Hôm nay,  

Cái Áo

26/03/201400:00:00(Xem: 13511)
Tác giả: Quốc Vũ
Bài số 4170-14-29580vb4032614

Dù được rủ rê, ông Tám chưa sẵn sàng thay cái áo mới để “qui cố hương”. Bài viết ngắn nhưng nhiều bâng khuâng. Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Mong Quốc Vũ sẽ tiếp tục viết và vui lòng bổ túc vài dòng sơ lược tiểu sử.

* * *

Cái áo chemise ông Tám mặc đã mấy năm nay rồi. Lúc bà xã ông tặng vào dịp sinh nhật thứ 50, ông có bảo với bà rằng bà bày vẽ mà chi. Trong tủ quần áo ông còn đến nửa tá chemise còn mới tinh, cũng lại là quà tặng những sinh nhật trước. Thời nay quần áo may thật bền. Vả chăng công việc hàng ngày của ông Tám cũng nhẹ nhàng, không mấy khi phải làm gì nặng nhọc nên quần áo có cái nào rách đâu.

- Nhưng mà quần áo mới, mặc vào vẫn thích hơn chứ !

Ông chỉ cười không nói gì. Bà nào lại không thích mua sắm. Cho nó đúng với câu "tài hóa lưu thông" như người ta vẫn bảo.

- Cứ như ông thì người ta bán buôn với ai ! Kinh tế có xuống thì lại thở dài !

Ừ, có khi cũng là như vậy, biết đâu. Ông Tám chỉ biết ông thích cái mịn màng của thớ vải cũ. Cái áo mới, cái quần mới nó không mềm, nó không mát. Đành là màu vải mới thì tươi sáng hơn, nếp ủi còn sắc bén hơn. Nhưng với ông, gàn bướng và "hoài cổ" đã thành cố tật. Bà Tám thì cho rằng ông trùm sò và nhà quê. Ông Tám không hề ở trong quân đội được một ngày nhưng lại ưng mặc áo có túi, có nắp, có cầu vai. Bà đâu có hay lúc còn bé, ông có đi hướng đạo. Cuối tuần là đồng phục, bị, gậy họp đoàn. Một ngày hướng đạo, một đời hướng đạo mà! Thế nên ông yêu mến vải oxford, kaki cho mãi đến hôm nay.

Bà Tám đã đi... tám như mọi cuối tuần nên chỉ còn mình ông ở nhà. Ông ngồi trầm ngâm bên cái màn hình computer. Trên màn ảnh là tấm hình lễ tang một người bạn ở Việt Nam vừa mất. Anh bạn này trong hình thờ mặc quân phục trịnh trọng lắm. Là sĩ quan trung cao cấp nên anh được hưởng quy chế phải gọi là khá. Hai người học chung với nhau từ tấm bé. Anh bạn thuộc gia đình trung lưu còn ông Tám thì bố là công chức bậc trung. Cái năm 75, anh bạn bắt đầu hăng hái trong hoạt động đoàn thể ở trường. Hai người vẫn học chung một lớp như bóng với hình. Thời thế đổi thay, ông Tám xuống thuyền làm người lưu vong vì nghiệm ra bản thân không có chỗ để vươn vai trong một xã hội bát nháo lấy "hồng" hơn "chuyên".

Đến mấy mươi năm không tin tức gì của nhau thì một hôm anh bạn xuất hiện qua...email. Hai người nối lại tình bạn xưa mà không ai buồn đả động đến... cái chuyện bên ni bên nớ. Anh bạn trông vẫn vui nhộn như xưa. Tướng tá cũng tốt tươi qua mấy tấm hình bạn bè đi VN gửi cho ông coi ké. Vì ông Tám dở hơi chưa hề "quy cố hương" lấy một bận.

- Đấy, đấy ông xem, người ta về VN như đi chợ thế kia!

Bà Tám không ít lần phân bua rủ rê ông về VN chơi. Ông cù cưa kẽo kẹt. Riết rồi bà chán, không thèm rủ rê ông nữa nhưng bà vẫn ức anh ách vì không được đi VN xem bây giờ nó ra “nàm thao.”

Bây giờ thì anh bạn đã ra người thiên cổ. Anh nằm trong nhà tang lễ bộ quốc phòng theo như chú thích trong ảnh. Có hoa, có đèn, có lính gác trong quân phục trắng tinh. Một loạt các huân chương anh nhận được trong suốt ba mươi năm quân ngũ lấp lánh trong khung hình.

