Hôm nay,  

Hát Ô Nhọc Nhằn

06/11/201400:00:00(Xem: 14201)

Tác giả: T. V.
Bài số 4380-14-29779vb5110614

Tác giả là một vị cao niên, đã trên 77 tuổi. Ông tên Vũ Ngọc Thạch sinh năm 1937 tại Thanh Hóa. Di cư vô Nam 1954 làm công chức VNCH từ 1965 đến 30/4/1975. Đi tù cải tạo 6 năm 8 tháng 22 ngày. Qua Mỹ HO 15 từ 1992, đúng ngày quốc tế nhân quyền, 22/12.

* * *

Không hiểu quê hương chú Sam có gì hấp dẫn mà hàng triệu người ao ước được đến xứ này, Hoa Kỳ, Hiệp Chủng Quốc hay nước Cờ Hoa. C? M? ch? th?y sao v s?c, g?i c? hoa ch?c vì nhiều loại cờ và nhiều giống dân, dân thích trưng hoa và cờ, cờ đủ loại màu mè biểu hiện đủ thứ từ hội banh đến hãng xe, hàng ăn giải trí đều treo cờ, cờ theo mùa Xuân Hạ Thu Đông loạn xà ngầu.

Muốn đến nơi tất phải ra đi, "Ra đi là cách duy nhất để tới nơi" Paul Morand. Và tới nơi để làm gì? No cơm, ấm cật, tương lai huy hoàng chăng? Ở Mỹ có lẽ "lao động là vinh quang" thật chứ không đểu như ở Việt Nam. Các đấng tối tăm ở Ba Đình đưa ra đủ chính sách phương châm, kế hoạch mà rốt cục chả tới đâu. "Thằng làm thì đói thằng nói thì no". "Công làm công bỏ, công chỉ chỏ mới là công ăn". "Một người làm việc bằng hai. Để cho cán bộ mua đài sắm xe". Mà cán bộ là ai? Vài triệu đảng viên đang cưỡi đầu cưỡi cổ tám chục triệu dân. "Nhà ai sang bằng nhà cán bộ. Hộ nào sướng hơn hộ đảng viên?"

Hơi lạc đề rồi. Trở lại chuyện đi Mỹ. Gia đình tôi may mắn được đi theo chương trình ODP diễn nôm là ra đi có trật tự. Song thực ra chẳng trật tự tí nào. Kẻ có tiền, có quyền vẫn ép dân khố rách. ODP có nhiều nhánh, nào con lai, bảo lãnh, hát ô, píp… Hát ô người vui tính kêu là hốt ổ hay hỡi ôi, nghe đến não lòng.

Gia đình chúng tôi nhờ có tấm bằng học đại trên ba năm ở trại cải tạo đèo heo hút gió cao nguyên nên khi có chương trình HO (nghe mang máng vậy) chưa dám nộp đơn, chỉ sợ bị lừa. Tiền bạc quá hạn chế. Nhờ người quen ở bưu điện Sài gòn gởi hồ sơ lén qua Băng-cốc, trót lọt. Bán căn nhà lụp xụp (ba bức tường và mấy tấm tôn) lấy tiền lo "dịch vụ đi mão". Dịch vụ lủng củng chả biết tin ai. Chỗ của ông to. Chỗ của bà lớn. Hứa nhiều mà làm chẳng bao nhiêu, có khi úp hụi rồi chuồn. Rõ chán. Sàng lên sàng xuống cũng lọt vào cửa phỏng vấn. Phái đoàn Hoa Kỳ đánh rớt ba cái cày tốt (ba đứa con lớn). Cuối cùng hai vợ chồng già mang hai cháu nhỏ gạt lệ ra đi.

Trước khi lên máy bay một ngày, ký giấy nợ tiền máy bay với IOM buổi chiều. Sáng sớm mai bồng tống nhau ra máy bay đi Mỹ. Trên vé ghi tắt đi (IAH) Houston mà không biết cứ tưởng đi Linh cờn (Lincoln) vì đã hẹn bạn bè đón ở đó. Xuống máy bay cửa Cựu Kim Sơn, thành phố 36 cô (San Francisco). Cơ quan di trú có người Việt hướng dẫn làm thủ tục đầu tiên (không phải là tiền đâu như xứ ta) phán là về Hiu Tân có cơ quan Tin Lành YMCA đón. Nghe vậy biết vậy.

