Hôm nay,  

Cuối Cùng Là Tự Do

03/10/201400:00:00(Xem: 15494)

Tác giả: Triều Phong (TPN)
Bài số 4348-14-29748vb5100314

“Ba ba ngố” là phiên âm thổ ngữ Phi, có nghĩa là dầu thơm. Dân tị nạn Việt trên đất Phi xách túi đi bán rong đủ thứ gọi chung là “dân buôn bà ba ngố.” Đây là bài cuối trong loạt bài 3 kỳ về người Việt trên đất Phi sau cưỡng bách hồi hương tại trại PFAC, chặng cuối từ đất Phi tới Mỹ. Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC của Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại tiểu bang South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Với bài "Niềm Đau Ơi Ngủ Yên" viết về thời kỳ thanh lọc và cưỡng bách hồi hương tại trại tị nạn Palawan-Philippines, Triều Phong đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014, và nhân dịp này, đã cùng gia đình trải qua tám giờ bay để về dự họp mặt Viết Về Nước Mỹ 2014 và thăm Little Sàigòn.

* * *

III. Gặp Lại Ở Cali

Một hôm tin anh Nguyễn Hữu Thám được Úc chấp nhận cho đi đoàn tụ với vợ sau khi phỏng vấn đã như một qủa bom nổ lớn trên bầu trời tỵ nạn của người Việt còn kẹt lại ở Phi. Ngày Trịnh Hội đi lấy Visa nhập cảnh vào Úc cho anh Thám cả Niêm Phật Đường như lên cơn sốt. Mọi người lao xao không biết phải làm gì, cứ nhốn nha nhốn nháo. Tôi còn nhớ thời gian đó anh Thám nhiều lúc cứ ngồi đờ ra cười cười có lẽ anh quá bất ngờ với kết quả ngoài sức tưởng tượng của anh sau bao năm tuyệt vọng trong khi ấy thằng Công, người phụ Hội giúp cho trường hợp anh Thám thì lại như con "lật đật" nhào lên nhào xuống, mồm miệng tía lia, gọi điện thoại lung tung báo cho bạn bè ở khắp mọi đảo. Riêng Hội thì lúc ấy cũng mừng lắm vì chuyện anh Thám đi định cư Úc như một cố gắng to lớn mở được cánh cửa tái định cư dân tỵ nạn đang đóng kín. Như vậy thì bảo sao mọi người không vui mừng? Bởi ánh dương quang đã bắt đầu le lói ở cuối chân trời!

Rồi không đợi anh Thám chờ vợ gửi tiền sang mua vé máy bay và các thứ tối thiểu cần thiết khác mà Hội còn xuất ra mấy trăm đô cho anh mượn để mua vé máy bay lên đường ngay bởi "đêm dài lắm mộng," sợ anh sẽ bị các thế lục ngầm tìm cách giữ lại, hay bởi không ai muốn vì lý do nào đó mà anh bị đình lại chuyến bay, bởi mọi người đều mong ước anh là mũi khoan đầu tiên phá tan lớp đá cứng ngăn chặn con đường tỵ nạn đang hé mở.

Và chẳng những thế Trịnh Hội còn bỏ ra thêm vài trăm pesos để tổ chức "farewell party" tiển anh Thám lên đường định cư nữa. Đêm trrước ngày anh đi một số người Việt sống xung quanh và đang mua bán gần đó hay tin, kéo về đầy cả "chùa." Tất cả đều mừng rỡ và tràn đầy háo hức hy vọng. Lâu lắm rồi mới thấy lại một bữa tiệc chia tay tiển đưa thế này như ở dưới trại ngày xưa. Các nụ cười vui, những ánh mắt lạc quan ngỡ đã tắt tự khi nào! Mọi người vây quanh lấy Hội để nghe anh bàn bạc cho dự tính sắp tới. Buổi tiệc kết thúc vào nữa đêm khuya khoắt trong niềm hân hoan oà vỡ!

Thành công trong chuyện đưa anh Thám đi định cư đã khích lệ Luật Sư Trịnh Hội và BPSOS thêm hăng say hoạt động cứu người, là tin mừng cho thuyền nhân. Bấy giờ uy tín của văn phòng luật sư tại Niệm Phật Đường đã lên cao. Trịnh Hội như một cứu tinh, như anh hùng Don Quixote giữa đàn cừu, và trở thành cái gai cho những người có định kiến "không thể nào có chuyện các quốc gia thứ ba giải quyết cho đi định cư nữa trong lúc này!"

