Hôm nay,  

CHUYỆN GIA ĐÌNH TÔI và VIỆC HẬU SỰ Ở MỸ

07/11/201900:00:00(Xem: 12640)

Bài số 5830-20-31618-vb5071119

 

Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975. Vượt biển và định cư tại Mỹ năm 1980, làm thư ký văn phòng chính ngạch tại City of San Jose từ 1988-2006. Về hưu vào tuổi 55, hiện ở nhà chăm nom các cháu nội ngoại. Tác giả nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm 2018. Sau đây, thêm một bài viết mới của bà.

Tiếp theo và hết.

***

  Mẹ thật diễm phúc được ông cố đặt cho cái tên rất đẹp.  Ngày xưa, trên đường về Triều Đình yết kiến Vua, khi ông đi qua đèo Hải Vân, ông đã chọn tên của cái đèo nổi tiếng này để đặt tên cho cô cháu mới sinh ra đời.  Thành ra Mẹ tôi được cái tên đẹp là Hải Vân.

  Mẹ tôi lớn lên ở Miền Bắc vào thời chiến tranh loạn lạc.  Cái thời của Mẹ tôi, đàn bà con gái không được đi học, mà Mẹ tôi có bằng Tiểu Học là đã giỏi lắm rồi.  Mẹ có trí nhớ rất tốt, nên Mẹ luôn là quyển tự điển ca dao tục ngữ của tôi, bất cứ khi nào cần hỏi điều gì là Mẹ đọc thuộc làu cho tôi nghe.  Nhờ vậy mà tôi viết được những chuyện về Mẹ, như bài Mẹ Tôi Bị Nghẹt Tim...

  Lễ cưới của Ba Mẹ tôi đã được cử hành tại Nhà Thờ Phát Diệm vào đầu năm 1950, có ba Cha đồng tế rất trang trọng.  Nghe Mẹ kể, ông bà ngoại của tôi có hàng trăm mẫu ruộng tư điền cò bay thẳng cánh, khi gả Mẹ cho Ba tôi, ông bà đã cho phần ruộng tư điền làm của hồi môn cho Mẹ theo Ba về quê bên chồng, đi bằng xe kéo tay, loại xe này rất thông dụng vào thời đó ở Miền Bắc Việt Nam.  Và sau đó, ông bà lại còn cho Mẹ tôi một cửa tiệm hàng xén bán đồ tạp hoá ở phố chính Phát Diệm.  Mẹ rất khéo tay vừa đan áo len, vừa bán ra mua vào những thứ hàng khác kiếm lời mà sinh sống.

  Mùa hạ năm 1951 tôi đã được sinh ra là kết quả tình yêu đằm thắm của Ba Mẹ.  Năm 1954 hiệp định Geneve chia đôi đất nước Việt Nam, đa số người Miền Bắc đã bỏ nhà cửa ruộng vườn để chạy lấy người.  Ba tôi đã đầu quân đi lính cho cụ Tổng Thống Ngô Đình Diệm, nên gia đình Ba Mẹ tôi được đi di cư bằng tàu Mỹ.  Tàu cập bến Nha Trang, và sinh sống lập nghiệp tại đây.  Sau đó Ba được chuyển đến Pleiku, rồi đến Huế, Hội An, Đà Nẵng, Đà Lạt.  Nhờ theo Ba thuyên chuyển nhiều nơi, mà chúng tôi biết được những đặc điểm của mỗi nơi trên Quê Hương Việt Nam thân yêu.

  Trong thời gian làm việc ở Đà Nẵng ngoài Miền Trung, trực thuộc ban tiếp liệu của Sư Đoàn 2 Bộ Binh, nhiệm vụ của Ba tôi là trưởng ban, phải thường xuyên đi về Sài Gòn lãnh quân trang quân dụng và xăng dầu ..v..v.. đi theo đoàn công voa từ Thủ Đô Sài Gòn ra ngoài Miền Trung để phân phối tiếp liệu cho Sư Đoàn.  Tôi được nghe Ba kể, thỉnh thoảng đến điểm dừng chân của đoàn người trên xe, thì thường hay có những con mồi muốn móc nối "nhảy dù" những đồ tiếp liệu, nhưng Ba tôi là một người lính Việt Nam Cộng Hoà liêm chính, người đã một mực từ chối, thà "Đói cho sạch, rách cho thơm". 

