Hôm nay,  

Lễ Tạ Ơn Năm Nay

23/11/202400:00:00(Xem: 1295)
bo-sach-vvnm 
Tác giả lần đầu tham dự VVNM với bài “Một Ngày Thăm Trường Võ Bị West Point”. Bà hiện định cư ở Texas và làm việc trong ngành giáo dục. Bài viết lần này bày tỏ nhiều suy nghĩ và tình cảm chân thành của tác giả nhân ngày lễ Tạ Ơn.
 
***
 
Cách đây rất nhiều năm. hồi chị còn đi học đại học ở Mỹ, trong một lớp của chương trình sư phạm, một vị giáo sư hỏi cả lớp trước khi cả lớp chuẩn bị nghỉ lễ Tạ Ơn:
 
- Các bạn sẽ nói lời cảm ơn với ai trong dịp lễ Tạ Ơn năm nay?
 
Các bạn đồng môn của chị nhao nhao, nói sẽ cảm ơn gia đình, thầy cô, bạn bè… Vị giáo sư quay sang hỏi chị có ai để cảm ơn không, dĩ nhiên chị có rất nhiều người để nói lời cảm ơn. Chị nói với vị giáo sư rằng chị rất biết ơn ba má và bạn bè của chị, người đã giúp đỡ chị quay lại trường đại học ở Mỹ. Chị biết ơn nước Mỹ đã cưu mang gia đình chị và giúp đỡ chị về tài chánh để chị được đi học. Chị biết ơn các giáo sư ở Mỹ đã khuyến khích, tận tâm giải thích cho chị những lúc chị không hiểu bài. Chị cảm ơn con trai chị đã giúp chị có động lực để quay lại trường học vì chị muốn làm tấm gương cho thằng Huy-là-con trai của chị. Chị muốn thằng Huy sau này khi lớn lên sẽ đi đại học như rất nhiều di dân gốc Việt khác.
 
Lễ Tạ Ơn năm đó, năm đầu tiên chị đến Mỹ, chị còn mang ơn một người bạn Mỹ đã giúp đỡ chị bước đầu khi chị chân ướt chân ráo tới Mỹ. Người bạn này đã gủi quà cho chị chiếc áo ấm và tiền bạc để gia đình chị chống chọi với mùa đông giá rét. Biết chị có ý định muốn đi học đại học, người bạn ấy đã hướng dẫn cho chị ghi danh học ở một trường cao đẳng cộng đồng và giúp chị xin tiền hỗ trợ học phí (Financial Aid).
 
Những Lễ Tạ Ơn sau này ở quê hương thứ hai, ngoài việc nói lời cảm ơn với gia đình, bạn bè và các vị giáo sư đã giúp đỡ chị trong những năm tháng chị đi học, chị còn biết ơn tình cảm của các thầy cô giáo dành cho con trai chị từ cấp tiểu học lên đến bậc trung học. Mới ngày nào thằng Huy vào lớp mẫu giáo lúc 3 tuổi, bây giờ nó đã là một sinh viên đại học.
 
Nhớ hồi nó học lớp mẫu giáo nhỏ pre-k3, sáng nào đi học nó cũng khóc nhè, nhất là những buổi sáng mùa đông, có lẽ nó làm biếng đi học. Mỗi buổi sáng đi học, chị dắt nó tới tận lớp để trao nó cho cô Johnson, cô giáo dạy Huy năm mẫu giáo nhỏ. Cô Johnson luôn chào hỏi, nói chuyện với nó vui vẻ cho nó dạn dĩ hơn. Những năm nó học bậc tiểu học, các cô giáo luôn yêu thương nó và dạy cho nó những điều hay lẽ phải bên cạnh việc truyền đạt kiến thức. Cô Johnson là cô giáo Mỹ đầu tiên của nó, rất tận tâm với nghề và thương yêu học trò.
 
Hồi thằng Huy học lớp hai, trong buổi lễ tốt nghiệp, Huy được cô giáo tặng một thanh kẹo sô cô la to nhất bên cạnh những lời khen tặng nồng nhiệt của cô giáo. Nó nhận thanh kẹo trong sự reo hò của các bạn cùng lớp. Chị đến tham dự buổi lễ tốt nghiệp của con trai, chị cảm nhận được tình yêu của cô giáo đối với tất cả các em học sinh trong lớp, đặc biệt đối với Huy. Cô giáo nói Huy không những học giỏi mà còn sẵn lòng giúp các bạn trong lớp học hành. Những bạn nào không hiểu bài, Huy sẳn sàng giải thích và trợ giúp.
 
Lên lớp 4, Huy được cô Marlone đề cử tham gia cuộc thi đánh vần Spelling Bee và Huy chiếm luôn giải nhất toàn trường. Lên lớp 6, Huy được chuyển vào chương trình dành cho trẻ có năng khiếu (Gifted and Talented Program). Lên bậc trung học, có nhiều thầy cô hướng dẫn Huy chọn trường đại học và yêu thương nó như con ruột, trong đó có cô Smith, huấn luyện viên Mark, thầy Williams và cô Roszel, người đã đề cử nó làm đại diện cho trường tham dự vào tuần lễ của Texas Boys State. Nhờ tham dự vào chương trình của Texas Boys State và nhờ những lá thư giới thiệu của thầy Williams, cô Smith, cô Roszel và của một số cô giáo khác, bên cạnh những nỗ lực của bản thân, Huy đã được nhận vào học viện West Point, một học viện quân sự danh giá của Mỹ,
 
Năm đầu tiên ở học viện West Point là năm học gian khổ nhất vì các tân sinh viên vừa phải vất vả học hành để theo kịp chương trình học căng thẳng của trường, vừa phải tập thích nghi với môi trường binh nghiệp với kỉ luật nghiêm khắc. Như các sinh viên sĩ quan khác, thằng Huy vùi đầu vào học hành. Mùa lễ Tạ Ơn năm thứ nhất xa nhà, vì đường xá xa xôi nên nó quyết định không về thăm nhà vì đi lại trong dịp lễ lạt rất tốn kém và mất nhiều thời gian, chưa kể nhiều chuyến bay thường bị trì hoãn hoặc hủy bỏ do thời tiết xấu. Huy quyết định sẽ nghỉ lễ ở nhà thầy Pope, vị giáo sư bảo trợ (sponsor), thầy dạy toán của nó tại học viện West Point. Tuy nhiên, những đứa bạn đồng môn tại West Point của Huy lại có một kế hoạch khác dành cho nó. Những người bạn này âm thầm mua vé máy bay cho Huy về nhà nghỉ lễ. Vé đã mua rồi, Huy từ chối không được nên hai má con chị chỉ còn biết cảm tạ tấm lòng của những người bạn này.
 
Tại học viện West Point, có rất nhiều gia đình quân nhân, giáo sư nhận làm gia đình bảo trợ cho các sinh viên sĩ quan ở các tiểu bang xa xôi. Vào những ngày cuối tuần hoặc ngày lễ, nếu các sinh viên sĩ quan không thể về nhà nghỉ lễ, các em sẽ được gia đình bảo trợ mời đến nhà họ để cùng nhau họp mặt những ngày cuối tuần, những ngày lễ vui vẻ. Thầy Pope, vị giáo sư dạy môn toán, thường xuyên mời Huy và một số sinh viên khác đến nhà thầy vào các ngày cuối tuần. Những lúc có chút thời gian rảnh, Huy và một vài người bạn thường ghé nhà thầy Pope để ăn tối. Đối với Huy, ngôi nhà của thầy Pope là một ngôi nhà xa nhà (A home away from home), nơi Huy được quan tâm và chăm sóc chu đáo.
 
Hàng năm vào mùa thu, khoảng giữa tháng mười, cha mẹ các sinh viên sĩ quan được phép đến trường thăm con của họ vào dịp “Family Weekend”. Đây là dịp để các bậc phụ huynh đến trường thăm con của họ và tổ chức các buổi tiệc để chiêu đãi các sinh viên sĩ quan. Một năm hai lần, một số phụ huynh gốc Việt đã đóng góp tài chánh và công sức để nấu những món Việt như bánh mì, phở, chả giò, chè trái cây, mì xào hải sản, bún thịt nướng, cơm chiên v..v… để đãi các sinh viên gốc Việt và bạn bè Mỹ của các em. Đi học xa, ăn thức ăn Mỹ mỗi ngày, các em sinh viên người Việt rất thèm các món bánh mì, phở, thịt nướng. Thằng Huy và bạn bè của nó luôn được các bậc phụ huynh Việt mời đến dự tiệc.
 
Những lần Huy bận, không thể tham dự các buổi chiêu đãi do các vị phụ huynh gốc Việt tổ chức, các bậc phụ huynh đều để dành cho Huy một phần, khi thì hộp bún thịt nướng, lúc thì hộp mì hải sàn và ly chè trái cây. Các bậc phụ huynh gốc Việt coi Huy và bạn bè của nó là những đứa con nuôi của họ. Tuy chị không thể lên thăm thằng Huy thường xuyên vì điều kiện đi lại khó khăn, Huy vẫn cảm nhận được tình cảm gia đình từ những ba má nuôi của nó.
 
Quả thật không ngoa chút nào khi người Mỹ nói rằng quân đội Mỹ là một gia đình lớn có nhiều thành viên và West Point là một thành viên trong gia đình ấy. Các bậc phụ huynh người Mỹ gốc Việt coi tất cả các sinh viên sĩ quan người Việt là những đứa con nuôi của họ. Huy và các bạn của nó thường được các bậc phụ huynh cho quá giang xe đi mua sắm hoặc đi phi trường mỗi lần về nhà nghỉ lễ. Các bậc phụ huynh có lần chở Huy và bạn bè của Huy đi ăn tiệm ở các nhà hàng gần học viện. Huy và các bạn của Huy thỉnh thoảng ghé nhà các bạn sinh viên ở các thị trấn gần trường để ăn tối. Chị có cảm giác như Huy có ba má nuôi ở rải rác khắp nước Mỹ.
 
Lễ Tạ Ơn năm nay, giống như mọi năm, chị xin cảm tạ nước Mỹ, đất nước đã cưu mang gia đình chị, tạo cơ hội cho gia đình chị có được một cuộc sống mới tốt đẹp hơn. Giống như mọi năm, chị cảm ơn bạn bè, đồng nghiệp và gia đình chị đã yêu thương và quan tâm tới chị. Chị cảm ơn những người bạn, đồng nghiệp Mỹ đã hướng dẫn chị trong nghề nghiệp hiện tại. Chị cảm ơn các bác sĩ, y tá đã tận tụy chữa trị bệnh cho gia đình chị. Chị cảm ơn con trai đã đem đến cho chị niềm vui của người trồng cây hái trái ngọt. Càng sống lâu năm ở Mỹ, chị càng có thêm nhiều người để nói lời cảm ơn. Chị cảm ơn các cảnh sát viên đã làm việc ngày đêm để giữ gìn an ninh cho thành phố nơi chị sinh sống. Chị cảm ơn những người lính Mỹ đã hy sinh đời sống cá nhân, âm thầm bảo vệ nước Mỹ để em thơ được học hành và người dân Mỹ được an hưởng thái bình. Chị cảm ơn nước Mỹ đã bảo đảm cho người dân một môi trường sống trong lành, nguồn nước và thực phẩm sạch, hệ thống giao thông an toàn, hệ thống bệnh viện y tế khá tốt. Chị cảm ơn đất trời đã ban tặng cho nước Mỹ bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông với nhiều cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp.
 
Lễ Tạ Ơn năm nay, chị đặc biệt gủi lời cảm ơn đến tất cả thầy cô giáo đã dạy con trai chị từ mẫu giáo lên cấp ba, thầy Pope, cô Smith, cô Roszel, huấn luyện viên Mark, thầy Williams, Tuyên, huynh trưởng của Huy, bạn bè của Huy và các bậc phụ huynh Mỹ gốc Việt có con đang theo học ở học viện West Point đã yêu thương và chăm sóc cho Huy như con của mình, những bậc phụ huynh chị chưa một lần quen biết. Chị mượn hai câu thơ để gửi gắm tình cảm yêu thương của chị đến tất cả thầy cô, bạn bè và tất cả ba má nuôi của Huy:
 
Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy
Ta được thêm ngày nữa để yêu thương.
 
Cuối cùng, chị cảm ơn Việt Báo đã cho chị cơ hội nói lời cảm ơn đến tất cả mọi người nhân dịp lễ Tạ Ơn năm nay.
 
 
Nhị Độ Hoàng Mai
Tháng 11, 2024

Ý kiến bạn đọc
24/11/202421:54:44
Khách
Cảm ơn Tác giả chia sẻ một bài viết hay.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 413,175
Hồ sơ bảo lãnh cho gia đình tôi, chú Khải gửi về từ năm 1978, nhưng mãi đến cuối năm 1982, khi ba tôi được thả ra khỏi "trại cải tạo" Vĩnh Phú, thì má tôi mới xúc tiến việc nộp đơn xin xuất cảnh, diện đoàn tụ gia đình. Ở vào thời điểm đó, khi những chuyến bay chính thức rời Sài Gòn đi Mỹ, Pháp, hay Canada hãy còn lác đác như lá mùa thu, thiệt tình mà nói ai trong nhà tôi cũng đều không thấy nhen nhúm một tia hy vọng nào cả. Đi vượt biên tốn năm ba cây vàng cho một đầu người mà còn bị bắt lên bắt xuống, đằng này cả gia đình tôi lại trông mong vào tờ giấy bảo lãnh để được đi chính thức cả nhà, nghe qua như chuyện thần thoại nghìn một đêm lẻ!
Phải chăng khi ta viết về một người chết là ta giúp cho người chết không bị thời gian lãng quên?! Là cho phép người chết sống lại, cho dù trên trang giấy trừu tượng, để cảm nhận người chết đang hiện hữu với ta, gần gũi với ta trong thương nhớ mà đôi khi lúc còn sống ta lại phần nào hững hờ vì không gian và thời gian không cho phép. Tuy chết là hết, nhưng có những cái chết bi hùng, chết “đẹp” đáng ngưỡng mộ. Là những cái chết khác lạ trong đời thường. Như của Harakiri, coup de grâce/phát súng ân huệ ngoài chiến trường, tự vận của những tướng quân hay tự sát tập thể với trái lựu đạn nổ giữa niềm uất hận không muốn buông súng. Nhiều cái chết rất bình thường xẩy ra trong giấc ngủ hay đột ngột do tai nạn, và thường nhất là cái chết do các bệnh nan y, đến từ từ, với nỗi sợ hãi và đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần, cho người bệnh và thân nhân.
Những con vật được nuôi trong nhà, gọi chung là gia cầm thì con chó được loài người thuần hóa sớm nhất từ loài sói xám và được nhắc đến nhiều trong văn học từ cổ chí kim, từ đông sang tây với những từ ngữ ngọt ngào: trung thành, tình nghĩa, khôn ngoan, thân thiện... Nhưng không hiểu tại sao người Việt mình khi giận hờn nhau thường đem con chó ra chửi: “đồ chó,” “cái mặt chó,” “cái đồ chó đẻ!”. Lúc bực bội những chuyện ngoài đường, về nhà con chó chạy ra ngoắc đuôi mừng rỡ, ông chủ lại cho nó một đá cho hả giận… mặc dù nó chẳng có tội tình gì - nó cúp đuôi, tiu nghỉu chạy trốn - chẳng hiểu tại sao (?). Trong nhà vợ chồng cãi nhau, chó là con vật đầu tiên bị mang tai họa. Vì không biết làm sao cho bớt ấm ức, bèn đá con chó, chửi con mèo… Bởi thế, mới có thành ngữ “mắng chó chửi mèo” hay “chỉ chó mắng mèo” là vậy. Thật khốn khổ cho cuộc đời con chó!
Bạn bè rủ đi “Cruise” gần nửa tháng qua ba thành phố của tiểu bang Alaska và Canada. Tôi cảm thấy ông xã không được khỏe và bản thân mình cũng vậy, nên đang còn lưỡng lự. Nhưng L (ông xã) thúc giục tôi cố gắng chuyến này bởi khó có cơ hội đi cùng với bạn bè, còn ông thì không thích đi du lịch. Hèn gì mấy năm trước hai người đến bưu điện làm thẻ passport, ông nhất định không chịu làm nhưng lại thúc giục tôi tiến hành.
Hắn mỉm cười một mình. Hắn vừa nghĩ tới hai chữ “vu vơ” mà một tác giả dùng làm tựa đề cho loạt bài viết về văn chương trong một website văn học có uy tín. Lý do là vì hắn cũng đang vu vơ về việc viết văn. Bản thân hắn không quan trọng nên những gì thuộc về hắn cũng không quan trọng. Tất cả chỉ là...vu vơ.
Lần đó gia đình chúng tôi bay qua Texas để dự lễ ra trường High School của Kevin, thằng cháu, con trai út của ông anh Tư. Đại gia đình đi thành một phái đoàn, kéo đến hội trường của trường học, nhìn đám trẻ tưng bừng nhốn nháo, hớn hở vui cười, gọi tên nhau í ới, lòng tôi cũng vui theo. Chương trình bắt đầu, cả hội trường im phăng phắc, sau các thủ tục ban đầu, các bài phát biểu của các thầy cô giáo, hiệu trưởng, là phần phát biểu cảm tưởng của người thủ khoa, valedictorian. Đó là một cậu bé Mỹ da trắng, cao ráo, khuôn mặt sáng sủa, có nụ cười thật dễ mến...
Hồi mới qua Mỹ, tiếng Mỹ dở ẹt mà Bách cũng lấy được bằng lái xe hơi trong vòng ba tuần từ ngày đặt chân xứ này. Tuần đầu lo thủ tục giấy tờ thẻ an sinh, thẻ căn cước. Tuần thứ hai đậu viết, tuần thứ ba đậu lái. Nhanh thần tốc. Thế mà sau 30 năm ở Mỹ, hắn phải thi viết hai lần, thi lái bốn lần mới đậu bằng lái xe mô-tô 1.000 phân khối Harley-Davidson. “Anh mướn cái mô-tô nhỏ 300 cc thôi cho dễ thi. Có $20 một ngày à,” người giám thị DMV vừa khuyên vừa an ủi hắn. “Hoặc anh vào trường học có $400 đô một khoá ba tuần rồi thi ở đó luôn cho dễ.” “Thank you chị nhưng đậu bằng xe nhỏ rồi chạy xe lớn chỉ có chết sớm. Tôi sẽ thi lại cho đến khi đậu.”...
Ông bà có cả thảy 9 người con. Không may, anh Tư và anh Tám mất sớm. Chị Bảy lúc nhỏ, hay bị giật kinh phong. Càng ngày, biến chứng càng trầm trọng, trở thành thần kinh, phải cho vào bệnh viện tâm thần. Cũng may, những người con còn lại đều thành đạt, nên ông bà cũng được an ủi, và đỡ cảm thấy bứt rứt khi nghe miệng đời dèm pha: “Nhà đó chắc thất đức lắm, nên con cái mới bị vậy.”
Tôi chẳng rõ hình ảnh chiếc Xích Lô len vào tâm trí tự hồi nào; lại khiến lòng tôi xao xuyến trong lần đầu nhìn loại xe đạp ba bánh này trưng bày bên ngoài một cửa hàng chuyên bán nước mía, trong khu thương mại khá sầm uất tại Little Saigon quận Cam, sau bao năm sống xa đất nước. Sau này tôi thấy ở nhiều nơi khác nữa, như ở khu mua sắm Hong Kong, trên đường Bellaire, tên Việt là đại lộ Saigon bên Houston Texas. Nơi đây có tới hai chiếc Xích Lô đặt trang trọng trước một siêu thị thật lớn, người đi qua đi lại thường dừng bước nhìn ngắm, hay chụp vài tấm ảnh. Rồi còn bao nhiêu chiếc Xích Lô sáng loáng, nhỏ nhắn xinh xinh được trưng bày ngày một nhiều thêm nơi phòng khách trong các ngôi nhà bạn hữu tôi từng có dịp ghé thăm. Tôi cảm thấy Xích Lô giống một thứ gì thân thương của người Việt Nam như lũy tre làng, con trâu, luống cày, chiếc xuồng ba lá,…
Cả đám đang tán gẫu cười đùa rôm rả, chợt im bặt khi thấy bóng thằng Edgar đang từ xa xăm xăm đi đến. Nó dẫn một khứa lão mới toanh tới và giới thiệu: - Hey Steven, đây là ông Robert, từ hôm nay ông ấy sẽ nhập với nhóm của anh. Mọi người bắt tay và tự giới thiệu tên mình với ông Robert. Steven cũng bắt tay ông ấy, điều đầu tiên gây ấn tượng nhất là đôi mắt ông Robert sáng quắc, sáng trưng trên gương mặt đen như hắc ín, chưa bao giờ mà Steven thấy một người da đen nào có đôi mắt sáng đến như thế. Cánh mũi thì giống hệt cặp sừng con trâu rừng, đôi chân bước đi hơi khập khiễng. Ông Robert cao hơn Steven cả một cái đầu, tướng tá săn chắc và gọn gàng chứ không ồ ề ục ịch như tụi thằng Kasame, thằng Gred...Ông Robert tiếp xúc với công việc và nhanh chóng tiếp thu, chỉ một buổi là làm thành thạo như mọi người.
Nhạc sĩ Cung Tiến