Hôm nay,  

Quốc Kỳ Mỹ Và Người Mới Đến

13/11/200200:00:00(Xem: 198503)
Người viết: S.W. Kim Loong

Bài tham dự số 22\VBST

Người viết tên thật Thúy Hà, tuổi Nhâm Thìn, vừa định cư tại Mỹ năm 1999, hiện cư trú tại Garden Grove, California.
Nghề nghiệp được ghi: nhà đầu tư.
Sở thích: văn chương, nghệ thuật.


Từ phòng lãnh sự của tòa Đại sứ Mỹ ở một nước Á châu, tôi và cô con gái bước ra về mà lòng hân hoan vui sướng. Qua chỗ kiểm soát thứ nhì nằm bên trong tòa nhà thì gặp lại ông nhân viên nơi ấy. Ông nhìn tôi hỏi:
"Cô có tin vui chứ"" (Do you have good news")
Tôi cười thật tươi đáp lại bằng tiếng Anh:
"Cám ơn ông. Kết quả rất tốt. Chúng tôi sẽ lên đường qua Mỹ. Chúc ông ở lại may mắn."
Ông nhìn hai mẹ con tôi bằng đôi mắt cảm động:
" Tôi rất mừng cho cô và con gái cô. Xin Chúa phò hộ và chúc gia đình cô được hành trình tốt đẹp. Cám ơn tấm thiệp chúc Giáng sinh của cô, tôi giữ nó mãi mãi để ghi nhớ."
Tôi đến vọng gác trong đó có chú G.I. rất trẻ đang đứng, trao cho chú một tấm thiệp Giáng sinh:
_"Xin chúc ông một lễ Giáng sinh vui tươi."
Chú G.I. cười vui vẻ:
_"Cô cũng được như thế và chúc cô hành trình tốt đẹp.
(You too, and I wish you have a good trip.)
Cả bốn chúng tôi biết nhau thắm thoát đã nửa năm rồi, thời gian mà tôi và cô con gái ra vào tòa đại sứ Mỹ này. Mọi nhân viên gác ở hai cổng cũng đều mong ngóng tin tức cho tôi. Họ luôn thăm hỏi mỗi khi gặp gỡ.
Sau đó, tôi và con gái đi ra phía sân trước của tòa Đại sứ. Đó là khoảng sân rất rộng lớn với bãi cỏ nhung mịn màng chạy tới chân hàng rào sắt, sát bên hàng rào là dãy cây hoa hibiscus, những bông màu đỏ mặt trời đang trổ tươi rực rỡ như đang vẫy chào chúng tôi.
Tôi còn nhớ vào một ngày, cách năm tháng trước. Ở trạm kiểm soát thứ nhất gần ngoài đường, chúng tôi đứng sắp hàng như bao người dân bản xứ để chờ được vào bên trong tòa Đại xứ Mỹ. Hàng người rất dài cho tới ngoài lề đường, dù là sáng sớm. Vì ai cũng muốn đến thật sớm để được vào trước, rốt cuộc lại gặp nhau đông đảo nơi đây, dân bản xứ của một nước Á Châu song rất văn minh, nền giáo dục của họ cao, chính phủ thật tốt, nên dân trí tiến bộ. Đông người như thế mà tất cả đều xếp hàng rất trật tự, y phục chỉnh tề, mọi người đều im lặng. Tôi cũng im lặng trong tâm trạng hoang mang vì chưa biết cuộc sống mai kia sẽ ra sao.
Trong niềm ưu tư, chợt tôi thấy ở cổng ra vào, cạnh trụ đá của cánh cổng sắt có một bông hoa hibiscus nhô ra với màu đỏ mặt trời rực rỡ. Màu đỏ ấy đi thẳng vào tâm tư tôi, nâng tinh thần tôi lên, mang cho tôi niềm hi vọng, niềm tin để phấn đấu. Từ đó, mỗi khi vào tòa Đại sứ Mỹ, tôi đều tìm bông hoa hibiscus để thầm chào nhau như một người bạn tâm giao đã khích lệ tôi. Hoa luôn luôn mọc vươn lên, cánh xòe ra khỏe chắc, duy nhất chỉ có một nhụy lớn rất thẳng, như một quân tử ngẩng cao đầu bất khuất.
Hôm nay trong sự hân hoan, hoa hibiscus như chia xẻ niềm vui với tôi, tiễn tôi đi.
"Cám ơn hibiscus."
Và tôi thầm nói lời giã từ.
Tôi ngước lên nhìn bầu trời trong xanh cao vời vợi, xanh như màu áo Đức Mẹ Maria. Kìa! Lá quốc kỳ Mỹ tung bay trong gió, nổi bật giữa bầu trời xanh với 50 ngôi sao trắng. Lá quốc kỳ đã hướng dẫn đường cho tôi đi tìm tự do, như nước Mỹ đang mở rộng vòng tay đón những người cùng đường tuyệt vọng.

