Hôm nay,  

Vượt Qua Số Phận

16/09/201400:00:00(Xem: 12697)
Tác giả: Phương Hoa
Bài số 4332-14-29732vb3091614

blank
Phương Hoa và Khôi An, hai giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2014 và 2013.

Với loạt bài về Vietnam Museum, “Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," bà đã nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2014.

Định cư tại Mỹ từ 1994 diện tị nạn chính trị theo chồng, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marysville, một thành phố cổ ở vùng California.

* * *

Tôi có bà bạn thân tên Na, chơi với nhau từ ngày xửa ngày xưa ở Nha Trang. Dạo gần đây, mỗi lần gọi cho tôi Na thường kể về chuyện tình cảm của cô cháu gái con người em ruột giầu có của bà, với một cậu du học sinh từ Việt Nam qua Texas, học chương trình sau đại học tại "University of Houston Clear Lake."

Nhờ bà bạn Na, tôi biết được toàn bộ “chuyện tình nhiều tập” gay cấn này.

*

Trọng là con của cặp vợ chồng nghèo ở một làng quê gần núi ngoài miền Trung. Cha Trọng trước kia là thầy giáo Tiểu Học, vừa tốt nghiệp đi dạy ở một thị trấn nhỏ được một thời gian thì đến tháng Ba, 75 tình hình chiến sự sôi động, thầy trò phải bỏ trường mà chạy. Trong một trận pháo kích, ông giáo bị thương gãy chân được mấy người lính Bảo An cứu giúp đưa vào bệnh viện. Các bác sĩ chưa kịp điều trị cho ông thì vội lo di tản theo quân đội Việt Nam Cộng Hòa vào Sài Gòn. Bị bỏ nằm bơ vơ ở bệnh viện một thời gian dài, nên cái chân ông giáo bị nhiễm trùng và về sau phải cưa đi cưa lại mấy lần, đến lần sau cùng thì đã cụt lên đến đầu gối.

Khi vết thương của cái chân cụt đã lành, vợ chồng ông giáo trở về quê. Với chút vốn liếng dành dụm được lúc đi dạy học, hai người sửa lại ngôi nhà từ đường đã bị bom đạn cày sập để ở. Vợ chồng làm ruộng, nuôi heo, và làm thêm nghề đan lờ bán cho người ta bắt cá. Nhà từ đường của ông bà để lại tọa lạc trên khu vườn rất rộng. Nhưng từ khi vô hợp tác xã, chính quyền đã lấy bớt đất chia cho người khác cất nhà. Nhờ nhà Trọng có năm nhân khẩu nên diện tích cũng còn thong thả để cất chuồng heo và trồng rau ăn. Khi các con lớn thêm một chút, thấy cuộc sống cơ cực bần hàn, đầu tắt mặt tối mà vẫn không đủ ăn, mẹ Trọng bèn giao mấy sào ruộng tiêu chuẩn và con heo nái cho người chồng cụt giò và mấy đứa con ở nhà chăm sóc, bà theo người ta vào Sài Gòn bán vé số kiếm tiền.

Hai đứa con gái lớn và thằng út là Trọng, hàng ngày ngoài giờ học về nhà phụ cha làm ruộng, lo cho đàn heo con, và đi mua tre về đan lờ bán. Chắc chiu dành dụm, lâu lâu bà giáo mang tiền về thăm chồng con vài hôm rồi lại đi tiếp. Dù nghèo, vợ chồng ông giáo vẫn quyết tâm cho con ăn học. Thật may mắn, cả ba đứa con đều học giỏi.

Khi Trọng lên cấp hai là lúc cậu đã bắt đầu biết suy nghĩ. Nhìn cha bước chân khó nhọc, thì thọt trên chiếc nạng gỗ mà vẫn ráng bê thức ăn cho heo, cậu bé thương cha lắm. Một lần Trọng đi học về thấy cha bị con heo nái hám ăn hất té lăn cù, vì không kịp đổ thùng

thức ăn vào máng. Nạng văng một nơi người lăn một ngả. Sau khi giúp ông đứng dậy,

Trọng ra đứng núp trong bụi chuối khóc đến sưng cả mắt. Cậu không dám để cha thấy sợ ông buồn. Lần khác, cha Trọng ngồi đan lờ, kẹp cái lờ giữa hai chân và bị những chiếc nan tre bén nhọn trượt ra, đâm vào vết thương cũ trên cái đầu gối cụt. Máu chảy dầm dề, sau đó nhiễm trùng làm ông rất đau đớn phải đi bệnh viện.

Từ đó cậu bé tự hứa với lòng sẽ học thật giỏi để mai sau giúp đỡ cha mẹ. Và Trọng đã học hành xuất sắc trong suốt những năm Trung Học, dù hàng ngày sau khi đi học về phải phụ hai chị giúp cha lo ruộng đất và việc nhà. Trọng vốn rất mê vi tính. Cậu dành dụm số tiền ít ỏi mẹ chia cho mấy chị em chi phí sách vở, thường xuyên vào cái quán net đầu làng, tự mày mò tìm học và thông thạo hết các "ngỏ ngách" của máy computer.

Rồi Trọng thi đậu đại học, là một trong ba thí sinh có số điểm cao nhất, ngành Công Nghệ Thông Tin, và được nhận một số học bỗng. Khi vào Sài Gòn học, nhìn mẹ thân hình còm cõi, quần áo bạc phơ, đầu đội chiếc nón lá rách tả tơi, hàng ngày lặn lội lang thang dưới nắng Sài Gòn để bán vé số, Trọng đau lòng lắm. Cậu nhất định không cho mẹ đi bán nữa, mà buộc bà phải về quê để giúp gia đình. Chi phí cho việc học để cậu tự lo lấy. Trọng tìm mọi cách làm thêm, đi dạy kèm, sửa máy vi tính, để có đủ tiền học phí.

Vừa học vừa làm vất vả, nhưng nhờ cố gắng không ngừng, Trọng đã lần nữa tốt nghiệp đại học hạng "top three" và xin được việc làm rất tốt cho một công ty ngoại quốc. Từ đó cậu dành dụm phụ giúp gia đình và lo đám cưới cho hai cô chị khi họ lấy chồng.

Nhưng Trọng không dừng lại ở đó. Sau khi giúp cha mẹ ổn định, và nhận thấy chương trình du học nước ngoài đang trên đà phát triển, Trọng mơ ước được đi du học Hoa Kỳ. Vừa đi làm vừa dệt ước mơ, cuối cùng dịp may đến khi Trọng xin được cái học bỗng sang Mỹ du học sau đại học, diện tu nghiệp, với năm mươi phần trăm học phí.

Được học bỗng thì mừng, nhưng về chi phí thì phải làm sao đây? Năm mươi phần trăm học phí cũng không phải là nhỏ đối với gia đình nghèo như cha mẹ Trọng. Trọng về nói với gia đình và họ cũng chưa biết tính sao. Thật là may, gặp dịp địa phương lên kế hoạch mở con đường nhựa dẫn đến khu công nghiệp trong vùng, ngang qua nhà Trọng. Mọi người xôn xao, vì giá những lô đất dọc theo con đường tự nhiên tăng lên vùn vụt, dù con đường vẫn còn trong dự án.

Ông giáo bèn họp vợ con lại bàn tính. Ông muốn bán nhà và lô đất vườn để lấy tiền cho Trọng đi du học. Mẹ Trọng là người phản đối đầu tiên. Bà dãy nảy lên:

- Không được đâu! Đây là nhà từ đường của ông bà để lại, bán đi mang tội chết!

- Thời buổi này còn kể chi việc ấy đâu bà! Ông buồn bã nói. - Đến đất mồ đất mả ông bà mình mà người ta còn vào cất nhà ở kia kìa. Bây giờ phải hy sinh để con nó ăn học thành tài, sau này nó mua lại chỗ khác cất lên, ông bà chắc cũng vui mà hoan hỉ. Mình cứ e ngại nọ kia, túm tụm lại đây thì tương lai con làm sao? Được học bổng du học Mỹ không phải dễ, bây giờ không đi thì uổng lắm!

Trọng cũng không chịu vì cảm thấy có lỗi với ông bà. Không phải là ông giáo chẳng đau lòng. Nhưng vì muốn lo cho tương lai của con, ông phải cắn răng thuyết phục vợ con:

- "Còn rừng còn củi," ông nói. Sau này con thành tài, ra đi làm sẽ có tiền cất lại nhà từ đường đâu có muộn. Ba nghĩ là ông bà cũng vui lòng khi thấy con thành đạt.

Cuối cùng, cả nhà đồng ý bán hai phần ba miếng đất, kèm theo ngôi nhà, còn chừa lại một phần. Vậy là Trọng mang số vốn độc nhất của gia đình đi Mỹ học, sau khi cất một căn nhà ngói nhỏ xíu gần bên nhà cũ cho cha mẹ ở.

