Hôm nay,  

Thư Gởi Mẹ

05/01/200100:00:00(Xem: 158490)
Tháng 3, 1992
Kính thưa Má,

Hôm đó chúng con tới Sài gòn rất khuya, và ở lại một tuần để lo thủ tục giấy tờ. Sang trại Thái Lan ở thêm năm ngày, sau hai ngày trên máy bay, chúng con đã đến Mỹ bình an.
Suốt chặng đường dài, vô cùng lo lắng, không biết đến nơi xa lạ, đêm đầu tiên, gia đình con sẽ ngủ tại đâu" Lấy gì mà ăn" Làm sao biết tiếng để có thể hỏi mua thức ăn được cho các con" Vốn tính lo xa và cẩn thận, ngoài hộp thịt chà bông, lon muối mè mang sẵn từ bên nhà, con cố nhét thật đầy vào xách tay của con những hộp bơ, hộp mứt nhỏ, và những miếng bánh khô... trong những phần ăn được tiếp đãi trên máy bay. Nhưng thật không ngờ!

Bảo trợ gia đình con là một cặp vợ chồng Mỹ, đã lớn tuổi, rất nhân đạo và nhiệt tình. Thêm vào đó, có bạn của con, vợ chồng anh chị Nhân, má còn nhớ không. Các anh chị trong hội người Việt cũng đến thăm hỏi và tặng quà. Hội thiện nguyện USCC cũng gọi đến để giúp đỡ. Thế nên, chúng con được tiếp đón rất ân cần, trong không khí thật đầm ấm.
Gia đình con hiện ở trong một căn nhà có ba phòng, một phòng dành cho vợ chồng con, một phòng cho hai cháu Hương và Hoa, phòng còn lại cho hai cháu trai Tân và Tin. Phòng nào cũng đầy đủ tiện nghi, giường nệm, mền, drap khá đẹp. Cách làm việc ở đây hay như vậy đó má. Trước khi mình đến, họ đã tìm hiểu biết rõ từng người trong gia đình mình.
Họ lo quá sức chu đáo má ạ. Trên tường treo tranh ảnh rất dễ thương. Bàn thờ Chúa với hoa, đèn nến, chính giữa là tượng Đức Mẹ Fatima mà con vẫn ước ao. Có nhà bếp riêng, một tủ lạnh đầy ắp thức ăn và đủ loại nước uống. Hai nhà tắm sạch sẽ, đầy đủ xà bông tắm gội. Lại thêm tầng dưới đất (basement) để máy giặt, và máy sấy áo quần. Từ nay, chúng con sẽ không phải xách nước giếng giặt tay như ở nhà mình. Giặt xong không cần đem phơi nắng, cũng không phải ủi than má ạ.
Đêm đầu tiên, được dẫn đi xem các phòng, con chỉ biết khóc, vì Chúa đã ban cho con ngoài sức tuởng tượng và mơ ước của chúng con. Không bù lại căn phòng bé nhỏ của gia đình con, (trong căn nhà đông đảo anh chị em,) bao thứ đồ đạc đều dồn vào đó. Đó chính là phòng ăn, cũng là chỗ ngủ, đó là nơi con dạy học thêm buổi chiều, đồng thời cũng là nơi sinh hoạt của gia đình và là phòng học cho cháu vào ban tối.
Chúng con được ở đây trong một thời gian mà không phải trả tiền nhà đó má.
Mấy ngày tại trại Thái, ngày nào cũng ăn cơm với trứng vịt luộc. Trên máy bay, vì là lần đầu tiên, đường bay lại quá dài, thức ăn thứ nào cũng có "mùi Mỹ", các cháu ăn không được, cháu nào cũng mệt đừ. Sau một tuần lễ, được thưởng thức món cháo vịt, thơm phức mùi vị Việt nam, chúng con ai ăn cũng thấy ngon quá.
Ngày hôm sau, bà bảo trợ chở đi chợ, mua cho chúng con bao nhiêu là áo quần giày dép. Má có thể tưởng tượng, một người mua đến một tá vớ, hai đôi giày, ngoài ra còn áo lạnh, và bốn năm chiếc áo sơ mi. Cửa hàng ở đây lớn hơn hội chợ tại tỉnh mình đó má, con đi mà cứ sợ bị lạc. Bán đầy đủ cảc món hàng, từ thức ăn, nước uống đến áo quần, thuốc men; TV quạt máy đủ loại. Xe khách hàng đậu nhiều đến nỗi con tưởng lầm nơi đây cũng là đại lý bán xe hơi. Đường phố thì sạch sẽ và rộng thênh thang, xe cộ chạy rất có trật tự má ạ.
Bắt đầu tuần tới, các cháu được vào học trường công, có xe buýt đón đưa, không phải trả tiền. Các cháu được xếp lớp theo trình độ học của cháu, chứ không dựa vào điều gì khác cả. Vợ chồng con cũng đi học thêm tiếng Anh, ở đây, già hơn chúng con cũng đi học má ạ. Rành tiếng Mỹ, sau này dễ xin việc làm. Sự học hành ở đây được lưu tâm lắm, nhất là, người di dân như chúng con sẽ nhận được rất nhiều sự nâng đỡ.
Như vậy thì má vui rồi, phải không má" Nhớ lúc xe đò sắp chạy, để đưa chúng con vào Sàigòn, má khóc ngất đi, má xỉu xuống, chị Ba con phải dìu má, lòng con đau như dao cắt, con vụt nhảy xuống xe, nhưng. . . mọi người níu con lại. Mà không được đâu, phải không má" Má nói rồi, cũng như khi còn sống ba từng nói, bằng bất cứ giá nào cũng ráng chạy tiền lo giấy tờ cho vợ chồng con ra đi, để cho tương lai các cháu. Con cũng từng cầu xin, chỉ cần vợ chồng con được đặt chân vào đất Mỹ, rồi chết cũng cam lòng, miễn sao đưa được các cháu đến một nơi thực sự có tự do.
Vậy Má cố vui, ráng ăn uống đầy đủ, để có ngày mẹ con, bà cháu được trùng phùng, nhen má.
Kính thương má,
Con của má

