Hôm nay,  

"Người Đi Qua Đời Tôi" ở Ocean City

28/07/200700:00:00(Xem: 178146)

Người viết: Nguyễn Duy-An
Bài số 2053-1916-620vb7280707

Nguyễn Duy An  là người Á châu đầu tiên đảm nhiệm chức vụ Senior Vice President của National Geographic. Năm 2006, ông là tác giả được trao tặng giải Chung Kết  Viết Về Nước Mỹ. Sau đây là bài viết đặc biệt của ông dành cho ngày Lễ Cha năm nay.

Mùa hè năm nay, gia đình tôi đi "xả hơi" hai tuần tại một thành phố biển mang tên Ocean City thuộc tiểu bang Maryland. Ocean City thực ra chỉ là  một giải đất nhỏ, có thể gọi là một bán đảo rất hẹp và khá dài, chạy dọc theo bờ biển Đại Tây Dương từ tiểu bang Delaware qua Maryland tới Virginia. Tận cuối con đường của bờ biển này chính là khởi điểm của xa lộ U.S. 50, một trong những con đường huyết mạch xuyên ngang nước Mỹ, nối liền hai bờ biển Đại Tây Dương và Thái Bình Dương với chiều dài 3,073 miles từ thời thế kỷ XIX.

Từ Ocean City, xa lộ U.S. 50 đi qua Washington D.C., Cincinnati, St. Louis, Kansas City, Carson City, Lake Tahoe, Central Colorado, Sacramento và cuối cùng tới San Francisco tiểu bang California. Mặc dầu từ năm 1972, đoạn đường từ Sacramento tới San Francisco đã được thay thế bằng những "siêu xa lộ" xuyên bang, đi qua ngã Stockton và Oakland, xa lộ U.S. 50 vẫn được ghi nhận là con đường dài nhất nước Mỹ và là "The Backbone of America".

Khi nhìn thấy cột cây số "zéro" của xa lộ U.S. 50, tôi nói đùa với bà xã:

- Mai mốt về hưu rồi, hai đứa mình lái xe tà tà theo đường 50, đi xuyên qua nước Mỹ một lần cho biết!

- Cho em xin đi ông xã! Nè! Mới lái xe có 4 tiếng đồng hồ ra tới đây mà anh đã kêu "oải" rồi. Chút nữa tới nơi có lẽ vợ con phải "tẩm quất" cho anh giãn xương giãn cốt đó! Mai mốt tới khi về hưu... chắc phải có người... "cõng"!

Bà xã tôi ngọt ngào, nói không ngừng. Gớm! Lời ở đâu mà tuôn ra lắm thế!

- Anh chỉ nói... thế... thôi ấy mà!

- Một không rồi đấy bố!

Các con ngồi phía sau lao nhao góp ý, cười rũ rượi vì câu nói của mẹ chúng. Mới ra khỏi nhà có mấy tiếng đồng hồ, như lời bà xã tôi nói, quả thật gia đình tôi đã có một không khí thoải mái khác rồi. Tôi quẹo xe vào đường Coastal Highway là con lộ chính của thành phố Ocean City, dõi mắt tìm khách sạn nhưng trong lòng không khỏi tràn dâng một niềm hạnh phúc...

Một điều tôi không ngờ là cũng tại nơi này, mấy hôm sau, tôi đã gặp một phiếu phụ người Việt với những tâm sự thương đau gắn liền cuộc đời nàng với con đường U.S. 50 và thành phố biển Ocean City.

Mặc dầu đi nghỉ hè, tôi vẫn theo thói quen thức giấc thật sớm và một mình lang thang dọc bờ biển, vừa ngắm cảnh vừa hít thở không khí trong lành của buổi ban mai. Tôi dự tính dùng thời gian này để  đầu óc được thư giãn đôi chút sau một thời gian làm việc không ngừng. Ấy vậy mà nó chẳng chịu nghỉ ngơi! Đôi mắt tôi lúc nào liếc ngang liếc dọc, ngó "ông đi qua bà đi lại, để ý tới vạn vật đang sinh hoạt chung quanh... Đã ba hôm liền, sáng nào tôi cũng thấy một phụ nữ Á Châu ngồi bất động trên bệ đá gần đường U.S. 50 mắt hướng về phía mặt trời mọc với một cặp kiếng thật to mầu đen sẫm. Oái oăm hơn nữa tôi còn nghe văng vẳng tiếng Việt đâu đây! Ơ hay! Tiếng hát nho nhỏ cất ra từ cô nàng ấy! Nàng đang lẩm nhẩm bài  "Người Đi Qua Đời Tôi" của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ thơ Trần Dạ Từ:

Người đi qua đời tôi
trong những chiều đông sầu,
Mưa mù lên mấy vai,
gió mù lên mấy trời.
Người đi qua đời tôi,
hồn lưng miền rét mướt,
Vàng xưa đầy dấu chân,
đen tối vùng lãng quên.
Bàn tay mềm khói sương, tiếng hát nào hơ nóng.
Và ai qua đời tôi,
chiều âm vang ngàn sóng.
Trên lối về nghĩa trang
 ...
Nghe những lời linh hồn, nghe những lời linh hồn,

Trong mộ phần đen tối đen.

Chẳng phải đây là một tâm sự sao" Vì lần nào nàng cũng chỉ hát tới đấy rồi ngừng. Mặc dầu đôi mắt nàng bị cặp kiếng râm che khuất nên tôi không biết nàng có khóc hay không, nhưng nét mặt trông sầu thảm lắm. Ngày nào nàng cũng ngồi thẫn thờ như tượng đá, thỉnh thoảng lại hát nho nhỏ một phần của bài hát "Người Đi Qua Đời Tôi", sau đó lặng lẽ quay gót đi về phố chợ lúc gần 8 giờ sáng. Đã nhiều lần tôi muốn đến làm quen và thăm hỏi nhưng một phần sợ bị ngộ nhận, một phần tôi không muốn phá vỡ những giây phút xuất thần của nàng nên chỉ đứng quanh quẩn giám sát "Người Đi Qua Đời Tôi".

Sáng sớm ngày thứ tư, tôi dẫn theo cu Bột - cậu con út - cùng đi dạo vì nó dậy sớm và muốn ra bờ biển nhặt vỏ sò và những hòn đá đẹp mang về làm kỷ niệm. Trong lúc thằng út cứ lăng xăng chạy lên chạy xuống theo ghềnh đá gần mé nước, tôi mon men đến ngồi gần chỗ "Người Đi Qua Đời Tôi" nhưng cô nàng vẫn thờ ơ như không thấy có người đến gần. Thỉnh thoảng nàng vẫn hát nho nhỏ ... cũng một bài hát như mọi ngày.

Sau khi nhặt được một túi khá lớn vỏ sò và đá cuội, cu Bột gọi lớn:

- Bố ơi! Bố xuống giúp con với. Nặng lắm!

Tôi từ từ bước xuống mé nước và thấy cậu con ngước lên nhìn "Người Đi Qua Đời Tôi" mỉm cười gật đầu chào, rồi quay sang hỏi tôi:

- Bạn mới của bố hả" Cô ấy hát tiếng Việt hay hơn chị Lan nhà mình.

Có lẽ cô ấy nghe được câu nói của cu Bột vì chúng tôi chỉ cách nhau khoảng mươi bước. Tôi lặng lẽ lắc đầu, với tay cầm túi xách cho cậu con trai rồi từ từ quay mặt vào bờ, định liếc xem cô ấy có phản ứng gì không nhưng cô nàng đã quay gót bước về phố chợ. Cũng lúc đó, chiếc đồng hồ lớn trên ngọn hải đăng cũ gõ 8 tiếng.

Lúc hai bố con tôi về tới khách sạn, hai đứa con lớn đề nghị hôm nay đi "funfair" và "boardwalk" vì trời có vẻ âm u và thời tiết không đủ ấm để tắm biển. Trên đường qua phố, khi đi ngang một tiệm cắt tóc bà xã tôi đề nghị cu Bột theo bố vào cắt tóc trong lúc các anh chị theo mẹ đi "shopping"; vì mấy hôm trước khi đi nghỉ hè, công việc bề bộn quá tôi chưa kịp đi "húi cua".

Một cô thợ trông có vẻ quen quen, mỉm cười nửa miệng, nói tiếng Việt mời hai bố con tôi lên hai chiếc ghế còn trống... Sau khi chuẩn bị đồ nghề, cô bắt đầu cắt tóc cho cu Bột ngay. Cô ấy vừa cắt tóc vừa nói chuyện gì đó với cu Bột, có lẽ hấp dẫn lắm vì lúc nào nhìn qua tôi cũng thấy mặt mày cậu bé tươi cười hớn hở. Một cô thợ khác vừa cắt tóc vừa đề nghị tôi nên nhuộm tóc mầu "nâu đen" cho có vẻ trẻ trung vì tóc tôi đã có nhiều sợi bạc. Tôi phải lấy lý do vì da bị dị ứng nên chưa bao giờ nhuộm tóc; thêm vào đó, tôi cũng khá lớn tuổi, cứ để vậy ít năm nữa tóc bạc hết nhìn cho "đẹp lão" làm cả mấy cô thợ cùng cười vang trong tiệm. May lúc đó hai người khách ngoại quốc đã ra khỏi tiệm bằng không chắc họ khó chịu lắm vì không biết chúng tôi nói cười về chuyện gì.

Chiều tối hôm đó, khi đi bộ ngang qua cửa tiệm cắt tóc đã đóng cửa, cu Bột khoe:

- Bố ơi! Cô Hằng cắt tóc cho con là người hồi sáng ngồi hát ngoài biển đó.

Tôi chưa kịp lên tiếng, bà xã đã phỏng vấn ngay:

- Hai bố con mới quen được người đẹp trên bãi biển hả"

- Không phải ạ. Cô Hằng chỉ ngồi hát cho bố nghe lúc con nhặt vỏ sò thôi.

Cái tính nhanh nhẩu đoảng của thằng con út chỉ đưa bố vào thế kẹt. Cũng may vợ tôi là người rất hiểu biết, biết lắng nghe và không hay ghen bóng ghen gió... Tôi chậm rãi phân trần:

- Ngày nào anh cũng thấy cô ấy ngồi trên bệ đá cuối đường 50 thẫn thờ ngó ra biển rồi hát một mình chứ có quen biết gì đâu. Anh gọi là "Người Đi Qua Đời Tôi" vì ngày nào cô ấy cũng hát đi hát lại đoạn đầu của bài hát đó thôi.



- Vậy là bố thua cu Bột rồi nhé. Thằng bé đã biết tên người đẹp.
Cu Bột lại tiếp tục:

- Cô ấy bảo con giống bố, khen con nói tiếng Việt giỏi và nói con gọi là cô Hằng chứ con đâu có hỏi. Cô ấy hỏi tên bố mẹ đó. Ngày mai cô Hằng nghỉ và hẹn mình ra biển chơi. Nhà cô có bé Thiên-Trang mới 8 tuổi, nhỏ hơn con một tuổi.

- Đúng là "con nhà tông không giống lông cũng giống cánh!" Ít tuổi nữa chắc lại làm nhiều cô khóc thầm như bố mày ngày xưa thôi.

- Ơ hay! Sao mẹ lại nói xấu bố trước mặt các con thế nhỉ"

- Không đúng sao" Cái miệng của anh lúc nào cũng dẻo như kẹo kéo!

Tôi chỉ biết cười xòa bước theo vợ con về khách sạn. Tôi dự tính hôm sau sẽ gọi cả nhà dậy sớm cùng đi gặp "Người Đi Qua Đời Tôi" trên bãi biển để tránh sự hiểu lầm, nhưng không ngờ đã 7 giờ rưỡi sáng rồi mà cả nhà vẫn ngủ li bì sau một ngày lang thang ở "funfair" và "boardwalk". Tôi lại một mình ra bờ biển sau khi viết giấy để lại. Vì đã tính trước nên tôi đi vòng bờ biển mé trên phố, định tới phía sau chỗ cô ấy thường ngồi... nhưng vừa khi tới gần, cô đã lên tiếng:

- Chào anh. Hôm nay cháu Bột không ra biển với anh sao"

- Chào cô Hằng. Hôm qua gia đình chúng tôi đi "funfair" và "boardwalk" suốt ngày nên mọi người hơi mệt, giờ còn đang ngủ. Tôi đã viết giấy để lại. Lát nữa thế nào cu Bột cũng dẫn mẹ và anh chị ra đây vì nó bảo hôm nay "có hẹn với cô Hằng và bé Thiên-Trang".

- Dạ... Hôm nay là ngày "off" nên em đưa cháu và bà nội ra biển chơi. Con bé nghe em kể anh Bột thích vỏ sò nên bắt bà nội dẫn đi kiếm vỏ sò đợi anh Bột dưới kia kìa.

- Cô Hằng này!

- Dạ.

- Xin lỗi tôi hơi mạo muội, nếu không phải xin cô bỏ qua nhé! Tại sao ngày nào cô cũng ra biển hát đi hát lại "Người Đi Qua Đời Tôi" vậy" Mấy hôm rồi
tôi đặt tên cho cô là "Người Đi Qua Đời Tôi" đấy!

- Cũng chỉ thỉnh thoảng thôi anh. Số phận đời em và cháu Thiên-Trang gắn liền với bãi biển này nhưng tháng tới em sẽ dọn về Oakland với ông bà nội của cháu nên em muốn dành thêm giờ cho ba Thiên-Trang kẻo anh ấy tủi thân vì em sắp sửa bước thêm bước nữa!

Tôi chưa hiểu đầu đuôi câu chuyện ra sao nhưng vội vàng lên tiếng vì cô Hằng đã bỏ kiếng lấy "tissue" thấm nhẹ những giọt lệ đang long lanh sắp sửa trào ra từ hai khoé mắt.

- Xin lỗi! Tôi xin lỗi đã gợi lại chuyện buồn của cô.

- Không sao đâu anh ạ. Đã 9 năm rồi... Chính bà nội của Thiên-Trang cũng ép em phải quên anh ấy. Em chỉ muốn dành thời gian còn lại ở vùng biển này tưởng nhớ về kỷ niệm cho trọn tình trọn nghĩa với ba của Thiên-Trang thôi anh à. Anh ấy đã mất ở chỗ này trong tuần trăng mật của vợ chồng em... Cũng may em còn có Thiên-Trang là kết quả của 3 ngày ngắn ngủi bên nhau sau khi hai đứa nên vợ thành chồng!

Cô Hằng lại lấy "tissue" thấm nước mắt rồi nghẹn ngào:

- Cũng tại em! Đáng lẽ tụi em đi "honeymoon" ở Hawaii, nhưng vì chiều ý em, anh ấy đã đồng ý ra đây để hưởng tuần trăng mật... Có lẽ là số phận! Em đã quen anh ấy tại chỗ này và mấy năm sau cũng mất anh ấy tại chỗ này! Lúc đó gia đình ông bà nội Thiên-Trang định cư bên Oakland, nhưng anh ấy lại đi học ở John Hopkins bên Baltimore. Phần em thì mới qua Mỹ được 3 tháng, đang tạm trú tại nhà ông bác ở Delaware. Dịp lễ Lao Động (Labor Day) năm 1995, em theo theo mấy người anh chị họ ra đây chơi vì các chị tính ra đây xem xét tình hình để mở một tiệm cắt tóc tại thành phố du lịch này. Ba của Thiên-Trang là bạn học rất thân của anh họ em nên đã hẹn cùng gặp nhau đi chơi và em đã quen anh ấy ngay tại bệ đá ở góc đường 50 này. Ba năm sau hai đứa làm đám cưới rồi đưa nhau về nơi kỷ niệm này hưởng tuần trăng mật... nhưng chỉ được 3 hôm, anh ấy đã bị một con sóng ngầm cuốn ra xa, đập đầu vào đá bất tỉnh nên lúc được vớt lên thì hơi thở đã tắt! Lúc đó em chỉ muốn chết theo anh ấy vì những dằn vặt trong lòng, nhưng ông bà nội của Thiên-Trang lúc nào cũng thương em như con ruột, canh giữ em suốt ngày từ lúc rời nghĩa trang về nhà vì sợ em liều mình tự tử... Mấy tuần sau, khi biết mình đã mang nắm ruột của anh ấy, em mới gắng gượng từ từ cầu sinh và vươn lên... Em xin lỗi đã kể lăng nhăng làm mất thì giờ của anh.

- Không sao đâu cô Hằng ạ. Tôi đang đi nghỉ hè mà, không có phiền hà gì đâu. Nếu cô không ngại, xin cứ nói ra. Đó cũng là một cách để giải tỏa
những nỗi khổ trong lòng để yên tâm mà bước thêm bước nữa.

- Dạ... Em cũng không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ bước thêm bước nữa, nhưng mà ông bà nội của Thiên-Trang cứ ép em phải quen người này người kia. Ông bà bảo nào là em vẫn còn trẻ không thể  chôn vùi tuổi xuân thủ tiết, nào là bé Thiên-Trang cần một mái gia đình hạnh phúc đầy tiếng cười chứ không thể để nó cô đơn thui thủi, nào là chúng ta đang sống trong thời đại "Alien" phải cởi mở... Ông bà nói quá nên em đành gượng gạo vâng lời. Em đã gặp một người bà con bên nội thương em. Em muốn tìm hiểu và thử thách bản thân mình nên đã dọn về đây từ hơn 3 năm nay. Đây cũng là dịp cho em để tang chồng một lần nữa cho trọn vẹn... Nhưng "người ấy" vẫn kiên trì qua lại và chờ đợi nên em cũng xiêu lòng. Anh ấy đang làm việc bên Sacramento và là cháu họ của bà nội Thiên-Trang. Kỳ này bà qua chơi mấy tuần là để giúp em dứt khoát dọn về Oakland để ông bà "gả chồng" cho em một lần nữa đó anh à. Ôi! Chuyện đời ai ngờ được! Có ai ngờ rằng cha mẹ chồng lại chuẩn bị gả "con dâu" làm "cô dâu mới" nhà người ta! Mấy tuần nay ngày nào em cũng ra đây ngồi để nghĩ về kỷ niệm vì sau khi dọn về bên đó, em sẽ không còn can đảm trở lại nơi này nữa! Em cũng không hiểu tại sao mỗi lần ngồi đây nhìn ra biển, lòng em lại "làm sao ấy" và cứ nghêu ngao bài hát "Người Đi Qua Đời Tôi" nhưng cứ hát tới câu "trong mộ phần tối đen" là em nghẹn giọng vì thương nhớ ba của Thiên-Trang! Em chỉ cầu xin anh ấy đừng giận vì em sẽ bước thêm bước nữa...

- Tôi tin chắc là anh ấy sẽ vui mừng vì cô tìm được hạnh phúc mới cô Hằng ạ. Thêm vào đó, tôi cho cô biết một sự trùng hợp có thể là duyên trời định sẵn cho cô đấy.

- Điều gì cơ"

- Lúc nãy cô kể cho tôi nghe là cô và ba của Thiên-Trang đã gặp nhau và mất nhau tại chỗ này là khởi điểm của xa lộ U.S. 50, đúng không"

- Dạ.

- Người yêu mới của cô là cháu của bà nội Thiên-Trang đang làm việc ở Sacramento, đúng không"

- Dạ.

- Cô có biết là từ xưa con đường U.S. 50 bắt đầu từ chỗ này, chạy xuyên qua nước Mỹ tới bờ biển San Francisco, nhưng từ năm 1972, khi chính phủ xây xa lộ I-80, con đường U.S. 50 đã "chấm tận" ở "downtown" của thành phố Sacramento không" Hai mối tình của cô, một bắt đầu từ nơi khởi điểm của đường 50, một kết thúc ở cuối đường 50, như thế không phải duyên trời định sẵn cho cô thì còn gì nữa... Từ nay cô không cần phải ra bờ biển ngồi hát "Người Đi Qua Đời Tôi" nữa nhé.

- Sao anh biết nhiều thế"

Tôi chưa kịp trả lời đã nghe cu Bột gọi ầm ĩ:

- Bố ơi! Thiên-Trang nhặt cho con nhiều vỏ sò lắm.

Tôi quay mặt nhìn xuống mé nước: Bà xã  và các con yêu dấu của tôi đang vui vẻ trò chuyện với một bà cụ trông rất phúc hậu, tôi đoán chắc là bà nội của Thiên-Trang. Rồi mấy đứa nhỏ nắm tay nhau vừa đi vừa chạy, hò hét vang trời... Bên cạnh, lần đầu tiên tôi thấy nét mặt "Người Đi Qua Đời Tôi" thật sự rạng rỡ và trên môi cũng nở một nụ cười mím chi trông rất dễ thương.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,079,301
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.