Đến Mỹ vào trường, ngoài việc chăm chỉ học để giữ học bỗng, Trọng còn kiếm việc làm thêm để phụ vào chi tiêu. Trọng học rất giỏi, tính tình lại hiền lành, thường giúp đỡ bạn bè nên được các bạn học sinh người Mỹ gốc Việt thương mến. Họ giúp giới thiệu việc làm thêm cho Trọng, đi sửa máy vi tính cho bà con người Việt, cuối tuần đi làm ở chợ cá giúp cắt cá cho người ta, và làm bồi bàn mấy ngày vào buổi tối. Bảy ngày trong tuần không có ngày nào cậu rảnh. Trọng lại càng bận rộn hơn khi được nhận vào làm "Work Study" trong trường. Cậu luôn bị thiếu ngủ. Những lúc ngồi ngoài cửa lớp chờ đến giờ vào học, Trọng thường tranh thủ chợp mắt. Bạn bè cùng lớp thương tình nên để ý gọi dùm, nếu không thì có lẽ cậu đã đánh một giấc cho tới khi tan học.

Trọng là một thanh niên đẹp trai, học giỏi, nhưng vì nghèo nên cậu chẳng dám đua đòi, tham gia các cuộc vui cùng những du học sinh khác. Tuy cố thu mình trước chúng bạn, có lẽ duyên nợ đẩy đưa, sau một thời gian học ở đây, Trọng quen với Leana, cô bạn học khác ngành đã cùng ngồi chung mấy lớp.

Leana nhỏ thua Trọng bốn tuổi, đang học năm thứ hai ngành Business. Cô bé xinh xắn dễ thương nhưng tính tình lại rất ngổ ngáo bướng bỉnh. Là con út của nhà giàu, cô thường muốn gì được nấy. Sinh trưởng và lớn lên ở Mỹ, Leana nói tiếng Anh lưu loát và tiếng Việt chỉ bập bẹ khi nào cô thích. Thường thì ít khi Leana nói tiếng Việt, trừ khi cô cần tâm sự với bà bác Na, nhưng nói xen tiếng Anh lẫn tiếng Việt. Cô tự xưng cô là "người Mỹ," không bắt buột phải học một ngôn ngữ nào khác, nếu có ai đó trong gia đình chỉ trích sao cô không nói tiếng Việt. Lớn lên từ High School, lại biết mình có nhan sắc, nhiều chàng trai đeo đuổi, Leana hành xử ngông nghênh, nghịch ngợm chọc phá mọi người. Cho đến khi gặp Trọng.

Câu chuyện lần đầu tiên Leana và Trọng gặp nhau cũng thật đầy thú vị. Hôm đó Leana đang trên đường đến lớp Xã Hội Học. Vai mang cặp, cô vừa đi vừa nhún nhẩy theo nhịp điệu một bài hát của "Weird Al" Yankovic từ chiếc máy ghi âm nhỏ xíu đeo tai. Trong lúc vội vàng hấp tấp vì đã gần đến giờ vào lớp, Leana không nhìn thấy Trọng đang ngồi tựa vách tường lim dim ngủ gật. Và cô bé đã vấp vào cậu. Trọng giật mình mở mắt, cũng vừa lúc thấy cô gái ngã chúi tới phía trước. May mắn nhờ chụp vào cái trụ xi măng nên cô không bị té. Lỗi tại mình, nhưng với bản tính ngang ngược, Leana giận dữ quay lại sừng sộ với Trọng:

-Hey! "What the hell are you doin here?" Này! Anh đang làm cái quái gì ở đây thế?

Trọng nhìn lên, tỉnh ngủ khi thấy cô bé đang "phùng má trợn mắt" đứng trước mặt. Dù đang giận, cô ta trông vẫn rất xinh. Mái tóc ngang vai hung hung đỏ, chiếc váy Jean ngắn củn cởn, áo thun trắng sát nách hở cổ hở lưng, trước ngực có in chữ "I Love Nerds." Trọng tưởng cô là người nước ngoài. Cậu lắc đầu, rồi cũng đáp lại bằng tiếng Anh:

- "I do... nothing!" Tôi đâu có làm gì? Rồi cậu nhìn vào mắt cô bé, cười cười giọng trêu chọc: - Là cô đá vào tôi đấy chứ! Sao lại đi...bắt nạt "nạn nhân" của mình nhỉ!

Ai ngờ nụ cười rất có duyên với lúm đồng tiền cùng ánh mắt tinh quái của "anh chàng ngủ gục" đã làm cho Leana đỏ mặt lúng túng. Không biết "chui đi ngả nào," cô tiếp tục gân cổ nạt nộ:

- "Don t look at me that way!" Không được nhìn tôi cái kiểu ấy!

- Ô hay! Cô cũng nhìn tôi đó kìa! Trọng vẫn cười cười khi thấy thái độ của cô bé: - Nếu cô không nhìn tôi, sao cô lại thấy tôi nhìn cô chứ! Vậy thì mình huề nghe...

Leana tức tối trợn mắt, định cho cái anh chàng lém lỉnh này một trận, nhưng cô chưa kịp mở miệng thì giáo sư đã đến. Hai người phải theo chân ông thầy vào lớp. Vì không còn chỗ, hai "kẻ thù" bắt buộc phải ngồi cạnh nhau.

Không ngờ sau lần đó, hai đứa vẫn... thích ngồi cạnh nhau.

Leana chú ý nhiều hơn đến chàng sinh viên Việt hiền lành hay ngồi ngủ gật trước cửa lớp. Cô bé thường giúp đánh thức Trọng dậy. Chỉ một thời gian sau khi làm bạn với Trọng, tính tình Leana xoay chuyển một cách không ngờ. Tình yêu đã làm thay đổi cô gái cứng đầu này. Mỗi lần có bài toán khó, Leana mang đến nhà ăn của trường nhờ Trọng giúp. Trọng cũng cố gắng dành chút thì giờ rảnh ít oi của cậu để đi dạo quanh hồ Clear Lake của trường với Leana và tâm sự cùng nhau. Cậu kể hết cho Leana nghe mọi thứ về bản thân cậu, về gia đình, không một chút gì dấu diếm. Và điều này càng làm cho trái tim cô bé thổn thức thêm.

Dù nói tiếng Anh cũng khá, từ khi Trọng biết Leana là người Việt Nam cậu chỉ trả lời tiếng Việt khi nói chuyện với Leana, để giúp cô. Từ một cô bé chỉ nói tiếng Anh, Leana tập nói tiếng Việt nhiều hơn, dần dần lưu loát hơn. Trọng còn dạy tiếng Việt cho cô. Và rồi cô có thể trao đổi email qua lại với Trọng bằng tiếng Việt.

Tính cách Leana thay đổi "180 độ," ăn mặc không còn hở rốn hở lưng, hành xử thì nói năng từ tốn lễ phép. Bạn bè, gia đình đều ngạc nhiên khi thấy Leana bỗng dưng trở thành một cô gái Việt dịu dàng. Họ càng không thể tin nổi khi nghe cô đọc và viết được tiếng Việt.

Trọng ở trọ share chung một phòng ngủ với người bạn du sinh khác trong nhà một người Việt gần trường. Lần nọ Trọng đi cắt cá rủi bị con dao rớt trúng ngón chân cái. Vết cắt khá sâu, nhưng cậu ráng chịu đau, vẫn tiếp tục đi học, đi làm bình thường. Đến chừng vết thương nhiễm trùng, cậu bị sốt, nằm mê man trong phòng không ai hay biết. Leana thấy Trọng vắng mặt, cô gọi cậu chẳng được nên vội tìm đến nhà trọ rồi phát hiện ra tình trạng của Trọng và đưa đi bác sĩ. Từ đó cô bé quen bà chủ nhà và đến chơi thường xuyên.


Thấy Trọng đi làm vất vả mà ăn uống kham khổ, phần lớn là ăn mì gói, Leana lên mạng học cách nấu thức ăn Việt Nam rồi mua đồ đạc đem đến nhà trọ nhờ bà chủ nhà chỉ thêm để cô nấu. Bà ấy cũng rất thích cô bé. Nhiều lần đi học đi làm về, Trọng thấy đồ ăn để sẵn tươm tất trên bàn. Bà chủ nói Leana đã đem đến cùng bà nấu nướng. Trọng rất cảm động và càng yêu Leana hết mực. Tuy nhiên, biết cảnh gia đình mình không tương xứng với người yêu, Trọng kêu cô hãy chờ cậu tạo dựng sự nghiệp rồi hãy tính.

Nhưng dù thương chiều cô út đến cỡ nào, mẹ Leana cũng đã nổi trận lôi đình khi biết cô con gái cưng đã yêu "một thằng du học sinh nghèo kiết xác". Bố Leana rất thương cô con gái út và chỉ mong cô được hạnh phúc. Nhưng khổ nổi, dù ngoài đường ông là nhân vật chính hái ra tiền, về nhà ông lại thuộc vào hàng... thứ yếu nên chẳng làm gì được để giúp con gái.

Sau khi tốt nghiệp Thạc Sĩ, Trọng xin làm full-time thời hạn một năm cho một hảng computer trong thành phố, nơi trước đây cậu từng làm thực tập (Internship), với mức lương cũng khá. Vì mãi ưu tư về việc cha mẹ bán nhà của ông bà cho mình đi học, Trọng muốn đi làm một thời gian dành tiền gửi về giúp gia đình, trước khi trở lại trường học tiếp bậc Tiến Sĩ. Cha mẹ Trọng rất mừng, nhưng không dám tiêu xài số tiền của con cho. Họ cất để dành, dần dần có đủ tiền và họ đã cất lại được ngôi nhà từ đường ba tầng trên toàn diện tích của mảnh đất nhỏ còn lại. Hình chụp gửi qua, Trọng rất vui vì đã giảm được mặc cảm có tội với ông bà.

Sau một năm, khi hảng đồng ý ký lại hợp đồng làm việc lần thứ nhì, cậu xin công ty giảm bớt giờ làm để trở lại trường học.

Leana thấy cha mẹ Trọng nhà cửa đàng hoàng, cô cũng mừng và hy vọng chuyện của hai người sẽ tiến triển khá hơn. Tuy nhiên, mẹ Leana sau một thời gian cấm cản cô không được, đã gọi điện thoại trực tiếp "xài xể" Trọng bằng những lời lẽ khó nghe. Dù rất yêu Leana, nhưng sự khinh miệt của mẹ cô làm cho Trọng tự ái và dè dặt. Cậu bắt đầu tìm cách tránh né Leana.

Việc Trọng né tránh đã làm cho cô bé nổi khùng. Leana bỗng trở lại bản tính nổi loạn thường ngày. Máu độc lập của tuổi trẻ Mỹ trổi dậy. Muốn phản đối mẹ, sau khi tốt nghiệp đại học, Leana rủ Trọng dọn ra ngoài ở chung. Nhưng vì Trọng chưa quen với cái kiểu "quỳnh liều" này, cộng với bản tính tự trọng của chàng thanh niên Việt từ sự giáo dục của cha, nên cậu nhất quyết từ chối. Trọng muốn mẹ Leana phải chấp nhận cậu một cách "tâm phục khẩu phục" chứ không phải bằng cách đặt trước "một sự đã rồi."

Nhưng với tính tình bướng bỉnh, Leana đâu dễ chịu nghe lời. Một hôm nhân lúc Trọng đi làm, cô bé đi thuê nhà rồi đùng đùng đem xe đến nhà trọ dọn hết đồ đạc của cậu đem về để hai đứa sống chung. Trọng về, cậu tỏ vẻ không bằng lòng, và đến dọn đồ trở lại nhà trọ. Cậu không muốn bị mẹ Leana xem thường, cho là cậu "dụ dỗ" cô như bà đã từng nói.

Và Leana đã vô cùng giận dữ. Cô điên tiết nói với bà bác Na là sẽ "không thèm nhìn mặt" Trọng nữa. Lần đó Na đã gọi cho tôi, than thở:

- Sau khi thằng Trọng dọn đồ về lại nhà trọ, con bé đã nổi điên dọn ra ngoài ở luôn. Na nói trong nghẹn ngào. Tội nghiệp! Nó khóc tu tu như bị ma làm! Thú thật mình nghe thế vừa thương mà cũng vừa nể phục thằng bé ấy lắm mụ ạ. Nó là du học sinh, đây là cơ hội tốt để nó kết hôn với cái Thùy, lấy thẻ xanh và ở lại hợp pháp. Thế mà nó đã từ chối. Thằng bé tốt thế mà mụ em lại còn chê! Rõ là đồ ngốc!

*

Thời gian sau đó, tôi không nghe bà bạn "tâu báo" gì nữa nên rồi tôi cũng quên đi "câu chuyện dài nhiều tập" của cô cháu cưng bà ấy.

Nhưng rồi bỗng một ngày Chúa Nhật, tôi vừa đi chợ trời về thì có điện thoại.

- Mình vừa đi Texas dự đám cưới cái Thùy về, mệt bỏ xừ đi ấy! Giọng Na hớn hở: -Nhưng vui quá nên điện cho mụ đây!

- Wow! Vậy sao? Tôi cũng thấy vui lây. Như vậy cuối cùng thì chuyện tình này cũng đã có kết thúc tốt đẹp. Tôi thầm mừng cho đôi trẻ. Nhưng sao mà hay vậy? Chẳng phải trước đây bà kể mẹ Thùy cương quyết từ chối chấp nhận cậu du học sinh ấy sao? Có phải là nhờ vào bàn tay...phù thủy của bà không? Tôi chọc.

- Không phải đâu! Là cái Thùy đấy! Tôi mỉm cười. Vẫn là "cái Thùy." Cô cháu tên

Leana mà tôi chưa bao giờ nghe bà bạn một lần gọi cô bé bằng cái tên Mỹ ấy. Rồi Na cười ha hả bên tai tôi, cái kiểu cười sảng khoái vô cùng tận của một người vừa trút đi cái gánh nặng trên vai. Con bé giở trò ăn vạ, mụ ạ!

- Ăn vạ? Tôi kêu lên, không hiểu.

- Ối giời! Con bé đáo để lăm mụ ạ! Na nói xong lại thích thú cười tiếp. - Nó thấy làm cách nào cũng không thuyết phục được cái thằng người yêu lẫn mẹ nó nên nó bèn giở cái thuật ăn vạ của nó ra, cái thuật mà từ nhỏ nó vẫn làm...ha...ha...ha...

