Hôm nay,  

Như Bóng Mây

14/04/202300:00:00(Xem: 3172)

sach vvnm
Bộ sách Viết Về Nước Mỹ.

Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây là bài viết mới nhất của tác giả, những ngẫm nghĩ về cuộc đời khi xế chiều với lời đề:
Thương tặng bài viết này cho chị B.X, người bạn văn nghệ mà tôi rất trân trọng, quý mến. S.L)
  
I.
Bây giờ các con, cháu đã về hết. Căn nhà rộng này dường như lại rộng hơn. Tụi nhỏ lao nhao nửa ngày ở đây, rồi lên xe về nhà để ngày mai còn đi làm, đi học, trả lại sự yên ắng cố hữu cho bà Sang. Bà trở vào nhà nhìn ly cà phê nguội ngắt pha từ sáng tới giờ trên bàn. Suy nghĩ vẫn vơ, con cháu về thăm, vui một chút đó thôi, chứ nỗi buồn của riêng bà làm sao cho vơi bớt được!?

Chỉ là vài tháng nay thôi, cuộc sống của bà đã đổi thay rõ rệt. Ngày trước, lúc nào cũng kề cận với chồng, giờ đây ông đã ra đi biền biệt. Nỗi buồn đau này biết có ai chia xẻ cho cùng!!?
 
Bà Sang thả người vào chiếc ghế bành rộng thênh, nhìn ra ngoài vườn, nắng chiều vàng còn đậu trên hàng cây bưởi, cây cam. Cây tắc năm nay ra nhiều trái hơn, bà cũng không buồn hái vô làm mứt như mọi năm, vì tâm trí bà còn vấn vương hình bóng người chồng, người thương đã năm mươi ba năm chung sống.

Trời ơi! Mới đó mà đã năm mươi ba năm, hơn nửa thế kỷ. Có thể gọi cuộc hôn nhân này là cuộc “hôn nhân thế kỷ” không, vì bà vừa tiễn đưa ông Đê trong ngày Giáng sinh năm ngoái.
 
…Ngày Chúa Giáng sinh, ngày lễ của thế giới, ngày sum hợp gia đình, một ngày của Cali hoa lệ.., nhưng với bà Sang lại là ngày chia ly thống khổ. Các con tề tựu đủ mặt cùng bà không phải tổ chức tiệc mừng, hoa, rượu…mà để quyết định rút ống thở của ông Đê -chồng bà- đang ở bệnh viện. Không có nỗi đau lòng, tuyệt vọng nào như hôm ấy. Bà Sang và các con nức nở, nghẹn ngào chào vĩnh biệt ông lần cuối trước khi nhờ Funeral Home lo hậu sự cho ông chu đáo… 

Vạt nắng lụi dần. Trời sắp tối. Bà Sang ngồi một mình trong chiếc ghế bành này chắc là đã lâu lắm rồi. Trong bóng đêm chập choạng, bà tự nhiên lại nghĩ về đời mình. Cũng may hôm nay trời Cali hửng nắng, nên cái lạnh của những ngày mưa tầm tã mấy hôm trước cũng bớt đi phần nào. Thời tiết năm nay có phần lạ lẫm, vì Cali có bao giờ mưa dầm dề, lê thê như mấy tháng nay đâu!? Có lẽ đất trời cũng đồng cảm với nỗi buồn đau chưa dứt của bà, nên Cali nắng ấm xưa nay, lại là những ngày đêm ủ dột, xót xa.     

Chiều đi lặng lẽ.
Thương nhớ muôn bề
Khi người yêu đã chết
Nhạc Thu chưa thấy về
Chiều đi lặng lẽ
Mộ chí hoa tàn
Ôi mầu hoa tang trắng
Liệm tình em nát tan.
(Chiều Tưởng Nhớ - Lan Đài)
 
Ngồi trong bóng mờ tối một mình, bà bỗng nhớ lại câu chuyện đời bà… hồi đó.
 
…Bà Sang người quê miền Tây sông nước Cần Thơ -gạo trắng nước trong, nơi nổi tiếng con gái xinh đẹp nhất miền. Và cũng là điều tất nhiên, bà đã là một cô gái thật trẻ trung, xinh đẹp. Lớn lên bà theo cha mẹ lên Sài Gòn, vì thân phụ của bà là công chức làm việc ở Quận Sáu – Sài Gòn. Năm mười bảy tuổi, song song với việc học ở trung học Gia Long, bà cũng đã đạt ưu hạng trong kỳ thi vào trường Quốc Gia Âm Nhạc. Mộng ước cuộc đời của bà sẽ trở thành diễn viên sân khấu.

