Hôm nay,  

Trúng Gió Tại Mỹ

08/02/200100:00:00(Xem: 184089)
Bài tham dự số: 02-160-VB 0209

Trên đường đi làm về tôi thấy một bên tay và một bên chân yếu hẳn đi, tôi nghĩ là mình bị “trúng gió”ù nên cũng không để ý. Buổi tối tôi đi tắm rồi xỉu luôn trong phòng tắm và mê man không biết gì nữa, độ 1 phút sau người nhà phát giác gọi 911. Chỉ chừng 3 phút sau, xe cấp cứu tới và cho tôi thở dưỡng khí liền, sở dĩ họ lại nhanh, vì sở cứu hỏa cách nhà tôi có hai block đường, sau đó xe cứu thương đến chở tôi vào bệnh viện San Dimas. Qua một đêm sáng hôm sau họ chở tôi qua bệnh viện Pomona.
Bác sĩ điều trị đến thăm tôi, tôi tỉnh lại. Bác sĩ giơ tay bắt tay tôi, thì tôi thấy tay tôi không còn cử động được nữa. Tôi thấy buồn vô hạn. Tôi không muốn thông báo cho ai và cũng không muốn ai đến thăm tôi trong tình trạng này, vì có một người bạn thân đến thăm, tôi chỉ có biết khóc nức nở, không nói gì được.
Hôm sau, một nam chuyên viên Vật Lý trị liệu đến với tôi mang theo một cái walker cái nạng có bốn bánh xe và một cái dây lưng- để tôi tập đi. Họ dìu tôi lên và mang dây lưng vào ngực tôi và xách tôi lên vì tôi không đứng được, rồi vịn cái walker mà đi. Toàn thân đã rũ liệt, tôi chỉ đi được khoảng 10 thước rồi quay trở lại giường nằm. Lúc đó tôi thấy phẫn nộ vì chỉ có phút chốc mà tôi đã nên người tàn phế.
Cứ thế, mỗi buổi sáng họ tập cho tôi đi một lần, rồi hai lần. Khoảng hơn một tuần, họ chuyển tôi qua bệnh viện Hồi phục Casa Calina, nơi tập trung những người tàn tật để bịnh viện điều trị. Tại đây, mỗi bệnh nhân được phát cho một chiếc xe lăn để tự di chuyển, ăn uống phải có y tá cho ăn vì dễ bị sặc, chỉ có nuốt nước bọt cũng đủ bị sặc rũ rượi.
Mỗi ngày, 9:00am sáng các bệnh nhân tập trung với các chiếc xe lăn tại phòng tập thể dục. Ngồi trên xe lăn xếp theo vòng tròn: cũng dơ tay, dơ chân, nghẹo đầu nghẹo cổ khoảng nửa giờ, họ cho chơi đánh banh, rồi đá banh bằng những trái baloon thứ cho con nít chơi, bằng những tay chân bị liệt. Mới đầu mình cũng thấy ngộ nghĩnh, sau cùng thấy vui vui cùng với các bệnh nhân khác.
Chiều sau khi ăn cơm và nghỉ trưa xong, mỗi bệnh nhân được một chuyên viên Vật Lý trị liệu tập cho một giờ. Họ nắn chân, nắn tay mình, có khi họ cột mình vào một chỗ: cột ngực, cột mông, cột đùi, sao cho mình có thể đứng được khoảng mười lăm phút, rồi họ tập cho mình cởi và đóng nút áo, rồi tập dơ tay lấy món đồ ở cao, ở xa mỗi ngày càng cao, càng xa hơn v..v...nói tóm lại mình tập những động