Hôm nay,  

Như Một Lời Cám Ơn...

26/11/201100:00:00(Xem: 70048)
Như Một Lời Cám Ơn...

Tác giả: Đỗ Thắng 
Bài số 3417-12-2877vb7112611

Đây là bài viết về nước Mỹ đầu tiên vừa được viết trong mùa Lễ Tạ Ơn. Tác giả tên thật là Đỗ Quyết Thắng, sinh năm 1959. Nghề nghiệp khi ở Việt Nam: Bác sĩ Thú y; Hiện là cư dân Fort Smith, AR. Theo bài viết, ông chỉ mới định cư tại Mỹ hơn hai năm qua, và đang phải nằm nhà vì bệnh. Kính chúc tác giả mau bình phục, gia đình an lành. Mong ông tiếp tục viết.

***

Vì bệnh tôi đã phải ở nhà không đi làm hơn bốn tháng, lúc này mỗi sáng từ thứ hai đến thứ sáu đúng tám giờ mười phút đứa con gái lớn chở tôi đi trị bệnh cách nhà khoảng 20 miles, thời gian trị bệnh chỉ khoảng hai mươi phút nhưng phải đi mỗi ngày, lại phải đi làm sao để về trước chín rưỡi kịp giờ cho con đến trường.
Tuần trước, thứ sáu là ngày con tôi không phải đến trường sớm như mọi khi nên trên đường về nhà, tôi bảo con ghé qua thư viện của thành phố xem có sách Việt Nam mượn mấy cuốn về đọc cho đỡ buồn.
Đã hơn hai năm từ ngày đến Mỹ và về thành phố này, lần đầu tiên tôi đến thư viện. Thư viện thành phố lớn và đẹp như nhiều thư viện trên nước Mỹ mà tôi đã có dịp thấy trong các sách báo. Trong đó cũng khá nhiều sách Việt Nam, đủ loại từ kiếm hiệp đến tiểu thuyết, hồi ký và các sách nghiên cứu, tạp chí trước và sau 1975 của các tác giả nổi tiếng và... không nổi tiếng, những sách mới xuất bản trong nước những năm gần đây cũng không thiếu. Nói chung là khá đầy đủ cho một cộng đồng người Việt khoảng vài ngàn người ở thành phố này.
Khi lựa sách để mượn tôi thấy có cuốn tuyển tập “Viết về nước Mỹ năm 2003-2004” của Việt Báo. Những truyện ngắn về nước Mỹ này tôi đã có dịp được đọc vài bài từ những tờ Việt Báo mà một chợ Việt Nam ở đây hàng tuần tặng không cho người mua hàng. Nhật báo Việt về đến đây chỉ có hai tờ Việt báo và Người Việt, mỗi tuần một lần và là tờ phát hành vào mỗi thứ 6, thường là báo cũ một tuần trước, nhưng “có còn hơn không” vì chỗ tôi ở không có một cửa hàng nào bán sách báo tiếng Việt !.
Lần đầu tiên được đọc tuyển tập những truyện ngắn mà người viết đủ thành phần, đủ trình độ, nội dung phong phú, mọi đề tài “hỷ nộ ái ố” được viết bởi nhiều khả năng, có chuyện thật đơn giản có chuyện rất sâu sắc nhưng cái chung là mọi người đều viết bằng tất cả tình cảm chân thật của mình. Cuốn sách đã cho tôi cái nhìn nhiều góc của người Việt về nước Mỹ này, nhiều chuyện cười ra nước mắt nhưng có chuyện thật cảm động. Đọc xong tôi tự nghĩ phải chi trước khi đến Mỹ tôi được đọc một vài cuốn như vậy thì hay biết bao nhiêu!
Cũng từ khi đọc xong cuốn tuyển tập đó tôi có ý nghĩ hay là mình thử nói lên những cảm xúc, suy nghĩ của mình hiện nay về con người và đất nước mình đang sống này nhỉ ?. Nghĩ như vậy nhưng viết thì ngại vì từ trước đến nay tôi chỉ quen đọc! Nói về đọc thì tôi đọc đủ thứ, trước đây khi ở Việt Nam thời bao cấp, sách báo còn thiếu thốn, nhưng khi có dịp đến cửa hàng sách là tôi mua đủ loại về để đọc dần, lúc đó dù tiền bạc chẳng có, có khi hết cả tháng lương cũng chỉ mua được năm ba cuốn!. Nhưng đó là đọc, đọc thì ai cũng đọc được chứ viết thì lại là chuyện khác, vả lại tôi chưa thử viết bao giờ ngoài những bài luận văn và vài bài viết cho bích báo lúc còn nhỏ, cái mà ai đã đi học chẳng phải làm!. Thế nhưng hôm nay tôi bỗng muốn viết về những gì mình cảm nhận được dù chẳng biết sẽ viết như thế nào.
*

Tôi đến Mỹ đã hơn hai năm, cuộc sống khi mới đến đây cũng không khác những gì tôi đã nghĩ khi còn ở Việt Nam, có lẽ do bây giờ người đi đi về về cũng nhiều và báo chí rồi nhất là internet với lượng thông tin khổng lồ và nhanh chóng đã làm con người hiểu rõ và gần nhau hơn, nên khi mới đến tôi cũng không đến nỗi ngỡ ngàng cho lắm. Đến đây để thấy rằng trên đất Mỹ hay ở Việt Nam, thì đâu mọi người cũng phải làm việc vất vả mới đủ sống, còn thế nào là đủ tùy vào nhu cầu và khả năng của mình, tất cả đều có cái giá của nó. Tuy nhiên đến Mỹ tôi mới thấy có những điều, những cái mà nếu không từng sống, làm việc một thời gian mà chỉ nghe kể lại thì khó có thể hiểu hết được.
Cũng như nhiều người đến Mỹ sau này, gia đình tôi qua đây với những thuận lợi, dễ dàng hơn vì đã được nhiều người đi trước giúp đỡ, hướng dẫn cặn kẽ, vì vậy gia đình tôi nhanh chóng có nơi ở, công việc làm tạm ổn, con cái đến trường không phải lo lắng nhiều về tiền bạc như khi còn ở Việt Nam. Tôi nghĩ đất nước này ai chịu làm chịu học rồi cũng sẽ đạt được điều mình muốn.
Thế nhưng chỉ ở được vài tháng, khi những hăm hở thấy những điều hay lạ ban đầu qua đi, lòng tôi đã mong trở về Việt Nam. Xin đừng bàn về chính trị, cái lãnh vực nhạy cảm dễ nảy sinh mâu thuẫn này, ở đây tôi chỉ muốn nói đến tâm trạng một người rời bỏ quê hương, nói khác đi là xa lìa nơi chôn nhau cắt rún. Nếu ai đó có nói gì đi chăng nữa, lòng người ra đi vẫn mong trở về dẫu nơi đó còn quá nhiều khó khăn vất vả đó vẫn là quê hương. Tôi nghĩ ai cũng vậy, không dễ dàng gì thay đổi những nếp nghĩ những tình cảm về nơi chốn mà mình đã sống quá lâu, gần hết cả cuộc đời, chẳng những thế mà nơi đó lại còn bao người ruột thịt, thân quen đầy những kỷ niệm vui buồn. Cũng từ đó tôi mới hiểu tại sao có những người khi đã sống quá lâu trên đất Mỹ này lại khó thể dứt bỏ để trở về, không phải chỉ vì ở đây cuộc mưu sinh dễ dàng mà còn là những tình cảm đã gắn bó họ với một nơi đã cưu mang, nâng đỡ họ, nhất là trong những lúc cùng cực nhất. Lòng tôi lúc đó chỉ nghĩ được một điều: chắc mình phải về thăm Việt Nam một lần may ra tinh thần mới ổn định, và điều đó cứ làm tôi nặng lòng mãi.
Thế rồi một điều không may mắn đã đến với tôi. Ở được gần hai năm, sau một lần khám bệnh các bác sĩ ở đây phát hiện ra tôi đã mắc một căn bệnh có thể nguy hiểm đến tính mạng. Khi đã chắn chắn mình mắc bệnh cảm giác đầu tiên đến với tôi là hụt hẫng và lo sợ, lo cho mình đã đành lại còn gánh nặng gia đình nữa, nếu có chuyện gì thì không biết ra sao đây, vì vậy lúc này mọi dự tính sắp xếp xa vời đều bay biến hết. Khi đối diện với bệnh tật nguy hiểm thì con người trở về với bản năng sống còn, với tôi lúc này cụ thể và trước hết là lo trị bệnh cái đã, nhưng ngoài những nỗi lo lắng vì bệnh tật và đau đớn của thể xác thì cái lo luôn làm người ta phải nghĩ đến là lấy gì mà điều trị.

May mắn là vợ chồng tôi đang đi làm nên hãng đã mua bảo hiểm, mỗi tuần chỉ phải trả vài chục đô về chi phí bảo hiểm y tế cho cả nhà năm người của tôi. Mặc dù đã có bảo hiểm nhưng tình trạng bệnh tật của tôi khá nặng nên tôi vẫn cứ lo không biết việc chữa trị tốn kém thế nào? rồi bảo hiểm sẽ chi trả cho mình được bao nhiêu? Số còn lại mình phải trả có nhiều không? Tất cả những câu hỏi đó luôn ám ảnh làm mọi thứ thêm căng thẳng, khi hoàn cảnh gia đình tôi chỉ mới đến Mỹ có hai năm, ba đứa nhỏ thì còn đang đi học, không biết rồi mọi chuyện sẽ ra sao khi cả nhà chỉ còn một mình vợ tôi đi làm?
Đem những lo lắng đó kể với ông anh cột chèo thì anh ấy lại kể cho tôi nghe một trường hợp ngay tại thành phố này: Cách đây khoảng ba năm một cặp vợ chồng trẻ được định cư ở Mỹ đã đến đây, họ còn trẻ chỉ khoảng hơn hai mươi tuổi, chưa con cái gì, tương lai sáng sủa đang chờ đón họ phía trước. Nhưng thật không may, trong khi nộp đơn chờ đi làm, bản tính chăm chỉ, người chồng sốt ruột không chịu ngồi yên chờ đợi, đã xin được đi phụ sửa nhà để kiếm tiền, và trong một lần leo lên mái nhà cậu ta chẳng may bị trượt chân té xuống đất. Mặc dù các bác sĩ ở đây đã làm tất cả những gì có thể, nhưng họ chỉ cứu được mạng sống của cậu ta chứ không cứu được cái cột sống, kết quả là cậu ta ra viện trên chiếc xe lăn vì cú ngã đã làm chấn thương tủy sống với nguy cơ sẽ vĩnh viễn không đi lại được. Và cũng vì mới qua chưa đi làm, chưa có bảo hiểm nên sau một thời gian dài điều trị, chi phí cho việc chữa chạy lên đến hơn bốn trăm ngàn đô!. Theo anh tôi, ở đây khi bệnh trước hết người ta cứ chạy chữa đã còn gì thì tính sau, vì vậy số tiền đó vẫn còn treo lơ lửng không biết đến bao giờ gia đình cậu ta mới trả nổi.
Anh tôi kể xong rồi kết luận: “trời sinh voi sinh cỏ hơi đâu mà lo, trước hết cứ lo trị bệnh đi đã còn tiền bạc khi nào có thì trả”. Biết rằng anh tôi nói để trấn an tôi thôi, chứ còn vợ chồng tôi lo lắng vô cùng.
Như đã nói, bệnh tình của tôi khá nặng nên bệnh viện thành phố nơi tôi ở không điều trị được phải chuyển tôi lên “tuyến trên” (theo cách nói ở Việt Nam bây giờ). Tuyến trên của tôi là bệnh viện thủ phủ bang cách nhà gần 200 miles. Ở đây sau khi đi lại nhiều lần, tôi được làm các xét nghiệm cần thiết, chụp X quang, chụp CT, và cuối cùng là phải mổ. Sau ca mổ dài sáu giờ nhiều lo hơn đau, tôi phải nằm lại bệnh viện đúng một tuần. Thời gian ở đây tôi được các bác sĩ, y tá chăm sóc tận tình với những điều kiện và thuốc men tốt nhất. Do ở xa bệnh viện, nên sau một tuần tôi được xuất viện về nhà để mười ngày sau tái khám, sau thời gian tái khám và cắt chỉ vết thương tôi xin được chuyển về điều trị tiếp tại thành phố tôi ở vì nằm bệnh viện xa nhà quá tốn kém và không có người chăm sóc.
Ai ở Mỹ nếu chẳng may đã từng bị bệnh và nhận được sự chăm sóc y tế nơi đây thì cũng đã biết, điều kiện chăm sóc, máy móc kỹ thuật thì khỏi bàn nữa nhưng chi phí cho nó cũng thật là kinh khủng so với thu nhập của mọi người. Tôi nghĩ ở Mỹ mà mắc bệnh không có bảo hiểm chi trả thì bất kỳ ai với thu nhập thế nào cũng không thể chịu nổi! vì vậy tôi ra viện với tâm trạng lo lắng rằng không biết chi phí cho mình hết bao nhiêu đây, phải trả như thế nào và chừng nào mới trả xong.
Cuối cùng theo giấy báo của nơi bảo hiểm số tiền chi để điều trị cho tôi đã lên đến cả trăm ngàn đô, đó là chỉ tính đến hôm mổ xong, còn phần điều trị tiếp theo chưa biết bao nhiêu. Với số tiền cả trăm ngàn đó, theo họ thông báo, bảo hiểm hãng tôi làm sẽ chi khoảng 90%, số còn lại tôi sẽ phải trả.
Số tiền đó với tôi hiện nay cũng đã lớn, nhưng tôi nghĩ mình hãy còn may mắn vì nếu như còn ở Việt Nam mà mắc bệnh này thì dù tôi lúc đó đang là công chức nhà nước có mua bảo hiểm (ở Việt Nam chỉ có công viên chức nhà nước mới mua bảo hiểm y tế, còn người dân thì rất ít) với trung bình như tôi thì mức mà cơ quan bảo hiểm chi trả tối đa cho mình chỉ là 20 triệu đồng Việt Nam tương đương khoảng một ngàn đô, trong khi ở đây chi phí lại lên đến gấp cả trăm lần. Vẫn biết ở Việt Nam với giá cả thấp hơn thì số tiền điều trị cho các trường hợp như tôi sẽ không lớn như vậy. Nhưng dù nếu ở Việt Nam chi phí chỉ bằng một phần mười ở Mỹ thì với thu nhập của người làm ăn lương bên đó cũng không thể trả nổi số tiền lớn như vậy.
Ở Việt Nam hầu hết ai cũng vậy, không may đã bệnh nặng mà chẳng thể vay mượn được ai nữa thì chỉ còn cách bán nhà để chạy chữa, đó là nói với những người may mắn có nhà để bán còn không thì chờ chết! Nói như vậy không hẳn là mọi người ở Việt Nam mắc bệnh nặng không có tiền là chết mà vẫn có các trường hợp một số bệnh viện, các tổ chức giúp đỡ những người khó khăn mắc bệnh hiểm nghèo được điều trị miễn phí nhưng số lượng người được giúp đỡ còn rất ít. Thực trạng là vậy, biết làm sao được khi ở một đất nước có còn quá nhiều khó khăn thì việc chăm sóc y tế cho người dân cũng phải dừng lại ở đó, dù không thiếu các bác sĩ có lương tâm nhưng họ cũng chẳng thể làm gì khác hơn.
Trong cái rủi vẫn còn có cái may, đó là niềm an ủi của tôi bây giờ. Tuy bệnh nặng nhưng tôi đã được chữa trị tận tình, tạm thời qua được cơn nguy hiểm mặc dù việc điều trị hãy còn tiếp tục, chưa biết sẽ còn gì xảy ra nữa nhưng đến nay hàng ngày tôi vẫn còn được các bác sĩ chăm sóc giúp đỡ với tất cả những gì ở đây có thể.
***
Một mùa Đông lạnh lẽo đang đến, nhưng cũng là lúc mọi người ở đây chuẩn bị cho mùa lễ hội trong năm. Tôi bỗng nghĩ đến điều ngẫu nhiên trên đất nước này: Cái mùa đáng chán nhất lại là mùa nhiều ngày lễ nhất, nào là Thanksgiving, Christmas, rồi New Year.... đã làm mọi người quên đi cái khắc nghiệt của thời tiết.
Bất chợt tôi có ý nghĩ so sánh tình trạng mình hiện nay: bệnh tật và đau đớn như mùa Đông đã và đang đến với mình nhưng sự giúp đỡ của mọi người, sự cưu mang của đất nước này như những niềm vui trong các ngày lễ làm bớt đi những buồn bã, phiền lo để mình đủ sức chờ mùa Xuân đến. Cái so sánh vớ vẩn như vậy đã làm tôi lạc quan hơn để viết những dòng chữ này như một lời cảm ơn.....chưa hết.

Đỗ Thắng
Thanksgiving 2011

Ý kiến bạn đọc
04/12/201103:19:49
Khách
Cảm ơn độc giả "thuy" về lời chúc sức khoẻ và ý kiến nên điều đình với nhà thương hoặc bác sĩ về số 10% tôi phải thanh toán. Thật tình là tôi không biết chuyện này, tôi sẽ thực hiện, hy vọng sẽ được giúp đỡ. Một lần nữa xin cảm ơn bạn "thuy" nhiều. Đỗ Quyết Thắng.
29/11/201113:32:23
Khách
Anh Thắng ơi,
Chúc anh mau bình phục . Khi anh nhận được cái bill đòi tiền của nhà thương hay của bác sĩ , anh thử lên nhà thương, bác sĩ để điều đình với họ xem, đôi khi họ không lấy 10% số tiền deductable đó, 10% của 1 trăm ngàn cũng nhiều lắm .
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,075,234
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.