Hôm nay,  

Muộn Màng

10/12/202400:00:00(Xem: 2044)

bo-sach-vvnm 

Tác giả tên thật Lại Ngọc Thành, định cư tại Hoa Kỳ từ 1984, cư dân Houston, nghề nghiệp Computer Engineering nay đã về hưu. Ông đã tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm 2005 và nhận giải thưởng Danh Dự năm 2006 với bài viết "Nước Mắt Chảy Xuôi". Bài viết kỳ này là một câu chuyện dài của một gia đình từ Việt Nam đến Hoa Kỳ với những đổi thay hoàn cảnh và lòng người.

***

Lá thư nào viết gửi cho chị em Thu, má Thu cũng bắt đầu bằng bốn chữ "Các con thương nhớ". Tiếng là gửi chung cho ba chị em, nhưng hình như má Thu chỉ thủ thỉ tâm tình với chị Thúy, còn Thu với thằng Tuấn tuy cũng được nhắc nhở tới, nhưng là ở cuối thư, phần "dặn dò dạy bảo"! Thiệt tình mà nói thì Thu cũng không lấy làm khó chịu lắm về lối cư xử hơi thiếu công bằng này. Chẳng phải Thu đại lượng gì cho cam, nhưng tại vì Thu đã quá quen với lối đối xử khác biệt của má Thu đối với ba chị em, từ hồi còn ở quê nhà. Điều này Thu đã cảm nhận thấy từ hồi bé xíu, chẳng hạn như những lần mấy chị em giành giựt đồ chơi, bao giờ má Thu cũng bênh vực chị Thúy, dù chị là chị lớn nhứt trong ba đứa. Hay những lần được chia quà cáp bánh trái, bao giờ chị Thúy cũng được phần nhiều hơn.

 Có nhiều lý do khiến má Thu tỏ ra ân cần săn sóc chị Thúy một cách đặc biệt. Có thể vì chị Thúy là con đầu lòng, mà ba má Thu lại là con lớn của cả hai bên nội ngoại, nên chị Thúy trở thành đứa cháu đầu tiên của cả hai họ, không những được ba má Thu tưng tiu mà cả ông bà nội ngoại cô cậu chú dì đều vồ vập săn đón. Không biết có phải vì được cưng chìu quá đáng hay vì luật bù trừ của tạo hóa mà chị Thúy cứ đau bệnh rề rề quanh năm suốt tháng. Một tháng ba mươi ngày thì chị Thúy đã bị nhức đầu sổ mũi hết hai mươi tám ngày, hai ngày còn lại thì chị bị đau răng hay nóng sốt.

Bởi vậy mang tiếng là chị hai trong nhà mà so ra vóc dáng của ba chị em đẻ năm một, chị Thúy ốm o và còm cõi như một đứa em út sinh thiếu tháng. Cũng nhờ bệnh hoạn liên tục và triền miên như vậy, cộng thêm với sắc đẹp trời cho, chị Thúy giống hệt như những nhân vật chính trong tiểu thuyết của Quỳnh Dao, tiểu thư con nhà đài các ẻo lả và mong manh ... như một cành lan, như trong nhạc của Vũ Đức Nghiêm. Một điều buồn cười là cả Thu với thằng Tuấn đều không vì sự thiên vị của má Thu mà ganh tị hay ghét bỏ chị Thúy, trái lại cả Thu và Tuấn đều ra sức bảo vệ và che chở mỗi khi chị Thúy bị bạn bè bắt nạt.

Chị Thúy quý những lá thư má Thu gửi sang lắm. Những lá thư má viết, chữ nhỏ li ti trên giấy pelure mỏng lét để nhẹ tiền cước, loại giấy ngả màu cháu lòng vì bị nấu đi nấu lại cả chục lần, được chị Thúy vuốt lại phẳng phiu, xếp theo thứ tự ngày tháng, để trong cái hộp giấy màu hồng gối ở đầu giường. Thu nhớ hồi còn ở đảo, mỗi lần nhận được thư má, đọc xong bao giờ chị Thúy cũng đầm đìa nước mắt, mặc dù trong thư má Thu chỉ nhắc tới những kỷ niệm ngày xưa khi ba chị em còn ở quê nhà, những hôm trời mưa mấy mẹ con ướt như chuột lụt đứng ngoài đường trú mưa ở hiên nhà nơi má Thu dọn hàng bán cà phê mỗi tối, hay những lần tay xách nách mang những gạo những khoai ra tận Vĩnh Phú thăm nuôi ba Thu ... Lá thư nào cũng bắt đầu bằng những dòng thăm hỏi, xong đến phần kể lể kỷ niệm, rồi cuối thư là phần dặn dò Thu với thằng Tuấn phải ngoan ngoãn vâng lời chị Thúy. Tự trong thâm tâm, má Thu vẫn nghĩ tụi Thu vượt biên được phần lớn là nhờ công lao, hay đúng hơn, là sự hy sinh của chị Thúy.

Lùi lại vào những năm đầu mất nước, sau khi ba Thu khăn gói lên đường đi học tập cải tạo, mấy mẹ con ở nhà bán dần những đồ đạc trong nhà để xài dần trong lúc chờ đợi ba Thu ra khỏi tù. Một năm, hai năm rồi ba năm, những bàn những ghế, những tủ áo, ti-vi, máy hát, vòng vàng tư trang của má Thu cứ lần lượt đội nón mà đi mà ba Thu mãi biền biệt chưa về. So với những bà con lối xóm, có người còn phải xếp hàng ở bệnh viện bán máu lấy tiền mua gạo nuôi con thì hoàn cảnh bốn mẹ con Thu cũng còn đỡ hơn nhiều lắm. Cho tới lúc sắp sửa phải gỡ những miếng gạch bông lót trên nền nhà, hay tháo tole lợp trần để bán thì má Thu được người quen chỉ vẽ cho mở một quán cà phê vỉa hè, vốn liếng không cần nhiều, chỉ cần một ít ly tách, bàn ghế và thương lượng một căn nhà mặt tiền có khoảng sân trước tương đối rộng để mướn bán cà phê mỗi đêm.

Nhờ có quán cà phê buôn bán có đồng ra đồng vào, cuộc sống của mấy mẹ con mới dễ thở hơn một chút. Chị Thúy học xong lớp chín, thi vào lớp mười không đậu, ở nhà theo má Thu đi bán. Mỗi chiều khi trời vừa chạng vạng là má Thu và chị Thúy lo chất nào đường, cà phê, thuốc lá, trà ... lên hai chiếc xe đạp ọp ẹp, đạp ra đường Trần Quang Khải dọn hàng. Những hôm nào nắng ráo còn đỡ, gặp hôm trời chuyển mưa, má Thu phải lấy cái áo mưa nhà binh cũ phủ lên thùng hàng cho khỏi ướt. Tội nghiệp chị Thúy, hôm nào trời mưa đi bán về chị cũng bị cảm lạnh, tối nằm ôm ngực ho sù sụ. Sau này những hôm chỉ bịnh Thu phải thay chỉ ra phụ má dọn hàng. Mà mỗi lần ra phụ như vậy Thu bị má Thu la tắt bếp, nào là con gái con đứa mà tay chưn lóng ngóng vụng về, không ý tứ gì ráo, bưng cà phê cho khách mà thiếu điều muốn đổ vô mặt người ta, tính tiền thì lộn tới lộn lui, ly tách thì làm bể liên tục ... Nói gì thì nói chứ Thu là chúa ghét cái nghề buôn bán, phục vụ, lại còn cơm bưng nước rót hầu hạ khách hàng, lại còn phải dầm mưa dãi nắng. Chưa kể nếu bị tụi bạn học bắt gặp, chắc Thu độn thổ vì mắc cỡ. Nhưng riết rồi cũng quen. Có được một chỗ mua bán để đắp đổi qua ngày như vầy, theo như lời má Thu nói, là "phước mấy mươi đời ông bà tổ tiên để lại". Nghĩ lại cho cùng thì cũng đúng, vì so ra mẹ con Thu cũng còn may mắn hơn biết bao nhiêu người cùng hoàn cảnh phải đi kinh tế mới, thậm chí có mấy bà vợ sĩ quaan phải chắp nối với bọn cán bộ kiếm tiền nuôi con ...

