Hôm nay,  

Chuyện Người Mỹ Không Biết Tiếng Mỹ

26/11/200200:00:00(Xem: 251486)
Người viết: Nguyễn-Hoàn

Bài tham dự số: 92\VBST

Ông Nguyễn Hoàn 59 tuổi, hiên cùng gia đình cư trú tại Seattle, tiểu bang Washington.

Gia đình tôi đứng xếp hàng một, người nọ nắm áo người kia, như kiểu "đi xuyên rừng sợ lạc". Bà vợ tôi, đứng đầu của toán 3 người. Tôi bao chót, lâu lâu quay đầu trở sau, làm như phải kiểm soát cái gì. Thật ra, thì chả có gì vì phía sau tôi trống bóc.
Tụi tôi là những người chót, của dòng người, chờ để được vào, phía trong tòa nhà uy nghi và đồ sộ: Sở Di Trú Seattle. Chả là hôm nay, gia đình tôi được gọi lên "Thi nhập Mỹ Tịch" theo lối gọi của bà con.
Trấn ngay cửa vào là 2 ông an ninh, mặc đồng phục: áo màu đất thó, quần xanh lá cây sậm. Mỗi ông, một khẩu súng sệ sệ bên hông. Ông nào cũng to lớn dềnh dàng. Một ông để râu chữ O quanh mép. Một ông mặt mày trụi lơ. Ngoài khẩu súng lục, mỗi ông còn cầm thêm một cây gậy ngắn, tựa như cây dùi cui của mấy thầy cảnh sát, bên Việt Nam ngày xưa. Lâu lâu, lại thấy một ông, cầm gậy huơ huơ xung quanh người khách nào đó, chắc là để dò tìm vũ khí hay cái chi chi bất hợp pháp. Mặt ông nào ông nấy giống hệt nhau: "nghiêm và buồn". Liếc nhìn mấy ông, tôi sực nhớ hồi còn bé, thỉnh thoảng ra chùa làng, thấy mấy pho tượng ông Thiện, ông Ác trấn trước lối vào mà sởn tóc gáy.
Trời tháng giêng xứ này, lạnh muốn nổ lỗ nhĩ lại thêm mưa, nên bà con đứng ngoài trời, tha hồ run lẩy bẩy dù rằng đã mặc 3,4 lần áo.
- Sáng ra kêu năm lần bảy lượt mà bố con không chịu dậy. Đi trễ quá, xếp hàng "chót bẹc" lạnh chết cha!
Bà xã nhà tôi nhỏ con mà lớn tiếng. Cự nự về việc tôi lười dậy sớm, kề rề cà rà nên mới xảy ra cớ sự này đây. Tôi làm bộ đả đớt:
- Rồi cũng tới phiên mình. Lo gì.
- Xí! Ông thì lúc nào cũng vậy. Trễ là do ông không!
Sự cằn nhằn của bà xã xét ra cũng có lý. Bả luôn luôn là người mau mắn. một người được bạn bè tặng cho mỹ từ "uy tín số 1." Uy tín gì không biết, chứ bả hẹn ai, hay ai hẹn bả, thì bả luôn luôn đến trước giờ hẹn, tối thiểu 10 phút.
Chả thế, mà hồi tôi mới quen bả, lần đầu hẹn "nàng" đi chơi. Theo kinh nghiệm học được từ những bậc lão luyện về "Tâm lý bạn gái" truyền lại, tôi tính toán kỹ lưỡng rồi tà tà đến sau giờ hẹn 5 phút thì đã thấy "nàng" đứng "thù lù" chỗ hẹn hồi nào, mà mặt mày bí rị. Tôi vội vàng giục chiếc xe đạp lên lề đường chạy nà lại, rối rít xin tha lỗi.
Bản tính của tôi hay nhường nhịn, nên mỗi khi vợ con rầy rà, tôi chỉ việc để hồn bay đi...chỗ khác, mặc ai muốn nói gì thì nói. Mà kể cũng lạ, thấy tôi làm thinh, không trả lời, trả vốn gì, thì bả cũng êm không khi nào lằng nhằng tiếp.
Dòng người xếp hàng một, dài như một con trùng đất. Tôi chợt nhớ đến những con trùng dài lòng thòng ở Phú-Sơn 4 Thái Nguyên Bắc Việt Nam, có lắm con đo được gần thước! Lâu thiệt lâu, cái đầu nhích lên một chút rồi, cả...tháng sau mới thấy cái đuôi động đậy! Nói cho cùng, chuyện xếp hàng ở xứ này bình thường như trăm, ngàn sinh hoạt bình thường khác. Chẳng thấy ai "cùn len, cùn nỉ" gì cả. Vậy mà, lác đác có vài trự, chém vè ăn gian, lấn lên trước vài chỗ. Đâu thì cũng thế, tôi nghĩ vậy. Chả bù hồi năm 78, 79. Ở Việt Nam, mỗi lần đi lãnh quà khu Tân-Sơn-Nhứt hay Cô Giang. Dành chỗ từ 3,4 giờ sáng, đứng rạc cả chân, chờ dài cả cổ, để 1,2 giờ chiều mới lãnh được 1 gói quà, của thân nhân từ ngoại quốc gửi về. Có những người từ dưới tỉnh lên trễ, còn phải "mua chỗ". Mỗi chỗ, tùy theo gần, xa cổng vào mà thỏa thuận giá cả. Thiệt hết chỗ nói.
- Gô!
Tôi giật mình đánh thót vì tiếng gọi oang oang ngay tai. Tiếp theo, là lời thông dịch, không ai khác hơn là bà xã nhà tôi.
- Đi lẹ lên, ông!
May mắn gia đình tôi vào hết. Tôi hít hà:
- May quá, nhà mình vào đủ chẳng lọt ai
- Còn ai đâu mà không lọt, ông này!
- Hề! hề!
Ông Mỹ an ninh đứng chống nạnh, chờn vờn như ông thần nước mặn, sì sồ sì xào một lúc, rồi đưa cánh tay như cái dùi chuông Đại Hồng của chùa Vĩnh Nghiêm, ra dấu cho tôi đi qua cái khung dựng khơi khơi ngay lối đi, sau khi đã lột bỏ đồng hồ, chìa khóa, bóp vào rổ, cho ông an ninh kia kiểm soát.
- È...È...È!
Cái máy đột nhiên phát ra tiếng kêu. Vậy là có chuyện ông an ninh cầm gậy chỉ tôi lùi lại phía sau khung kiểm soát, rồi làm dấu bảo tôi móc hết túi áo, túi quần xem có gì còn sót không"
Tôi lính quính soát lại tất cả các túi: không, sạch trơn. Không có gì. Ông Mỹ lại ra dấu cho tôi đi qua cái khung quái ác như lần trước:
- È...è...è...
Quái lạ. Cái đó là cái gì" Hai bàn tay tôi múa loạn lên, móc hết túi quần, túi áo. Ông an ninh bảo tôi cởi áo lạnh. Tôi cầm chiếc áo dơ cao, thì cũng là lúc, ông ta thò tay vào cái túi nhỏ. Cái túi bé xíu, nằm trong túi quần "jean" của tôi, để móc ra 1 cái muỗng xinh xinh bằng ngón tay, đưa trả lại tôi và ra dấu cho vào. Tôi đỏ mặt trong khi bà xã tôi nhăn nhó:
- Mang cái muỗng đi làm chi vậy"
- Hôm qua đi "good will", thấy cái muỗng xinh xinh mua về múc tương ớt. Lu bu nên quên mang đi luôn.
Bà xã tôi toan mở "vô lim" thì con Loan, con gái tôi cắt ngang:
- Thôi mẹ. Mẹ thông cảm cho bố đi, lúc con "chưa có" thì mẹ cự mấy, con cũng không dám cản. Bây giờ bố già rồi, lâu lâu lẩm cẩm một chút mà mẹ.
Bà vợ tôi nguýt con gái một cái thật dài:
- Thì mày đã có đâu, mà nói là không cản.
Tiếng ông an ninh vang lên như gió mùa Đông Bắc, cắt ngang cuộc đấu khẩu. Tôi nghe cái gì như "sích..sich"
Bà xã tôi nhanh nhẩu:
- Mình vào phòng số 6. Phòng số 6 ở đâu hả ông"
Cha mẹ ơi, tôi đã đến đây lần nào đâu, nhưng cũng mau mắn cốt làm vừa lòng "bu nó".
- Nó ở kế phòng số 5.
- Thế phòng số 5 ở đâu"
Tôi bị cà lăm.
- Ờ...ờ ...để đi kiếm coi. Chắc nó đâu trong này thôi.
- Chứ không lẽ nó ở ngoài đường.
Nói là nói thế, chứ tụi tôi cứ theo người đi trước, dần dà rồi cũng gặp. Đó là căn phòng lớn người ngồi chật ních, đủ mọi sắc dân Âu, Á, đen, trắng, nhờ nhờ. Già, trẻ, trai, gái lớn bé. Kẻ cao, người thấp nhấp nhô, lố nhố xì xào như chợ bán đồ lậu.
Tôi đương dáo dác kiếm chỗ ngồi, thì nghe tiếng gọi giật giọng:
- Ê. Bốp. Lại đây nè.
Tôi không phải tên Bốp nhưng cũng toét miệng cười:
- Chà đến sớm thế. Còn chỗ không"
- Còn thì mới gọi chớ. Vớ vẩn! Trông ông mãi. Bộ ngủ trễ hả"
- Xuỵt! Đừng có la. Bả mới cự nự nãy giờ cha nội. Đêm qua làm "gây síp" dậy không nổi.
- Hèn chi. Vậy còn cự nự cái gì" Bộ không thuộc hả"
- Còn hơn kéo cưa chứ không thuộc.
Tôi quay sang bà vợ:
- Em này. Anh Tư dành chỗ cho mình...
Nhưng vợ tôi và con gái tôi còn nhanh hơn nữa. Họ đang xúm vào rù rì với vợ của Tư.
Tôi hỏi Tư:
- "Nó" hẹn ông mấy giờ"
- 11 giờ. Giờ mới hơn 7 giờ, sớm chán. Còn ông"
Tôi đáp:
- Sau ông nửa tiếng. Có ai "vào"chưa"
- Lai rai. Người Việt mình coi bộ ít quá. Không thấy ai quen để mà hỏi thăm. Ông chuẩn bị xong chưa"
Trong bụng tôi nóng ran như lửa đốt song vẫn làm ra vẻ bình tĩnh:
- Có gì đâu mà phải chuẩn bị. Tới đâu thì tới. Lo cũng vậy thôi.
Tư gật gật:
- Lo thì lo trước chứ đâu đến đây mà lo cái nỗi gì!
Tôi thăm dò:
- Có nghe "nó" hay hỏi cái gì không"
Tư tặc lưỡi ra mòi thông thạo:
- Đại khái "ai là Tổng Thống đầu tiên" Có bao nhiêu Tiểu Bang. Cờ có bao nhiêu sao, bao nhiêu vạch. Sao tượng trương cho cái gì, vạch tượng trưng cho cái gì vân vân và vân vân".
Nghe Tư làm một hồi, tôi phục lăn:
- Chà! rành dữ! ông có mang mấy câu "Tư" đi không"
Tư cự nự:
- Giờ mà còn học cái gì"
Tôi cười cười:
- Tranh thủ trong khi chờ đợi. Được chứ nào hay chữ nấy, có còn hơn không...có còn hơn không.
Tôi nhại theo 1 bài hát Tư cũng bật cười, lục trong túi sách, đưa cho tôi xấp giấy:
- Đây "ông cố". Đừng có lo. Họ hỏi theo nghề. Thế nào cũng "bát"
Tôi chụp liền:
- Hỏi theo nghề là sao"
Tư nghiêm ngặt trịnh trọng:
- Hỏi theo nghề là, nếu ông làm Bác Sĩ, luật sư hỏi khéo, hơi nhiều. Nếu ông đi rửa chén, rửa cầu tiêu, thì nó hỏi dễ và hỏi ít. Cỡ mình 10 phút là xong. Họ cũng biết mình tiếng Anh tiếng "em" tào lao nên, cũng hỏi tào lao luôn.
Tôi bắt chước giọng nói trong phim Hồng Kông chuyển âm:
- Có chuyện đó sao"
Tư bồi thêm:
- May rủi là ông gặp Tây thiệt hay Tây "giả cầy" nữa.
- Ờ há! Giả cầy thì chỉ có nước "xào lăn"!
Bây giờ đã hơn 8 giờ. Trong phòng đợi, tiếng nói chuyện nho nhỏ rì rầm. Thỉnh thoảng, lại thấy một ông, một bà cầm giấy đi ngang gọi tên. Phỏng vấn viên không hoàn toàn là Mỹ. Có người da nâu, tóc đen râu rậm chắc thuộc xứ Mỹ La Tinh. Có người để râu mép, mũi cao giống Sadam Husein chắc thuộc gốc Ả Rập và có cả 1,2 người Á Châu Triều tiên hay Trung hoa vì sở này nghe nói không có Việt Nam hay Nhật Bổn.
Người Việt Nam khi nào phỏng vấn sợ nhất gặp phải ông Mỹ gốc Hàn. Ông này rất khắc nghiệt với người Việt Nam nếu không nói là ác cảm. Vô phúc tiểu hồng đức người Việt Nam nào gặp ổng thì không rắc rối này cũng trở ngại khác xảy ra. Ông nổi tiếng là đã để mộc hồ sợ đóng băng gần 8 tháng mới cho tuyên thệ. Cứ tưởng tượng đến lúc phải đối diện với ông Triều Tiên mà tôi run. Tuy có sẵn "tư" trong tay, nhưng chữ nghĩa lúc này sao mờ mịt quá. Nó y như là những trái "ping-pông" nẩy ra còn xa hơn lúc đập vào". Tôi vốn là người tối dạ, không "khứng" với văn chương sách vở cho lắm.
Bốn, năm chục năm trước, tôi cũng được đi học đi hành như ai, nhưng văn bài là một cực hình đối với tôi. Trong lúc các bạn chăm chỉ nghe bài và làm bài, thì tôi đọc tiểu thuyết trinh thám, võ hiệp, tôi khoái chuyện "Bàn tay máu" của Phi Long. Các môn Toán, Lý, Hóa và sinh ngữ là những liều thuốc đắng nghét nuốt không vô. Thế nên, người ta đi thi 1,2 lần là đậu. Tôi thi cả chục lần mà vẫn "xôi hỏng, bỏng không".


Những ngày trước khi đi Mỹ, bạn bè đua nhau đi học Anh Văn. Tôi cũng theo trào lưu, cắp sách đi học nhưng rồi, đâu cũng vào đó "chữ thầy lại trả cho thầy, bút trả hàng xén giấy nay phết điều". Và tiếng Anh giờ này, tôi mù tịt.
Dường như, trời đất cũng không nỡ tuyệt người nào vì thế mới có câu "Trời sinh voi thì sinh cỏ". Tôi may mắn có được bà vợ- Chắc kiếp trước bả nợ tôi cái gì đó, nên kiếp này kiếm tôi để trả. Tôi tin thế. Mọi chuyện giấy tờ "đi, đứng" từ lúc còn ở quê nhà cho đến khi qua đây một tay "bả" lo ráo! Tôi chỉ vác cái "mạng mộc" cho có vị thôi. Cũng vì vậy, đôi lúc bả có "lên" một chút thì tôi cũng không lấy gì làm khó chịu cho lắm.
- "Nàm" cái gì mà mặt cứ "đực" ra vậy "Bốp" Tư chọc.
- Ậy! Ậy! đặt tên là phải mất nồi chè, nghe bạn
- Thì người ta tặng cho cái tên, trước khi vô "tét", lấy hên mà
- Hổng biết có "bát" không đây chứ chả "Bốp" với "chát"
- Không "bát" thì "pheo". 6 tháng nữa xào bài làm lại, lo "đếch" gì cho tổn thọ.
- Mất thì giờ, mất công, mất tiền nữa chứ bộ.
Tư trấn an:
- Cậu coi mấy cái mặt vừa "ra" kìa. Mặt nào, mặt nấy tươi rói. Chắc không đến nỗi nào. Mà mày, nói chuyện khác đi.
- Ừ. Chuyện gì bây giờ" Tôi ngớ ngẩn hỏi:
Tư chậm rãi:
- Lẹ thật. Mới ngày nào tôi với ông "lóng cóng" đứng làm "ai nai ti pho" ở phi trường "Si-tắc" thế mà đã 6 năm 8 tháng rồi. Mau thật mau.
Tự dưng máu hề hạ hoắc ở đâu chạy lạc vào tim. Tôi bắt chước Vũ Khanh, đâm hơi "Thời gian trôi đi mau quá. Tiếng Anh tôi chưa kịp đánh vần...Một đường binh mậu thầu mậu lúi..."
Đang luống cúi, chân mình bị ai đạp một cái:
- Này, già rồi chứ không phải lên năm, lên ba gì nghe ông, nó mà đuổi ra ngoài thì ê mặt cả lũ.
- Bà này! hay xen vào "công việc nội bộ" của người ta.
Tư khoái chí bưng miệng cười. Tôi nháy mắt bà xã nhà tôi và tiếp tục "Sự nghiệp còn dang dỡ".
Dường như trong óc tôi, không có loại tế bào bút-mực nên mỗi khi đụng đến bài vỡ, là tôi bị phản ứng mạnh. Thôi cũng đành phó thác cho số mệnh "chuyện gì tới sẽ tới". Tôi không muốn tự an ủi, nhưng cũng chẳng biết làm sao hơn.
Nhớ lại một lần, cách đây 4 năm, tôi đi California ăn cưới con của thằng bạn thân. Tôi nói thân, là vì tụi tôi chơi với nhau từ hồi còn học tiểu học, rồi Trung học. Đi lính cùng đơn vị, rồi đi tù cũng cùng một trại từ Bắc vô Nam. Chỉ đến khi đi Mỹ thì nó một nơi, tôi một ngả. Nó có 1 con trai duy nhất lấy vợ, nên nằn nì vợ chồng tôi dự đám cưới, nhân thể bạn bè có dịp gặp gỡ, tán dóc. Kẹt một cái, nhà tôi cũng chỉ có 3 người, Kéo nhau đi hết thì không được, vì con gái tôi đương học thi "phai-nô". Để nó ở nhà một mình, lại càng không ổn, nên bà xã tôi quyết định, cho phép tôi đi một mình. Ngàn năm một thuở, vỗ cánh chim bay, tôi khấp khởi mừng thầm, nhưng ngoài mặt vẫn làm ra vẻ rầu rĩ. Tôi tả oán với vợ tôi, nào là "lên máy bay, Mỹ nói, anh không hiểu sợ lạc" nào là lúc mắc tiêu, mắc tiểu, ói mửa thì nói làm sao..."
Bà xã nhà tôi, tuy là đàn bà nhưng mạng hỏa, lại sinh vào đầu ông Hoàng Đế, nên tính tình cương quyết như một tướng lãnh:
- Anh không nhớ anh Thành kể chuyện, một bà già đi diện ODP, không biết một chữ tiếng Việt, thế mà vẫn phom phom một mình, lên máy bay từ Tân-Sơn-Nhứt, xuống phi trường San Francisco, đúng phóc, không sai một giờ!
Tôi gân cổ:
- Bà ấy là bà già.
Bà vợ tôi cũng không vừa.
- Thì bà già. Còn anh cũng là ông già chứ là cái gì" Anh cứ cầm cái vé ở tay. Gặp mấy "con" tiếp viên thì chìa ra. Không cần nói gì cả. Tức nhiên nó sẽ chỉ đường cho đi.
Tôi đành riu ríu theo vợ con ra phi trường "Si-Tắc" để đi California. Vì là mùa hè, khách đi lại nhiều,nên các hãng hàng không đều tăng thêm các chuyến bay. Có 2 máy bay cùng cất cánh một giờ, để đi về California. Một chiếc bay thẳng về miền Nam California đáp phi trường Ontario rồi đi Mexico. Chiếc thứ hai ghé Porland - rồi đi Los Angeles và đi đâu nữa, tôi không biết. Tôi mua vé đi chuyến sau vì thằng bạn tôi nó hiện ở "Lốt".
