Người viết: Nguyễn Thế Bài
Bài số 4068-14-29468vb2112513Tác giả là cư dân North Carolina, mới định cư tại Mỹ chưa đầy 3 năm.
Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông kể về hoàn cảnh một người
đến Mỹ khi tuổi đã 60, thân mang bệnh tật, tự chọn cho mình cách
sống theo kiểu một loài chim đầm lầy vùng sông Nile Ai Cập, là “làm
vệ sinh răng miệng cho cá sấu”. Sau đây là bài viết thứ tư của ông.* * *
“Người đẹp và quái thú” -The Beauty and the Beast- là một câu truyện
cổ tích trong nhiều văn hóa Châu Âu, được làm thành nhiều phim nhựa,
phim truyền hình và kịch, trong đó có bộ phim hoạt họa của hãng phim
Walt Disney vào năm 1991.
Chuyện kể rằng: Ngày xưa có một ông thương gia, có ba cô con gái. Một
hôm phải đi làm ăn xa, ông hỏi các con muốn gì. Cô thứ nhất và cô thứ
hai muốn trang sức, còn cô út tên là Belle chỉ xin một bông hồng.
Người cha ra đi, nhưng trên đường vận chuyển hàng hoá, tàu của ông gặp
cướp biển và mất hết tài sản. Ông bị lạc đến một tòa lâu đài. Ông
được tiếp đãi rất chu đáo và đã ngủ lại một đêm tại đó. Sáng hôm
sau ông ra vườn tìm bông hồng cho Belle và bị quái thú phát hiện. Sau
khi nghe Ông kể chuyện, quái thú ra lệnh phải đưa con gái út đến, nếu
không ông sẽ bị giết. Về đến nhà, ông thương gia thuật lại cho Belle
mọi chuyện cũng như yêu cầu của Quái Thú. Thương cha, Belle đã chấp
nhận đến với quái thú. Câu chuyện, trong các loại phim ảnh, được kết
thúc có hậu: Lúc đầu Belle rất sợ quái thú nhưng rồi quen dần và
họ trở nên thân thiết với nhau.
Nhưng trong thực tế xã hội ngày nay, quái thú luôn tìm cách nuốt
trọn người đẹp. Khi biết tôi có ý định viết về mảng xã hội phức tạp
nầy và lấy tiêu đề "Người Đẹp và Quái Thú" (The Beauty and
The Beast), một người bạn thân góp ý:
- Ông nên lấy tên "Thiên Thần và Ác Quỷ" thì đúng hơn. Bọn
nầy hết thuốc chữa rồi. Mình không thích cái "Obamacare" cho
lắm, một phần do những xáo trộn trong đời sống người dân Mỹ, vốn
đang hằng ngày nghe, thấy đủ thứ xáo trộn. Tuy vậy, Ông Obama xứng
đáng được tôn vinh như một anh hùng.
Chúng tôi vẫn thường ngồi nhâm nhi cà phê, trà vào mỗi sáng những
ngày cuối tuần. Ông bạn tôi xin nghỉ hưu non từ giữa năm, vì bệnh
khớp và tiểu đường. Vợ ông kém ông bốn tuổi,nhưng vô bệnh, huyết áp
và mỡ máu (cholesterol) lý tưởng, nên vẫn đi làm hãng. Ông ở nhà
trông ba đứa cháu, hai cháu ngoại và một cháu nội. Cứ sáng sớm, con
gái ông hay con rể lái xe đưa con tới cho ông. Hai ngày cuối tuần, bà
ở nhà giữ cháu, vì con gái và con dâu là "dân làm nail",
không nghỉ ngày Chúa Nhật (thậm chí những ngày Holidays như July 4,
Labor Day và cả Tết Nguyên Đán vẫn "đi cày" theo cách nói
của ông bạn). Hai ngày đó, ông được "giải phóng", thường lái
xe sang thăm tôi. Câu chuyện cứ xoay quanh những sự kiện xã hội, chính
trị. "Obamacare" vì vậy, trở thành đề tài thảo luận và chia
sẻ. Ông bạn tôi lắm tin tức vì rất siêng đọc báo và xem truyền hình.
- Ông xem... Ông hớp một ngụm trà, phà hơi trong tiết thu phân se lạnh,
nói tiếp, không anh hùng sao được! Bao đời tổng thống Mỹ, có ông nào
dám chống lại một trong ba thế lực trùm trời, mà tôi ví như ba con
cá mập, hoặc như tiêu đề bài viết của ông, là ba "Quái
Thú": y tế, bảo hiểm và NRA (Hiệp Hội súng trường Mỹ), chứ
đừng nói là tấn công cả ba siêu quái nầy cùng một lúc.Về y tế và
bảo hiểm, hai con quái thú hung hãn nhất mà ông định nói tới trong
bài viết, thì chỉ một cú "giáng long thập bát chưởng", ông
Obama đã hạ "knock out" chúng ngay, cho dù chúng đang dãy dụa
gào thét trước khi chịu thúc thủ.
