Hôm nay,  

Mùa Hè Mơ Ước

05/01/200100:00:00(Xem: 151812)
Bài tham dự số 124\VB0923

Như hồi còn ở Việt Nam, từ khi định cư tại Mỹ, cách nay 4 năm, Ba cháu vẫn giữ thói quen dành nhiều thời gian nghe đài và đọc báo. Báo bên này thật phong phú, cả thể loại, hình thức lẫn nội dung, duy chỉ có tờ VIỆT BÁO KINH TẾ (bây giờ là VIỆT BÁO) đối với ông, hàng ngày không thể thiếu. Cứ mỗi sáng, trên chiếc xe đạp lọc cọc, Ba cháu đi tới các thùng báo, mưa cũng như nắng, có bữa trưa trợt mới trở về. Ông đọc một hơi, như ngấu nghiến, đôi lúc quên cả ăn uống.

Thú say mê đọc báo của Ba cháu, dần dà lây lan, lôi cuốn cả nhà, và cứ thế, lâu ngày thành nếp. Nếp đó, theo cháu nghĩ, là nếp sống văn hóa cần thiết cho mọi gia đình trong một nước có tiếng là văn minh, đỉnh cao của nền tự do dân chủ vào bậc nhất thế giới: nước Mỹ. Câu chuyện mà cháu kể sau đây, cũng xuất phát từ nguồn thông tin bén nhạy của tờ báo: VIỆT BÁO KINH TẾ.

Chẳng là, số phát hành tờ báo này, ngày 15.01.2000, trên trang nhất, phía trái, có đưa một tin ngắn được đóng khung cẩn thận:

"MỘT HỌC SINH VIỆT NAM MỚI TỚI MỸ ĐƯỢC HỌC BỔNG LỚN"

ROSEMEAD- Hàng năm, nước Mỹ có lệ tuyển chọn các học sinh Trung Học ưu tú nhất của Hoa Kỳ và của trên 30 quốc gia khác để cấp học bổng "NATIONAL STUDENT LEADERSHIP", theo học các Trường Đại Học Stanford, American University hay George Mason University. Trong niên khóa 1999-2000 này, em PHẠM PHÚ HUY, con của Ông Bà Phạm Phú Hay, ở Rosemead đã được chọn. Em sẽ đi Hoa Thịnh Đốn để dự một cuộc Hội Thảo quan trọng với sự tham dự của nhiều giáo sư danh tiếng và nhân vật chính trị quan trọng của Hoa Kỳ. Được biết, em PHẠM PHÚ HUY, đã tới Hoa Kỳ cùng với thân phụ em theo diện HO cuối năm 1996. Em sinh năm 1983, năm nay mới 17 tuổi. Trong niên khóa 1998-1999, em đã được các bằng khen Golden State Examination của Bộ Trưởng Giáo Dục Tiểu Bang California về các môn Hóa Học, Toán Học hạng xuất sắc".

Mở đầu thiên niên kỷ mới, với bản tin trên đã đem lại cho gia đình cháu vô vàn tin yêu và hy vọng. Ngày "lịch sử" 15-01-2000 và tờ VIỆT BÁO KINH TẾ, đối với cháu là cả một sự kiện đầy phấn khởi, sung sướng và tự hào. Tự hào của một học sinh Việt Nam diện HO tỵ nạn. Hình ảnh Ba cháu, còng lưng "đạp xe nước rút" mồ hôi nhễ nhại, đưa tờ báo cho cháu, nói không ra tiếng: "Má nó xem, thằng Huy..."

Sau đó, những hồi chuông điện thoại liên tục reo vang, đầu dây bên kia là bà con, chiến hữu của Ba Má cháu, bạn bè cùng trường, cùng lớp với cháu, gọi tới chung vui, chúc mừng, chúc mừng... Nhưng chưa hết. Cháu còn được các Bác, các Chú trong những Hội Đoàn như Tổng Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị ở San Jose - Bác Đào Văn Bình, Cộng Đồng Việt Nam Nam Cali - Kỹ Sư Trần Ngọc Thăng, Liên Hội Cựu Chiến Sĩ VNCH - Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Ích, Hội Cao Niên Việt Mỹ Los Angeles - Cựu Đại Tá Phạm Văn Thuần, Hội HOPE, đã trao quà tặng, cấp bằng khen và khích lệ tinh thần học tập của cháu. Các Báo: Việt Báo Kinh Tế, Người Việt, Saigon Times - Bác Thái Tú Hạp và cô Ái Cầm, Vẻ Vang Dân Việt - Bác Trọng Minh, Đài Phát Thanh... cũng đã khen ngợi cháu. Vinh quang này thật lớn lao, trước hết, cháu xin dành cho nước Mỹ, đã cưu mang gia đình cháu được tỵ nạn. Sau đó là Ba Má cháu đã hy sinh vì tương lai cháu, các Thầy Cô Giáo tận tụy dạy dỗ cháu. Các Bác Hồ Xuân Thứ, Nguyễn Văn Ảnh, Lê Đình Kịp, Phạm Liên Hoa, đã bảo trợ, giúp đỡ gia đình cháu định cư và tất cả các Bác, các Chú trong những Hội Đoàn, Báo Chí, Đài Pháùt Thanh, các bà con Nội Ngoạïi của cháu - cùng chia xẻ...

Cách nay 4 năm...

Ngày đầu tiên, cháu vào lớp 8 trường Muscatel, cuối năm 1996.

Ngôi trường bên này sao mà rộng rãi thênh thang, khang trang quá! Nó đầy đe dọa đối với cháu. Nhìn quanh tìm bạn Việt Nam, chỉ thấy vài người, khi hỏi ra lại học lớp khác. Một đám nữ sinh mà cách phục sức hở hang, cùng dáng bộ ra vẻ sống lâu năm ở Mỹ. Chúng nhìn cháu, cười cợt và trêu chọc: "Ồ, lính mới, quê một cục!" Mà cháu quê thật. Quê từ đầu tới chân, lúng túng trong bộ đồng phục quần xanh áo trắng mang từ Việt Nam qua. Quê nhất vẫn là tiếng Anh, cách phát âm như người Thượng về Kinh nói chuyện! Các Thầy Cô Giáo cháu toàn là người Mỹ, rất lịch sự và cảm tình, động lòng, ân cần chỉ dạy và tỏ vẻ lo âu cho cháu. Cháu buồn đến nung nấu cả tim gan!

Chừng 3 tháng sau, cháu đã lấy lại sự thăng bằng, bình thản. Ở nhà, cháu thức khuya, dậy sớm, yếu môn nào, cháu chăm môn đó. Đến trường, cháu làm quen với bạn là người Mỹ, Cambodia, Thái Lan, Việt Nam... học hỏi kinh nghiệm, nói chuyện nhiều với họ để luyện giọng. Cháu đã nhận nơi họ những lời khuyên chân thật quý báu, nhưng có lúc cũng bộc lộ tính kiêu căng "cũ hiếp mới" đã khiến vùng dậy trong người cháu "lòng tự ái dân tộc". Điều này là một trong những động cơ thúc đẩy cháu khắc phục, vượt khó từng bước, từng bước tiến lên!

Qua 4 tháng học, cháu đã xấp xỉ bằng các bạn, rồi hơn, hơn thêm, hơn nữa cho tới cuối năm đó, cháu đạt toàn A ở tất cả các môn học với 10 giấy khen từng tháng và từng môn. Các Thầy Cô Giáo nhìn cháu với ánh mắt đầy cổ vũ, và chúng bạn bắt đầu nể nang, không còn chế diễu cháu như xưa. Cháu đi lên theo đà ấy, tới hôm nay, cuối năm lớp 11, cháu được 4.67.

Ngoài sự cố gắng không ngừng của cháu, Ba Má cháu cũng góp phần không nhỏ, động viên giúp đỡ cháu trong học tập. Ba cháu lớn tuổi, tù tội lâu năm, không ngớt lời khuyên răn cháu. Hồi nào cháu học, cũng có Ba Má cháu ngồi bên cạnh đọc báo, xem sách. Khi nỉ non, lúc quyết liệt, Ba cháu như phó thác hết tâm sự của đời ông còn lại: "Con không còn con đường nào khác ngoài việc học. Phải học mới tiến thân. Không thể chấp nhận một cuộc đời ngu dốt nơi bùn lầy nước đọng. Ý chí con người quyết định tất cả. Phải thông suốt. Tư tưởng không thông, xách bình đông không nổi. Thế hệ con còn nhiều việc phải làm cho quê hương sau này".

Nhưng Má cháu thì khác, cháu luôn luôn tìm sự an ủi vỗ về thương yêu trìu mến nơi Bà. Chỉ có bóng mát dưới cây đại thụ ấy cháu mới thấy an toàn cho cuộc sống. Những buổi sáng, trời Cali lạnh cóng, trong mưa, má cháu cùng cháu đi bộ tới trường. Những buổi chiều oi bức, má cháu đứng chờ cháu dưới tàn cây, với chiếc xe đẩy cặp sách lúc nào cũng canh cánh bên mình. Hình ảnh thân thương quen thuộc đầy ấn tượng đó như một thúc đẩy tiềm ẩn nhưng mãnh liệt, buộc cháu phải ra sức học tập ngày thêm tiến bộ. Mà cháu tiến bộ thật! Các kỳ thi AP, ACT, SAT, cháu đều đạt điểm tối ưu, bỏ lại phía sau những lời bạn cũ mới ngày nào đã "làm thầy" giúp cháu!

Càng học, cháu càng thấy dốt. Ba cháu nói: "Chỉ mới bước khởi đầu cho một tương lai nhiều thử thách. Thắng không kiêu, bại không nản, nhiệm vụ trước mắt còn nhiều!..." Sau tin vui mừng, Ba Má cháu đã đưa cháu đến Chùa lạy Phật, thăm và cảm tạ các Thầy, Cô Giáo hai trường cháu học Muscatel và Rosemead High School.

Một mùa hè ý nghĩa và lý thú...

Chuyến bay đưa cháu về Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn, lần đầu tiên trong đời, để dự khóa Hội Thảo NSLC (National Student Leadership Conference).

Chị Lê Tống Mộng Hoa, Chủ Tịch Hội Quảng Đà miền Đông Bắc Hoa Kỳ và anh Huyền chồng chị ra sân bay Dulles đón cháu về dự tiệc họp mặt đồng hương Hội An - Quảng Nam 30 người và cháu được "nâng lên hàng khách quý".

Hôm sau, Khóa Hội Thảo diễn ra tại Trường Đại Học George Mason University. Chúng cháu ăn ở theo chế độ nội trú. Khóa Hội Thảo NSLC năm này gần 200 khóa sinh của Hoa Kỳ và 35 nước tham dự, nhưng chỉ một mình cháu là người Việt Nam duy nhất.

Chương trình Hội Thảo bố trí chặt chẽ suốt từ 7 giờ sáng đến 11 giờ đêm, gồm các tiết mục thuyết trình về nhiều đề tài lãnh đạo, khoa học, y khoa. Chen vào giữa là các cuộc thăm viếng danh lam thắng cảnh Thủ Đô, các viện bảo tàng, bệnh viện Hải Quân, Lục Quân, Đại Học Johns Hopkings Hospital, Bến Cảng Baltimore...

Ngày khai mạc có đông quan khách từ Quốc Hội, Tòa Bạch Ốc, các Bộ và sứ thần các nước có khóa sinh tham dự. Thuyết trình Khóa Hội Thảo là một số Giáo Sư danh tiếng của nhiều Trường Đại Học Hoa Kỳ.

Trong bức thư gởi Khóa Hội Thảo NSLC, Tổng Thống Hoa Kỳ Bill Clinton ân cần nhắn nhủ:

"Warm greetings to everyone gathered in our nation's capital for the National Student Leadership Conference.

As we stand on the threshold of the 21st century, we look to our young people for the leadership, ideas, and vision that will enable us to meet the challenges of tomorrow. To ensure our nation's continued success, we must empower our students with the information and experiences they need to become productive, knowledgeable, and responsible members of society.

I commend the National Student Leadership Conference for its commitment to educating our future leaders and promoting nonpartisan political awareness and involvement. As you meet to debate and discuss the issues facing our nation and the world, I hope each of you will take advantage of the opportunities for personal and professional development that this program offers. I commend you for your commitment to scholastic excellence, civic participation, and social responsibility.

Best wishes for a memorable experience and for every future success."

Tạm dịch:

"Tôi xin gởi lời chào mừng nồng nhiệt đến mỗi các em đã tụ họp về Thủ Đô để tham dự Khóa Hội Thảo Tài Năng Lãnh Đạo Sinh Viên của quốc gia chúng ta.

"Như các em đã biết, chúng ta đang đứng trước ngưỡng cửa của Thế Kỷ 21, đang tìm kiếm những tài năng trẻ về lãnh đạo, các ý kiến và tầm nhìn xa để có thể cho phép chúng ta đáp ứng được những đòi hỏi thử thách ở tương lai. Để bảo đảm sự thành công liên tục của quốc gia chúng ta, chúng ta phải cung ứng những kinh nghiệm và tin tức cho các sinh viên, điều rất cần để họ sẽ trở thành những thành viên có trách nhiệm, hiểu biết và cống hiến cho xã hội sau này.

"Tôi ngợi khen sự tham gia của mỗi các em về Khóa Hội Thảo Tài Năng Lãnh Đạo Sinh Viên của quốc gia chúng ta, và đây là dịp giáo dục họ cho tương lai, đề cao sự liên hệ cũng như ý thức chính trị vô tư, không đảng phái, để các em hội đủ điều kiện tranh luận, bàn cãi những đề tài mà thế giới cũng như quốc gia chúng ta đang gặp phải. Tôi hy vọng rằng, mỗi người trong các em sẽ xử dụng cơ hội này để phát triển nghề nghiệp cho bản thân mà chương trình đang hiến tặng. Tôi cũng ngợi khen các em, đã đến đây dự phần vào chương trình học bổng xuất sắc, tham gia dân sự vụ và trách nhiệm xã hội của các em mai sau.

Tôi xin gởi tới các em những lời cầu chúc tốt đẹp nhất, cho cơ hội đáng ghi nhớ này và cho mọi sự thành công trong tương lai các em".

Ba cháu nhận xét: "Cai trị là tiên liệu. Nhà lãnh đạo Mỹ và các kế hoạch gia của ông thật tuyệt vời! Đây mới chính là "trăm năm trồng người". Lợi thế của chế độ giáo dục nhân bản và khai phóng tạo điều kiện cho những đầu tư chất xám lâu dài, nước Mỹ ngày nay, sau hơn 200 năm lập quốc họ đã làm bá chủ thế giới".

Cháu là đứa trẻ may mắn được sống và học tập tại nơi này, thiên đường của tuổi trẻ đầy cơ hội với niềm kiêu hãnh của nền khoa học kỹ thuật hiện đại. Qua Khóa Hội Thảo NSLC, cháu được mở mắt thêm nhiều vấn đề mà sự hiểu biết hạn hẹp của cháu khác nào một người nhà quê, anh xã xệ xuống phố! Những nơi chốn, cảnh quang mà cháu đã đi qua, những nhân vật thế lực đương thời mà cháu được gặp gỡ, tiếp xúc, những bạn bè bốn phương tám hướng đã cùng cháu chuyện trò trong phòng học, dưới nhà ăn, trên xe bus, ngoài bến cảng, sân bay, đường phố... đã thức dậy trong cháu những suy tư đầy tham vọng về sự giao lưu thời đại thênh thang, từ những ngã ba chân trời, ngã tư thế giới, tiêu diệt không thương tiếc trong cháu, sự hẹp hòi, cố chấp, khung thức, giáo điều vốn đã ngự trị dài lâu từ những con hẻm, ngã cụt sau 1975, thời điểm mà gia đình cháu bắt đầu đổi đời, bị ngược đãi và xuống dốc... Tám năm sau, cháu sinh ra như một "của nợ" cho xã hội nơi đó, tuổi thơ khan cổ hoan hô chiến thắng bằng bo bo thay sữa, bằng khoai sắn thay cơm, nhưng cháu được lớn lên bằng tình yêu thương vô bờ bến của Ba Má cháu trước mọi thiếu thốn! Giờ đây, đứng trước trường Đại Học nguy nga George Mason University danh tiếng, hay đi giữa Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn, Trung Tâm quyền lực của cả toàn cầu, dưới ánh bình minh ấm áp, huy hoàng, ôi giấc mơ, giấc mơ của cháu nào có bao giờ dám mơ ước tới, mà nay là sự thật, sự thật ôi, trước đây, Ba Má cháu cũng không ngờ!

Trong bài thu hoạch, lưu luyến, cuối Khóa Hội Thảo NSLC, cháu viết: Ước mong cho công thành danh toại, cháu sẽ nỗ lực đóng góp phần mình, phục vụ dưới cờ vẻ vang của đất nước Hoa Kỳ để đền ơn đáp nghĩa trong muôn một, đồng thời, hướng về Việt Nam khi có Tự Do Dân Chủ, theo lời dặn dò tâm tình gởi gắm của Ba cháu: "Thế hệ của con và các bạn con nhất định phải có nhiệm vụ tích cực xây dựng quê hương, giải phóng sự đàn áp chính trị, đẩy lùi bóng tối của nghèo đói, dốt nát, bệnh tật, bất công, nhất định phải làm và phải chiến thắng!".

Rosemead, hè 2000

PHẠM PHÚ HUY

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,764,574
Tác giả cho biết, “Trước năm 1975, tôi là giáo sư dạy tại trường trung học Lương văn Can , quận 8, Sài gòn.
Cùng với bài “Mười Lăm Năm ở Mỹ” đã phổ biến hôm qua, tác giả Minh Nguyệt Graves còn gửi thêm bài sau đây, cho biết bài được viết bởi ông chồng Carl Graves, một người Mỹ làm công chức tại Texas.
Tác giả qua Mỹ cùng với 2 con, theo diện đoàn tụ do cha bảo lãnh, hiện có tiệm Nails ở Texas và lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ với bài “Chuyện Ông Mỹ có vợ Việt”, đã phổ biến 2 tuần trước.
Việt Báo thành kính tưởng nhớ Nhạc Sĩ Vũ Đức Nghiêm, một tác giả huynh trưởng từng góp bài Viết Về Nước Mỹ. Ông sinh ngày 30-6-1930 tại làng Hoành Nha, Giao Thủy, Nam Định, vừa từ trần tại San Jose,
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017 và sẽ nhận giải đặc biệt năm thứ XVIII. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, định cư tại New Jersey năm 1994 theo diện HO.
Tác giả là một nhà giáo hưu trí, cư dân Riverside, đã góp nhiều bài viết đặc biệt cho giải thưởng Việt Báo từ năm đầu tiên, và nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2009. Sau đây là bài viết mới nhất.
Tác giả có tên trong Danh Sách Chuing Kết Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, hiện là cư dân Arkansas. Nguyên quán Bình Dương, Việt Nam.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng; Cựu nữ sinh NTH Hồng Đức ĐN từ 1969- 1975. Đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia.
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất hiện là cư dân Minneapolis, MN. Ông đã về hưu sau khi dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả tên thật là Trương Nguyên Thuận, tuổi 60', cựu sĩ quan không quân VNCH, di tản sang Mỹ từ 1975, kỹ sư điện toán, từng làm việc với Hewlett Packard/ Houston... rồi mở lò dạy võ.
Nhạc sĩ Cung Tiến