Tác giả Chân Dung họ Đỗ, 28 tuổi, cư trú tại Houston, Texas; hiện là nhân viên văn phòng Human Resources. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của cô là phiếm luận “Mỹ Quốc và ba chữ T” đã phổ biến từ năm trước. Lần này, kèm hai bài viết mới, tác giả cho biết “Viết lách là điều tôi rất rất yêu thích, nhưng cũng rất khó khăn vì ngoài việc làm full-time, còn phải lo cho gia đình và một bé gái đầu lòng được 5 tháng tuổi. Tôi hy vọng sau khi về hưu, tôi có thể viết rất nhiều và được, dù chỉ 1 lần, xuất bản một tập truyện.” Sau đây là bài viết thứ hai của bà.
*
Có lẽ tựa đề ‘‘Chuyện ‘Xạo’’’ sẽ làm người đọc tò mò và chú ý hơn. Xin thưa với quý vị rằng đó không phải là mục đích của người viết. Tôi có thể dùng những từ ngữ bớt đường đột hơn như ‘‘Chuyện Không Thật’’, ‘‘Chuyện Không Có’’, nhưng ‘‘xạo’’ là một từ ngữ vừa chính xác vừa diễn tả được cái nhìn của tôi về con người và đời sống thời nay. Trong bài viết này, người viết xin được đề cập đến một số vấn đề chung quanh cả hai ‘‘xạo’’ và ‘‘dối’’.
Ai trong chúng ta cũng ít nhất một lần trong đời nói xạo hoặc nói dối. Nhìn tổng quát thì ‘‘xạo’’ và ‘‘dối’’ giống nhau ở điểm là cả hai đều không diễn tả đúng sự thật. Cách nhìn của tôi về ‘‘xạo’’ là một người nói xạo thường chỉ vì vui miệng, vì muốn làm vui lòng người khác, hay chỉ vì muốn ‘‘nói cho qua’’, trong khi người nói dối phải thật sự nghĩ tới chuyện họ muốn nói dối và tìm lời sao cho ‘‘lọt lỗ tai’’. Người nói dối thường là vì họ muốn bào chữa cho việc làm (sai trái) của mình. Mục đích của người nói dối là làm sao thuyết phục được người nghe tin lời họ, trong khi người nói xạo không nhất thiết có nhu cầu này.
Ở Việt Nam, bố mẹ tôi luôn dạy con cái không bao giờ được nói dối. (Qua Mỹ, tôi học thêm được một điều là ‘‘Không bao giờ nên dùng chữ không bao giờ!’’, hay ‘‘Never say Never!’’) Bố tôi năm nay đã ngoài 60, và tôi không nhớ được một lần nào ông nói dối. Ông thường hay cau mày khi con cái hay dâu rể có ý định nói dối một điều gì đó, dù là việc nhỏ đến đâu. Việc càng lớn thì ông càng ghét nói dối. Mấy lần ông lái xe ngoài đường bị người ta ‘‘ủi’’ từ đằng sau, ông bị đau lưng và cổ tay nhưng nhất quyết không khai bệnh nặng thêm để được bồi thường tiền sức khỏe như nhiều người thường làm. Bao nhiêu người dụ gắn satellite lậu để khỏi phải trả tiền cable hàng tháng, ông lắc đầu nguầy nguậy. Chính tôi cũng không thích nói dối nên thường hay bị chồng tôi và bạn bè cho rằng quá thật thà (khờ khạo), ngay cả trong những trường hợp không nên thật thà. Tôi thích được sống thật thà với người khác và đòi hỏi người khác thật thà với tôi. Nhưng như chồng tôi thường nói, ‘‘không phải ai cũng như em’’. Sự thật thà của tôi đã rất nhiều lần được đền trả bằng sự thất vọng và chán chường người khác đem lại cho tôi, vì trên đời này chẳng còn nhiều những người thật thà.
Con nít đứa nào cũng tưởng rằng nếu người lớn đã dạy chúng không nói dối thì họ cũng chẳng nói dối. Và như tôi, chúng cũng tưởng rằng neu đã không được phép nói dối thì trong bất cứ trường hợp nào cũng phải nói thật. Đến khi trưởng thành thì chúng mới hiểu rằng người lớn cũng nói dối và nói dối là ‘‘a way of life’’. Lấy thí dụ những người đi tìm việc làm. Với tình hình kinh tế khó khăn trong hai, ba năm qua, những người này nhiều lúc phải ‘‘thay đổi’’ sự thật với hy vọng các công ty sẽ nhìn họ một cách đặc biệt hơn hàng tá người tìm việc làm khác. Chẳng hạn họ chỉ có 3 năm kinh nghiệm nhưng đành phải nâng lên 4 hoặc 5 (bằng cách dùng tên những công ty đã đóng cửa). Hay trong lúc phỏng vấn, họ phải ‘‘sell’’ (‘‘bán’’) khả năng của họ cao hơn sự thật nếu không muốn ông chủ coi họ chỉ là một người bình thường. Con người nói dối để mong được lợi lộc, thăng tiến. Có một số nhà hàng Việt Nam hay bán thức ăn đã để cả tuần, nhưng cứ khăng khăng là ‘‘mới nấu sáng nay’’, hay ‘‘ngày nào nấu đồ ngày đó’’. Hay nhiều khi người ta nói dối để chạy tội, để khỏi bị trừng phạt, như vụ ông O.J. Simpson giết vợ và người tình của vợ nhưng lại được thoát tội vì luật sư của ông nói dối quá hay. Và nhiều khi người ta nói dối vì sợ người đối diện không thích nghe sự thật.
Trong thời gian sinh sống ở Mỹ, tôi học được cái gọi là ‘‘sự nói dối trắng’’ (không phải trắng trợn!), hay ‘‘white lie’’. Theo người Mỹ, ‘‘white lie’’ là một sự nói dối không có tính cách muốn hại ai. Tôi gọi ‘‘white lie’’ là nói ‘‘xạo’’. (Tôi thường thắc mắc là nếu có sự nói dối màu trắng thì có sự nói dối màu gì khác hay không" ‘‘Black lie’’ " Hay ‘‘yellow lie’’ ") Một ví dụ dễ thấy nhất của ‘‘white lie’’ mà đa số chúng ta ai cũng đã ít nhất một lần dùng là viện cớ mình bận việc gì đó. ‘‘Tôi không đến nhà anh được vì phải bay qua Dallas chiều nay’’, trong khi sự thật là ‘‘Tôi chẳng có hứng thú gì đến nhà anh vì tôi và anh chẳng có chuyện gì để nói’’.
Chân Dung