Hôm nay,  

Rời Nhà Mà Đi

05/04/201400:00:00(Xem: 15341)

Tác giả: Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
Bài số 4178-14-29588vb5040514

blank
Hình bên: Nick Simmons, 20 tuổi, thình lình bỏ nhà đi sống vô gia cư. Photo: Jacquelyn Martin, USA Today. Từ một tấm hình, gợi nhớ nhiều câu chuyện. Đó la bài viết mới của Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh. Trước 1975, tác giả đã có nhiều chuyện ngắn, truyện dài do tạp chí và nhà xuất bản Tuổi Hoa ấn hành tại Saigon. Sau tháng 4/1975, cô không viết, chỉ chuyên làm công tác nghiên cứu khoa học. Định cư tại San Jose từ 2003, Cam Li bắt đầu góp bài cho Việt Báo từ 2009 và đã nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2010.

* * *

“Nick Simmons biến mất khỏi nhà ngay ngày đầu năm mới, không đem theo ví, cell phone … và mọi thứ. Gia đình cuống cuồng lo âu. Cảnh sát cũng đã điều tra về sự mất tích của Nick nhưng chưa có manh mối.

Bốn ngày sau, một phóng viên nhiếp ảnh của AP, trong khi tìm cảm hứng để chụp ảnh mô tả cái lạnh bất thường của mùa đông năm nay, đã chụp cảnh Nick đang sưởi ấm bên một lò sưởi hơi nước (1), trên một con đường cách Điện Capitol vài “block” phố.

Ông bà Paul và Michelle Simmons trông thấy tấm ảnh trên USA Today vào Chủ nhật và họ không thể hiểu được vì sao cậu con 20 tuổi của họ lại bỏ nhà ra đi và làm cách nào có mặt tại thủ đô.

Bức ảnh - do phóng viên nhiếp ảnh là cô Jacquelyn Martin chụp - cho thấy Nick đang tựa khuôn mặt không cạo râu của mình lên vỉ lưới của lò sưởi hơi nước bên ngoài tòa nhà của Federal Trade Commission. Anh mặc một chiếc áo jacket có mũ trùm đầu; nửa thân dưới đắp một tấm chăn dày.

Hôm đó lẽ ra Jacquelyn Martin có cuộc phỏng vấn với Tổng thống ở Tòa Bạch Ốc, nhưng vì Tổng thống đi nghỉ cuối năm ở Hawaii chưa về, nên cô đi vòng vòng các phố để tìm cảm hứng trong tiết đông. Cô thấy một nhóm những người đàn ông không nhà ngồi tụm vào nhau bên lò hơi, cô đến xưng là phóng viên và xin chụp ảnh họ. Nhưng cô đặc biệt chú ý tới một thanh niên, cô giật mình vì thấy anh còn quá trẻ. Cô bắt tay anh và được anh cho biết tên anh là Nick. Martin chụp bức ảnh, và coi như đã xong một ngày.

Hôm sau, Martin nhận được một tin nhắn của tờ USA Today, cho biết sau khi báo đăng bức hình thì gia đình của Nick xem được, đã nhận ra anh và đang cố gắng tìm gặp anh.

Ngay trưa Chủ nhật cảnh sát đã đưa anh vào bệnh viện. Đêm đó, cha và anh của Nick đến đón anh về.

Đối với nữ phóng viên nhiếp ảnh Martin, đây là một sự việc đáng nhớ cho cô, và cô chia sẻ với các đồng nghiệp của mình rằng: mỗi một người mà họ gặp được đều có một câu chuyện để kể. Hơn thế nữa, cô vui và cảm động vì bức ảnh mà cô chụp đã giúp gia đình Nick được đoàn tụ.” (2)

*

Xem xong bài báo, chị nói:

“Sao không thấy bài báo nói thêm chi tiết về anh Nick này nhỉ!”

Em:

“Không thấy. Chẳng biết anh chàng có đi học không.”

“Hai mươi tuổi ít nhất cũng có đi học chứ!”

“Nhưng rủi có vấn đề gì đó về tâm thần thì chắc là không đi học.”

“Hay… anh thất chí về chuyện học hành, hay tình cảm?”

“Hay anh bị ba má rầy la?”

“Chẳng hiểu. Còn bé quá, mới hai mươi.”

“Bé gì nữa? Bằng tuổi Út nhà mình.”

Hai chị em khi gặp nhau thường chia sẻ, bàn luận về những tin hay được đăng trên báo, TV hay internet. Những câu chuyện thật, nóng bỏng vì mới xảy ra. Em nhìn kỹ bức ảnh của Nick, chợt giật mình vì có một nhận xét, nhưng chưa kịp nói thì có tiếng chuông từ phone tay của chị. Chị xem tin nhắn. Chị thốt lên “Trời!”, rồi đưa cho em xem. Là một tấm ảnh. Tấm ảnh do cậu con trai chụp gửi mẹ. Nhưng không giống như những lần cậu đi chơi chụp hình mình đứng trong một phong cảnh, hay đi ăn chụp hình mình ngồi với đĩa thức ăn để chia sẻ với cha mẹ về những nơi mình đến. Bức ảnh vừa được gửi tới chụp vỏn vẹn một cái lò microwave. Nhưng là một cái lò microwave có dán băng keo xung quanh cánh cửa. Em cũng thốt lên:

“Trời! Cái gì đây? Cháu chụp hình như vậy là ý sao?”

Chị nói:

“Vậy là cái microwave… đã bị cấm dùng.”

Chị giải thích:

“Cháu muốn cha mẹ coi cho biết tình trạng ăn ở của cháu mà thôi. Cái ông chủ nhà này kỳ lắm em à! Ông cho các sinh viên thuê phòng ở trong nhà của ông, tiền thì ông thu đàng hoàng, nhưng khi con mình về ở rồi mới thấy ông lạ lùng làm sao! Ông không cho các cháu uống nước lọc của ông, cho nên các cháu phải tự đi mua nước mà uống. Còn về chuyện hâm thức ăn thì mới đầu ông nhắc các cháu phải giữ vệ sinh, sau này chắc là có cháu nào bê bối làm dơ lò nên ông đã cấm luôn như thế.”

“Kỳ quá ha! Có gì thì ông nói để nhắc nhở các cháu cũng được vậy! Sao ông nỡ làm thế? Các cháu đã đi xa nhà, mà bị đối xử như vậy các cháu sẽ buồn lắm.”

“Chẳng hiểu nữa. Chắc bởi ông khó tính, và hơi bất thường.”

“Ông không thể vì cái bất thường của cuộc đời mình mà khắt khe với các cháu. Vậy cháu có muốn dọn đi nơi khác không chị?”

Chị thở dài:

“Chắc không cần đâu! Vì cháu sắp dọn vào “dorm” (3) rồi, ráng một hai tháng nữa… chắc cũng không sao.”

Chị lặng thinh. “Chắc cũng không sao” nhưng cũng làm cho mắt chị long lanh. Thằng con út đi học xa - nói rằng xa nhưng là ở một thành phố khác trong cùng tiểu bang - làm cha mẹ nhung nhớ cũng nhiều. Không lo cho con từng miếng ăn giấc ngủ như khi cháu ở trong nhà, ai làm cha mẹ mà không buồn? Nhất là cái “cốt Việt Nam” vẫn còn, không “coi là bình thường” như người Mỹ được.

Em cũng buồn, thấy nhớ thằng cháu quá! Cái thằng – nói là “thằng” cho thân, chứ đã là một thanh niên cao lớn rồi – đi đâu về cũng ôm má nó mà hun. Cậu vẫn nhỏ bé đối với ba má của cậu. Cậu chẳng bao giờ ở yên trong phòng riêng, mà chạy ra chạy vào “chơi với má”, nếm các món ăn của má, rồi còn tuyên bố “Má nấu mới ngon”. Cậu cũng là “fan” của ba cậu, vì “Ba là giỏi nhất”. Và cậu bé cũng là đứa cháu duy nhất khi còn bé mỗi dịp lễ là cậu ngóng lên trời, thấy máy bay Delta bay thấp là nói có dì trên đó, đang bay qua chơi với cháu. Thế đấy, làm sao mà không nhớ cậu bé cho được?

Chị mỉm cười:

“Thôi, không sao đâu! Có ra đời, mới thấy quý ba má. Mà em biết không, mỗi khi chị lo lắng hỏi han nhiều, cháu đều nói: Má lo nhiều quá làm sao con lớn?”

Em chợt nhớ đến một đoạn văn của Trần Hoài Thư, ông viết sau khi đưa con vào ở nội trú trong trường đại học:

“Nào ai biết một ngày đứa con phải xa vòng tay đùm bọc. Nào ai biết một ngày cánh chim nhỏ bé lại sổ lồng. Bởi vậy, mẹ con đã khóc như chưa bao giờ được khóc. Khóc thút thít suốt đường. Giấu đôi mắt đỏ hoe khi mang va-ly của con lên lầu nội trú. Và khi từ giã con, xuống lại xe, thì mẹ lại khóc òa.

Ba đã lái xe ra ngoài cổng trường. Mẹ lại van ba lái vào trường thêm một lần nữa. Ba chiều mẹ. Xe đậu dưới lầu. Mẹ ngồi trông lên nói: “Không biết con có quen với đời sống mới hay không. Không biết đứa bạn cùng phòng có kỳ thị hay không. Không biết trái gió trở trời, đau bụng đau dạ nó có xức dầu hay không. ” Ba đổ quạu, gắt:”Mình cứ xem nó còn con nít mãi. Nó đã trưởng thành rồi. Để cho nó tự lập cho quen.” Rồi ba đạp ga lái ra ngoài đường. Ba phải có quyết định dứt khoát. Nếu không mẹ cứ ngồi ở đây suốt cả đêm.


…Xe lại về nhà. Ba mẹ bước vào cửa. Cõi trống vắng đến đứt đoạn sững sờ. Mẹ vào phòng con, rờ tay lên tấm drap, tấm chăn, chiếc gối. Hình như trong từng thước khối của không khí đều vướng vít hình ảnh con, tiếng cười, tiếng nói của con. Ở đâu cũng thấy con, trên sofa, mở lại TV, nghe lại bản nhạc, thấy cái show quen thuộc… Rõ ràng ba me đã không chuẩn bị cho một sự chia ly, dù sự chia ly ấy chỉ là tạm thời, và khoảng cách ngăn chỉ trên dưới trăm dặm...

…Mẹ bảo mẹ muốn đi chợ một lát. Mẹ ra xe rồ máy. Còn lại ba một mình. Ngực ba như nhói bởi một sức nặng vô hình. Đó là khối buồn, cộng thêm khối mất mát, khối nhớ nhung trộn thành vôi hồ đông cứng, bắt ba phải hết ngồi lại đứng, hết nhìn ra ngoài đêm, quay quắt…

Mẹ con đã giấu ba. Mẹ đã lái xe lên trường thêm một lần nữa. Lên đó để làm gì? Ngồi trong xe và nhìn lên. Vì sao? Không ai có thể cắt nghĩa nổi.” (4)

Rồi bỗng em thở dài. Em nhớ đến thời gian xa xưa, khi em quyết định ra trường sẽ đi xa. Con gái mà đòi đi xa? Đó là điều mà một gia đình khá cổ kính như gia đình mình khó tưởng tượng. Vậy mà em đã ghi vào phần nguyện vọng: “Xin đi Lâm Đồng”. Vậy mà nguyện vọng của em đã được chấp nhận. Đoạn đường có hơn ba trăm cây số. Thế nhưng ai cũng hiểu rằng: em đi như vậy là sẽ chẳng có cơ hội trở về. Ra trường, đi xa, làm việc, là hết cơ may về lại gia đình, vì… phải “cắt hộ khẩu”, nói theo ngôn ngữ thời đó. Ngày đi, mọi người trong nhà ra tiễn. Ba má buồn rầu. Chị thì khóc. Nhỏ bạn nhìn đăm đăm như muốn ánh mắt của mình có thể níu chiếc xe đừng chạy. Và vậy là con nhỏ yếu đuối như sên có một đoạn đời đi xa. Rừng núi chập chùng. Mây mù che kín. Càng lên cao, trời càng lạnh. Con nhỏ khóc. Khóc như em bé thiếu ăn. Chưa từng nghĩ ra rằng mình đang rứt khỏi mái gia đình. Cảm giác hụt hẫng: đi không trở lại!

Thành phố mù sương, quê hương của mình đây, nhưng hiện ra dưới một bộ dạng khác. Sở cho xe ra đón về. Chà, oai ra phết! Về tới nơi là đã sau giờ tan sở. Chị “nhà trưởng” bảo đã có cơm trong bếp – bếp tập thể - để phần cho những người mới đến. Mấy đứa vào gian bếp lạnh ngắt, trông thấy nồi cơm to tướng. Có một chảo su xào. Giở nắp nồi cơm: chỉ có một phần gạo, hai phần còn lại là “bo bo”. Cứng, nhai không nổi. Nước mắt ứa ra. Nhớ nhà. Đó, mình đã chọn lựa đi xa mà! Mình thuở đó cũng là “muốn lớn”.

Rồi cái gì cũng quen hết. Hết khóc. Rồi yêu cái nơi chốn mình đến. Ăn độn cũng quen. Quen sống trong “nhà tập thể”. Quen luôn cả nhịn không xài các món “nhu yếu phẩm”, để gửi về cho má.

Chị thỉnh thoảng lên thăm, thấy em xa nhà tội nghiệp, chị cũng buồn. So với em, chị thấy mình “chưa lớn”, vì còn “sống trong nách cha mẹ”, làm công chức “sáng cắp ô đi tối cắp về”, chị tự cười mình như thế. Là con gái lớn, tự thấy có trách nhiệm với cha mẹ và các em nhiều lắm. Mà chị cũng tự nhận rằng mình chưa bao giờ có những quyết định táo bạo như nhỏ em của mình. Chị “hiền” lắm!

Vậy mà đến một ngày, sau khi lập gia đình, chị đã có một quyết định hơn cả cái “táo bạo” của em. Chị từ giã ba má trong nước mắt, bước chân xuống thuyền. Chị cùng anh ra biển.

Như vậy đó, ai cũng thế, ít nhất một lần trong đời, quyết định rời nhà mà đi.

Em ở bên này vừa làm việc vừa lao động. “Lao động là vinh quang”, như người ta nói thế. Cuối tuần đi cuốc đất trồng khoai trồng bắp. Chị long đong sống trong trại tị nạn. Một ngày kia, chị đến vùng đất mới.

Cả nhà tưởng mất chị luôn. Bây giờ không là đoạn đường mấy trăm cây số, mà là một đại dương.

*

“Cái số của em, cứ thỉnh thoảng lại đi chị ạ!”

“Em có sao thiên di chiếu há!”

“Nhưng con người có những lần rời nhà thật khó quên. Như chị, lần vượt biên đó!”

“Ừ, khó quên lắm!”

Chị bâng khuâng. Có những người như chị, đi đến bến bờ. Có những người không bao giờ tới đích, chôn thân trong lòng đại dương. Có những người đến nơi mà cả đời mang một vết đau khó xóa mờ.

Chị bảo lãnh lần lượt từng đứa em. Từng đứa, từng đứa, lại rời nhà, rời ba má mà đi.

Chị nói:

“Còn nữa, có những lần đi đáng nhớ, như mấy chú của mình. Chú Tư, rời nhà khi tuổi bằng Út bây giờ, lẳng lặng không ai hay. Một ngày kia có người lặng lẽ đến ném vào sân nhà một mảnh giấy xếp thật nhỏ, báo tin chú đã mất. Nỗi đau cũng lặng lẽ, nhưng tái tê. Cái thời mà ai cũng hăng hái lên đường…”

“Lạnh lùng vung gươm ra sa trường, ha chị!” (4)

“Ừ. Rồi cũng là rời nhà, mà chú Năm rời nhà đi vào một nơi chưa rõ là nơi nào, cứ tập trung rồi biết. “Học tập”, nghe rất hay. Không biết “học tập” cái gì… Rồi thì “mút mùa” luôn, em nhỉ!”

“Vâng. Tuổi trẻ, ai cũng muốn làm một cái gì đó. Có khi vì lý tưởng, có khi vì óc mạo hiểm, muốn khám phá. Có khi vì muốn phá vỡ những sinh hoạt đều đặn, nhàm chán.”

“Cậu Nick kia chắc cũng vậy, muốn làm một cái gì khác lạ cho cuộc sống đỡ nhàm chán chăng?”

Em thốt lên:

“A, trở lại chuyện anh chàng Nick. Em tính nói cho chị nghe điều này, lạ lắm!”

“Chuyện gì đó?”

Em mở lại trang tin trong computer, chỉ vào tấm ảnh cô phóng viên AP chụp Nick, hỏi:

“Chị nhận thấy gì không?”

Chị nhìn kỹ tấm ảnh. Chợt chị nói nhanh:

“Ôi! Chị thấy rồi! Anh này nét mặt giống như… một diễn viên đóng vai… Christ.”

“Em thì thấy rõ ràng cậu rất giống Jesus.”

Hai chị em cùng reo lên:

“Hay quá!”

“Chị em mình “tư tưởng lớn” gặp nhau!”

“Không, đúng ra là vì Nick giống Jesus lắm.”

Em bâng khuâng:

“Nếu vậy thì không phải cậu bị tâm thần, hay bị ba má la rầy, hoặc thất chí thất tình gì hết. Cậu muốn rời nhà mà đi để chiêm nghiệm cuộc sống của những người không nhà, những người nghèo.”

Cái hình ảnh Nick tựa khuôn mặt bên vỉ lưới, gần những người “homeless” bỗng như sinh động hẳn lên. Chị nhớ có lần Cha xứ kể chuyện Chúa Jesus năm ba mươi tuổi đã rời nhà đi vào sa mạc, nhịn đói bốn mươi ngày. Đức Jesus đã không dừng lại nơi các bãi cỏ xanh hay bờ cát mịn bên dòng sông Jordan, mà chọn sa mạc Judah, nơi Ngài đương đầu với những cám dỗ, thử thách và cạm bẫy. Chấm dứt bốn mươi ngày chay này rồi Ngài mới về lại để giảng đạo. Còn em liên tưởng đến chuyện Thái tử Tất Đạt Đa một hôm rời bỏ cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con khôn, hòa nhập với nhân gian khổ ải để tìm con đường tự giải thoát bản thân và giải thoát cho nhân loại. Ngài đắc đạo và trở thành Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Cùng lúc, hai chị em nghĩ đến hình ảnh một chàng Nick sau này, biết đâu sẽ trở thành một nhà hoạt động xã hội, có những sáng kiến giúp đỡ những người cùng khổ.

Tháng 2, 2014

Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh

Chú thích:

(1) Steam grate: lò sưởi dùng hơi nước trong hệ thống sưởi ở các thành phố lớn như New York City.

(2) http://www.news.com.au/world/family-finds-missing-man-nicholas-simmons-after-ap-photo-published-in-usa-today/story-fndir2ev-1226795844108

(3) Dorm: ký túc xá

(4) “Cho con mùa tựu trường” – Trần Hoài Thư

(5) “Bao chiến sĩ lên đường, lạnh lùng vung gươm ra sa trường”, một câu hát trong bản “Chiến sĩ Việt Nam”, nhạc tiền chiến của Văn Cao.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 5,576,039
Tác giả tên thật là Tô vĩnh Phúc. Trước 1975, tốt nghiệp cử nhân Luật Khoa và Văn Khoa tại Sài Gòn. Định cư tại Sacramento, California từ 1986, học và làm nhiều ngành khác nhau.
Tác giả họ Nguyễn, hiện là cư dân Garden Grove, đã góp một số bài Viết Về Nước Mỹ. Mỗi bài đều cho thấy tấm lòng. Sau đây là bài viết mới nhất. Mong ông tiếp tục viết.
Với bài viết "Sàigòn lớn nhỏ đều nhớ anh", hướng về các thương binh VNCH trong cuộc chiến, tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014.
Tác giả vượt biển tháng 12 năm 1983, đến Mỹ tháng 1 năm 1985, hiện là một kỹ sư định cư và làm việc tại San Jose.
Tác giả sinh năm 1952, dân gốc Sài gòn, cựu sinh viên Văn Khoa, cựu Sĩ quan Quân đội Miền Nam, cựu tù cải tạo.
Tác giả sinh năm 1948. Quê quán: Biên Hòa, Việt Nam, cựu học sinh Ngô Quyền. Trước 1975, dạy học. Qua Mỹ năm 1991 theo diện HO.
Đây là một truyện ngắn về ranh giới giữa tỉnh và điên, giữa sống và chết.
Tác giả là một nhà báo quen thuộc, trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.
Tác giả là một cựu học sinh Ngô Quyền, Biên Hòa. Trước 75, sinh viên Văn Khoa Sài Gòn và dạy học tại TH Long Thành. Sang Mỹ năm 1981. Hiện cư ngụ và làm việc tại Los Angeles, California.
Với 14 bài viết trong năm, trong đó có bài "Chú Lính Mỹ" tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014 (hình).
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến