Hôm nay,  

Bị Tai Biến “Stroke”

20/05/202200:00:00(Xem: 4564)

 

Lễ-Phát-Giải-VVNM-2021
Lễ Phát Giải VVNM 2021.

 

Tác giả quê gốc Kinh 5 Rạch Giá, hiện là cư dân Seattle, dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2010. Ba bài đã viết là chuyện 30 năm của gia đình bà: Vượt biển tới đảo tị nạn, sau 7 năm chờ đợi, bị buộc phải hồi hương. Nhờ chương trình ROV, gia đình vẫn tới được nước Mỹ, và với sức phấn đấu chung, tất cả đã đứng vững. Sau đây là bài viết mới.
 
*
 
Chẳng biết tại sao mà từ khi qua Mỹ cho tới nay tôi bị lời nguyền gì mà mỗi năm đều bị bệnh mất mấy ngày, nhẹ thì cảm, sổ mũi nóng sốt, nặng thì bỏ ăn một hai bữa. Còn không thì chạy xe bị người ta vượt đèn đỏ hít đít hoặc húc hông, có lẽ thấy tôi mỗi ngày mỗi hên nên vận bám vào người càng nặng.
 
Năm ngoái trước đám cưới con trai là thằng Dũng thì Covid tới thăm và ở nhà chơi chung với tôi 50 ngày. Năm vừa rồi đám cưới thằng Duy sức khỏe chưa lấy lại được thì bị giời leo đau đến nỗi tôi không bước nổi. Vì cứ bị con bệnh đeo bám như vậy nên thằng Duy là con trai lớn đã thương mà trả hết nợ nhà cho để tôi yên tâm ở nhà nghỉ ngơi cho khỏe.

Ở nhà riết nghĩ quẩn lại sinh bệnh, nên tôi muốn đi làm cho dù các con đều không muốn mẹ thức sớm về trễ. Cản không được nên tụi nó nói mẹ kiếm công việc gì vừa với khả năng và sức khỏe thôi chứ đừng làm 70 tiếng/tuần không nghỉ như trước nữa. Hình như có tí tuổi rồi tính tình cũng thay đổi, nghe các con nói như vậy nên vâng lời tụi nó chỉ làm có 50 tiếng thôi, nhưng ở đời có những chuyện bất ngờ xảy ra mà mình không lường trước được.
Như bài viết gần đây, tôi khoe mới kiếm được job thơm ở công ty SpaceX, đi làm được hai ngày thì sanh chuyện.

 Sáng ngày thứ ba rời giường ngồi dậy thì tự nhiên thấy trước mặt tối sầm, cả người quay mòng mòng nên tôi không dám đứng lên liền, ngồi định thần và hít thở từ từ thì thấy đỡ, đi ra bếp pha ly trà nóng và lấy viên thuốc uống, nhưng vừa uống thuốc vào thì ói ra hết, theo thói quen lấy dầu nóng thoa vào lòng bàn chân, dùng đồng tiền cạo thì thấy bớt nên quyết định lái xe đi làm bình thường. Công việc mới này rất nhẹ nhàng chẳng có gì áp lực, tôi nghĩ trong đầu quyết tâm giữ công việc này cho tới khi về hưu.

Sáng thứ Năm thức dậy thì bị giống hệt như hôm trước, tôi lại thoa dầu và cẩn thận tự cạo gió hai bên phía sau cổ và pha ly trà gừng uống. Khi đứng lên cảm thấy tay trái hơi tê, nên tôi dùng hai lòng bàn tay chà vào nhau cho tới khi thấy ấm trước khi ra xe.  Nhưng vừa bước tới bếp thì thấy lạnh toát mồ hôi và muốn ói, còn trần nhà sao lại bị nghiêng xuống đất, tôi vội đứng dựa vào sink rửa chén, chỉ một lát là người trở lại bình thường nên mới ra nổ máy xe để đi làm. 

Bình thường từ nhà tới chỗ làm mất 40 phút lái xe, nhưng hai ngày nay tôi chạy xe toàn bị cán lane và cảm thấy xe bị nghiêng về phía tay trái, cứ phải gồng mình bẻ lái về bên phải nên không dám chạy nhanh. Mất cả tiếng đồng hồ gồng mình thì cũng tới được hãng, vừa xuống xe là bụng tôi quặn đau và nước ở đâu trong bụng nó trào ra khỏi miệng, làm tôi tối mắt, đứng dựa vào xe một lúc thì bớt, vội bước vào hãng chuẩn bị sẵn sàng cho việc training công việc mới. Ngồi chưa nóng chỗ tôi lại ói thêm ba lần nữa, trong người cứ nôn nao cảm thấy không khỏe, dù vậy vẫn cố ngồi làm vì nghĩ rằng mình mới đi làm, mà đã giở chứng kiểu đi trễ về sớm thì hãng sẽ tiễn vong ngay tuần lễ đầu chứ chả chơi.
 
 Câu mà cửa miệng mọi người hay nói là ”mưu sự tại mình mà thành sự bởi Trời ” rất đúng cho trường hợp này của tôi. Ngồi trên ghế mà tôi có cảm giác như mình ngồi trên võng, cứ thấy kìm kéo trước mặt lúc xa lúc gần, lưng mướt mồ hôi và bàn tay trái tê như khi ngủ tay mình bị đè lên. Coi mòi không ổn nên tôi xin phép đi về, lấy giỏ xách đựng đồ cá nhân, vừa ngồi xuống định bỏ đồ vào thì bị té và bất tỉnh luôn.

Lúc tỉnh dậy thì thấy lính cứu hoả, nhân viên cứu thương, an ninh team, safety team đứng đầy ở phòng. Nhân viên cứu hỏa và cứu thương xúm lại cầm hai cổ tay tìm mạch để nghe ngóng, nhưng tôi nghe họ nói với nhau là không nghe được nên họ lại cầm hai cổ chân để bắt mạch tiếp. Một người đặt tay vào cổ rồi nói là mạch của tôi rất chậm và yếu lắm. Họ đỡ tôi ngồi dậy dựa lưng vào tường, đưa máy vào gắn dây nhợ đầy người của tôi và đo huyết áp rồi nói 180/105. Họ cho tôi uống liền một viên thuốc màu xanh lợt nhỏ cỡ nữa đầu đũa và hỏi tôi thường đi cấp cứu ở nhà thương nào? Tôi trả lời là ở Swedish Seattle hoặc Highline Burien, nhưng họ cho biết nếu đưa tới đó thì thời gian phải tốn tới 30 phút, nên sẽ đưa tôi tới nhà thương gần nhất cách chỗ làm 5 phút thôi và cho biết thêm: Hiện tại tình trạng sức khoẻ của tôi rất nguy hiểm.

 Nghe nói vậy tôi cười thầm trong bụng và nghĩ họ lại muốn mình nằm nhà thương để tính tiền cho nhiều chứ gì? Đừng rung cây dọa khỉ nha, chị chỉ bị trúng gió thôi các em ơi. Cho đến khi nghe họ hỏi là thân nhân của tôi tới chưa và nghe supervisor nói là đã liên lạc được với con trai thì tôi nghĩ là chắc phải có vấn đề lớn rồi. Họ mang băng ca vào để đưa tôi ra xe cứu thương. Khi hai nhân viên y tế mỗi người một bên đỡ tôi đứng lên thì tôi nói là không cần đỡ đâu. Nghe vậy thì họ cười và để tôi tự đứng, nhưng trời ạ "Yếu mà bày đặt sĩ diện", tôi không đứng lên được, hai người vội đỡ tôi đứng lên dựa vào tường để tự mình bước thử, nhưng chân trái của tôi không nhấc lên được nữa. Một nhân viên y tế bế tôi lên nhẹ bỗng như 1 con gà đặt vào băng ca đưa ra xe cứu thương.

Tới bệnh viện, đoàn nhân viên bác sĩ, y tá đã chờ sẵn ở cửa phòng cấp cứu. Kẻ giao, người nhận bệnh nhân xong, tôi được họ gắn thêm dây nhợ và một miếng keo dán màu xanh lợt dài và to cỡ 3 ngón tay ngay giữa ngực chạy dài xuống bụng. Họ hỏi tên, tuổi và có biết tại sao mà phải vào đây không? Tôi kể cho họ nghe tình trạng hôm qua và sáng nay và khi tỉnh dậy thì thấy nhân viên y tế kêu đưa tôi vào nhà thương này.

 Sau đó họ còn nói nhiều thứ nữa mà tôi không hiểu rõ nên yêu cầu có thông dịch. Khi thông dịch trên phone nói cho tôi biết họ sẽ cho tôi uống một loại thuốc đặc biệt, nhưng xác suất tử vong 1/1000 sẽ xảy ra, nếu đồng ý uống thì ký vào tờ giấy ngay trước mặt và sau khi uống xong họ sẽ chuyển tôi qua phòng ICU để được chăm sóc đặc biệt.

 Ui trời! Cùi rồi sợ gì lở nữa, vậy là tôi ký tên vào giấy (sanh tử) liền. Sau khi hỏi chiều cao và cân số ký của tôi xong y tá đưa đến một viên thuốc bự hơn hột đường cát vàng một chút và kêu tôi hả miệng để họ đổ thuốc vào, kêu nuốt đi rồi nói sẽ chuyển tôi về bệnh viện Swedish ở Seattle. Họ cho biết hai đứa con trai tôi đang chờ ở ngoài nhưng chưa được phép vào gặp.

 Tới Swedish ở Seattle. Vào trong phòng ICU, lại phải trả lời các câu hỏi của các y tá, tên gì, có biết tại sao phải vào nằm trong phòng này không? Sau màn chào hỏi là lại thêm mớ dây nhợ và ống thở cùng nước biển rồi các dụng cụ y tế bám vào thân thể nhiều xương ít thịt của tôi. Bác sĩ đến giới thiệu tên và lại hỏi có biết tại sao phải vào đây không và bắt tôi nhấc tay chân cho họ coi.