Tháng 5, 1992
Má ơi
Ở Mỹ, con thấy cũng hay lắm đó má. Không như lúc còn ở nhà, mẹ con mình vẫn nghĩ rằng, nước Mỹ văn minh quá, người ta sẽ không còn giữ lễ nghi phép tắc!
Ở đây, hàng năm, ngoài những ngày lễ như: Tết Dương lich, Giáng Sinh, Lao động, còn có ngày lễ của Mẹ, ngày của Cha, ngày của Tình yêu (Valentine), lễ Tạ ơn v.v... Hôm nay, là ngày lễ của Mẹ. Chuẩn bị cho lễ này, các tiệm bán thiệp chúc mừng Mẹ, hoặc chúc mừng Bà, hoặc cha mẹ chúc mừng con gái mình nếu con gái đã lên chức Mẹ. Nhiều thứ đồ dùng, hoặc hoa, đuợc bày la liệt để người ta mua làm quà tặng Mẹ. Tại Mỹ, vào chính dịp lễ thì đồ dùng bán giá hạ hơn thường ngày, chứ không như tại nước mình, lúc ấy, hàng khan hiếm và giá cả tăng gấp bao nhiêu lần. Nhắc đến đây, con không quên ngày lễ Nhà giáo. Học sinh túa ra mua hoa, thế là hôm đó, chỉ một cây hoa dại "hoàng anh" mà ngày thường không ai để ý, cũng lên giá hơn một cành hoa quý.
Trong dịp lễ Mẹ, nhiều bà mẹ được chúc mừng tại trên giường ngay khi bà vừa thức dậy. Có nhiều gia đình, người mẹ khỏi phải nấu bếp ngày đó, gia đình đi ăn tiệm, phần ăn của người mẹ khỏi phải trả tiền, nhà hàng tặng đặc biệt cho người Mẹ đó má.
Nhìn người ta đi mua quà biếu mẹ, mà lòng con buồn không tả. Má của con, suốt cả cuộc đời đã hy sinh, cùng ba con nuôi dạy chúng con khôn lớn, ăn học đến nơi chốn, có nghề nghiệp vững vàng. Rồi đất nước đổi thay, cuộc sống chúng ta cũng thay đổi. Lương công chức không đủ nuôi gia đình, má lại phải tiếp tục tần tảo phụ cho con gái nuôi chồng trong trại tù cải tạo, và nuôi các cháu dại. Suốt đời, Má đã chỉ sống cho chúng con.
Ngày Ba con mất đi vì quá buồn phiền, không đủ sức chịu đựng bao bất công, má khóc thương chồng, nhưng cố gượng sống vì con cháu. Làm sao con có thể quên đưọc sự hy sinh cao cả của má. Hàng ngày, Má dậy thật sớm, luộc từng thúng khoai, thùng bắp, vội vã lên chợ bán kiếm lời. Khi Trời sẫm tối má mới về đến nhà. Luôn luôn với những bửa ăn thật thanh đạm, chỉ một bó rau luộc chấm mắm, không thịt thà, nhưng má đã dám mua những món ăn đắc tiền, trái bơ, sầu riêng, lạp xưởng, nem nướng cho chồng của con, cho các cháu. Lúc nào má cũng lo chồng con đói, sợ các cháu thèm!
Má ơi, con vẫn tiếc, con không là văn sĩ để có thể ca ngợi sự hy sinh vô bờ bến của má. Con chỉ có thể lên nói rằng: má của con là một trong những người mẹ tuyệt vời nhất trên cõi đời này!
Hôm nay nhân ngày lễ của Mẹ, con muốn gởi thư này, để được nói lên lòng con gái yêu kính má đến chừng nào.

Tháng 10, 1995
Má của con,
Như vậy là hết rồi! Cả cuộc đời má hy sinh cho chúng con!


Hơn năm mươi năm từ ngày sinh anh Hai con, ngày qua ngày má chịu biết bao nhiêu khổ cực. Những ngày loạn lạc trong năm 1945, ba má phải gồng gánh bồng bế chúng con chạy bộ trong rừng từ Đà Lạt về đến Nha Trang. Đến năm Mậu Thân, Ba Má khóc anh Hai con tử trận. Năm 1974, má lại đau buồn vì tin mất tích của anh Tư. Sau 1975, Ba má lại thương cho con rễ trong tù. Bao năm tháng chồng con bị lao tù là bấy nhiêu ngày má cùng chịu cực với con, để con có thể vừa nuôi chồng, vừa nuôi bốn con dại.
Sau sáu năm, bao nhiêu gian khổ và thiếu thốn trong tù, thể tích chỗ ngủ chỉ lớn hơn chiếc áo quan, chồng con được thả về mang thêm căn bệnh suyển, má lại thêm tất bật. Má phải nuôi dùm bớt hai cháu, để con có đủ thì giờ vừa chăm sóc chồng trong bệnh viện, vừa đi dạy học nuôi gia đình. Năm 1985, má phải đau đớn biết bao khi linh cửu ba con phải đưa chôn thật xa tận chân núi, vì chủ trương dân cần đất để trồng trọt. Chúng ta dự lễ nhà thờ, đi cũng như về, luôn luôn trong thinh lặng, không thể tụ năm, ba người nói chuyện riêng, vì có thể bị chụp mũ.
Mỗi đêm, chúng con sống trong phập phòng, hồi hộp khi nghe tiếng chân người đi, tiếng chó sũa, vì có thể bị tù lần nữa mà không cần có lý do. Sau bốn năm được thả, muốn về đưa xác Cha vợ cũng phải chờ được cấp giấy phép "rời tỉnh". Con đi dạy không được hưởng những trợ cấp tối thiểu về lương thực, vì chồng thuộc chế độ cũ. Các cháu thi vào Đại học đơn được xét đến sau cùng vì lý lịch của Cha. . .
Tất cả đã là động lực thúc đẩy vợ chồng con lo thủ tục giấy tờ ra đi theo diện HO. Ưu phiền chồng chất, đau buồn đè nặng nhưng má đành lòng xa chúng con. Lời má nói với chú Ba con vẫn còn nhớ rõ, "nếu cháu tôi được ăn học đến nơi chốn, con tôi đi dạy được trả lương đúng mức, và chồng nó được tự do sống như ngày trước thì không bao giờ tôi để cho con cháu tôi ra đi."
Tất cả đã làm cho lòng má héo mòn, ngày ngày nhớ thương cháu con, chắc chắn đó là nguyên nhân sự suy nhược thần kinh của má hôm nay. . .
Má ơi, làm sao con có thể về thăm má đây!
Các cháu hiện vẫn còn đang đi học. Chúng con sang đây, mọi người đều được có giấy khám chữa bệnh miễn phí (medicare), nhưng sức khỏe con đã quá yếu sau bao ngày tháng gắng sức nuôi chồng con; sức khỏe của chồng con cũng chưa dồi dào, nên cũng chỉ làm được việc nhẹ thôi, phần lo trả nợ vé máy bay, trả nợ đã vay bên nhà để lo giấy tờ ra đi...
Lòng con quay quắt nhớ thương. Tâm tư con rầu lo cho bệnh tình của má. Má đã cho chúng con quá nhiều, giờ đây, má ngã xuống chỉ vì thương nhớ chúng con, thế mà con vẫn không thể cận kề bên má. Còn người con nào bất hiếu như con không"
Má đã mất trí nhớ rồi, ai sẽ nghiền ngẫm đọc thư con, Má ơi!

Tháng 12, 1997
Má kính thương,
Con đã về bên má đây. Nhìn thân xác gầy guộc của má, nét mặt ngây dại của má mà lòng con đau thắt.
Má của con lanh lẹ như thế, mà giờ đây, má như vô hồn, mắt má chỉ nhìn ra xa xăm, phải chăng năm năm qua, hàng ngày má đã từng mỏi mòn trông đợi chúng con trong tư thế này"
Má không nói, chỉ cười, nụ cười như má tự nhủ lòng chấp nhận hy sinh, hay má không còn đủ sức để phiền muộn"
Ngồi bên cạnh Má, tay con vuốt ve mặt má, lấy bàn tay gầy guộc của má ấp vào mặt con, con muốn gợi lại trong ký ức má hình ảnh đứa con thân yêu, nhưng má vẫn như không cảm nhận được gì. Tay Má cứ run run cố lật quyển album, chỉ những tấm hình lúc con còn rất trẻ đi học, nói lắp bắp một cách khó khăn: "Nhớ lắm, nhớ lắm". . . Ai chứng kiến cũng không ngăn được nước mắt! Má ơi, còn nỗi đau đớn nào bằng!!!
Một tháng về quê, 30 ngày bên mẹ, con những ước mong mang lại trí nhớ cho má. Chồng của con và các cháu, bằng mọi giá lo cho con được về bên má, với hy vọng, sự hiện diện của con sẽ chữa được bệnh má. Nhưng không, cuối cùng, con đành gạt nước mắt ra đi, về với chồng con, đành xa mẹ già đang cuồng trí vì nhớ thương. Giờ phút trùng phùng sao quá chua xót đắng cay"!
Thư này con viết, nhưng mãi mãi má không đọc được nữa rồi.

Tháng 2, 1999.
Má của con,
Con ra đi mang theo hình ảnh héo gầy hư hao của má. Con sống nơi đây mà tâm tư chia xẻ làm hai, bên là chồng con nơi xứ ngưòi, nơi quê nhà má nằm liệt trên giường bệnh.
Chị Ba con đã bắt điện thoại, để chị em có thể biết tin thường xuyên hơn. Từ lúc xa má, con vẫn ước ao được trò chuyện cùng má, thì oái ăm thay, giờ đây, má không còn có thể nói thành tiếng, trí nhớ đã thực sự mất rồi.
Rồi việc phải đến đã đến với con. Mặc dù, con biết rằng, má ra đi thì nhẹ nhàng cho thân xác của má hơn. Nhưng, sau cú điện thoại này, kể từ 2 giờ khuya hôm nay, con biết rằng, chúng con đã thực sự mất má rồi! Không nỗi đau nào bằng nỗi đau của đứa con, không được nhìn mặt mẹ mình một lần cuối, không được đội vành khăn tang đưa tiễn mẹ lần sau cùng, không được quỳ thắp nhang trước ngôi mộ mẹ. . .
Nhưng con biết rằng, má luôn hiểu và thương chúng con. Chắc chắn trong giây phút cuối cuộc đời, nơi tận cùng của tiềm thức, má đã an tâm khi con cháu đang được hưởng tự do thực sự, không còn chịu nhiều sự bất công, chèn ép. Con thành tâm cầu nguyện cho linh hồn Má kính yêu.
Con bất hiếu của má