Chúng tôi đặt chân đến nước Mỹ vào một buổi sáng của tháng 12, chỉ còn tuần nữa là lễ Giáng sinh. Khí hậu trở lạnh rất nhiều, song chúng tôi không thấy lạnh vì tâm tư đang vui tươi nồng ấm. Hai mẹ con nhìn nhau hân hoan, lòng tôi thấy thật nhẹ nhàng, vô tình chúng tôi cùng thốt lên một lượt:
"Đến rồi!"
Hai mẹ con cười khúc khích vì sự đồng tư tưởng nầy, nhiều người quay lại nhìn và cười với chúng tôi như chia xẻ niềm vui.
Rồi chúng tôi đi lấy hành lý nơi của NorthWest Airline. Vì có rất nhiều máy bay của các hảng hàng không quốc tế đi và đến phi trường L.A. nên hành khách đông nườm nượp. Nhờ từng có thời gian sống ở ngoại quốc trước đây nên chúng tôi không bị bỡ ngỡ tại các phi trường quốc tế.
Nơi trạm làm visa, nhân viên sốt sắng giúp chúng tôi lập thủ tục nhập cảnh, gọi dùm điện thoại về nhà thân nhân và chỉ cách chuyển máy bay nội địa United Airlines đi phi trường John Wayne. Mọi việc đều tiến hành nhanh chóng và vui vẻ.
Chúng tôi đứng ở trạm xe bus để chờ đi đến phi trường nội địa. Một chiếc bus ào tới đậu, trên xe là một nữ tài xế to lớn khoẻ khoắn không kém gì đàn ông. Cô cười toe chào hỏi:
"Hi. Cô đi về đâu."
"Hi. Chúng tôi đi xe bus số 3 để chuyển máy bay United Airlines đi phi trường John Wayne."
"Xe tôi số 1. Nhưng không sao. Cứ lên đi, tôi chở đến dùm cho vì cũng trên đường tôi đi."
Cô tài xế phóng xe ào ào, miệng giới thiệu về nước Mỹ vì biết chúng tôi mới đến lần đầu. Trông cô rất cởi mở, hai mẹ con tôi cũng nói chuyện rôm rả thật hào hứng.
Máy bay đến phi trường John Wayne 2:30PM. Không khí dịu mát, gặp thân nhân ra đón, ôm nhau mừng vui thật lớn lao sau nhiều năm xa cách, nào chụp ảnh, nào quay vidéo... tíu tít cả lên.
Xong, kéo nhau đến chụp ảnh kỷ niệm ở tượng đài tài tử điện ảnh Hollywood chuyên đóng phim cowboy là John Wayne. Phi trường nầy mang tên ông. Tôi đã xem rất nhiều phim cowboy có John Wayne đóng, nhất là thời gian biết gia đình sắp sang Mỹ lập nghiệp, tôi thích xem phim cowboy western, mục đích là tìm hiểu cuộc sống người Mỹ khi mới khai phá, tạo dựng nên miền Tây nước Mỹ, để tôi chuẩn bị tinh thần.
Nhờ xem những phim đó, tôi đã thật sự hiểu nhiều về sự gian nan cực khổ của những người đi trước, khi phương tiện giao thông còn rất thô sơ, an ninh chưa có. Họ phải di chuyển bằng ngựa xuyên qua những nơi hoang vu hiểm nghèo, phải tự bảo vệ bản thân và gia đình, để khai phá đất đai, tạo nên nông trại chăn nuôi, trồng trọt... mà sinh sống và mở rộng đất nước từ Đông sang Tây.
Tôi thật sự cảm phục những vị tiền nhân ấy. Ngày nay nước Mỹ mở rộng vòng tay đón những người từ xứ nhược tiểu như chúng tôi. Gia đình tôi sẽ hết sức cố gắng làm việc, làm công dân tốt, sẽ sớm tự túc và mong rằng được đóng góp một phần nhỏ bé vào công cuộc xây dựng Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ.
Về đến nhà, tôi mang quà ra biếu thân nhân để kỷ niệm ngày tao ngộ. Sau đó chúng tôi được mời đi thăm viếng Little Saigon, được đãi buổi ăn chiều với món bún thịt nướng dùng nước mắm thật ngon. Vì lâu quá mới được ăn nước mắm, tôi như thấy lại quê hương Việt Nam trên giữa lòng nước Mỹ, tôi nhớ về bà mẹ già ngoài 80 tuổi của mình giờ này ăn cơm lủi thủi một mình với nỗi nhớ con. Nhớ thời gian sau 1975 đói khổ ăn cơm độn khoai với muối ớt, nước mắm thật là quý giá lúc bấy giờ, nhớ người dân quê lầm than thiếu ăn giữa miền Nam trù phú lúa gạo hiện tại, dù đã hết chiến tranh 25 năm rồi ... nay tất cả đều đã nghìn trùng xa cách. Tôi cảm thấy nghẹn ngào "vì ai gầy dựng cho nên nỗi nầy", nước mắt tôi ứa ra song phải nuốt vào lòng.