 Thôi rồi Lượm ơi, chân trái không nhấc lên được nữa. Bây giờ tôi mới bắt đầu hoảng, vì đã trải qua hai lần bị liệt nên tôi rất sợ. Chết không sợ mà sợ không đi được mới ghê, đo huyết áp thì còn 87/75 nên bác sĩ gọi thông dịch online để họ dịch lại những điều bác sĩ hỏi tôi, vì không có đứa con nào được vào theo phòng ICU này.

Chẳng biết những người khác khi gặp trường hợp như thế này thì sao, còn riêng tôi khi bác sĩ hỏi là nếu trong trường hợp khẩn cấp tôi có cần họ dùng mọi biện pháp để cứu mạng sống của tôi lại không? Tôi nằm đó với dây nhợ đầy người nhưng rất bình tĩnh trả lời là không. Tôi sống được tới bây giờ là đủ lắm rồi, nếu sống mà nằm đó không đi đứng, không làm gì được thì hãy để cho tôi được ra đi bình yên, chứ không muốn dùng bất cứ phương tiện gì để giữ mạng sống của tôi lại.

 Khi đo huyết áp thấy không ổn định, vừa cao 180 tới 195 lúc thấp 85 hoặc 90 nên họ dự định cho tôi đi chụp Citi nhưng không thấy trong đầu có vấn đề gì, nên cho đi chụp MRI. Nằm trong phòng với dây nhợ đầy người, hai tay hai chai nước biển, chân trái không nhấc lên được, trở mình khó khăn mà không dám kêu hai người y tá ngồi trực đo huyết áp mỗi giờ giúp trở mình, nếu mà phải nằm như vậy mãi thì sống làm gì để khổ cho mình và mọi người.

 Tuy chân trái không nhấc lên được, nhưng vì không muốn nằm trong phòng ICU lâu nên tôi dùng chân phải đỡ chân trái để nhấc lên từ từ. Đúng là có chí thì nên, qua một ngày một đêm thì chân trái của tôi đã nhấc lên cao chút chút, tới trưa thì tôi ngồi lên được và nhờ y tá cho đi toilet chứ không phải nằm mà dùng bô nữa. Vì muốn chắc ăn nên y tá dùng một sợi dây dài khoảng 2 thước và bản bự cỡ 3 ngón tay buộc ngang người của tôi để dìu tôi vào toilet, nếu lỡ tôi có té thì họ ghì giữ lại được.

Nhìn các y tá làm những công việc đổ những bô nước tiểu và phân của mình, tôi ái ngại nói xin lỗi nhưng họ vui vẻ nói không sao cả. Họ còn nói là tôi mà không nhờ họ làm công việc này họ mới lo lắng, trên môi họ luôn nở nụ cười.

Mấy năm trước Ngoại tôi nằm ở bệnh viện Chợ Rẫy Việt Nam, vào thăm bà nhìn thấy gương mặt thiếu hẳn nét thân thiện của những y tá và bác sĩ ở đó tôi còn thấy sợ thì nói chi tới bệnh nhân.

 Ngồi dậy và đi vào toilet được rồi nên tôi xin về. Đã hai ngày một đêm nằm trong ICU, chẳng biết tin tức gì ở nhà, các con chẳng biết mẹ nằm trong bệnh viện ra sao, nhưng bác sĩ khuyên ở lại thêm một đêm để họ theo dõi.

Ở đây mỗi khi bác sĩ và y tá thay ca trực, tôi đều phải trả lời những câu hỏi và làm những động tác như nhau: Tên gì, biết đang ở đâu không? Rồi trợn mắt, lè lưỡi, đưa tay nhấc chân... tôi đều làm theo răm rắp nên họ khen VÉ RY GÚT. Lợi dụng được khen nên tôi lại xin về thì bác sĩ nói sẽ đưa tôi đi chụp MRI một lần nữa, rồi mới quyết định được.

Nằm trên giường tôi thầm thì cầu xin ơn trên và cha Trương Bửu Diệp cho con được về nhà, thì y tá trực vào nói là tôi có phone ở ngoài gọi vào. Cứ tưởng mấy đứa con gọi hỏi thăm, nhưng nhầm, một giọng nói ngọt ngào của một phụ nữ giới thiệu là nhân viên bên financial help, gọi tới để thông báo cho biết là hôm tôi vào bệnh viện, họ không biết tôi có bảo hiểm sức khỏe nào, bây giờ gọi lại lấy thông tin để họ thanh toán viện phí...

Trời ơi tin nổi không? Tôi nằm có mấy tiếng ở Emergency trên Redmond mà số tiền lên tới 17 ngàn đồng, và hai ngày một đêm ở ICU mà tới 46 ngàn đồng. Sau khi nghe họ nói số tiền, tôi nói muốn chết liền, rồi cười. Vậy mà họ tưởng tôi nói thật, vội vàng nói đừng lo lắng về số tiền này, ráng nghỉ ngơi cho khỏe, họ sẽ giúp xin Financial help giùm cho.

 Nằm có hai ngày một đêm mà số tiền đã trên 60 ngàn dola, nếu nằm thêm nữa thì chịu gì nổi, nên tôi lại xin về nữa, y tá và bác sĩ đều nói nếu tôi đứng lên đi lại được thì tới tối sẽ cho về.

 Vậy là tôi cứ dùng chân phải nâng chân trái lên và từ từ không cần tới chân phải nữa, tới chiều tôi có thể một mình đứng lên đi vào toilet dưới cặp mắt canh chừng của y tá. Tới 6 giờ chiều tôi xin về và bác sĩ đồng ý cho về với điều kiện thứ Hai phải trở lại tái khám. Tôi nhắn tin cho mấy đứa con tới đón và kêu tất cả con gái, trai và dâu tới luôn, để căn dặn vì chẳng biết trước được điều gì có thể xảy ra. Không biết vì nhận được quá ít của hồi môn, hay nghĩ là không biết lúc nào phải mồ côi mẹ nên đứa nào cũng rướm nước mắt.

 Ở nhà thêm hai ngày nghỉ cuối tuần, thứ Hai 2/7 tôi gọi vào hãng để xin đi làm lại, nhưng Supervisor nói tôi cứ nghỉ cho khỏe, đừng sợ mất công việc này. Ở nhà thêm một tuần, thứ Hai 2/14 tôi đi làm lại, không biết hãng bị xui hay tôi hên khi được nhận vào làm trong hãng này, vừa kéo ghế ngồi thì Supervisor tới dặn hai người làm chung là đừng để tôi làm gì nhiều, tôi cần giúp gì cứ việc lên tiếng. Vậy là tôi xin cho làm vào 9 giờ sáng, vì nếu làm 5 giờ sáng thì tôi phải ra khỏi nhà lúc 4 giờ sáng mới kịp giờ.

 Có lẽ là hãng lớn nên nhân viên cũng được trọng dụng, cho dù nhân viên đó dở ẹc như tôi. Supervisor đồng ý liền và nói tôi có thể vào làm giờ nào cũng được, cho tới khi nào tôi xong training thì tôi sẽ trở về ca chiều để làm. Tuy Supervisor nói như thế nhưng làm người ai lại làm thế, huống chi tôi lại là nhân viên mới mà eo sách và đòi hỏi đủ thứ thì chuyện cho về đuổi gà dễ xảy ra lắm chứ chả chơi. Lúc đó gà cũng không có để mà đuổi nữa, nói chi việc khác.

Có 1 điều may mắn tôi muốn khoe luôn: Ấy là SpaceX chưa có bán cổ phần trên Thị trường Chứng khoán.
Bây giờ thì ai cũng biết công ty này có ông chủ là Elon Musk, thế mà tôi ngu ngơ chẳng hề nghe đến tên ông này. Hôm tôi mới vô làm thì họ tặng cho nhân viên mới 15 cổ phần, bị bệnh mấy tuần tôi không vào hãng nên không biết rằng hiện nay 1 share đã split ra làm 10.
Thế là tôi có 150 cổ phần. Ha ha, quá đã.

 Tôi đã đi làm lại được một tuần và hôm nay thứ Hai 2/21 được nghỉ, nên tường trình lại minor stroke của riêng tôi cho mọi người, nếu gặp trường hợp giống như vậy thì biết mà ngừa trước. Và dưới đây là một vài triệu chứng:

 Khi ăn cơm, uống nước mà cứ bị đổ hoặc rớt ra ngoài, thỉnh thoảng đau một vai bên trái còn ngón tay bị tê thì nên đi bác sĩ ngay, khám và đo huyết áp thường xuyên, vì đó là ẺM đã đến thăm cơ thể mình một cách thầm lặng đó. 
Tuy tôi đã khỏi nhưng họ vẫn cho người tới nhà tập vật lý trị liệu, và lo lắng sợ tôi đi đứng không vững nên hỏi tôi có cần gậy chống không, con cái ở bao xa, nếu có chuyện gì thì khoảng bao lâu thì con mới tới được? Họ cho biết là đã bị rồi thì khả năng bị lại rất dễ, tôi phải để ý đừng để bị stress hoặc lo lắng chuyện gì.

 Qua Mỹ ở được 24 năm, số lần vào nhà thương không nhớ nổi, nhưng lần nào cũng vậy, tôi thấy từ y tá cho tới bác sĩ rất yêu thương bệnh nhân, đúng với câu LƯƠNG Y NHƯ TỪ MẪU... rồi lại lan man nghĩ tới hồi về thăm Ngoại tôi bệnh nặng nằm ở nhà thương Chợ Rẫy, ngay người lao công dọn dẹp phòng mà họ cũng có quyền hạch sách bệnh nhân, chỉ vì không có thủ tục ĐẦU TIÊN thì nói chi tới y tá hay bác sĩ.

