Hôm nay,  

Người Hàng Xóm

6/5/202500:00:00(View: 1408)
TG Việt An
TG Việt An (hình do TG cung cấp)
 
Tác giả Việt An sinh năm 1976, qua Mỹ năm 1993, định cư ở Austin, Texas. Cô từng là kỹ sư điện tử ở Intel, nay là nhân viên của bộ Ngân khố, đồng thời là thông dịch viên tự do. Sau đây là bài viết mới của cô kể về người hàng xóm tử tế của cô vừa mới từ trần.

***

"Kính thưa quý vị quan khách,
Tôi tên là J.N.D. Nguyễn, là hàng xóm kế bên nhà anh Don và Michelle. Tôi thật bàng hoàng khi hay tin anh Don qua đời đột ngột vì nhồi máu cơ tim! Thật tình là tôi không hề chuẩn bị để lên đây phát biểu, nên nếu có thiếu sót, mong quý vị lượng tình bỏ qua cho.
Thưa anh Don, tôi biết hương hồn anh đang hiện diện quanh quất đâu đây, trong khán phòng này và nghe được những lời tôi nói. Cảm ơn anh đã luôn là người hàng xóm tốt bụng.  
Anh thường xuyên cắt cỏ cho khoảng sân trước nhà chúng tôi khi cắt cho nhà anh. Không chỉ cắt thôi đâu quý vị, anh còn tỉa rồi thổi bằng máy thổi sạch bóng, từ sát cửa ra vào đến sân xe chạy. Lần nọ, nhà chúng tôi bị bể ống nước, ngập lụt ngoài phòng khách lên tận mắt cá, anh là vị cứu tinh đã khóa nước trước khi chồng tôi kịp về nhà. Bao lần chúng tôi quên đóng cửa “garage” qua đêm, anh luôn nhắn tin cho tôi “Cửa garage nhà chị còn mở đó nhe”!
Tôi cảm thấy rất hổ thẹn vì chưa mời anh được một bữa ăn Việt Nam! Tệ thật! Tôi có mua biếu anh hộp bánh vào dịp Noel mấy năm nhưng nhìn lại thấy không đủ so với những gì anh đã làm cho gia đình tôi! Nhưng tôi vĩnh viễn không còn dịp nữa rồi!
Thưa quý vị, tôi biết chắc là trong cuộc đời này, tôi sẽ không bao giờ tìm được một người hàng xóm thứ hai như anh Don! Không bao giờ!
Anh Don thương kính ơi, hãy an nghỉ!"

Nước mắt lưng tròng làm mờ cả lối đi, tôi thờ thẫn trở về chỗ ngồi!

Trên đây là đôi lời cảm nghĩ tôi đã bày tỏ tại buổi Celebration of Life, tạm dịch là Lễ Tán Dương Cuộc Đời của anh Don Kutach, hàng xóm sát rào phải của chúng tôi. Kể từ đó, tôi không còn thấy bóng dáng thấp thoáng của một người đàn ông trung niên xuyên qua hàng rào nhà, người hay mặc quần swim shorts (loại người ta mặc để bơi) và áo T-shirts, ra tưới cỏ, hay leo lên mái nhà cao để thổi lá rụng. Mái đầu bạc trắng hay ló nhấp nhô bên kia hàng rào khi anh đứng tưới cỏ hay vuốt ve con chó bẹc giê lớn gần bằng một sư tử con. Tiếng sủa của nó cũng to làm bé gái Việt Khuê (lúc còn nhỏ) giựt mình khóc thét lên.

Xa vắng rồi! Nhà anh bây giờ cô quạnh quá! Đìu hiu quá! Lạnh lẽo quá!
 
Người hàng xóm
Nhà anh Don bên trái, nhà chúng tôi bên phải. (hình do TG cung cấp)
 
Cứ mỗi lần ngó qua nhà anh là tôi nhớ tới một người hàng xóm hiền từ, đôn hậu! Xe truck của anh vẫn nằm y nguyên trước nhà. Từ khi anh ra đi, chị Michelle, cô bạn gái của anh, hầu như vẫn để tất cả mọi thứ trong nhà, những thùng đựng đồ còn ngổn ngang, cái đèn, bàn làm việc, nhà bếp, vv… y nguyên như cũ. Tiếng chuông gió sau nhà anh vẫn kêu vang những tiếng leng keng. Chuồng chim của anh vẫn còn kia.  Máy cắt cỏ nay chị bạn gái đã trùm giấy bạt xanh.  Đồ cho chim hummingbirds (chim ruồi) uống nước thì chị Michelle đã lấy xuống. Lẽ dĩ nhiên, cỏ nhà anh không còn xanh như trước. Tôi tự hỏi sao cô bạn gái của anh không dọn dẹp trong nhà cho thoáng đãng, để ngổn ngang như vậy bị stressed chết đi được! Nhưng rồi tôi nghĩ lại, phải chăng cô muốn thời gian ngưng đọng, frozen in time, muốn mọi thứ đứng yên như cũ theo thời gian, khóa chặt mọi giây phút, mọi ký ức để lưu dấu lại hạnh phúc và kỷ niệm của hai người? Cũng y như tôi để yên đống củi anh chất giùm tôi, không di, không dịch?

Là một kỹ sư nhu liệu (software engineer) cho IBM với bằng Thạc sĩ, anh Don bị cho nghỉ việc một thời gian, sau đó anh lại được nhận vô làm lại theo dạng hợp đồng (contractor). Anh thật hiền lành, tử tế, và vô cùng tốt bụng. Tội nghiệp lắm! Gần như anh biết trước sự ra đi của mình và đã chuẩn bị mọi thứ cho cô bạn gái: tân trang nhà, làm hàng rào sau lẫn bên hông trái với chúng tôi. Nhưng không may, anh chưa ở được mấy ngày, chưa hưởng thụ được mấy ngày cả! Họ thích có một mặt lò sưởi (mantel) lát đá, tân trang lại phòng tắm lớn, bếp, cùng một vài khung tường hình vuông thay vì hình vòng cung ở những chỗ ra vào. Lúc làm hàng rào, anh cũng là người dời đống củi nhà qua một bên giùm tôi. Có một dạo, anh với nhà chúng tôi sử dụng máy cắt cỏ chung. Chồng tôi bảo anh có thể tự nhiên mở cửa garage mà lấy để dùng. Dĩ nhiên anh cắt luôn cho chúng tôi, lần nào cũng như lần nấy. Sau khi anh mất, bất cứ khi nào tôi hay chồng hay các con tôi cắt cỏ, đều cắt luôn khoảnh sân cho chị Michelle.  

Có điều, tôi nghe phong phanh nhưng không hỏi thêm là có một cuộc chiến pháp lý đang diễn ra giữa mẹ anh Don và cô Michelle, bạn gái của anh. Mẹ anh Don (vốn không thuận với anh lúc anh còn sống) muốn giành lấy cái nhà và tài sản của anh để lại, trong khi cô Michelle thì không có hôn thú nhưng được xem là vợ theo common law marriage của tiểu bang Texas:  trên 18 tuổi, cùng thỏa thuận sống chung và trước công chúng xem nhau là người phối ngẫu.
 
Tôi thường nhận thấy những người thật đàng hoàng, tử tế, tốt bụng hay mất sớm. Cứ như họ được sanh ra trên đời này, trả hết nợ trần gian trong cuộc đời ngắn ngủi trên đất tạm dung, rồi vừa khi trả dứt món nợ đó thì đột nhiên dứt bỏ hồng trần, ra đi không báo trước hay không hề có một tín hiệu gì. Ví dụ như anh Linh, một người bạn của vợ chồng chúng tôi, cũng là người đã chụp hình lễ đính hôn cho chúng tôi, mất sớm ở độ tuổi 30. Anh hiền từ và đạo đức vô cùng. Vốn cũng là dân H.O., người Bắc di cư và là người công giáo rất ngoan đạo, anh sống rất được lòng bạn bè và người chung quanh. Mỗi khi từ trường đại học về thăm nhà, anh hay chở tôi từ College Station (trường Đại Học Texas A & M) về Houston giùm. Rồi bỗng nhiên, một lần đi chơi biển Pensacola ở Florida với mấy bạn sinh viên từ trường Đại Học Houston, anh bị sóng cuốn đi, dầu chỗ anh đứng không sâu và anh vốn biết bơi không tệ. Anh đúng là vắn số! Bố mẹ, gia đình và bạn bè thương tiếc anh biết dường nào!  


Người chụp hình đám cưới chúng tôi cũng mất bất đắc kỳ tử ở tuổi bốn mươi mấy hay năm mươi mấy trong một khách sạn, khi đang đi chụp hình cưới tại Dallas. Cặp dâu phụ, rể phụ của chúng tôi đều là bạn học cùng trường Nha khoa của chồng tôi (Đại Học Nha Khoa Texas tại San Antonio - một trong những trường Nha Khoa đứng đầu của Hoa Kỳ) cũng đã chia tay. Anh rể phụ, P., là một bác sĩ nha khoa, chuyên về nướu răng và cấy chân răng người Tàu, đã nghe lời mẹ, kết hôn với một người môn đăng hộ đối hơn. Nghe đâu hai người rất thương nhau nhưng vì gia đình, anh đã chia tay với bạn gái Việt Nam để cưới cô vợ Tàu. Có lần tôi thấy hình con anh trên Facebook. Hy vọng anh tìm được hạnh phúc của mình. 

Cô bạn gái cũ của anh (một trong hai cô dâu phụ của tôi) người Việt Nam, rất dễ thương. Cô cũng là bác sĩ nha khoa, có văn phòng tại Dallas. Kể từ lúc họ chia tay, tôi không còn gặp lại cô ấy nữa. Chắc hẳn cô rất nhớ và muốn gặp chúng tôi. Chúng tôi thì rất tha thiết, mà nhất là tôi, nhắn muốn gặp cô khi có dịp lên Dallas, nhưng cô cứ năm lần bảy lượt khéo léo khước từ. Riết rồi tôi hiểu ý cô và thông cảm cho cô vì cô không muốn nhớ lại kỷ niệm xưa với P. Gặp mặt chúng tôi chắc chắn sẽ đưa cô về với dĩ vãng, một dĩ vãng đau thương. Vậy là tự nhiên chúng tôi vĩnh viễn mất đi một người bạn tốt một cách ngang xương! Ở đời tự nhiên có nhiều cái duyên ngồ ngộ. Mà duyên tụ rồi duyên tan cũng như chớp mắt, chỉ có người trong cuộc, (nhứt là người chịu thiệt thòi hơn) mới hiểu! Thôi thì cứ thuận duyên mà sống!
 
Tôi ước gì thế gian này có nhiều những người sống tốt hơn, đối đãi với nhau tử tế và hết mình như anh Don, hàng xóm của tôi. Nghĩ mà buồn cho sự đời. Mỗi người được sanh ra trên thế gian này tạm dung một thời gian, rồi đều được gọi về thế giới bên kia vào những thời điểm và hoàn cảnh khác nhau. Cát bụi rồi sẽ trở về với cát bụi. Chết rồi thì nhắm mắt xuôi tay, có ai đem theo được gì đâu? Tham lam để được cái gì? Lừa lọc nhau để làm chi? Tôi tự hỏi sao có không ít người trên trần gian cứ hết lần này đến lần khác mãi lừa lọc nhau không nương tay trên đời này thế kia? Người lừa tiền, kẻ lừa tình! Tại sao có nhiều người không thể hướng thiện, tích đức để đời sau vì phước đức do mình tích luỹ có thể trổ quả ngay ở đời này và rất nhiều đời sau? Sao họ không thể chế ngự mình, cứ thích tạo nghiệp rồi đổ thừa cho hoàn cảnh? Sao người ta không xét lại mình rồi tu tâm tích đức để hành thiện? Hành thiện thì gặp thiện đó mà! 

Người Mỹ có câu “don’t judge the book by its cover”.  Người Việt ta thì có câu “đừng trông mặt mà bắt hình dong” hay “tốt gỗ hơn tốt nước sơn.”  Có nhiều người nếu không biết gì về anh Don có thể sẽ phán xét anh theo một lối mòn rập khuôn, nói thí dụ, “Ôi, Mỹ trắng mà, họ sống hời hợt, lạnh lùng, vô cảm chớ có phải như người mình đâu!” Nếu vô tình nghe được câu này, tôi xin mạn phép phản bác: “Xin thưa, đừng lầm to! Chủng tộc nào cũng có người tốt, kẻ xấu. Những lịch lãm, hào nhoáng bên ngoài của con người không phản ánh được tánh tình thật sự của người đó.”

Những ngộ nhận thường tình về khuôn mẫu người Mỹ trắng trong vòng một số người là không nên có. Những ai thường hay có ngộ nhận hay đánh giá dựa trên bề ngoài một cách khuôn mẫu là chưa biết qua anh Don đó thôi! Tôi sẽ kể họ nghe câu chuyện anh hàng xóm của tôi. Dù không cùng màu da và dù không nợ nần gì chúng tôi nhưng là những người đối đãi thật tử tế và thật lòng với chúng tôi từ đầu chí cuối; những người đức độ như anh chắc chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chúng tôi thật may mắn có được một láng giềng có một không hai như anh Don! Trong một thế giới mà người người luôn tìm trăm phương ngàn kế hại nhau hay vắt óc suy nghĩ để lừa lọc nhau bằng nhiều hình thức, thì một người láng giềng chân thành, tử tế và tốt bụng như anh Don quả thật sáng ngời như ngọc trai!

Tôi ước gì con người trên thế giới này bằng vào lời nói, bằng vào hành động, sống đẹp lòng nhau không chút hối hận! Ước gì con người không vì tiền mà cũng đừng làm điều gì tổn thương nhau dù chỉ một lần, để khi có hối hận cũng đã quá muộn màng! Ước gì con người thường xuyên trao cho nhau những lời hay ý đẹp, nếu không được chi bằng làm thinh, không ai nói những lời tổn thương nhau với ai! Ước gì người ta không cố tình lừa gạt nhau! Nếu đã lỡ một lần thì người ta sẽ quay đầu là bờ nhỉ! Ước gì người ta không ngoan cố, hết lần này đến lần khác sống không thành thật để gỡ gạt nhưng thật ra đưa mình dấn sâu hơn vào tội lỗi! Ước gì tất cả những người còn ở lại chung quanh tôi luôn đối xử tốt với tôi bằng hành động và bằng cả ngôn từ. 

Nói một cách khác, người Mỹ có câu “treat others like you want to be treated”, tạm dịch là hãy đối xử với người khác như anh muốn được đối xử. Thiết nghĩ không có gì khó cả! Riêng tôi thấy rất dễ thực hiện và cũng là điều tôi cố gắng sống mỗi ngày.  Tôi cố gắng đối đãi với người khác như đó là lần gặp, lần nói chuyện hay lần email cuối cùng. Nếu sống với nhau như thế, tôi thiển nghĩ, sẽ không có dịp để hối hận về sau.
 
Việt An
Ngày 9 tháng 3 năm 2025

 

 

 

Reader's Comment
6/23/202519:18:32
Guest
beautiful ao dai and photo
thank you for story
6/12/202519:33:09
Guest
Cảm ơn Tác giả một bài viết hay và cảm động.🙏🙏🙏
Send comment
Off
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Your Name
Your email address
)
Add a posting
Total View: 259,770
Sự tái xuất của bà Ấn Độ không gây xôn xao gì trong hãng, tất cả bình thường với người phụ nữ đã ngoài năm mươi, không còn sức thu hút hay gây chú ý như cô gái trẻ. Tôi chỉ biết bà là người mới qua lời sếp dặn tôi, “Ông để mắt tới bà ấy dùm tôi…” Tôi hiểu ý sếp nhờ tôi giúp đỡ cho bà ấy hoàn thành công việc. Tôi có để mắt đến bà nên chán nản vì bà chính xác là không làm được gì cả. Không biết bà có hiểu cho tôi bị sếp coi như tôi làm việc hai người chứ không còn mình ên.
Hạnh phúc là chữ được viết nhiều trong văn học và được ngườì đời thường xuyên nhắc đến. Nhưng khi hỏi: hạnh phúc là gì và do đâu mà có thì chẳng biết trả lời làm sao cho trọn vẹn. Từ xưa đến nay chưa thấy có một định nghĩa phổ quát nào về chữ hạnh phúc được mọi người đồng thuận. Có người bảo: hạnh phúc là sự mãn nguyện một ước mơ, an vui trong cuộc sống; làngười khác nói: hạnh phúc không có tiêu chuẩn, không do ban phát, không mua bán hay đổi chác mà có. Nó là một trạng thái cảm xúc từ con tim của mỗi cá nhân trong khoảnh khắc làm người ta hài lòng với những gì hiện hữu - nó rất riêng tư và phát sinh từ sự tỉnh thức của tâm hồn… Vậy, xem ra: đi tìm hạnh phúc ở tương lai với những mơ ước hay quay về quá khứ mà quên những giây phút hiện tại thì con người khó lòng bắt gặp hạnh phúc đích thực.
Huỳnh Thanh Tú là giáo viên tiểu học trước khi cùng gia đình định cư Mỹ năm 2001 tại Hoa Kỳ. Bà từng làm việc cho học khu tại Houston, Texas trước khi về hưu và dành toàn bộ thời gian làm vườn, chăm sóc các cháu, du lịch và tham gia các chuyến tham quan của cộng đồng người hưu trí tại địa phương. Tác giả tham dự VVNM với bài viết đầu tiên “Áo khoác để ngoài cửa.” Bài viết kỳ này thuật lại chuyến thăm cảng Houston với nhiều chi tiết thú vị.
Tôi từng chủ trương viết cho chương trình Viết Về Nước Mỹ theo trường phái trào phúng vì quan niệm cuộc đời đã quá nhiều đau khổ và tôi muốn các bài viết của mình sẽ đem lại một niềm vui cho độc giả. Tuy nhiên, hôm qua về thăm ba ngày Father’s Day, bỗng dưng tôi muốn đổi hệ và quyết định viết một bài theo trường phái nghiêm và buồn để nhớ về ba của tôi. Thân phụ của TG khi còn mang lon trung úy Thân phụ của TG khi còn mang lon Trung úy Khi tôi có trí khôn thì ba đã đi tù cải tạo được ba năm. Lúc ba ở các trại tù trong ba năm đầu, việc đi thăm khó khăn nên chỉ có má đi một mình. Sau khi ba chuyển về trại Suối Máu, nơi thăm nuôi tương đối dễ dàng nhất trong các trại, má cứ thay phiên dắt bốn thằng con trai đi thăm ba. Thỉnh thoảng bà nội cũng đi theo. Ba, với cấp bậc đại úy, đi tù “vừa phải” nên tôi mới “hơn” đám bạn cùng trang lứa...
Khi đến San José (Bắc Cali) theo diện H.O. vào cuối tháng 10, năm 1992, sau một thời gian ngắn, cuộc sống gia đình gồm ba người: vợ, con trai và tôi tạm ổn định. Vợ và con tôi tiếp tục đi học. Còn tôi đã xin vào làm cho hai hãng điện tử Flextronis và IBM. Công việc cuối cùng là Crossing Guard. (Hướng dẫn học sinh và bộ hành qua đường an toàn). Đây là công việc bán thời gian. Tôi đã làm hơn 17 năm. Sau đó, vì lớn tuổi, sức khoẻ giảm và không còn lạnh lẹ như trước, nên tôi không thể tiếp tục được nữa!
Đây không chỉ là câu chuyện nhà họ. Mà đâu đó, chúng ta sẽ thấy bóng mình trong đó. Trong những nhọc nhằn gian khổ bước đầu. Trong giọt nước mắt tủi thân, bất lực. Trong mơ ước nhỏ nhoi, bình dị của một con người - có một việc để làm, một mái nhà để trú, một cuộc đời hạnh phúc, an yên bên gia đình. Chúng ta sẽ dễ dàng có được sự gần gũi và đồng cảm với họ. Vì tất cả cùng một phận đời di dân.
“Xin được tự giới thiệu, tôi tên là N.D., là thông dịch viên cho H.V. hôm đó V. gọi báo cảnh sát Anh nhờ tìm kiếm anh H. Không hiểu sao có gì đó xui khiến, tên và chi tiết cá nhân của anh H. còn lưu giữ trong máy kindle của tôi. Điều rất kỳ lạ là bình thường tôi viết lên bảng điện tử rồi xóa đi, duy chỉ bữa đó tôi sử dụng kindle nên chi tiết về anh H. còn lưu lại. Sau khi dịch cho V., tôi thật lo lắng, bồn chồn, cầu nguyện cho anh H. được bình an, còn sống ở đâu đó, hay đã đi thoát trên mấy xe kia. Cầu mong sao tên anh không có trong danh sách 39 người! Thật bàng hoàng và đau xót khi cuối cùng thấy danh sách của cảnh sát hạt Essex, Anh, được công bố có tên anh H. Tôi không biết nói gì hơn là thành thật chia buồn cùng gia đình. Thắp giùm tôi nén nhang trên bàn thờ anh H., V. nha! Xin hãy nén đau thương mà sống!”
Biết được chùa Hương Đạo cần nhiều thiện nguyện viên giúp cho việc chuẩn bị Đại lễ Tam Hợp (Đại Lễ Vesak) tại Chùa Hương Đạo, vào một ngày cuối tuần, tôi có chút thời gian rảnh nên tôi đến chùa để làm thiện nguyện. Chùa Hương Đạo nằn ở thành phố Fort Worth là ngôi chùa tôi thỉnh thoảng lui tới để làm công quả. Chùa có cảnh quan khá đẹp và sạch sẽ. Trong khuôn viên chùa trồng rất nhiều cây và nhiều loại hoa khác nhau như hoa anh đào (sakura), hoa hồng, hoa râm bụt, hoa sứ, hoa cúc trắng, hoa dã quỳ...
Từ ngày về hưu, Ông Tư thong thả, nhưng buồn! Hằng tuần, vào buổi sáng thứ Bảy, sau ngày xổ số Powerball Lottery, ông thường lang thang trong khu Phước Lộc Thọ, mong tìm gặp các bạn già rủ nhau uống ly cà phê, tán gẫu sự đời, bình luận thời sự chính trị … cho qua thì giờ. Gần mười hai giờ, chia tay các bạn già, ông thả bộ vào một tiệm 7- Eleven gẩn đó mua một tấm vé số Powerball, rồi về nhà ăn trưa.
Miếng ăn là miếng tồi tàn Mất đi một miếng lộn gan lên đầu. Câu nói dân gian trên chắc có lẽ chỉ được áp dụng tại Việt Nam hay những nước chậm tiến trong những năm tháng nghèo đói. Ăn uống là nhu cầu sống còn của con người và vì thế người ta nhiều khi phải đánh mất phẩm giá của mình để tồn tại. Tuy vậy, tôi thấy câu này vẫn có thể áp dụng tại Mỹ, đất nước giàu có nhất thế giới và đồ ăn thì dư thừa.
Nhạc sĩ Cung Tiến