Má Thu có một người quen mở một cửa hàng cà phê trong Chợ Lớn. Nhờ họ chỉ vẽ cho một vài mánh lới trong nghề để pha cà phê phin cho ngon, pha nước chanh sao cho đậm đà, lại được giới thiệu những mối hàng quen chuyên buôn trà và cà phê từ Bảo Lộc, Lâm Đồng, hay Ban Mê Thuột xuống nên không sợ mua lầm cà phê pha hột bắp ... nhờ vậy nên má Thu cũng có được một số khách quen. Ngoài cà phê phin, má Thu còn bán cả cà phê pha vợt cho những kháchc hàng bình dân hơn thuộc giới xích lô hay xe ôm, tạt vô nhâm nhi vài ngụm cà phê hay phì phà vài hơi thuốc Hoa Mai, Đà Lạt ... Với hình thức "tân cổ giao duyên" này, quầy cà phê của má con Thu cũng khá đông khách. Đám thanh niên choai choai mới lớn vừ được uống cà phê rẻ tiền, vừa được trồng cây si chị Thúy, được bọn họ gọi bóng gió là "tiểu thư con nhà khuê các hết thời bò ra vỉa hè kiếm ăn".

Trong đám thanh niên này, kiên nhẫn và dày dạn nhứt phải kể tới anh Hán. Mỗi chiều cứ sáu giờ má Thu dọn hàng ra thì khoảng sáu giờ rưỡi anh đã phóng xe Honda lại, kêu một ly cà phê phin sữa và một gói thuốc lá Samit, rồi bắt đầu "ngồi đồng" cho tới lúc má Thu dọn hàng mới chịu về. Một hai tuần đầu anh còn ngồi yên lặng ngắm chị Thúy pha cà phê, nhúm lửa, rồi từ từ anh cũng lân la lại làm quen. Lúc đầu má Thu cũng không mấy gì ưa anh Hán, đàn ông con trai gì mà ngày tối không thấy làm ăn gì ráo, cứ ngồi quán cà phê ngắm gái coi bộ không khá nổi. Nhưng lần lần thấy ảnh cũng có vẻ hiền lành, lại là khách sộp, nên má Thu cũng bớt có ác cảm. Mà thiệt vậy, anh Hán là người Việt gốc Hoa, con nhà khá giả vì nghe nói ba có phần hùn trong mấy nhà hàng lớn trong Chợ Lớn.

Nếu chỉ có việc ngồi trồng cây si chị Thúy năm này qua tháng nọ thì anh Hán cũng đâu có khác gì đám thanh niên choai choai đến quán hàng ngày. Đàng này một hôm anh đột ngột đến tìm má Thu tận nhà, và ngỏ ý muốn xin cưới chị Thúy để cùng anh đi vượt biên. Lúc ấy vào khoảng giữa năm 1978, cả Sài gòn đang lên cơn sốt về việc xuất cảnh người Hoa của Việt Cộng. Đi vượt biên chui nếu rủi có bị bắt thì bị đi cải tạo năm ba năm là chuyện thường, nhưng nếu đóng vàng cho nhà nước thì sẽ được tổ chức đi đứng đàng hoàng, có danh sách hẳn hoi, và được công an hộ tống xuống tàu như đi du lịch!
 
Trở lại chuyện anh Hán, sau khi nghe anh ngỏ lời, má Thu há hốc mồm:

- Cậu nói giỡn hay nói chơi vậy? Cậu quen biết con Thúy được bao nhiêu lâu mà dám đi hỏi cưới nó?

Anh Hán khổ sở phân bua:

- Lẽ ra thì cháu cũng phải làm quen nói chuyện với Thúy trước để dò ý của Thúy. Nhưng thời gian không cho phép nữa vì ba má cháu đang mua tàu đi bán chính thức ở Vũng Tàu. Nếu được cấp giấy phép và kêu đủ người thì một hai tháng nữa là cháu đã đi rồi. Cháu biết tới hỏi bác đột ngột như thế này là cũng đường đột lắm, nhưng mong bác hiểu là mấy tháng nay, từ hôm tạt ngang quán bác uống cà phê thấy Thúy là hôm nào cháu cũng lại xe xuống Tân định để ngồi ngó Thúy. Bác cũng biết cháu là người Hoa, không rành tiếng Việt lắm, nếu cháu nói chuyện có gì không đúng mong bác xính xái cho.

Má Thu lắc đầu:

- Chuyện cậu hỏi đột ngột quá, tôi không biết đàng nào để trả lời. Để chút nữa con Thúy về tôi gợi ý hỏi nó coi sao. Mà chiều nay cậu đừng có ra quán nữa nghen, có gì mai mốt buổi sáng cậu ghé ngang nhà rồi tôi báo cho cậu biết.

Chuyện anh Hán dám "mạo muội" hỏi cưới chị Thúy làm cả nhà Thu mất ăn mất ngủ mấy tuần liền. Ảnh đã thẳng thắn đề nghị với má Thu, nếu chị Thúy đồng ý lấy ảnh, chuyện dắt cả nhà Thu đi bán chính thức không thành vấn đề, vì ba ảnh là chủ tàu, muốn "nhét" bao nhiêu người lại không được! Lúc đó đối với má con Thu, chuyện vượt biên là cái gì đó xa vời lắm. Mở một quán cà phê vốn liếng có vài chỉ vàng mà má Thu phải chạy đi vay mượn cùng khắp, nói chi kiếm ra mười mấy cây vàng cho một đứa để được đi bán chính thức!

Mấy đêm liền mặt má con Thu người nào người nấy cứ căng ra như dây đàn sắp đứt. Đi vượt biên thì đứa nào cũng muốn, nhưng để chị Thúy phải lấy một người chồng mà chị chưa tìm hiểu, chưa có một chút cảm tình thì cũng tội cho chỉ quá! Được cái anh Hán dòm bề ngoài coi cũng tương đối "sạch sẽ", tuy là người Hoa nhưng sinh đẻ ở Sài gòn nên ảnh nói tiếng Việt nghe cũng trơn tru lắm.

Thu không biết ngày xưa nàng Kiều của Nguyễn Du bán mình chuộc cha tâm trạng rối bời ra sao, chứ từ hôm nghe anh Hán ngỏ ý, chị Thúy cứ đi ra đi vào như người mất hồn. Thu nhớ má Thu nói với chị Thúy: "Lúc nào thì má cũng muốn săn sóc đùm bọc cho các con. Ở chế độ này, với lý lịch của mấy đứa thì còn lâu mới ngóc đầu lên nổi. Chuyện lo cho mấy đứa đi vượt biên thì má không có khả năng, nhưng nếu bắt con phải hy sinh hạnh phúc cá nhân để lo cho mấy em thì má không nỡ. Má để tùy con quyết định". Cuối cùng rồi chị Thúy cũng đồng ý lấy anh Hán, đem theo Thu và thằng Tuấn cùng anh đi vượt biên. Má Thu ở lại lo thăm nuôi ba Thu, đợi ngày ổng ra tù rồi tính.