  Đi đường xe xa như vậy, ba đã ăn uống thất thường, ăn không điều độ đã bị bữa đói bữa no, thêm vào sự thấp thỏm lo lắng VC bắn sẻ, pháo kích hoặc gài mìn, vì trên những tuyến đường miền Trung đi qua đèo núi hiểm trở có thể xảy ra đầy những bất trắc hiểm nguy.  Vì thế Ba tôi đã bị bệnh đau bao tử từ thời gian đó.

  Đầu năm 1959 Ba tôi được Sư Đoàn bổ nhiệm gởi đi du học khoá tiếp liệu bổ túc 9 tháng ở tiểu bang Texas Hoa Kỳ.  Khi mãn khoá học Ba trở về lại Quê Hương Việt Nam thì nhiệm sở cũ đã có người khác vào làm, nên cấp trên lại chuyển nhiệm Ba tôi đến làm việc ở Thành Phố Đà Lạt khoảng một năm.

  Đời quân nhân đã làm việc ở ngoài Miền Trung liên tục hơn mười năm dài.  Mùa Xuân Canh Tý năm 1960, Ba tôi được đổi về SàiGòn, Quận Gò Vấp chẳng bao lâu, thì Ba tôi đã bị trở bệnh, phải nhập bệnh viện khẩn cấp vào Tổng Y Viện Cộng Hoà nhiều lần, Bác Sĩ đã phải mổ cắt hết hai phần ba bao tử.  Đến năm 1971, sức khoẻ của Ba ngày càng yếu đi, nên đã được Bác Sĩ Quân Y chuẩn thuận cho ra hội đồng Giám Định Y Khoa để được hưởng quy chế Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hoà.

  Sau đó một năm, bạn Ba là bác Minh đang làm trong Phủ Thủ Tướng đã giới thiệu Ba vào làm công việc thư ký hành chánh, việc này ưu tiên cho Thương Phế Binh, nên nhàn nhã và rất thoải mái.  Mặc dù người yếu đi, bao tử thì nhỏ lại nên mỗi bữa chỉ ăn được ít thôi và ăn làm nhiều lần trong một ngày.  Tuy là sức khoẻ yếu kém, nhưng Ba tôi vẫn tận tuỵ cố gắng làm việc để lo cho gia đình.

  Mẹ tôi là tiểu thư khả ái xinh đẹp, dòng dõi quan cách, nhưng khi kết hôn với Ba tôi, Mẹ trở thành gia đình dân giả nghèo, nhưng Mẹ vẫn vui vẻ theo bước người quân nhân Việt Nam Cộng Hoà rầy đây, mai đó qua khắp nẻo Miền Trung trên Quê Hương Việt Nam yêu dấu.  Khi di cư vào Miền Nam Việt Nam, Mẹ tôi đã có kinh nghiệm, vì đã trải qua biết bao nhiêu lần tản cư chạy giặc trên đất Bắc, nên Mẹ đã phải bươn trải, dành dụm cho những ngày mưa nắng bất thường, nhờ vậy mà chị em tôi được nhờ.  Tuy nhà nghèo, nhưng mười chị em tôi vẫn có cơm no áo ấm của một gia đình hạnh phúc đầm ấm.

  Nhờ vào sự đảm đang và chi tiêu tằn tiện của Mẹ, nên gia đình tôi đã mua được một xe taxi cũ, Ba dùng để đi chở khách một cuốc trước khi đến sở làm, Ba chạy xe Taxi bốn bánh thì vững vàng và đỡ mệt hơn xe gắn máy.  Khi tan sở làm ra về Ba cũng đón một hoặc hai lần khách rồi mới về nhà.  Còn cuối tuần thì Ba cho người quen mướn cái xe taxi đó kiếm thêm tiền để tiêu dùng trong gia đình.

  Mẹ tôi vẫn thường nói, cô em kế tôi là Kim Thanh và tôi là cánh tay mặt của Cha Mẹ.  Bởi vì Mẹ tôi còn phải chăm sóc các em còn rất nhỏ, nên tôi phải cùng với KT thay phiên nhau đi chợ và lo vấn đề ẩm thực cho cả gia đình.  Gạo muối đường, dầu hôi hay than cùng các thực phẩm lên giá hay xuống hai chị em tôi cũng rành sáu câu.  Nếu không theo sát thực thì biết gì mà lo, còn chúng tôi biết nhiều quá nên coi như bị ràng buộc vào tâm.

  Có nhiều khi tôi băn khoăn tự hỏi, sao mình không kiếm việc đi làm phụ đỡ Cha phần nào, để người bớt lo lắng.  Mặc dầu phần tài chánh của gia đình tôi cũng không đến nỗi, Mẹ tôi cũng có một ít tư trang và tiền dành dụm để phòng khi hữu sự.  Thật tình thì lúc nào tôi cũng muốn đi làm có thêm một đầu lương nữa để cho Ba tôi yên tâm hơn và bớt căng thẳng.

  Tôi may mắn đã thi đậu vào nơi công sở MACV, sau đổi qua là Defense Attaché Office, gọi tắt là DAO, trực thuộc US Embassy.  Toà nhà DAO khi xưa toạ lạc trong Phi Trường Tân Sơn Nhất, đối diện với Air Việt Nam, và tôi đã làm cho đến ngày cuối cùng khi mất nước.  Nhờ vào lòng nhân ái và sự quảng đại của cơ quan DAO, khi người Mỹ triệt thoái ra khỏi lãnh thổ Sài Gòn Việt Nam, họ đã trả cho toàn thể nhân viên một số tiền thâm niên rất hậu hỹ, nên chúng tôi mới có một số vốn để dành, giúp đỡ Ba Mẹ để nuôi các em, và có tiền mua bán sinh sống qua ngày.

 

  Thế rồi ngày 30 tháng tư 1975 đen tối đã bao trùm khổ luỵ kinh hoàng phủ chụp lên đầu toàn dân người Miền Nam Việt Nam.  Cuộc chiến hai Miền Nam Bắc đã kết thúc, tuy là đất nước đã thống nhất, song người dân vẫn không có Tự Do Dân Chủ và chịu nhiều áp bức đoạ đày. 

  Gia đình tôi cũng như bao nhiêu người khác, cùng tủa ra đường, trước nhất là bán đồ đạc trong nhà, sau là bạ thứ gì cũng mua và bán ngay tại chỗ kiếm chút tiền lời để sống, để được tồn tại trong cái thời xã hội chủ nghĩa cộng sản nhiễu nhương hoảng loạn.   

  Chúng tôi hối tiếc vì đã đánh mất một cơ hội rất lớn trong đời, chỉ vì ngập ngừng quyến luyến Quê Hương Việt Nam và những người thân yêu.  Thuở mới lập thân nên sự quyết định không được tinh anh, ngỡ rằng mình đang làm việc cho cơ quan DAO, có thẻ ra vào phi trường TSN, có đầy đủ hồ sơ để đi Mỹ tỵ nạn, thì đâu phải đi gấp gáp làm chi; Nhưng dịp may thì lại không bao giờ đến hai lần.  Ngày cuối cùng Phi Trường Tân Sơn Nhất đã bị pháo kích như mưa rào, cơ hội ngàn năm một thuở đã vượt khỏi tầm tay...

