Hôm nay,  

Thăm Chùa Lộc Uyển ở Escondido

20/02/201100:00:00(Xem: 289523)
Thăm Chùa Lộc Uyển ở Escondido

Tác giả: Phạm Hoàng Chương
Bài số 3125-28425 vb8022011

Tác giả đã nhận Giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2009, Là một nhà giáo vui vẻ mà nghiêm túc, có hồi ông từng bị bà con đồng hương bắt làm Chủ Tịch Hội Ái Hữu Ninh Thuận. Ông chủ tịch và ông thầy nay về hưu, an cư tại Riverside, Nam Cali. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.

***

Gần đây coi Tivi cuối tuần, mỗi sáng thứ bẩy, tôi để ý đến chương trình giảng pháp lúc 7:30 đến 8 giờ của hòa thượng Thích phước Tịnh ở thiền đường Shanga, Huntington Beach. Những bài pháp thày giảng đơn giản, không cao, chỉ cách sống sao cho thân tâm an lạc ngay cuộc sống này, nhưng giọng nói hiền từ, bình dân, dáng dấp dung dị, con mắt sáng và nụ cười tươi thường xuyên trên môi của thày đặc biệt có sức lôi cuốn đại chúng. Các đệ tử trẻ của thầy trong nhóm “Mắt thương nhìn đời” cũng có nhiều hoạt động xã hội rất tích cực mấy lúc gần đây. Số phone để gọi thỉnh dĩa giảng pháp hay hỏi tin tức hoạt động của nhóm là (714)600-8854.
Thế là một trưa chủ nhật, nhân duyên đến, ghi nhớ giờ giấc, tôi lái qua Wesminster, đi Brookhurst, xuống biển, quẹo tay mặt qua đường Talbert đi về Long Beach, tìm tới thiền đường Shangha, nằm bên tay mặt. Một giờ rưỡi bắt đầu giảng mà 2 giờ kém 20 chỉ lưa thưa có mười mấy người vào ngồi ghế, tôi đang thất vọng ai ngờ một lúc quay lại đã thấy thiên hạ kéo vô ngồi chật hội trường, có đến hơn 200 người. Mấy em trai gái trong nhóm “Mắt thương” của thày lăng xăng lui tới, lo dựng máy quay phim, set up loa phóng thanh, sắp xếp bàn thờ Phật bông hoa, sân khấu trang nghiêm.
Rồi thầy tới, dáng dấp y như trong Tivi, ngồi xếp bằng thiền tọa, nhìn xuống đại chúng. Chị Kim Chi xướng ngôn giới thiệu và điều khiển chương trình. Nghe nhóm có tổ chức tour xe buýt đi Escondido 2 ngày 29/1 và 6/2 thăm chùa Lộc Uyển của sư ông Nhất hạnh và chiêm bái tượng Phật ngọc, tôi vội vàng mua vé 40$ ghi tên tham dự chuyến bế mạc triển lãm tượng Phật ngày 6/2, nhằm mồng 4 Tết. Sau một giờ nghe thày thuyết pháp về Kinh Duy ma Cật, chúng tôi được giải lao bằng chè đậu xanh và ra sân thỉnh các CD pháp thoại để đầy trên các bàn. Kinh Duy ma Cật tôi đọc từ năm 26 tuổi, thích thú thấy ông cư sĩ tại gia mà biện tài qua mặt hẳn các vị đệ tử lớn của Phật về giáo lý.
Sáng sớm 6/2 tôi lái qua trước nhà bank cạnh Saigon City Market đậu xe, đã thấy 3 chiếc xe bus đang chờ khách, thấy chị Kim Chi đứng đó rồi, hỏi vé màu vàng đi xe số mấy, chị chỉ chiếc XE SỐ 1, bèn leo lên. Các em nam nữ mặc áo dài cổ truyền dân tộc lăng xăng lui tới giữa 3 xe, chuyên chở thức ăn điểm tâm, nước uống, len lỏi phát tặng khăn choàng cổ len cho hành khách. Tôi thấy môt cụ già khoảng gần 80 lụm cụm chống gậy ngồi xuống băng ghế bên kia, có người con trai lên tiễn, dặn dò, đứng quanh quẩn bịn rịn bên cha cho tới khi xe sắp chạy, lấy làm cảm động. Một ngày kia, tôi nghĩ, mình cũng sẽ già như ông cụ đó, biết con trai có sốt sắng đưa lên xe bus đi hành hương như vậy không. Tôi nghĩ đến ngài Mục Kiền Liên, chữ Hiếu trong đạo Phật, Lễ Vu lan, cho tới khi xe bắt đầu chuyển bánh, các em phát xôi vò, trái chuối, chai nước lọc, cho khách điểm tâm, lại thay phiên nhau ca hát , kể chuyện tiếu lâm giải trí cho khách vỗ tay rào rào.Trời sương mù dày đặc nên tôi lim dim ngủ gà ngủ gật, lúc tỉnh hẳn vì xe lắc lư quá, mới hay đã tới Escondido, xe đang ỳ ạch len lỏi chạy đường quanh co lên núi. Coi đồng hồ 11 giờ. Xa xa trên ngọn núi thấp, thấy nhô lên cái mái vòm thiền đường ngói đỏ, như bàn tay úp lên 4 bức tường, nằm bên tàng cây xanh rì.
Nghe tiếng chùa Lộc Uyển, trung tâm tu thiền của thày Nhất Hạnh ở Escondido đã lâu mà bây giờ mới tận mắt thấy. Năm 1985 tôi ở Éscondido, lúc đó chưa có chùa. 25 năm trở lại, thấy thành phố vẫn thưa thớt, trầm lặng. Không khí núi rừng mát mẻ, phong cảnh yên lặng tịch mịch, lác đác hoa đào nở trong rừng cây xanh. Có hai sư cô bày đặc san Làng Mai ra cho khách hành hương thỉnh, tùy hỉ công đức. Nhìn quanh Phật tử rải rác đi dạo khắp nơi ung dung hớn hở.
Thiền đường tọa lạc trên một ngọn núi, xung quanh là thung lũng hẹp, cây rừng trùng điệp. Kéo vô thiền đường ngồi, la liệt các bồ đoàn để sẵn dưới đất cho khách ngồi xếp bằng. Ai già yếu hay không ngồi được thì ngồi hàng ghế xếp phía sau.dọc theo 2 vách tường. Thiền dường dài khoảng 25 m, rộng 12 m, trần nhà cao, úp cong lên 4 bức tường , trần lát bằng gỗ sậm có vân, mỗi bên có 4 cửa lớn bằng gương nhìn ra rừng cây xanh êm ả bên ngoài. Sàn nhà cũng lát bằng gỗ, màu sáng nhạt hơn. Không có bàn thờ tượng Phật Thích Ca như ở các chùa khác, chỉ vỏn vẹn có 2 chữ “VÔ SỰ” to viết bằng mực Tàu, viết tắt từ câu “Thiên hạ vốn vô sự” chép đâu đó trong sách thiền.
Thiền đường trang trí đơn sơ, mộc mạc, chứa được khoảng 300 người, ngồi xuống một lát thì thấy thân tâm quả nhiên êm ả thanh tịnh hẳn lại, quên hết mọi phiền não lúc còn dưới thành phố xe cộ ồn ào. Có nhiều cư sỹ người Mỹ cũng vào ngồi chắp tay thành tâm lim dim nhắm mắt. Trước cổng thiền đường treo một phong pháo đỏ kết dài mấy thước, mấy người phu loay hoay với hai con lân màu sắc sặc sỡ. Khi thầy Phước Tịnh vào , mọi người đứng lên chắp tay chào rồi ngồi xuống an tọa. Thầy thường trú tại khu rừng Lộc Uyển này, nghe nói rộng tới mấy trăm acres. Bỗng pháo bên ngoài nổ vang trời, rồi hai con lân sặc sỡ, ông Địa lùn lùn cầm quạt và mấy người múa lân bước vào xông đất, múa may quay cuồng. Nhiều người vui vẻ mang túi đo đỏ tới nhét vào miệng 2 con lân lì xì thưởng cho phu múa.