Ông Tám cười với bạn trong hình. Ông sờ tay lên ngực mình. Trống rỗng, chả có cái huân chương nào cả. Hơn ba mươi năm ở xứ người, ông chỉ có bà Tám và con bé Nhiên. Có chỗ ra vào nho nhỏ xoàng xĩnh. Ông chả làm nên cái tích sự gì cho vợ con nó nhờ như bà Tám vẫn nguýt những khi vợ chồng... ngúng nguẩy.

- Ai có ngờ ông làm lớn thế hả ông?

Ông Tám thì thầm với người trong hình. Trong óc ông lúc nào cũng chỉ có dáng anh bạn những ngày tiểu học năm xưa. Tóc cắt ngắn, hơi bụ bẫm một chút. Học hành giỏi và ngoan ngoãn. Chả có tí gì dính dáng đến cái ông oai vệ kia trong bộ quân phục xanh lá cây. Anh bạn nhỏ hiền lành, ông bạn cũng vẫn nụ cười hiền lành.

Đám bạn đi đi về về VN cũng nhận xét như thế. Ông ấy cũng cười cười hoài à! Mày mai mốt có về VN nhớ ghé thăm hắn. Cũng đâu còn mấy đứa ở bển đâu.

Ông Tám vẩn chỉ cười cười mỗi khi nghe bạn rủ rê. Cũng như ông cười cười khi nghe bà xã rủ rê. Có những điều ông không thể nói ra, nhưng ông biết ông chưa sẵn sàng thay cái áo. Bằng một cái áo mới để "quy cố hương". Cái áo ông mặc mới sờn ở cổ có tí xíu thôi! Mặc vẫn còn thoải mái mà. Màu vàng tươi hôm nào nay đã ngả bạc. Hai cái túi chưa rách. Hàng nút còn nguyên.

- Thôi thì ông ra đi bình yên nghe bạn già.

Ông lại thì thầm với người trong hình. Loáng thoáng đâu đây là hình ảnh ngôi trường bề thế năm xưa bên hông dinh Độc Lập, mấy cậu bé trong sân chơi rượt đuổi nhau trong cái nắng ấm áp những ngày sau Tết. Tiếng cười đùa sao bỗng chốc lại hòa quyện với lời hát "hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi...".

Kỳ thiệt...

Quốc Vũ

Ý kiến bạn đọc
28/03/201400:28:46
Khách
Câu chuyện thật cảm động. Xin cảm ơn tác giả Quốc Vũ.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 5,574,281
Tác giả đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2008 với nhiều bài viết giá trị về nhà trường và gia đình. Bà hiện là một Facilitator - giúp hướng dẫn những buổi học thảo nói về hệ thống học đường tại vùng Bắc California.
Tác giả là cư dân North Carolina, mới định cư tại Mỹ chưa đầy 3 năm.
Gió Đồng Nội là bút hiệu của một tác giả đã góp nhiều bài đặc biệt và nhận giải danh dự viết về nước Mỹ ngay từ năm đầu tiên.
Tên thật Huỳnh Phạm Phước Duyên, cư dân Westminster, Calif. Nghề nghiệp tự do. Đây là bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của cô. Mong cô tiếp tục viết.
Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh, trước 1975, đã có nhiều chuyện ngắn, truyện dài do tạp chí và nhà xuất bản Tuổi Hoa ấn hành tại Saigon.
Tác giả hiện là cư dân tiểu bang Oregon, làm nghề giữ người già và tàn tật của Washington County ở Salem, Oregon. Với bài viết về nước Mỹ đầu tiên, "Ông Ngoại Của Thu Đi Lấy Vợ," Châu Hà đã nhận giải thưởng đặc biệt năm 1010.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, cô nhận giải danh dự 2001, thêm giải vinh danh tác phẩm 2005 với bài "Tháng Tư, Còn Đó Ngậm Ngùi," kể về tình gia đình chung thuỷ của người Việt tị nạn tại Hoa Kỳ.
Chuyện người Việt hải ngoại về Việt Nam làm từ thiện là một đề tài nhạy cảm. Có nhiều ý kiến khen, chê, ủng hộ, hoặc chống. Bài viết sau đây chia sẻ khách quan vài trải nghiệm về đề tài trên.
“Ba ba ngố” là phiên âm thổ ngữ Phi, có nghĩa là dầu thơm. Dân tị nạn Việt trên đất Phi xách túi đi bán rong đủ thứ gọi chung là “dân buôn bà ba ngố.”
“Ba ba ngố” là phiên âm thổ ngữ Phi, có nghĩa là dầu thơm. Dân tị nạn Việt trên đất Phi xách túi đi bán rong đủ thứ gọi chung là “dân buôn bà ba ngố.”
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến