Hôm nay,  

Cây Cổ Thụ Của Tuổi Hoa Đã Ra Đi

27/06/201500:00:00(Xem: 17051)
Tác giả: Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
Bài số 3554-16-30104vb7062715

Trước 1975, tác giả đã có nhiều truyện ngắn, truyện dài do tạp chí và nhà xuất bản Tuổi Hoa ấn hành tại Saigon. Sau tháng 4/1975, Cam Li không viết nữa. Định cư tại San Jose từ 2003. Cam Li bắt đầu góp bài cho Việt Báo từ 2009 và đã nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2010.

blank
Nhà văn, nhà báo Nguyễn Trường Sơn qua nét vẽ Họa sĩ Vi Vi Võ Hùng Kiệt

* * *

Người ta đọc được những dòng chia sẻ:
Ông Simon NGUYỄN BÍCH VÂN
Bút hiệu Nguyễn Trường Sơn, Hà Châu
Chủ bút BÁN NGUYỆT SAN TUỔI HOA
Giám đốc TỦ SÁCH TUỔI HOA
Đã mệnh chung vào lúc 12 giờ 45 trưa Thứ Tư 20 tháng 5 năm 2015 (giờ Paris), hưởng thọ 97 tuổi.
Tang lễ sẽ được cử hành tại Paris, Thứ Ba ngày 26 tháng 5 năm 2015.
Vâng, những dòng chia sẻ đơn giản, chứ không phải cáo phó, như một thông báo trong muôn vàn thông báo của đời sống, được đăng trên blog của tuoihoaonline.

Và rồi một thông báo khác sau đó:

“Buổi tưởng niệm nhà văn Nguyễn Trường Sơn sẽ được tổ chức vào ngày 7 tháng Sáu, năm 2015 tại Trung Tâm Công Giáo Việt Nam, Giáo Phận Orange, 1538 N. Century Blvd. Santa Ana, CA 92703. Thánh lễ do Đức Giám Mục Dominic Mai Thanh Lương và Linh Mục Bill Cao cử hành.

Nhà văn Nguyễn Trường Sơn đã góp phần đáng kể vào công cuộc giáo dục thanh thiếu niên Việt Nam trong những thập niên 1960 và 1970. Ảnh hưởng tốt đẹp của tạp chí Tuổi Hoa và tủ sách Tuổi Hoa cho đến nay vẫn là dấu ấn không phai mờ trong tâm hồn rất nhiều độc giả Tuổi Hoa thời niên thiếu.”

Ly không có mặt trong buổi tưởng niệm ấy. Nhưng Ly sẽ tưởng niệm bác suốt đời.

*

Sao Ly lại nghĩ bác là cây cổ thụ nhỉ? Một cây cổ thụ lặng lẽ, nghiêm trang trong một khu vườn đầy hoa lá và tiếng chim! Đó là khu vườn xinh xắn an lành nơi mảnh đất quê hương: Khu vườn Tuổi Hoa.

Cái tên “Tuổi Hoa” tự nó đã đầy ý nghĩa sống động. Nhưng cụ thể hơn cả, nó là tên của một bán nguyệt san dành cho tuổi học trò, và sau này cũng là tên của một tủ sách chuyên xuất bản những truyện dài: Tủ Sách Tuổi Hoa.

Các anh chị trong tòa soạn gọi Bác là “Anh Cả”, chỉ có Ly gọi Bác bằng “Bác”, bác Trường Sơn.

Mấy ai biết nhiều về cuộc đời của bác? Chỉ sau khi bác ra đi, mọi người mới có dịp nhắc nhở:

“Sự nghiệp viết báo của ông Nguyễn Trường Sơn khởi đầu từ Hà Nội, thập niên 1950. Hai tác phẩm đầu tiên là Măng Chột (báo Đạo Binh Đức Mẹ) và Xóm Giáo (phát động thành lập đoàn liên minh Thánh Tâm), cả hai đều ký bút hiệu Hà Châu.

Sau khi vào Nam, nhà văn Nguyễn Trường Sơn bắt đầu nghĩ đến việc giáo dục thanh thiếu niên một cách lâu dài hơn. Tiền thân của tờ báo Tuổi Hoa là một quyển truyện mỏng “Đường Vào Hang Cọp” với nội dung khuyên trẻ em nên biết nghe lời người lớn, những bậc đã có kinh nghiệm trong cuộc sống.

Sau khi phát hành, tác phẩm này được tiếp nhận rất nồng hậu và ông nghĩ ra một chuyện lớn hơn, “dài hơi” hơn, đó là ra một tờ báo. Từ đó bán nguyệt san Tuổi Hoa ra đời. Khi báo đã đứng vững, ông cho phát hành tiếp tủ sách truyện Tuổi Hoa với ba loại: “Hoa Đỏ” dành cho tuổi thanh thiếu niên thích phiêu lưu mạo hiểm, “Hoa Xanh” dành cho tình cảm nhẹ nhàng của thiếu nhi, và ít lâu sau đó là “Hoa Tím” dành cho lứa tuổi mới lớn với ít nhiều mộng mơ. Truyện “Chú Thỏ Đế” là “sản phẩm” đầu tiên được đón nhận, và ông bắt đầu thành lập hẳn tủ sách Tuổi Hoa.” (Theo Nhà văn Quyên Di.)

*

15 tuổi, đang học lớp Đệ Tam (lớp 10), Ly “cả gan” gửi bài cho Tuổi Hoa, theo lời khuyến khích của Thầy Hoàng Đăng Cấp dạy Toán ở lớp Ly học và cũng là một cây bút của Tuổi Hoa. Truyện ngắn đầu tiên của con bé viết về chiến tranh, và… lại được đón nhận. Con bé đi vào khu vườn ngập hoa lá bằng những bước chân rụt rè. Cây cổ thụ - lúc đó ở tuổi trung niên - mỉm vười khuyến khích con bé. Và cứ thế, những truyện ngắn Ly đã nắn nót viết tay – thời đó làm gì có computer! – rồi “đem nộp”, đã thường xuyên có mặt trên Bán nguyệt san Tuổi Hoa. Khi có bài đăng, Ly được tặng một số báo Tuổi Hoa. Có lẽ những ai đã sống “thời Tuổi Hoa”, đều đồng ý rằng đa số học trò muốn mua sách báo thì phải nhịn quà sáng, vì giá sách báo “không hề rẻ”. Nhưng thật dễ thương, có bạn đã “làm giàu” cho mình bằng cả một tủ sách báo do chắt chiu mà sắm được, và quý như vàng.

Trong thế giới văn chương của Miền Nam Việt Nam thời đó, không có ai “dạy viết” cho ai cả, trừ quý thầy cô dạy Việt Văn trong nhà trường, nhưng đó lại là một chuyện khác. Vào khu vườn Tuổi Hoa, như đã có một vùng đất được vun bón, những cây trái hoa cỏ cứ việc tăng trưởng. Mà chính những tác phẩm của bác Trường Sơn là chất liệu quý giá đã góp thêm phần màu mỡ cho đất. Chính những tác phẩm của bác đã là những bài “dạy viết” tuyệt vời!


Chưa hết, nếu không nói đến chuyện “được trả tiền nhuận bút” sẽ là một thiếu sót rất lớn. Viết truyện ngắn đăng báo, là sẽ được trả tiền nhuận bút. Báo nào cũng vậy, chứ không riêng báo Tuổi Hoa. Vì vậy người đọc cũng thấy câu này rất thường trên các báo: “Bài được đăng trên báo này rồi xin đừng gửi cho báo khác”. Tuy là viết thì có nhuận bút, nhưng viết trở thành một sinh hoạt, một nhu cầu, không phải một phương tiện. Các cây bút trẻ thời đó không viết vì tiền.

Mùa he, sau khi thi đậu Tú Tài 1, Ly được nhận vào làm “cô cò” cho tòa soạn Tuổi Hoa. (Thời ấy kỹ thuật in là đúc từng chữ rời bằng chì. Muốn xếp từ ngữ “báo”, thợ xếp chữ phải lần lượt bốc chữ b, chữ á và chữ o. Cứ vậy ghép lại thành trang sách, in tạm ra để sửa kỹ mọi sai sót trước khi lên máy in. Người  trách việc coi bản in tạm, sửa lỗi gọi là “thầy cò” vì thường do các chú, các bác lớn tuổi phụ trách.)

Thế là ngoài chuyện học hành, Ly có thêm “nghề”. Mỗi buổi chiều Ly đến tòa soạn, ngoài công việc “cô cò” Ly còn nhận các thư từ của độc giả để phụ bác Trường Sơn phân loại, trả lời, hoặc sắp xếp cho bác tiện việc đọc để chọn đăng. Công việc rất yên lặng vì ít ai vào tòa soạn trong ngày thường, trừ khi có việc cần.

Còn muốn thấy cảnh nhộn nhịp không khó, chỉ việc bước vài bước ra phía sau là sẽ đến nhà in, dùng chung cho báo Đức Mẹ và báo Tuổi Hoa. Ở đó, tiếng máy in chạy rập rình suốt buổi, át hẳn tiếng người nói. Có khoảng sáu, bảy người làm việc, từ sắp chữ, lên khuôn, in thử, rồi sau mấy lần sửa chữa dưới bàn tay của “cô cò”, các bản in chính thức sẽ ra đời, được đóng gáy, ráp bìa, đem đi phát hành.

Mà vui nhất có lẽ là chiều Thứ Bảy, các anh chị trong Ban biên tập tụ họp về, cùng với thân hữu và độc giả khắp nơi, ghé chơi chuyện trò, ca hát.

Một số cây bút Tuổi Hoa, đi lính, đã sớm đền nợ nước ở tuổi còn rất trẻ. Tòa soạn có những lúc đắm chìm vào nỗi buồn của đất nước.

Loại “Hoa Tím” ra đời trễ nhất, sau hai loại “Hoa Xanh” và “Hoa Đỏ”. Ly là người sớm viết cho loại này, cũng với sự khuyến khích của bác Trường Sơn. Ban đầu, vì nghe nói loại “Hoa Tím” dành cho tuổi mới lớn, tuổi mơ mộng, có “chút chút” yêu đương, nên một số phụ huynh e ngại loại truyện này, cấm các con nhỏ xem. Càng bị cấm thì các bạn càng tò mò, lẽ đương nhiên. Nhưng Tủ Sách Tuổi Hoa đã đi vững chắc với đường hướng của mình, dần dần các cây bút và các tác phẩm loại “Hoa Tím” đã được “giải oan” và trở thành người bạn thân thiết của độc giả học trò.

*

Tòa soạn Tuổi Hoa đóng cửa ngay sau ngày 30 tháng Tư 1975.

Ly không biết các thành viên của Tuổi Hoa đã đi đâu, ra sao. Cái biến cố to lớn ấy đã thay đổi tất cả. Ly, cây bút tuổi học trò, có hai truyện dài “được” nằm trong danh sách bị cấm. Như một cây non bị bứng ra khỏi khu vườn yên vui, vứt vào một vùng đá đen, xung quanh toàn những cây gai hung tợn, cây non lập tức héo úa. Ly muốn gượng dậy, nhưng rồi không được. Ly thà cất cây bút của mình vào một nơi không được nhớ đến, hơn là phải bẻ cái ngòi bút cho cong. Ly tự đặt một dấu chấm hết cho việc viết lách của mình, không muốn liên lạc với một ai.

Tình cờ về sau Ly được biết bác Trường Sơn cùng gia đình đã qua sống bên Pháp.

Bây giờ, bác chọn thời điểm 40 năm để ra đi vĩnh viễn. Một khoảng thời gian dài! Khoảng thời gian ấy có làm cho tâm tư của Bác mòn mỏi? Bác hẳn đã hơn ai hết nhớ thương mảnh vườn mà Bác đã khai mở và vun đắp. Nhưng dù sao, nghĩ đến bác Trường Sơn, Ly thường nghĩ đến hình ảnh người mang trên tay những hạt giống. Bác sống nửa sau của cuộc đời và ra đi ở bên Pháp. Nhưng những hạt giống lành Bác đã gieo khắp nơi, từ khu vườn hoa gấm một thời.

Có một mảnh đất mà Ly không thể không nhắc đến. Nơi đó được xem là một “Tủ Sách Tuổi Hoa” thời hậu 75. Mà người khai mở mảnh đất ấy lại là Thục Đoan, một bạn trẻ sống tại Hoa Kỳ, chưa từng là cây viết của Tuổi Hoa. Bạn vì lòng yêu mến Tuổi Hoa và hiểu được nhu cầu của độc giả, đã làm một cuộc sưu tầm các tác phẩm của Tuổi Hoa và nhờ người đánh máy lại để thành lập “Tủ Sách Tuổi Hoa online”. Nhờ đó, Ly đã hăng hái đánh máy hết các truyện ngắn, truyện dài của mình gửi cho bạn đăng. Bạn cùng với một số bạn khác cũng tìm tòi và đánh máy, đăng gần hết các tác phẩm của Tuổi Hoa. Một Tuổi Hoa “ảo” mà thật, đang vươn lên trong thế giới mở của văn hóa văn nghệ ngày nay.

Mà không chỉ là những tác phẩm cũ được hồi sinh, thực tế các cây bút của Tuổi Hoa đã sống lại, tiếp tục đứng lên.

Hình ảnh một cây cổ thụ sừng sững mà rất đỗi khiêm nhường, lặng lẽ truyền sức sống cho cả một thế hệ, Ly sẽ mãi nhớ và tri ân bác suốt đời. Bác Nguyễn Trường Sơn ơi! Xin Bác yên nghỉ.

Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh

Ý kiến bạn đọc
01/08/201513:23:16
Khách
Chia buồn cùng Gia quyến Nhà văn Nguyễn Trường Sơn. Rất vui vì đã thấy lại
Tuổi hoa
01/07/201501:39:06
Khách
Tôi rất nhớ tờ báo này, những nội dung của tờ báo nó đã in đậm trong tôi những tình cảm đẹp. Những nét vẽ mong manh tuyệt đẹp của họa sỹ Vi Vi. Nhiều nhiều lắm... Giờ đây tuổi xấp xỉ 60 rồi. Làm sao mà nhớ hết. Nhưng tất cả những loại sách của tủ sách tuổi hoa vẫn đầy ắp những yêu mến trong tôi.
30/06/201521:25:23
Khách
xin cảm ơn đã cho thông tin. Một độc giả yêu mến Tuổi Hoa.
30/06/201508:09:12
Khách
Tôi là độc giả của Tuổi Hoa cách đây gần 50 năm khi đang học lớp ĐệTứ A5 LVD. Tôi cũng có cơ hội gặp ông Trường Sơn ở tòa soạn báo Tuổi Hoa mỗi lần đem truyện ngắn ....cho ông xem thử. May mắn thay, tôi cũng đã có khoảng 5 lần nhận được báo bíếu của Tuổi Hoa mỗi khi truyện ngắn được chọn đăng. Tuổi thơ qua đi nhưng bao kỷ niệm đẹp của quá khứ trong tôi chẳng bao giờ phai nhạt dù giờ đây tôi đã gần tuổi về hưu .
Hôm nay, do tình cờ, được tin ông Trường Sơn vừa thất lộc, tôi xin được gửi lời thành kính chia buồn cùng gia quyến của ông.
Nguyện cầu ông mãi mãi được an bình bên chân Chúa.
Kính chào,
Yến Nguyễn
28/06/201520:02:23
Khách
Kính gởi quí độc giả,
Tổng hợp tất cả các links vào Tủ Sách Tuổi Hoa ở trang này:
http://SucManhCongDong.Net/2458
28/06/201515:11:37
Khách
cộng sản. Sách Tuổi Hoa. Đó là hai thái cưc
Tuổi hoa của tôi được lớn lên trong thời cộng sản. Tôi phải "ăn cắp" từng cuốn sách Tuổi Hoa trong đống sách "cộng sản" ép học sinh thực hiện công việc "lượm giấy vụn" để đem đốt.
Hành động "man rợ" "dã man" này của cộng sản sau 1975 cần được lịch sử ghi lại để làm chứng tích. Vì "ăn cắp" sách sắp bị đốt, nên tôi không hoàn thành được "yêu cầu" quái đản của trường học cộng sản là mỗi học sinh mỗi tháng phải nộp 1Kg giấy báo cũ trong nhà, nên bị đuổi học, ba lần. Nhờ thầy cô miền nam thấy sự "quái đản" "man rợ" và cực kỳ "vô lý" này của tên hiệu trưởng cộng sản "khát máu" người, đã can thiệp, nên tôi được trở lại học đường. Tôi là người duy nhất trong số 600 học sinh cùng khoá không hoàn thành chế độ "dã man" đem nộp sách báo cũ trong nhà, được vào sổ bìa đen của "cộng sản".
Nhờ "ăn cắp" sách này mà tôi đã đọc được "Mơ thành người Quang Trung", Thằng Luyện, Luyến cán gáo, Thằng Vũ, Dũng Dakao, Bườm Lừa, sân hoa lư, với những trận thư hùng bóng đá, ôi tuổi hoa của tôi, chỉ những lúc tôi chìm trong sách tuổi hoa tôi mới thật sự có tuổi hoa trong thời cộng sản "man dại".
Cám ơn Chị Cam Li đã viết sách tuổi hoa, cám ơn Cây Đại Thụ tuổi hoa đã cho tôi một tí thời gian tuổi hoa trong thời đại hoạ cộng sản.
Chỉ bằng cách "ăn cắp" sách mới có sách để đọc đã tôi luyện tôi thành một con người "ăn cắp" không biết ngượng có lẻ vì vậy nên hiện nay dân trong nước toàn dân đã và đang sống mà khi "ăn cắp" không bao giờ biết ngượng, mãi tới khi thoát khỏi đoạ "cộng sản" trở về thế giới con người, tôi mới được trở lại làm người và biết ngượng khi "ăn cắp".
28/06/201513:48:54
Khách
Thế hệ chúng tôi, Taberd 78, lớn lên bằng các truyện Tuổi Hoa Đỏ và “Mơ thành người Quang Trung” của Duyên Anh. Chuyện “Bóng người dưới trăng”, “Tiếng chuông dưới đáy biển” của nhà văn Nguyễn Trường Sơn làm chúng tôi say mê như “Chương còm”, “Thằng Vũ”.
Cứ tưởng tên của nhà văn là tên thật. Hôm nay mới biết được tên thật người mình yêu mến thì người đã ra đi. Xin được thay mặt thế hệ chúng tôi cám ơn người đã dắt tuổi thơ chúng tôi vào thám hiểm và sáng tạo.
Có một vài người cuộc sống bình thường nhưng biết bao người mang ơn. Người là nhà văn mà chúng tôi mang ơn.
27/06/201521:23:11
Khách
Tôi đã là một độc giả của Tuổi Hoa trước 30 tháng 4 năm 1975. Xin chia buồn cùng gia quyến của nhà văn Nguyễn Trường Sơn. Cũng xin cám ơn tác giả Cam Li về bài viết hôm nay.
27/06/201519:21:45
Khách
Một độc gia
Chỉ cân đánh chữ "Tủ Sách Tuổi Hoa online.com" vào trang Google là có ngay.Chào Vinh nhé!Mến
27/06/201517:46:02
Khách
Kính gửi anh Vinh Trương,
Xin mời Anh vào trang:
http://tuoihoa.hatnang.com/
và trang của Cam Li: http://www.camlinguyenthimythanh.com/
Trân trọng,
Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,318,853
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.