Những tháng kế tiếp nếu không đi cầu khẩn với tòa đại sứ Mỹ, tòa đại sứ Canada hay họp với toà đại sứ Úc nhằm thảo luận tìm kiếm một giải pháp khả thi cho thuyền nhân thì Trịnh Hội bay sang Hong Kong kiếm tiền về cho quỹ của Niệm Phật Đường vì lúc trước Hội làm thiện nguyện bên đó có quen rất nhiều người giàu có như cô Tuyết Nguyệt nào đó mà anh hay nhắc tới mỗi khi nói chuyện với bọn tôi và có lần anh còn đóng cả phim nữa. Vốn dĩ anh có quen biết với một đạo diễn Hong Kong và nhân dịp nhà đạo diễn này muốn hợp tác với Phi để sản xuất một phim được quay tại Quiapo-Phi Luật Tân thế là anh lọt được vào "mắt xanh" của ông ta.

Tôi còn nhớ rõ chuyện này vì chiều một hôm trong khi tôi đứng tựa lan can trên lầu ở chùa thì thấy Hội về. Ít phút sau anh lên phòng thay đồ và ra hàng hiên nơi tôi đang đứng cho tôi một gói thuốc lá. Tôi hơi ngạc nhiên vì Hội chẳng hút thuốc bao giờ! Trong khi tôi vô tư rút một điếu rồi tìm hộp quẹt đốt thì Hội lặng yên quan sát cách tôi hút thuốc. Vài phút sau nhận thấy thái độ hơi khác lạ của Hội tôi hỏi ra thì mới biết Hội đang tập cách hút thuốc vì trong phim anh sắp đóng anh được phân vào vai một tay đại ca cưỡi mô tô và dĩ nhiên dân giang hồ phải biết hút thuốc là cái chắc rồi. Đó là chưa nói tới chuyện Hội còn có phải tập thêm những thói hư tật xấu nào nữa không thì tôi không biết bởi "dân anh chị" là phải tứ đổ tường mà lị!

Ngày sư cô cùng anh cha con anh Thiên đi tiếp kiến phái đoàn Mỹ rồi cũng tới. Trong khi tôi và Khánh ở nhà hồi họp chờ đợi thì buổi chiều mọi người trở về, mày châu ủ dột, thất vọng não nề làm bầu không khí tối đó ảm đạm hẳn đi. Hỏi ra thì mới biết anh Thiên bị bà Courtney "quay" suốt gần tám tiếng đồng hồ. Bà không tin những gì anh trình bày, bà không tin anh sống và làm việc trong chùa nhiều năm bởi bà Courtney nhận được bức thư của người có trách nhiệm quản lý dân tỵ nạn dưới Làng Việt Nam gửi cho bà với nội dung phủ nhận quá trình sống và làm phật sự của anh trong chùa Vạn Đức tại PFAC trước đây. Nhìn bức thư mà bà Courtney mới chìa ra cho Hội xem, anh cảm thấy như đất rời sụp đổ, bao hy vọng chợt tan thành bong bóng trong phút chốc. Anh không hiểu tại sao trên đời này lại thật sự còn có người tàn ác như thế? Không biết họ nghĩ thế nào khi mà người ta phải chờ đợi suốt cả chục năm trời mới tìm được cơ hội tư do mà nỡ lòng nào họ lại bóp méo sự thật để triệt hạ anh vì tư thù cá nhân một cách vô lương tâm như thế khi mà chính họ lại là người tu hành?

Bà Courtney cho biết là bà sẽ gửi trả hồ sơ của anh về lại Mỹ và bà không biết là bao lâu nó sẽ được mở lại. Có thể một năm, hai năm, hay mười năm hoặc... không bao giờ! Hội có xin bà một bản copy bức thư quái ác kia nhưng bà Courtney từ chối. Trước tình hình quá căng thẳng ấy Hội đã xuống nước năn nỉ bà. Không biết Hội đã nài nỉ, khẩn khoản thế nào mà cuối cùng hơn cả giờ đồng hồ sau bà đồng ý "suspend" hồ sơ của anh phó ban lại trong thời hạn một năm để cho anh tìm thêm những chứng cứ bổ túc là anh đã nhiều năm ở và làm việc cho chùa. Đêm đó Hội nói với chúng tôi rằng bằng mọi giá Hội phải ráng vận động để giúp anh Thiên được định cư trước. Bởi nếu anh không đi được thì chúng tôi cũng khó lòng mà thoát ra khỏi chổ này. Do trường hợp của anh mà hồ sơ của sư cô cũng bị "delay" luôn. Con đường đi diện "di dân tôn giáo" trở nên khó khăn nhiều!

Tương lai bỗng như bị đám mây đen kéo ngang, mịt mờ tăm tối hẳn đi. Vấn đề đi định cư trở nên xa vời và chúng tôi không thể ở lại Manila lâu hơn nữa mà cần phải có tiền để sinh sống nên bọn tôi được một người chị quen ở trại dẫn về Balanga làm ăn mua bán.

Trong khi ấy thì tại Manila, để cho diện đi tôn giáo được thuận lợi hơn nên anh Thắng đã bàn với Trịnh Hội tách hồ sơ của sư cô và anh Thiên ra và để sư cô xin phỏng vấn trước. Do đó vài tháng sau sư cô được gọi tái phỏng vấn, kết quả là lần này hồ sơ của sư cô được chấp thuận dễ dàng. Đêm hôm trước sư cô lên đường đi định cư, bà con thuyền nhân đã tề tựu về chùa đông nghịt đến nỗi một số người phải ngồi ra tới tận ngoài đường hẻm trước chùa. Kế tiếp là các người có diện đoàn tụ vợ chồng bên Mỹ cũng được ra đi kể cả trường hợp PIP (Parole In Place.)

Cùng trong thời gian đó, Trịnh Hội đã cố gắng liên lạc với tất cả mấy thầy từng biết hay ở Chùa Vạn Đức, PFAC, ngày xưa như Thầy Thích Tâm Hoà, Chánh Đại Diện trước đây hiện đang định cư ở Canada... để nhờ quý thầy viết thư cho phỏng vấn viên của Sở Di Trú (interviewing officer of Immigrant Visa Section) tại Tòa Đại Sứ Mỹ ở Manila, xác nhận cho trường hợp của anh Thiên, là phó ban đại diện đã sống và làm phật sự nhiều năm cho chùa hòng hóa giải bức thư oan nghiệt của người quản lý thuyền nhân lúc ấy.

Kết quả vượt ra ngoài mong đợi của mọi người. Mọi việc đều được suông sẻ và cha con anh Thiên cũng vội vã ra đi trong âm thầm lặng lẽ để tránh bị "dìm hàng!" Khánh giờ phải thay sư cô trông nom chăm sóc Niệm Phật Đường, tôi trở thành phụ tá của nó. Lúc này thiên hạ lũ lượt kéo về chùa làm giấy tờ rất đông. Và một số người khác cũng bắt đầu lên đường đi định cư Canada. Chánh phủ Úc giải quyết hồ sơ đoàn tụ ngày một nhiều hơn.

Trải qua mấy năm, BPSOS đã cạn kiệt tài chánh, kinh phí giúp cho Niệm Phật Đường không còn bao nhiêu. Trịnh Hội bấy giờ phải đứng ra cáng đáng chuyện tiền nong. Môt hôm Hội phải sang Hong Kong tìm cách xoay sở, giao chùa lại cho hai anh em tôi trông nom sau khi thức suốt đêm hôm trườc "draft" một loạt thư từ gửi đi các nơi cho bà con xong. Gần mười hai giờ trưa hôm sau khi Trịnh Hội đứng trước cửa chùa chuẩn bị ra phi trường thì Sang, một phật tử ở chùa lâu năm, không được bình thường lắm lên tiếng hỏi tưng tửng:

- Ủa, Hội! Hội... mày đi rồi không để tiền lại anh em tao lấy gì ăn Hội?

Anh em tụi tôi sống chung nhiều năm, lâu ngày đâm thân thiết, những người trạc cở tuổi với Hội thường xưng "mày, tao" như trong gia đình. Nghe Sang hỏi, Trịnh Hội chưng hửng, mấy người có mặt lúc đó im lặng ngó nhau không nói gì. Rồi không nghĩ ngợi Hội lấy ra hơn năm trăm pesos đưa cho tôi:

- Anh giữ tiền này đi chợ cho anh em ăn. Đợi em, ngày... em về!