- Nghĩa là thế nào? Tôi nôn nóng hỏi.

- Nó vờ uống thuốc ngủ tự tử...

- Trời! Tôi kêu lên.

- Phải! Không hiểu nó học cái kiểu ăn vạ ấy ở đâu. Na lại cười vang, rồi bắt đầu kể một hơi. Trong cơn vui, bà đã không dùng chữ "mình mình đầu đầu" gì ráo trọi để nói với tôi như thường ngày, mà bà xưng "tôi" tuốt luốt: - Tôi biết nó chưa bao giờ xem phim Tàu mà, hì hì hì. Sau khi thằng bồ nó dọn đi và hai đứa giận nhau, nó giận luôn mẹ nó. Thế là nó lập kế, giả vờ uống thuốc ngủ tự vận, rồi nhờ đứa bạn gái gọi cho mẹ nó, cho thằng Trọng. Chao ơi! Bọn họ hãi đến vãi ra quần đấy mụ ạ! Chỉ tức là con nhãi ấy lại chẳng nói cho tôi biết, làm tôi cũng mất cả hồn vía. Sau này tôi trách nó thì nó cười khì ra. Mụ nghĩ có tức không kia chứ! Nó nói sợ tôi không giữ được bí mật...

Tôi bật cười. Con cháu đã hiểu quá rõ tính tình của bà bác. Nghe câu chuyện khá là ly kỳ thú vị, tôi tiếp tục "khảo tra" Na. Ai nói tôi sao quá tò mò, tôi xin chịu. Mỗi lần nghe thông tin hay câu chuyện hấp dẫn là tôi hay truy hỏi "cho tới bến" mới thôi. Cuối cùng tôi mới vỡ lẽ ra, vì tính tình bà bạn Na của tôi "trớt quớt," đơn giản hiền hòa, không sâu sắc, nên mới cười vui hỉ hả cho cái kết quả này. Chứ thật ra thì sự việc "ăn vạ" của cô cháu rất là nghiêm trọng, không đáng cười chút nào. Tôi nghe Na kể mà giật cả mình.

Lúc ban đầu, Leana đã bị khủng hoảng đến mức định tự tử thật. Sau khi Trọng dọn đồ về lại nhà trọ rồi đi làm, Leana đến gặp bà chủ nhà để than vãn, để "mắng vốn" kiếm đồng minh vì bà ấy rất thích cô. Và cô bị "shock" khi thấy Trọng khóa phòng cậu lại trước khi đi làm. Từ nhỏ đến lớn vì gia đình hết mực cưng chìu, cô bé chưa bao giờ một lần bị thất vọng. Đã từng quen với cái cách món đồ nào cô thích là phải có cho bằng được, bây giờ "món đồ" người yêu này khước từ cô, mà nguyên do là từ người mẹ trước đây luôn chìu chuộng cô hết mình, làm sao mà cô không bị khích động. Tính tình nóng nảy lại trong lúc quá tuyệt vọng, Leana không còn thiết sống nữa. Cô quyết phải đi mua thuốc ngủ về để...chết. Từ nhà trọ, Leana phóng lên xe lái chạy như bay, trước con mắt kinh ngạc của bà chủ nhà.

Mua thuốc về, Leana ngồi viết một lá thư tuyệt mạng để lại cho cha mẹ. Lần đầu tiên

trong đời Leana viết thư tay bằng tiếng Việt. Có lẽ vì nghĩ đó là lúc...sắp từ giã cõi đời, nên Leana đã "trở về nguồn," dùng thứ tiếng Việt trong tâm thức của cô để viết thư. Trong thư Leana cho biết không thể nào sống mà không có Trọng trong cuộc đời. Cô kể cho mẹ những đức tính tốt của người yêu, hiền lành, thông minh, chịu khó, có ý chí tiến thân, yêu cô hết mực, mà tại sao mẹ lại từ chối Trọng. Không ngờ càng viết cô càng mủi lòng, càng nhớ đến Trọng. Nước mắt cô rơi đầm đìa, ướt đẫm lá thư. Và khi niềm đau cùng nỗi nhớ về Trọng dâng cao, Leana chợt nhận ra mình không thể nào chết được. Thế là cô vụt tỉnh. Cái bản tính tinh ranh cố hữu lại trở về. Cô gọi Tina đứa bạn thân nhất đến cùng nhau tính kế.

Kết quả của "độc chiêu ăn vạ" ngoạn mục này là Trọng "ăn" một cái ticket vượt đèn đỏ. Dù bị cảnh sát hú còi cách bệnh viện đến mấy block đường, cậu vẫn không hề hay biết vì mãi suy nghĩ đến sự an nguy của người yêu, nên họ đã phải rượt đến tận cổng bệnh viện. Sau khi nghe Trọng trình bày sự việc, người cảnh sát thông cảm chỉ cho giấy phạt vượt đèn đỏ, không truy tố anh về cái tội "không chấp hành lệnh của nhân viên công lực."

Mẹ Leana thì khóc đến ngất đi khi đọc lá thư "tuyệt mạng" bằng tiếng Việt nhiều lỗi chính tả nhưng đẫm nước mắt của đứa con út bà hết mực cưng chìu. Bà đã nhận ra sai lầm của mình, suýt chút nữa thì mất đứa con bỡi những thành kiến lỗi thời "môn đăng hộ đối." Khi Trọng đọc thư, cậu cũng đã bật khóc vì nhận ra tình yêu vô bờ bến của Leana.

Thật là... hú hồn cho mẹ Leana. Tôi thầm nghĩ. Nếu cô bé không nghĩ lại vào giờ chót thì giờ này bà làm sao sống nổi.

Đám cưới Leana cũng là lần đầu tiên Na gặp mặt cậu cháu rể mà bà ấy hằng bênh vực.

- Ối giời ơi! Thằng bé đẹp giai ra phết mụ ạ! Na nói. -Thảo nào mà con bé chẳng chết sống vì thằng ấy! Giọng Na sôi nổi, xen lẫn tự hào. Tôi hiểu, là dù gì bà ấy cũng đã từng có công lớn, nhiều lần thuyết phục người em gái khó tính của bà cho cuộc hôn nhân này.

Rộn rã trong niềm vui, Na kể về lễ cưới của Leana và Trọng. Sau khi mẹ Leana đồng ý, Trọng báo về cho cha mẹ. Mới đầu mẹ Trọng có chút không vui, vì bà nghe Trọng phải rửa tội theo Công Giáo cùng gia đình Leana. Nhưng ông giáo là người hiểu biết, ông đã thuyết phục bà. "Gia đình mình từ trước đến nay không theo đạo nào, bây giờ thằng con có một nơi làm chỗ dựa tinh thần thì cũng tốt," ông nói.

Trước đám cưới, Trọng gửi tiền về dặn cha mẹ cũng phải mở tiệc bên Việt Nam trong ngày ấy và mời họ hàng đến chia vui. Cậu muốn làm rạng rỡ gia đình để báo hiếu, đền đáp công ơn cha mẹ, cho họ có thể ngẩng cao đầu nhìn dòng họ, bạn bè. Vì Trọng biết, từ khi bán ngôi nhà từ đường cho cậu đi du học, cha mẹ cậu rất đau lòng không dám nhìn ai. Bây giờ nhà cửa cũng đã đàng hoàng, việc học hành, sự nghiệp của Trọng đang tiến triển rất tốt, lại chuẩn bị kết hôn, nên cậu muốn bà con đến chung vui cùng cha mẹ.

Trước khi tiệc rượu "dinner" bắt đầu, qua hệ thống internet Skype, hai họ từ nửa vòng trái đất cùng nhau trò chuyện râm ran như pháo nổ. Nhà trai từ Việt Nam đã chứng kiến quang cảnh buổi tiệc ở nhà hàng, rực rỡ với bàn ghế trắng tinh thắt nơ đỏ lóe, cả một rừng hoa trang trí, cái bánh cưới "nhà lầu" nhiều tầng không đếm xuể, và dàn nhạc thật qui mô trên sân khấu. Nhà gái từ Mỹ cũng nhìn rõ cha mẹ Trọng ăn mặc chỉnh tề, họ hàng đông đủ, bàn tiệc tươm tất. Đặc biệt, sau khi cho xem toàn cảnh buổi tiệc trong nhà, cô chị của Trọng còn bê cái laptop đi vòng vòng ra bên ngoài để cho mọi người chiêm ngưỡng ngôi nhà tổ mới, ba tầng của gia đình Trọng. Tuy khuôn viên ngôi nhà thì nhỏ, nhưng chiều dài rất sâu, và được thiết kế hoàn mỹ, đẹp uy nghi với những họa tiết trang trí bắt mắt bên ngoài, và cao ngất ngưởng. Là ngôi nhà cao nhất của đoạn đường này.

Và nụ cười của mẹ Leana hôm ấy rộng đến tận mang tai. Bà là người cười nhiều hơn ai hết trong bữa tiệc cưới, bạn tôi kể. Bà ấy hãnh diện cũng phải. Cậu con rể nghèo mà bà từng ghét bỏ đã cố gắng một cách phi thường để vượt qua số phận. Cuối cùng, bà cũng nhận ra Trọng là chàng thanh niên lý tưởng cho con gái bà.