  Cuộc sống khó khăn, đã bao lần chúng tôi phải tìm đường thoát khỏi chế độ cộng sản.  Ngày 16 tháng 3, năm 1980 chúng tôi bế hai con nhỏ vượt biển đi tìm tự do trên chiếc thuyền mỏng manh, bị phong ba bão tố dập dùi.  Vì ông Đại Uý Hải Quân tài công giữ cái hải bàn đã không lên được thuyền, còn kẹt lại tại bãi đón người, nên ông chủ phải cố gắng điều khiển con thuyền, bởi thế thuyền đã đi lạc vào vùng biển lênh loáng dầu, nơi không có tàu bè nào đến.  Sau năm ngày bị đói khát, đã nhiều lần những người trên thuyền đọc kinh ăn năn tội chờ chết, nhưng nhờ ơn trên thương ban, đã run rủi cho sóng đánh dạt con thuyền ra giữa lòng đại dương để gặp được giàn khoan dầu, họ đã dẫn đường chúng tôi đến đảo Pulau Bidong Malaysia bằng an.  Sau sáu tháng ở đảo và chuyển vào đất liền một tháng, chúng tôi đã được định cư ở Hoa Kỳ vào ngày song thập năm 1980.

  Thời gian đầu đến Mỹ tôi xin vào làm nhà hàng Việt, rồi Mỹ.  Công việc cực khổ và bận rộn, nhưng vẫn vui và cảm thấy hạnh phúc, mừng vì đã thoát khỏi nơi xã hội chủ nghĩa cộng sản, và được hưởng hai chữ Tự Do.  Qua bao thăng trầm bôn ba, tôi luôn biết thân biết phận nên đã cố gắng vươn lên và kiếm việc làm để phụ chồng nuôi con ăn học cho nên người tử tế.  Tôi luôn xin nhận nước Mỹ là quê hương thứ hai để sinh sống cho đến cuối đời.

  Tôi may mắn đã trúng tuyển công việc thư ký hành chánh cho Thành Phố San Jose.  Mặc dù tôi không có điều kiện học lại để lấy bằng đại học tại Mỹ, nhưng nhờ đã có kinh nghiệm hồi đi làm ở Việt Nam, và chương trình huấn nghệ Center For Training & Careers tại Mỹ, dành cho người có lợi tức thấp, nên tôi đã tìm được nghề Thư Ký cũ.  Tuy đồng lương khiêm nhường, nhưng việc làm vững chắc, để có thể bảo lãnh gia đình qua Mỹ và vững tâm làm ở đây cho đến lúc về hưu.

 

**

  Trở lại việc hậu sự, nhân tôi kể chuyện về cuộc chia ly đau buồn của gia đình tôi.  Tưởng rằng Ba tôi phải ở lại Việt Nam uống thuốc, đến khi hết bệnh Ba sẽ được qua Mỹ đoàn tụ với Mẹ và chị em tôi.  Nhưng đau đớn thay, Ba chỉ qua Mỹ bằng tro cốt, nên chúng tôi đã mua phần an nghỉ cho Ba nơi nghĩa trang, và Mẹ cũng đã mua phần đất hậu sự cho Mẹ, để đến ngày Mẹ trăm tuổi, Ba Mẹ có nơi an nghỉ đoàn tụ bên cạnh nhau muôn đời.

 Với chút kinh nghiệm về việc hậu sự cho gia đình, tôi xin chia sẻ với quý độc giả:  Trước khi dự tính đi mua đất hoặc những phần nào cho việc hậu sự ở Mỹ, thì nên dọ hỏi vài nơi để so sánh giá cả, vì mỗi nơi giá hoàn toàn khác nhau, tuỳ theo hãng lớn hay hãng nhỏ, đất đẹp khang trang nơi thành thị hay khu đất nơi xa xăm khuất nẻo.

  Hãy cẩn thận bút sa gà chết, hầu như đa số hãng bán hàng về việc hậu sự, họ không cho mình trả lại như đi shopping mua sắm quần áo hay vật dụng đâu.  Có công ty họ không mua lại đất của mình đã mua, nếu có những thay đổi, thì mình phải tự đăng trên mạng để bán;  Dĩ nhiên là phải bán rẻ hơn giá của mình đã mua thì mới dễ bán.

  Cũng có những nơi đất hậu sự do Nhà Xứ Đạo Công Giáo làm sở hữu chủ, thì họ sẽ mua lại lô đất đó với cái giá tiền mà mình đã trả cho họ khi mua, dẫu cho thời giá lúc đó có lên bao nhiêu thì họ cũng không tính và không cần để tâm đến.

  Mỗi công ty có điều lệ mua bán về việc hậu sự khác nhau, mọi chi tiết cần thiết họ đã in hoặc phải viết trong mẫu hợp đồng khi đã thoả thuận về việc mua bán.  Người mua nên hỏi và coi lại cho rõ ràng trước khi ký đơn từ và trả tiền để mua.

 

San Jose,

Tháng 10 Năm 2019

Phạm Thị KimDung

Ý kiến bạn đọc
20/11/201919:53:39
Khách
Chào anh độc giả Đinh Văn Hoà,
Cám ơn anh ĐVH đã đọc bài viết và góp ý rất hữu ích, lại còn chia sẻ niềm vui nữa. Dạ đúng, cái tên KD của tôi trăm phần là có liên quan đến tác giả của bộ truyện võ hiệp (xin mời đọc bài viết cũ của tôi VVNM 2017 thì sẽ rõ "Mẹ Tôi Bị Nghẹt Tim").
Chắc có lẽ thân phụ của anh ĐVH cũng biết những người thân của tôi ở trong vùng tự trị của Đức Cha Lê Hữu Từ thuở xưa? Đã được nghe nhiều người kể về chuyện của tác giả Kim Dung võ hiệp hay lắm, nhưng tôi thì chưa có đọc qua bao giờ. Tuy là độc giả ĐVH đã bị đi tù cải tạo, nhưng nhờ ơn trên thương ban, nên đã được đền bù lại phần nào, được đi tỵ nạn bằng tàu bay Boeing 737 là phúc đức hơn những người thuyền nhân rồi?
Xin chúc anh độc giả ĐVH được nhiều sức khoẻ và an vui.
Ptkd
20/11/201915:20:11
Khách
Đọc bài viết của KD liền có ba cái cảm nghĩ : 1- Khi thấy tên KD là nhớ đến tác giả 15 bộ truyện võ hiệp, trong đó người đẹp rất nhiều, nhưng mình yêu say đắm nhất là ni cô Nghi Lâm, bây giờ vẫn yêu và đến chết vẫn yêu. (May mắn thay bây giờ đọc hàng nghìn truyện Tiên hiệp có rất nhều giai nhân và mỹ nhân cũng đẹp không thua gì ni cô NL trong mộng, xin lỗi quý độc giả, nói cho vui thôi, mình vùa ăn tiệc trung thọ được 3 năm !?). 2- Vừa đọc bài "cơn ác mộng nhà cửa ở CA" của VB. Vào năm 2003 giá nhà ở CA khoảng 5, 6 trăm nghìn 3b-2bat. Trong khi đó ở OK thì giá mua chỉ có $ 80,000.00 (tám mươi nghìn), giá thuê 2 phòng là $350.00/tháng, cho nên mình chuyển cả gia đình về OK ngay và sống ở đây cho đến nay. 3- Chuyện hậu sự ở OK hiện nay thì giá cũng rẻ, 1 phần mộ (sinh phần ?) mua ngay nghĩa trang cạnh Tòa tổng Giám mục giá $2,000.00 (hai nghìn) cho trả góp mỗi tháng 100 đô, chuyện sang nhượng thì rất dễ dàng. Mình ở ẩn trong một thành phố nhỏ, đa phần là Mỹ trắng cựu chiến binh Mỹ trong VN War. Mình sinh năm 1946 tại giáo xứ Dưỡng Điềm, cách nhà thờ chính tòa Phát Diệm mấy cây số, bố mình là lính của Đức GM Lê Hữu Từ. Năm 1954 cũng "tập kết" vào Nam và được hưởng hạnh phúc sung sướng từ tuổi thơ ấu, rồi đi lính, rồi đi tù cải tạo, rồi đi tỵ nạn bằng máy bay boeing 737 Hihihi...Cảm ơn bạn KD đã nhắc mình nhớ đến ký ức xa xưa và ngay trong thực tế.
08/11/201920:15:45
Khách
Chào em độc giả Từ Huy,
Chị KD cám ơn em đã bỏ thời giờ quý báu để đọc bài viết kể chuyện đời xưa của chị. Nhờ ơn trên thương ban, chị vẫn được mạnh khoẻ. Như đã tâm sự ở mục đầu bài giới thiệu về Tác Giả, chị vẫn còn thích chăm những cháu bé yêu quý của mình, nên không có thời giờ nhiều, tuy vậy nhưng chị vẫn cố gắng viết lách để kiếm thêm nguồn vui cho mình, chung vui với quý bạn văn và quý độc giả.
Rất cảm động được em chúc cho Mẹ chị thêm tuổi thọ sống vui với các con cháu.
Chị KD sẽ cố gắng tiếp tục viết, để không phụ lòng tốt của Từ Huy đã chúc.
Nhưng mình cũng phải cầu xin cho Việt Báo được trường tồn. Cám ơn Việt Báo đã tạo điều kiện cho tất cả chúng ta có mục VVNM để chia sẻ, và giữ gìn văn hoá Việt.
Chị xin chúc em Từ Huy được nhiều sức khoẻ, bình yên và mọi điều may mắn nhé.
Ptkd
08/11/201911:51:11
Khách
Lâu quá không đọc bài của chị, đôi lúc em thoáng nghĩ không biết chị có khoẻ mạnh, bình an hay không? Em lại có ý nghĩ, hay là chị không còn hứng thú với VVNM 🤓
Đọc bài mới của chị em vui lắm.
Mấy hôm trước đọc phần đầu của bài viết em thấy mình say mê (em thích nghe kể chuyện đời xưa.) Chuyện là, trong lúc đọc em cảm giác được mình nhíu mày lo âu. Đọc gần xong phần hai của bài viết em mới thấy lòng nhẹ, vui nở nụ cười. Không biết chị hiểu lý do em nhíu mày lo âu không 🤓⁉️
Em cầu chúc cho mẹ chị luôn khoẻ mạnh, bình an hạnh phúc với con cháu độ chừng 20 năm nữa.
Riêng phần chị, em chúc chị viết đều tay cũng độ chừng... thêm hai mươi năm 🤓🌹🎶🎶...
08/11/201906:12:50
Khách
Kính chị Phạm Thị Kim Dung:

Vì prepaid burial plan mà tôi mua chỉ bao gồm độc nhất vụ thiêu xác mà thôi, nên họ hứa sẽ chuyển toàn bộ số tiền cho funeral home mới ở tiểu bang khác. Chớ còn trường hợp của chị thì tôi không có ý kiến vì prepaid burial plan của chị còn thêm cả vụ mua đất nữa.

Chúc chị Kim Dung những ngày cuối tuần vui vẻ.
08/11/201905:18:02
Khách
Chào Tác Giả Lê Như Đức,
Cám ơn sự chia sẻ của LNĐ. Tôi xin cầu chúc cho Mợ của tác giả được luôn khoẻ mạnh yên hưởng tuổi thọ với các con cháu nhé. Tác giả thật may mắn diễm phúc được Mợ chôn thư và hình ra trường chung với cha của mình.
Tác giả LNĐ cứ an tâm cầu nguyện, thể nào một ngày đẹp trời người mình sẽ được toại nguyện những điều ước mơ không thể ngờ được. Nó sẽ đến, nhưng không biết ngày đó ai còn để hân hoan đón nhận tin vui đến. Bởi vì, trên đời này chả có chi là vĩnh cữu hết. Hãy cứ tin như thế để sống mà chờ tin vui!!
Ptkd
08/11/201904:49:09
Khách
Kính anh Văn Trần,
Thưa, ở San Jose tôi đã hỏi vài nơi thật kỹ càng rồi. Còn một nơi nữa tôi sẽ cần hỏi thêm xem sao. Theo thiển ý của tôi thì, nếu họ bán lô đất bây giờ với giá trên mười ngàn USD, số tiền này họ đã trả chi phí cho đủ thứ gần hết rồi, làm sao họ có thể bồi hoàn lại cho người mua được, bán ra thì đắt, mua vào với giá bao nhiêu cho vừa? Trừ phi họ có chi nhánh ở nơi tiểu bang mà người đã mua muốn dọn về thì mới có thể hoán chuyển thay đổi thôi. Có gia đình quen với tôi, đã mua một chục lô, thì làm sao có thể hoàn lại số tiền đó? Đây là những hãng lớn đó, họ trả lời thẳng là không mua lại đất đã bán ra. Dạ, có lẽ là mỗi nơi mỗi khác. Xin cám ơn sự góp ý chia sẻ của anh Văn Trần nhiều lắm.
Ptkd
08/11/201903:31:45
Khách
Cậu tôi cũng mất một tháng trước khi nhận vé máy bay đi định cư ở Mỹ gặp con cháu. Mợ tôi chôn cậu tôi xong chỉ kịp mở cửa mả sau 21 ngày là lên máy bay đi định cư. Cũng như ba tác giả, cậu tôi chỉ muốn đọc thư của tôi viết về. Tôi viết cho cậu tôi rất nhiều chuyện về xã hội bên này và việc học của tôi. Mợ tôi kể cậu tôi đọc đi đọc lại hoài nên mợ tôi chôn thư của tôi với người. Cậu tôi còn nhắc mợ tôi bỏ tấm hình ngày tôi nhận bằng ra trường chôn chung với ông.
Bài viết của tác giả gợi lại cho tôi quá nhiều câu chuyện xảy ra hơn 40 năm xưa. Không biết bao giờ người Việt chúng ta mới có cơ hội lo “hậu sự” cho cái đám cộng tặc vô thần, vô đạo này.
08/11/201901:37:43
Khách
"Hãy cẩn thận bút sa gà chết, hầu như đa số hãng bán hàng về việc hậu sự, họ không cho mình trả lại như đi shopping mua sắm quần áo hay vật dụng đâu". Trích.

Tôi đã không mua thêm một khoảnh đất như tác giả , và chỉ trả cho việc thiêu xác mà thôi. Ở thành phố nơi tôi cư ngụ , các funeral home mà tôi đã tới hỏi giá đều cho biết rằng - và họ cũng trình cho xem giấy tờ - nếu mai sau, tôi có dọn đi tiều bang khác và chọn một funeral home mới, thì họ sẽ cho chuyển một trăm phần trăm số tiền mà tôi đã trả cho họ tới funeral home mới.

Trước khi quyết định ký giao kèo với một funeral home, nên lên trang mạng của BBB ( Better Business Bureau), Google, , v.v...để xem các ý kiến bốn phương phê bình về funeral home này ra sao.
07/11/201920:17:49
Khách
Chào chị Lê Nguyễn Hằng,
Cám ơn chị Hằng đã đọc bài của em. KD rất hân hạnh được chị góp ý và chia sẻ rất chân tình. Sự khích lệ nồng ấm của chị làm em cảm động quá chừng! Đa tạ chị cầu mong cho Mẹ em được dồi dào sức khoẻ "của tuổi 86". Em nhớ cách đây hai năm, khi qua khỏi cơn thập tử nhất sinh, Bác Sĩ đã cho biết Mẹ em thích ăn gì thì cứ cho ăn, và thích mua sắm gì thì cứ chiều cho Mẹ hài lòng, chứ bệnh này không tính năm được đâu. Vậy mà nhờ ơn Chúa thương ban đã cho Mẹ em được hai năm "Bonus" rồi đấy.
Chúc chị Hằng được nhiều sức khoẻ để sáng tác nhiều bài hay cho mọi người thưởng thức nhé.
Ptkd
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,081,484
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.