Lăn lóc ngồi chờ xế trưa một cô hướng dẫn lên máy bay nhỏ xuôi về Houston. 11 giờ đêm tới nơi chẳng có ma nào đón. Trong khi nhiều gia đình có thân nhân ra đón quay phim, chụp hình rõ xôm. Mãi sau bà xã thấy cô Mỹ đang xớn xác tìm mang tấm giấy "có hình ông đó". Tôi đến ngó quả đúng và xổ tiếng Mỹ ăn đong mỏi tay thấy mồ. Cô giáo Mỹ xin lỗi vì đến trễ. Cô dẫn xuống chỗ nhận đồ đạc gồm mấy thùng giấy (toàn đồ vớ vẩn ở Việt Nam, sau đem bỏ thùng rác).

Quất đồ lên xe về nơi tạm trú "oét ben-phọc" (W. Belfort). Nơi đây là căn nhà hai tầng, tầng trệt đã có người ở. Gia đình tôi được chỉ lên gác. Gác trống, hai phòng tắm. Phòng ngủ có hai tấm nệm lớn, một thùng giấy có chứa 4 tấm mền, 4 gói mì, 4 tô và 4 đôi đũa. Chia nhau tắm gội lăn ra ngủ. Vậy là xong cuộc hành trình dài mệt mỏi từ Sài Gòn, Hồng-kông, San Francisco đến Houston.

Tỉnh giấc trời đã sáng, ngồi ngắm xe cộ qua lại trật tự lớp lang rõ thích. Nhớ đêm qua ngồi máy bay nhìn xuống xe chạy như nước… xe như nước chứ không có ngựa như câu Kiều của Nguyễn Du "Ngựa xe như nước áo quần như nêm". Tôi hoảng quá làm sao sống đây? Chồng khờ vợ ngố con quê. Thôi đành "nhắm mắt đưa chân, mà xem Mỹ quốc xoay vần đến đâu"? (Tập Kiều)

Ngày rạng, thăm anh chị tầng trệt, cũng là dân "hỡi ôi" mới đến trước mấy bữa. Anh chị Tuyến cho hay: "Nhà này hội YMCA thuê cho hai gia đình. Bếp ở dưới xài chung". Tủ lạnh đầy nhóc thực phẩm cứ việc nấu ăn thả cửa… Tạm yên tâm. Tôi hỏi: "Trên cành cây có treo lũng lẳng túi gì vậy?". "Hạt để nuôi chim". Gật gù ngẫm nghĩ chim họ còn nuôi nữa là người. Đúng như Kinh Thánh "chim trời không gieo không gặt mà Cha ta không bỏ…"

Khoảng tám giờ nhân viên hội đến chào và chỉ dẫn cách thức định cư nào là sẽ làm thẻ sô sồ (ASXH), học các hội nhập vào xã hội Mỹ, học Anh văn và kiếm việc làm. Tạm thời Hội thuê nhà giúp, chính phủ trợ giúp tám tháng. Kết cục ông hướng dẫn (tên Tuệ) phán một câu muốn đấm vào mặt, "Ở đây có miệng cũng như câm, có chân cũng như què nếu không biết tiếng Anh và lái xe". Sau ngẫm ra cũng đúng.

Đến Mỹ hợp pháp nhập cư là vậy đó. Diện hát ô là vậy đó. Còn bao nhiêu diện khác cũng ê chề không kém. Từ khi mất nước mấy bố vẹm rừng rú vô cai trị đẻ non ra nhiều chữ gớm ghiếc. Xưởng đẻ, đánh tư sản mại bản, và học tập cải tạo, nghe rõ tởn, tởn đến già đến chết. Thế nào là "HTCT"? Tù đó mà. Tù không án. Nhà văn Bùi Ngọc Tấn cắt nghĩa khoan hồng: khoan là từ từ, hồng là máu, tức giết từ từ. Thế mà ở trại cải tạo nghe khoan hồng lại khoái. Lại còn chữ diện mới lông bông. Diện ODP, diện ô đi ghe, con "nai" nghe phát mệt. Cháu út vẫn gọi anh Hùng (con đỡ đầu) là diện bán kem. Số là cậu Hùng ở Nha Trang, đổi đời bỏ học đi bán kem dọc theo ghe. Ngày nào cũng xuống ghe bán. Ghe chuyển bến này bến khác thường xuyên. Một hôm ghe ra khơi rồi đi vượt biên luôn. Hùng ta mắc kẹt ở ghe. Chủ ghe dỗ ngọt "người ta mất mấy cây mới được đi cậu đi không, cứ theo tụi tôi". Chả chịu cũng phải chịu. Thế là Hùng ta trót lọt vô Mỹ. Đúng là diện bán kem. Các cháu vẫn gọi đùa là Hùng vều. Môi vều giống cố thủ tướng việt cộng Phạm Văn Đồng vẫn bị gọi là Đồng vều.

Hôm sau bạn bè hát ô, hát dù đi trước được tin đến thăm cho dăm ba chục nghĩ cũng cảm động. Kêu bằng lá rách đùm lá xác xơ. Rủ nhau về làng Bạc phếch (Park Place) mãi phía sao 45 (South 45) gần sân bay Hốp-bi. Ở đây gần mấy làng: Đà lạt, Thái Xuân. Cái tên PP cảnh sát nghe đến đã ngán, chẳng biết đặt vào bài không tên số mấy.

Làng Bạc phếch quả là quá cũ đến nỗi bảo hiểm không muốn bán vì sợ sập bất thần. Được cái hợp túi tiền và hoàn toàn phe ta nói tiếng Việt, ca vọng cổ… kể cả lén bắt chó Mỹ mần tiết canh, rựa mận. Vi phạm luật pháp dài dài. Rượu chè be bết. Sai trẻ nhỏ đi mua rượu và thuốc lá tỉnh bơ. Luật Mỹ cấm bán rượu và thuốc lá cho trẻ em dưới 18 tuổi. Nhưng chợ trong làng bán đều chi. Kẻ bán có người mua. Coi trời bằng vung. Phép vua thua lệ làng. Cả làng kéo nhau vào làm hãng chả giò Minh-phút (Minh Food). Cậy cục mãi cũng vô được làm chân ngồi lò. Lò chiên chả giò dài cả chục mét, ngang cả mét. Chả giò thả xuống chạy qua lò là chín vàng leo như đàn chuột lên giàn, sang phòng đông lạnh rồi đóng hộp. Tôi ngồi gắp những cái chả giò bị cháy hay bị hở vất vô thùng rác mỗi ngày vài thùng (cỡ thùng phuy đựng xăng 200 lít). Ra về, người ngợm, quần áo mùi dầu khét lẹt. Dầu ám vào tận chân tơ kẽ tóc. Con đi học có xe bớt đón. Đến trường thầy cô dạy toàn tiếng Mễ. Nhờ anh bạn kỹ sư NASA khiếu nại được một bữa dạy tiếng Mỹ, mai lại Mễ. Cháu út đi xe bớt bị bạn Mỹ xô xuống đường máu me tùm lum chả biết thưa kiện ở đâu.

Ăn trợ cấp tám tháng thiệt chua. Sở xã hội ngày nào đầy dân đến xin tiền lần đầu hay tái hạn, nhân viên sở này có một số người Việt, trong đó có ông Phương trọc đầu. Nhân viên người Việt lấy điểm giữ "dóp" nên phe ta hành phe mình rõ khiếp. Thời gian trợ cấp là tám tháng song họ đòi hỏi phải đi xin dóp. Chưa có phải nạp số điện thoại, địa điểm nơi đã xin đang chờ hay bị từ chối. Thành ra đành phải nộp số ma, hãng mù mờ cho êm chuyện. Người phụ trách đôi khi còn gọi đến nhà, hỏi dò con cái hoặc bắt gặp đi lang thang ở chợ là để ý hăm he khi phỏng vấn. Chỉ có một ông tên Hoàng nói với tôi "Cho tám tháng cứ ăn thả cửa, sau sẽ tính". Bực bội vì cái trò ma tịt của đám VN bợ Mỹ, nên chỉ sau năm tháng kiếm được việc làm tôi ném mấy tờ phút tem trên bàn mẹ phỏng vấn xin "từ bỏ ma quỷ" khiến mụ ngỡ ngàng chột dạ.

Trước khi xin vô hãng Minh Food, áp lai học Anh văn ở Đại Học Cộng Đồng buổi sáng. Trưa làm chợ Việt Nam, chợ ông Sáu ở khu Mỹ da màu. Mười giờ khuya đóng cửa mấy ông bạn Mẽo lảng vảng có thể cướp tiền hoặc cho ăn kẹo đồng. Chủ bắt ra xe ngồi chờ ông đóng cửa ẵm tiền, mình canh xe ngán quá chỉ sợ chẳng phải đầu lại phải tai. Đúng một tuần quít dóp. Theo bạn bè đi làm phụ mộc phụ hồ lung tung. Leo trèo sửa mái nhà trời nóng rát lưng uống bao nhiêu "cốc" cũng không vừa.

Trước cảnh cheo leo, tương lai mờ mịt phải cầu cứu cô em họ tận Nebraska xứ BB (Bò và Bắp) lạnh âm độ là thường. Cô xin cho làm hãng Cô-na-gra cả hai ông mụ. Thế là bồng tống viễn xứ lạnh thấu xương. Cô-na-gra được hai tuần chịu không nổi. Lính mới bị hành dữ quá. Ngày nào cũng xẹc-vít. Đổ thùng thực phẩm 25 cân lên máy chạy theo dây chuyền mệt lả đứt hơi, việc nhàn hơn dành cho dân cũ. Đành chuyển sang hãng Bò. Bò lê bò càng. Nếu làm dưới lai lạnh quá chừng. Mang cân đai mũ mão súng gươm dao búa giỏi lắm một tuần bỏ cuộc. May vớ được chân dọn bàn lau nhà cho căng-tin (cafeteria).

Chịu đựng mười năm, 65 tuổi về hưu thoát nợ áo cơm. Bang Nebraska chỉ có Bò và Bắp. Cỡ vài chục hãng bò và heo. Ra vào như chợ. Đa số là dân Mễ, ăn no vác nặng chịu cày vì to con ăn khỏe. Dân nhập cư lậu cũng có nên an phận cày sâu cuốc bẩm. Có lần sở INS đem xe tới xâu cả dây trả về Mễ. Phe VN chỉ có năm ba phần trăm nhập cư hợp pháp con cháu lý gồ (legal) nên vững chân cày suốt "năm canh chỉ sợ gà" (gạ sờ). Tôi đã viết một bài về hãng bò để làm lưu bút cho con cháu mai sau. Chắc chúng chả thèm đọc hoặc đọc tiếng Việt không nổi.

Mãn nguyện kiếp trâu cày với cái mắc hát ô nhọc nhằn 18 năm. 18 năm long đong nơi đất lạ. Sau 5 năm đã thành Mỹ giấy mang cái quốc tịch cờ hoa. Nhiều người di dân thèm nhỏ dãi mà không được. Nhà văn Thanh Nam viết "của này là của trời cho, của mình đánh mất không lo đi tìm". 18 năm nổi trôi hơn thân phận nàng Kiều đến 3 năm. 18 năm "nơi thì lừa đảo, nơi thì xót thương". Đồng hương đồng khói những người đến trước giàu có mủi lòng chỉ dẫn làm ăn. Cũng nhiều kẻ lợi dụng HO làm công cụ chính trị lót đường, trải chiếu cho họ bước lên đài danh vọng. Tôi có anh bạn tếu tếu nói đùa: "đồng hương đồng khói lừa gạt đồng bào". Phe mình đánh phe ta thê thảm. Tuy chỉ là một số nhỏ nhưng "con sâu làm rầu nồi canh…" Cuối cùng "trâu bò hút nhau ruồi muỗi chết". HO gánh hết tủi hổ lầm lũi sống với "nỗi buồn viễn xứ khôn nguôi".

Mười tám năm nhìn lại, bắt chước các cụ nhà ta năm nào cũng tổ chức nhìn lại. Nhìn lại làm quái gì càng thêm "đau lòng con cuốc cuốc". An thân tuổi già với số lương "hiu hắt" sống những ngày cuối đời hắt hiu. Tạ ơn nước Mỹ. Tạ ơn tổ tiên đưa con đến đất này thoát ách cộng sản. Đóng góp cho sự phồn vinh Mỹ quốc bằng những nhọc nhằn song được trả lương sòng phẳng. Chế độ hưu trí đầy đủ. Con cái đều có công ăn việc làm, nhà cửa khang trang. Cháu út sắp ra trường đại học ngành điện. Hãnh diện vì cháu đã qua hai kỳ trả nợ núi sông bên Iraq (mấy ông vẹm kêu là một răng một rắc, Iran Iraq). Cháu đã xung phong vào Thủy Quân Lục Chiến, Marine (vẹm kêu là lính thủy đánh bộ). Xin nói thêm, 18 năm trước khi phỏng vấn đi Mỹ bị từ chối ở lại ba con độc thân. 10 năm sau nhờ hát ô đuôi chương trình McCain vớt đủ các con qua gồm một dâu một rể và hai cháu ngoại. Trước lỗ lời sau. Bỏ lại 3 con nay vớt sang thành 7. Một lần nữa nếu nói lời cảm tạ coi như coi nhẹ ân tình. "Xin ơn trên phù hộ chúng ta" câu kết thúc các thông điệp của cố tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm. "Chúng ta" gồm cả nhân dân Mỹ cùng những người tỵ nạn được cứu vớt vào đất nước này.

Xin mượn lời trích từ báo chí Hoa Kỳ để tạm kết:

"Yêu ai hãy đưa người ta qua Mỹ vì đây là thiên đường. Ghét ai hãy đưa người ta qua Mỹ vì đây là địa ngục"

Và lời khắc trên tượng Nữ Thần Tự Do ở Nữu Ước:

"Give me your tired, your poor. Your huddle masses yearning to breath free. The wretched refugee of your teamming shore, send those. The homeless, tempest tossed to me. I lift my lamp beside the golden door"

(Hãy đem cho ta những kẻ nhọc nhằn, nghèo khó. Đám đông chen chúc hỗn độn thèm khát tự do. Những dân tỵ nạn bất hạnh tràn ngập cả bến bờ. Hãy đem cho ta những kẻ vô gia cư, bị vùi dập vì bão tố. Ta vẫn giơ cao ngọn đuốc bên cánh cửa hoàng kim.)

Bài viết bắt đầu từ 20/4/2010, kỷ niệm 35 năm mất VNCH.

T. V.

Ý kiến bạn đọc
08/11/201400:41:29
Khách
@ Pham: câu "Hy sinh đời bố, sáng lạn đời con" là sai vì các ông HO này ở VN thì làm gì ra tiền, ở Mỹ ít ra cũng có việc lắm, có tiền ra vô. Quan trọng hơn hết là vừa có tiền, vừa có tự do nữa. Con cái thì không bị kì thị. Đúng là thiên đàng trần thế.
06/11/201416:36:25
Khách
Bài viết dí dỏm đầy nứớc mắt nhưng chân thực, chí tình. Cuộc mưu sinh của dân Việt tỵ nạn sang Mỹ sau 75 nói chung ai cũng không ít thì nhiều, cực nhọc, thăng trầm, vất vã như anh, nhưng rồi hậu vận đều kết thúc ấm no,an ổn, bình yên. Và đúng với câu "Hy sinh đời bố, sáng lạn đời con"...
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 4,959,234
Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của tác giả là chuyện tình thời mới lớn - khi chưa kịp lựa chọn, hẹn hò,
...có lẽ biểu tình là chuyện phải có để thay đổi quan hệ trắng đen ở Mỹ, thay đổi cách sử xự của cảnh sát...
Tác giả tên thật Lý Tuyết Mai, cư dân Pomona, CA. Việc làm: Nhân Viên Bộ Xã Hội. Đã nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm, Viết Về Nước Mỹ 2009 với bài "Con Bé",
Với 14 bài viết trong năm, trong đó có bài "Chú Lính Mỹ" tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà là một nhà giáo, định cư tại Mỹ theo diện HO năm 1991, hiện là cư dân Westminster, California.
Bạn đã trích ngừa Tdap chưa, trước khi gặp con cháu sơ sinh? Mời đọc bài mới của Gió Đồng Nội, một tác giả đã góp nhiều bài đặc biệt và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ năm đầu tiên.
Nhiều cây Noel đã được thắp sáng, xin mời đọc một chuyện tình lỡ viết cho mùa giáng sinh, chuyện từ quê nhà tới đất Mỹ.
Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của tác giả là “Một Chặng Đường”, tự sự về hành trình của một HO, đã được phổ biến ngày 17 tháng Mười, 2014.
Tác giả tên thật Hùng Túy Trước, tuổi Giáp Ngọ, cư trú tại Austin, Texas, đã góp nhiều bài Viết Về Nước Mỹ đặc biệt.
Tác giả là cư dân Texas. Ông giảng dạy tại đại học và là một chuyên viên hoà giải. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của Bernard Nguyên-Đăng nhân mùa Thanksgiving, theo tác giả, là “chia sẻ thêm một cung lòng biết ơn”.
Chuyện về một bà mẹ trong một nhà già tại Cali. Tác giả định cư tại Pháp, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011,