Tác giả Hạo Nhiên tên thật Nguyễn Tấn Ích, 61 tuổi, hiện cư trú tại San Jose. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông viết về người chị ruột du lịch Hoa Kỳ, cho thấy lối kể chuyện duyên dáng mà chừng mực đáng quí. Với lòng yêu thương dành cho người chị được mô tả như người me, tác giả đã kể lại một chuyện tình sâu sắc, xúc động. Mong tác giả sẽ còn tiếp tục viết.
*
Gia đình tôi đến phi trường San Francisco đón bà chị ruột từ Việt Nam sang du lịch Hoa Kỳ. Cháu Út đã chuẩn bị banner dán đầy đủ họ tên của chị, vừa chào mừng vừa là dấu hiệu cho chị tôi nhận biết có người nhà đang đón, đỡ phần bối rối.
Khu chờ đợi đã chật ních người. Các phi công và tiếp viên chuyến bay 124 của hãng hàng không Eva đã lần lượt đi ra. Dăm ba tấm bảng chào đón người từ bên kia đại dương sang bắt đầu trưng lên, đám con tôi cũng vội vàng làm theo. Tôi đã dặn dò cặn kẽ tấm bảng viết bằng tiếng Việt: Chào Mừng bà Nguyễn Thị Lưu Luyến, nhưng vì hiệu Office Depots chỉ có bán mẫu tự không dấu lại quen cách viết ở Mỹ, con tôi đã dán dòng chữ hoàn toàn khác với ý tôi, do vậy, khi giương bảng lên tôi thật sự ngỡ ngàng. Mọi việc đã lỡ, đành chịu vậy.
Chúng tôi đứng cách cửa quá xa nên lúc chị đi ra không ai nhìn thấy.
Giữa lượng sóng người, một bà Việt Nam vóc người đầy đặn, mặc áo dài xanh đậm, vai choàng chiếc khăn voan, đầu tóc búi cao đi tới đi lui lức láo trong đám đông đang chen chúc. Chợt tôi nhận ra chị tôi thì nước mắt lo âu của chị đã lưng tròng. Cả nhà ùa tới vây quanh mừng rỡ. Câu đầu tiên của chị là trách chúng tôi không có tấm bảng đề tên chị như đã thông báo qua điên thọai. Để chứng minh là chúng tôi đã lo đầy đủ, cháu Út vội vàng căng tấm vải nhựa ra trước mặt chị. Nhìn dòng chữ "Welcome MRS. LUYEN THI LUU NGUYEN" chị nói:
- Cô đã nhìn thấy tấm bảng nầy rồi, nhưng đâu phải tên cô. Bộ tụi bay đổi tên cô thành tên Mỹ rồi sao "
- Thưa cô, vẫn là tên Nguyễn thị Lưu Luyến nhưng ở Mỹ viết không bỏ dấu lại đảo ngược tên họ thế đấy, con tôi giải thích.
-Bà Cố Tổ tao có sống dậy cũng không nhận ra, ở Mỹ cái gì cũng ngược đời.
Nói xong chị cười để lộ đôi hàm răng đen rức rức như hạt huyền. Nụ cười của chị thật hồn nhiên, cởi mở. Nhìn thấy hàm răng đen, đứa cháu ngoại tôi sợ hãi giấu mặt vào lòng mẹ.
Vào mùa Halloween, trẻ con ở Mỹ thường xem phim ma, phim quỷ hút máu Vampire, Dracula hoặc đi coi nhà ma có cả đầu lâu nhe răng trắng nhởn. Hôm nay, trước mặt nó là người phàm mắt thịt lại mang hàm răng đen, hỏi làm sao không sợ ! Chị tôi không biết cái sợ đích thực của thằng nhóc mà ngỡ rằng bà cô còn xa lạ.
Trong lúc ngồi đợi các con tôi đi lấy xe ngoài parking lot, chị moi trong bọc plastic lấy ra một miếng trầu tươi đã têm sẵn cùng miếng cau bỏ vào miệng nhai rào rạo. Đứa cháu ngọai dù sợ nhưng lúc nào cũng hé mắt nhìn bà cô lạ lùng. Nó hỏi:
- Mommy, what's she eating"
Mẹ nó lúng túng chẳng biết tiếng Anh gọi trầu là gì, đành trả lời:
- Bà ăn kẹo gum Việt Nam !
Lát sau, chị tôi thò tay vào túi xách lấy ra một cái chai trống không có nắp vặn hẳn hoi. Chị mở nắp nhổ vào đó phần nước trầu dư. Thằng nhóc con hoảng hốt ôm chặt cổ mẹ. Con gái tôi vội hỏi:
- Chuyện gì thế con "
Bé hớt hãi:
- Blood, blood !
Mọi người cười ồ. Chị tôi ngạc nhiên nhìn từ người nầy, qua người khác. Vợ tôi giải thích:
- Chị nhổ nước trầu mà cháu nhỏ tưởng chị ói ra máu.
Chị đưa tay vò đầu thằng bé rồi dùng khăn tay lau hai khoé miệng dính nước trầu đỏ tươi, chị phân trần:
- Cả ngày trên máy bay nhịn trầu, thèm không chịu nổi. Tao có thể nhịn cơm vài ngày nhưng mà nhịn trầu một ngày là đủ thấy khùng rồi. Đã vậy còn ngồi cùng ghế với con mẹ mũi lõ tóc vàng, cái mông to như chiếc thúng chai của mấy người làm biển. Cứ cách vài giờ là mụ ì ạch đi nhà xí. Mình có ngồi yên được đâu, vừa chợp mắt là mụ vỗ vỗ, mình phải đứng dậy. Tao đâu dám ngồi lì, không khéo cái mông dềnh dàng đó nó để cả vào mặt mình là nghẹt thở. Ăn cái ngữ gì mà to đến thế! Cũng may là mình không cùng tiếng nói với mụ, khỏi sinh cãi vã.
Cả nhà cười rộ trứơc lối kể chuyện mộc mạc, chân chất của dân miền quê .
*
Dù là vai chị nhưng tôi thương yêu và quý trọng chị như Mẹ. Tôi có hai người chị lớn đã có gia đình riêng . Chị là con gái thứ tư và tôi là trai út sinh sau đẻ muộn.
Thuở ấy, gia đình tôi có chiếc thuyền buôn. Cha tôi cùng một số trai bạn thường xuyên xuôi Nam chở theo các loại đường mía. Lược về chở vải vóc hoặc đồ gốm. Mẹ tôi suốt ngày lo việc buôn bán, tiếp bạn hàng và điều khiển người làm tại các vựa các chành.
Chị hơn tôi tới mười lăm tuổi lo quán xuyến công việc nhà. Dù có người giúp việc, song chị muốn tận tay chăm sóc tôi từ việc nhỏ đến việc lớn. Lên năm, sáu tuổi rồi mà tôi vẫn luôn làm nũng với chị. Tôi thích ngủ võng và thường bắt chị đưa hát ru trong những đêm hè. Chị nuôi dưỡng tâm hồn tôi lớn lên theo lời ru ngọt ngào của ca dao, truyện Kiều, Lục Vân Tiên đầy tình tự dân tộc. Mẹ là tiếng gọi đầu đời của tuổi thơ. Riêng tôi, chị là tiếng bập bẹ đầu tiên khi tôi chập chững bước đi.
Khi tôi vừa lên tám, Mẹ lâm trọng binh qua đời. Thế là chị đóng vai người mẹ chăm sóc và nuôi nấng tôi suốt thời thơ ấu.
Năm hai mươi ba tuổi chị tôi yêu anh Vương Văn Đỉnh, dáng người cao ráo có mái tóc bồng gợn sóng rất nghệ sĩ. Anh nói giỏi tiếng Pháp, xử dụng điêu luyện các loại đàn, sáo và cả harmonica. Ngày anh Đỉnh cho người mai mối đến dạm hỏi thì cha tôi đã hứa gã chị cho con trai ông Tú Bang, bạn học của cha từ thời niên thiếu. Người chồng tương lai của chị là một thầy giáo.
Trước ngày chị tôi lên xe hoa, anh Đỉnh đến nhà từ biệt chị ra đi . Để tránh đau khổ, anh quyết định bỏ quê vào Sài gòn tiếp tục con đường học vấn. Chị khóc trên vai anh và nước mắt anh cũng đầm đìa. Ngày đó tôi chưa hiểu gì về tình yêu nhưng tôi cảm thấy tội nghiệp cho hai người.
Ngày lễVu quy của chị, cha tôi tổ chức hai ngày nhóm họ đãi đằng bà con, bạn bè và khách hàng buôn bán với gia đình tôi từ xưa đến nay. Đám rướt dâu khá linh đình, với hai chiếc xe hơi màu đen bóng được trang trí hoa và dải lụa hồng rực rỡ. Bà con láng giềng trầm trồ cô dâu chú rể đẹp đôi.
Cha tôi rất hãnh diện và vui mừng vì đã chọn cho con gái mình người chồng xứng đáng. Chị tôi tuân lệnh cha theo chồng nhưng mang theo cõi lòng tan nát. Chị đã khóc suốt mấy đêm liền trước ngày cưới. Hình ảnh áo nảo, thất chí của anh Đỉnh trong giờ chia tay vẫn chưa phai mờ trong lòng chị.
Chồng chị dạy học ở một trường khá xa, lâu lâu mới về thăm nhà. Chị nại cớ đứa em út còn nhỏ dại cần người chăm sóc và dạy dỗ, nên xin phép bên chồng được về nhà cha thường ngày.
Thời gian thấm thoát trôi qua một năm rồi hai năm chẳng có tin tức gì về anh Đỉnh, đến một buổi sáng nọ có người mang đến cho chị tôi một bao thơ. Không biết thư nói gì , bỗng dưng chị òa khóc . Tôi chạy sà vào lòng chị. Chị ôm chặt lấy tôi thổn thức: " Anh Đỉnh của em không còn nữa. Anh ấy bị thương trên chiến trường về đến bệnh viện mới tắt thở. Anh gởi lại chiếc khăn tay của chị tặng ngày trước.Vừa nói chị vừa mở khăn ra, một dòng chữ viết nguệch ngoạc bằng máu: "Yêu Em trọn đời". Chị đưa chiếc khăn lên môi hôn mà nước mắt tuôn trào.
Ba tháng sau, chồng chị bị tử nạn trên đường đến trường khai giảng mùa học mới. Chưa đầy nửa năm chị tôi đã chịu hai cái tang đau đớn. Hình như nước mắt cạn nguồn và con tim tê dại, chị vùi đầu trong công việc và tập ăn trầu để lãng quên nỗi đau đang vò xé. Hai má chị ửng hồng và chân đi chếnh choáng vì say trầu.
Chị tôi nổi tiếng có hàm răng đẹp nhất làng. Răng chị trắng đều như những hạt ngọc. Nụ cười rạng rỡ, thu hút cảm tình của người xung quanh.
Những ngày mới quen nhau, anh Đỉnh thường nói với chị: "Mỗi khi em cười là mang nguồn hạnh phúc cho người đối diện". Một hôm, tôi vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện hàm răng chị trở thành màu đen nhánh. Tôi hỏi vì sao, chị bảo ăn trầu phải nhuộm răng đen. Lòng buồn vô hạn, tôi tiếc rẻ hàm răng trắng và giận chị suốt mấy ngày.
Ngày Mothers'Day 2003
Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích