Hôm nay,  

Nghề Nội Trợ

05/04/200800:00:00(Xem: 236602)

Tác giả: Nguyễn Thi

Bài số 2268-16208245-vb7050408

Tác giả Nguyễn Thi, cư dân San Jose, là một Facilitator cho những buổi học thảo nói về Hệ Thống Học Đường tại California, đồng thời cũng tham gia việc dạy Việt ngữ cho cộng đồng. Mong Nguyên Thi sẽ viết về đề tài những buổi học thảo, hội thảo về hệ thống học đường tại California.

Những người từng sống tại Việt Nam chắc hẳn đã nghe câu nói "Chồng chúa, vợ tôi" và "Phận gái mười hai bến nước, trong nhờ đục chịu." Những câu này có thể hợp bên Việt Nam chứ qua đến Mỹ thì nó hoàn toàn đảo ngược thành "Con đặt đâu, cha mẹ ngồi đấy" và "Thân trai mười hai bến nước, trong nhờ đục chịu chớ có kêu ca."

Nhớ lời thầy cô dạy rằng "Ta về ta tắm ao ta. Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn" nên tôi lập gia đình với người Việt tại Mỹ.

Phải công nhận rằng các cụ ngày xưa chỉ bảo con cháu bằng ca dao tục ngữ rất hay và có phương pháp. Tôi có người bạn chung hãng lấy vợ người bản xứ rất khổ sở. Ngày nào cũng nghe anh ấy than rằng khi tình yêu đến anh chỉ thấy mầu hồng, anh nghĩ cuộc đời anh sẽ lên hương vì vợ nói tiếng Mỹ thông thạo sẽ giúp cho gia đình ngày càng khá giả. Nào ngờ khi lấy vợ rồi anh trở thành một thông dịch viên không lương vì gia đình anh không ai biết nói tiếng Mỹ lưu loát như con dâu ngoại trừ anh ra, và anh chỉ được thưởng thức cơm Việt Nam khi về nhà cha mẹ. Hiện giờ mỗi ngày anh phải ăn món Mỹ toàn bơ với sữa, ớn quá...

Riêng tôi, tôi nghĩ lấy người Việt có cái lợi là không phải giải thích sự khác biệt giữa hai văn hóa Việt Mỹ, về ngôn ngữ, cách ăn mặc, cũng như ăn uống cả hai đều thông cảm nhau dễ dàng. Nàng có thể ăn bún riêu với mắm tôm mà không bị tôi nhăn mặt, hoặc tôi không bị tiếng bấc tiếng chì khi nàng thấy tôi gặm chân gà hầm thuốc bắc hoặc ăn hột vịt lộn chấm muối tiêu. Dĩ nhiên khi vợ chồng còn son thì điều gì cũng xí xóa cho nhau được. Cuộc đời của tôi bị xoay 180 độ khi cả hai chúng tôi từ giã tiểu bang miền núi Rocky lạnh lẽo để dọn về đất Cali nắng ấm quanh năm theo tiếng gọi của việc làm.

Vợ tôi qua Cali trước vì có người thân và trong một tuần đã có việc làm toàn thời gian. Ba tuần sau tôi qua vì phải chờ nàng mướn căn phòng apartment (ở Cali phải có giấy chứng nhận có việc làm và có một số tiền trong ngân hàng mới mướn được chỗ ở), và tôi cũng phải làm xong công việc của hãng mới được nghỉ việc. Ngày tôi qua là ngày chúng tôi dọn vào apartment. Vì đường sá đặt tên đường bằng chữ không giống như nơi tôi ở trước kia toàn bằng con số và theo các hướng Đông, Tây, Nam, Bắc, nên tài xế lái xe là nàng. Nhìn thấy nàng lách qua lách lại trên đường phố lẫn xa lộ đông nghẹt như chỗ không người mà tim tôi tưởng chừng như ngừng đập. Phải chi trước đó tôi đừng nghe lời bè bạn và gia đình bàn ra tán vào rằng đám cưới cần phải mời người này đi với người kia kẻo họ lại giận là có việc đại hỷ mà không mời. Số khách cho đám cưới chúng tôi từ lúc đặt nhà hàng đến lúc ăn tiệc đã tăng gấp đôi lúc nào mà tôi không hay. Khổ nỗi tôi là người chọn nhà hàng và cũng là người trả tiền nên giờ đành phải chiu dọn nhà theo công việc.