Đúng lẽ cất cánh lúc 12:00 giờ trưa, không hiểu sao chuyến bay cứ bị hoãn lại. Đến gần 6 giờ chiều, chờ không được vợ tôi phải đi về, nhưng không quên dặn:
- Ghế của anh là "Tu-i" tiếng Việt là 2 e. Cầm vé ở tay. Có gì người ta chỉ cho Vợ chồng anh Năm đương ở phi trường đón anh. thôi em về. Chiều mai em ra đón anh.
Tôi mạnh dạn:
- OK em về nhà trông nhà. Chiều mai mẹ con ra đón anh
Vợ tôi về được mộc đỗi, thì tôi nghe trên loa phóng thanh tiếng môt cô gái Mỹ như chim hót mùa Xuân thao thao tràng giang đại hải, rồi thì mọi người đứng lên, chia làm 2 dãy, xếp hàng, đi vào 2 cửa. Tôi phân vân không biết cửa nào đi "lốt" bạo dạn lủi mộc ông Mỹ ngồi bên:
- Sơ! California"
Ông Mỹ gật đầu. Tôi muốn chắc cú, hỏi thêm:
- Sơ! Lốt ăng lết" Vừa nói, tôi vừa lấy ngón tay chỉ vào chữ Los Angeles in trên vé. (Sở dĩ tôi phải làm thế là vì tôi phát âm không được). Rồi chỉ vào ông ta. Ông Mỹ nhìn ngón tay tôi chỉ lại gật gật:
- Yes! Yes!
Vậy là được, tôi nghĩ, mình theo ổng là chắc ăn như bắp. Vì tôi vừa hỏi, có phải ổng cũng đi "lốt" hay không" Tôi hiên ngang sách vali lên tàu. Cô tiếp viên thấy tôi ung dung cầm vé trên tay ngon lành lại là người ngoại quốc nên rất lịch sự nhoẻn một nụ cười dơ tay vào trong.
Tôi cũng lịch sự cười đáp lại, đi tiếp vào trong thâu tàu.
- Where do you go, Sir"
Một cô tiếp viên khác đến gần tôi. Tôi bắt được chữ "Go" nên đáp không cần suy nghĩ:
- "Tu-i"
Và thế là tôi yên vị. Nai nịt xong xuôi. Rồi phi cơ nổ máy. Thân tàu rung chuyển và con tàu rời mặt đất...
Tôi nhắm mắt lơ mơ, nghĩ đến cuộc gặp gỡ thằng bạn thân, sau nhiều năm xa cách. Hồn đang bay bổng theo chiếc phản lực cơ, thì một bàn tay đập nhẹ vào vai tôi. Cô tiếp viên mở to cặp mắt xanh như màu mây trời nhìn tôi.
- Do you speak English"
Tôi bắt được chữ "English" nên lắc đầu:
- Can you speak Chinese, Japanese, Vietnamese"
Tôi mau mắn:
- Vietnamese.
- Ticket! Cô gái vừa nói, vừa lấy tay làm dấu. Tôi đoán rất nhanh, nên móc túi đưa vé cho cô ta. Cô Mỹ liếc nhanh tấm vé nhìn tôi 1 lần nữa, rồi lúc lắc cái mông vừa gọn vừa tròn quay đi. Một khoảnh khắc cô đi trở lại, dẫn theo một thanh niên Á-Châu:
- Chú Việt Nam hả"
- Vâng, tôi Việt Nam.
Anh chàng nhăn mặt:
- Chú đi lộn tàu rồi!
Tôi nhảy nhổm:
- Chết cha! Rồi làm sao"
- Chú đi "lốt" đúng ra phải đi cửa A. Chú đi lộn sang cửa B tức là đi Ontario. Phi cơ này không ghé "lốt".
Sao lúc lên tàu, chú không hỏi rõ. Lỡ rồi. Lát nữa xuống phi trường Ontario, chú phải chờ 6 tiếng mới có 1 chuyến đưa chú về "lốt"!!
Tai hại bạc triệu chứ không ít. Từ đó, tôi cạch không bao giờ dám đi một mình. Hôm nay, chuyến đi này mới thật gay go. Tôi ước gì, mình có được phép lạ học đâu nhớ đấy...Trong thoáng chốc tôi nói tiếng Anh văn chương hơn cả tiếng mẹ đẻ. Với bản lĩnh và kiến thức sâu rộng, tôi bước vào phòng phỏng vấn bình thản như đi "shopping". Phỏng vấn viên của tôi là một kiều nữ Mỹ tóc vàng như tơ nõn. Đôi mắt xanh màu ngọc bích với hai hàng mi cong vút chân mày:
- Good morning Sir, How are you today"
- Good morning Miss! I am great and How about you"
- Excuse me sir, Excuse me Sir, Do you hear me"
Tôi giật mình trở về thực tại. Một cái mông như loại mông của đô vật "Sumô" lù lù đưa ngay trước mặt. Người đàn bà thuộc sắc dân nào không rõ, được gọi lên, đã hối hả, băng qua tôi lách ra ngoài. Cái khối thịt, không có tí ti thẩm mỹ nào, đã đè bẹp tất cả hình ảnh xinh đẹp của tôi, vừa có trong mơ. Tôi còn đang sững sờ thì vợ tôi và con gái tôi hớn hở từ 2 phòng phỏng vấn khác nhau bước ra:
- Anh ơi, em "bát" rồi. Chiều nay 3 giờ tuyên thệ.
- Con cũng thế. Bố chưa được kêu à"
- Chúc mừng mẹ con mày. Bố đương chờ đây.
Vợ tôi tíu tít:
- Cô Mỹ phỏng vấn em tử tế lắm...
Chưa dứt lời thì tôi nghe tên được gọi. Tôi lật đật đứng dậy theo ông Mỹ vào phòng.
- Good morning, How are you doing"
Tôi lóng cóng đáp lại:
- Good morning. I am fine.
Ông Mỹ có mái tóc bạc. Cái kính trắng gọng vàng chảy dài xuống sống mũi. Ổng nhìn tôi:
- Mời ông ngồi, Sao, ông có khỏe không"
Ông ta nói tiếng Việt. Tôi hết sức ngạc nhiên đáp:
- Dạ, cám ơn ông, tôi khỏe. Còn ông"
- Tôi ấy à" Tôi bận lắm. Ông đến Mỹ lâu chưa" À xin lỗi, tôi quên. Ông ở Mỹ gần 7 năm. Ông thấy đời sống ở đây thế nào"
Tôi như trên trời rơi xuống:
- Dạ, tuyệt vời. Tuyệt vời như giọng nói tiếng Việt của ông vậy.
- Ông quá khen. Tôi đang học thêm tiếng Việt và tiếng Tàu vì tôi nghĩ 2 thứ tiếng đó gần gũi nhau. Chắc ông có đọc lịch sử và địa lý Mỹ"
- Thưa có, nhưng không nhớ được nhiều.
- Thế là tốt, miễn là có đọc. Ông nói lên vài điều ông biết về một quốc gia mà ông sẽ là một trong những công dân của nước đó.

Có phải vì tôi không dám làm những việc dữ" Có phải vì tôi thường hay không cầu nguyện Trời Phật phù hộ. Hay cũng có phải vì "Trời sinh voi thì sinh cỏ" cho nên, những kẻ kém thông minh như tôi may mắn được hưởng một chút "thái bình""
Rồi như diễn tiến của sự việc, tôi đã gặp phỏng vấn viên là một người Mỹ từng sống ở Việt Nam nhiều năm, nói tiếng Việt rất sõi - sõi như Delena khi hát nhạc Việt Nam- phỏng vấn trong lần thi nhập Mỹ tịch và thế là tôi cũng "bát".
Từ bấy giờ, tôi nghiễm nhiên trở thành công dân Mỹ. Công dân Mỹ trên hình thức giấy tờ hộ tịch nhưng khuôn dáng vẫn thuần túy là một người Việt Nam mũi tẹt, da vàng và đặc biệt không biết nói tiếng Mỹ dù mang Mỹ tịch: Robert Nguyễn.
Seattle tháng sáu, hai ngàn

NGUYỄN HOÀN

Ý kiến bạn đọc
14/05/202021:48:55
Khách
ong viet van hay qua, lam toi cuoi hoai. toi viet ten ong vao quyen sach nho de khi nao buon thi lay bai cua ong ra doc cho vui. Hi!Hi!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,078,337
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.