Hôm nay,  

Rômô

06/04/200700:00:00(Xem: 151135)

Người viết: Antrinh

Bài số 1235-1846-552vb6060407

*

Tác giả là một bà mẹ, những bài đầu tiên của bà là thư viết cho từng người con.  Bài mới của bà lần này là chuyện chú chó nhỏ mang tên Rô Mô do con gái nuôi dạy.

*

Chị Tư nhìn đồng hồ. Lần này là lần thứ ba chị nhìn vào cái mặt hình chữ nhật xinh xắn với hàng số mầu đỏ chỉ giờ phút ấy. Chắc cô con gái cưng còn đang trên đường về nhà, chị không muốn cô nói chuyện phôn đang trong lúc lái xe. "Đợi thêm 15 phút nữa". Chị bụng bảo dạ rồi chú ý vào màn ảnh điện toán để đọc tiếp câu chuyện ngắn khá hấp dẫn của một tờ báo online. Nhiều người viết quá, ai cũng có thể trở thành văn sĩ hoặc không cần phải là nhà văn cũng có thể viết lách nếu không quan tâm lắm tới vấn đề phải thật hay, thật lôi cuốn người đọc.

Nhiều truyện sống thực, như không một chút hư cấu, hẳn phải là mảnh đời của chính người viết muốn trang trải lên trang giấy đã lôi cuốn chị, đọc xong truyện này chị lại click đến truyện khác. Dù vậy chị vẫn không quên được Rômô, chị gọi thầm:

- Ôi, Rômô dễ thương làm sao. Nhớ Rômô quá.

Nhớ đến ánh mắt Rômô hiền thật hiền, ngồi đó nhìn chị không chớp, chị chỉ muốn được ôm Rômô vào lòng. Những buổi sáng lành lạnh, bế Rômô thật thú vị. Hơi ấm từ người Rômô mềm mại lan truyền trên tay, lan vào khắp người. Chị Tư vuốt ve lớp lông mềm mại của Rômô không thấy chán. Thôi phải gọi để hỏi thăm Rômô mới được. Tiếng "Hi, Mom" của con gái làm chị hồ hởi:

 - Về rồi đó hả" Con ăn uống gì chưa" Rômô khỏe không"

- Dạ má con mới về. Tụi con ở ngoài sân. Rômô đang chạy vòng vòng chơi...

- Má nhớ Rômô quá. Trời ở đó có lạnh không, còn nắng không"

- Hết nắng lâu rồi, trời lạnh.

- Thế thì phải cho Rômô vào không nó bị đau đấy. Cả con nữa...

- Nó đòi ra. Nó cứ cào cửa đòi ra... Ô mà nó "đi" rồi. Con cho nó vào đây. Thôi nghe má, để con tắm rửa đánh răng cho nó xong, con sẽ gọi má sau.

Từ ngày cô con gái rước Rômô về nuôi, đời sống của cô luôn luôn tới tấp bận rộn. Sáng ra, lúc trước đã phải dậy sớm để sửa soạn đi làm bệnh viện hay tới trường thì bây giờ lại phải dậy sớm hơn nữa, ít là nửa tiếng để lo cho Rômô ăn uống và làm chuyện vệ sinh. Trước khi rời nhà cũng phải nhín vài phút dặn dò Rômô ở nhà ngoan đừng gâu gâu nhiều. Không nỡ quên ôm ôm vuốt vuốt Rômô một chút cho Rômô khỏi tủi và cho chính cô đỡ xót xa là sẽ nhốt Rômô căn nhà chó chật chội, nguyên ngày không được chạy nhông.

Buổi chiều trên đường về, thường hay bị kẹt xe. Bây giờ cô chẳng còn bình tĩnh thong thả ngồi nghe nhạc, từ từ ung dung theo giòng giao thông trôi chầm chậm mà sốt ruột bấn cả lên. Lẩm bẩm buông những tiếng than phiền không kìm hãm nổi vì lo Rômô ở nhà một mình đang mong được phóng ra ngoài sân vui chơi hóng gió và tiêu tiểu kẻo cu cậu làm bậy ra chuồng.

Gần 5 tháng, có Rômô cô vất vả như nguời nuôi con mọn. Hồi đầu chưa thấy Rômô, chị Tư chỉ biết con gái mình dám mua một con chó tới gần ngàn bạc và săn sóc nó còn kỹ hơn cả ngày xưa chị săn sóc cô nữa. Với thời khoá biểu của một sinh viên trường thuốc năm cuối đã rất bận rộn, lại phải nuôi... đứa con thơ, chị muốn cản khi được cô hỏi ý kiến nhưng rồi sẵn tính chiều con, chị thôi. Tuổi trẻ ngày nay càng bị cấm cách ngăn trở lại càng ước ao ham muốn. Đành cứ để cho cô có kinh nghiệm bản thân, nếu cô gồng được thì tốt, còn không thì đó là một bài học. Cô nuôi không nổi, chị sẽ lãnh nuôi hộ. Chị chỉ sợ lỡ cậu chó nhỏ này có mệnh hệ gì thì đúng là làm vỡ trái tim cô con gái yêu của chị ra mất vì chị biết cô rất đa sầu đa cảm, hay buồn rầu và dễ bị đau, dễ bị tổn thương. Thêm vào đó, giá đem món tiền chi phí vào chó ấy gửi về quê nhà, giúp được tới mấy em bé mồ côi ăn học cả năm trời. Và còn những tốn kém sẽ phải bỏ ra sau này vì nuôi một con chó ở cái xứ văn minh không khác gì nuôi một con người.

Hôm đến thăm con gái và Rômô, chị Tư đã hồi hộp từ nhà. Chả hiểu rồi đây đi thăm cháu ngoại lần đầu tiên, chị có hồi hộp như thế không" Nói cho đúng thì với giọng tràn đầy yêu thương khi cô con gái kể về Rômô, chị đã hứng khởi muốn thăm cô ngay để xem chú chó ra sao rồi, dù cô gửi cả mấy chục tấm hình qua email nhưng chị không thể tưởng tượng được cái dễ thương của Rômô như cô diễn tả.

Mặt mũi hình dáng một con chó kiểng trong hình thì con nào giống đó chẳng vậy. Rômô, 6 tháng - 8 lbs. Tính ra bằng đứa trẻ khoảng 3 tuổi rưỡi, cái tuổi dễ yêu nhất của một cậu bé sắp sửa được mẹ dẫn đến Nhà Trẻ. Năm ngón tay non nớt cầm bút ngượng nghịu quệt vẽ trên trang giấy tô mầu cùng bập bẹ gọi tên những mẫu tự, những con số và hỏi những câu ngây ngô làm các bà mẹ sung sướng bật cười hay nghĩ rằng con mình nữa lớn chắc phải thông minh ghê lắm.

Vừa mở cửa, Rômô chạy lại nhẩy lên mừng rỡ, dơ tay dơ chân múa máy loạn xạ, cái đuôi lông dài ve vẩy rối rít. Rõ ràng Rômô không sủa mà Rômô reo, Rômô chào, Rômô đòi bế. Chị Tư vội vàng ôm Rômô, vuốt Rômô những sợi tóc mềm như tơ trắng muốt. Rômô nằm im trong vòng tay chị mắt lim dim, đầu ghệ sát ngực chị an bình ngoan ngoãn. Chị cảm thấy ấm cả người và yêu Rômô ngay từ giây phút đầu tiên.

- Thôi Rômô ơi, "Bà" phải đi soạn đồ ăn. Đem nhiều món ngon cho "Mami" Rômô lắm đây nè.

Chị nói với Rômô và nhìn cô con gái tủm tỉm cười vì coi như cô là mẹ con chó. Cô âu yếm đón lấy Rômô, thản nhiên không cho đó là một điều kỳ cục hay nghĩ là mẹ trêu mình. Thì ra cô đã nghiễm nhiên đóng vai trò làm mẹ chú chó này rồi. Chả hiểu tâm lý những bạn trẻ bây giờ ra sao"! Chi Tư lắc đầu và thấy con mình có nhiều điểm chẳng giống mình tí nào.

Mami Rômô thả nhẹ cậu xuống sau vài cái vuốt ve vỗ về "Good boy, Good boy...". Cậu quấn lấy chân... mẹ nhưng thấy bị gạt ra đành phải chạy lại kéo ống quần... bà. Có lúc hai chân trước của cậu quặp lấy chân bà thật dễ thương. Chị Tư không thể không cúi xuống nhìn ánh mắt Rômô đang ngước lên như muốn nói muốn đòi gì đó, mắng yêu:

- Cu cậu này được bế quen rồi. Chút nữa đi con, để sắp xếp xong bà bế Rômô hết ngày luôn. Hay Rômô đói... Cho Rômô ăn nhé" Kìa cái mặt trông tội nghiệp chưa kìa.

Tiếng cô con gái vọng xuống từ trên lầu:

- Má đừng cho Rômô ăn gì nha. Đừng làm rơi đồ ăn của mình xuống sàn. Nó ăn được là bị bệnh đó. Nó có đồ ăn riêng, con mua đồ Organic cho nó, đồ Diet cho nó.

Chị Tư nghĩ bụng, sao khó quá, cẩn thận quá. Chị thấy thương cho chú chó chưa già đã phải ăn kiêng. Được săn sóc kỹ với những thức ăn bổ dưỡng và chọn lọc nhưng mùi vị chắc chắn kém phần hấp dẫn. Nên khi con gái đứng bên cạnh phụ một tay dọn cơm, chị rù rì nói ra ý kiến của mình:

- Má thấy tội cho Rômô, mấy loại đồ ăn khô khan đó sợ chẳng ngon lành gì... Cho nó ăn đồ ăn của mình đây nè, có phải ngon hơn không"

- Con toàn mua mấy thứ tốt mắc tiền cho nó không đó má à. Còn như má muốn nó ăn ngon nữa thì có cái hộp con để chỗ kia nhưng chỉ cho nó ăn khi dạy nó học thôi.

- Ồ... dạy nó học nữa ư"

- Vâng, trưa mai Rômô có lớp học, hai mẹ con mình sẽ đưa Rômô đi.

Vừa trả lời, cô con gái vừa đưa tay với lấy hộp đồ ăn ngon. Rômô tinh thật, tự dưới chân chị lập tức chạy ngoắt qua nhẩy nhót bên cạnh cô con gái, kêu lên những tiếng như reo vui, dán mắt vào hộp đồ ăn, đuôi vẫy tưng bừng. Rồi khi gặp ánh mắt ra chiều nghiêm nghị của cô, cu cậu cuống quít le lưỡi ngồi chổm hổm, ngồi một chút lại cuống quít nằm vật ra. Chị Tư cười như nắc nẻ:

- Trời ơi, nó khôn vậy đó hả, biểu diễn như một cái máy.

Cô con gái cũng phì cười. Rômô nằm bơi ngửa lên trời, chân tay chới với, cái miệng hả hả như dục giã "Làm ơn mau mau thả những miếng thực phẩm ngon lành đó vào đây". Cô con gái vừa trút ra vài mẩu đồ ăn vào tay chị Tư, chị chưa kịp gì, Rômô đã lật người nhảy lên cạp hết, nhai rồn rột. Đúng là đứa háu ăn, nhưng chỉ háu thức ăn ngon thôi vì nhai xong anh chàng chạy ngay tới đĩa nước uống kêu sùm sụp trong khi đĩa đồ ăn thường đặt sẵn bên cạnh, cu cậu coi như không có, chẳng thèm nhìn đến.

- Má xem con dạy nó nè. Ngày nào cũng phải thực tập thì Rômô làm giỏi lắm, bỏ không làm vài ngày là Rômô quên ngay, dạy lại rất khó.

Tay cầm hộp đồ ăn ngon, cô đi ra phía bàn điểm tâm gần đó, Rômô tức thì phóng theo.

- Hey - Từ từ good boy. No no - từ từ đừng vội. OK... OK, sit down Rômô!

Rômô vẫn ánh mắt hau háu nhưng không quẫy đuôi lộn xộn nữa, ngó chị Tư một cái rồi ngồi xuống tuy nhấp nhổm không yên. Cu cậu đang định đứng lên thì bị Mami gắt mắng:

- Stay still... Rômô!

Tội thay chú chó, tiu ngỉu ngồi lại, mắt hướng về phía chị Tư như muốn phàn nàn "Cái mẹ này rắc rối quá, cứ để cho người ta phải thèm thuồng lâu lắt". Trong khi Mami hất hàm ra lệnh:

- Shake hand... Rômô! Hey, Rômô... Shake hand!

Rômô ngần ngừ như cố nhớ phải làm gì, xong dơ cả hai chân lên chờn vờn. Nhưng:

- No, don't do that.

Rômô chợt hiểu ra, bỏ vội một chân xuống rồi một chân để lên tay Mami đang giơ ra, bắt lấy bắt để trong tiếng cười vang của chị Tư. Cô xoa đầu Rômô tán thưởng trước khi qua mục kế tiếp:

- Hi Five, Rômô.

Rômô dơ chân phải rồi lưỡng lự hạ xuống dơ chân trái, mami đập vào chân trái cậu một cái, tấm tắc khen:

- Good boy, Good boy...!

Bây giờ thì Rômô mới được ăn nhưng cũng chỉ có giới hạn vì Mami nói với... Bà:

- Con không dám cho nó ăn nhiều. Ăn nhiều ị nhiều. Với lại đồ ăn này chỉ ngon chứ không tốt. Tuần sau con đưa Rômô đi nhà thương cho bác sĩ surgery.

- Chi vậy"

- Để lấy cục đó ra.

- Ồ... thiến ấy hả" Sao tội nó thế. Đau chết. Kệ nó chứ. Cái đó mà lấy của nó đi như vậy, nó oán đấy. Nó còn bé quá đã biết gì đâu!

Chị Tư thành khẩn nói thêm:

- Cái đó là happiness của đời nó mà. Con cũng biết vậy phải không"

Giọng cô gái buồn buồn:

- Nhưng con không thể làm khác được, nuôi chó là phải thế. Nếu không mai mốt nó đòi đi tầm bậy...!

Dù con gái chị Tư mùa hè này là ra trường y khoa, sau 3 năm nội trú sẽ thành bác sĩ nhưng đối với chị, cô vẫn bé bỏng ngây thơ như thuở nào, chị cảm thấy không tự nhiên đào sâu vấn đề "trai gái" với cô. Chị chợt nghĩ tới những ông hoạn quan ngày xưa, phải hy sinh, phải bị đau đớn cắt bỏ để được làm việc trong cung cấm. Chó nó có muốn danh vọng hay ý đồ gì đâu mà chỉ vì để con người muốn khỏi bị phiền phức khi nuôi nấng nó. Đúng là con gái chị chẳng thương Rômô chút nào, chẳng qua bỏ tiền ra mua Rômô về, bỏ công bỏ của ra chăm nom săn sóc Rômô là vì cô thương chính bản thân cô, cô chiều theo ý thích của cô. Chị Tư thở dài. Con gái chị đã lớn, chị không thể dạy bảo như hồi xưa cô còn bé. Lý luận... tổng hợp phân tích thì thế nào chị cũng phải thua. Chị chỉ thầm cầu xin con gái chị biết sống xứng đáng với những ẩn sủng Thượng Đế đã ban cho, đừng làm thiệt hại tổn thương bất cứ ai, bất cứ sự gì cho dầu là súc vật hay cây cỏ.

Những lúc Mami đọc sách, học bài hay coi TV thì Rômô quanh quẩn dưới chân, loay hoay nghịch ngợm với đống đố chơi. Bao nhiêu là thứ, từ những con chim, con gà, con cá... - cả con người nữa mới kỳ chứ - cùng những trái banh đủ cỡ lớn nhỏ - làm bằng một loại vật liệu mềm mại có thể giặt dũ sạch sẽ để Rômô cắn không bị gẫy răng - đến những cục xương giả được ướp với nhiều mùi vị khác nhau để Rômô tiêu khiển cho đỡ buồn mà vẫn được ngon miệng.

Lâu lâu, mami lại quay qua âu yếm gọi:

- Rômô, come here!

Rômô lập tức đứng sát bên cạnh, ngẩng mặt lên chờ đợi. Mami cầm khúc xương ném ra xa:

- Catch it!

Rômô hớn hở chạy tới cắn lấy đem lại nhả ngay dưới chân Mami, xum xoe đợi mami vo đầu khen ngợi:

- Good boy... Good boy... You're such a good boy, Rômô!!!

Có khi Mami cho Rômô nằm ngả lưng lên chân cô, mắt lim dim thả hồn vào cõi hư không ảo mộng.

Rômô có một phòng riêng - kể vậy thôi chứ thật ra nhà có dư phòng không ai ở - Cái chuồng lót mấy lớp khăn lông được đặt ngay chính giữa. Đúng giờ Rômô phải chui vào đó ngủ, cho có thói quen nền nếp hẳn hoi, mới đầu nghe tiếng Rômô ứ ứ than vãn rằng còn muốn lẩn thẩn chơi bên ngoài nhưng sau chừng biết thân biết phận, đành nằm lặng lẽ cho tới khi đôi mắt nhíp lại mới chịu chìm vào giấc mộng điệp. Nhưng không được sâu cho lắm vì Rômô rất dễ tỉnh thức, đêm hôm hơi có tiếng động là Rômô bừng ngay dậy gâu gâu hỏi:

 - Chuyện gì thế" Chuyện gì thế"

Mỗi trưa Chúa Nhật, Rômô được mặc cho chiếc áo mầu xanh lam quấn quanh thân mình, trông rất bảnh trai kiểu công tử con nhà giầu. Bốn chân xỏ giầy đồng bộ cùng mầu. Có lẽ vì gốc gác nhà quê quen đi chân đất, nên Rômô bị vướng víu, cứ gặm hoài cái chân mình như muốn tháo ra cho thoải mái. Mami cho Rômô lên xe chở đi học, trường Rômô ở trong cái chợ tên "Pet Mart".

Dĩ nhiên văn phòng nhà trường rất đẹp đẽ lịch sự, cô thư ký người Mỹ, da trắng tóc vàng đứng tiếp khách hết sức nhã nhặn, luôn luôn nở nụ cười với người bảo hộ (tạm cho là như thế) và cả với những cô cậu chó xin ghi danh nhập học. Hình như có nhiều lớp giờ giấc khác nhau mỗi ngày. Mỗi lớp có tới hai cô giáo, một chính thức và một phụ tá, còn ngon lành chu đáo hơn là lớp học dạy người.

Chương trình học gồm 8 tuần, mỗi tuần chỉ một tiếng đồng hồ, tuần này đã là tuần thứ tám của Rômô. Ai nấy đến thật đúng giờ vì khi Rômô được Mami dẫn vừa tới cửa lớp thì các bạn đồng môn của Rômô cũng xuất hiện liền sau lưng. Có bốn học trò chó, trai gái thế nào thì chị Tư không rõ, chỉ biết các cô cậu học sinh thấy nhau là gầm gừ - hay đó là cách chúng chào mừng hỏi thăm nhau" Một cậu to xác nhất gâu gâu ỏm tỏi, nguời bảo hộ phải bảo nhỏ (chó cũng thích những lời lẽ nhẹ nhàng mà):

- No, no... Sit down, Tony!

Từ từ trật tự được vãn hồi, bốn khuyển sinh ngồi chổm hổm nhìn nhau trong khi cô giáo, mặc đồng phục đàng hoàng, thao thao chỉ dẫn về cách thức săn sóc cũng như nuôi dạy và chọn thức ăn nào tốt nhất để chó được khỏe mạnh sạch sẽ thơm tho. Cô nói không nên để chó nhẩy lên tay, lên người bất cứ ai khi họ tỏ ý thân thiện quí mến nó. Chuyện này chắc rất khó cho Rômô, vì Rômô đúng là đứa trẻ hiếu động, được ai nhìn đến là Rômô chồm tới ngay, hớn hở mừng rỡ như bà con thân thiết lâu ngày may mắn được gặp lại. Mới vừa nãy, từ cửa chợ dẫn vào trường học, có cô bé chừng 8, 9 tuổi thấy Rômô thích quá, chạy lại gần. Rômô cuống quít vẫy đuôi, tay chân dơ ra đón chào vồn vã kiểu muốn đeo cứng lấy cô ta, may mà cô bé không sợ, cứ để Rômô muốn vờn vẽ thế nào cũng được. Chị Tư tưởng vậy là con chó thích xã giao, vui vẻ... Phải khuyến khích, duy trì, phát triển cái tính tháo vát bặt thiệp đó chứ.

Qua phần lý thuyết đến phần thực hành, cô giáo phụ không được đứng khơi khơi cười mỉm nữa mà phải gọi từng học sinh chó duyệt lại những động tác đi đứng nằm ngồi sao cho chững chạc, biết làm đúng theo lời người nuôi nấng sai khiến bảo ban.

Rômô nhỏ nhắn nhất và có lẽ cũng non ngày ít tháng nhất, đầu óc còn con nít con nôi, nên hãy còn láu ta láu táu. Cô giáo gọi là chạy ào tới nhưng cô giáo bảo gì cu cậu chẳng chịu nghe cho ra cứ làm bừa, trật đường rầy hết, cô giáo phải nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Mấy đồng môn của cậu điềm tĩnh hơn hoặc người bảo hộ ở nhà có lẽ kỹ càng nghiêm khắc hơn chăng nên bảo tới đâu làm y chang tới đó. Chị Tư thấy mà ngạc nhiên luôn, giống vật đưọc giáo dục dạy dỗ cũng đâu đó quá chừng.

Ở nơi đất nước giầu có này, đồng tiền đem lại nhiều điều hay ho thú vị. Học hành tập tành trong phòng khoảng 15 phút, 4 cô cậu chó lại được đưa ra ngoài thư dãn (cho đầu óc đỡ bị căng thẳng chăng"). Nguyên chuyện đưa ra đưa vào cũng đủ hết giờ. Chả biết tiền học phí bao nhiêu, chị Tư không muốn hỏi con, sợ cô cho rằng chị tiếc của. Xem ra làm cô giáo chó hay mở trường dạy chó quả là nhàn nhã, ngồi mát ăn bát vàng.

Để đền bù Rômô phải ở trong lớp học tù túng, đau đầu mệt trí. Vừa tan, Mami liền chở cậu ra công viên chạy chơi hít thở không khí trong lành cho thoải mái.

Một khoảng đất rộng lớn với thảm cỏ cắt xén đều đặn và nhiều bóng cây xanh tươi mát mẻ được chia ra từng khu vực có hàng dậu sắt cùng cửa ngõ bao quanh. Tùy theo trọng lượng cơ thể, Rômô được dẫn vào sân chơi của đám chó nhỏ, nhẹ cân. Nhìn vẻ hớn hở sung sướng của Rômô mà cảm động, thế này thì tuần nào không dẫn Rômô ra đây cũng áy náy lắm.

Rômô chạy nhanh như sóc, đuổi theo hết bạn này tới bạn khác không kỳ thị giòng giống chủng tộc khác biệt, rối ra rối rít, hôn hít nhau, quấn quít nhau, vật lộn vui đùa hỉ hả. Lúc chạy theo bạn, lúc chạy cho bạn đuổi theo, không ngơi tay ngơi chân. Những cô cậu bé -thật chứ không phải chó- hay cả người lớn - bảo hộ của chó đứng ngồi rải rác, trìu mến dõi nhìn con vật thân yêu của mình trong dáng vẻ cũng rất ư là hạnh phúc hân hoan. Chó tung tăng chạy nhẩy giỡn đùa. Người hứng nắng gió thiên nhiên nói cười thảnh thơi vui vẻ.

Thỉnh thoảng, chó lại xà đến bên người để người ôm vào lòng thương mến không nề hà chó của mình hay của ai.

Rômô tính tình hồn nhiên, hết phá phách với chúng bạn lại rúc vào tay người nũng nịu nằm im. Không đầy một phút cậu lại hăm hở nhào ra phá tiếp. Ai cậu cũng coi như người nhà, kều quài liếm tay liếm chân người ta. Mami cứ phải nhắc chừng bài vở cậu học ở trường hoài thôi. Cậu y hệt đứa con cưng được tận hưởng hạnh phúc giữa những ánh mắt thương yêu chiều chuộng của ông bà cha mẹ chú bác anh em họ hàng. Mami của Rômô xem ra cũng hãnh diện lắm vì nhiều người tới bên cô ngỏ lời khen ngợi:

- He 's so cute!

- He 's gorgeous!

Hay hỏi thăm:

- How old is he"

Ngồi thong dong ngắm bầy chó, nhiều mầu, nhiều loại... hồn nhiên vui chơi đuổi nhau chạy vòng vòng dưới bầu trời trong xanh quang đãng của một ngày đẹp nắng, chị Tư công nhận cuộc đời quả thật có lắm thứ đáng yêu. Dầu vậy chị không khỏi ngậm ngùi tư lự:

- Chó nơi xứ người ta còn được vậy. Ôi... Con người xứ mình...!

Chị mong cô con gái, học ra trường có công ăn việc làm, biết gửi tiền về giúp đỡ những đồng bào nghèo khổ thiếu thốn nơi quê nhà.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,077,887
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.