Hôm nay,  

Tôi Đi Lãnh Giải Thưởng Việt Báo

25/08/201418:10:00(Xem: 11712)

Bài số 4311-14-29711vb2082514

Tác giả là một nhà giáo, định cư tại Mỹ theo diện HO năm 1991, hiện là cư dân Westminster, California. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của Bà là "Kock and Me / Vi trùng lao và Tôi," từ tháng Tư 2013 tới nay đã có hơn 300,000 lượt người đọc.
Viết Về Nước Mỹ 2014, với 14 bài, trong đó có bài "Chú Lính Mỹ," Phùng Annie Kim đã nhận giải danh dự.


1_vvnmTác giả nhận giải từ Dân biểu Liên Bang Alan Lowenthal.

***

Đi học từ nhỏ đến lớn, từ lớn đến già, về già sống ở xứ Mỹ, chưa bao giờ trong đời học sinh tôi được lãnh thưởng và có niềm vui được bóc tờ giấy gói bên ngoài và ngắm nghía xem trong gói đó gồm các món gì .
Nói vòng vo để trở về nhan đề là cái giải thưởng tôi vừa nhận mấy hôm nay, giải thưởng vô chung kết "Viết về nước Mỹ"của Việt Báo năm thứ XV được tổ chức ngày 17 tháng 8 năm 2014 tại nhà hàng Moonlight.
Đây là lần đầu tiên trong đời tôi đi lãnh giải thưởng các bạn ạ. Ông xã tôi xách về nhà một gói nằng nặng. Có cái bao thơ... nhè nhẹ ông đã thủ trong túi áo vest rồi. Tôi giở chậm rãi từng món một xem đó là món gì. Một tờ chương trình "Viết về nước Mỹ và Bé viết văn Việt" trong đó có đầy đủ các khuôn mặt trúng giải. Bốn cái bằng chứng nhận "Certificate of Recognition" có đóng mộc vàng, chúc mừng đã đóng góp vào sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo tồn văn hóa Việt tại nước Mỹ của bà Janet Nguyễn, bà Loretta Sanchez, ông dân biểu liên bang Alan Lowenthal và nghị sĩ tiểu bang Lou Correa. Một quyển sách "Viết về nước Mỹ" 2014 bìa cam còn nóng hổi trong đó có bài của tôi. Ngoài ra còn có một tấm "plaque" màu nâu khắc tên tôi do Việt báo tặng để tôi treo tường, giữ làm kỷ niệm của "một phút huy hoàng" và một thời gắn bó với Việt Báo qua những bài viết.

*
Ông xã thấy tôi chọn cái áo màu đỏ, ông chỉ cười cười:
- Ngoài trời nóng chín mươi độ, nắng chói chang mày mặt mà bà chơi cái áo màu đỏ chóe. Bà muốn làm mờ mắt thiên hạ hả?
-Chóe mắt ông thì có. Đeo kính râm vô đi ông ơi!
Nói thì nói vậy chưa tới bốn giờ, ông đã nhắc nhở bà sửa soạn đi sớm để lấy chỗ đậu xe và có thời gian chụp hình với các bạn. Thằng con và đứa cháu gái đi chung. Tới nơi, nhìn tờ chương trình, hai đứa ngạc nhiên, trố mắt nhìn bà:
-Năm rưỡi khai mạc, chưa đến bốn rưỡi, bố mẹ đã có mặt rồi.
-Ờ, tại mẹ ...nôn quá con ơi! Thôi chịu khó ra quầy, hai đứa kiếm rượu chát, bia bọt uống tạm, ăn chút " appetizer" bậy bạ cho qua cơn ...chờ đợi này con nhá.
Thấy hai đứa vui vẻ ăn uống chuyện trò ở quầy với vài người bạn trẻ mới quen, tôi cũng yên tâm và cám ơn cái quán "bar" này cứu bồ tôi đã trót hành hạ hai đứa đi sớm quá vì cái giải thưởng này.
Ấn tượng nhất là cái màn đồng phục làm cho mọi người phải chú ý. Năm ngoái, dàn tiếp tân là các cô mặc áo xanh nên bìa sách in màu xanh để "anh mến lá sân trường". Năm nay các cô đổi màu áo cam nên bìa sách in màu cam làm anh nhớ đến mấy chàng mặc áo màu cam, tay cầm túi rác, bị phạt làm lao động công ích hai bên đường dọc theo freeway. Sang năm, đề nghị các cô chọn áo màu vàng để "anh về yêu hoa cúc" cho trọn hai câu thơ tình của nhà thơ Nguyên Sa.
Bận rộn, lộn xộn và có nhiều vấn đề vẫn là cái khâu kiểm vé, xếp chỗ phải không cô Hằng? Vậy mà các cô giải quyết các trục trặc về chỗ ngồi một cách nhẹ nhàng, êm đẹp. Hơn hai mươi giải thưởng thế mà cô Hằng nhớ tên, có khi còn nhớ mặt nữa. Các tác giả đều được cô tặng cho một bảng tên gắn trên áo để bà con dễ nhận ra và làm quen nhau. Một tấm pa-nô "Viết Về Nước Mỹ 2014" treo từ trên cao làm "phông" cho bà con tha hồ chụp hình. Khoảng 40 bàn xếp quanh một không gian thoải mái được trang trí hoa tươi và mỗi người có một tờ chương trình trên bàn để bà con theo dõi các tiết mục và các nhân vật lãnh giải.
Chương trình văn nghệ năm nay vắng tiếng hát của Quang Tuấn, Lệ Thu và các ca sĩ ban Tiếng Tơ Đồng. Một Quỳnh Dao ra đi nên Kim Tước hụt hẫng. Làm sao Kim Tước có thể đứng trên sân khấu hát lại những bản nhạc kỷ niệm như "Thanh bình ca" với nỗi ngậm ngùi tiếc thương cô cháu gái? Thương Linh và các ca sĩ khác cùng với ban nhạc "The Nate Light Trio" gồm Nate Light chơi đàn bass, Sam Hirsh chơi piano, Evan Stone chơi trống sẽ cùng biểu diễn những bản nhạc Jazz trong buổi lễ này. Thụy Trinh xinh đẹp và duyên dáng cùng với Nguyễn Hoàng Dũng vẫn là hai MC quen thuộc gắn bó với các buổi lễ "Viết Về Nước Mỹ" hàng năm.
Nhờ đi sớm nên tôi có dịp lang thang gặp các anh chị trong ban tổ chức, ban giám khảo, chào hỏi, chuyện trò, chụp hình với quý vị "chức sắc".
Tôi gặp chị Nhã Ca, kéo chị chụp chung vài tấm hình với anh Từ và anh Hải. Có người gọi chị là chị Nhã vì lúc nào chị cũng diu dàng, nhã nhặn, đằm thắm trong chiếc áo nâu giống như chị Kiều Chinh. Hai chị càng lớn tuổi càng có đời sống tâm linh sâu sắc và đều hợp với "tông" màu nâu là màu của đất, của sự khiêm tốn, hiền hòa.
Tôi ngồi bàn số 6 cùng với Trần Du Sinh và chị Lê Nguyễn Hằng- Nguyễn Thach Hãn nên có dịp chuyện trò tíu tít. Nhìn quanh, tôi nhận ra chị Phương Hoa, OrChid Thanh Lê ngồi cạnh bàn bèn tới làm quen với hai cây bút cự phách này. Cạnh đó còn có Triều Phong, chị Võ Quách Thị Tường Vi. Rất tiếc lúc đó lăng xăng và đông các bạn quá nên chưa làm quen với cô em Trương Ngọc Anh dù là cùng dân Gia Long ngày xưa. Tôi chưa nhận ra Song Lam và anh Philato Tô Văn Cấp, tổng cộng chúng tôi có mười ngừơi được vào chung kết. Lần đầu tiên tôi đi lãnh giải còn là niềm mong ước được gặp những bạn văn mình ái mộ.
Chương trình bắt đầu là khuôn mặt khả ái gắn liền với giải thưởng này từ năm đầu tiên đó là chị Kiều Chinh. Chị nhắc lại con đường dài lịch sử suốt mười lăm năm của mục "Viết về nước Mỹ" và lòng tri ân của Việt Báo đến bạn đọc, đến những khuôn mặt bây giờ không còn nữa như cụ Nguyễn Gia Mai là tác giả đầu tiên, Hoà Thượng Thích Mãn Giác, nhà báo Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh, nhà văn Thảo Trường, Bà Trùng Quang, gần đây là ca sĩ Quỳnh Dao...
Tiếp theo, mọi người đều yên lặng khi MC Thụy Trinh nhắc tới tiết mục kế tiếp là tiếng hát Quỳnh Dao với bài Hoàng Hạc Lâu, thơ Vũ Hoàng Chương cảm dịch theo Thjôi Hiệu, Cung Tiến phổ nhạc.
Trên màn hình lớn, mọi người có dịp nhìn lại hình ảnh cô thanh khiết, giản dị, tự tin và cũng rất Huế trong chiếc áo dài gấm trắng. Cô thật nhỏ bé trước một dàn nhạc hùng hậu, tiếng hát của cô cất lên trong và cao như chim hoàng hạc:

Xưa hoàng hạc bay vút bóng người
Đây lầu Hoàng Hạc chút thơm rơi
Vàng tung cánh hạc đi đi mãi
Trắng một màu mây vạn vạn đời...
...
Đừng giục cơn sầu nữa sóng ơi!

Có những đôi mắt chớm lệ của những người thân, bạn bè khi nhớ đến những kỷ niệm về cô gái gốc Huế Đoan Trang như cái tên thật của cô, đa tài mà hòa nhã, thông minh mà khiêm cung, sống tử tế, dễ thương với mọi người. Cánh chim hoàng Hạc ấy đã bay đi mãi, không bao giờ trở lại trên trần gian này với những người yêu nhạc và yêu văn của cô.
Thượng nghị sĩ Lou Correa, người gắn bó nhiều với các sinh hoạt của cộng đồng người Việt và riêng với Việt Báo, ông là người thường có mặt trong các buổi lễ phát giải của Việt Báo. Ông sắp mãn nhiệm kỳ năm nay.
Tiết mục phát giải đầu tiên dành cho các cháu "Bé viết văn Việt". Được thành lập từ năm hai ngàn lẻ hai, Việt Báo mở trang "Việt báo thiếu nhi" khuyến khích các cháu viết, làm thơ, vẽ tranh về các đề tài gia đình, nhà trường, bạn bè, quê hương, nước Mỹ...Mới ngày nào hai cháu Quốc Nam và Bảo Ngọc còn bé xíu, lon ton chạy theo mẹ là chị Lan Phương, bây giờ Quốc Nam trông chững chạc ra vẻ người lớn và Bảo Ngọc ra dáng một cô thiếu nữ sắp vào đại học. Cả hai cháu nói tiếng Việt lưu loát và hoạt bát, điều khiển chương trình phát giải cho các bé một cách tự nhiên như MC "nhí" nhà nghề.


Dễ thương nhất là nghe các cháu trúng giải nói tiếng Việt rành rẽ, phát âm chính xác. Cháu Phan Mai Hân mười hai tuổi trúng giải viết văn, cháu Nguyễn Vân Anh tám tuổi trúng giải thơ, cháu Joleen Nhã Trương sáu tuổi trúng giải chụp ảnh. Nhìn đôi kính cận của Mai Hân, chiếc áo dài Việt nam, cái khăn xếp trên đầu của Vân Anh và Nhã Trương, trông các cháu đáng yêu chi lạ.
Chương trình được thay đổi bằng tiết mục văn nghệ với hai bài hát "SaiGon Blues" và "Bay và Rơi" thơ và nhạc của thi sĩ Trần Dạ Từ do Thương Linh trình bày. Tôi đã được nghe Thương Linh hát vài lần. Tiếng hát của cô có âm vang và mạnh khi cô rung lên đến nốt nhạc cao nhất để rồi hạ xuống thật truyền cảm, nhẹ nhàng trong những khúc Jazz buồn.
Sau phần văn nghệ xen kẽ là phần giới thiệu những nhà tài trợ cho giải thưởng từ nhiều năm qua như ngân hàng Wells Fargo Bank, hãng điện Southern California Edison, công ty Pharmatec... Tiếp đó, chị Lê Tường Vi, một thành viên trong ban tuyển chọn lên sân khấu, giới thiệu về cuốn sách "Viết Về Nước Mỹ" năm hai ngàn mười bốn đã thành hình, bìa màu cam, gồm sáu mươi bài viết. Đây là một thành quả lớn lao, kéo dài đều đặn từ năm hai ngàn đến năm hai ngàn mười bốn, suốt mười lăm năm với mười bảy quyển sách ra đời, hai trăm chín mươi sáu giải thưởng được trao, hơn mười ngàn trang sách được in, trên bốn ngàn ba trăm bài viết được chọn lọc trong số hàng chục ngàn bài gửi đến tòa soạn.
Nhìn quyển sách "Viết Về Nước Mỹ" năm thứ mười lăm nằm trong tay chị Lê Tường Vi, tôi nghĩ đến quyển sách "Viết Về Nước Mỹ" với một nội dung khác đang được thành hình cho năm thứ mười sáu. Từ ngày một tháng bảy năm nay, các bài viết vẫn tiếp tục gửi về dành cho giải thưởng năm sau. Mỗi ngày, bạn đọc chúng ta đều có bài mới trên báo giấy và Việt Báo on line.
Chương trình đi vào tiết mục chính là phát chín giải thưởng đặc biệt cho các anh chị Nguyễn Đặng Bắc Ninh, Tom Tom, Nguyễn thị Mão, Ngô Văn Thu, Lê Văn, Nguyễn Thị Hòa Nam, Nguyễn Cao Thăng, Nguyễn Bích Thủy, Nguyễn Thế Bài. Sau đó là giải danh dự cho bảy anh chị Phùng Annie Kim, Philato ,Lê Nguyễn Hằng và Nguyễn Thạch Hãn, Song Lam, Triều Phong, Võ Quách thị Tường Vi, Trương Ngọc Anh.
Cả sân khấu rực sáng với máy chụp hình, máy quay phim hướng về những nụ cười tươi rói. Các tà áo dài xanh ,đỏ, hồng. tím rực rỡ của các chị xuất hiện trên sân khấu, nhận lãnh phần thưởng từ các vị chức sắc trong cộng đồng, các anh chị trong tòa soạn Việt Báo, các nhà tài trợ, các vị giám khảo, các bạn văn. Vui nhất là khi bước xuống hậu trường, có một chị cầm sẵn phong bì... mong mỏng đưa tận tay các tác giả trúng giải.
Anh Nguyễn Xuân Nghĩa vẫn thường giải thích về vai trò của anh làm trưởng ban tuyển chọn gồm bảy giám khảo và ba đại diện Việt báo khi cầm cân nẩy mực, chọn lựa các tác giả trúng giải. Anh bảo có những bài viết làm cho ban tuyển chọn nhức đầu vì bài nào cũng hay, không biết phải chọn bài nào, bỏ bài nào. Sau khi tóm lược giải thưởng và ban giám khảo, anh tuyên bố giải thưởng "hoa hậu" năm nay rơi vào hai bài viết "Vietnam Museum, Bảo Tàng Của Người Lính Bị Bỏ Quên", và "Memorial s Day 2014", tác giả là chị Phương Hoa.
Giải viết văn Trùng Quang thuộc về cô Orchid Thanh Lê với ba bài "Đi Tìm Tên Một Người Vô Danh", "Thầy Việt, Trò Mỹ" và "Vết Thương Xát Muối". Giải "á hậu" thuộc về một anh du học sinh rất trẻ có cái tên Trần Du Sinh với hai bài " Lính Mỹ Gốc Nail" và "Ó Biển Cô Đơn".
Trên sân khấu là những hình ảnh minh họa cho những đoạn văn trích của ba tác giả được đọc lên cho mọi người thưởng lãm văn tài của họ và sau đó là màn phát biểu cảm tưởng. Chị Phương Hoa đã từng nhận giải đặc biệt năm ngoái, năm nay "hoa hậu" Phương Hoa với nụ cười tươi và càng vui hơn vì con trai và cháu nội của chị còn ở lại Việt nam được qua Mỹ chia vui với mẹ và bà nội trong buổi lễ ý nghĩa này. Chị Orchid Thanh Lê nhỏ nhắn, vừa đẹp vừa thùy mị, chị kể lại rất khúc chiết, cảm động và chân thành về lý do và nguyên nhân ra đời của các bài viết đầy tính nhân bản của chị. Du Sinh kể lại ngắn gọn về cuộc đời của tác giả cũng là nhân vật chính trong các bài viết.
Sau khi phát giải là tiết muc xổ số hấp dẫn với các giải thưởng từ các nhà tài trợ, chúng tôi được thông báo vào ngày 20 tháng 8, nhà xuất bản Indiana University Press sẽ phát hành quyển "Mourning Headband for Hue" bản dịch của Olga Dror từ quyển "Giải khăn sô cho Huế", tác giả là nhà văn Nhã Ca.
Chương trình buổi lễ bắt đầu lúc năm giờ rưỡi, kéo dài hai tiếng và kết thúc đúng giờ. Màn ăn tối vẫn là màn mọi người chờ đợi vì ai cũng đói bụng cả rồi. Nhà hàng MoonLight phục vụ các món ăn quen thuộc như đi ăn đám cưới ở nhà hàng Tàu nào là súp cua, cải xanh xào nấm, vịt quay bánh bao, tôm chiên sốt mayonnaise với hạt walnut, cơm chiên cá sốt chua, bò lúc lắc..toàn là các món ngon và hấp dẫn. Phần kết thúc là màn cắt bánh và chia tay. Đồng hồ chỉ hơn 10 giờ.
Cuộc vui nào rồi cũng tàn. Như Ngưu Lang Chức Nữ, các anh chị lãnh giải thưởng năm nay đều hẹn gặp nhau mỗi năm một lần vào mùa mưa ngâu tháng tám sang năm.
Niềm vui nhất của tôi tối hôm nay là tôi được gặp các bạn văn. Chỉ tiếc là tôi không biết Văn Bút có một buổi hội ngộ vào buổi sáng với các bạn văn cũ và mới. Các bạn có một màn ăn uống tưng bừng, chuyện trò rôm rả, hình chụp lia lịa tại văn phòng làm việc của anh Vũ Saigon gần chợ Tam Biên làm tôi tiếc hùi hụi. Từ nhà tôi đến chợ Tam Biên có ...năm phút. Tuy không đi dự nhưng biết được tin tức này nhờ Khôi An cho địa chỉ i-meo và tôi... làm đơn xin gia nhập nhóm. Được hai ông chủ xị "Tưng" (Nguyễn Viết Tân) và "Bo Ma" ( Bồ Tùng Ma ) "phê chuẩn" và các anh chị, các em nhóm Việt Bút "queo khâm" nồng nàn thắm thiết làm tôi vô cùng cảm động. Mới vô nhóm, tôi...xây xẩm mặt mày vì nhiều thông tin. Tôi được đọc các i-meo và cười... một mình trong đêm khuya vì các câu chuyện và các bài thơ của anh Tưng và các bạn.
Quý em hỏi tôi chị vô nhóm này trụ được bao lâu. Chị Lê Hằng mới vô mấy ngày mà đã ...lùng bùng cái lỗ tai rồi. Tôi bèn làm một bài thơ con cóc trình làng vừa tâm sự vừa trả lời các câu hỏi của các em:

Năm nay "tớ"đã sáu mươi nhăm
Xuân xanh tuổi...đẹp như trăng rằm
Ngoặc đơn ngoặc kép vòng bên má
Chân vịt chân chim xếp thành lằn

Mắt mũi kèm nhèm chẳng biết ai
Nhớ nhớ quên quên từng tháng ngày
Lính mới tò te vô Việt Bút
Đã thấy... lùng bùng cái lỗ tai

Tuổi này không biết trụ bao lâu
Không sao, cũng thử một "tăng" đầu
Vui quá có khi quên tuổi tác
"Trường đồ tri mã lực" biết đâu!

Thế là từ đây, trong nhóm Văn Bút, tôi có một lô các em gái như Iris, Khôi An, Phương Dung Donna... Có em tôi chỉ biết tên, xem hình như Thanh Mai, Ngọc Anh, Bảo Trân... Chị lớn thì có chị "Tí Xưng"(Bảo Xuân) Phía các anh coi bộ "âm thịnh dương suy", quay đi quay lại có anh "Tưng", " Ma Bo", em trai thì có Cao Minh Hưng, Vũ Saigon, chú Sáu Steve Brown... và còn ai nữa tôi sẽ làm quen dần trong những ngày sắp tới.
Buổi lễ phát giải thưởng Việt Báo đã qua nhưng dư âm vẫn còn lắng đọng trong tâm tư của những người có "duyên" văn chương với Việt Báo. Ngôn ngữ và văn hóa Việt còn tồn tại thì đất nước sẽ không bao giờ bị xóa tên trên bản đồ thế giới cho dù bị đe dọa từ các thế lực hùng mạnh nào .Cầu chúc cho " Viết Về Nước Mỹ" sống lâu, sống mạnh trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại và luôn luôn nhận được lòng tin yêu của bạn đọc xa gần.
California, 22 tháng 8, 2014
Phùng Annie Kim

Ý kiến bạn đọc
31/08/201413:32:32
Khách
Đào Đại Nương ơi!
Chúc mừng nhà văn của những lão cựu hs Trung học ở Sài Gòn xua như 'chúng tớ' đây.
Chúc Đại Nương cùng Đại gia Ph. D. mãi mãi " Xuân xanh tuổi đẹp... như trăng rằm".
ChPleiku
28/08/201400:39:12
Khách
Chị Annie ơi,
Meo meo của em đây: [email protected]
Chúc chị dồi dào sức khỏe.
Mến,
TP
27/08/201415:05:49
Khách
Kính thưa các bạn đọc thân quý gần xa,
Annie xin cám ơn những lời khen tặng, khuyến khích, góp ý...chân thành và quý báu của các bạn trong những bài viết của Annie năm vừa qua.
Annie có được giải thưởng này là do công sức của Việt Báo trong đó có các bạn, những người viết và người đọc rất dễ thương,
Annie xin cố gắng và tiếp tục viết để không phụ lòng các bạn.
Annie
27/08/201411:33:25
Khách
Chào chị Annie Kim,
Em rất vui khi được đọc bài viết của chị và cũng rất tiếc là hôm gặp chị lại không được tiếp chuyện với chị nhiều vì thời gian có hạn và sợ bị "la!"
Chúc chị được vui vẻ và nhiều sức khỏe để viết nhiều nha!
27/08/201404:28:44
Khách
Cháu rất thích bài thơ trong bài viết "Koch And Me".
Bài viết này cũng có một bài thơ hay và dí dỏm.
Cô kể chuyện đi lãnh giải thưởng rất chi tiết.
Cô cứ mặc chiếc áo đỏ này nhé mặc dù trời nắng.
Cháu thích chiếc áo dài của cô.
Chúc mừng cô được lãnh giãi
26/08/201402:38:14
Khách
Chào Annie,
Bài viết Annie hay lắm. Chúc mừng Annie nhận được giải thưởng danh dự. Cứ viết thêm đi.

Sáu
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 5,546,529
Tác giả định cư tại Mỹ từ 1994 diện tị nạn chính trị theo chồng, vừa làm nail vừa học. Năm 2012, năm 62 tuổi, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University và trở thành bà giáo tại Marysville, Bắc Cali.
Anne Khánh Vân sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống và làm việc tại Virginia.
Tác giả, cư dân SimiValley, Nam California, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012,với nhiều bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ,
Bồ Tùng Ma là bút hiệu của Nguyễn Tân. Trước 1975, ông là Hải Quân Trung Tá VNCH. Sau đó là 10 năm tù cộng sản, và định cư tại Mỹ theo diện H.O.
Tác giả 56 tuổi, nghề nghiệp: Production Engineer cho hãng COBHAM trên 20 năm, hiện cư ngụ tại Davenport, Iowa.
Tác giả là cư dân North Carolina, mới định cư tại Mỹ chưa đầy 3 năm. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông kể về hoàn cảnh một người đến Mỹ khi tuổi đã 60,
Tác giả họ Nguyễn, hiện là cư dân Garden Grove, đã góp một số bài viết về nước Mỹ. Mỗi bài đều cho thấy tấm lòng. Sau đây là bài viết mới nhất. Mong ông tiếp tục viết.
Với kiểu "viết như nói", tác giả đã góp nhiều bài viết và nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2005. Cô tên thật là Trần Thị Ngọc Trâm,
Tác giả có tên trong danh sách chung kết Viết Về Nước Mỹ 2014, và liên tục góp 6 bài viết, với bài viết “Lính Mỹ gốc Nail” có Ba là con nhà cách mạng từ Bắc vào,
Tác giả là cư dân Miami, tiểu bang Florida, thường góp những bài viết rất ngắn có nội dung cô đọng, tinh tế.
Nhạc sĩ Cung Tiến