Hôm nay,  

Nợ Nhau Từ Muôn Kiếp Trước

08/04/200800:00:00(Xem: 237480)

Tác giả: Trần Cẩm Tú

Bài số 2270-16208247-vb3080408

Tác giả là cư dân Oklahoma,  hưu trí, đã góp hai bài viết về nước Mỹ về đề tài gia đình: “Cha Con Mỹ Hoá” và “cái số”. Bài thứ ba của bà sau đây  vẫn là chuyện nhà thật vui, với chó thỏ chim chóc rùa thằn lằn...

Từ ngày đặt chân lên đất Mỹ đến nay đã gần ba chục năm, cuộc đời tôi cực khổ trăm chiều trần ai. Đi học lấy mảnh bằng câu cơm, đi làm, hầu chồng, hầu con, chưa đủ còn hầu thêm chó thỏ chim chóc rùa thằn lằn...  Đúng là ghét của nào ông Trời trao cho của đó. Tôi phải tự đấm ngực tự nhận lỗi, lỗi của tôi, trăm ngàn lỗi là lỗi của tôi. Khi bồ bịch với ông xã, tôi đã quên đặt câu hỏi chàng có yêu thú vật không" Sau này tôi mới biết là khi còn nhỏ ở Đà Lạt bản tính chàng ít nói, ít bạn, thích lang thang vào rừng bắn chim, thích chơi đá dế, thích nuôi rùa, nuôi vịt, nuôi gà chọi đá gà...  những thứ này tôi không quan tâm vì chẳng đụng chạm gì đến tôi. Nhưng cái gene yêu chó của chàng làm tôi vất vả. Cái Gene đó chạy thẳng xuống hai cô con gái của tôi, đã thế lại phát triển mạnh mẽ cấp số đôi vì sống ở xứ Mỹ, cái xứ đàn ông được xếp hạng sau chó.

Năm 1980, từ đảo Pulau Bidong Mã Lai, chân ướt chân ráo đến Houston với bộ quần áo và đôi dép cũ mèm, tôi đã phải bắt đầu một cuộc đời phấn đấu không ngừng. Hai tuần sau chưa hoàn hồn sau một hành trình lênh đênh trên biển mười ngày và nửa năm đói ăn trên đảo, vợ chồng tôi đã vào trường đi học lại. Hai năm sau ra trường vào lúc kinh tế đi xuống, công ăn việc làm rất khó kiếm, chúng tôi đã phải vật lộn với cuộc sống. Vì vậy vấn đề chó chưa xuất hiện.

Năm 1983, gia đình tôi theo công việc dọn về định cư ở Oklahoma. Tôi vừa đi làm vừa lo việc nhà và con cái, chàng vừa đi làm vừa cắp sách đến trường học lên lấy thêm bằng cấp. Cuộc sống từ từ ổn định.

Cuối năm 84, chúng tôi mua nhà. Người xưa nói - An Cư Lạc Nghiệp - còn tôi thì - An Cư Sinh Chuyện - . Câu chuyện về chó đã bắt đầu xuất hiện. Những lúc nhìn ba cha con chụm đầu vào nhau bàn luận về các giống chó, tôi luôn luôn bực mình nghĩ thầm - Gìời ơi, bầy đặt bắt chước Mỹ thối, sinh chuyện đi - Tôi lờ đi vì chắc mẫm trong bụng cha con họ phải nể mặt tôi, hỏi ý kiến tôi về việc nuôi chó, lúc đó tôi nói No cũng chưa muộn. Đúng là bé cái lầm mới khổ đời tôi.

Chiều thứ bẩy đi làm Overtime về, vừa bước chân vào nhà, tai đã nghe tiếng chó con sủa, mắt thì thấy ba cha con đang bò chung quanh một con chó nhỏ rất ư là say mê. Hai cô nàng reo lên

- A Mẹ về

- Mẹ xem này con chó dễ thương không, đẹp không Mẹ.

Tôi khó chịu hỏi chàng

 - Sao đi mua chó mà không hỏi ý tui vậy "

chàng trả lời tỉnh bơ

- Hỏi thì làm sao mua đươc chó

Đã bị đặt vào sự đã rồi, tôi đành chịu thua. Của đáng tội tại con Docky này thuộc loại Out Door nên tôi cũng dễ dãi chấp nhận.

Thỉnh thoảng vào những buổi chiều mùa thu, tôi cũng ra sân ngắm ba cha con chơì đùa với Docky, thấy nó cũng dễ thương, nó thuộc loại chó sói lai trông đẹp oai hùng, trong lòng tôi cũng thinh thích. Việc hốt phân của Docky là nhiệm vụ của chàng nên tôi không bận tâm nữa. Nhưng số Docky yểu, chỉ một năm sau cậu chàng bị bệnh Mice di truyền của mẹ cậu chàng. Cậu chàng đã ra đi. Hai cô nàng khóc sưng cả mắt suốt cả tháng trời. Tôi cũng khóc vì thương cậu chàng đã chết đau đớn vì bệnh hành. Tôi lệ nhòa mất mười phút rồi thôi. Sau đó tôi truyền giáo cho hai cô nàng về giáo lý của Phật

- Thôi đừng buồn nữa. Đức Phật đã dậy càng nhiều ràng buộc càng nhiều khổ đau mà.

Sợ hai cô nàng không đủ Căn Cơ hiểu rõ lời Phật dậy, tôi chơi thêm một đòn tâm lý nữa

- Các con mà mua chó khác, Docky ở dưới suối vàng sẽ buồn vì nghĩ các con có chó mới sẽ quên nó. Sống ở đời phải có lòng chung thủy con ạ.

Hai cô nàng nghe lời tôi không đòi chó nữa, nhưng lại đòi mua thỏ. Thương con tôi đành phải chịu. Ba cha con vác về nhà hai con thỏ trắng nhỏ bằng hai bàn tay. Thế rồi cứ mỗi buổi chiều, ba mẹ con ra sân sau rượt bắt thỏ nhốt vào chuồng. Mùa hè còn đỡ, mùa đông thật thê thảm. Trời lạnh buốt mà vẫn phải ra sân đưa nàng vào chuồng. Một buổi sáng đẹp trời, bước ra sân, tôi đã thấy hai con thỏ nằm phơi xác trên cỏ. Hai nàng đã bị chàng mèo hàng xóm cậy cửa chuồng xơi tái. Lại có màn khóc lóc thảm thiết, tôi lại phải đi một đường giáo lý nhà Phật

- Thấy chưa mẹ đã nói rồi, ràng buộc cho lắm vào thì càng khóc nhiều. Ở yên không muốn cứ đi mua chuyện buồn làm gì.

Sau vụ thỏ chết, tôi tưởng đã yên thân. Ai dè lại có màn nuôi gà, vịt, chim, rùa, cá và Iguana ( một loại giống cắc kè màu xanh). Dù tôi không trù ẻo, các cậu chàng mợ nàng đều lần lượt ra đi. Hai cô nàng cứ khóc và cứ khóc.

Tôi chẳng thèm đem lời Phật dậy ra dụ dỗ hai cô nàng nữa vì biết lời nói của mình như nước đổ đầu vịt. Tôi an ủi hai cô nàng

- Thôi nín đi con, lệ đẫm vai rồi, buồn thương nhớ chi.

Tôi biết trước sau gì chó cũng trở về. Y chang, vào đầu năm 87, một chiều mây bay Browny đã theo ba cha con về đến nhà tôi. Lòng tôi ngậm ngùi quá, chỉ đành ca - Ôi buồn làm sao. Nói nói gì cho mây gió. Hoàng hôn tắt sau nhà. Thoáng buồn trên nét mi -.

Mợ Browny này lông dài vàng óng ả, cũng xinh gái lắm, Medium Size. Chỉ tội lắm mồm làm hàng xóm than phiền. Vì mợ ở sân sau nên tôi cũng đành nhún vai OK.

Một buổi chiều mùa hè, hai cô nàng từ cửa trước chạy vào nhà kêu rối rít

- Mẹ, mẹ ra trước nhà mà xem

- Có một con chó hoang đẹp lắm.

Tôi chạy ra, một cậu chó lông đen tuyền, ốm nhom ốm nhách, mở to đôi mắt nhìn tôi một cách khẩn cầu. Tôi động lòng kêu hai cô nàng lấy thức ăn cho cậu xơi. Ngày hôm sau cậu lại xuất hiện, cứ như vậy cả tuần. Hai cô nàng kêu gọi lòng từ tâm của tôi

- Nuôi nó đi mẹ, tội nó quá

- Cho Browny có bạn chơi đi mẹ.

Trời xui đất khiến làm sao, lúc đó tôi quên mất tiêu giáo lý ràng buộc mà tôi vẫn thường thuyết giảng cho hai cô nàng, tôi chỉ nhớ đến câu - Chó đến nhà hên lắm, phát tài lắm, chắc là sắp có nhiều Overtime rồi - Thế là tôi nhún vai gật đầu, thôi thì một con hay hai con cũng có khác gì nhau. Phật đã dậy phải thương Chúng Sinh. Tôi đã mở cổng rước chàng vào nhà. Xin nói nhỏ mợ Browny đã được cắt bỏ bộ đồ lòng.

Tôi đã tính sai, sân sau của nhà tôi chật không đủ chỗ để nuôi hai con chó. Bruno và Browny hẩu xực món ăn VN nên phân hơi nhiều, bãi nào cũng to tổ bố. Tôi giã từ sân sau, mọi việc phó mặc cho ba cha con. Tưởng vậy là ngon rồi. Nhưng Trời đâu có cho tôi sống yên lành, mắc nợ phải trả mà. Mùa hè, chàng hai tuần cắt cỏ một lần, phân chó khô bay tứ tung bám đầy mặt mũi, tóc râu, quần áo của chàng. chàng vào nhà tắm đem theo Cát Bụi Sa Trường. Tôi phải giặt giũ quần áo và chùi cọ nhà tắm. Đã thế bọ chét bám trên chàng cậu mợ. Tôi phải phụ với hai cô nàng tắm rủa xức thuốc cho cậu mợ.

Tôi mệt quá nhất định vùng lên đòi phóng thích cậu mợ. May quá vào năm 91, gia đình anh chồng và em chồng của tôi theo diện HO từ VN sang. Nghe họ nói muốn có chó, tôi mừng như bắt được vàng, vội vàng với lòng chân thành đưa hai tay lên xin dâng hiến. Ba cha con phải nhượng bộ tôi. Tôi hân hoan tiễn cậu mợ về nhà mới, khe khẽ hát - Lên xe tiễn em đi, chưa bao giờ mừng thế -

Tôi biết ba cha con hận tôi lắm, họ nghĩ tôi không có Trái Tim Mềm. Mặc kệ, tôi phải quên chúng sinh, thương thân tôi nè. Tôi đã có thể ra sân sau trồng hoa nhìn trời hưởng gió mát trăng thanh...  Ngoài ra cậu mợ có phải xuống trần gian địa ngục gì đâu vì hai người chị em bạn dâu của tôi rất thích chó.

Đã nói đến số mệnh là phải nói đến Nghiệp Quả. Cậu mợ chó từ nhà tôi đi đến hai nhà khác nhau nhưng đều được Welcome như nhau. Vậy mà cuộc đời của cậu mợ sau này khác nhau.

Bromny ở với cô em dâu mới đầu được cưng. Đến năm 2003, khi Bambi đã già, cô em dâu lấy cớ bận rộn gọi tôi trả lại Bambi. Hai con tôi ở Dallas đã hân hoan đón Bambi về. Hai năm cuối cùng của cuộc đời, Bambi đã được sống ở trong nhà mùa hè mát, mùa đông ấm áp, dưới tình thương của các con tôi, và tình bạn bè của Bambi và Lucky. Khi mới về Bambi và Lucky chơi trò ma cũ ăn hiếp ma mới y như con người. Tuần lễ đầu Browny nhũn như con chi chi. Qua tuần lễ thứ hai luật tự nhiên đã trở lại, kẻ to lớn ăn hiếp kẻ nhỏ con ( Bambi và Lucky thuộc giống Chihuahua nhỏ xíu ). Cũng may tính Browny hiền và tuổi đã già Browny không chấp nhất, nên cả ba sống chung hòa bình cho đến ngày Browny giã từ trần gian.

Bruno số khổ. Bruno sang nhà bà chị dâu tôi được cưng lắm, nhưng cậu chàng đào xới tùm lum nên chủ nhà bắt bà chị dâu tôi phải cho Bruno đi. Bruno qua nhà anh bạn trẻ của ông anh tôi, được quý, được khen là khôn, trung thành, tôi củng thấy luơng tâm mình bình an. Nhưng không hiểu vài tháng sau, tôi được tin họ muốn trả Bruno lại. Ma xui quỷ khiến làm sao tôi nhất đinh không chịu đón Bruno về nhà. Đến lúc được tin Bruno được chuyển đến một gia đình VN gốc thích Nai Đồng Quê, tôi mới tá hỏa tam tinh đi lấy về, thì đã quá muộn. Cho đến giờ này, tôi cũng không biết số phận của Bruno ra sao. Tôi ân hận và buồn lắm. Xin Bruno hãy tha thứ lòng ích kỷ của tôi. Tôi đã biết tôi tạo Nhân Nghiệp, tôi sẽ phải gánh Quả Nghiệp thôi. Đúng là duyên nợ chằng chịt từ muôn kiếp trước.

Năm 1997 là năm cô em lên đại học. Tháng 10 năm trước, cô nàng thỏ thẻ với tôi

- Mẹ ơi, nếu con được National Merit, mẹ cho con mua chó nhỏ Chihuahua ở trong nhà nhe.

Trong lòng tôi không vui, nhưng lại nghĩ cái học bổng này mỗi năm trên toàn nước Mỹ chỉ có 5 ngàn trên một triệu rưỡi học sinh trung học được thôi, dễ gì cô nàng được, thôi thì gật đầu cho con vui. Mọi chuyện cứ để tự nhiên, cái gì đến sẽ đến.

- Ok Mẹ bằng lòng.

Cô nàng vui ra mặt. Tôi chẳng biết tôi muốn gì đây, muốn con bé được học bổng hay cầu cho nó không được để khỏi đem chó về nhà"

Khoảng cuối tháng 11, cô nàng gọi vào sở làm của tôi, hớn hở báo tin

- Mẹ ơi con được National Merit rồi

Tôi chưa kịp mừng đã nghe sét đánh ngang tai

- Tối nay cả nhà đi mua chó nhe mẹ. Tụi con vừa đi mua chuồng xong. Con đã có sẵn địa chỉ chỗ bán chó rồi.

Tôi chẳng nói gì, biết nói gì đây hỡi Trời !

Chiều tối đó cả nhà tôi lội tuyết đi mua chó. Người bán chỉ còn hai con. Ba cha còn bàn tán

- Con hiền trông lù đù quá sợ chết sớm. Thôi lấy con hung hăng dữ tợn đi.

Thế là Bambi được leo lên xe về nhà tôi. Hai cô nàng đã sắp sẵn khăn bông trong chuồng, trải giấy báo ở trong phòng giặt cho cậu Bambi. Ba cha con đặt tên cho cậu là Bambi vì Bambi trông giống hệt như con nai nhỏ với bộ lông mầu nâu vàng và đôi mắt tròn thật to. Ba cha con vui lắm, còn tôi thì - Lòng tôi như lá úa trong cơn mưa chiều. Nhiều cơn gió cuốn xoay xoay trong hồn -

Trong nhà bốn người, tôi là người rời nhà sớm nhất vào buổi sáng, chiều tan sở về sớm hơn mọi người cả tiếng đồng hồ. Hai cô nàng nhờ tôi về nhà trước thả hộ Bambi ra sân sau xả xú bắp. Hai cô nàng Traning Bambi tiêu tiểu trên giấy báo cho dễ dọn dẹp. Khổ nỗi cậu ta bốn chân có đứng trên báo thật, nhưng mông lại chổng ra ngoài. Kết quả là phân nước tiểu tung toé ra ngoài, tôi lau chùi mệt nghỉ. Khi ba cha con về đến nhà thì mọi sự đã sạch sẽ tha hồ Enjoy Bambi, dạy cậu ta đủ thứ - Roll, Sit, Beg, Lie Down, Shake Hand - còn cho cậu ta ăn cơm VN với đủ mùi vị chua cay ngọt bùi. Thịt, rau, trái cây cái gì Bambi cũng xơi hết. Tôi nhắc hai cô nàng tắm cho Bambi, lần nào cũng được câu trả lời

- Bambi đâu có dơ, Mẹ ngửi xem thơm ra phết

- Tắm nhiều rụng lông làm Bambi xấu trai đi đó Mẹ.

Rốt cuộc người tắm cho cậu cũng là tôi. Cậu ta khôn lắm, biết tôi không thích cậu, cậu nịnh tôi ra mặt. Tôi kêu một tiếng, cậu vẫy đuôi chạy te đến bên tôi. Tôi bóp miệng cậu không cho cậu lè lưỡi liếm, cậu không bằng lòng nhưng không dám phản đối. Nhưng dù cậu có muốn lấy lòng tôi cách mấy mà tôi vẫn phải hầu cậu thì đến Tết Congo tôi mới ái mộ cậu được.

Có một hôm tôi mệt, nhìn đống báo tùm lum phân nước tiểu tung toé ra sàn nhà, tôi bực quá. Tôi mở cửa sau bế cậu ra, thay vì nhẹ nhàng như mọi lần thả cậu xuống, tôi vung tay ném mạnh cậu một cái. Cậu oé lên một tiếng đau thương. Tôi hết hồn, tim đập thình thịch sợ quá, tưởng cậu bị gẫy chân. Thật may cậu đứng dậy, cong đuôi chạy. Tôi mừng quá, tự trách mình, tự hứa sau này sẽ không dã man với cậu nữa.

Từ ngày đó cậu giận tôi luôn. Tôi gọi, cậu không thèm dòm tôi. Tôi làm lành sờ người cậu, cậu nhe răng gừ tôi, không cho tôi bế cậu. Thế là tôi lại có thêm việc. Trước đây mỗi khi đi đâu tôi chỉ cần bế cậu lên đưa vào phòng giặt nhốt cậu lại. Nay thì không đụng được cậu, mỗi lần rời nhà tôi phải đấu trí với cậu mới nhốt được cậu. Cậu rất khôn thấy tôi mặc quần áo đi ra ngoài là cậu chạy vào một phòng ngủ, chui xuống gầm giường trốn. Tôi đóng hết cửa các phòng, rồi lên giọng dụ khị vừa tiếng Việt vừa tiếng Anh

- Bambi ơi, Bambi à, đi chơi không "

- Ok Bambi let's go.

Vài lần đầu cậu còn mắc mưu. Sau cậu khôn ra, nhất định cố thủ trong gầm giường. Tôi phải đóng hết các cửa phòng, lấy gậy khua cậu ra, dồn cậu vào con đường duy nhất chạy thẳng vào phòng giặt.

Mỗi lần như vậy tôi phải tốn mất 10 phút, tiêu hao sức lao động. Tôi nản quá, dọ dẫm hai cô nàng

- Bambi sống được bao nhiêu năm vậy"

Hai cô nàng nhìn tôi nghi ngờ

- Sao tự dưng Mẹ lại hỏi vậy"

- Mẹ không muốn Bambi sống lâu" Mẹ muốn nó chết sớm hay sao"

Sợ hai cô nàng biết tim đen của mình tôi vội lên giọng

- Đâu có, hỏi cho biết vậy thôi. Mẹ tụi mày nhe, sao cứ nghĩ xấu về Mẹ vậy"

Tôi đi tìm tài liệu đọc mới biết giống chó Chihuahua sống từ 12 đến 16 năm. Sao mà sống dai thế, ngang 100 tuổi con người. Ngày tháng cứ trôi, tôi cứ làm bổn phận công dân với Bambi một cách miễn cưỡng.

TRẦN CẨM TÚ

Kỳ tới: Cũng Như Người Thôi

Ý kiến bạn đọc
23/05/201904:26:13
Khách
hãy yêu thương loài vật mình nuôi như con mình đi tác giả ạ ..... chúng cũng là chúng sanh như mình nhưng vì tạo nghiệp nặng cho nên mới mang lông đội sừng đễ trả nghiệp
A DI ĐÀ PHẬT
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,977,835
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.
Nhạc sĩ Cung Tiến