Thầy Phước Tịnh có một nhóm mười mấy tăng ni cùng tu ở đây theo hầu, thày mở đầu pháp thoại bằng câu chuyện về một ông bạn tu mới tới thăm thày sáng nay là Cựu đại tá Trần văn Tự, tỉnh trưởng Phanrang.
Đầu tháng 4/ 75 ông bỏ nhiệm sở trốn vào Saigon theo đường rừng vì sợ bị nhận diện, gặp vô số du kích VC dọc đường mà vẫn thoát chết nhờ phép Phật nhiệm màu che chở, được ngồi xe bộ đội qua lọt bao nhiêu trạm khám xét, giữ được mạng sống vô tận Saigon. Biết ơn Phật, sau đó ông xuất gia quy y. Trong tù cải tạo ngoài Yên bái, ông đã an phận dùng 3 chữ kim chỉ nam “bước đi, hít thở, và niệm Phật “mà lao động hàng ngày, ăn uống đạm bạc, sông sót cho tới ngày ra trại, qua Mỹ và an lạc tu hành .
Tôi nghe thày kể, nhớ lại thời kỳ đi lính làm trung đội trưởng ở Phanrang năm 1969, lúc đó ông là tỉnh trưởng hét ra lửa, có một lần ghé thăm tôi bị thương nằm bệnh viện. Mới đó mà đã hơn 40 năm, cả hai chúng tôi đều văng qua Mỹ ở, mà vẫn còn sống để nhớ lại quá khứ.

Trong hai tiếng đồng hồ ở Lộc Uyển, tôi thấy có nhiều xe buýt chở các đoàn hành hương từ các nơi xa đến thăm chùa, có đoàn hai ba chục người vừa đàn ông vừa đàn bà đều mặc áo tràng xám với các xâu chuỗi hạt dài lòng thòng trước ngực. Thiền đường nằm ở núi thấp nhất, có đường đi lên núi cao hơn kế bên, có xây nhà ăn, nhà bếp, ao nước nuôi cá vàng, phòng ngủ của tăng và một thiền thất nhỏ hơn.
Tôi hiếu kỳ theo mấy người leo cầu thang đi lên núi trên, thấy nhà ăn, nhà bếp, phòng ngủ và thiền thất của các tăng, nơi nào cũng đơn sơ, gọn gàng, sạch sẽ. Phòng ngủ của các sư cô ở riêng biệt phía dưới đồi thấp, chỉ khi nấu nướng hay dùng trai các cô mới lên đây.Tôi nhìn vô thiền thất dài qua cửa sổ, thấy mấy chục tăng ni người Mỹ mặc áo tràng đang ngồi tĩnh tọa yên lặng. Khung cảnh núi rừng thanh tịnh ở đây, xa hẳn chốn làng mạc dân cư tạp nhạp bên dưới, quả thật thuận lợi cho việc tu hành, tu tâm dưỡng tánh,. Ở Riverside, thành phố nơi tôi ở, cũng yên tịnh, êm đềm, nhưng không cách gì so sánh được với không khí trong sạch và thanh thoát nhuốm mùi đạo vị như ở đây.
Quá 12 giờ, chúng tôi lại lên xe đi chiêm bái tượng Phật ngọc (Jade Buddha)ở Center of the Arts cũng gần chùa Lộc Uyển... Hôm nay là ngày bế mạc triển lãm tượng Phật ngọc ở đây nên rất đông người tới tham dự. Trước giờ tôi chỉ thấy tượng qua hình ảnh, tivi, Internet, hôm nay mới tận mắt chứng kiến. Nghe và thấy qua media và emails cảnh hoa mạn đà la rơi từ trên Trời xuống trong các bức hình chụp đêm cung nghinh tượng ở đâu đó năm ngoái trong lòng cũng hơi hiếu kỳ, nhưng không lấy đó làm quan trọng. Phật tại Tâm mới là quan trọng, nếu tâm mình từ bi thì chính mình là Bồ tát, là Phật, còn tượng làm bằng đất, ngọc, hay gỗ quí gì đi nữa cũng chỉ là chất liệu của hành tinh rồi cũng sẽ theo luật vô thường mà hư hoại.
Tượng cao 2m7, nặng 4 tấn, mình bằng ngọc xanh đậm, mặt sơn bột vàng y, ngồi trên bệ trắng cao hơn 1 mét, tạc theo mẩu tượng Phật bên Ấn độ. Lễ đài đặt trong một công viên rộng có nhiều cây cao bóng mát. Vô số Phật tử đàn ông đàn bà Mỹ rải rác đi lại khắp nơi. Nhiều gian hàng bán hoa lan, tượng Phật, chuỗi hột, cho thỉnh CD, kính sách. Nhiều bàn thờ thờ tượng Quan Âm, A di đà, xung quanh lễ đài Phật ngọc, với nhiều chậu hoa cúng dường rực rỡ và các hộp phước sương. Nhóm “Mắt thương nhìn đời “ chúng tôi tề tựu đứng trước tượng Phật ngọc, kính cẩn chắp tay theo tiếng xướng của hòa thượng chùa Pháp Vương chủ tọa. Rồi quay lưng lại cho vô sô các máy ảnh chụp hình bấm chớp lia lịa. Xong, nghe ông người Úc chủ nhân pho tượng nói tiếng Anh chúc mừng đại chúng, có chị Kim Chi thông dịch ra tiếng Việt. Tượng đã được đưa đi triển lãm nhiều nước, gồm cả Việt nam, từ cuối 2009 đến nay với mục đích cầu nguyện cho hòa bình thế giới và hòa bình trong nội tâm của mỗi con người chúng ta.
Sau khi bế mạc ở đây, nghe nói tượng sẽ được đưa qua chùa An lạc ở Ventura rồi sau cùng sẽ lại về Úc an vị luôn, do đó đây là cơ hội.hiếm có cho những ai có tâm đạo, muốn chiêm bái lễ lạy Phật để gây duyên lành về sau. Trời nắng chói chang. Có hơn trăm chiếc ghế cho Phật tử ngồi trên cỏ bên dưới để nghe nam ca sĩ Gia Huy, chuyên hát nhạc Phật, cầm micro hát những bài về biết ơn Phật tha thiết cảm động. Nhiều người khác không ngồi vì nắng chói hắt vào mặt, chạy đi núp vào bóng thân cây cổ thụ cao, hay ngồi dưới bóng cây xa hơn để tránh nắng. Tôi nhìn các đàn ông đàn bà Mỹ ngồi ngẩn ra say sưa nghe Gia Huy hát, không biết có hiểu lời ca nói gì không, nhưng thấy vỗ tay hoan hô ầm ỹ mỗi khi hát xong, và khi Gia Huy mang thùng phước sương đi quyên tiền, cũng vui vẻ móc túi ra cho.
Hai giờ thì chúng tôi được mời ra bải cỏ rộng phía bên kia để các em dọn thức ăn chay. Mỗi phần ăn là 5$,nhưng nếu ai không có tiền cũng sẽ được thầy chùa Pháp Vương đãi cho không. Thiên hạ ngồi trên các chiếu nylon, dưới bóng mát rượi của các cây tàng lá xum xuê. Tội nghiệp các em trong nhóm” Mắt thương nhìn đời” lăng xăng lui tới, bưng những khay đựng các hộp bún chả và tô bún bò chay phục vụ đại chúng rải rác ngồi khắp nơi. Khi khách ăn xong, các em lại kéo nhau đi dọn dẹp, lượm rác vương vãi bỏ vô các thùng. Nhìn các em nam nữ tuổi còn trẻ mà đã có tâm đạo, phục vụ quần chúng hoằng pháp không quản mệt nhọc, tôi thấy cảm mến vô cùng, nhớ lại ngày xưa đem con trai còn nhỏ vượt biên, bảo lãnh con gái đang tuổi thiếu niên qua Mỹ, mà không có phước gặp được đạo tràng như vầy để con cái mình tham gia sinh hoạt, gieo trồng nhân duyên phước đức đời sau.
Năm giờ chiều, chiếc loa phóng thanh bỗng báo cáo phái đoàn hoà thượng, tăng ni từ các nơi đang đổ về,tôi nhìn ra thây các vị tu hành mình đắp y vàng, từ từ khoan thai ở xa tiến lại trong ánh nắng chiều ấm áp, tới lễ đài lễ lạy, ngồi xuống tụng niệm cầu an cho hòa bình thế giới, bế mạc.giai đoạn triển lãm tượng mấy tháng nay. Buổi chiều mát mẻ, êm ả, làm tôi thấy khỏe khoắn lạ thường, nói chuyện huyên thuyên với mấy người đồng đạo hành hương trong nhóm, mặc dù sáng nay 2 giờ khuya đã thức dậy, sợ ngủ quên qua Wesminster trễ xe buýt. Khí hậu của Escondido sao tự nhiên trong lành mát mẻ, hay hồng ân của chư thiên trên trời ủng hộ tượng Phật làm tôi khỏe ra, thật sự tôi cũng không rõ.
Đúng 6 giờ chiều, leo lên xe buýt trở về lại Brookhurst, chúng tôi lại được các em phục vụ nước uống và thức ăn còn sót lại, lại được các huynh trưởng của nhóm kể chuyện vui và đọc thơ chúc Tết rộn rã. Dọc đường xe chạy vùn vụt, bên ngoài trời tối đen, loáng thoáng ánh đèn. Mới ngoài 7 giờ đã tới nơi, ba xe đậu trước nhà bank ban sáng, cạnh Saigon City Market. Anh đại diện nhóm đưa cô tài xế Mỹ đen xấp tiền tip đại chúng góp lại ban trưa, khen cô lái xe an toàn mau lẹ, khiến cô thích chí tươi cười cám ơn và chúc tất cả một năm mới an khang thịnh vượng..Thấy cụ già băng ghế bên kia run run chống gậy đứng lên, tôi buột miệng hỏi:
-Bác được 75 tuổi chưa bác"
-Tôi 87 rồi.
-“Trời đất!” tôi sửng sốt, Bác trông còn trẻ lắm. Con tưởng bác mới 75. Má con 84 mà đi phải chống gậy rồi..
-Tôi cũng chống gậy vậy, cụ đáp.
Tôi phục ông cụ quá, 87 mà còn chịu khó chống gậy đi xa chiêm bái tượng Phật, quả là lòng thành hiếm có. Chị Kim Chi có nhã ý tặng mỗi người một bức tranh chụp tượng Phật ngọc lớn bằng tờ báo Xuân đem về thờ làm kỉ niệm, tôi mừng rỡ xin một tấm ngay.
Thế là xong một ngày hành hương vui vẻ. Tôi rút chìa khóa , lái xe bon bon về Riverside chưa đầy một tiếng, treo bức tượng Phật trên bàn thờ, đi tắm rửa rồi lên giường sớm. Đêm đó tôi ngủ ngon một mạch tới sáng. Vốn quan niệm ‘Tâm bình, thế giới bình”, tôi ít khi đi chùa lạy Phật, nhưng lần sau, nếu nhóm có tổ chức đi nữa, chắc phải rủ gia đình vợ con cùng đi cho vui, chứng kiến sự phục vụ tận tâm của các em Phật tử giàu tâm đạo, lòng thành khẩn của khách hành hương, và các sinh hoạt Phật giáo mang đầy màu sắc quê hương tình tự dân tộc.
Phạm Hoàng Chương

Ý kiến bạn đọc
23/02/201803:12:11
Khách
địa chỉ chùa ở đâu sao không có post lên
03/03/201112:42:40
Khách
Xin so61 phone cu3a ba1c PHAM HOANG CHUONG de63 lie6n la5c.thank yuo
12/03/201107:09:10
Khách
Cám ơn Tom Lê.
Cell Phone PHC là (951)347-3561.
Bạn cũng có thể gọi số phone MẮt thương nhìn đời để liên lạc về các hoạt động xã hội, khóa tu, và chuyến đi du ngoạn chùa chiền.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,074,074
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.