Tháng 5, 2000
Vài dòng nhật ký,
Hình ảnh má luôn ở mãi trong con. Con nhủ lòng cố noi gương hy sinh của mẹ hiền.
Trong suốt cuộc sống quá nhiều khổ cực, má từng nhịn miếng ăn, nhường chỗ ngủ lành lặn khô ráo cho con cháu. Khi xã hội đầy dẫy đau thương, đất nước trải bao thăng trầm, cũng như bao nhiêu người mẹ Việt nam khác, má gánh bao nỗi khổ tâm, ngày đêm lo lắng cho chồng, cho con cháu. Rồi cuối cùng, má đành hy sinh, thương nhớ mõi mòn cho đến khi tắt lịm dần.
Chúng con đã can đảm đưa các cháu đến nơi này. Nhiều khi, lòng buồn vời vợi vì nhớ thương. Cái gì đã đánh mất đi, mình mới càng thấy quý. Chỉ những tiếng gọi rất đơn sơ, "quê hương","Việt Nam", "Sài Gòn", "Nha Trang", "Đà lạt",... cũng đã gợi trong chúng con bao hình ảnh thân thương trìu mến.
Rau luộc, cá cơm kho, cà pháo mắm tôm, lúc còn ở nhà vì thiếu thốn, nên ăn ngày qua ngày, nay chỉ nhắc đến đã làm chúng con thèm thuồng hơn cao lương mỹ vị. Nhưng chúng con cần hy sinh tất cả, cần gắng sức lo cho các cháu. Nước luôn từ trên nguồn chảy xuống!
Hiện nay, nơi xứ người, phần lớn các cháu đã học thành đạt với đời sống tương đối đầy đủ, đó là điều làm chúng con vui mãn nguyện. Vợ chồng con làm việc, tuy lúc đầu có nhiều trở ngại trong ngôn ngữ, nhưng, nhẫn nại, chịu cực, thực sự không khó khăn lắm để có một cuộc sống tương đối.
Tuy nhiên, lòng chúng con vẫn thường hướng về quê nhà. Nơi đó, các cháu ăn mặc chưa lành lặn, thiếu thốn cả những tiện nghi tối thiểu nhất của con người; biết bao anh chị em bạn bè còn triền miên lo âu, bất công còn đè nặng, nhân quyền bị chà đạp.
Hơn thế nữa, chúng con, những bậc cha mẹ ông bà Việt Nam đang sống lưu vong, hầu hết mang nặng nhiều ưu tư cho lớp con cháu sau này. Trước sự khác biệt giữa quan niệm giáo dục, tại quê hương thứ hai, nơi các cháu đang nhanh chóng chuyển mình khôn lớn, từ thể xác đến tư tưởng. Chúng rất nhạy bén học hỏi được những điều tốt, sớm hòa nhập vào xã hội mới, dĩ nhiên, chúng cũng dễ dàng học đòi những chuyện không hay. Chúng con chỉ biết cố gắng hết sức mình, để tìm hiểu, để có thể thông cảm và biết cách hướng dẫn cho các cháu, và con cái các cháu sau này.

ĐỖ HƯƠNG TRANG

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,014,850
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2019 và đã nhận giải Việt Bút Trùng Quang, dành cho bài viết góp phần phát triển văn hóa Việt tại hải ngoại.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012.
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.”
Tác giả là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011, với loạt bài tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến, kết hôn với một chàng hải quân Hoa Kỳ
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.
Nhạc sĩ Cung Tiến