Nhưng, cuộc đời bà đã qua một bước ngoặc nghiệt ngã vì sự ra đi tức tưởi của người cha yêu quí không lường trước của sự thù hận từ đối phương bên kia chiến tuyến đã cướp đi mạng sống ông chỉ vì ông là viên chức chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Ông ra đi đúng vào những ngày đầu Xuân Mậu Thân 1968 ở tuổi bốn mươi ba tươi đẹp; bỏ lại người vợ trẻ, và tám đứa con thơ dại, đứa nhỏ nhất chỉ hơn hai tuổi. Và bà Sang phải bỏ học giữa chừng, vất vả đi làm phụ má nuôi em bữa đói, bữa no, ước mơ của bà đã không còn nữa, như cánh màn nhung sân khấu khép lại lạnh lùng sau buổi diễn. Lúc đó, bà không biết phải suy tính ra sao cho tương lai sắp tới, vì trước mắt là lo cơm áo cho đàn em nheo nhóc vừa mất cha, và người mẹ đau khổ vừa mất chồng khi tuổi tác hãy còn xuân sắc.

...Và ông Đê, một người lính trẻ Hải quân Mỹ, theo chân người chú họ, như cơn gió lành, đã đến với gia đình bà. Đúng ra tên của ông là Dave, người lính tình nguyện tham chiến ở Việt Nam, chỉ còn đôi tháng nữa là mãn hạn chiến đấu. Ông đã gặp bà Sang, như duyên phận định sẵn, bằng trái tim bồi hồi, rung động, bằng đôi mắt ngỡ ngàng pha lẫn yêu thương của ông trong buổi gặp đầu tiên. Ông đã bị đánh sập bởi vẻ đẹp “con gái Cần Thơ”, bởi đôi mắt thoáng buồn, gương mặt trái soan bầu bỉnh, bởi làn da con gái của miền “gạo trắng nước trong” tươi tắn của bà Sang… Một dấu hiệu khởi đầu cho một cuộc tình tuyệt đẹp!!

Chỉ một năm sau đó, 1969, bà Sang đã chấp nhận cuộc hôn nhân rất đổi tình cờ mà rất chân thật, ngọt ngào, trong tâm trạng hết sức ngỗn ngang, với ước mong thay đổi cuộc đời. Thôi, bà đã nghĩ rằng:

“Một liều, ba bẩy cũng liều
Cầm bằng như trẻ chơi diều đứt dây”
 
Thế là bà Sang bịn rịn rời quê mẹ, tạm biệt quê hương Việt Nam lấy chồng đi Mỹ với hai đứa em nhỏ nhất, 1969…

Một lần khép nép từ biệt Mẹ Cha
Phận em là gái như giọt mưa sa
Một lần e lệ bước lên xe hoa
Khép trang nhật ký đôi giòng viễn mơ.
Thôi chăn gối lẻ gửi lại giường xưa
Long lanh ngấn lệ, đôi má xuân thì
Hương trinh rờn rợn tà áo vu quy.
(Bài Thơ Vu Quy – Thơ Tuệ Mai, Nhạc Duy Quang)
 
 
Bao năm xa cách thương nhớ, bà trở về đón mẹ, cùng các em còn lại đi định cư vào năm 1972 theo chương trình đoàn tụ gia đình của chính phủ Mỹ, do ông Dave ký tên bảo lãnh.
Đó là lần trở về Việt Nam duy nhất của bà.
 
 Ông Dave –chồng bà-  không chỉ là người thương, người chồng mà còn là người ơn, người của ân sâu nghĩa nặng của bà. Ông đã tạo dựng một cuộc đời thật đáng sống cho bà, và gia đình đông đúc của bà. Trăm việc lớn, ngàn việc nhỏ. “Bổn phận sự, trách nhiệm vụ” này hiếm mấy ai nhiệt tình làm được như ông. 
Như ông Bụt trong truyện cổ tích ngày xửa ngày xưa, với tấm lòng bác ái đối với đồng loại, với gia đình bà, với tình yêu vô bờ bến đối với bà, ông Dave là hiện thân của ông Bụt ngày nay đã dang tay cứu giúp gia đình bà đang khẩn cấp cần sự cứu giúp. Mang trong người dòng máu Mỹ nhưng ông Dave có trái tim Việt, tình yêu thuần Việt, nên đã thấu hiểu, thông cảm, yêu thương bà,và giúp đỡ gia đình bà hết lòng.
 
Làm sao nói hết nỗi gian truân của người vợ, người mẹ nơi xứ lạ quê người, bà Sang suốt một đời tần tảo, hết lòng hết dạ vì chồng con, vì gia đình, các em, một đời học tập, làm việc không ngừng nghỉ để hòa nhập vào đời sống mới, để đền đáp lại lòng tốt của ông Dave, đồng thời giữ được nếp nhà để làm gương cho các em, các con, nơi đã chọn là quê hương thứ nhì.
….
Cho nên khi ông Dave không còn, thì làm sao không để lại thương tiếc trong lòng mọi người biết ơn, yêu thương ông, nhất là trong trái tim thương tổn của bà Sang. Ông bỏ lại sân trước, vườn sau, nơi nào cũng có bóng dáng của ông, có bàn tay của ông chăm sóc. Để cho vợ bớt nỗi nhớ nhà ông đã làm một vườn hoa hình chữ S thật đẹp ở sân trước, ai cũng trầm trồ khen ngợi ông khéo léo khi có dịp ghé qua chiêm ngưỡng. Những thành phố trên bản đồ hoa, ông đều trồng hoa Hồng, hoa Cúc. Nơi được xem là thành phố Sài Gòn –nơi ông đã gặp tình yêu của ông - đặc biệt ông trồng những bụi Trúc xinh xinh.

Sau này, từ khi chồng mất, bà Sang ít khi ra vườn sau nhà, vì hễ vừa thấy bóng bà lúi húi quét lá vàng rơi, con két thú cưng thật đẹp của ông Dave nhảy cà tưng trong lồng treo bên chái nhà “guest house” cất giọng khan đục : Heh Xang, heh Xang! Đúng như cái giọng ông Dave kêu, khi bà khi có điện thoại cuộc gọi đến.

Con két đẹp quá bà không nỡ đem cho ai, nhưng ngặt một nỗi tối ngày cứ nghe giọng “Heh Xang heh Xang” của nó, bà không chịu đựng được nỗi nhớ thương người đà khuất núi.

Bà Sang sống giản dị, ảnh hưởng sâu đậm đời sống Mỹ. Ông Dave qua đời, bà, và các con không tổ chức lễ tang, không có service ở Funeral home như bao người khác, không có khăn tang, không có hoa tang, không có khách viếng, nghĩa là “Nothing”, không có gì hết.

Có đôi bạn thân thắc mắc về sự cô liêu quá lớn mà bà Sang dành cho chồng trong ngày tử biệt, bà chậm rãi nói:

“Mấy bồ nghĩ xem, tôi đâu nỡ đem chuyện buồn đau của mình chia sẻ với mọi người. Còn nếu là niềm vui, tôi muốn mọi người cùng vui với tôi, còn nỗi buồn, tôi xin ôm giữ một mình”.

Bạn bè thân quen không ai dám nhắc với bà về chuyện ông Dave. Mỗi lần gọi phone thăm, bà Sang vẫn khóc nức nở làm cho chúng tôi cũng đau lòng xót dạ. Có lần bà kể:

“Từ biệt ông Dave ở bệnh viện, mẹ con tôi giao ổng cho funeral home. Vài tuần sau họ giao cho mình lại hủ tro cốt. Thế thôi! Đó là tâm nguyện của Dave. Ông không muốn phiền muộn cho mọi người, kể cả vợ con”.

Trầm ngâm một lúc bà kể tiếp:

 “Dave là cựu quân nhân, do đó, chính phủ sẽ lo giúp tang lễ cho ổng, nhưng vì trước lúc mất, ổng dặn dò tôi đừng nhận đặc ân đó. Ổng chỉ muốn ra đi thanh thản không muốn vướng bận chuyện gì hết”…
 
Bây giờ bóng đêm đã thực sự tràn ngập căn nhà, bà Sang dần bước tới bên tủ rượu, nơi đang đặt hủ tro cốt của chồng, thắp lên hai ngọn nến song song. Trong ánh nến lung linh, nụ cười của ông tỏa sáng trong bức chân dung ngày thời còn trẻ. Cũng nụ cười ấy, dáng dấp cao lêu nghêu làm bà nhớ lần đầu tiên hai đứa gặp nhau 1968, và bà trở thành vợ ông khi bà vừa tròn tuổi đôi mươi. Bà lặng lẽ mỉm cười hạnh phúc trong… lệ nhòa…,vì nhớ thương ông, hay vì khói nến đang trêu mắt bà.

Tiếng chuông điện thoại reo vang, bên kia đầu giây thằng em út của bà hỏi vọng:

“Chị Hai khỏe hôn? Chị bớt buồn đi nha. Má nhắc chị đó. Má nhắc chị sao không qua thăm má kìa!?”

“Ờ!,mấy hôm nay trời mưa hoài. Với lại, có tụi nhỏ về chơi. Thôi để ngày mai chị qua”. Bà Sang đáp. Thằng Út hỏi thăm qua loa rồi cúp máy.
 
Bà Sang thở dài âu lo. Phải mà, không lo sao được. Mẹ của bà sắp đến tuổi trăm, sức khỏe như đèn trước gió, đang ở với thằng con út, cách nơi bà nửa giờ lái xe. Thằng út đi Mỹ lúc chỉ hơn ba tuổi, giờ đã năm mươi ngoài. Vì còn quá nhỏ, nên đâu biết mặt cha. Nó cứ nghĩ Dave, người hoạn dưỡng là người thế vai cha nên cứ gọi tới gọi lui “Daddy, daddy”. Mấy chị em bà ai nghe cũng động lòng khóc mướt.


Bà Sang trở lại ghế bành, nhìn ánh nến lung linh xa xa bên di ảnh chồng, bà xúc động nói lầm thầm như để nói với ông:

“Honey à! Cái ghế này thằng con lớn nó mua cho ông để thay cái đã sờn rách. Nhưng, từ Health Care Center, Honey trở lại bệnh viện rồi… đi luôn. Honey chưa ngồi cái ghế này lần nào.”

Lầm thầm đến đây, bà Sang thực sự xúc động dữ dội, hai tay vịn vào thành ghế nghẹn ngào... Tự trấn tỉnh một lúc, bà lại nghĩ đến một câu thơ Truyện Kiều sao lại giống tâm trạng của mình bây giờ quá đổi:

“Nghĩ mình, mình lại thương mình xót xa”.

Bà Sang cũng lại nghĩ đến mẹ, không biết mẹ bà còn chống chọi được bao nhiêu ngày nữa khi sức lực ngày càng yếu dần; lúc mê lúc tỉnh. Bà Sang cũng đã chuẩn bị tinh thần cho “chuyến đi xa” của mẹ bà ấy rồi.
 
II.

Câu chuyện của bà Sang cứ lẩn quẩn trong tâm trí tôi, kể cả lúc ăn, lúc ngủ. Hình ảnh người phụ nữ Việt nam cả đời cực nhọc với gia đình, chưa nguôi ngoai nỗi buồn tang chế của chồng, lại sắp sửa chia tay với người mẹ yêu quí, góa bụa, âm thầm, sống chỉ vì con ở đất khách quê người. Nỗi đau buồn chồng chất trên vai khi tuổi đời không còn trẻ nữa, bà Sang đã qua tuổi bảy mươi, là tuổi “thất thập cổ lai hy” rồi, đáng lẽ phải hết mọi ưu phiền. Đằng này sao tâm tư bà vẫn còn trĩu nặng nhiều nỗi buồn thương!!?  

Chúng tôi cứ băn khoăn mãi về cuộc đời của những người già ở Mỹ. Họ có được hạnh phúc không? Họ có thực sự “Quẳng gánh lo đi, và vui sống không” như tác giả Dale Carnegie viết từ lúc chúng ta còn trên ghế nhà trường tuổi mười lăm, mười bảy không, hay đang sống cuộc đời bất hạnh?

Người già ở Mỹ, cụ thể hơn là người Việt tị nạn ở Mỹ từ sau 1975, họ có đời sống tinh thần vật chất như thế nào? Chuyện này chưa có một thống kê nào hết. Nhưng qua cảm nhận của từng người, cuộc sống ấy cũng “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, không thể nói hết được cách sống nào hay hơn!

Khi các con đã trưởng thành, căn nhà sẽ rộng hơn, vì chúng đã có gia đình riêng không thể ở chung nhà với cha mẹ nữa. Người Mỹ gọi gia đình lúc đó là “empty nest” vì chim non đã rời xa tổ ấm mà chúng đã lớn khôn từ đó, chỉ còn lại cha già, mẹ yếu. Từ lâu, thế hệ trẻ đã không còn thích ở chung, ở với cha mẹ nữa. Có khi các cháu vừa xong trung học đã vào dorm ở đại học , hoặc chọn cách sống riêng với “boyfriend” hay “girlfriend”. Tuổi trẻ yêu chuộng tự do, không muốn bị quấy rầy dù đó là song thân của mình.

Các cháu ngày càng lớn khôn, ra trường đi theo công việc. Có khi các cháu không ở cùng bang với cha mẹ, sự viếng thăm ngày một thưa dần. Mỗi năm, con cái chỉ về chơi, thăm viếng cha mẹ một đôi lần vào dịp Lễ Tạ Ơn (Thanks Giving), hay Lễ Giáng Sinh (Noel) mà thôi. Ngày Tết truyền thống Việt được xem là ngày Tết sum vầy, vậy các cháu cũng đâu được ngày nghỉ. Những ngày holidays của Mỹ không bao gồm ngày Tết âm lịch, do vậy, cha mẹ già cũng ăn Tết “hiu hắt” cùng nhau.

Bây giờ, khi chúng ta sáu mươi lăm tuổi trở lên được gọi là “senior”, tức là người già rồi, được nghỉ hưu rồi, sẽ được nghỉ ngơi “thơ túi, rượu bầu” như người xưa hay được “khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên” (Kiều). Mà, mấy ai được là tri âm đến vậy?

Tuổi già được ấn định từ trên sáu mươi lăm, như vậy lằn mức tuổi từ bảy mươi đến tám mươi chúng ta phải có cuộc sống như thế nào mới gọi là vui sống?

Thời nay, nhà nào đa số cũng chỉ có hai người, thỉnh thoảng mới có con, cháu về thăm. Buổi sáng thức dậy thấy trời hửng nắng có chút vui, nếu gió lạnh căm, tuyết rơi dầm dề, đôi bạn già nhìn ra sân trước vườn sau… mới thấm thía cuộc đời hiu quạnh của chính mình đến dường nào.

Làm sao để tuổi già được an vui đây, thưa quí độc giả? Người viết xin không đề cập đến đời sống vật chất, về cơm áo gạo tiền vì ai cũng có được trợ cấp từ chương trình SSI, hay SSA, tức tiền già, hay tiền hưu bổng từ quỹ An sinh xã hội. Giàu, hay nghèo, hạnh phúc, hay bất hạnh tùy thuộc một phần vào suy nghĩ, quan niệm của từng gia đình, “biết đủ là đủ”, không so sánh, và không phiền trách ai, kể cả không đòi hỏi trách nhiệm từ con cái.

Mọi người chắc sẽ đồng ý với chúng tôi về điều này: Hạnh phúc trên hết của tuổi già là sức khỏe, không vướng vào những căn bệnh nan y. Tuổi già mà, như bóng xế đầu non, như cây khô thiếu nước, làm sao tránh khỏi “một thấp, ba cao”? Vì thế chúng ta phải thường xuyên tự lắng nghe cơ thể mình; phải thường xuyên lui tới bác sĩ gia đình, tập thể dục hằng ngày, và ăn uống điều độ.

Người viết cũng hiểu rằng điều quan trọng cho tuổi già là sự vui tươi, có thể nói là mỗi ngày tự tạo cho mình một niềm vui. Cả vợ, cả chồng không ai còn trẻ nữa. Tình yêu sôi nổi tuổi hai mươi, ba mươi đâu còn, hương đã phai, sắc đã nhạt rồi, chỉ còn lại tấm nghĩa ân. Lúc này, “phu phụ tương kính như tân”(Vợ chồng nể phục nhau như bạn) mới đúng nghĩa. Sự háo hức sôi nổi ngày trước đã héo tàn, tình đã vơi đi chỉ còn lại là cái nghĩa thủy chung, có trước có sau là như thế. Vợ chồng cũng là bạn, nhưng dài lâu, bên nhau chia sẻ ngọt bùi, cay đắng đủ mùi, nên người ta gọi là BẠN ĐỜI.

Đôi lúc, vợ chồng cũng có lúc cãi nhau vì chuyện con cái, vì đường kia lối nọ, vì không có cùng quan niệm, nhưng chắc chắn rồi cũng sẽ buông bỏ thôi, vì “lực bất đồng tâm” đã hết sức rồi, đã tận lực rồi, thời gian bên nhau đâu còn bao lâu nữa!?

Phải, thời gian không còn bao lâu nữa với chúng ta, người già trên dưới tám mươi này. Ai rồi cũng sẽ lên tàu, ra khơi. Vé đã mua xong rồi, chỉ chờ chuyến thôi… rồi “thuyền cũng ra cửa biển”. Vì thế, chúng ta nên dành vài phút hãy nghĩ về nhau đi. Ngày xưa, các lão gia cũng liệt oanh cung kiếm, bây giờ gối mỏi chân chồn, tóc điểm sương phai, bệnh tật rề rề nên tính tình thay đổi. Ngày xưa ngọt ngào đến thế, “gallant” đến thế, sao bây giờ bực dọc, than phiền nỗi nọ đường kia!? Danh lợi đã qua, chỉ còn lại tuổi già lãng đãng, sao cứ trách người phối ngẫu hơn nửa thế kỷ bên mình về cơm canh mặn lạt? 
 
Chúng ta hãy quên bản thân mình một vài phút đi, để nghĩ về người đã phụng sự cả đời cho mình, cho các con. Người vợ, hay người chồng cũng thế. Họ còn ở bên mình bao lâu!? Chúng ta là chỗ dựa của nhau khi trái gió trở trời.

“Con cá làm nên con mắm
Vợ chồng già thương lắm mình ơi”
(Ca dao) 
 
Vì ngoài hai chúng ta, ai đỡ nâng ta khi vấp ngã, ai chia xẻ với ta chuyện nắng sớm mưa chiều. Về các con, ta phải thông cảm cho chúng. Chúng ta nuôi con, còn bây giờ chúng phải nuôi con của chúng nó. Thương con, nhưng đừng quá trông chờ, rồi chúng ta buồn thương, tuyệt vọng. Nếu già thêm chút nữa, không tự lo liệu cho mình thì nhà nước có chính sách giúp đỡ bằng cách gửi người đến chăm sóc. Nếu cùng cực phải vào nhà dưỡng lão, chúng ta cũng an nhiên chấp nhận mà thôi.
 
Phải cố suy nghĩ như vậy. Buông hết, bỏ hết. Vợ chồng tuổi này phải hết sức cảm thông, chín bỏ làm mười, thương nhiều hơn là trách cứ. Vợ chồng là BẠN ĐỜI, khi đời về già là bóng tối, là hoàng hôn, phải nhẫn nhịn,chia xẻ, THẤU HIỂU, cảm thông.
Tôi đã dặn lòng mình như thế, nhưng có thực hiện được không, tôi nào biết được!?
 
Ở những tiểu bang nắng ấm như Texas, Cali có đông người Việt quay quần, người già có được những niềm vui gặp gỡ đồng hương, tha hồ vui vẻ với hội hè, lễ lạc. Riêng chúng tôi, và những đồng hương sống ở những nơi xa xôi, mùa Đông có khi kéo dài bốn, năm tháng, tuyết phủ ngập đường ngập lối, người Việt sống rải rác, nên ít có dịp gặp gỡ, hàn huyên. Đời sống người già ở đây, do vậy, tẻ nhạt hơn người già ở những nơi nắng ấm nhiều lắm.
 
Bây giờ là cuối tháng Ba. Mùa Xuân đến rồi đó, nhưng tiết trời vẫn lạnh. Đâu đó, chúng tôi thấy sắc Xuân tràn về bên những luống hoa Tullip vừa mới trở mình. Tôi mong chờ tháng Tư với hoa Anh Đào nở rực rỡ sắc hồng suốt con đường dài ở Cherry Hill, hay mùa hoa Anh Đào cố hữu soi bóng nước hồ Potomac-Virginia, thủ đô Washington D.C vào những ngày đẹp nắng. Tôi mong chờ trời đất vào Xuân cũng như ước mong mọi điều tươi đẹp đến với nước Mỹ, xứ sở cưu mang chúng ta gần năm mươi năm nay.
 
Mượn trang viết này, tôi xin gửi đến những người già như tôi đã sống lưu vong có một đời đáng sống với TÂM AN, và sức khỏe ngày càng khá hơn, từ niềm vui tự tạo, và mang niềm vui đó đến với mọi người.
  
III.
 
Sáng hôm nay trời nắng đẹp dù nhiệt độ vẫn còn dưới 30oF. Định bụng sẽ kết thúc bài viết này rồi sửa soạn buổi điểm tâm cho “lão gia”, nhưng tin nhắn đã báo cho tôi biết mẹ bà Sang đã “về trời” từ giữa khuya (giờ Cali). Tôi bỗng thấy nhói trong ngực như có ai đó đang đè nặng trái tim mình, dù sự vụ này ai cũng tiên đoán được ngày bà mẹ đi không xa.
 
Tôi vẫn luôn trấn an mình, vì “Tuổi già, hạt lệ như sương” (Nguyễn Khuyến), tránh xúc động mạnh, ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng sao tôi vẫn nghĩ về bà Sang, bạn tôi. Rồi đây, bà ấy có tự vượt khỏi chính mình với nỗi buồn này không? Tang chồng chưa nguôi ngoai, lại lo tang mẹ. Ôi! Những mất mát thật to lớn trong đời chị ấy phải đối mặt khi tuổi đã ngoài bảy lăm, chệnh choạng đi về phía hoàng hôn, xế bóng.
 
Và, luôn thể, tôi lại nghĩ đến chính mình. Tôi hay nửa đùa nửa thật nói với bè bạn, anh chị em trong nhà rằng: “Thôi! Sống cho qua ngày, chờ ngày qua đời”. Quý bạn đọc nghĩ rằng tôi bi quan chán đời chăng? Không, tôi vẫn yêu quá cuộc đời này, và luôn yêu quí con người. Đến tuổi này rồi, phong ba đã từng, bão táp đã có, chúng ta còn lại gì thời gian ít ỏi này?
 
Tôi đã biết “Khi chúng ta không có điều mình thích, thôi thì hãy thích điều mình có” để luôn luôn an nhiên sống với con cháu, bè bạn xa gần. Tôi đã chăm chút, đong đếm từng chút hạnh phúc muộn màng, mong manh trong tuổi già, bên cạnh “lão gia” nhiều bệnh tật của mình đang gần đến tuổi bát thập.
 
Tất cả rồi sẽ qua đi. Tình yêu, công danh, sự nghiệp, tiền bạc… ngay cả đến sinh mệnh của mỗi người rồi cũng như bóng mây trời, bay đi, bay đi nhanh chóng.
 
Trang viết trước mặt vẫn còn đó. Hình như tôi đang có tiếng thở dài, dù rất nhẹ.
  
Song Lam.
Cherry Hill, Những ngày đầu Xuân,
cuối tháng 3/2023.
  

Ý kiến bạn đọc
17/04/202317:07:07
Khách
Vợ chồng tôi mới chỉ qua 60 mà con cái đi mất hết, giờ chỉ còn 2 vợ chồng với căn nhà 5 phòng ngủ, 5 phòng tắm. Cả năm chả có ai lên tầng hai.
14/04/202316:46:21
Khách
Ở vào số tuổi gần 90, Pablo Casals [1876-1973] đi đứng phải có người dìu dắt. Nhưng khi cầm cây đàn trung hồ cầm [violoncelle] yêu quý và "vô giá" được tạo ra bởi Matteo Goffriller vào năm 1733, Casals trình tấu nghe ra có hơi kém một chút xíu so với lúc còn trẻ.

Người đọc cũng đang cố gắng bắt chước Casals bằng cách đọc đủ loại sách, chăm sóc mấy cái bể nuôi cá xuất xứ từ con sông vĩ đại Amazon, đùa giỡn [dọa ma] với thằng cháu ngoại, tập Yoga mỗi ngày hai lần và không bỏ ngày nào ngoại trừ cần lắm, viết lách để đóng góp ý kiến tùm lum cho nhiều chủ đề [subjects], chọc ghẹo tiện nội, anh em, bạn bè, họ hàng, thiên hạ, etc.

