua nhiều máy móc thiết bị tối tân để điều trị cho bệnh nhân, cải thiện hệ thống vệ sinh ở đây và lũ chúng bây sẽ không còn cơ hội lang thang ở đây nữa, sẽ dắt dìu nhau mà tị nan dưới những cống rãnh kia hết. Chờ đấy, một ngày nào đó..."
Sau này, mẹ tôi là người trong số rất ít những người tạm coi như lành bệnh và được xuất viện, phép lạ hiển linh cho cả gia đình tôi. Tôi không trở lại đó nữa nhưng những gì tôi biết ở đấy cứ theo tôi trong suốt cuộc sống, không thể nào quên. Và đặc biệt, cái giấc mơ có thật nhiều tiền để trùng tu lại cái bệnh viện mang nhiều bi kịch nhất trong những bệnh viện tôi biết cũng đi cùng tôi qua cuộc đời dễ vỡ này. Có những giấc mơ theo thời gian phải chết non, nhưng giấc mơ ấy thì cứ sống với tôi như một cộng thể. Nhiều lần đi ngang đó, vẫn thấy nó giống như một nhà kho cũ kỹ. Những người bệnh cứ dắt díu nhau vào đấy và ít có người trở ra. Lũ chuột, tôi biết, vẫn hồn nhiên trú ngụ yên bình ở đấy. Giấc mơ xây lại một bệnh viên tối tân trên cái nền "nhà kho" đó để có thêm những người xuất viện tràn trề hy vọng như mẹ tôi cứ làm tôi nghĩ đến những số tiền thật lớn (không biết làm sao có được!) Một lần, một bác sĩ bệnh viện ấy cho các nhà báo biết ông mong có được một số tiền nhỏ trong số tiền khổng lồ dự trù trùng tu và xây cất những khách sạn của thành phố để có thể mua một máy trị ung thư chữa bao nhiêu người. Lần đó, tôi mới biết ra có người đồng bệnh mơ mộng với mình. Bao nhiêu năm rồi, hình như họ vẫn chưa mua được chiếc máy ấy!
Bao nhiêu năm rồi, lũ chuột khinh khỉnh ở lại, còn tôi phải ra đi. Giấc mơ ấy đi cùng tôi qua tận xứ người.

Bây giờ ở đây, mỗi ngày tôi có những giấc mơ mới. Có những giấc mơ thành sự thật như đùa, và có những giấc mơ phải buông xuôi. Nhiều khi tưởng chừng như cái giấc mơ rất đẹp ấy theo ngày tháng cũng phải chết thôi. Vậy mà cứ thấy những số tiền lớn chễm chệ đâu đó, tôi lại ước ao nó là của mình. Xổ số của tiểu bang một tuần hai lần như một động cơ. Mỗi ngày đi làm chạy qua tấm biển quảng cáo này cứ thấy ước mơ ấy sống dậy. Một phóng viên của tờ Los Angeles Times đã cẩn thận viết bài khuyên mọi người hãy chuẩn bị sẵn những chi tiêu hợp lý và có ý nghĩa nếu như may mắn trúng số hay vì bất cứ lý do nào đó có được một số tiền lớn bất ngờ trong tay. Ông tin chắc ai cũng có một "giấc mơ nước Mỹ" trong đầu, và ông mong ước mọi người hãy làm cho ước mơ đó khi thành hiện thực rồi sẽ đẹp hơn.
Mỗi đêm, khi lái xe về nhà, khi đã gác lại những bận rộn về công việc, tôi lại mơ "giấc mơ nước Mỹ" của ông khi đi ngang tấm biển quảng cáo ấỵ Tôi mong số tiền ấy sẽ có trong tay mình, và việc đầu tiên tôi làm là sẽ trở về cái "nhà kho" khổ của tôi để trùng tu nó. Chẳng phải cao thượng gì đâu, nhưng ai một lần đến đấy rồi mới hiểu thêm giá trị của sự sống, và một phần của sự sống là hoàn thành những giấc mơ. Tôi yêu giấc mơ ấy của tôi, và tôi thật sự muốn biến nó thành hiện thực nếu như có được "giấc mơ nước Mỹ" này. Thì ra, tôi lấy một giấc mơ để nuôi một giấc mơ vậy.
Nhiều nhà nghiên cứu và cả những chuyên gia đã được trả tiền để dùng tất cả công thức toán học mà tính toán. Cuối cùng họ đi đến chung một kết luận như sau về trúng số độc đắc ở tiểu bang này. Họ nói rằng, xác xuất một con ốc của một phi cơ đang bay trên trời bị long ra và rơi xuống trúng đầu một người vẫn xảy ra nhiều hơn xác xuất sáu con số người đó mua rơi vào lô độc đắc! Mơ hồ tôi cũng có lần đoán được xác xuất mong manh ấy, nên cứ quên mất việc mua vé số. Bởi vậy, xác xuất thực hiện ước mơ của tôi càng bị nhỏ thêm.
Ngày xưa Lư Sinh bên Tàu tới một cái quán thấy người ta đang chuẩn bị nấu một nồi kê, ông nằm ngủ quên bên gốc cây và mơ được giấc mộng khanh hầu, thấy mình thi đỗ, làm quan vinh hiển, sung sướng, sau bị họa và bị cách chức. Thức dậy, mộng tan rồi mà nồi kê vẫn chưa chín! Người đời sau gọi đó là "giấc mộng kê vàng" để chỉ những phù phiếm trong cuộc sống như là mộng. Mỗi ngày, để mơ giấc mơ của tôi, tôi không cần phải ngủ như Lư Sinh. Tôi thấy một bệnh viện Ung Bướu khang trang, sạch sẽ, và những người bệnh tới đấy mang thật nhiều hy vọng! Tôi thấy giấc mơ ấy trong lúc đang lái xe; nhưng, cứ mỗi lần giảm tốc độ xuống exit là tôi tỉnh mộng! Nhìn lại thì đồng hồ xe chỉ chưa quá ba mươi dặm! Lư Sinh có "giấc mộng kê vàng;" còn tôi thì tôi có " Giấc mơ nước Mỹ" của tôi. Ngẫm ra, tôi với ông ta, và cả ông bác sĩ kia nữa, cùng là những người nằm mộng đáng thương!
Những thế hệ chuột ở bệnh viện ấy vẫn nẩy nở sanh sôi vô tư và mạnh khỏe. Chúng chẳng coi lời đe dọa xưa của tôi có một trọng lượng nào. Xá gì lời hăm dọa của một kẻ mơ mộng, và hơn nữa một kẻ mơ mộng ở tận đất Mỹ, nơi mà xác xuất thành hiện thực của những giấc mơ hầu như không đáng kể!
Lâu dần, tôi thấy hình như xác xuất mong manh mình được làm quan vinh hiển có thể xảy ra nhiều hơn cái xác xuất xây lại bệnh viện đó!
Vậy mà, mỗi ngày đi về, tôi cứ thấy cái "nhà kho" của tôi nằm đâu đó trên tấm biển quảng cáo xổ số của tiểu bang, không hề có chuột!

DT

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,784,353
Chương trình Việt Báo Viết Về Nước Mỹ khởi sự từ Tháng Năm năm 2000. Ngay trong những ngày đầu tiên, có bài “Gia Đình Tôi Tới Mỹ” của Nguyễn Thị Phi Phượng. Tác giả ngày ấy vừa định cư Mỹ 4 tháng.
Sau Lễ Mẹ, ngày Thứ Hai 29 sắp tới sẽ là Lễ Chiến Sĩ Trận Vong. Mời đọc thêm một bài viết mới của Phan. Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.
Tác giả bắt đầu tham dự VVNM năm 2015 và được giải danh dự. Bài viết mới nầy là một bút ký viết về đời sống các sinh viên Việt Nam du học ở Mỹ trong lúc Miền Nam bị sụp đổ năm 1975.
Tác giả đã nhận Giải Vinh Danh Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ, 2003 với bài viết “Cái Chăn Mỹ và Con Gái Họ Đinh”, thể hiện nhiều thao thức của người phụ nữ Việt sống qua thời di cư, chiến tranh, di tản, làm vợ, làm mẹ trên đất Mỹ.
Tác giả sinh ra và lớn lên tại thành phố Hội An, Tỉnh Quảng Nam; Cựu nữ sinh Trung Học Trần Quý Cáp, Hội An, niên khóa 1964-1972. Chồng là một quân nhân trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa,
Tác giả là một cựu sĩ quan Thuỷ Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, đã nhận giải tác phẩm xuất sắc Viết Về Nước Mỹ 2006 với truyện kể về hai chàng sĩ quan Mỹ gốc Việt thuyền nhân:
Nước Mỹ đang là mùa ra trường, và ngày 18 tháng Sáu 2017 sẽ là Father's Day in 2017 is on Sunday. the 18th of June (18/6/2017). Xin mời đọc bài Viết về nước Mỹ đầu tiên của Tín Thất Tôn.
Tác giả 44 tuổi, cùng gia đình đoàn tụ tại Mỹ từ 1991, 25 năm trước, khi mới 18 tuổi. Hiện là cư dân Huntington Beach; Nghề nghiệp: Kỹ sư phần mềm cho Northrop Grumman Corpo-ration;
Tác giả tên thật Đặng Thống Nhất, giáo sư hồi hưu. Ông bà hiện là cư dân Brooklyn Park, Minnesota. Ông đã từng dạy ESL và Song Ngữ tại Hệ Thống Giáo Dục Công Lập Minneapolis và Ngôn Ngữ Việt Nam tại Đại Học Minnesota.
Tác giả sinh quán tại Hội An, Quảng Nam, tốt nghiệp Đốc Sự Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, Cựu tù chinh trị, hiện định cư tại Virginia. Ông góp bài Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua và đã ấn hành 4 tập truyện ngắn.
Nhạc sĩ Cung Tiến