tác của con nít mới vào đời. Ngoài ra mỗi ngày họ cho một giờ để tập nói và tập viết, miệng bập bẹ nói Ba ba, Má má... mà nước mắt dàn dụa. Sau một lúc không dằn được những cảm xúc xót thương cho thân phận, tôi khóc nức nở và phải ngưng học, kéo xe lăn ra đi, đó là những giờ phút xúc động nhất trong ngày của tôi, lặng lẽ lăn chiếc xe về giường bệnh, mặc cho người dạy học tôi nghĩ sao thì nghĩ.
Ngồi trên xe lăn bị cột chặt, lòng tôi đớn đau khôn tả. Ở đây có hai loại bệnh nhân bị cột vô xe lăn, một loại bị cột nút trước ngực tự tháo gỡ được mỗi khi cần thiết, còn một loại họ cột đằng sau lưng, bệnh nhân không tự tháo ra được muốn làm gì phải có y tá cởi cho. Đó là loại bệnh nhân bất mãn với bệnh hoạn hay nổi loạn, mỗi ngày phải đi gặp bác sĩ thần kinh. Tôi là bệnh nhân loại sau.
Về phòng nhìn qua cửa sổ, thỉnh thoảng thấy có người đi qua. Thấy họ đi đứng bình thường mà thèm, tôi cảm thấy họ thật là hạnh phúc, cái hạnh phúc trời cho ấy chắc họ không biết. Nghĩ vậy tôi lại càng thấy tủi thân. Vợ con tôi, bạn bè tôi, những người thân của tôi đang lôi cuốn giữa dòng đời với cuộc sống bình thường, còn tôi nay đã có một đời sống biệt lập, sống với cái thế giới của những người tàn tật, sống trong hy vọng mong manh, ngày lại ngày, biết đến bao giờ mới trở về cuộc sống của bao người đang sống.
Không được tập thêm ban ngày, tôi tập ban đêm, nằm trên chiếc giường mà bốn bề rào ngăn chặn, tôi chúi đầu nhào ngã tới ngã lui, đôi khi ngã sấp mặt xuống nệm, phải khó khăn lắm mới nghiêng được cái đầu để thở, tôi mới mở được cái thành giường để leo xuống, rồi vịn vào thành giường mà tập đi, đôi khi bị y tá đi ngang qua họ lại bắt lên giường và nhốt tôi lại. Tiếp theo đó tôi được tập: tự đánh răng, rửa mặt, tự thay quần áo, tự đại tiểu tiện, tự tắm rửa vv...
Khi tập đi thì họ làm cho tôi cái Foot Brace làm bằng một thứ hóa chất thật cứng để đỡ bàn chân khỏi quét trên mặt đường. Mới đầu tập đi một cái walker có bốn bánh xe, sau cái gậy có bốn chân rồi gậy một chân. Bước đầu tập đi trên sàn gạch, sau đi trên thảm, rồi trên cỏ, rồi tập bước lên tam cấp, những đường dốc, tập đi dưới nước không cần gậy... Vì nôn nóng muốn tập nhiều nên mỗi sáng tôi kiếm bà Mễ già cứ lệt bệt đi không nổi, tôi đẩy xe lăn của bà vòng quanh bệnh viện, ngồi xe lăn đằng sau tôi bơi bơi một chân, một tay đẩy để tập nội lực, tôi thường hỏi những người y tá chừng nào thì tôi có thể bình thường, họ nói ba tháng, sáu tháng để tôi nuôi hy vọng.


Ở bệnh viện, sợ và buồn nhất là buổi tối. Khi màn đêm buông xuống, mọi người đang mơ màng giấc mộng điệp, bệnh viện im lặng như tờ, chỉ còn nghe tiếng côn trùng rả rích, tôi ngồi trên chiếc xe lăn một mình, mà lòng ngổn ngang trăm mối, suy nghĩ lung tung, trước mắt chỉ là một cõi âm u như đưa hồn người vào cõi mông lung vô định.
Một tháng sau tôi nhất định xin xuất viện để được tự do tập, tôi xin tập lái xe, nhưng khi họ cho thử thì tay tôi còn yếu, chưa vặn nổi cái chìa khóa nổ máy xe, chân chưa đạp thắng được. Trên đường về nhà tôi ghé qua Nha lộ vận để xin cái thẻ tàn tật, có người bị tai nạn xe hơi, hai tay chống nạng mà Nha Lộ Vận chỉ cấp 3 tháng một, mà tôi thì cho vĩnh viễn tàn tật.
Về tới nhà, ngay hôm sau tôi đi tập ở Health Spa, tại West Covina không có máy tập đi, phải leo lên lầu hai thì mới có hành lang đi bộ, mà lại không có thang máy. Mỗi ngày leo lên lầu tôi phải ôm chặt lấy lan can, cứ lần theo mà lên lầu, mắt chỉ dám nhìn xuống chân nhìn những bậc thang mà mình đang leo, không dám nhìn lên cũng không dám ngó xuống, vì sẽ bị chóng mặt rồi ngã. Lúc đi xuống cũng vậy. Đi bộ được vài vòng chân tôi đã lảo đảo, phải dựa lưng vào tường đứng hoặc ngồi phệt xuống đất, rồi lại tiếp tục đi. Vừa đi vừa niệm Phật để thêm nghị lực và quên nỗi đau đớn thân xác.
Cùng thời gian tôi tập có một cô Mỹ trẻ liệt cả hai chân chống cái walker mà đi mồ hôi nhễ nhại, ngày nào cũng tập, hình ảnh đó càng làm tôi thêm phấn khởi. Có phòng tập có hai tấm gương hai bên tường, tôi nhìn vào gương tập đi ngay ngắn, sửa dáng điệu như mấy người mẫu tập đi, mặc cho thiên hạ dòm ngó. Còn tập tay, tôi tập theo mấy cái máy thể dục. Tôi cũng thường dùng cái tay mạnh nắm cái tay yếu vắt ngang đầu cho đến khi hai tay mỏi rời tự động rớt xuống, tôi làm như vậy mỗi lúc rảnh rổi dù đang nói chuyện với người khác.
Mỗi sáng tôi cũng theo một nhóm người Trung Hoa ở gần nhà tập Thái Cực Quyền. Có khi tôi thấy mình bị bắt buộc phải cười, cười thật lớn, cười như nắc nẻ, cười ngặt nghẽo, cười đến chảy ra nước mắt. Rồi lại khóc, khóc nức nở, không cách gì chủ động được mình nữa. Mấy người không biết họ ngạc nhiên, đôi khi khó chịu, sau đó họ cũng biết nên thông cảm. Mỗi lần như thế tôi cũng mắc cỡ trong bụng, nhưng không dằn được những cơn xúc động nó cứ diễn tiến. Bác sĩ nói là cơn xúc động nó chạm vào dây thần kinh cười, thần kinh khóc, nên mới xảy ra như vậy. Có điều là tôi hay bị xúc động: dễ vui, dễ buồn, dễ cảm động, dễ phẫn nộ khi nghe một lời nói hay thấy một cử chỉ...
Trước khi bị bệnh, tôi siêng năng tập thể dục, chơi thể thao, tập khí công... ăn uống rất điều độ, kiêng khem đủ thứ, vì vậy tôi nghĩ tôi không bao giờ sợ bị bệnh, nhưng khi bị rồi, Bác sĩ nói là tôi suy nghĩ nhiều quá, chịu đựng nhiều áp lực, nên mới bị bệnh, thế mới biết con người chỉ là cây sậy yếu ớt. Không tránh khỏi Sinh Lão Bệnh Tử.
Sau khi tôi khắc phục, có những người bạn tôi bị tai biến mạch máu não, cứ muốn tôi hướng dẫn để thêm phần hy vọng, vì chính tôi đã là nhân chứng sống và bản thân cảm nhận trực tiếp những đau khổ vì tinh thần cũng như thể xác. Tôi viết bài này hy vọng những bạn nào như tôi thì cố gắng tập ngay từ đầu, đừng để quá trễ, và có cơ may khắc phục được căn bệnh hiểm nghèo này. Phương tây có câu: “Aide toi, le cient’aidera,” Hãy tự cứu mình rồi trời sẽ cứu. Cũng may nhờ văn minh kỹ thuật y khoa tân tiến, với phương tiện đầy đủ dễ dàng cho bệnh nhân, nhưng cũng cần mình phải có nghị lực, cần cố gắng mới đạt kết quả mong muốn.
Sau một thời gian hồi phục về thể chất, tôi lại bị tinh thần ám ảnh, mới đầu tôi mải miết tập nên không để ý, sau đó một thời gian tôi cảm thấy cô đơn, trống trải một cách lạ lùng, dễ cáu kỉnh, hay nổi giận, dễ xúc động, hay hờn dỗi. Cứ muốn những người thân phải chú ý đến mình, lo lắng cho mình. Tôi cũng nhận thấy rằng ngoài cuộc sống chung, mọi người cần có đời sống riêng, một nếp suy tư riêng, và nhất là sống giữa sự lôi cuốn của công việc, của chịu đựng, của những áp lực, vậy hơn hết mình đừng là gánh nặng cho những người chung quanh, nên tôi cố gắng hòa nhập vào cuộc sống chung một cách khó khăn. Một bệnh nhân không chỉ tranh đấu với bệnh hoạn, với sức khỏe của chính mình, mà còn phải có tinh thần đủ mạnh để tranh đấu với bản thân. Theo dòng sinh mệnh, cuộc đời là Sinh ký, Tử Quy (sống gởi, thác về) Phải biết chấp nhận cuộc sống và bình thản, chuẩn bị cái chết.
Tôi viết lên những dòng này là tự nhủ lòng mình. Ta phải biết thương yêu chính mình, cố gắng sống cho được an nhiên tự tại vậy.
NGUYỄN MINH TÂM

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,982,264
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.
Nhạc sĩ Cung Tiến