Vậy là chị Thúy đi lấy chồng! Năm đó chị mới có 18 tuổi. Ngày mai trong đám xuân xanh ấy, có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi! Chị Thúy theo chồng, dắt theo hai đứa em, xuống tàu vượt biên, tới một vùng đất xa lạ, tương lai và hạnh phúc đều mù mờ. Đám cưới chị Thúy không tổ chức ở nhà thờ, cô dâu không bận áo soiree trắng đội khăn voan như chị Thúy vẫn thường mơ ước. Để lối xóm và công an không để ý, má Thu nói anh Hán chỉ nên tổ chức một bữa tiệc nhỏ ở nhà hàng cho gia đình hai bên biết mặt. Ba má anh Hán biết ảnh định lấy vợ Việt, ổng bả kịch liệt phản đối. Nhưng vì anh Hán ra điều kiện nếu không cho ảnh lấy vợ thì ảnh sẽ ở lại nên cuối cùng hai ông bà phải nhượng bộ.

Bữa tiệc cưới nhỏ ảm đạm được tổ chức tại nhà hàng Soái Kình Lâm, chỉ có đãi một bàn tiệc, gồm gia đình anh Hán và bốn má con Thu. Bà má anh Hán ngồi trong bàn tiệc mà cặp mắt cứ trừng trừng nhìn chị Thúy như muốn ăn tươi nuốt sống làm má Thu không khỏi ngột ngạt và lo sợ cho cuộc sống dâu con sau này của chị Thúy. Hôm trước khi xuống tàu vượt biên, má Thu đã dặn tới dặn lui anh Hán là sau này khi định cư dù muốn dù không cũng nên dọn ra ở riêng, xây tổ ấm cho hai đứa, chứ để chung đụng sớm muộn gì cũng có xích mích mẹ chồng nàng dâu. Má Thu lo xa cũng phải, vì đâu cần qua tới Mỹ, chỉ vừa tới đảo Bidong ở Mã Lai, chị Thúy đã bị bà già chồng hạch sách đủ điều. Mỗi lần làm điều gì phật ý bả, là bả ném cho chị Thúy một cái nhìn lạnh lùng, mà miệng thì xổ một tràng tiếng Tàu, nghe líu lo cứ như là chim cú hót!

Ở đảo được vài tháng, tụi Thu được gia đình một người bà con xa của anh Hán bảo lãnh về Cali. Qua tới Mỹ chưa được bao lâu, ba anh Hán mới khám phá ra bao nhiêu tiền chuyển ngân qua trước đã bị người ta gạt sạch. Từ một ông chủ bự ở Chợ Lớn, tuy cũng còn một chút vốn liếng của cải mang theo, nhưng bao nhiêu của chìm của nổi một sớm một chiều tan tành thành mây khói, ba anh Hán tức quá đứng tim mà chết.

Anh Hán, từ một chàng công tử bột ở Sài Gòn, giữa một xã hội thời bao cấp thiên hạ chạy gạo kiếm ăn từng bữa, mà ảnh chỉ biết xách xe honda đi dạo quán xá, nay bỗng dưng trở thành rường cột của gia đình, phải đảm đương một bà mẹ già, thêm một người vợ mới cưới và hai đứa em vợ "ăn theo" là Thu và thằng Tuấn, ở một xứ sở hoàn toàn xa lạ, về cả ngôn ngữ, phong tục, trong khi ảnh không có bằng cấp gì lận lưng. Ông bà mình bảo thời thế tạo anh hùng chẳng biết đúng hay sai, nhưng anh Hán quả thật thích ứng với hoàn cảnh mới một cách nhanh chóng không ngờ. Vì tiến Anh không rành, anh Hán phải xin vào làm việc cho các nhà hàng Tàu ở phố Tàu, làm hai ba “jobs”, vừa rửa chén, bồi bàn, khuân vác trong mấy tiệm tạp hóa ...

Lúc này Thu và thằng Tuấn theo học ở một trường trung học gần nhà, đi về có xe bus nhà trường đưa rước. Má anh Hán, từ sau cái chết của ba ảnh, phần thì nhớ chồng, phần vì tiếc của, đâm ra lẩn thẩn, ngày tối cứ nhốt mình trong phòng lẩm bẩm những gì không ai hiểu. Nhiều đêm anh Hán đi làm về khuya, ảnh bới vội chén cơm rồi hâm nóng thức ăn đem từ nhà hàng về, bưng vào phòng rồi ngồi đút cho má ảnh ăn. Hai mẹ con xí xô xí xào nghe vừa buồn cười vừa tội nghiệp!

Chị Thúy thì chẳng bao giờ dám bén mảng tới gần má anh Hán, vì y như rằng hể thấy bóng dáng chị thấp thoáng là bả gầm gừ, làm như mọi sự sa cơ thất thế trong gia đình bà, đều là do anh Hán lấy chị Thúy làm vợ mà gây nên. Mấy lần chị Thúy định bàn với anh Hán gửi bà vô trong viện dưỡng lão cho có y tá săn sóc nhưng thấy tội nghiệp quá nên thôi. Vả lại có muốn anh Hán cũng không có khả năng. Tuy đi làm hai ba “jobs”, nhưng lương ba cọc ba đồng, anh Hán cũng đâu kiếm được bao nhiêu, lương lãnh về, chỉ vừa đủ trang trải tiền nhà, tiền thuốc men cho má ảnh, lại còn chi tiêu lặt vặt trong nhà. Vài ba tháng một lần, ảnh còn thu vén mua quà gửi về cho má Thu ở Sài Gòn, mặc dù chị Thúy không dám yêu cầu.

Ban ngày khi anh Hán đi làm và tụi Thu đi học, chỉ còn chị Thúy và má anh Hán ở nhà, chị Thúy phải "núp" trong phòng, giết thì giờ bằng mấy băng nhạc Việt Nam sang lại mua ở chợ, hoặc nằm bò trên giường, đọc và viết thư cho má Thu. Dạo này có lẽ vì hợp với thời tiết bên này, chị có vẻ khỏe hẳn ra, không còn bệnh rề rề như trước, tướng tá coi có da có thịt hơn hồi còn bên nhà, trông nẩy nở và quyến rũ hơn hồi còn con gái nhiều lắm. Năm sau khi Thu và thằng Tuấn cùng chuyển trường lên đại học, hai đứa phải dọn lên trường kiếm thuê phòng cho tiện việc đi lại, chị Thúy cũng ghi tên học Anh văn ở một trường đại học cộng đồng gần nhà cho qua ngày tháng. Cuộc sống cứ lặng lẽ trôi, cho tới một hôm Thu mới khám phá ra một chuyện động trời là chị Thúy có bồ!

Hôm thi cuối khóa mùa đông xong, thấy còn sớm, Thu lái xe lên trường chị Thúy định rủ chị đi shopping mua mấy món quà cho mùa Xmas. Vừa đậu xe xong, Thu chồm ra ghế sau định lấy cái áo khoác vào người cho đỡ lạnh thì nom thấy chị Thúy chui vào một chiếc xe còn khá mới, phóng đi. Đoán là chị quá giang xe bạn về nhà nên Thu cũng lái xe về nhà ngồi chờ. Nào ngờ đợi suốt cả buổi chiều cũng không thấy tăm hơi chỉ đâu. Bây giờ là cuối năm, mấy cái shopping mall đang sale đồ giáng sinh, chắc chỉ đang đi mua sắm đồ với mấy người bạn.

Lúc chị Thúy bước vô nhà, ngó thấy chị không có xách cái gì hết ngoài cái túi đi học, Thu ngạc nhiên hỏi:

- Bộ bữa nay không có cái gì rẻ hay sao mà bà đi về tay không vậy?

Chị Thúy ngó Thu:

- Mày nói cái gì rẻ? Tao mới đi học ở trường về mà, mua bán cái gì!

- Chớ không phải hồi sáng bà chun vô cái xe màu xanh đi shopping sao? Tui định phóng xe rượt theo mà không kịp!

Chị Thúy lắp bắp:

- Mày thấy cái gì? Bữa nay còn đi học mà mày làm cái gì ở trường tao?

Thu bưng trái “cantaloupe” lên ngồi ở bàn ăn, vừa gọt vừa trả lời:

- Hôm nay tui thi xong môn cuối, định ghé trường rủ bà đi shopping chơi. Ai dè tới nơi thì bà đã đi mất tiêu, biết vậy hồi sáng tui rủ con nhỏ Hạnh đi cho rồi. Bà làm cái gì mà mặt mày xanh lè xanh lét vậy? Trúng gió hả?

Chị Thúy ngồi phịch xuống ghế:

- Hồi sáng tao đi chiếc xe màu xanh thiệt, nhưng không phải đi shopping. Thu này, tao nói cho mày nghe chuyện này, nhưng mày khoan viết thư về kể cho má nghen. Để từ từ rồi tao tính. Chừng nào đâu vào đó xong xuôi tao sẽ nói cho má nghe sau.

Thu trợn mắt ngó chị Thúy:

- Chuyện gì ghê vậy bà? Chuyện gì mà bà rào trước đón sau dữ vậy?

Chị Thúy thở dài:

- Chắc tao với anh Hán phải ly dị quá!
 
Thu sửng sốt:

- Hả? Bà nói cái gì? Bấy lâu nay tui đâu có nghe bà than thở gì đâu, sao tự dưng hôm nay lại nói chuyện động trời vậy? Bà không nói chơi đó chứ?

Chị Thúy thiểu não:

- Chuyện nghiêm trọng như vậy ai lại đi nói chơi bao giờ! Tại chưa tới lúc phải nói, với lại tao cứ chần chờ vì nghĩ còn có cách cứu vãn. Thiệt ra anh Hán cũng tốt với tao lắm, nhưng giữa tao với ảnh không có tình cảm. Mày cũng biết vì sao tao lấy ảnh rồi mà ...

Thu ngắt lời:

- Nhưng hồi đó bà chấp nhận mà. Ảnh đâu có ép bà, má cũng đâu có ép bà. Ăn ở với nhau hai ba năm nay, rồi tự dưng bà muốn bỏ ảnh, ờ mà bà đã nói cho anh Hán chưa?

- Tao không biết phải mở miệng nói với ảnh làm sao nữa. Anh Phú, cái anh chạy chiếc xe màu xanh hồi sáng đó, có nói với tao là nên giải quyết càng sớm càng tốt, sẽ dễ dàng cho cả đôi bên.

Thu nhíu mày:

- Ở đâu mà lòi ra cái thằng cha Phú nào nữa đây? Chắc bà cặp với thằng cha Phú này rồi định về bỏ anh Hán chớ gì? Tui thiệt không hiểu nổi bà. Mấy năm nay ảnh lo cho bà từng chút, tui với thằng Tuấn có là gì của ảnh đâu mà ảnh cũng đối xử như em út ruột thịt của ảnh. Chưa nói ảnh còn gửi quà về Việt Nam cho má. Tụi mình qua đây được cũng là nhờ ba má ảnh tổ chức, vậy mà bây giờ bà nỡ nào ...

Chị Thúy khổ sở nhăn nhó:

- Tao có phủ nhận lòng tốt của anh Hán với gia đình ảnh đâu, nhưng chuyện tình cảm đâu có dễ dàng như mày nói. Những gì anh Hán giúp đỡ tụi mình, từ từ tao sẽ tìm cách đền bù cho ảnh. Hai năm nay mang tiếng là vợ chồng chứ tao với ảnh có tâm sự gì với nhau đâu. Tao nghĩ đối với ảnh như vậy cũng không công bằng. Thà là ảnh kiếm người khác thương ảnh, biết đâu ảnh sẽ có hạnh phúc hơn?

Thu lắc đầu:

- Tui không có tán đồng bà ly dị đâu. Nhưng bà muốn làm sao đó thì làm, tui chỉ mong bà suy nghĩ cặn kẽ để sau này khỏi hối tiếc.

Rồi chuyện gì phải tới đã tới. Chị Thúy và anh Hán làm thủ tục ly dị, không kiện tụng lôi thôi vì cả hai đều cùng chưa có tài sản hay con cái để tranh chấp. Hai người bỏ nhau chóng vánh y như hồi làm đám cưới. Chị Thúy dọn ra riêng, share phòng với người bạn học, còn anh Hán thì vẫn ở căn apartment với má ảnh. Thu không ngờ anh Hán có thể chia tay với chị Thúy một cách dễ dàng như vậy.

Hôm tới nhà ảnh để dọn đồ đạc cho chị Thúy, thấy ảnh đi ra đi vô, tay cầm ly bia mà gương mặt buồn hiu, Thu mới gợi chuyện:

- Anh Hán vẫn đi làm chỗ cũ hả?

Ảnh cười chua chát:

- Thì cũng chỗ cũ. Mà nếu có đi làm chỗ mới thì cũng chừng đó việc, cu li mà, đâu có phân biệt mới hay cũ.

Phải chi mà người ta có thể nói với nhau những câu an ủi như trong tuồng cải lương thì chắc Thu đã có nhiều điều để nói với anh Hán. Nào là những ơn nghĩa gia đình ảnh đã mang chị em Thu qua đây, nào là thời gian đầu ảnh đã bảo bọc chị em Thu trong lúc bao nhiêu sóng gió dồn dập xảy ra với ảnh ... vậy mà Thu cứ ngậm câm như hến, chỉ yên lặng cắm cúi xếp những đồ dùng của chị Thúy cho vào thùng giấy. Lúc phụ anh Hán bưng cái thùng từ nhà ra bỏ vào cốp xe, Thu mới giúi vô tay anh Hán tấm giấy nhỏ, có ghi địa chỉ và số phone của mình. Thu lắp bắp:

- Anh ở lại mạnh giỏi. Có địa chỉ và số phone của em ghi trong tờ giấy này nè, có gì anh liên lạc với em nghen. Dù gì thì em với thằng Tuấn cũng coi anh như anh lớn trong nhà. Mà em biết ba má cũng coi anh như con trong nhà vậy. Nhớ giữ liên lạc với em nghen.
 
Anh Hán nói nhỏ:

- Chừng nào ra trường nhớ báo cho anh biết, anh sẽ đi dự! Mà có lấy chồng thì cũng nhớ gửi thiệp cho anh. À quên nữa, có viết thư cho má, cho anh gửi lời hỏi thăm.

Thu nói dạ rồi chun vô xe rồ máy. Trên suốt đường về, Thu cứ lan man nghĩ không biết rồi anh Hán sẽ ra sao, vì Thu biết chắc ảnh vẫn còn thương chị Thúy lắm. Thái độ dửng dưng chấp nhận một thực tế phũ phàng của anh Hán làm Thu lo ngại.

Năm tháng trôi qua, không có gì bất trắc xảy ra giữa anh Hán và chị Thúy. Một năm sau khi ly dị, chị Thúy bước thêm bước nữa, và theo anh Phú, chồng sau của chỉ, dọn sang Texas sinh sống. Thằng Tuấn chuyển trường xuống Los, vì được nhận vào medical school ở UCLA. Còn Thu vẫn quanh quẩnh ở San Jose, vừa đi học vừa đi làm.

Mấy năm sau ba má Thu sang Mỹ theo diện HO, về định cư ở Texas cùng với gia đình chị Thúy. Chị đã có một đứa con gái, cuộc sống hôn nhân êm ấm như chị vẫn từng mơ ước. Thu tốt nghiệp ra trường, làm cho một hãng điện tử vùng Thung Lũng hoa vàng. Anh Hán giữ liên lạc được với Thu một thời gian rồi cũng dọn đi đâu mất tiêu, nghe nói ảnh dọn xuống Los hùn vốn mở một nhà hàng Tàu. Vậy cũng tốt, Thu chỉ cầu mong ảnh có được một đời sống êm ả bình thường như mọi người.

Má Thu cứ mỗi lần gọi phone nói chuyện với Thu là y như rằng hỏi chừng nào Thu mới chịu lấy chồng, Thu cứ ì à nói lảng sang chuyện khác. Thiệt tình có nhiều buổi chiều đi làm về, Thu phải ghé mấy cái shopping mall đi lòng vòng mua sắm, thấy đời sống cũng sao mà tẻ nhạt. Dĩ nhiên Thu cũng có một vài người bạn trai, nhưng quan hệ chỉ tới mức mời nhau cuối tuần đi nhảy đầm dạ vũ là hết. Chắc rồi cũng tới lúc Thu phải đi lấy chồng, cho có với người ta. Má Thu cứ dọa: "Con đã hăm mấy rồi, đâu còn trẻ trung gì nữa, đợi tới lúc lên băm thì có ma nào nó thèm rước nữa!". Thu cười: "Lấy chồng thì cũng phải có duyên có số, chứ hổng lẽ vì sợ tuổi băm mà con cứ chạy ra đường, quơ đại một thằng đui mù sứt mẻ nào đó về làm con rể má chắc?". Má Thu đầu hàng: " Mày tuổi con cua mới đúng, ăn với nói, ngang phè!".

Cuối tuần này Thu phải bay sang DC dự một cuộc họp thường niên trong hãng. Cùng đi có vợ chồng đứa bạn làm chung. Nó rủ Thu:

- Ê Thu, họp xong thứ sáu mày với vợ chồng tao lái xe lên Atlantic City chơi nghen mậy? Nghe nói bên đó có khách du lịch từ châu Âu sang nên lịch sự và sang trọng lắm, không có xô bồ xô bộn như ở Las Vegas hay Reno đâu!

Thu cười:

- Bài bạc tao chỉ biết chơi chó mỗi bài cào, lên trên đó làm gì?

Nhỏ bạn cười hăng hắc:

- Thì đi ngắm thiên hạ Tao chỉ có biết kéo máy thôi, để tao truyền nghề lại cho mày. Với lại mày không nghe nói cờ bạc chuyên môn đãi những tay chơi ngang à? Trên đó còn có Trumph Castle của lão tỉ phú Trumph, chuyên môn tổ chức Hoa Hậu thế giới đó, nghe nói kiến trúc lộng lẫy lắm, sẵn qua miền đông, mình ghé thăm cho biết.

Thu hờ hững:

- Ừa, đi thì đi, mày có ăn tiền cò của mấy sòng bạc ở bên đó hay sao mà quảng cáo cho tụi nó dữ vậy?

- Rủ mày đi để có người tán dóc trên xe cho đỡ buồn ngủ, chứ hai vợ chồng tao đi một mình, tao ngủ trên xe sợ thằng chả cũng buồn ngủ đâm đầu vô xe khác là vỡ nợ!

- Tưởng mày tốt lành gì, ai dè cũng biết tính toán quá chớ!

Con nhỏ bạn cười ngỏn ngoẻn bỏ đi.

Hôm tới Atlantic City, lúc hai vợ chồng con nhỏ bạn bị mấy cái sòng xì phé và máy cái máy kéo hớp hồn, Thu đi bộ lòng vòng ngắm thiên hạ. Những ánh đèn sặc sỡ, những gương mặt căng thẳng, mắt nhìn không chớp những con bài chia xoèn xoẹt trên bàn, những cô chiêu đãi viên ăn bận hở hang ... tất cả tạo thành một thế giới ăn chơi làm Thu choáng ngợp. Bỗng Thu nhìn thấy một người đang đứng chia bài có cái dáng quen quen, Thu định thần nhìn kỹ, rồi buột miệng la:

- Anh Hán!
 
Anh Hán đang chia bài cho một bàn xì dách, nghe kêu, ngẩng lên thấy Thu, anh hơi giật mình rồi ra hiệu cho Thu chờ anh một lát. Chừng mười lăm phút sau, anh lấy giờ nghỉ, đưa Thu ra cafeteria trò chuyện:

- Em đi đâu mà lạc qua tới bên đây lận?

Thu mừng quá:

- Em đi họp cho hãng ở dưới DC, sẵn có bạn rủ lên đây chơi cho biết. Anh dọn qua đây từ hồi nào, sao không nói cho em biết? Có đứa bạn nói gặp anh ở dưới Los mà.
 
- Anh có ở Los hùn vốn với bạn mở nhà hàng, nhưng ế ẩm quá phải sang lại cho người khác. Rồi thất nghiệp phải bay qua đây chia bài, kiếm cơm ngày hai bữa vậy mà. Đi xa để đổi không khí! Dạo này em lớn bộn rồi nha, chững chạc hẳn ra. Chồng con gì chưa? Có dẫn theo không, giới thiệu cho anh biết với?

- Có ma nó mới thèm lấy em! Anh ở đâu vậy, cho em địa chỉ, ngày mai em ghé thăm. Gặp anh ở đây em mừng quá, em về gọi phone báo cho má biết, chắc má mừng lắm.

Anh Hán ngạc nhiên:

- Má qua rồi hả? Lâu chưa?

- Được hơn một năm nay rồi, nhờ đi diện HO của ba, chứ nếu chờ chị Thúy bảo lãnh chắc còn lâu. Còn chị Thúy ...

Anh Hán làm ra vẻ thản nhiên:

- Thúy khỏe không? Sao đang nói em lại ngưng ngang vậy?

- Chỉ lập gia đình rồi, có một đứa con gái giống chỉ lắm. Ờ mà anh cho em địa chỉ nhà anh đi, ngày mai em sẽ ghé thăm. Mà ... anh đang ở một mình chớ?

Anh Hán đón lấy cây viết trên tay Thu, cúi xuống vừa hí hoáy viết vừa trả lời:

- Em lại chơi buổi trưa nha. Anh làm tới gần sáng mới về lận, còn phải dọn dẹp nha cửa sơ sơ để đón khách quý nữa chớ!

Hôm sau vì hai vợ chồng con nhỏ bạn còn ngủ vùi trong khách sạn sau một đêm bị mấy con bài hành hạ, Thu đón xe taxi, một mình tới khu chung cư anh Hán ở. Lúc Thu còn lóng ngóng dò số nhà thì một người đàn bà đang bế con chơi ở một xích đu gần đó mon men lại gợi chuyện:

- Cô là người Việt phải không? Kiếm nhà ai vậy?

Thu chìa mảnh giấy anh Hán viết hôm qua:

- Thím biết nhà nào là nhà anh Hán không, làm ơn chỉ dùm?

Người đàn bà ngó Thu dò xét:

- Cô là bạn ảnh hả? Ảnh đi làm chưa về.

- Dạ không cháu là em ... bà con của ảnh, bị thất lạc địa chỉ mấy năm nay. Cháu ở bên Cali, hôm qua mới tình cờ gặp ảnh ở Casino, ảnh cho cháu địa chỉ nhà để cháu ghé lại thăm.
 
- Hèn gì. Tui thấy ảnh ở đây mấy năm rồi mà có thấy bà con thân thích nào đâu, ngoại trừ mấy con bồ Mỹ có, Mễ có, Tàu có. Ờ mà cô bà con với ảnh là bà con làm sao vậy? Tui thấy cô đâu có giống ảnh chút xíu nào đâu?

- Dạ bà con cô cậu, có điều hơi xa, tại má ảnh là chị họ của ba cháu ...

Người đàn bà ngồi xuống xích đu, tiếp tục tía lia:

- Hèn gì cô với ảnh dòm mỗi người một mặt. Anh Hán này bình thường cũng được lắm, ảnh làm chung chỗ chia bài với ông xã tui chớ đâu! Có điều mỗi lần ổng nhậu say là thôi, bán trời hổng mời thiên lôi đó cô!

- Hồi đó cháu nhớ là ảnh cũng đâu có bia rượu gì nhiều đâu, thỉnh thoảng cũng có uống bia, nhưng say xỉn như thím nói cháu chưa hề thấy. Bộ dạo này ảnh nhậu nhẹt dữ lắm hả thím?

Người đàn bà chép miệng:

- Nói nhậu dữ thì cũng quá, một tháng đôi ba lần thôi. Cô biết mà, đàn ông độc thân, tiền bạc nếu không nướng trong sòng bài thì cũng cho gái ăn hết. Bây giờ là ảnh tu tâm dưỡng tánh dữ lắm rồi đó, nghe đồn là hồi đó ảnh cũng có gia đình đàng hoàng, rồi đi buôn bán ma túy gì đó, vợ biết được, bỏ đi lấy chồng khác! Ảnh chán đời, mới dọn qua đây làm ăn đó chứ!

Thu trợn mắt:

- Cái gì mà có buôn bán ma túy nghe ghê vậy thím? Anh Hán ảnh hiền khô mà!

Người đàn bà thở dài:

- Thì bởi vậy! Nhưng mà nghe nói tu rồi, chỉ có đánh bài với ... gái gú thôi. Ối mà cô ơi, mấy thằng cha chia bài, mười thằng cha là hết mười một thằng ghiền, làm được bao nhiêu là đem vô cúng lại cho tụi nó hết. Như ông nhà tui kìa, hổng có tui tay hòm chìa khóa kè kè bên cạnh, thì hổng biết ở nhà có cháo ăn không nữa!

Thu hỏi lại:

- Còn vụ mua bán ma túy thì sao thím? Ai nói cho thím nghe vậy?

- Cần gì ai nói cô! Cái cộng đồng Việt Nam ở đây nhỏ như cái lỗ mũi, ai nhỏng đít lên là tui biết liền. Nói thiệt chứ muốn điều tra, tui còn có thể biết hồi đó bên Việt Nam ảnh làm nghề gì nữa kìa! Ờ mà thôi cô ngồi đây chờ ảnh nghe, tui bồng nhỏ con gái vô dỗ cho nó ngủ. Hay là cô muốn vô nhà tui uống miếng nước rồi ngồi đợi ảnh không, không biết chừng nào ảnh mới về!

Thu thối thoát:

- Dạ cám ơn thím, cháu ngồi ngoài này đợi ảnh được rồi.

Người đàn bà đứng dậy đi vô nhà. Ngó theo cái dáng đi lạch bạch, Thu lại miên man nghĩ về câu chuyện bả mới vừa kể. Cũng có thể đúng mà cũng có thể sai. Ai có quyền cấm bả thêu dệt cho câu chuyện thêm phần hấp dẩn? Nhưng có một điều Thu chắn chắn là mấy năm nay cuộc sống của anh Hán cũng không mấy êm đẹp, trôi giạt xuống Los mở nhà hàng làm ăn thất bại rồi bay sang miền đông làm nghề chia bài, cái nghề mà người Việt mình ít có ai coi trọng.

Mấy năm trước, ngày dắt ba chị em Thu xuống tàu vượt biên, chắc chẳng bao giờ anh Hán nghĩ cuộc đời của ảnh cứ kéo dài, từ bế tắc này sang bế tắc nọ, đưa anh đến thành phố ăn chơi này, nơi mà anh kiếm sống bằng nghề đứng chia bài cho khách du lịch, rồi khi về tới nhà lại đắm chìm trong men rượu, hay những người con gái đủ mọi sắc tộc, hoặc lại đắm mình trong những sòng bài, nguồn phương tiện nuôi sống anh.

Thu biết lát nữa đây khi gặp Thu, anh Hán sẽ vẫn cười xuề xòa hỏi thăm Thu về cuộc sống, một cuộc sống khá ngăn nắp, và chẳng bao giờ than thở hay kể cho Thu nghe cuộc sống nhàm chán của anh, hay một ước mơ có một mái ấm, một người vợ, dăm ba đứa con, một công việc bình thường ... Thu biết anh Hán cũng chỉ mơ ước chừng đó, vậy mà ảnh vẫn đi tìm kiếm bao nhiêu năm nay.

Thu ngồi ở ghế xích đu không biết bao lâu, nhớ lại từng kỷ niệm của anh Hán từ hồi còn ở quê nhà, từ hồi anh còn mỗi ngày phóng xe từ Chợ Lớn lên khu Đa Kao, "ngồi đồng" ở quán cà phê vỉa hè của má con Thu, những lần anh phụ chị Thúy nhúm bếp, lọ nghẹ dính đầy trên mặt ... tới lúc nghe tiếng xe của anh quẹo vào khu chung cư, Thu mới giật mình quay lại. Anh chồm mình ra khỏi cửa xe nói với Thu:

- Thu đợi anh lâu chưa? Anh ghé chợ Đại Hàn mua một ít đồ ăn về nấu đãi Thu đây. Lâu quá rồi anh mới vô bếp nấu anh đó nghen. Tối nay anh nấu đãi Thu món gà rút xương kiểu Đại Hàn, ngon hết biết ...

Thu bước lại đỡ cái bịch ni lông trên tay anh Hán. Hình như đây là lần đầu tiên Thu ngó thật kỹ vô đôi mắt anh, cái đuôi mắt nhăn nheo làm anh già trước tuổi. Ngó xuống cái quần jeans bạc thếch anh đang mặc, bỗng dưng Thu bật khóc khiến anh cuống quít:

- Đợi anh có một chút mà làm gì khóc vậy? Hồi đó anh nhớ lúc đi bán cà phê, anh nghe má la em hoài mà có thấy em khóc bao giờ. Sao giờ lớn rồi mà lại trở nên mít ướt vậy?

Thu nói qua làn nước mắt:
 
- Tại xe anh quẹo vô làm bụi bay vô mắt em chớ bộ! Bây giờ mà anh còn nhắc làm chi chuyện hồi xưa ở bên nhà hả? Anh có nhớ có lần hết nước đá má sai em đi mua, anh kêu em lên xe Honda của anh để anh chở đi mua cho mau, anh chạy giỏi đến nỗi đi ngang ổ gà, em té cái bịch xuống đường nằm đo ván mà anh cũng không hề hay biết ...

Anh Hán ngắt lời:

- Nhưng mà anh có quay lại kiếm em mà, thấy em còn ngồi một đống ở chỗ gà, hai đầu gối còn rướm máu. Anh nhớ sau lần đó anh có dẫn em với thằng Tuấn đi coi xi nê với ăn bò bía đền tội rồi mà. Hồi xưa sao mà dễ thương quá em há! Thôi vô nhà đi để anh trổ tài nấu cho em ăn. Sáng giờ chưa có gì vô bụng chắc em đói dữ rồi há ...

Đi theo anh Hán vào nhà, hai chân Thu cứ ríu lại. Thu bỗng bật cười khi nghĩ anh Hán quả có máu Tàu trong người, gặp nhau chưa kịp hỏi thăm sức khỏe đã hỏi: "Nị có đói bụng không? Ăn cơm chưa?". Tiếng cười của Thu làm anh Hán quay lại, ngạc nhiên:

- Con nhỏ này ngộ không! Mới thút tha thút thít khóc đó mà bây giờ đã cười. Nhớ đừng có cười hả miệng to quá, gió vô bị đau bụng anh không có dầu cù là xức đâu đó nghen.

Nói xong anh Hán cười giòn tan. Lâu lắm rồi Thu mới nghe lại giọng cười hồn nhiên không âu lo của anh. Đột nhiên thấy anh cứ ngó mình chầm chập, Thu bối rối ngó xuống đất làm bộ sửa giầy, nói bâng quơ:

- Chỗ anh ở cát bụi tùm lum. Hồi nãy bụi bay vô mắt, bây giờ lại có mấy hột cát rớt vô trong giày, đi khó chịu quá ...

Anh Hán tưởng thiệt, cúi xuống định giúp Thu tháo giày để phủi cát. Thu ngó thấy mấy sợi tóc bạc lơ thơ lẫn trong mái tóc ảnh, tự dưng giật mình. Sao nãy giờ Thu cứ để ý nào đuôi mắt ảnh, vài sợi tóc bạc, hay chiếc quần jeans bạc thếch! Làm như sợ anh bắt gặp được ý nghĩ của mình, Thu lùi lại, lắp bắp nói:

- Thôi để lát nữa vô nhà tự em một mình phủi được rồi. Anh đưa bớt cái bịch ni lông cho em, anh còn phải mở cửa nữa mà.

Dù không soi gương, Thu cũng biết hai gò má của mình đang đỏ au lên vì mắc cỡ. Lâu lắm rồi Thu mới thấy mình mới có cảm giác rung động lạ thường. Có ai cắt nghĩa giùm Thu những rối ren ấy?

Anh Hán vẫn vô tư đi trước. Thu ngó theo cái dáng chịu đựng của ảnh mà thấy lòng tự dưng thanh thản và bình an vô cùng ...
 
Ngọc Duy
 
 

Ý kiến bạn đọc
12/12/202406:27:02
Khách
Đọc tựa đề của bài chủ là "Muộn Màng" cùng với nội dung của bài có thể suy đoán rằng cô Thu và anh Hải sẽ rốt cục nên duyên cầm sắt .
11/12/202422:35:07
Khách
Câu chuyện hay.Và lời văn cũng hay luôn, cho dù mãi tới năm 1984 mới rời khỏi được VN.

Cô Thu và anh Hán có nên duyên vợ chồng không ? Cô Thu tốt nghiệp đại học và có việc làm vững chắc ở một hãng điện tử, khác hẳn với anh Hán, bằng cấp đại học không có mà việc làm thì xoàng xĩnh, chỉ được có tính nết coi bộ hiền lành . Anh Hán có buôn bán ma túy thật không ? Và đây có phải là lý do chính mà cô Thúy chán ngán dứt bỏ anh Hán không, cũng may hai người không có con với nhau ?
11/12/202401:48:25
Khách
Nhờ tác giả viết tiếp phần 2, đang đọc hay quá. Bây giờ ráng tưởng tượng những gì sắp xảy ra, xin cho kết cục hạnh phúc...
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 409,960
Chúng tôi đến phim trường khoảng năm giờ chiều, một tiếng trước giờ quay. Khoảng ba mươi phút sau, đạo diễn chương trình bước lên sân khấu để giúp mọi người làm nóng chuẩn bị cho buổi quay. Ông đạo diễn dặn rằng nếu thấy cái bảng đèn điện có chữ "Applause", mọi người khán giả chúng tôi nhớ vỗ tay thật lớn. Nếu cái bảng "Noise" chớp đèn, chúng tôi nhớ la hét điên cuồng. Nếu bảng "Stand" chớp đèn, mọi người nhớ đứng lên. Vì là lần đầu tiên được tham gia chương trình ghi hình trực tiếp, tôi không hiểu tại sao đạo diễn dặn chúng tôi những điều này để làm gì. Tôi cảm thấy buồn cười khi đạo diễn ra hiệu cho nhân viên điều khiển ba cái bảng trên lần lượt chớp để chúng tôi thực tập. Chúng tôi ngoan ngoãn làm theo: hết vỗ tay đến la hét rồi đứng lên. Khi chương trình quay hình bắt đầu, cả ba cái bảng đều chớp lia lịa ngay lúc Dennis Miller bước ra sân khấu. Tất cả mọi người trong trường quay đều đứng lên, vừa la hét vừa vỗ tay long trời lở đất.
- Ôi, tội nghiệp quá. Rồi sao nữa chị? - Mẹ của Lộc muốn em làm theo ý của mình là học ngành điện toán hay khoa học, nhưng Lộc lại giấu mẹ theo học về hội họa. Sau khi mẹ em biết được, bà buồn, thất vọng và có thể chì chiết gì đó nên Lộc đã mua súng để tự bắn mình. - Chuyện xảy ra khi nào vậy chị? - Cách đây vài tuần. Sau lễ Thanksgiving. - Trời!
Thời gian vụt như thoi đưa ngoài khung cửa. Mới đầu Tết Quý Mão đó mà bây giờ đã sắp hết năm chuẩn bị đón xuân Giáp Thìn. Mấy hôm nay được nhiều nơi biếu lịch, tôi ngạc nhiên chỉ thấy in toàn hình con Mèo mà không phải con Rồng. Vào ông Google tìm hiểu thắc mắc của mình nhưng không thấy trang Web nào đề cập. Nhìn hình lịch toàn những con Mèo đen, trắng, xám, nâu thật xinh” thì ra con Mèo được người ta quý trọng như vậy. Tôi nghĩ đến ông chồng tuổi Mão, bất ngờ cảm hứng muốn viết đôi điều về người chồng đã chung sống với mình gần 40 năm...Xin phép cho tôi được gọi Chàng là con Mèo cho gọn. Con Mèo này không hề phá làng phá xóm hay làm mất lòng ai, nên được bà con thương mến cảm tình.
Năm 2023 đã qua đi và để lại cho thế giới cũng như Hoa Kỳ những hệ lụy, những biến động vì thiên tai, biến đổi khí hậu, tác động của Covid-19, lạm phát tăng cao, kinh tế trì trệ và cả chiến tranh, các cuộc xung đột của Nga - Ukraine và Palestine - Israel. Năm qua, bang California chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ của vấn nạn trộm cướp, đập phá, đặc biệt là những vụ bạo lực gây náo động xã hội. Các công ty, doanh nghiệp bán lẻ ghi nhận sự gia tăng đáng kể về tổn thất tài chính liên quan đến nạn trộm cắp. Các công ty, doanh nghiệp bán lẻ đã phải tăng cường đội ngũ an ninh, thuê thêm nhân viên bảo vệ, thay đổi sản phẩm, cất giữ hàng hóa có giá trị trong các hộp khóa, giảm giờ hoạt động hoặc buộc phải đóng cửa các cơ sở, cửa hàng.
Tổng Thống Abraham Lincoln đã có một câu nói nổi tiếng: You can fool all of the people some of time; you can fool some of the people all of the time, but you can't fool all the people all the time.” Tạm dịch: Bạn có thể đánh lừa tất cả mọi người một lúc nào đó; bạn có thể lừa dối một vài người nhiều lần, nhưng bạn không thể lừa dối tất cả mọi người mãi được”. Nhà Phật có thuyết nhân qủa, trong Thánh Kinh Thiên Chúa nói: Điều gì con không muốn người ta làm cho mình thì đừng làm cho người ta. Đó là những ràng buộc tâm linh về lẽ công bằng. Hướng dẫn mọi người hãy cố sống cho phải đạo.
Hôm nay tôi có họp và tiệc cuối năm với cấp trên, có cả màn ảo thuật đặc biệt giúp vui ở phần cuối nên buổi tiệc kết thúc hơi trễ, mãi 9 giờ tối mới lò mò về. Khi lái xe về gần đến nhà, tôi nhớ ra hôm nay cũng là ngày trong tuần County đi lấy rác. Mùa đông trời tối sớm. Thời tiết mấy hổm rày lại nhiều gió và lạnh âm độ C, nên thật nhát ra ngoài trời. Tôi tưởng tượng sau khi mang cặp giỏ đi làm vào nhà, tôi sẽ phải đẩy hai thùng rác vào trong. Nhưng khi đến nhà, tôi ngạc nhiên không thấy thùng rác của mình nằm bên lề đường đợi. Lái xe vào sâu bên trong driveway thì thấy thùng rác đã nằm ngay ngắn ở chỗ của chúng.
Tâm hồn đang mơ say với giấc mộng đẹp còn vương lại từ đêm hôm qua. Bỗng nghe tiếng gọi của dì Thu, tôi giật mình tỉnh giấc rồi mà lòng vẫn còn luyến tiếc mộng mị an lành vừa thoáng tan đi. Chợt nhớ lại, hôm nay Huấn sẽ đến đón hai dì cháu chúng tôi đi biển. Sau nhiều lần chàng mời, dì Thu cứ nấn ná mãi cho đến gần ngày lễ ra trường của tôi, dì mới nhận lời để cả hai dì cháu đi chơi chung với anh hôm nay, và dì cháu tôi cũng nhận lời mời sẽ đến thăm gia đình bên ấy nhân ngày đọc kinh giỗ cho cha của chàng vào thứ bảy tuần tới.
Anh Nghê Minh Hiệp sinh và lớn lên tại Saigon, trong một gia đình có thân phụ là một sĩ quan từng phục vụ các Sư Đoàn 7, 9, 21 Bộ Binh, với chức vụ sau cùng là Thiếu Tá thuộc SĐ 21 BB, và 3 người anh em cũng là quân nhân, với người anh cả phục vụ trong Tiểu Đoàn 35 Biệt Động Quân, người anh kế là một phi công trực thăng, và người em rể cũng là một phi công trực thăng vỏ trang – cả 2 người này đều tốt nghiệp phi hành từ Hoa Kỳ. Do sống gần thân phụ, Hiệp chuyển trường nhiều lần, học qua các trường trung học Vĩnh Bình và trung học Tống Phước Hiệp, ở Vĩnh Long. Sau khi đậu Tú Tài vào năm 1968, Hiệp tình nguyện đầu quân vào Không Quân VNCH khi anh vừa tròn tuổi 19. Vào năm 1969, Hiệp được gởi sang Hoa Kỳ học bay. Tháng 11, năm 1971, sau khi hoàn tất chương trình học lái máy bay phản lực trong một năm rưỡi, Hiệp trở về Việt Nam, và được đưa ra Đà Nẵng phục vu Phi Đoàn 516, lái khu trục phản lực A 37. Cuối năm 1972, Hiệp được điều vào Biên Hòa học lái chiến đấu cơ phản lực F5. Xong khóa học
Ngày đầu năm, năm đó, cả nhà cô Ba gồm mười mấy người lớn nhỏ ra tiệm ăn cơm Tàu. Đại gia đình sống trong một thành phố nhỏ, chỉ có mỗi nhà hàng Tàu này mà thôi. Tiệm đắc lắm, có món lạp xưởng hết sẩy, đang thèm mà. Trong tiệm đầy khách ăn nói xôn xao vui vẻ. Sự ồn ào y như mấy quán ăn hồi còn ở Việt Nam. Làm như tất cả những những người gốc Á Đông sống xung quanh đều tụ lại đây hay sao ta? Đang ăn, bỗng dưng cô Ba thấy quặn đau một cái, ngưng nhai, đợi, rồi tỉnh bơ nhai tiếp. Đau quặn thêm cái nữa, cũng đợi, ngừng tay gắp, làm thinh, chịu đau.
Những lời thằng Eddie chạm vào điểm nhạy cảm của Steven, điều nó nói cũng là ý nghĩ vốn có trong đầu Steven. Người Việt hải ngoại không còn mấy ai đọc sách, tầng lớp trí thức gốc Việt chỉ đọc sách tiếng Anh có liên quan đến vấn đề chuyên môn của công việc, lớp trẻ sanh ra hay lớn lên ở hải ngoại chỉ đọc sách tiếng Anh vì đâu đọc được tiếng Việt. Tầng lớp bình dân làm móng, lao động tay chân thì không đọc sách dù là tiếng Anh hay tiếng Việt, cả đời không đụng đến sách báo. May ra chỉ còn một số ít ỏi yêu thích văn chương là chịu đọc. Sách tiếng Việt ở hải ngoại coi như cùng đường, đang thoi thóp hấp hối. Sách có in ra thì cũng chỉ để tặng quanh quẩn một nhóm người trong giới viết lách, yêu thích văn chương. Sách phát hành trên Amazon cũng chỉ để khoe mẽ cho vui chứ có ma nào mua. Viết lách chẳng những không được gì mà còn phải tốn tiền làm bìa, tiền dàn trang, tiền in, tiền để được lên mạng Amazon… Một thực tế đen tối và phũ phàng nhưng người viết vẫn cặm cụi, vẫn miệt mài. Viết là nỗi
Nhạc sĩ Cung Tiến