Người bạn đã nói lên những suy nghĩ chung của chúng tôi, sau nhiều
thời gian đối ẩm tâm sự, chia sẻ tin tức và suy nghĩ. Tôi không có
việc làm, không có bảo hiểm y tế, được hưởng chính sách nhân đạo
của chính phủ Mỹ, nhưng do "kinh nghiệm ốm đau", nằm viện
nhiều lần, quan sát, tìm hiểu được các ngóc ngách ngành y tế nói
chung và cách riêng các bệnh viện, cho nên cũng có thể nhận ra
"real life, real people" (người thật việc thật), không phóng
đại, không "vu oan giá hoạ" cho ngành y tế và các bệnh viện
(ít ra là các bệnh viện nơi tôi cư ngụ).
Sau nhiều lần nghe tôi phân tích, một hôm ông bạn già nói:
- Ông sang Mỹ chưa đầy ba năm, chỉ tầm một phần mười thời gian tôi ở
Mỹ, nhưng những phân tích của ông thật rõ ràng, giúp tôi sáng mắt.
Tôi đã có dịp tiếp xúc, hỏi han một số người gốc Việt mình đã
từng phải nằm viện. Ban đầu họ không hiểu, nhưng khi nghe tôi phân tích
cho họ, thì ai ai cũng ồ lên và công nhận là đúng. Hoá ra ta chịu ơn
Quái Thú, trong khi Ân Nhân lại chính là Người Đẹp, là chính phủ Mỹ,
là chính sách xã hội nhân đạo độc nhất vô nhị của nước Mỹ. Nay tôi
thấy tiêu đề "Người Đẹp và Quái Thú" là thích hợp nhất.
Nhận xét đầu tiên là, nơi tôi cư ngụ, người gốc Châu Á nói chung và
người gốc Việt nói riêng, rất hiếm khi "bén mảng" tới bệnh
viện hoặc phòng khám. Năm lần nằm viện, ngoài người nhà và bạn bè,
đồng hương đến thăm, tôi chỉ gặp hai người Á Châu, - một người Mỹ gốc
Hàn Quốc và một người Việt cả hai đều là y tá. Tôi có thẻ cam
(Orange Card), được khám bệnh và mua thuốc theo giá rẻ. Mỗi lần khám
chỉ mất 10 đồng và chỉ phải trả cho mỗi món thuốc số tiền 4 đồng.
(Một tháng trước đây, Trung tâm HealthServe thông báo phòng khám và
pharmacy của trung tâm tạm thời đóng cửa, vì hết kinh phí và đang chờ
Thống đốc bang quyết định).
Bang North Carolina có khoảng 15,000 người gốc Việt định cư. Ở thành
phố nầy cũng có khá nhiều người Việt, cả người "kinh" lẫn
người "dân tộc" Ê-đê, Jarai, Bana, có nhiều người nghèo và đau
ốm, nhưng ngay cả ở trung tâm xã hội dành cho người nghèo nầy, cũng
gần như hoàn toàn vắng bóng người gốc Á Châu hoăc gốc Việt.
Ông bạn tôi nói:
- Họ không có giờ để đau ốm đâu, ông ạ. Cha ông ta nói: đói rau,đau
thuốc. Nhưng ở nước Mỹ, chuyện đói thật sự chưa hề xảy ra. Tôi còn
nhớ ông đã kể cho tôi nghe chuyện mỗi lần ông đi khám bệnh và mua
thuốc ở trung tâm ấy, luôn có một đoàn rồng rắn những thanh niên,
trung niên da màu vào nhận thức ăn được phát không, mỗi người một bọc
to tướng, gồm khoai tây chiên, cánh gà chiên và cà phê, mà ông bảo là
đủ cho ông ăn vài ba ngày. Ở Mỹ, cái ăn không phải quá lo, nhưng thuốc
men, bệnh tật thì khác. Dù "co-pay" thì cũng không hề nhẹ!
Người Việt mình ưa "đánh mau diệt gọn". Khi bị cảm cúm, ho
hen hoặc đau đầu, đau bụng, nghĩa là ba thứ bệnh tật vặt vãnh, chỉ
cần ra Walmart, K-Mart, WalGreens mua dăm viên thuốc về uống, là an tâm đi
"cày" tiếp. Nghỉ là mất việc, mất thu nhập, là không trả
nỗi từng đống "bills" như bươm bướm bay về hàng tháng. Nợ
chồng chất đe doạ cái xe, cái nhà, tài sản khác: bị kéo như chơi.
Không chừng còn mất cả vợ con!.... Ông thử tính xem: số tiền những
lần ông nằm viện, nếu không được chính phủ chi trả cho, thì đào đâu
ra số tiền khủng khiếp mấy trăm ngàn đô ấy! Bà xã tôi vẫn khen câu
ông tự ví mình là "cục cưng của nước Mỹ".
Tác giả câu nầy không phải là tôi, mà là do một đồng hương (vợ anh
là em kế chị dâu tôi). Anh ấy nói đùa:
- Chú (cách kêu thay cho con) thuộc loại "bỏ thì thương, vương thì
nặng". Người ta bảo "sự bất quá tam". Còn Chú ở Mỹ
chưa đầy ba năm, mà vào nhà thương năm lần, toàn là những bệnh dữ,
những khoa dữ, đáng ghi vào Guinness. Nhìn chú mê man ba ngày đêm với
đủ thứ dây nhợ nhét trong miệng ở ICU (phòng hồi sinh cấp cứu), tôi
nghĩ phen nầy "xong rồi". Vậy mà sống lại, khoẻ hơn. Chú
đúng là "cục cưng của nước Mỹ"!
Việc bố trí phòng bệnh và phục vụ khám chữa bệnh, cũng như chăm
sóc bệnh nhân, nằm ngoài tưởng tượng ban đầu không chỉ của tôi, mà
có lẽ của nhiều người Việt khi vào một bệnh viện ở Mỹ, khác một
trời một vực so với các nhà thương ở Việt Nam (mà nhiều người gọi
là "nhà ghét"), vẫn giữ quy chế "xin cho", vẫn phải
"có quà" lót tay cho bác sĩ,y tá, để được quan tâm hơn, và
vẫn chịu cảnh mỗi phòng có nhiều giường bệnh và mỗi giường có
nhiều bệnh nhân, thậm chí trải chiếu nằm dưới giường. Ở đây, nước
Mỹ, mỗi bệnh nhân một phòng thênh thang, có đủ tiện nghi, có phòng
vệ sinh và phòng tắm riêng, có Tivi và báo ngày, tạp chí. Những thứ
nhỏ như kem bót đánh răng, xà phòng tắm giặt và cả phấn bôt, lăn
nách đều có đủ. Vợ tôi và những người thân, những đồng hương tới
thăm, đều vui miệng gọi là "năm sao", bởi trên bàn là cái
"menu" để bệnh nhân chọn món. Ngày ba bửa, nhà bếp phục vụ
các món ghi trong thực đơn, theo yêu cầu của bệnh nhân. Tôi có lẽ là
luật trừ hiếm hoi, vì không tài nào ăn được "đồ Mỹ", trước
đây, lúc ấy và cả bây giờ. Lần nào nhập viện cũng vậy: Vừa
"ổn định" chỗ nằm là có nhân viên xã hội (social worker,
thường là nữ) tới ngay. Sau khi giải thích công việc họ làm và ý
muốn giúp cho tôi được miễn giảm viện phí (luôn có phiên dịch tiếng
Việt, dù bệnh nhân hiểu tiếng Anh, nhằm tránh mọi hiểu sai từ cả hai
phía), họ chỉ yêu cầu tôi ký vào hồ sơ, rồi tin tưởng phó mặc cho
họ, miễn làm sao sau khi xuất viện, tôi không phải chi trả đồng nào
cho bệnh viện. Lần đầu như thế. Các lần sau đó cũng như vậy.
Khác với ở Việt Nam, phải đóng tiền ngay khi làm thủ tục nhập viện,
không có tiền, không thể được chữa trị, ở Mỹ bệnh nhân và người nhà
không bao giờ bị hỏi tiền nong. Bạn trình thẻ xác nhận (ID hoặc bằng
lái xe) và thẻ an sinh xã hội (social security card) là đủ và bệnh
viện có bổn phận chữa trị cho bạn đến nơi đến chốn. Các y bác sĩ
coi mọi bệnh nhân đồng đều, cùng khoác "đồng phục" như nhau,
không và không được phân biệt giàu nghèo, sang hèn, chủng tộc. Không
có ưu tiên trong khám và điều trị.
Vào nằm điều trị ở bệnh viện, rất khó ngủ yên, vì liên tục kẻ ra
người vào: lao công vào dọn dẹp và làm vệ sinh phòng; y tá vào đo
nhiệt độ, đo huyết áo, đo đường huyết, lấy máu đi xét nghiệm. Không
phải chỉ một lần, mà nhiều lần trong ngày. Không chỉ một y tá, mà
các y tá đều "chuyên biệt hoá: người đo đường không làm công tác
đo huyết áp; người phát thuốc và chích thuốc không dính dáng gì tới
người lấy nhiệt độ. Ngoài ra ngày ba bửa, nhân viên nhà bếp mang thức
ăn tới và khoảng vài giờ sau quay lại dọn và mang đi thức ăn thừa.
Tấp nập và....mất ngủ! Các bác sĩ điều trị đến hỏi han nhiều lần.
Thời gian đầu, nằm ngẫm nghĩ thấy thương người bệnh ở Việt Nam: không
có tiền, khó mà được các bác sĩ lui tới hỏi han, thăm khám. Khẩu
hiệu "lương y như từ mẫu" họ nói mà không làm; còn ở đây,
trên đất Mỹ, người ta không nói, mà làm. Tôi không quen để người lạ
giúp tắm rửa, vệ sinh thân thể cho mình, nhưng các y tá luôn sẵn sàng
giúp bạn làm những công việc ấy. Điều có thể khiến bạn khó chịu,
song cũng phải thông cảm, đó là các sinh viên y khoa hoặc các y tá
thực tập: có khi mỗi sáng bạn phải "tiếp" hai ba người. Họ
coi bệnh án của bạn và khám rất kỹ lưỡng để đối chiếu những gì
họ nghe, nhìn được với những gì bác sĩ ghi trong hồ sơ (kể cả phim
X-ray,các xét nghiệm,...). Nhưng đáng sợ nhất là các câu hỏi. Lần
thứ hai nhập viện, tôi đã phải "khiếu nại" (dùng từ
"complaint" có vẻ hơi nặng) với bác sĩ điều trị:
- Bác sĩ có biết cô ta hỏi tôi bao nhiêu câu không? Tôi đếm đúng 64 câu
đấy!
Ông bác sĩ cười, vỗ vai tôi, đáp:
- Vậy là ông hên rồi. Có người bị hỏi tới 71 câu lận. Thông cảm cho
các sinh viên và y tá thực tập. Họ cũng chẳng muốn làm bệnh nhân
mệt nhọc và cáu giận đâu. Nhưng vì cần học hỏi kinh nghiệm cho việc
hành nghề mai sai, cứ coi như họ xin các vị giúp đỡ họ học hành
vậy.
Sau lần nằm bệnh viện lần đầu thời gian 15 ngày, về tới nhà buổi
chiều, thì hôm sau mở thùng thơ đã thấy có 3 phong bì kèm ba hoá đơn
yêu cầu thanh toán viện phí, rồi từ đó ngày nào cũng có ít nhất
một phong bì kèm hoá đơn yêu cầu trả chi phí các dịch vụ. Ban đầu
tôi không hiểu vì sao tôi vào nằm điều trị tại bệnh viện Cone Health
ở Greensboro, mà giấy đòi nợ lại từ đủ nơi: Atlanta, Charlotte, New
Jersey và từ nhiều thành phố, đại học, trung tâm khác lần đầu nghe
tên.
Mấy hôm sau, nhận được một lá thư còn ngạc nhiên hơn nữa: miễn giảm
100% viện phí (100% discount). Tôi hỏi ý kiến Bà Corolyn O Brien, một RN
(Registered Nurse làm công tác xã hội, có văn phòng đặt tại một nhà
thờ Tin Lành), thì Bà nói cứ photocopy thư ấy và gửi cho các
"chủ nợ" khác, họ cũng sẽ "discount 100%" ngay. Thật
thần kỳ: mọi sự xảy ra như lời Bà Carolyn nói.
Và đây cũng là điều khiến tôi gọi các bệnh viện là "Quái
Thú". Người mà ta chịu ơn sâu nặng, chính là nước Mỹ, chính phủ
Mỹ, chính sách nhân đạo của Mỹ, chứ không phải là các bệnh viện,
những kẻ biết tìm kẻ hở, tìm điểm yếu, để mưu lợi. Chính phủ Mỹ,
ngân sách xã hội Mỹ luôn chi trả mọi khoản chi cho công tác điều trị
bệnh nhân nghèo, theo báo cáo của các bệnh viện, mà không tra cứu
thực tế về các phí tổn tương ứng và tương xứng.
Các bệnh viện không thể làm như thế, khi bệnh nhân có thẻ bảo hiểm,
vì các hãng bảo hiểm can thiệp và thoả thuận giá cả hợp lý nhất,
bởi vì họ các hãng bảo hiêm phải chi trả đến 80% viện phí. Và họ
không bao giờ chấp nhận chịu thiệt hại, lỗ lã. Mỗi khi nhận bệnh
nhân, bệnh viện phải báo ngay cho hãng bảo hiểm và hai bên hãng bảo
hiểm và bệnh viện sẽ xem xét phương án, thời gian điều trị và một
viện phí hợp lý mà cả hai bên cùng đồng thuận. Do vậy, có muốn
"hào phóng" hơn trong điều trị, thuốc men, bệnh viện cũng
không dám (hay đúng hơn: chẳng...dại gì) vì chi phí "phát
sinh" ấy bệnh viện phải tự gánh lấy.
Với các bệnh nhân không có bảo hiểm, hoàn toàn không phải vậy! Nắm
chắc chính phủ sẽ chi trả toán bộ mọi chi phí của một bệnh nhân
được xác nhận không có thu nhập và không có bảo hiểm y tế, theo báo
cáo và đơn xin hỗ trợ tài chánh (application for financial assistance) do
nhân viên xã hội thuộc bệnh viện thảo và gửi giùm (như đã nói trên:
chỉ cần chữ ký của bạn; mọi sự khác phó mặc cho họ), bệnh viện
sẽ "hào phóng" tối đa trong việc khám, điều trị, chăm sóc
và cả trong ghi các khoản chi, mà chỉ có bệnh viện và.... Trời mới
hiểu. Chính sách nhân đạo, trợ giúp người nghèo, tin tưởng ở ngành y
tề, ở các bệnh viện, mà thanh toán những khoản viện phí lắm khi
gấp rưỡi, gấp đôi so với số tiền mà các bệnh nhân có bảo hiểm phải
chi trả (bao gồm 80% do hãng bảo hiểm).
Trong mỗi bệnh viện ở Mỹ đều có hai "ban" (sections): ban
hành chánh và ban chuyên môn. Không ban nào biết (hoặc can thiệp vào)
việc của ban kia. Ưu điểm là ở đó: Ban chuyên môn chỉ biết khám và
chữa trị bệnh nhân theo chuyên khoa. Do đó với họ, bệnh nhân nào cũng
giống nhau và họ chỉ biết dốc hết khả năng chuyên môn để chữa lành
bệnh nhân; còn việc "biu bọng" (bill) là công việc của Ban
hành chánh, trong đó có Ban xã hội, luôn mau lẹ xem kỹ các hồ sơ
nhập viện và gặp gỡ, giải thích và "giúp đỡ" các bệnh
nhân không có bảo hiểm y tế. Bạn sẽ được chính sách xã hội nhân đạo
của nước Mỹ bao bọc và người được hưởng đủ thứ lợi ích (như
"Cục cưng của nước Mỹ") là bạn, người đa phần chẳng đóng
góp được gì về vật chất cho đất nước nầy, song kẻ được lợi nhiều
nhất lại chính là các bệnh viện.
Những lần được đưa vào cấp cứu rồi nằm điều trị mỗi đợt hai tuần
lễ, nhìn những thứ bệnh viện "phát" cho bệnh nhân (chậu, bô,
kem, bót, lotion, bột phấn, xà phòng, khăn mặt,..) và những thứ các y
tá, bác sĩ dùng trong phòng bệnh mình nằm (giấy lau, bộ áo và găng
tay chống nhiễm trùng,...), tôi hiểu tất cả đều được ban hành chánh
cẩn thận tính đến từng món nhỏ và ngân sách dành cho y tế và xã
hội của chính phủ (tiền thuế của người lao động hoặc đóng góp từ
thiện của những người giàu tốt bụng) sẽ phải trả hết mà không hề
hay biết đang bị rút ruột một cách khoa học, dưới vỏ bọc nhân đạo.
Tương tự là trường hợp vợ tôi đi trám răng. Được một nhân viên xã hội
liên hệ và lấy hẹn giùm, (vì phòng răng nầy nhận Thẻ Cam), vợ tôi
đến làm thủ tục và nộp 30 USD (ba chục). Nhân viên phòng nha cho chụp
và xác định có ba răng cần phải trám, dù chưa bị sâu. Họ khộng làm
liền, mà cho hẹn mỗi tháng trám một răng. Đến hẹn, vợ tôi phải nộp
30 USD và trám một răng. Cứ như vậy sau ba tháng với ba lần hẹn và
mỗi lần nộp 30 USD, mới hoàn tất một việc lẽ ra chỉ cần thanh toán
một lần mà thôi (vì chỉ trám phòng ngừa bị sâu và không tiện khi
nhai thức ăn). Có nghĩa là chúng tôi phải chi trả bốn lần. Điều đó
thật sự không quan trọng: con gái tôi bảo so với giá đi nha sĩ bình
thường, không có thẻ cam, thì "rẻ như cho". Nhưng tôi hiểu
rằng: đàng sau bốn lần nhân 30 USD của chúng tôi, nhà nước Mỹ, ngân
sách xã hội của chính phủ, sẽ phải chi trả theo giá "bình
thường" lên đến hằng trăm USD cho mỗi lần làm răng. Miếng bánh
ngân sách xã hội, với chính sách nhân đạo của chính phủ Mỹ, đã
được tận tình khai thác, lợi dụng.
Trong tờ The Oregonian số ra ngày 06/12/2008, nhà báo nữ Amy Reifenrath
đã cho thấy: do không duyệt lại 1.7 triệu trường hợp khuyết tật, mà
chính phủ phải chi ra 11.00 tỷ USD tiền phúc lợi cho những người không
còn bị khuyết tật nữa. Cơ quan điều tra đã khám phá nhiều vụ lừa
đảo chiếm đoạt tài sản công. Ví dụ trường hợp một bà ở Minnoseta
được hưởng phúc lợi khuyết tật năm 1999, khi bà khiếu nại rằng một
xe hơi đụng làm cho bà không thể đi bộ quá mười phút và chỉ cần nâng
một gallon sữa cũng đủ cho bà tê nhức cả đầu. Một tháng sau, người
phụ nữ tên Henderson nầy đã thắng giải trong cuộc thi trang phục áo
dài và trình diễn thời trang y phục thể dục nhịp điệu (aerobic). Năm
2004, một bồi thẩm đoàn kết tội bà về chín tội danh lừa đảo chiếm
đoạt An Sinh Xã Hội và bị án tù. Cá nhân là thế.
Cái kim trong bị lâu ngày cũng lòi ra. Nhưng khi một tổ chức khai thác
một cách "hợp pháp" cái bầu sữa nhân đạo ngân sách xã hội,
e rằng việc phát hiện không dễ dàng chút nào. Bệnh nhân nghèo vẫn
được hưởng những chăm sóc vượt ngoài mong đợi và biết ơn các bệnh
viện, ít quan tâm suy nghĩ để nhìn ra rằng bệnh viện dù tốt đến đâu,
dù giàu đến mấy cũng không thể bao trả (cover) viện phí cho người
nghèo, không có bảo hiểm y tế, vốn rất đông.
Đọc xong đoạn đầu nầy, ông bạn già hỏi tôi:
- Ông có nói hơi quá chăng, khi đánh đồng các bác sĩ hoặc cả ngành y
tế vào cái ổ "Quái Vật" nầy?
- Đúng vậy, Ông Bạn. Tôi cho rằng ngành y tế từ liên bang tới tiểu
bang không muốn hoặc không dám đụng vào hay là gây chiến với các hệ
thống bệnh viện. Chắc chắn họ đã đọc được thông tin trên báo chí về
những cái bất hợp lý, chênh lệch giữa viện phí trong các bệnh viện.
Ví dụ cũng cùng một quá trình điều trị ấy có thể tính 12,000 USD
hoặc 37,000 USD ở Arkansas hoặc khoảng 32,000 cho tới 100,000 trong các
bệnh viện khác nhau ở California và từ 14,000 tới 32,000 ở Virginia.
Ngay ở trong và phụ cận thành phố Denver, Colorado, ba bệnh viện tính
giá trung bình 97,214 46,457 và 28,237 USD cho một "ca" nhiễm
trùng ho hấp bị biến chứng. Ở thành phố New York, chi phí điều trị
một khớp háng hoặc một xương chậu bị gãy có biến chứng ở Bệnh
viện Lenox Hill (Manhattan) trung bình là 38,588 USD. Cách đó 15 dặm, ở
bệnh viện Coney Island (Brooklyn), chi phí trung bình là 13,137 USD.
"Sự định giá của bệnh viện là những cái ngu xuẩn nhất trong mớ
chắp vá hỗn độn". Đó là lời Ron Pollack, giám đốc điều hành
nhóm bảo vệ người tiêu thụ Gia Đình Mỹ, có trụ sở tại Washington,
"Những người rút cuộc phải trả những giá cao nhất chính là
những người không có bảo hiểm và là những người ít có điều kiện
nhất để vác gánh nặng quá sức nầy".
Hiệp Hội Bệnh Viện Mỹ cho rằng các công ty bảo hiểm điều đình các
mức giá với bệnh viện dựa trên một dãy yếu tố và điều đó có khả
năng tạo nên những rủi ro chống độc quyền nếu chia sẻ thông tin ấy cho
nhau.
Ảnh hưởng tương tác phức tạp và khó hiểu giữa "giá cả",
"mức giá", "hoá đơn" và "thanh toán" qua
hàng chục người phải trả tiền, công cũng như tư, không có lợi cho bất
kỳ bên liên quan nào, kể cả các bệnh viện. Hiệp Hội nầy còn cho
rằng các bệnh viện ủng hộ luật việc minh bạch hoá giá cả, vốn có
thể buộc các bang phải thu thập và tiết lộ các thông tin về giá cả
các bệnh viện và những thanh toán của các hãng bảo hiểm. Một hàm
ý đe doạ chính quyền Bang của hai Con Cá Mập Y Tế và Bảo Hiểm!
Hàng triệu người dân Mỹ đang hy vọng khi một phần then chốt cải tổ y
tế của chính quyền Obama có hiệu lực, sẽ sửa chữa và ổn định
những giá cả tăng vọt nầy. Bảo Hiểm Y Tế Toàn Dân (Affordable Care Act
hay còn gọi là "Obamacare") sẽ cho phép hàng chục triệu dân
Mỹ tiếp cận được các dịch vụ chăm sóc y tế. Nhưng người ta không
nghĩ rằng giá tiền điên khùng và trái nghịch nhau nầy sẽ vì thế mà
hạ xuống. Nó không kéo giá cả về lại giá trị thực hợp lý, bình
thường, mà chỉ thúc ép tốc độ tăng thêm.
Người dân Mỹ thích coi chăm sóc y tế của mình là tốt nhất trên thế
giới, nhưng ban triển vọng đời sống của cơ quan tình báo Mỹ, CIA,
đánh giá Hoa Kỳ xếp hạng 51 trên thế giới, trong khi chi phí y tế
phải trả ít nhất hai lần hơn đa số các nước phát triển khác, gồm
cả Anh và Pháp.
Tôi không biết suy nghĩ và tâm tư của sinh viên Mỹ bản xứ khi chọn theo
ngành y: Một nghề danh giá, được nể trọng? Một nghề cho thu nhập ổn
định và cao ngất? Xuất phát từ lòng nhân đạo? Nghề "truyền
thống" trong gia đình? Nhưng điều làm tôi thấy lòng nặng chĩu là
khi tận tai nghe không chỉ từ phụ huynh của các bác sĩ đang hành nghề
hoặc đang theo học các trường y, mà chính từ miệng các "thiên
thần áo trắng" nầy, rằng gia đình cũng như bản thân các bác sĩ
đã phải bỏ ra rất nhiều công sức, tiền của để thành bác sĩ và vì
vậy, họ cần và có "quyền" "gỡ" lại vốn và kiếm
lãi.
Không lạ gì khi thấy người gốc Việt tha thiết cho con cái vào trường
y dược. Trong bài viết "Two Generations, One Aspiration" (Hai thế
hệ, một hoài bảo July 4,2011) hai tác giả Trần Đỗ Cam và Nguyễn Mạnh
Trí cho biết ở Hoa Kỳ có 4.200 bác sĩ người Mỹ gốc Việt, nghĩa là
cứ 1,000 người gốc Việt thì có bốn bác sĩ. Số lượng dược sĩ người
Mỹ gốc Việt chỉ riêng California đã hơn 800. Họ có giúp gì cho đồng
hương mà phần đông không có trình độ học vấn cũng như chuyên môn?
Cách trả lời có thể nói theo kiểu thời thượng của các cô, là “tuỳ
người đối diện”.
Không ít những bác sĩ đã gian dối, khai khống trong khám và điều
trị, để có thu nhập gấp rưỡi, gấp đôi mức thu nhập vốn đã cao hơn
nhiều lần, nhiều chục lần so với thu nhập của các đồng hương của
họ. Họ có áy náy, khi làm như vậy không? Không ai có thể trả lời câu
hỏi nầy, ngoài chính họ, các bác sĩ người Mỹ gốc Việt!
Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại. Theo
Vẫn còn chút an ủi, như nhận định của Nguyên Huy trong báo Người Việt
"Tính đến nay, Trung Tâm Y Tế Nhân Hòa đã có mặt được 22 năm, để
phục vụ cộng đồng, những đồng hương trong thời gian đầu mới qua chưa
có bảo hiểm y tế hay sau này vì thu nhập thấp không mua được những
chương trình bảo hiểm y tế", với 11,000 bệnh nhân được điều trị
và hơn 30,000 lượt người đến khám trong năm qua. Cộng tác với bác sĩ
Vĩnh Thừa, sáng lập viên, là một số bác sĩ đầy tâm huyết. Trung tâm
khám và chữa bệnh lấy chi phí thấp chứ không phải hoàn toàn miễn
phí. Nhưng Nhân Hòa cũng có một số chương trình y khoa miễn phí được
tài trợ từ liên bang hay tiểu bang như khám và truy tầm ung thư vú, ung
thư cổ tử cung cho phụ nữ, các chương trình cai thuốc lá, các buổi
hướng dẫn ngừa tiểu đường, cao máu, cao mỡ và các chương trình chích
ngừa khác nhau.
Được vào một nhà thương Việt Nam, nói tiếng Việt, được những bàn tay
"lương y như từ mẫu" người Việt tận tình chăm sóc, thiết
nghĩ không còn niềm vui nào hơn, nhất là đối với những người ly hương
nhưng vẫn không thoát được kiếp nghèo.
Có một tỷ lệ thuận đáng buồn: người giàu ăn ngon mặc đẹp rất ít
đau ốm; trái lại, những người nghèo đói, vô gia cư (homeless) lại liên
miên ốm đau bệnh tật.
Ông bạn tôi hay lập lại câu nói "Nghèo gặp eo".
Chính sách sách nhân đạo của nước Mỹ, ngân sách xã hội y tế luôn là
ưu tiên một và hết sức to lớn, là chỗ dựa cho người nghèo, người
không có thu nhập, gia đình túng thiếu và người khuyết tật. Trên thế
giới, không có đất nước nào có những chính sách, có những khoản chi
ngân sách như vậy. Nhưng đó cũng là mồi ngon cho những tổ chức, cá
nhân bất lương, tìm mọi cách để rứt rỉa, đào khoét được chừng nào
hay chừng nấy cho riêng họ.
Đất nước Mỹ, chính phủ Mỹ như "Người Đẹp" có tâm hồn thuần
khiết, thanh cao, đang bị "Quái Thú" dùng bộ mặt nhân đạo để
che dấu những mưu mô xảo quyệt, tham lam nhưng hết sức tinh vi, khoa
học, nhằm đục khoét. Rất nhiều người no đủ, công việc ổn định, có
thu nhập khá, vẫn ngửa tay xin "food stamps". Thậm chí người
chết vẫn được con cháu sử dụng tên để xin "food stamps" và
đủ thứ phúc lợi, trợ cấp xã hội khác. Các bệnh viện vẫn dùng
chiêu bài "an sinh xã hội" để vừa được tiếng nhân đạo, vừa
thu lợi tôi đa, không bao giờ chịu bất cứ thua thiệt nào.
Ở Việt Nam, nhà nước là "Quái Thú"; nhân dân là "Người
Đẹp" và ngành y tế, các thầy thuốc y bác sĩ, dược sĩ, đứng ở
giữa, mặc tình thao túng, khai thác người dân, trước sự hờ hững bàng
quan của nhà nước. Khó mà tưởng tượng cảnh bác sĩ thẩm mỹ làm
chết khách hàng rồi ném xác xuống sông để phi tang. Khó mà hiểu
được bác sĩ cắt ruột già thay vì mổ ruột thừa khiến bệnh nhân tử
vong. Hạn chế - một cái thắng hãm (brake) - cho lòng tham vô đáy của
các bệnh viện và các y bác sĩ, dược sĩ ở Việt Nam, là người nghèo
không có tiền. Nhiều trường hợp đành chịu chờ chết vì không có gì
hoặc không còn gì bán để có tiền chạy chữa.
Ở Mỹ, người nghèo còn rất đông, người bệnh nghèo rất nhiều, nhưng
"Quái Thú" nắm cái tẩy rằng "Người Đẹp" - chính
phủ, ngân sách xã hội y tế, các Quỹ từ thiện - sẽ không bao giờ bỏ
rơi người nghèo, người khuyết tật. Vì vậy, "Quái Thú" an tâm
khai thác miếng bánh béo bở nầy và rúc rỉa, đục khoét sao cho được
nhiều nhất, một cách hợp pháp và vô nhân đạo nhất.
Chỉ khác một điều: ở nơi đây, trên đất nước, người ta suy nghĩ, sống
và làm việc theo Hiến Pháp: "Chúng tôi khẳng định một chân lý
hiển nhiên, rằng mỗi người sinh ra đều bình đẳng, rằng tạo hoá đã
ban cho họ những quyền tất yếu và bất khả xâm phạm, trong đó có quyền
sống, quyền được tự do và mưu cầu hạnh phúc".
Trong khi tôi pha hai ly cà-phê "cái nồi ngồi trên cái cốc",
Ông bạn tôi đọc đoạn kế tiếp và vừa nhâm nhi ly cà phê sữa thơm nức,
Ông Bạn tôi kêt luận:
- "Obamacare" xem ra rồi cũng chẳng làm gì bọn nầy được.
Chúng vẫn cứ tìm ra kẻ hở luật mà lách, luôn hợp pháp, luôn tinh vi.
Nhưng ít ra từ nay "Quái Thú" không còn có thể
"mượn" thân xác ốm o, nghèo khổ, bệnh hoạn của chúng mình,
để diễn trò "mèo khóc chuột", cũng như chúng mình không còn
mang nặng mặc cảm ngửa tay ăn xin các bệnh viện, nài nỉ đứt lưỡi để
được họ phê cho mấy chữ "discount" (miễn giảm), trong khi thực
tế họ chỉ "lấy xôi Bụt đãi ăn mày". Quan trọng nhất, ấy là
chúng mình biết đang mang "nợ" ơn, nợ tình với ai: với nước
Mỹ, "Người Đẹp" luôn nhân ái, thuần khiết và giữ trọn quyết
tâm mà Tổng thống Abraham Lincoln đã nói trong bài diễn văn Gettysburg:
"chính quyền này của dân, do dân, vì dân".
Nguyễn Thế Bài
Giấu đầu lòi đuôi: nước mỹ người nghèo đầy ra.