Hôm nay,  

Hai Lá Thư Từ Mỹ Quốc

28/03/200100:00:00(Xem: 189698)
Bài tham dự số: 02-201-vb0328A

Giải Thưởng Viết Về Nước Mỹ bình thường không nhận thơ hoặc các bài viết bằng văn vần. Bài viết do ông Dương góp là “Hai lá thư từ Mỹ Quốc”, tuy trích dẫn nhiều thơ, nhưng vẫn được kể là một truyện ký đặc biệt.

Sau đây là “Lá Thư Thứ Nhất”, tác giả”viết cho các bạn ở Petrus ký sắp qua Hoa Kỳ trong đó có Nguyễn Ngọc Diễm, Vương Thư, TV Thưởng, Ngô Thanh Nhàn…

*
California ngày..tháng ...năm
Các bạn thân thương,
Các bạn sắp rời VN để sang đây. Hầu hết trong thư các bạn đều muốn biết hoàn cảnh cuộc sống, tâm tư, tình cảm,vv... của những người đi trước để chuẩn bị tinh thần.

Dương Tử xin được phác họa sơ lược về chính mình như sau, gọi là trả lời chung thư các bạn.

Vui mừng, phấn khởi vì thoát khỏi cảnh nghèo đói, mất tự do, và có thể là gặp lại những người thân yêu của mình. Đó là tâm sự của chính tôi ngày mới tới Mỹ:

Bước xuống Cali khấp khởi mừng
Từ nay Cộng Sản bỏ sau lưng
Đã qua giai đoạn lo nghèo đói
Hết rồi thời buổi sợ lao lung
Đât khách tự do mong nhập cảnh
Quê mình xiềng xích, muốn lưu vong!
Từ nay vui hát câu đoàn tụ
Mười năm xa cách đứa con cưng!
DT (7-90)

Thế nhưng vui đó, rồi lo đó. Đất Mỹ không phải là thiên đàng, đô la rải đường, tha hồ nhặt. Nhiều khó khăn đang chờ đón bạn, khó khăn về ngôn ngữ (bad communication) khó khăn về thiếu hiểu biết kỹ thuật, nhất là bạn cũng là một nhà giáo như tôi, khó khăn khi đi tìm việc làm, khó khăn vì tuổi tác…

Bụng buồn còn muốn nói năng chi (1)
Lỡ thầy, lỡ thợ, lỡ culi
Anh văn quot quẹt, không ra chữ
Kỹ thuật lơ mơ chẳng biết gì
Cắt cỏ, lái xe, đâu đủ sức
Chuyên viên, dạy học, ngán đi thi
Oeo phe sắp hết, lo xin dốp
Lỡ thầy, lỡ thợ, lỡ cu-li
DT (7-91)
(1) Thơ Trần Tế Xương

Rồi các bạn đâm ra có mặc cảm, so sánh với những người cũ, qua đây lâu, có việc làm vững chắc, đời sống ổn định. Nỗi buồn bã thất vọng ấy làm tăng lòng mong muốn trở về Việt Nam:

Cám cảnh mình qua quá muộn màng
Người lo về bến, kéo nhau sang!
Anh em có DỐP, vui xe pháo
Bè bạn không XE, hưởng cảnh nhàn
Chạy ăn nhiều lúc hơi tơi tả
Tìm việc đôi khi cũng bẽ bàng!
Sốt ruột những mơ hồi cố quốc
Mong sao Cộng Sản sớm suy tàn.
DT (1991)

Thế nhưng bên cạnh các bạn còn có anh em, thân hữu sẳn sàng giúp bạn, dù đôi khi rất hạn chế. Bạn đừng đòi hỏi ở họ nhiều, ngay cả anh em ruột thịt chứ đừng nói chi người dưng. Bạn phải có nghị lực phấn đấu, có tinh thần tự lực, tự cường, không ỷ lại vào bạn bè anh em. OK làm bất cứ việc gì để có Mo-Ni vì “No money no honey”. Người Mỹ rất thực tế. Họ sẽ coi thường, nếu không nói là khinh bỉ, khi mà bạn chỉ trông cậy vào tiền trợ cấp hay sự giúp đỡ của những người khác. Nhớ nhé, bạn bè anh em sẽ giúp các bạn nhưng rất hạn chế:

Cám ơn anh Đức đã cho xe (2)
“Mai rảnh đem đi XÉT MÓC nghe”
Xe củ dẫu cho rằng chẳng BÁT (3)
Đô la đem dán cũng xong hè.
Con đi học sớm thường không ngán
Vợ đến chợ chiều cũng chẳng KE (4)
Củ người, ta mới luôn chăm sóc
Cà rịt, cà tang cũng khỏe re.
DT (8-90)

(2) Hiệu trưởng cuối cùng của Petrus ký: Nguyễn Minh Đức, anh đã cho tôi chiếc xe Peugeot củ của anh. (3) Pass: Kiểm tra tốt, (4) Care: Lo

Bạn sẽ làm nhiều việc khác nhau để có tiền, để rồi sau cùng chọn nghề hợp với khả năng, ý thích. Nên nhớ là ở Mỹ, người ta thay đổi chỗ làm một cách dễ dàng, chứ không như bên nình, làm chỗ nào thì ở chết chỗ đó cho đến lúc về hưu.
Như tôi trước hết tôi đi bán chợ trời, bán windchimes bằng Ceramic ở Costa Mesa:

Túng bấn xoay ra bán chợ trời
Tưởng rằng đồ thật hóa đồ chơi.
lắc các, leng keng ba mảnh sứ
Xanh xanh, đỏ đỏ bốn màu vôi
Bạc khách dễ tìm, tiêu chẳng tiếc
Tiền mình khó kiếm, chắc chịu thôi!
Sáng sớm ra đi, chiều về tối
Lất lây hai bữa để chờ thời!
DT (1991)

Rồi làm Teacher Aid, sau thấy không khá (vì quá ít giờ, kinh tế down, ngân sách giáo dục bị cắt xén) nên nhảy qua nghề khác:

Giáo chức từ nay dứt cháo rồi
Yêu nghề mến trẻ cũng đành thôi!
Tựu trung là cũng do tiền bạc
Kinh tế nhìn chung chữa phục hồi.
Bốn tiếng một tuần sao đủ sống"
Đường đi nước bước lại xa xôi!
Ba mươi năm lẻ trong nghành giáo
Nhắc lên trong dạ luống bồi hồi!
DT (8-91)

Norwalk Unified School District
Rồi đi làm Nurse Aid, nghề nào cũng có theo học khóa, có License, có Certificate đàng hoàng nhe các bạn, không có, không ai cho dạy dỗ, chăm sóc cả. Cũng cực nhọc, nặng nề, thức đêm, thức hôm, chịu không nổi, rồi cũng Quit luôn:

Bệnh viện từng nghe tiếng thở dài *
Trực đêm đành thức trắng đêm nay
Chị kia xinh đẹp đem cha gửi
Anh nọ giàu sang dẫn bố đày (5)
Trông lại, trông qua, bao con bệnh
Nhìn tới, nhìn lui, lắm lọ chai
Không khí bao quanh buồn thảm quá
Ngồi đây thương nhớ, nhớ thương ai
DT (8-91)
* Huntington Couvalescent Hospital (5) Người Mỹ hay gửi cha mẹ vào bệnh viện, cô đơn, buồn bả, đặc biệt là Nursing Homes

Khoảng cuối năm 1991, có dịp đi ngang qua UEI (Untied Educational Institute) là nơi tôi và gia đình tôi từng học ESL và Computer, tôi ghé vào thăm trường cũ và được bạn bè trong văn phòng cho hay trường đang cần một Custodian, họ bảo tôi làm đơn nộp ngay để được phỏng vấn. Họ tin chắc rằng tôi sẽ get được Job. Nhưng xui xẻo cho tôi, ông AL một cựu sĩ quan từng chiến đấu ở Việt Nam, Giám đốc trường rất có tình cảm với tôi, hôm ấy lại đi vắng. Tên phó giám đốc gốc người Á Rập phỏng vấn tôi. Hắn thấy ông AL có cảm tình với tôi nói riêng và người Việt Nam nói chung nên đâm ra không ưa. Sau khi “quay” tôi đủ thứ chuyện, hắn chỉ chiếc bàn kê ở góc phòng, hất hàm hỏi:

- “Du có vác nổi chiếc bàn đó không"”

Tự ái cá nhân và dân tộc tôi bị va chạm. Hắn biết tôi quá mà, bề nào tôi cũng từng là giáo sư, là sĩ quan bên Việt nam, nay thất thế sang đây phải xin làm cái nghề quét dọn này, hắn lại còn tìm cách làm khó dễ. Tự ái vì những người như hắn, trước đây ở VN chỉ làm nghề gác dan thôi, chứ đâu có làm vương làm tướng gì! Tôi trả lời cộc lốc “Tao sẽ liệu sức tao” thế là hắn cho tôi fail. Cũng được thôi, biết đâu trong cái rủi sẽ có cái may, mình sẽ kiếm được Job khác tốt hơn, chứ cứ làm cái nghề Custodian này chắc không khá nổi. Rồi bạn bè dẫn đi làm ở tiệm bánh, cũng đi:

Song Long Bakery- Bolsa

Bạn đến cho tin quá ngỡ ngàng
Hỏi làm cho đó “bánh bông lan”
Nữ công chưa học, e không khéo
Bánh mức chưa làm, sợ chẳng kham.
Khi trứng, khi đường, khi bột nổi
Lúc nồi, lúc cối, lúc khuông mâm
Lâu năm có lẽ lên cút xếp (6)
Ký lục thông ngôn cũng chẳng màng (7)
DT (1992)

(6) Cook Chief. (7) ca dao cũ: Thông ngôn, ký lục, bạc chục không màng/ Lấy chồng thợ bạc, đeo vàng đỏ tay. Ca dao tân thời: Thông ngôn, ký lục, bạc chục (đô) không màng / Thương anh XẾP CÚC vì chàng thơm bơ.

Các bạn thấy tôi đổi nghề như chong chóng, chắc cũng đoán được phần nào những khó khăn mà tôi đã gặp phải trong việc ổn định cuộc sống. Tôi tự nhủ mình phải tránh lo nghĩ ưu tư, phiền muộn, luyến tiếc -nguyên nhân của chứng bệnh STRESS mà nhiều người mắc phải trong xã hội văn minh này- và nhất là trang bị cho mình óc khôi hài, tiếu lâm để quên đi những nhọc nhằn ưu tư.
Tôi học làm bánh bao

thân tặng Anh Chị Em Song Long Restaurant & Bakery.
Học thêm nghề nữa cũng không sao
Tưởng thống chế gì, chứ bánh bao
Thởu nhỏ đã từng măng vú Mẹ
Lớn lên kinh nghiệm khá dồi dào
Bóp méo chỉ e tay vụng dại
Vo tròn chẳng sợ kém tài cao.
Hấp lên, bánh nở vung ăm ấp
Ước chi được cắn, sướng làm sao!
DT (12-92)

Xin hẹn các bạn ở thư sau, Thân Mến.
DƯƠNG TỬ

*

Lá Thư Thứ Hai

California Ngày... tháng... năm
Các bạn thân thương,

Cách nay mười năm vào năm 1992, tôi đã viết cho các bạn một bức thư, thư của một người mới đến Mỹ, thu thập được chút ít kinh nghiệm, viết về cho các bạn sắp sửa qua. Nay thì mọi việc gần như đã an bài, cho các bạn và cho chính tôi. Thế nên tôi viết bức thư thứ hai này và cũng là bức thư tổng kết kiểm điểm lại những gì mình đã nghĩ và những gì mình đã làm.
Về phía các bạn, thì cũng có một số sang đây, sớm thích nghi với cuộc sống mới, đoàn tụ với con cháu. Đã có những bạn đi học, hoặc đang đi học, xem đó như một cái nghề “nghề đi học” vừa kiếm được chút đỉnh tiền trợ cấp, vừa nâng cao trình độ hiểu biết, vừa chuẩn bị cho một công việc làm tương lai, hay ít ra cũng tìm được thú vui, khuây khỏa với sách đèn. Các bạn cũng có người đã đi làm, hoặc đang đi làm, hoặc đã về hưu, đã nếm mùi công nhân công chức ở xứ Mỹ, đang lãnh tiền hưu hoặc hưởng trợ cấp xã hội cho người già. Trung bình chúng ta đều trên 65 cả, mà “thất thập” đã là “cổ lai hy” rồi! Rồi thì mai đây nếu có cơ hội quay về cố hương, nếu không sẽ vui vẻ gửi nắm xương tàn nơi đất khách, xem như “định mệnh đã an bài”.

Nhưng bên cạnh các bạn, còn có một nhóm bạn khác, tôi không biết là may mắn hay thiếu may mắn đã sang đây nhưng lại quyết định trở về VN hoặc là vì gia đình không hạnh phúc, hoặc là vì công việc làm ăn không được như ý muốn, hoặc là không thích nghi được với hoàn cảnh, với cuộc sống mới, văn hóa mới, xã hội mới, khí hậu mới vv.. nên đã có quyết định “Ta về ta tắm ao ta. Dù trong, dù đục ao nhà đã quen.”

Sau cùng còn một nhóm thứ ba là các bạn đã thay đổi ý kiến, nhất định không đi Mỹ, hay nói rõ hơn là không tìm cách đi Mỹ (vượt biên) hoặc không xin đi Mỹ (chính thức) nữa, mà đã “an phận thủ thường” hay “an bần lạc đạo”. Tôi không dám quả quyết các bạn này có hay không có hạnh phúc, nếu hiểu cho đúng nghĩa của “hạnh phúc”. Sau đây là thơ tặng ông bạn Cựu giáo sư petrus Ký, hưu trí, ỏ nhà đi châm cứu miễn phí ở Tam Tông Miếu buổi sáng và buổi chiều, chữa bệnh miễn phí cho lối xóm

VINH DẠO NHÀN
Sung sướng còn ai sánh đạo nhàn
Ngẫm lại mà xem thật rỏ ràng
Không vợ, không con, không bận bịu
Chẳng nhà, chẳng cửa, chẳng đa mang
Sáng đến châm châm nơi Tông Miếu
Chiều về cứu cứu khắp thôn làng
Thủng thẳng đạp xe đâu cũng tới
Thế gian duy nhất một mình chàng.
DT (1993)

Hằng năm Tết đến, Hội Ái Hữu của chúng ta có gởi về chút ít quà biếu, xem chừng quý bạn cũng vui, ít ra là theo lời thư của Đạo Nhàn:


“Kính xin thay mặt những người nhận quà xin cám ơn anh chị em rất nhiều. Tuy cũng khoảng 300.000đ VN nhưng nhiều người rất vui, vui hơn mọi năm, vì năm nay đa số có vẻ nghèo. Lợi tức người già càng ngày càng ít, mà chi phí cứ tăng”

Đó là những đổi thay về phía các bạn, riêng phần tôi nhờ đọc được quyển “ATTITUDE IS EVERY THING” của KELLER, tôi cố giữ được thái độ lạc quan, nên đã vượt qua được mọi khó khăn, trở ngại lúc ban đầu. Vả lại, chỉ cần nhớ lại những năm tháng dài trong trại cải tạo là thấy thoải mái, yêu đời ngay. Sau một số công việc làm vất vả và những năm dài miệt mài trên ghế đại học, tôi xin được chân Chemist trong một hãng ở Costa Mesa.

Chủ hãng phỏng vấn tôi, ông hỏi: “Ở Việt Nam du dạy môn gì.” Tôi đáp không chút do dự: “Chemistry” thế là thành Chemist tức là hiểu theo nghĩa Mỹ “one traied in chemistry” chứ không hiểu theo nghĩa “ghê gớm” của tiếng Anh (Brit) là “pharmacist”. Tôi thầm cám ơn ông Hiệu trưởng cũ Petrus Ký củ của tôi khi tôi đến trình diện nhiệm sở sau mấy năm học ở Sư phạm: “Vous sẽ dạy các lớp đệ nhất cấp, mà đệ nhất cấp thì chưa có chuyên khoa, dạy môn nào cũng được.” Thế là văn phòng xếp cho tôi vài ba giờ quốc văn, năm bảy giờ Lý, Hóa, một ít giờ Sử, Địa. Cũng chưa đủ, phải cộng thêm giờ Thể dục. Nickname “Giáo su Aspirine” của tôi là bắt nguồn từ đây, “trị bá chứng ma.ø”

Tôi thành “chemist” thắm thoát mà đến tháng ba này thì được bảy năm, lương không cao, nhưng lại là một điều may mắn cho tôi, vì nếu lương cao mà gặp Job bở như vậy thì bị người khác dành giựt từ lâu.

Tôi được may mắn là làm việc chung với nhiều chuyên viên có bằng cấp cao (Dr, PhD) từ Dr June, đến Dr Simon, Dr Arnold, Dr Zu, Dr Betty, Dr Hazel... họ đã chỉ dẫn tôi, nâng đở tôi rất nhiều và tôi cũng đã được học hỏi rất nhiều, ngay cả việc chuyên môn của tôi trong Reseach & Development Lab hiện nay là Cosmetic Specialist cũng là do tôi học “lóm” chứ trước đây có biết gì về mỹ phẩm đâu (cũng như làm “bánh bao” ở Bakery Song Long trước đây cũng do học lóm).

Tôi vẫn còn “tếu” như thuở nào. Buồn thì tếu cho đở buồn, vui thì tếu cho vui thêm, qua hai bài thơ tếu sau đây:

TÔI LÀM COSMETIC

Lần đầu chế món “rí-mu-he”
“Há-ni” với “oắc” trộn chung hè
Anh kia vén áo ”trai mi phớt”
Chị no xăn quần: “Bút ít đe”
He Mễ, he Tàu, he Mỹ Nhật
Lông lưng, lông ngực, chẳng đâu ke
Tin dỡ chịu đau rên ừ ự
Bóp bảo: “Coi chừng lộn chỗ nghe”
DT (1996)
DU ƠI! AI CÓ BẦU!

Mari cười bảo tôi
“Chắc ai có bầu rồi!”
Nói xong chìa cái bụng
“‘Đâu Du sờ thử coi”
Mari xinh ra phết
Máu cao bồi Tét-xết
Ăn diện thì một cây
Chưa thấy sợ ai hết.

Nó là thư ký riêng
Do hãng cắt luân phiên
Giúp tôi trong phòng Lab
ghi chép “in-rê-diên”
Mỗi lần trình ký tên
Nó cứ chồm chồm lên
Hết cọ rồi lại cạ
Làm tôi cũng khó quên

Nhưng lần này thì khác
Đâu phải tôi chết nhát
Sờ, sợ rủi nó la
Bảo mình “sét-ha-rát”
Đở đẻ như Cơ Long
Đôi lúc còn không xong
Huống chi mình “Kê-Mít”
chim ná sợ cây cong.
Rồi chúng bạn cười chê
Rồi vợ con nhúng trề
Rồi chủ cho nghĩ việc
Chứ sao già còn dê

Chưa biết sờ hay thôi
Ma-ri nắm tay tôi
Đặt ngay phía dưới rốn
Rồi nhìn tôi bỉu môi
“Du cứ sờ đại đi
Ai ăn thịt cá gì
Cứ lúng ta lúng túng
Đừng làm nhục nam nhi!”

Tai tôi nghe lùng bùng
Tay cầm tay run run
Có chút gì âm ấm
Làm sao xuyến cõi lòng
Thiên đàng, địa ngục đây
Khổ vui cũng chỗ này
Mãi miên man suy nghĩ
Tôi quên rút bàn tay
Tiếng Ma-ri khẻ nhắc
“Du cứ nghe cho chắc
Cứ “tét do tai mơ”
Để ai khỏi thắc mắc
Ờ thấy nó u u
Nằm phía trên cái mu
Lại có tiếng tim đập
Du có bầu rồi du!”

Thôi xạo vừa vừa đó
Tim đập" đâu phải nó
Mới mấy tháng đây mà
Tim Du đập thì có
Ôi cứ mãi thế này
Trước sau cũng có ngày
Khám thai đâu chẳng thấy
Chỉ thấy vạ gió bay

Xong cái màn “sờ đi”
Là qua phút hiểm nguy
Đời còn nhiều cạm bẫy
Thoát được thế gian hi!
DT (1999)

Các bạn thấy không, tôi đối với thuộc cấp rất thân thiện. Trước ngày Mari sanh, chúng tôi tổ chức một Shower, ăn uống tại hãng, rất nhiều quà tặng cho 2 mẹ con (con gái) từ quần áo trẻ con, tả lót, đến xe đẩy, nôi baby, kể cả ghế xích đu. Mari rất vui và cám ơn tôi.

Đối với Custodian hay Janitor, mỗi ngày đến lau bàn ghế, rửa các dụng cụ thí nghiệm và mop phòng Lab cho tôi, tôi rất thương họ, và thường hay biếu họ kẹo bánh, có khi còn gởi về cho con cái họ, nghĩ lại ngày nào mình muốn xin làm Custodian mà không được

THƯƠNG NGƯỜI CUSTODIAN

Thấy Custodian nghĩ lại mình Ngày nào đi xin việc Custodian
Thằng cha Á Rập kêu vô hỏi
Nnó chỉ cái bàn “Vác nổi chăng”
Tức khí trả lời: “Tao liệu sức”
Nó không đồng ý, nó cho văng,
Chung qui là cũng nơi tiền bạc,
Túng bấn thì ông dễ hóa thằng!
DT (1998)

Tuy đã đến tuổi về hưu, nhưng hãng vẫn còn cần, tôi vẫn còn đi làm với tinh thần “lạc nghiệp”.

Bây giờ xin nói đến “an cư” một tí. Thú thật khi mới sang đây, mướn nhà quá đắt, tôi ước sao có được một garage bỏ trống của bạn bè để ở. Nhờ chịu khó làm việc, tiện tặn từ chút, từ năm 1995 chúng tôi đã mượn tiền nhà băng và down mua được một ngôi nhà khá rộng ở đường Ward, gom con cháu về ở chung, đúng tinh thần “đại gia đình” Việt Nam của mình, nhờ thế đở tiền điện nước, đở tiền thuê nhà, tiền giữ trẻ…

”Ăn nhiều chớ ở không bao nhiêu”. Chúng tôi lại tổ chức nhà cửa vườn tược theo kiểu mẫu Việt Nam. Nhà thì bước vào gặp ngay phòng khách, nhà bếp, bathrooms, bedrooms nằm sâu vào phía trong, rồi đến sân chơi, rồi đến dãy nhà phụ từ garage sửa lại. Vườn thì trồng những cây trái, rau quả Việt Nam như bưởi Biên Hòa, cam Cái Bè, nhãn Long Thành, chuối xiêm (chuối xứ) ... rau thì có lá mù ngót, bình bát, mùng tơi, lá dứa, lá cẩm, lá lốp...hoa thì có mai, lan, cúc, trúc...

Một người bạn Mỹ ở Newport Beach đã đưa các bạn của ông từ Florida sang chơi, đến thăm nhà tôi để biết kiểu mẫu nhà “Việt Nam” trên đất Mỹ và chúng tôi đã nấu phở để đãi họ, vừa tiết kiệm vừa thân tình. Xin được nêu lân một chi tiết: Những người bạn Mỹ này thuộc hàng triệu phú, một trong những ngôi nhà của họ ở Florida cho mướn 40,000 đô/tháng và ký hợp đồng 3 năm với số tiền lên đến 1 triệu 200 ngàn.

Một người bạn khác anh Nguyễn Duy Linh, trước đây cùng dạy với tôi ở trường Sư Phạm, từ Việt Nam sang Mỹ thăm con, được chúng tôi mời đến nhà dùng cơm tối, đã tặng chúng tôi bài thơ sau đây:

“Thăm anh nhớ mãi ngày này
Bát canh chị nấu, trái cây anh trồng
Trắng tay từ thởu lưu vong
Quê người lập nghiệp mấy tầng gian nan
Bây giờ nhà cửa khang trang
Vườn sau sân trước đàng hoàng như ai
Hoa thơm trái ngọt trong ngoài
Nhìn đâu cũng tưởng ở ngay quê mình
NDL (2000)

“An cư lập nghiệp” xong, lại nghĩ đến Cộng đồng. Chúng tôi hiện hoạt động trong các hội Ái hữu Petrus Ký Nam Cali, Hội gia đình Sư Phạm hải ngoại, Hội Ái Hữu Gia Long, Hội Ái hữu Nguyễn Đình Chiểu, Lê Ngọc Hân, Hội Ái hữu tổng nha nhân lực, Ban điều hành các trung tâm Việt ngữ, Ban tổ chức giải khuyến học Olympicad...và đang cùng một nhóm đồng hương Biên Hòa với tư cách là trưởng ban điều hành gia đình sư phạm hải ngoại, tôi vừa dự lễ tưởng niệm của cố Nhạc Sĩ Trầm Tử Thiêng (gốc giáo chức) một năm sau ngày anh mất, tại hội quán Báo Người Việt chiều ngày 17/02/01 và đây là bài thơ tôi ghi trên ảnh lưu niệm tại hội quán và được Báo Người Việt đăng ngày 25/02/01:

MỘT NĂM TƯỞNG NIỆM
TRẦM TỬ THIÊNG
Trông Trời, nhớ đất
Trông Người, nhớ anh
Thời gian thắm thoát qua nhanh
Xuân đi Hạ đến Thu quanh Đông tàn
Chiếc Cầu Gãy Nhịp sang ngang
Bên Em Ta có nhạc vàng cho Em
DT (2001)

“Chuyện chiếc cầu đã gãy” và “Bên Em có Ta” là 2 nhạc phẩm nổi tiếng của Trầm Tử Thiêng.
Còn rất nhiều vấn đề để viết cho các bạn. Chẳng hạn như năm 1995, tôi đến tuổi đáo tuế, có người hỏi tôi có định về thăm Việt Nam không. Tôi nhìn bức ảnh ngày Đại Hội Petrus Ký treo trên vách và nghĩ đến tình hình không được sáng sủa bên quê nhà, cảm tác làm bài thơ xuân sau đây:

XUÂN NHỰT ĐỐI ẢNH CẢM TÁC
Này bạn, kia thầy, nọ học trò
Xuân về, đất khách, thảy đều lo,
Bản thân qui lão, không danh phận
Dân tộc, hồi đầu, chẳng ấm no
Nội bộ độc tài, trông ngán ngẫm
Ngoại bang lấn áp, nghĩ buồn xo
Bao giờ vận nước hanh thông nhỉ
Ta sẽ về vui Tết tự do!
DT (1995)

và thỉnh thoảng cũng “mơ” về dĩ vãng

NHỚ NGÀY CHUNG LẶT LÁ MAI
Tặng các bạn cải tạo khóa bồi dưỡng Pháp văn 1980
Xuân về lặt lá cành mai
Bâng khâng nhớ lại những ngày còn không
Giờ đây em đã có chồng
Con thơ em đã tay bồng tay mang!
Nhớ xưa cải tạo mấy năm
Về theo học lớp Pháp Văn thầy Bào
Cả lớp cải tạo nhao nhao
Đúng là hoa đã lạc vào rừng gươm
Thương Em giữa lớp cô đơn
Việc gì anh cũng dành hơn cho Nàng
Riêng việc nói trước diễn đàn
E thẹn Em bảo: “hãy khoan gọi mình”
Anh gọi bạn khác đi anh
Gọi em, em nghĩ cũng đành vậy thôi
Học xong ra dạy lớp mười
Đường Lê Văn Duyệt, xa xôi quá mà!
Mỗi lần em đạp xe qua
Bên đường anh đứng xót xa trong lòng
Xuân về em có nhớ không
Cây mai trước ngõ, khóm hồng bên hiên
Mười lăm thì lặt lá hiền
Đầu năm hoa nở lấy hên trong nhà
Lại còn xông đất canh ba
Giao thừa mở tiệc, toàn gia sum vầy
Bây giờ anh ở nơi đây
Lá mai anh lặt, bánh dày bánh chưng
Em bên kia Thái Bình Dương
Xuân về có nhớ thân thương những ngày
Cùng nhau chung lặt lá mai"
DT (2001)

Năm năm trôi qua, có lẽ cũng có nhiều chuyển biến, việc về thăm quê hương sẽ được xét lại một cách nghiêm túc. Trong khi chờ đợi, tôi tạm vui với con cháu trong cuộc sống giản dị, cần kiệm, an nhàn nơi quê người, thể hiện qua bài thơ sau đây:

BÀI THƠ MAY ÁO
Thương cho các cháu Lara, Shirley, Steven, Mathilda, Nhàn, Nhã

“Đi làm mua áo cho con
Ông ơi, Ông có nhớ hôn con chờ"”
Nghe lời thỏ thẻ trẻ thơ
Thương con con lớn, bây giờ thương ai
Mong mau đến Chú Nhật này
Đưa bà mua vải để may áo đầm
Vải áo đầm phải có chân
Mua cho đứa nọ, để phần đứa kia
Lựa lui, lựa tới lia chia
Hết ra Wal Mart lại dìa Ross thôi!
bà ơi, con hết áo rồi
Bà may cho cháu một hơi đủ màu
Đơm khuy, kết nút mau mau
Thức khuya dậy sớm bà nào quản công.
Tiền đi mua vải của ông
Kiếm tiền thì khó, may không mấy hồi
Các cháu chạy tới, chạy lui
Mặt mày hớn hở cũng vui cửa nhà.
DT (2000)

Thư bất tận ngôn
DƯƠNG TỬ
(XUÂN TÂN TỴ)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,984,785
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.
Nhạc sĩ Cung Tiến