Cuối cùng chúng ta đều chết [we all die in the end], nhưng chúng ta có quyền lựa chọn cách sống được hạnh phúc với bản thân và [có lẽ] với mọi người, duy trì sức khỏe tốt, etc. được ngày nào hay ngày đó để không nuối tiếc khi đến lúc phải gặp đấng tạo hóa trong một chiều không gian trước lạ sau quen.
14/04/202316:01:18
Khách
Thương ghét trong lòng mãi vấn vương
Hơn thua được mất chuốc thêm phiền
Cuộc đời cũng như cơn gió thoảng
Tốt xấu hơn thua chỉ một lời
Quẵng gánh lo đi nhẹ cuộc đời
Hành trai xếp lại vãng Tây phương
Công danh tài sắc như sương khói
Buông bỏ đi rồi niệm Phật thôi 🙏🙏🙏

Thương tiếc làm chi hoa vẫn tàn
Chán ghét nào ngăn cỏ phát sanh
Tiếng chuông thức tỉnh lân xa hãi
An ủi dân lành mọi khổ đau
Thành thật chia buồn với gia đình bác Sang
Rất hiểu nỗi đau của bác, vì nhà tôi cũng có 2 tang trong 1 năm, người bạn đời mất trước và 3 tháng sau thì mẹ tôi mất
A Di ĐÀ PHẬT
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 465,756
31/12/202308:17:00
Tối hôm qua, khi đang ngồi bình yên tịnh tâm thì KV nghe tiếng đùng đùng đùng kéo dài liên tục phía dưới lầu, làm thất kinh hết cả hồn vía. Chẳng lẽ năng lượng xuống mạnh quá, tạo ra lực xoắn ốc như trong phim Mai-Ca Từ Trên Trời Rơi Xuống hồi bé được coi, làm những thứ xung quanh bị cuốn hút bay theo, tạo nên tiếng động? KV ráng bình tỉnh hít thở, vuốt mắt, ra khỏi tình trạng bình yên và từ từ bò… xuống nhà để mau kiểm tra xem chuyện gì đã xảy ra. Đi cùng khắp tìm nguồn gốc của tiếng động kinh khủng lúc nãy, từ ngoài cửa vô bếp, qua tất cả các phòng - không thấy dấu vết gì là bất thường. Lạ thật! Mình ngồi bình yên và rất tỉnh chứ đâu có ngủ gục và nằm mơ! Tiếng động rõ ràng như cái gì đó sụp xuống kia mà?!
29/12/202300:00:00
Lão Tư Lì năm nay bước vào tuổi tám mươi. Đời lão lắm gian truân, nhưng cũng có nhiều may mắn. Sau ngày 30-4-1975, đời lão đã “tàn trong ngõ hẹp” - tưởng rằng lão đã bỏ thây trên núi rừng Việt Bắc trong những ngày bị lưu đày trong các trại “tập trung cải tạo” của cộng sản. Nhưng lão đã trở về sau bảy năm lao lý. Lão trở về với tấm thân gầy guộc, ngoài vợ và hai đứa con thơ, lão chẳng còn gì! Nhưng lão phải sống để đền đáp cái ân tình của người vợ thủy chung đã đợi chờ cho đến ngày lão ra tù, để cùng nàng nuôi dạy hai đứa con thơ. Lão đã trải qua những ngày cơ cực, bươn chải kiếm sống, nuôi con như những ngưởi cùng khổ nhất trong xã hội lúc bấy giờ.
25/12/202300:00:00
Đang gói các món quà và viết card chúc Giáng sinh, năm mới. Chồng tôi bước xuống chợt nhắc: - Nấu bún bò cho Boss Kyle nữa. - Dĩ nhiên mà, đang tính ngày mai đi chợ mua các thứ nấu đây.
24/12/202313:31:00
Janet, con bé xinh như thiên thần nhỏ. Lúc nào nhìn thấy nụ cười trên môi của nó, ông cũng liên tưởng đến đóa Hướng dương dưới ánh mặt trời. Ông công kênh nó trên vai. Bàn tay thô ráp của ông nắm chặt lấy bàn tay nhỏ xíu. Ông ca vang bài Cây Thùy dương và nó bị bô hát theo. Chao ơi, cái giọng ngọng nghịu đớt đất ấy nghe cưng làm sao đâu. — Thế ông có muốn nhắn gì với cô ấy không?
23/12/202320:06:00
Giáng sinh này của họ, hai người đàn ông đưa nhau về vùng biển ấm nào đó trên địa cầu để hưởng tuần trăng mật khi người vai chồng đã qua thời kỳ phong độ nhất của một gã đẹp trai, người vai vợ đã bạc đầu, lù mù cái kính lão dắt chó đi ngoài, xăm xoi hàng xóm xem có cần gọi cảnh sát hay không? Hạnh phúc trong lòng người nhưng con người cứ đi tìm hạnh phúc nên khổ đau tiếp diễn không hồi kết.
22/12/202300:00:00
Tôi nắn nót từng nét chữ vụng về trên chiếc Christmas card chúc mẹ thật nhiều sức khỏe, thật nhiều niềm vui bên những người bạn thân yêu của mẹ trong ngày Giáng Sinh; cẩn thận xếp tấm card với tất cả lòng yêu thương gởi gấm đến mẹ, bỏ vào bao thơ, dán lại, gởi bưu điện ngay chứ không thì sẽ không kịp ngày, Giáng Sinh chỉ còn vỏn vẹn mười ngày nữa thôi. Năm nay tôi lại không có mặt bên mẹ, chắc mẹ sẽ buồn và thất vọng lắm, nhưng tôi không thể nào làm khác hơn! Từ khi mới sinh, tôi vẫn quen với tấm hình duy nhất của người đàn ông trên bàn thờ mặc bộ đồ lính VNCH rất oai hùng, với một bông mai bạc gắn trên vai áo. Lớn một chút, tôi mới hiểu đó là bố tôi đã từng đi lính VNCH để bảo vệ tổ quốc, sau đó khi miền Nam bị cưỡng chiếm, bố bị đi “học tập cải tạo” 6 năm; khi được thả về, bố vượt biên đến bốn năm lần mới qua được Pulau Bidong; gặp mẹ trên đảo, hai người yêu nhau, rồi sang Mỹ làm đám cưới, khi bố đã hơn 40 tuổi.
22/12/202300:00:00
Người Mỹ có bài nhạc với tựa đề “It’s the most wonderful time of the year”, tạm dịch là “Thời gian tuyệt vời nhất trong năm”, để nói về lễ Giáng sinh. Không chỉ riêng gì nước Mỹ hay các nước phương Tây mới công nhận mùa lễ Giáng sinh là thời điểm tuyệt vời nhất của một năm mà các nước ở châu Á như Việt Nam cũng xem lễ Giáng sinh là một trong những ngày hội lớn nhất trong một năm. Ở các nước phương Tây, người ta, nhất là trẻ em, háo hức chờ lễ Giáng sinh vì đây là dịp để tặng quà cho nhau. Ở Việt Nam sau 1975, trong thời bao cấp, vì nghèo đói, người ta không tặng quà cho nhau nhưng không vì thế mà lễ Giáng sinh mất đi sự kỳ diệu.
19/12/202311:18:10
Mùa Đông đang đến sau vài cơn mưa nhỏ, những hàng cây vàng lá hai bên đường bắt đầu trơ trụi. Thảm cỏ xanh nhà hàng xóm đã không còn xanh tươi, lác đác có những chiếc lá vàng cuối cùng từ cây phong trồng phía trước bay bay theo gió rồi nhẹ nhàng đáp xuống sân nhà.
19/12/202311:16:11
Những ưu tư, những uẩn khúc chất chứa trong lòng, không biết chia sẻ với ai, nhờ diễn đàn Viết Về Nước Mỹ của Việt Báo mình đưa tâm tình lên trang mạng, cho nhẹ bớt trong lòng, chưa khi nào mơ tới chuyện giải thưởng. Rồi nhận được Email báo tin của chị Hằng, kèm theo giấy mời tham dự buổi lễ phát thưởng viết về nước Mỹ năm 2023 tại Nam Cali, tôi run lên, một cảm giác không tả được, tắt computer đứng dậy, đi một vòng ra sân hít thở, để cho tinh thần tỉnh táo, vô lại, mở máy, lên mạng, đọc đi, đọc lại trang thư mà chị Hằng gửi, lúc này nhịp đập tim ổn định, tôi gọi ông xã nhà tôi vô đọc Email. Ông cũng sửng sốt nói: – Ui chao! Có thiệt gửi cho bà không?
18/12/202313:24:00
Tháng Mười Hai lại đến, năm nay tuyết đổ thưa thớt vài trận, không như bên Wichita Kansas bà chị của Thảo nói rằng tuyết đã ngập đầy đường. Sáng nay Thảo đi bộ ra thùng thư đầu xóm, đi ngang qua nhà John đã thấy cây Giáng Sinh thật cao ngay cửa sổ, đèn xanh đỏ tím vàng nhấp nháy, đúng lúc John mở cửa để đi ra check thư. Thảo vui vẻ: – Trời, nhà tôi quá bận rộn đủ thứ chuyện, chưa kịp dựng cây Giáng Sinh mà bên nhà anh đã có vẻ sẵn sàng mọi thứ rồi nhỉ, cây Giáng Sinh đẹp quá. John thật thà: – Chị biết rồi đấy, chúng tôi Đạo Hồi, chỉ có lễ Ramadan, đâu có thờ Chúa, cũng chẳng mừng Lễ Noel, nhưng tuần rồi chúng tôi đưa Jimmy đi shopping, cháu thích cây Giáng Sinh và Hang Đá trưng bày ở tiệm shopping, thế là cháu đòi mua về, chúng tôi cũng chiều cho cháu vui. – Ôi, dễ thương làm sao. Mà trời còn sáng mà anh đã để đèn nhấp nháy rồi, tốn điện lắm á. – Cũng vì Jimmy chị ơi! Cháu say mê ngắm cây Giáng Sinh, mà phải có đèn mới chịu. Lúc đầu chúng tôi chưa biết ý ch