Hằng ngày khi nàng đi làm thì tôi lấy xe chạy vòng quanh phố tìm việc và cũng để làm quen với đường sá. Mặc dầu tôi đã chuẩn bị mua bản đồ của thành phố San Jose và những vùng phụ cận cũng như đã học thuộc đường đi nước bước của những hãng xưởng cần ghé trong ngày, thế mà khi lên xe mải lo tránh những xe khác chạy nhanh, không có ngày nào mà tôi không bị lạc đường. Tôi phải dừng xe bên lề đường để xem lại bản đồ rồi mới dám tiếp tục đi.

Sau một tuần đi lạc và việc làm cũng chưa có, tôi nghiên cứu lại bản đồ và nhớ lại lời vợ dặn ngày đầu mới qua rằng đường phố của San Jose có một số con đường tuy chạy thẳng nhưng mỗi khi qua một khu phố khác là nó tự động đổi tên đường. Chẳng hạn như đường Alum Rock Avenue từ chân đồi hướng đông khi tới gần trung tâm thành phố San Jose thì đổi thành Santa Clara Street, qua được một khúc thì có tên The Alameda và rồi trở thành El Camino Real qua 14 thành phố khác nhau mà vẫn còn tên con đường ấy. Hoặc con đường song song với Alum Rock từ chân đồi hướng đông dẫn đến phi trường San Jose có 4 cái tên là Hostetter Road, rồi đến Murphy Avenue, Brokaw Road, và cuối cùng là Airport Parkway. Đó là đường ngang, còn đường dọc như đường số 13 dưới phố San Jose chạy về hướng bắc đổi thành Old Oakland Road, khi qua thành phố nhỏ Milpitas biến thành đường Main Street, chạy đến đèn xanh đèn đỏ mà không tinh ý rẽ phải để tiếp tục đường Main, thì chạy thẳng sẽ là đường Abel Street, chạy chừng 8-9 con đường cắt ngang thì tên đường đổi thành Jacklin Road và cũng chạy theo hướng tây sang đông, khi chạy vòng từ hướng bắc thành phố Milpitas xuống nam San Jose thì tên đường trở thành Evans Road, Piedmont Road, White Road, và cuối cùng là San Felipe Road.

Sở dĩ tôi kể hơi dông dài về đường sá vì có hiểu được hệ thống đường sá mới thấy nhập gia phải tùy tục. May thay sau hai tuần tôi đã kiếm được việc làm và chỉ thuộc đường từ nhà đến hãng, và đến những nơi cần thiết như chợ búa và nhà người thân mà thôi. Tôi tưởng cuộc đời của tôi được yên ổn từ đây.

Cuộc sống của tôi lại một lần nữa xáo trộn khi chúng tôi có đứa con đầu lòng. Tôi và vợ vẫn đi làm nhưng suy đi tính lại thấy cần có một người ở nhà coi con nhất là con trai đầu lòng. Cả hai bên nội ngoại đều ở tiểu bang khác nên hai vợ chồng đành phải bàn nhau xem ai là người nuôi con. Rút cuộc tôi được chọn làm người nội trợ của gia đình "nguyên tử" (nuclear family) gồm ba người, vợ, chồng, và đứa con, vì hãng vợ tôi có bảo hiểm sức khỏe cho nguyên gia đình còn hãng tôi chỉ trả cho nhân viên thôi chứ họ không bao cho gia đình. Tôi hài lòng với công việc mới, ở nhà tha hồ chơi với con, đọc sách, coi tivi thả giàn, không cần phải hàng ngày vật lộn với xe cộ mắc cửi toàn hửi mùi khói xe. Hơn nữa từ ngày qua Mỹ 7-8 năm nay, tôi nào đã thật sự được nghỉ xả hơi bao giờ đâu, toàn là vừa đi học vừa đi làm hai ba công việc để trả tiền học lẫn gửi tiền về Việt Nam nuôi mẹ và mấy đứa em còn kẹt bên đó. Bây giờ gia đình qua được Mỹ rồi thì tôi phải lo cho gia đình của riêng tôi chứ!

Suốt một tuần ở nhà quan sát cách nuôi con của nàng, tôi thấy công việc tương đối không khó lắm - cứ cách 2 đến 3 tiếng là pha bình sữa 2 hoặc 3 oz. cho con, rồi xem có cần thay tã mới không, khi con ăn xong và đi ngủ thì tôi muốn làm gì thì làm. Tuần sau ở nhà không chịu nổi cảnh ngồi không nên nàng đi làm lại và tôi chính thức nhận chức ông nội trợ từ đó. Thật ra tôi không phải là tay mơ trong việc nội trợ bếp núc vì khi ở Việt Nam tôi là anh cả của 6 đứa em, 3 trai, 3 gái. Mỗi ngày đi học về tôi phải trông chừng các em, lo việc ăn mặc cho chúng để mẹ tôi đi buôn bán kiếm tiền nuôi con và chồng ở trại cải tạo. Giờ đây chỉ phải lo cho có một đứa bé với đầy đủ tiện nghi bếp núc, máy giặt, tôi thấy công việc quá ư là dễ.

Bảy giờ rưỡi sáng nàng rời nhà sau khi nhắc nhở tôi một danh sách dài cần phải làm trong ngày. Tôi gật đầu đồng ý và tiễn nàng ra cửa. Tôi khóa cửa rồi vào phòng ngủ tiếp vì 9 giờ mới cần pha sữa cho con. Tám giờ sáng có tiếng bấm chuông inh ỏi phía trước, nhìn qua lỗ hổng tôi nhận ra đó là người quản lý của khu chung cư. Tuần trước ông đã gửi giấy báo hôm nay ông sẽ ghé qua để xem hệ thống sưởi và ống nước có cần phải tu bổ lại không. Sau khi ông kiểm soát và điền giấy tờ báo cáo thì 20 phút đã trôi qua. Tôi chạy vào phòng kiểm soát đứa con cưng đã thức dậy chưa, nó vẫn còn ngủ.

Tôi ra nhà bếp chuẩn bị nấu cơm và làm thức ăn trong ngày. Vì con còn nhỏ nên tôi dự trù sẽ phải ở nhà nguyên ngày cho tới khi vợ về khoảng 5:30 chiều. Từ ngày qua Cali vấn đề mua thực phẩm để nấu món ăn Việt rất dễ dàng nên tôi tự dưng thèm ăn cơm đủ cả ba bữa mỗi ngày.

Nồi cơm điện đã được bấm nút tự động nấu, tôi bỏ cá bông lau đã chặt thành khúc vào nồi nấu món cá kho tộ sau khi nêm mắm muối. Tiếng khóc ré thảm thiết trong phòng làm tôi giật mình chạy vào xem. Tôi không ngờ một đứa bé chỉ có 7 lbs. và dài 19 inches lại có buồng phổi tốt như thế. Nhìn con đang nhắm tít mắt lại, miệng mở to la oai oải, mặt mày đỏ ké, tôi chợt nhìn đồng hồ thấy đã 9:05 sáng.

À! Thì ra nó đói, nó cần sữa. Tôi ra tủ lạnh lấy bình sữa pha sẵn để vào một tô nước nóng nhỏ cho bớt lạnh và đem vào phòng cho con. Uống được 2 oz. nó ngưng uống nhưng vẫn còn khóc, đưa bình sữa nó ngậm một chút lại nhả ra. À! Mình cần phải cho nó ợ. Tôi ẵm con đứng thẳng để đầu nó dựa vào vai tôi và vuốt lưng vài lần. Sau khi ợ lớn hai lần nó bú tiếp hết bình sữa và có vẻ còn đói. Tôi ra tủ lạnh lấy thêm một bình nữa cho nó uống thêm. Uống xong bình thứ hai nó nhắm mắt ngủ tiếp. Tôi đứng nhìn con ngủ trong nôi mà lòng tràn ngập niềm vui. Con tôi mới được một tuần tuổi mà đã "ăn" gấp đôi.

Mùi cá kho thoang thoảng bay vào phòng ngủ. Thôi chết rồi, nồi cá kho của tôi vẫn còn nấu trên bếp lò! May quá lúc nãy tôi chỉ để lửa trung bình nên không đến nỗi nào; chả bù ngày vợ vào nhà thương sinh con, vì loay hoay lắp ráp cái nôi cả tiếng đồng hồ tôi đã làm cháy không những món cá kho mà cả cái nồi cũng đen ngòm. Tôi vừa vặn nhỏ lửa lại thì tiếng khóc lại vang lên. Con tôi hai tay, hai chân đập lên đập xuống, miệng khóc nức nở như vừa bị ai đánh, cái mền nhỏ đắp lúc nãy đã bị đạp xuống cuối cái nôi. Tôi ẵm con dựa đầu vào vai, tay vuốt lưng, và đi tới đi lui. Một, hai, ba tiếng ợ liên tiếp vang lên và tiếng khóc cũng im bặt. Thì ra lúc nãy uống bình sữa thứ hai nó lo bú sữa rồi ngủ luôn, còn tôi thì quên không cho con ợ nên khi ngủ bị tức bụng.

Món cá kho của tôi đã nấu xong và cơm đã chín nhưng vai áo tôi toàn mùi sữa của con. Tôi lấy quần áo khác đi tắm. Vừa trở ra thì tiếng khóc lại vang lên, tôi nhìn đồng hồ mới có 10:30, chưa tới giờ ăn. Vào phòng thì thấy mặt con lại một màu đỏ rồi chuyển sang tím, miệng khóc liên hồi; tôi nghĩ thầm đã ăn rồi, ợ rồi, hình như còn điều gì tôi chưa làm. Đúng rồi, tôi chưa thay tã. Sau khi mở mấy cái cúc quần ra, tôi nhìn vào tã thì thấy ướt nhẹp; vợ tôi đã nhắc rằng có những em bé có làn da nhạy cảm, khi tã hơi bị ướt thì phải thay ngay nếu không da sẽ bị đỏ, và con tôi thuộc nhóm các em bé này. Thay tã và quần áo cho con xong, nó lại ngủ tiếp. Tôi ra nhà bếp rửa tay và xới tô cơm ăn điểm tâm đúng 10:45 sáng.

Tiếng chuông điện thoại reng, một người bạn học cũ lâu ngày không gặp gọi hỏi thăm vì mới có được số điện thoại của tôi từ một người bạn khác. Bạn thân có khác! Chúng tôi ôn lại những kỷ niệm của một thời đi học khi còn ở Việt Nam, ai còn ở lại, ai đã ra hải ngoại, chuyện gia đình, công ăn việc làm& . Vừa nghe tôi nói đang ở nhà nuôi con còn vợ đi làm, anh bạn rống lên cười: "Thân trai mười hai bến nước, anh là người thứ hai mà tôi biết đã dám nhận chức nội trợ, công việc khó lắm đấy, không dễ đâu!" Có tiếng cựa quậy trong phòng rồi một tiếng hét xé tan căn phòng yên lặng. Tôi vội vã viết xuống điện thoại của bạn và cúp phone. Bát cơm tôi còn đang ăn dở dang trên bàn, kim đồng hồ trên tường chỉ 12:15pm. Tôi đã nói chuyện gần 1 tiếng rưỡi đồng hồ, và đã quá giờ ăn trưa của con. Tôi hâm bình sữa và đem vào cho con. Lần này tôi rút kinh nghiệm làm hết những gì cần phải làm, con tôi lại quay ra ngủ tiếp. Tôi ra nhà bếp hâm nóng tô cơm cho bữa trưa.

Xong bữa cơm trưa tôi vào phòng đắp mền lại cho con, nhìn nó say sưa ngủ, lòng tôi chợt thấy lâng lâng một niềm hãnh diện trong vai trò làm cha. Tôi nằm xuống giường đọc quyển tạp chí mới đem về hôm qua rồi ngủ quên lúc nào không hay. Trong giấc mơ tôi thấy con tôi đang mở to đôi mắt đen nhánh với khuôn mặt đẹp trai, hai tay đưa về hướng tôi, miệng gọi "ba, ba". Tiếng gọi càng ngày càng lớn, nhưng không còn là tiếng "ba" ngọt ngào nữa mà là tiếng ré lên rồi trở thành tiếng khóc tức tưởi. Nhìn đồng hồ treo tường, tôi giật mình ngồi dậy, đã 3:30 rồi, tôi trễ mất 30 phút cho con ăn. Lần này uống chỉ được một bình sữa thì con tôi không muốn uống thêm, và mắt lim dim nhắm lại. Tôi ra nhà bếp nấu thêm món canh bí cho bữa cơm chiều. Đến 5 giờ con tôi thức giấc và uống tiếp hai bình sữa trước khi đi vào giấc mộng tuổi thơ.

Đúng 5:30 chiều, vợ tôi mở cửa vào nhà và đảo mắt nhìn quanh rồi chạy vội vào phòng ngủ. Tôi nghĩ khi nàng trở ra thì nàng sẽ khen tôi rối rít và cám ơn ông xã có nhiều biệt tài từ ngoài xã hội đến việc nội trợ đảm đang. Tiếng cửa phòng tắm mở rộng, rồi tiếng nàng vọng ra:

- Hôm nay ở nhà có chuyện gì xảy ra vậy anh"

- Đâu có chuyện gì đâu em. Con nó ăn xong rồi ngủ. Anh còn có thì giờ nấu cơm chiều để em khỏi phải bận tâm.

Nàng vừa mở cửa tủ lạnh vừa hỏi:

- Vậy sao nhà mình lại giống như có một cơn bão lốc thổi qua hoặc có một tên ăn trộm vừa ghé đến mà không kiếm thấy gì quý giá"

Tôi cảm thấy hụt hẫng khi lời khen chưa nghe được mà lời than thì tràn ngập. Tôi nhìn lại quanh phòng với một cặp mắt khách quan. Cái bồn rửa chén lẫn trên mặt counter ngổn ngang bát đĩa, dao thớt, nước văng tung tóe dưới sàn bếp, mặt bàn phòng khách có mấy tờ báo đang mở rộng chưa gấp lại. Trong phòng ngủ, cái giường queen size còn vương vãi quần áo của con lẫn 5-6 cái tã bị mất miếng băng keo một bên; dưới tấm thảm gần cái nôi thì những bộ quần áo dơ của con vẫn còn nằm đó y như khi tôi phải thay quần áo cho con thật nhanh vì sợ con bị lạnh và ném đại chúng xuống đất. Trên mặt tủ quần áo của con thì vẫn còn 7 bình sữa chưa rửa, giấy lau miệng cả chục cái mà tôi đã dùng để lau sữa quanh miệng khi con bú quá mạnh và bị trào ra. Trong phòng tắm thì những chiếc tã dơ có cái trong thùng rác, có cái ở ngoài, và bồn rửa mặt tràn đầy 5 cái khăn nhỏ mà tôi dùng để lau mặt con cho khỏi có mùi sữa mỗi khi xong bữa ăn và thêm 5 cái áo T-shirt bị ướt sữa trên vai của tôi.

Vợ tôi ngồi xuống ghế gần bàn ăn và thở dài:

- Anh nghĩ em có nên nghỉ ở nhà thêm vài tuần không"

Nghe nàng hỏi, tự ái tôi dâng cao:

- Em cứ tiếp tục đi làm ngày mai. Hôm nay tại có ông quản lý đến xem nhà, rồi anh có thằng bạn thân gọi phone nói chuyện lâu nên anh chưa dọn dẹp được gì trước khi em về.

Khuôn mặt nàng vui lên, nàng vào bếp dọn cơm chiều cho hai vợ chồng cùng ăn. Tôi nhớ lại lời người bạn mới nói ban nẫy rằng việc nội trợ coi vậy mà không dễ đâu, kèm thêm tiếng mẹ tôi đã một thời than thở là việc nội trợ là việc không tên và không bao giờ hết việc. Sở dĩ tuần trước khi vợ tôi ở nhà mọi việc suông sẻ vì tôi chỉ lo cho con ăn, còn nàng phụ trách việc dọn dẹp những gì tôi bày ra.

Thảo nào thống kê của một cuộc nghiên cứu của Mỹ tháng năm vừa qua nói rằng nếu tính bằng tiền thì lương tháng của một người làm nghề nội trợ là 138.095 Mỹ kim, vì đó là một nghề "tổng hợp" của nhiều nghề, ít ra là khoảng mười mấy nghề khác nhau như: trông giữ nhà cửa, đầu bếp chính, giáo viên của trung tâm giữ trẻ tại gia, chuyên viên giặt ủi quần áo, tài xế lái xe đưa rước con cái đi học, quản lý sửa chữa và duy trì các thiết bị gia đình, chuyên viên dọn dẹp nhà cửa, chuyên viên dọn vườn và chăm sóc cây cỏ, chuyên viên máy điện toán, giám đốc quản trị gia đình cho mọi vấn đề thông thường hay cấp bách, giáo sư giảng dạy các môn học khác nhau cho con cái sau giờ tan trường, nhà tâm lý gia,&. đó là chưa kể vai trò làm bạn, làm vợ của các đấng nam nhi. Dựa theo trang mạng Salary.com, một bà mẹ đi làm toàn thời gian ở ngoài thì có thể được lãnh thêm 85.939 Mỹ kim cho công việc nội trợ bà làm ở nhà.

Thế mà vợ tôi vừa đi làm tại hãng vừa làm nghề nội trợ nữa mà không hề đòi lãnh lương một đồng nào. Hoan hô những người chị, người mẹ, người vợ làm nội trợ cho gia đình được ấm êm. Họ đáng được chúng ta nói tiếng cám ơn mỗi ngày.

Nguyễn Thi

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,081,092
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.