Ở Mỹ này, hôm tôi bị té xỉu khi tỉnh dậy thì đã thấy các nhân viên y tế đứng chung quanh và làm bằng mọi cách để cứu tôi, dù không biết tôi có đủ khả năng trả viện phí hay không. Còn ở Việt Nam thì lại ngược lại vì tôi đã chứng kiến tận mắt một trường hợp. Năm 1997 trước lúc tôi được đi Mỹ, thằng Rụt bị sốt suốt huyết phải lên nhà thương ở huyện Tân Hiệp nằm, ngay tối hôm đó có một đứa bé cũng bị sốt xuất huyết nặng phải chuyển xuống bệnh viện tỉnh Rạch Giá bằng xe cứu thương. Cha mẹ đứa bé không có đủ tiền để bao chiếc xe mà đành bất lực nhìn đứa bé đi theo tử thần. Ánh mắt của cặp vợ chồng đó tôi nhớ mãi cho tới bây giờ, cho dù lúc đó tôi đã đưa hết tiền tôi có cho họ. Vì chứng kiến cảnh này nên tôi nhủ thầm trong lòng, dù nghèo tôi cũng sẽ cố gắng không phụ lòng nếu có ai nhờ cậy,  yêu cầu được giúp đỡ. 

Có lẽ như vậy nên bao nhiêu lần tôi gặp nạn đều có quới nhân giúp và không phải lo nghĩ gì nhiều. Điển hình như sáng hôm thứ Năm nếu tôi té xỉu ở nhà thì đâu ai hay biết gì, con cái cuối tuần mới ghé qua lúc đó thì chắc chắn đã thành cái xác không hồn rồi. 

Dân gian có câu nói truyền miệng là…. Quá tam ba bận, có lẽ tử thần là người nước ngoài mà tên tôi dài ngoằng khó đọc, nên ba lần tưởng bị chầu Diêm Vương mà vẫn lọt sổ. Tôi vẫn tin sự sống hay chết là Thiên định, mình không thể cưỡng cầu. nhưng ý chí và nghị lực vượt qua khó khăn thì chắc chắn là tôi phải quyết tâm để có thể có được.

 Di chứng của những lần bệnh nặng để lại trong thân thể của tôi vẫn còn. Covid đã lấy bớt đi không khí trong phổi của tôi; giời leo thì để lại trên ngực tôi những cơn đau chợt đến chợt đi và lần minor stroke này đã làm rối loạn sự bài tiết, nhất là vấn đề tiểu tiện và sự hồi hộp lo sợ khi ngồi trên xe.
 
Từ hôm đi làm lại tôi sợ lái xe vì mỗi lần ngồi vào xe hai chân tự nhiên run và lưng ướt mồ hôi, cho dù trời lạnh đông đá. Tôi đã bị liệt hai chân một lần vào mùa nước lụt ở miền Tây năm 78. Lần đó không biết bao lâu tôi mới tỉnh và đi lại được, và lần thứ hai là sau khi sanh thằng con trai lớn. Lần đó tôi bị liệt hai chân cùng nửa người bên phải, lúc đó con trai tôi mới được 26 ngày và sau đó tôi đã đứng lên đi lại được bình thường. Không biết là tôi cao số hay bị tử thần chê vì vậy mà vẫn còn được hít vào thở ra, để muốn ăn gì thì mua, buồn lấy sách ra đọc, stress ra vườn tâm sự với rau củ. Bực bội thế thái nhân tình bước đến nhìn cá bơi, nghe nước róc rách chảy và nhìn trời hiu quạnh, để chờ ngày được ngồi sau lư hương ngắm gà khỏa thân.

Cuộc sống như vậy còn đòi hỏi gì nữa phải không quý zị?
 

Ý kiến bạn đọc
28/05/202204:25:04
Khách
Do Thái, Đức, và Biden vẩn còn sợ Nga Putin, Putin nó hăm đứa nào gởi vũ khí đến thì nó sẻ cho vào danh sách đen.
Aid groups: Biden's $33B for Ukraine skimps on humanitary needs.
Israel turned down a U.S. request to allow Berlin to supply Ukraine with anti-tank missiles produced in Germany with Israeli technology under an Israeli license.
23/05/202217:51:49
Khách
>Nga đe dọa bỏ rơi phi hành gia Mỹ trong không gian vì các lệnh trừng phạt đe dọa hòa bình do Mỹ chống Nga trong vụ Nga xâm lăng Ukraina.

Thủ Tướng Đức Merkel lệ thuộc Nga về khí đốt và lương thực, Merkel dân Đông Đức là tiến sỹ khoa học, sợ Nga từ trong máu, thành ra không tính, có lần tiếp Putin bị Putin đem chó ra dọa vì Putin biết Merkel sợ chó, đúng là cái thằng hết sức là lưu manh. TT Pháp Macron thì sợ Nga không hiểu vì lý do gì. Chỉ có Anh, Thụy Điển, Phần Lan, Đan Mạch, Thổ, Tiệp Khắc, ... còn viện trợ quân sự ồ ạt cho mấy tuần đầu. Sau này Đức và Pháp thấy Nga không mạnh như mình nghĩ nên mới viện trợ quân sự cho Ukraina. Biden Mỹ lúc đầu củng vậy, sau này bớt sợ mới chi bạo cho 40 tỹ quân viện. Putin với Tập chia chác với nhau, Tập làm đại ca ỏ Á Châu tha hồ bợp tai lấy đất tụi nhỏ, Putin thì làm trùm Âu Châu sau 3 thương vụ thành công và không một ai dám nói gì như ở Chechyen, Georgia, Crimea. Thấy ai củng sợ mình nên tưởng bở làm thêm 1 cú nữa nắm luôn vựa lúa mì Âu Châu thì tòan thể Âu Châu quì gối dưới chân mình, không ngờ Trời không binh thằng gian ác, cho nó dính trường kỳ du kích chiến ở UK, đánh phục kích trên xa lộ, mìn các cầu cống, bắn vào các xe tiếp liệu, xăng, xe chở lính, ... ngày củng như đêm, ....thuận lợi là đánh, sơ hở là đánh, đánh xong chạy mất, qua chổ khác làm tiếp, ...với đũ mọi vũ khí tối tân từ khắp thế giới đổ về. Ngoại trừ 4 quốc gia xuất khẩu vũ khí ở Á Châu là Nhật, Đại Hàn, Indonesia, Ấn Độ thì không thấy gởi đồ quân viện, không biết sợ Tập Trung quốc hay sợ Putin Nga cho vào danh sách đen. Singapore thì gởi vũ khí chống tăng nước nhỏ mà có dũng khí. Các nước lớn hơn thì sợ sệt đũ thứ hèn gì Putin và Tập nó khinh thường, .... gần chục năm gần đây tụi nó tự tung tự tác, không coi ai ra gì, chỉ có tụi nó là số 1, ...Không biết là Liên Xô từng bị Afghanistan đánh tơi tả trong 10 năm, sau đó phải ôm đầu máu chạy về nhà. Afghanistan dù vũ khí không bằng Ukraina như ngày nay, chỉ có Stinger bắn máy bay, còn lại là vũ khí củ B40,B41, M72, hỏa tiển Tow bắn xe thiết giáp, xe tăng.... nhưng dân Afghanistan thì không có hèn.
23/05/202215:44:12
Khách
“…Sáng ngày thứ ba rời giường ngồi dậy thì tự nhiên thấy trước mặt tối sầm, cả người quay mòng mòng .. nhưng vừa uống thuốc vào thì ói ra hết …Sáng thứ Năm thức dậy thì bị giống hệt như hôm trước, …Nhưng vừa bước tới bếp thì thấy lạnh toát mồ hôi và muốn ói, còn trần nhà sao lại bị nghiêng xuống đất …Bình thường từ nhà tới chỗ làm mất 40 phút lái xe, nhưng hai ngày nay tôi chạy xe toàn bị cán lane và cảm thấy xe bị nghiêng về phía tay trái, cứ phải gồng mình bẻ lái về bên phải nên không dám chạy nhanh. Mất cả tiếng đồng hồ gồng mình thì cũng tới được …” - ( Trích )

Hic, tác giả quả thật là đã dám " giỡn mặt" với Tử Thần. Qua hai ngày gần như liên tiếp, tình trạng cơ thể biến đổi một cách rất ư là bất an đến mức như vậy, mà vẫn bình chân như vại, không gọi bác sĩ xin một cái hẹn khẩn cấp trong ngày, thì tôi chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm cho tác giả mà thôi.
Chưa kể là khi tác giả không thể điều khiển được tay lái thì nếu tai nạn xe cộ xảy ra thì không những tính mạng mình mà còn của những người khác bị nguy hiểm nữa, tác giả ơi.
Làm việc cho SpaceX thì chắc hẳn tác giả cũng được họ cung cấp cho bảo hiểm sức khỏe ( và có thể luôn cả bảo hiểm răng ) ? Và hẳn là tác giả cũng đã chọn riêng cho mình một bác sĩ gọi là primary care doctor- người bác sĩ này thường là biết một cách tổng quát tình trạng sức khỏe của mình. Và cũng là người mà tác giả có thể xin gặp để hàng năm tới khám tình trạng sức khỏe tổng quát hoặc những khi cần thiết, chẳng hạn như trong các trường hợp kể trên. Nếu primary care doctor bó tay không thể điều trị một chứng bệnh nào đó, thì họ sẽ giới thiệu mình tới một bác sĩ hay bệnh viện nào đó chuyên môn hơn- và sẽ được bảo hiểm sức khỏe trả cho một phần nào.
Và chắc hẳn tác giả đã mua một máy đo áp huyết máu để có thể theo dõi sát tình trạng áp huyết hàng ngày ở nhà.
23/05/202206:10:01
Khách
>Không biết NASA chi bao nhiêu cho 1 người nếu dùng hỏa tiển Nga, google thì nói trả mỗi người 55 triệu đô la cho chuyến đi và chỗ ở, bao gồm tất cả các bữa ăn.

86 triệu dollar cho mỗi người. NASA trả tổng cộng 4 tỹ dollars cho Nga trong nhiều năm. Và "Nga đe dọa bỏ rơi phi hành gia Mỹ trong không gian vì các lệnh trừng phạt đe dọa hòa bình do Mỹ chống Nga trong vụ Nga xâm lăng Ukraina. Nhưng cuối cùng Nga đổi ý và cho phi hành gia Mark Vande Hei hạ cánh xuống Kazakhstan cùng với hai phi hành gia Nga trên một tàu vũ trụ của Nga." Nếu không thì 1 tháng nữa Mark Vande Hei sẻ trở về bằng phương tiện của SpaceX. SpaceX chấm dứt gần vĩnh viễn các hoạt đông thương mại của Nga trong không gian vì các lệnh cấm vận áp đặt cho Nga trong vụ Ukraina
22/05/202201:03:32
Khách
Chúc mừng Hương vượt qua được cơn "stroke" này. Bị một lần cũng có thể bị lần nữa nên phải hết sức cẩn thận em nhé.
Cũng chúc mừng Hương được nhận vào làm một hãng rất "xịn" và sếp rất tốt. Ở hiền gặp lành!
21/05/202204:30:31
Khách
SpaceX có thêm 1 đối thủ là Boeing CST-100 Starliner trong việc đưa người lên trạm không gian International Space Station.

NASA Mark Vande Hei sẽ trở về từ ISS trên tàu vũ trụ Soyuz của Nga ngày Mar 30, 2022 sau một sứ mệnh không gian 355 ngày. Không biết NASA chi bao nhiêu cho 1 người nếu dùng hỏa tiển Nga, google thì nói trả mỗi người 55 triệu đô la cho chuyến đi và chỗ ở, bao gồm tất cả các bữa ăn. Sau đó SpaceX chấm dứt sự lệ thuộc vào Nga. Phi hành gia SpaceX Crew-4 của NASA tới Trạm Vũ trụ Quốc tế cùng với các phi hành gia NASA Kjell Lindgren, Robert Hines, Jessica Watkins và phi hành gia Samantha Cristoforetti của ESA (Cơ quan Vũ trụ Châu Âu), ngày 27 tháng 4 năm 2022.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 495,705
Hai năm trước tôi có viết lần lượt Tiễn Vong 2020, Tiễn Vong 2021, cứ ngỡ rằng năm nay tiễn 2022 bình thường, nhưng tiếc thay, dư âm của “Vong Covid” vẫn còn lãng đãng dây dưa, nên một lần nữa, chúng ta lại phải tiễn Vong. Dù hiện nay các mũi vaccine thứ tư thứ năm đã available mà chẳng ai thèm đoái hoài, bên Mỹ và Canada các tiệm Pharmacy sẵn sàng chờ người ta đi chích, nhưng bà con đã quá mệt mỏi với Covid, đâm ra... lờn thuốc luôn chăng? Chả bù với thời gian giữa năm 2020 khi nhân loại đang kinh hoàng vì giặc Tàu, í lộn, giặc Cúm Tàu, nên khi những đợt vaccine Pfizer, Moderna đầu tiên xuất xưởng người ta chộn rộn xôn xao mong được đi chích. Hễ người nào may mắn trong diện ưu tiên, đi chích xong còn chụp hình khoe trên Facebook cho người khác thèm khát ước ao.
“Bà già khó chịu “. Đó là biệt danh hàng xóm đặt cho bà. Bà biết hết chớ. Nhưng họ chỉ dám gọi sau lưng bà, nên bà cũng miễn chấp. Nguyên tắc sống của bà vẫn không thay đổi. Bà không muốn động chạm đến ai, và cũng không muốn ai động chạm đến mình.
Từ hôm nhận được thông tin năm này “ gia đình Phủ Cam sẽ tổ chức họp mặt tại Nam Cali”, lòng tôi háo hức như đứa con nít đếm từng ngày mong mau mau tới ngày tết . Tâm trạng hồi hộp, bâng khuâng suy nghĩ đến ngày ấy, đếm từng tờ lịch rơi, không biết để làm gì nhưng sao mà cứ ngẩn ngơ, nhiều khi cảm thấy thời gian như đang dừng lại, nôn nóng gửi email hỏi trưởng ban tổ chức ngày họp mặt để mua vé máy bay trước
Thời gian qua mau như giòng sông chảy xiết, nhưng không cuốn trôi mất kỷ niệm vui của tôi về Lễ Giáng Sinh năm 2021. Tôi ở trong nhà dưỡng lão được hơn hai năm rồi. Năm tôi sáu mươi chín, bất ngờ bị vấp té, đầu gối tôi yếu hẳn, từ đó đi đứng khó khăn; con trai tôi khuyên mẹ vào nhà dưỡng lão có dịch vụ hỗ trợ sinh hoạt. Căn nhà của mẹ sẽ cho thuê để có tiền trả cho nhà dưỡng lão, tọa lạc quanh vùng Little Sài Gòn, để tôi còn dễ liên lạc vói cộng đồng người Việt.
Trời đổ tuyết nặng hạt, mịt mù. Chiếc school bus đậu ngay trước nhà, tôi hé cửa vẫy tay ra hiệu, Amanda con gái tôi nhảy ra khỏi xe, ngửa mặt đón những bông tuyết mát lạnh rồi chân sáo tung tăng bước vào nhà. Chưa kịp rũ bỏ giày boots, áo mũ, nó liền huyên thuyên (giống ai hổng biết!), với cái ngôn ngữ nửa nạc nửa mỡ, nữa Việt nửa Anh
Mua thêm chậu hoa không biết tiếng Mỹ gọi là gì nhưng tiếng Việt gọi là hoa tiểu muội, hồng tiểu muội đẹp kiêu sa hơn hoa hồng người ta thường tặng nhau vì người tặng và người được tặng đều nghĩ đến thông điệp nhiều hơn những bông hoa đắt tiền. Tiểu muội màu hồng khôn khéo ở hình thức giống hoa hồng nhưng nhỏ nhắn hơn nhiều nên nhìn rất dễ thương, tiểu muội màu trắng đẹp mê ly như công chúa ngủ trong rừng. Đặc biệt tiểu muội màu vàng đẹp quyến rũ đến thấy là mua vì hoa xinh lại vàng tao nhã như hoa soi nhái vàng lối đi ngày nọ. Hai loài hoa bờ rào bờ giậu nhưng là cả quê nhà, cả ký ức thân thương. Còn một màu vàng yêu kiều khác là màu vàng của hoa đậu bắp, màu vàng chanh nhẹ làm diệu mắt, làm chùng xuống oán hận, chứ không vàng chảng như vàn bốn số chín hy vàng chùa chiền quá uy nghiêm, vàng cung điện khoe mẽ.
Tác giả Duy Nhân tên thật Nguyễn Đức Đạo 75 tuổi hiện ở tại Chicago, tiểu bang Illinois. Đã đóng góp nhiều bài Viêt Về Nước Mỹ và được lãnh giải nhiều lần từ năm 2001. Sau đây là bài mới nhất của tác giả viết về mâu thuẫn quan điểm giữa vợ chồng.
Ngày 1 tháng 9 từ Bắc Cali, chúng tôi lên đường “tòng quân nhập ngũ”. Điều làm tôi phấn khởi và cảm động vì từ lâu dù cùng là thành viên của Cô gái Việt, nhưng chị Hoài Niệm và Song Thy chuyên làm “thợ lặn,” rất ít lên tiếng hay gởi bài vở vào, nhưng khi nghe chúng tôi qua Houston, chị Hoài Niệm lên tiếng mời chào “sẵn sàng làm Uber đưa đón phi trường và có mini motel free.” chị và SongThy lên list chương trình những ngày ăn chơi xả láng. Tôi thật ngạc nhiên không ngờ trên diễn đàn chưa quen biết nhiều nhưng 2 người đã mở rộng lòng như vậy.
Tác giả qua Mỹ trong một gia đình H.O. từ tháng Sáu năm 1994, vừa làm vừa học và tốt nghiệp kỹ sư điện tử. Là cư dân Garden Grove, California, lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018, ông đã nhận giải đặc biệt về Huế Tết Mậu Thân với bài viết về một gia đình bên cầu Bạch Hổ Huế, có người cha toàn thân bị cộng sản chôn sống. Sau đây là một truyện kể dí dỏm.
Mị nhớ mình từng đọc đâu đó câu nói: “Nhà là nơi trú ngụ tâm hồn của chúng ta!” Nhà là nơi nắm giữ những ký ức tuổi thơ, là nơi nuôi dưỡng tình yêu thương trong tâm hồn mỗi người. Sau những ngày làm việc vất vả, những bôn ba trong cuộc sống ai cũng mong có một ngôi nhà ấm áp để trở về. Nhà không cần to đẹp, chỉ cần an toàn, ấm cúng và đầy tình yêu thương. Người nào mà bão giông cuộc đời dừng lại ngoài cửa nhà là người cực kỳ có phúc. Sau khi ủ mưu đâu gần chục năm thì Mị quyết định bắt tay vào gia cố ngôi nhà của mình, vừa để tránh mưa gió cuộc đời vừa để có chỗ ở thoải mái cho mình lẫn người thương.
Nhạc sĩ Cung Tiến