Chúa Nhật đầu tiên, gia đình tôi đi lễ nhà thờ Saint Columban ở Garden Grove để tạ ơn Chúa.


Lễ Giáng Sinh mới đến thật là hạnh phúc chan hòa. Đây là món quà vĩ đại mà Tòa Đại Sứ Mỹ tặng cho gia đình tôi. Với sự làm việc ngày đêm tích cực nhiệt tâm của ông Lãnh Sự để hoàn tất hồ sơ cho chúng tôi đến Mỹ kịp đón ngày Chúa ra đời. Kính gởi đến ông đóa hoa hồng đẹp nhất với lòng biết ơn sâu xa của gia đình tôi.
Tôi vẫn nhớ lời ông Lãnh Sự dặn dò. Cho nên vừa đầu năm mới, tôi cho cô con gái vào học liền ở college để hoàn tất bachelor đúng với thời gian đã được dự tính. Vì năm học đầu tiên nên phải đóng học phí rất cao, song tôi vẫn cố gắng để cho con học hành liên tục. Nhờ cô con gái tôi đã có chứng chỉ TOEFL từ trước, nên trình độ Anh ngữ được thích nghi ngay khi mới vào học.
Riêng tôi vẫn phải học thêm Anh văn. Ngày đầu tiên đến trường, tôi được một cô người Mỹ gốc Phi Châu phỏng vấn trình độ Anh ngữ để xếp lớp, buổi phỏng vấn xong, cô khuyên:
"Cô hãy nghĩ rằng: qua Mỹ không phải chỉ dời chỗ ở, mà là thay đổi cả cuộc đời. Cho nên cô phải sống mở rộng ra, phải học hỏi những điều văn minh tiến bộ để kiến thức thêm phát triển thì mới là hữu ích cho cuộc đời của cô."
Đây là bài học vỡ lòng cho tôi tiếp thu được từ cô Portila, mà tôi mãi mãi khắc ghi về sau. Muốn thực hiện câu này không phải dễ dàng, nhưng tôi nguyện sẽ hết sức cố gắng. Vì tôi phải bắt đầu lại từ con số không với tuổi đã trung niên.
Lớp học Anh văn của chúng tôi có 3 giáo sư người Mỹ dạy: thầy Robert Founier, cô Jane McKay và cô Diane Silvers. Và một giáo sư người Việt Nam là cô Lý Anh. Tất cả 4 thầy đều là giáo sư trường Santa Ana College. Thêm một counselor là cô Rose Trinh từ Counseling Service đến dạy.
Thầy cô dạy học rất tận tâm, uốn từng giọng nói để phát âm cho chuẩn, kèm từng chữ một để viết cho đúng văn phạm. Sự nhiệt thành khiến tôi rất cảm kích công ơn thầy cô giáo của mình. Thầy không những dạy chữ mà lại còn sẵn sàng chỉ chúng tôi cách thức hòa nhập vào cuộc sống Mỹ, mà hầu như luật lệ, phong tục tập quán còn quá mới lạ. Thầy cô như những người bạn thân mến. Cho nên sau khoá học, tôi vẫn liên lạc với thầy cô qua thư từ, phone, fax, email...
Những ngày lễ lớn, tôi đều gởi thiệp chúc thầy cô với lòng kính mến biết ơn "thầy như cha mẹ", thầy cô cũng thường xuyên thăm hỏi đời sống của chúng tôi sau khi mãn khoá học. Tình giao hảo nầy an ủi tôi rất nhiều.
Từ khi biết Little Saigon, tôi hay đi vòng vòng quanh đó để quan sát thị trường thương mại, hỏi thăm các thương nhân việc làm ăn buôn bán, nhờ đó tôi mới biết đa số đều có bề dầy nghề nghiệp lâu từ mười mấy đến hai mươi mấy năm, họ đã lăn lóc, va chạm, khổ tâm nhọc trí rất nhiều mới có được sự nghiệp như ngày hôm nay. Trừ một số ít người mang theo được nhiều tiền của, còn hầu như đa số đều lập nghiệp từ hai bàn tay trắng. Tôi rất phục những người nầy, so lại tôi chỉ là "nai vàng ngơ ngác", mặc dù tôi đã có trên 20 năm kinh nghiệm ở thương trường Việt Nam cũng như thời gian sống lâu ở ngoại quốc được marketing trước khi sang Mỹ.
Tất cả các ngành nghề ở Saigon hầu như đều có mặt ở Little Saigon và có nhiều tên hiệu nổi tiếng trước 1975 hiện diện nơi đây, điều nầy gợi cho tôi nhớ lại thưở mình còn là học trò, thời ấy sao nhiều thơ mộng và êm đềm biết bao của Saigon yêu dấu với những con đường rợp lá me bay.
Hôm nay tôi đơn độc đi giữa Little Saigon như một lữ khách viếng thăm, tôi cảm thấy Saigon yêu dấu như lùi vào dĩ vãng xa xăm để rồi xuất hiện nơi đây, Saigon của chúng tôi chưa mất, Saigon vẫn còn sống mãi với người Việt tha hương.
Bây giờ tôi mới bắt đầu bước vào cuộc sống thực tế của nước Mỹ như chim đủ lông cánh phải tự đi tìm mồi. Bao nhiêu câu hỏi đến với tôi: lập nghiệp nơi đâu đây" Phải làm nghề gì bây giờ" Phải sống thế nào" Tất cả quay cuồng trong đầu óc tôi ngày đêm, nhiều khi đang ngủ thức giấc giữa khuya nghĩ đến công ăn việc làm khiến tôi không ngủ được nữa. Nỗi lo âu nặng trĩu trong lòng.
Tôi từ một xứ nhược tiểu đến một xứ hùng cường nhất thế giới với lòng thán phục tài năng của những người dân đang sống ở nơi đây. Nhất là giới phụ nữ thì thật là tài giỏi, họ nhiều nghị lực không kém gì nam nhi, tôi ngưỡng mộ họ và chú tâm học hỏi từng chi tiết. Phụ nữ ở đây làm đủ ngành nghề và làm rất tài, mà tôi được chứng kiến nhiều lần, cũng như được đọc trên báo chí. Có lẽ những tinh hoa hay hội tụ trên nước Mỹ nầy.


Vào một buổi sáng tinh sương tôi thơ thẩn ngoài vườn trước nhà, ngắm bãi cỏ óng mượt chạy dài đến hàng rào gỗ trắng, sương đọng long lanh trên hoa lá.
Trong tâm sự ngổn ngang vì sinh kế chưa biết ra sao, tôi chợt thấy trước hiên nhà một bông hoa hibicus nhô ra với màu đỏ mặt trời rực rỡ, tôi nhớ đến toà Đại Sứ Mỹ với bông hoa hibicus lần đầu tiên mình gặp, nhớ đến bãi cỏ nhung xanh mênh mông nơi ấy và nhớ nhất là lá quốc kỳ Mỹ tung bay trong gió trên nền trời xanh thăm thẳm đã hướng dẫn cho tôi đến nước Mỹ tự do này.
Bỗng nhiên tai tôi nghe tiếng phần phật ở bên kia đường, quay lại tìm, thì tôi thấy trước cửa trường học junior đối diện nhà, trên cột cờ cao lá quốc kỳ Mỹ tung bay phần phật trong cơn gió mạnh, kế đến là lá cờ tiểu bang California với chú gấu đang tiến bước có một vì sao đỏ dẫn đường. Tôi hiểu rằng lá quốc kỳ ấy nhắc cho tôi nhớ:
Tôi đang sống trên nước Mỹ hùng cường, thịnh vượng, mọi người đều đủ ăn hay giàu có. Tôi cố gắng tích cực làm việc thì tôi cũng sẽ được phần nào như những người dân sống nơi đây đã thành công.
Khi trở vào nhà, tôi suy nghĩ lại thời gian ở Việt Nam mình hằng mơ ước điều chi lúc được ra ngoại quốc sống. Ở Việt nam chưa có thị trường chứng khoán và văn hoá rất hạn chế.
Tôi đã đi vào thị trường New York Stock Exchange và tôi sẽ hoàn tất quyển truyện "Xanh Kia Thăm Thẳm"õ mà tôi đã khởi viết cách đây hai năm rưỡi khi ra sống ở ngoại quốc cho đến bây giờ, để góp phần nhỏ vào văn đàn Việt Nam hải ngoại theo truyền thống văn hoá mà tôi hằng yêu thích từ ngày còn đi học.
Ngày 16 tháng tư năm 2000, tôi đọc báo thấy có đăng tin về tổng số lợi tức của Tổng Thống Clinton và Phó Tổng Thống Al Gore làm được trong năm 1999 cũng như số tiền thuế mà hai ông phải đóng, được công bố quang minh. Mọi người công dân Mỹ từ công nhân lao động cho đến các bậc lãnh đạo cao cấp đều có bổn phận đóng góp như nhau. Đây là sự bình đẳng đáng tôn trọng của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.
Cũng vào tháng tư năm 2000, tôi được đóng thuế $20,000 cho chính phủ Mỹ do lợi tức kiếm được ở New York Stock Exchange và đóng thêm $2,360 do bất động sản đầu tiên tôi tạo nên trong năm 1999. Tôi rất vui khi gia đình có lợi tức để sinh sống và được sớm an cư, cũng như được góp phần nhỏ bé vào lợi ích chung của xã hội Mỹ ngay trong năm đầu tiên định cư.
Nuóc Mỹ, từ thời lập quốc cho tới nay, luôn mở rộng vòng tay đón và cưu mang những người tứ xứ tìm đến. Thật đúng như lời thơ danh tiếng của thi hào Emma Lazarus đã đuọc ghi bên tượng nữ thần tự do:

Give me your tired
your poor
your huddled masses
yearning to breathe free
the wretched refuse of your
seeming shore...

Hãy đến đây hỡi kẻ khổ nhọc
bần hàn
những đoàn người lũ lượt
mong thoát khỏi sự ruồng bỏ
từ nơi mình ngỡ là quê hương...

Garden Grove, 21-5- 2000
S.W. Kim Loong

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,647,042
Tác giả là một huynh trưởng Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, nhận giải bán kết - thường được gọi đùa là giải á hậu 2001. Từ nhiều năm qua, ông là thành viên ban tuyển chọn chung kết. Sách đã xuất bản: Chuyện Miền Thôn Dã.
Ngay năm thứ hai của Viết Về Nước Mỹ, Việt Báo Online ngày 5 tháng Một, 2001, có phổ biến bài “Trái Tim của Đại Dương” của tác giả Minh Nguyệt.
Christina sinh năm 1975, chỉ 2 tháng trước ngày Sài Gòn sụp đổ. Ba bị tù csvn 10 năm. Gia đình qua Mỹ theo diện HO năm 1991, khi Christina được 16 tuổi.
Với bài đầu tiên “Hôm nay tôi Đi Xe Đạp”, tác giả được trao giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2017. Ông hiện hiện sống và làm contractor (hợp đồng) ngành hàng không ở Vail, Arizona cho quân đội Mỹ. Sau đây là bài viết thứ hai.
Tựa đề là dòng cuối của bài viết kể chuyện “Celine Dion hát ở Paris.” Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Ông tên thật Trần Thanh Hiền, sinh năm 1955 tại Thạch Hãn, Quảng Trị, định cư tại Tulsa, Oklahoma từ 1977.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010.
Tác giả lần đầu dự Viết Về nước Mỹ. Như Nguyện định cư tại Mỹ 24 năm. Đã tốt nghiệp Đại học Tổng hợp. Hiện đang là cộng tác viên của Đài truyền hình Tuổi trẻ hải ngoại BYN 57.3 tại Houston,
Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của tác giả là "Nhân Chứng Tai Nạn", phổ biến ngày 1 tháng Bẩy 2016, ngày bắt đầu năm thứ 18 của chương trình Việt Báo Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả là cư dân Miami, đã góp nhiều bài viết tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, quê hương, con người. Viết Về Nước Mỹ 2015, Y Châu nhận Giải Đặc Biệt.
Nhạc sĩ Cung Tiến