Bẵng đi một thời gian, tôi không còn nghe bà bạn Na gọi điện thoại "kể lể" về "cái Thùy" của bà nữa. Cho đến một hôm tôi cảm thấy nhớ nên tự động gọi cho bà. Thì ra Na đang bận rộn thu xếp nhà cửa, chuẩn bị dọn về Texas nghỉ hưu. Cô cháu Leana Thùy hiện mang thai đứa con đầu lòng và đang đi làm cho một ngân hàng lớn trong thành phố. Còn cậu cháu rể du học sinh Trọng Đỗ của bà thì đã vào làm việc chính thức cho hãng "Tietronix Software, Inc" ở Texas, một hãng computer hợp đồng với NASA, và đồng thời anh cũng đang chuẩn bị để hoàn thành luận án Tiến sĩ trong mùa hè đến.

Phương Hoa

Ý kiến bạn đọc
08/12/201410:21:19
Khách
Chào dì,
Con là Cường, con của mẹ Bích Vân. Con và mẹ vừa mới đọc các bài báo của dì viết. Chúc mừng dì đã đạt được giải thưởng cao.
Dì cho con email hoặc fb để con hoặc mẹ có thể liên lạc với dì. FB của con tên Tran Quoc Khanh Cuong. Hoặc https://www.facebook.com/tran.q.cuong.9

Email của con: [email protected]
Chúc dì dượng và các anh chị khỏe mạnh, thành đạt.
26/09/201413:59:15
Khách
Chào anh Sáu Steve,
Cám ơn anh đã luôn đọc bài và ủng hộ PH. Chúc anh chị và gia đình luôn hạnh phúc
Mong gặp lại anh chị trong năm tới.
PH
21/09/201415:26:17
Khách
Cám ơn các bạn Andy và conmeo đã đọc bài viết. Cám ơn những nhận xét của bạn Andy. Chúc các bạn và gia đình luôn vui khỏe...
PH
20/09/201401:49:37
Khách
Chào chị Phương Hoa,
Thêm một bài viết rất hay của chị đây.
Chúc anh chị mọi sự thật tốt đẹp.

Sáu
17/09/201421:00:23
Khách
Bài viết về 2 nhân vật chính thật dể thương, thích sự phấn dấu của anh chàng Trọng. Qua ngòi bút cùa tg diển tả bản tính hơi li` lợm và tình yêu của nhân vật nử cũng rất ddáng nghiền ngẩm. Làm việc hơi căng thẳng nhưng sau khi dọc 1 lèo bài viết của tg thì cảm thấy tinh thần phơi phới ngay. Cám ơn tác giả.
17/09/201418:16:49
Khách
Bên đây khoe, bên kia khoe, nói chung là phải có tiền. Chê Việt rồi lại khen Việt.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 5,545,096
Sao Nam Trần Ngọc Bình, nguyên sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo, là một trong những tác giả thân quen với bạn đọc Việt Báo Viết Về Nước Mỹ.
Là phó giáo sư tại học viện ngôn ngữ thuộc Bộ Quôc Phòng Mỹ, Orchid Thanh Lê đã góp 4 bài viết về nước Mỹ, trong đó có “Đi Tìm Tên Một Người Vô Danh”; “Thầy Việt Trò Mỹ”,
Tác giả tên thật Phan Kỳ Long, vượt biển sang Mỹ năm 1990, hiện sống và làm công việc của một kỹ sư điện toán tại tiểu bang Oregon.
“Năm 1975, chiến tranh chấm dứt. Cờ đỏ chiến thắng, đem chuyên chính vô sản trải khắp non sông từ bắc chí nam.
Tác giả có tên trong Danh Sách Chung Kết Viết về nước Mỹ 2014. Song Lam góp 12 bài viết, trong số này có nhiều bài đặc biệt cho thấy sức viết mạnh mẽ của tác giả.
Với kiểu "viết như nói", tác giả đã góp nhiều bài viết và nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2005.
Tác giả định cư tại Pháp, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, Đoàn Thị đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả.
Tác giả là cư dân Miami, tiểu bang Florida, thường góp những bài viết rất ngắn có nội dung cô đọng, tinh tế. Mong Y Châu sẽ tiếp tục viết và viết đầy đủ chi tiết hơn, dài hơn.
Tác giả gửi bài bằng điện thư, cho biết ông từ Úc châu, lần đầu góp bài cho giải thưởng Việt Báo. Truyện đầu tiên kể về mấy người Việt làm việc trong một công xưởng hợp chủng,
Tác giả tham dự Viết Về Nước Mỹ từ 2007. Trước 75, cô là một viên chức trong Quân Đội Việt Nam Cộng Hoà, vượt biển năm 1989 và định cư tại San Francisco,
Nhạc sĩ Cung Tiến