Hội đi rồi, tôi cầm tiền đứng phân vân một đổi ngẫm nghĩ mới thấy tội cho sư cô ngày còn ở đây phải lo trong lo ngoài. Bây giờ sư cô đi rồi không biết những ngày tới Niệm Phật Đường sẽ ra sao?

Một tuần lễ trôi qua, trong chùa khi đó có khoảng tám chín người tá túc. Sáng sớm một hôm trong khi Khánh đang lui cui kiếm hủ chao để ăn với cơm nguội thì tôi lại gần:

- Ê, Ó ơi! Bữa nay còn có năm mươi hai pesos này nữa là hết rồi nghe. Không biết ngày mai tiền đâu sống?

Ó là biệt danh của Khánh từ hồi còn ở trại. Tôi cũng không biết tại sao Khánh có biệt danh đó? Nghe tôi nói Khanh ngẩng đầu lên tay còn cầm hủ chao:

- Vậy hả? Thì ăn hết bữa nay rồi biểu tụi nó đi thôi!

Đoạn Khánh giơ hủ chao lên cao lắc lắc, chép miệng:

- Chao cũng hết. Khỏi ăn luôn!

Tôi gọi Sang đang ở trên lầu xuống đưa cho nó năm mươi hai pesos cuối cùng đi chợ cho ngày hôm nay. Cầm tiền xong và mặc áo vào nó quay sang tôi:

- Sư huynh, đi xe đạp lôi ra chợ và về là hết bốn pesos rồi. Còn lại bốn mươi tám đồng là vừa đủ cho bốn ki lô (kgr) gạo và hai bó rau muống luôn đó.

- Ừ, sao cũng được. Tùy mày tính thôi.

Tôi hững hờ trả lời, trong khi ấy Khánh thông báo cho mọi người đang ở trong chùa rõ:

- Nè, bây giờ cho anh em hay nghe "ngày mai Niệm Phật Đường tạm thời đóng cửa. Chờ Hội về mới mở lại, do đó hôm nay là ngày cuối cùng. Thành thử anh em coi thu xếp, kiếm chỗ khác ở đỡ nghe!"      

- Sao vậy?

- Hết tiền ăn rồi chứ sao gì nữa!

Chợt có người lắc lắc chốt cửa cổng từ bên ngoài, chúng tôi nhìn ra thấy thằng Nhân, em của Dung làm Ban Lương Thực dưới trại ngày xưa. Hiện Nhân đang sống gần đây, hỗm rày nó không đi mua bán gì vì bị gãy tay. Đang đứng tựa cửa cái, Sang vói lấy chìa khoá mở cửa cho Nhân vào và dợm bước ra đi chợ luôn. Nhân bước vô, một tay thì đang băng tòn teng, có dây treo ngang cổ, tay kia cầm cái chén chìa về phiá Ó:

- Anh Khánh có chao cho em xin miếng anh.

Mọi người bỗng cười ồ dù đang lo lắng, nghe thế Khánh sẳn trớn sạt thằng Nhân một phát:

- Mẹ, tao còn hỗng có ăn đây mà cho mày!

Thấy sắc mặt của Khánh thằng Nhân biết không phải là nói giỡn, và nhìn thấy cả đám đứng ngồi đầy phòng khách nó đoán có việc nghiêm trọng nên vôi thối lui nhưng miệng cũng làu bàu:

- Chùa mà không có chao!!!!

Hôm sau chúng tôi tắt điện, tắt nước, đóng cửa chùa khi người cuối cùng rời khỏi Niệm Phật Đường rồi ra bến xe Genesis ở Pasay Rotonda về Balanga.

Trong những ngày này đường sá thì trơn tượt ướt át vì mùa mưa bắt đầu tới. Có những chiều đi bán về, hai anh em ngồi trên xe nhìn bầu trời xám, âm u, vắt ngang đầu núi, giăng mờ một giải như tấm màn che mưa tôi chợt bâng khuâng, lòng tự nhủ "không biết đến bao giờ mình mới được phỏng vấn và chẳng biết rồi sẽ ra sao chứ còn sống kiểu này hoài cũng bấp bênh quá! Như hôm qua chẳng hạn, ghé lại cơ quan Bảo Vệ Môi Trường (The Environmental Consultants Company) của Limay lấy nợ thì mới hay ra thằng Robert đã chuyển công tác đi nơi khác. Hỏi thì ai cũng bảo chả biết là nó tới chổ nào. Thế là mất toi gần cả ngàn pesos tiền đôi giày và cái bóp (ví) đàn ông!

Thời gian qua mau như chớp, một tuần nữa trôi nhanh. Chúng tôi chuẩn bị trở về chùa trước Hội một hôm. Khi ra bến xe Khánh bảo tôi ghé chợ Limay để nó mua một mớ trái cây, hoa quả giả, làm bằng nhựa đem về trang trí bàn Phật vì nó nghĩ ở chùa mà để bàn thờ trống thì cũng khó coi. Cùng về với chúng tôi ngày đó có cha con anh Hiếu, người hớt tóc thiện nguyện không lấy tiền cho đồng bào trong trại bên Liên Minh Thánh Tâm, thằng Sang, mẹ con chị Hải và Thành ở Hội Thánh Tin Lành. Rồi mỗi người một tay dọn dẹp, lau chùi bụi bặm, quét tước chùa chiền.

Ngay từ sáng sớm hôm trước khi ra phi trường đón Trịnh Hội, tôi mở tủ lạnh lên cho nó chạy lại và kêu thằng Sang:

- Sang, hứng mấy chai nước đi em?

- Chi, sư huynh?

- Để có nước uống chứ chi mậy?

Sang đứng dậy đi lấy mấy chai không và hỏi mà chẳng quay lại nhìn tôi:

- Lấy nước ở đâu anh?

- Hứng trong "robinet" đó!

Rồi chúng tôi đi ra phi trường Aquino. Máy bay xuống. Ít phút sau Hội ra gặp lại chúng tôi thì vui lắm tay bắt mặt mừng đọan cả bọn đón taxi về "nhà!" Vừa bước vô chùa vừa cởi áo, Hội tiến tới bên tủ lạnh mở cửa và la lớn:

- Trời!

- Vụ gì? Khánh hỏi.

Hội quay lại trợn mắt:

- Sao tủ lạnh trống trơn, hổng có gì hết vậy?

- Có mấy chai nước đó.

Thằng Sang nhanh nhẩu đáp, phân bua tiếp:

- Mày đi tụi tao ở nhà không có tiền ăn nữa thì lấy gì có tiền dư mà mua đồ bỏ tủ lạnh mậy. Được mấy chai nước là may lắm rồi, còn bày đạt la la!

Và nó cười hắc hắc:

- Mày hên lắm đó, anh Ngôn mới nhắc tao bỏ vô sáng nay không thì giờ mày khỏi có uống luôn chớ mà nói.

Hội vừa cầm chai nước đưa lên tới miệng tính uống chợt dừng lại thắc mắc:.

- Ủa, nước này ở đâu vậy?

Sang đáp tỉnh bơ:

- Thì trong vòi nước đàng kia chứ đâu nữa!

- So "bệnh!"

Hội kêu lên bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt, nhăn mặt bỏ chai nước xuống, móc bóp ra lấy tiền đưa Sang.

- Mày làm ơn chạy ra tiệm tạp hóa đầu ngỏ mua mấy chai nước ngọt về uống Sang ơi. Trời sao khổ dữ vậy trời!

Đoạn Hội xách vali lên phòng. Chúng tôi lục đục bước theo, khi đi ngang phòng thờ Phật ngó vào trong, Trịnh Hội nói to:

- Cha, chùa hổng có nước uống mà cũng có trái cây bày cúng ê hề ngon quá ta!

- Đâu có, đồ cao su mới mua hôm qua không đó chứ.

Khánh đi sau đỡ lời. Đang bước đi, Hội bỗng dừng lại quay nhìn chúng tôi nhíu mày, rồi lắc đầu bỏ vô phòng. Chắc là "hết ý kiến" với đám tỵ nạn này. Chiều hôm đó Hội đưa tiền cho chị Hải đi chợ mua gạo cùng các thứ cần thiết khác cho chùa và làm một bữa "bún bò xào" cho anh em ăn tối bù lại những ngày đói khát!

Tháng Bảy năm 1999 tôi qua Mỹ định cư, Khánh ở lại chờ đến phiên mình. Thời gian này Niệm Phật Đường dời ra Baclaran và chính thức xin phép lập hội để tiện cho bà con vể làm giấy tờ luôn. Lúc ấy anh Nguyễn Đình Thắng không còn khả năng cung cấp tài chính nữa nên quyết định đóng cửa văn phòng luật sư vì anh nghĩ dẫu sao thì cũng đã mở được một con đường định cư cho mọi người rồi và những ai có diện thì cứ theo đó mà tự túc lo liệu. Tuy nhiên Trịnh Hội lại muốn đưa mọi người đi hết và Hội tin rằng Hội có thể làm được nên Trịnh Hội "take over" văn phòng và tiếp tục cho đến sau này.

*

Tôi về Cali tham dự ngày hội Việt Báo hôm Chủ Nhật, 17 tháng 08 vừa rồi nhân dịp nhận giải thưởng "Viết Về Nước Mỹ năm 2014" nhờ vậy mà có cơ hội gặp lại một số bà con anh em bên trại tỵ nạn như gia đình anh Thiên, vợ chồng Đỗ Bình, Dũng "búa," vợ chồng Khánh hồi xưa buôn bán ở Roxas, Palawan, tại nhà của anh Cả, cựu Chủ Tịch trại PFAC, ở Garden Grove.

Ngay từ trưa ngày Thứ Bảy bọn tôi đã lục tục kéo tới nhà anh. Kể sao cho xiết niềm vui gặp gỡ ấy, chỉ tính từ ngày tôi lên đường đi Mỹ tới hôm đó thôi cũng đã mười lăm năm hơn. Mọi người tay bắt mặt mừng, chúng tôi lai rai tâm sự suốt buổi chiều. Vẫn là những chuyện đấu tranh chống thanh lọc bất công, các tháng ngày biểu tình đòi quyền tỵ nạn cực khổ đầy sôi động ngày xưa, nói mãi không bao giờ dứt. Con đường tìm tự do, đi Mỹ, lắm gian nan ấy như được trải ra lại trước mắt. Dũng "búa" nhìn tôi:

- Tới trại từ 1989 đến Mỹ năm 2006, gần hai mươi năm lận đận, nhưng cuối cùng cũng được tự do, anh. Bây giờ nghĩ lại thấy hãnh diện và không uổng công chờ đợi thiệt.

Khánh tiếp:

- Cũng may nhờ có anh (Trịnh) Hội chứ không thôi tụi em đâu đi được, anh.

Tôi gật đầu:

- Ừ, tụi mình rất may. Tụi mình mang ơn nhiều người lắm và cả cộng đồng người Việt ở hải ngoại nữa.

Nghe tôi nói thế mọi người chợt im lặng, bồi hồi cảm khái theo đuổi ý nghĩ riêng.

Giờ đây năm tháng đã làm cho chúng tôi có già hơn, da có nhăn hơn, đuôi mắt đã nhiều dấu chân chim hơn và dù sống trong sung túc, hay nghèo hèn nhưng tôi biết chắc một điều là ai cũng mãn nguyện, tự hào với con đường mình đã chọn lựa.

Ngày xưa, chúng tôi chấp nhận đánh đổi sinh mạng với phong ba bão tố, hải tặc hay đói khát. Chấp nhận làm mồi cho cá, vùi thây trên biển, chấp nhận sống lây lất thiếu thốn ở trại, bị mắng nhiếc, bị đánh đập xua đuổi, nhưng vẫn kiên trì chờ đợi suốt bảy tám năm trời chớ nhất quyết không trở về với chế độ cộng sản. Rồi sau tháng năm đen tối ấy chúng tôi lại chấp nhận lên rừng xuống núi, buôn thúng bán bưng, cực khổ lầm than, dãi nắng dầm mưa để mưu sinh nhưng lòng vẫn bền bỉ mong ngày "thái lai." Nên không ai trong chúng tôi bây giờ có thể quên các kỷ niệm về những câu chuyện tỵ nạn khổ đau ấy, vì như Martin Luther King, Jr. đã nói "Freedom is not free!"

Không có hy sinh nào cho tự do là quá đáng. Không có hy sinh nào cho tự do là quá lớn. Tự do không có cho không bao giờ. Tự do là tất cả!

Mùa thu, Ohio

Miami-Township, 21 tháng 09 năm 2014

Triều Phong (TPN)

Chú thích:

* Đơn vị tiền tệ của Phi Luật Tân.

** Một loại xe chở khách thông dụng ở các thành phố của Phi.

Ý kiến bạn đọc
24/10/201411:59:14
Khách
Chào anh Lân Phạm,
Xin trả lời thắc mắc của anh như sau:
Năm 1999, khi vừa định cư tại Mỹ tôi có viết một, hai bài liên quan đến mấy vấn đề này nhưng không được báo nào đạng vì có thể:
1- Bào chí không biết tôi là ai mà các chi tiết lại có liên quan tới một số vị của cộng đồng nên họ ngại đăng vì không biết nguồn tin có đáng tin cậy không.
2- Chuyện "xây Làng Việt Nam" ở Phi đã xảy ra nhiều tranh cãi trong cộng đồng bên Mỹ thời đó nên có lẽ người tai không muốn nhắc lại.
3- Cuối cùng thì cũng có thể vì "kỹ thuật viết văn" của tôi kém cõi quá nên không thể đăng được cũng không chừng!
Cám ơn bạn đã có thắc mắc đóng góp.
Mến,
Triều Phong
19/10/201416:00:01
Khách
Tôi đọc xong tự truyện này thấy tội nghiệp mấy người có lòng tốt giúp đồng bào mình quá, nhất là anh Trịnh Hội. Tuy nhiên tôi có thắc mắc là tại sao đến bây giờ, hơn cả chục năm sau, tác giả Triều Phong mới chịu công khai các việc này?
10/10/201412:46:56
Khách
Cám ơn chị Thuy và chị Bạch Ngọc đã chia xẻ tâm tình.

Mến,
Triều Phong (TPN)
08/10/201415:46:06
Khách
Đọc hết 3 bài tự truyện này mới thấy thương cho đồng bào bên Phi. Họ trả gIá đắt cho tự do nên bây giờ họ rất quý chứ chả như các người đến đây dễ dàng, chẳng hiểu giá trị của nó, nên lúc nào cũng đòi về. Họ nên ở VN luôn, đừng trở qua làm bẩn mặt những người chết sống cho lý tưởng tự do và cũng vô cùng ngưỡng mộ các ân nhân giúp họ trong cơn họan nạn bằng tấm lòng cao thượng mà tôi không có được.
04/10/201405:58:13
Khách
Cám ơn tác giả đã cho chúng tôi một cái nhìn thấu đáo về những mảnh đời tị nạn khốn khó! Trịnh Hội thật là một nguòi trẻ với trái tim bằng vàng. Mong anh luònbinh an hạnh phúc!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 5,573,481
Bài viết kể chuyện dọn nhà mười năm trước, tự lái xe xuyên bang 1,500 dặm, từ Pennsyvania về Texas. Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2014.
Thứ Năm tuần cuối tháng 11 là Lễ Tạ Ơn. Lễ tạ Ơn năm nay nhằm ngày 27-11, cũng là ngày đặc biệt nhất của cô gái Việt bị gả bán sang Mỹ rồi bị ông chồng già giam lỏng.
Chuyện kể, nhân bữa nhậu mùa Lễ Tạ Ơn, hồi tưởng về một khúc phố đen đúa tại Dallas. Tác giả là một nhà báo quen thuộc,
Tác giả tên thật Lý Tuyết Mai, cư dân Pomona, CA. Việc làm: Nhân Viên Bộ Xã Hội. Đã nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm, Viết Về Nước Mỹ 2009 với bài "Con Bé",
Trông mặt mà bắt hình dong. Người ta cứ tưởng Hoàng Đế Bắc kinh Xi Jinping là con người hiền lành, vô hại và nhứt là “dễ bảo”.
Chuyện kể về người chồng cựu tù nhân bị trầm cảm rồi suy nhược thần kinh, sau nhiều nghịch cảnh. "Chồng tôi là lính VNCH.
Với 14 bài viết trong năm, tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014.
Tác giả là một huynh trưởng Viết Về Nước Mỹ, nhận giải danh dự từ năm 2000, và liên tục góp nhiều bài viết giá trị, để hỗ trợ và cổ võ việc Viết Về Nước Mỹ.
Tháng 11 là mùa Lễ Tạ Ơn, mời đọc bài của Lê Nguyễn Hằng viết về người bảo trơ. Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014.
Tác giả 54 tuổi, cho biết cuộc sống thu gọn trong gia đình nhỏ bé với ba đứa con. “Chuyện Trái Banh...” là bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến