Hôm nay,  

Hạnh Phúc Cuối Đường

21/11/202400:00:00(Xem: 2121)
Hạnh Phúc Cuối Đường 2
TG Vĩnh Chánh (thứ 2 từ phải) cùng những người bạn thân
 
Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Năm 2019, tác giả nhận thêm giải quán quân Chung Kết Vinh Danh Tác Giả Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ hay còn gọi là giải Hoa Hậu. Tốt nghiệp Y Khoa Huế, thời chiến tranh bács ĩ Vĩnh Chánh đã là Y Sĩ Trưởng binh chủng Nhảy Dù. Bài viết sau đây ghi lại chuyện của những người bạn thân thiết trải dài từ “trại tù cải tạo” đến cuộc sống định cư trên đất Mỹ. Qua đó, chúng ta có thể bắt gặp đâu đó những cảnh đời đau khổ và hạnh phúc của chính mình.
 
***
 
Một ngày trong tháng 9, 2024, Kim Oanh điện thoại cho vợ chồng chúng tôi, ngỏ ý muốn qua thăm “anh chị”. Chúng tôi cho biết, nếu cần đưa đón, chúng tôi sẵn sàng. Nhưng Kim Oanh trả lời sẽ nhờ người quen đưa đến. Chúng tôi hẹn gặp nhau vào cuối tháng 10, 2024 tại nhà chúng tôi. Kim Oanh là vợ của Trung Úy Không Quân Hoàng Văn Tân, một người bạn tù cải tạo rất thân thiết của tôi trong 2 năm tại Long Khánh. Kim Oanh có lần dẫn vợ tôi cùng nhau thăm lén hai ông chồng trong rừng cao su bên ngoài trại tù ở Long Khánh. Đây là một kỷ niệm không bao giờ quên, vì cả hai cặp có được chút thì giờ “tâm sự” riêng với nhau giữa cảnh màn trời chiếu đất. Anh Hoàng Văn Tân mất vào đầu năm 2016 tại San Diego.
 
Trong cuộc đời, ta có những bạn theo từng giai đoạn. Từ các bạn thuở thiếu thời trong cùng xóm khắng khít với nhau qua năm tháng, đến những bạn học từ tiểu học, trung học rồi đại học, rồi các đồng đội trong thời quân ngũ, và các đồng nghiệp, thân hữu trong sinh hoạt đời thường về sau. Tuy nhiên có lẽ ta khó quên nhất là bạn tù cải tạo, tuy trước đó ta chẳng hề quen, nay lại cùng nhau chịu đựng những đọa đày và căm hờn đổ lên đầu, và chia sẻ những tủi nhục cay đắng và nỗi đau sự nhớ.
 
Trong suốt thời gian ở trại tù cải tạo L19 T9 ở trong một trại thiết giáp tại Xuân Lộc, tôi nằm giữa, bên phải là anh Hồ Xuân Tịnh, một Trung Úy Trợ Y Biệt Động Quân, quen biết trước vì là một đàn anh của tôi tại trường YK, động viên sau Tết Mậu Thân, và bên trái là anh Trung Úy Không Quân Hoàng Văn Tân từng du học tại Mỹ, gặp lần đầu. Trong hoàn cảnh ấy, ba chúng tôi trở nên những bạn tù thân thiết của kiếp chim lồng cá chậu biết thuở nào ra. Tâm tình, chia xẻ, nâng đỡ tinh thần, đùa giỡn, dặn dò nhắc nhở, che chở cho nhau…Tân và tôi đều đạo Công giáo. Tịnh không phải Công giáo dù vợ cũng Công giáo gốc. Tịnh có vợ và một con trước khi đi tù, Tân là dân Bắc di cư vào Rạch Giá năm 1954, sau gia đình di chuyển lên Saigon, đang học Khoa Hoc Saigon thì động viên, có vợ và ba con, còn tôi lấy vợ chỉ ba ngày sau mất nước. Trong ba đứa, Tân là người ít nói, đi đứng chậm rãi, dáng người hơi mập, có lẽ do thiếu hoạt động và xanh xao vì bệnh suyễn kinh niên. Anh lắng nghe nhiều hơn là nói, đặc biệt rất hiền và chân chất, không chưởi thề, không hút thuốc, biết nhường nhịn và đặc biệt rất ngoan đạo.
 
Vì hơn Tân một tuổi nên tôi được Tân kêu bằng huynh thay vì tên và xưng đệ với tôi, dù trước đây không hề quen biết nhau. Giờ đây, sát bên nhau trong nhà tù, kẻ trước người sau trong hàng điểm danh hay lao động, nằm cạnh nhau hằng đêm, ba chúng tôi, Tịnh, Tân và tôi như thể tay chân của nhau, tai mắt cho nhau, nuôi sống nhau bằng hy vọng và kinh cầu. Tịnh và Tân thường nâng đỡ tôi trong những khi tôi suy sụp, chán chường tuyệt vọng.
 
Qua bao nhiêu đêm, không những Tân đã lén lút giúp Tịnh và tôi ôn lại những đoạn kinh thánh quan trọng, bắt chúng tôi lập lại kinh cầu, mà còn luôn nhắc nhở hai đứa tôi đọc kinh hằng đêm trước khi ngủ. Đêm nào cũng như đêm nấy, không sót một đêm, vài phút sau khi đèn phòng tắt, Tân nghiêng người rót nhẹ vào tai tôi “Huynh, đọc kinh với đệ. Huynh, đọc kinh với đệ”.  Khi được Tân nhắc nhở, tôi lấy chân mình đá nhẹ mấy cái vào chân Tịnh, rồi cùng nhau lâm râm đọc kinh. Nhu cầu đời sống tâm linh khiến chúng tôi gắn bó thân thiết. Có những lúc tôi làm biếng vì quá mệt mỏi, tôi giả lờ hoặc cố tình không nghe. Tân lấy cùi tay thúc nhẹ vào hông tôi liên tục cho đến khi tôi phải chịu thua, đành cùng nhau đọc kinh cầu nguyện. Mỗi lần đọc kinh và cầu nguyện, tôi tìm thấy an ủi và lạc quan, lòng thư thả phó mặc; tinh thần vững mạnh hơn để chịu đựng thử thách; thể xác nhẹ hẳn vì có được niềm tin sẽ đến ngày tìm thấy ánh sáng cuối đường, dẫn đưa tôi vượt thoát nghịch cảnh, để cuối cùng cho tôi nguyên vẹn sum họp với gia đình. Tịnh và Tân cũng vững niềm tin như vậy.
 
Với kinh nghiệm của một người di cư, Tân luôn nhắc nhở tôi cần phải tuyệt đối thận trọng khi làm tờ khai sơ yếu lý lịch, càng đơn giản, càng ít chi tiết bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Và nhất là phải nhớ những điều mình đã khai, đã viết lên trang giấy, vì bút sa gà chết. Biết tôi dễ tin người, Tân thường xuyên căn dặn tôi phải dè dặt với mọi người, tránh to tiếng, tránh gây gỗ và nên hạn chế làm thân hay chuyện trò với các người bạn tù khác, nhất với những người mình không quen biết bao nhiêu hay những người ở trong các đơn vị trọng yếu như quân báo, thám báo, phượng hoàng, an ninh, cảnh sát, chiến tranh chính trị, xây dựng nông thôn…để tránh phiền hà hay bọn “antennes” theo dõi.
 
Quá nhiều lần tôi chứng kiến Tân lên cơn suyễn trong tuyệt vọng. Thật xấu hổ và đau đớn khi tôi chẳng thể giúp được bạn mình vì chẳng có thuốc men trong tay. Tôi xót xa nghe hơi thở Tân khò khè nặng nề với những tiếng rít nghẹt thở, người ngồi dựa vào tường, mắt mở lớn, miệng hả to hớp không khí, cánh mũi phập phồng, bẹ sườn giãn nở tối đa, thân thể ướt sũng mồ hôi dù giữa đêm mưa lạnh. Bệnh chẳng hề thuyên giảm và càng ngày càng trầm trọng với những cơn suyễn dồn dập kéo dài. Với sức khỏe kém dần, Tân thường xuyên được miễn lao động. Đau yếu lại chẳng biết ngày về, Tân càng hướng tâm linh vào cầu nguyện, và cầu nguyện nhiều hơn.
 
Trong ba chúng tôi, bạn Hồ Xuân Tịnh được thả cho về sớm nhất, trước cả đợt thăm nuôi đầu tiên. Tân và tôi tiếp tục ở tại chỗ trên cả năm, trước khi tôi bị chuyển trại vào ngay sau Tết năm 1977. Đêm chuyển trại, trời mưa và lạnh, Tân đang lên cơn suyễn nặng, ngồi yên trên giường thở nặng nề. Phút cuối khi chia tay, tôi đến gần Tân nắm tay bạn chào tạm biệt. Tân làm dấu cho tôi đến sát mặt mình, hổn hển thì thào “Huynh đi bình an, nhớ đọc kinh cầu nguyện. Nhớ cầu nguyện cho đệ”.
 
Và kể từ lúc ấy, tôi mất hẳn tin tức của Tân cho đến năm 2007, tôi vui mừng nhận tin từ một bạn KQ cho biết Tân hiện đang sinh sống tại Oklahoma City. Trong hân hoan và xúc động, tôi điện thoại ngay cho Tân. Sau khi nhắc lại tên mình, xưng huynh với Tân, kèm theo vài kỷ niệm khó quên giữa hai đứa trong tù, rồi lập lại câu “Huynh, đọc kinh với đệ”, tôi hơi khựng lại, có cảm giác Tân không nhận ra được huynh của Tân ngày xưa. Có một cái gì bất ổn! Tân đã thay đổi? Không nồng nhiệt như tôi ước mong qua cách trả lời ngắn, bâng quơ, không đầu không đuôi và không mạch lạc. Mãi đến khi biết tin Tân được nhận vào viện dưỡng lão El Dorado tại San Diego, đầu tháng 10, 2015, vợ chồng chúng tôi đến thăm ngay. Đó là lần đầu tiên chúng tôi gặp lại nhau tại Mỹ. Với Tân, nằm trên giường, không hay biết nhiều, và Kim Oanh, ở tạm trong nhà bà con gần đấy, ngày ngày vào săn sóc chồng.
 
Qua câu chuyện với Kim Oanh, tôi mới biết Tân bắt đầu có triệu chứng bệnh từ cả 16 năm trước, cho đến khi không tự mình săn sóc được. Tân đã mắc phải căn bệnh thần kinh từ năm 2001, bắt đầu với triệu chứng lãng trí, rồi cơ thể bại xuội từ từ. Đi đủ mọi trung tâm y tế chuyên khoa, qua đủ mọi thử nghiệm, bác sĩ cho biết hệ thống tuần hoàn trong não Tân quá kém, đưa đến tế bào não yếu rồi chết dần, không có thuốc gì hay thủ thuật gì cứu chữa được; chứng bệnh sẽ từ từ trở nặng theo thời gian. Bốn năm sau này, K. Oanh đã phải một mình săn sóc đặc biệt cho chồng 7/24, lo vệ sinh, tắm rửa, thay quần áo, đút mớm, xốc vác dìu đỡ chuyển qua xe lăn… toàn những công việc nặng nhọc.
 
Để nâng đỡ tinh thần Kim Oanh, vợ chồng chúng tôi quyết định đem theo cô con gái đầu lòng, bị tàn tật sau một tai nạn bất ngờ, như một chia xẻ và cảm thông sự khó nhọc và nỗi đau khổ của Kim Oanh đang gánh chịu. Điều này đã nhanh chóng giúp Kim Oanh và chúng tôi dễ cảm thấy gần gũi, thông cảm hoàn cảnh của nhau. Nếu thấy và hiểu được đời là bể khổ, mỗi người ai cũng có một thánh giá để vác, không cái nào nhẹ hơn cái nào thì chúng ta dễ dàng chấp nhận những sự bất như ý trong cuộc sống. Vấn đề là ráng vác làm sao cho khéo léo. Nhẹ nhàng thì tốt hơn, đỡ khổ hơn.
 
Tôi tự hỏi có phải những chịu đựng tinh thần, những hành hạ thể xác, những cơn suyễn nặng trong chốn tù, sự bất ngờ thành công vượt ngục trong sợ hãi khủng khiếp vào năm 1979, những thất bại và nguy hiểm liên tục trong nhiều  chuyến vượt biên, cái chết của người anh đầu trên biển, và sự hãi hùng ghê sợ ngoài sự chịu đựng của con người, tuy sống sót trong chuyến vượt biển (**trên cùng một con thuyền với nhà văn Nhật Tiến) nhưng phải chứng kiến cảnh hải tặc hành hạ, tàn nhẫn giết và làm nhục các phụ nữ trên đảo Ko Kra khi chuyến tầu vượt biên của Tân bị chúng đánh chìm - tất cả những sự kiện ấy đã không ít thì nhiều góp phần đưa đến hội chứng hậu chấn thương tâm lý và làm hư hỏng, xóa mòn não bộ của Tân!?
 
Một tuần trước Lễ Tạ Ơn 2015, chúng tôi đến thăm Tân lần thứ hai, lần này kéo theo vợ chồng bạn Hồ Xuân Tịnh. Dù đây là lần đầu tiên vợ chồng Tịnh gặp Kim Oanh, nhưng không vì thế mà ánh mắt không thân thiết, bàn tay không siết chặt nhau trong nỗi thông cảm sâu xa đầy thân ái. Như chuyền cho nhau sức sống và hy vọng. Để cũng cố đức tin trong hiệp thông cầu nguyện – vì từ năm 1980, trước khi vượt biên, bạn Tịnh đã tìm thấy ánh sánh Thiên Chúa để trở thành một tín đồ ngoan đạo. Chúng tôi cùng ngồi trong phòng, vừa quan sát Tân vừa lắng nghe những câu chuyện từ Kim Oanh cho đến khi Kim Oanh đút chồng ăn xong phần cơm trưa. Tịnh và tôi thay phiên nhau nói chuyện với Tân. Trông Tân có vẻ tỉnh hơn lần trước, dù với vài lời ư e vô nghĩa và ánh mắt xa xôi.
 
Kim Oanh thường xuyên gọi chúng tôi, cho biết tình trạng của Tân xấu dần. Vào ngày 28 tháng 2, 2016, Trung Úy Hoàng Văn Tân, cựu sĩ quan binh chủng Không Quân VNCH, người bạn tù và đệ của tôi, đã thanh thản ra đi, với sự hiện diện bên cạnh của người bạn đời thân thiết và con trai. Kim Oanh đưa xác chồng về chôn tại Oklahoma. Chúng tôi luôn nói lên sự ngưỡng mộ Kim Oanh về sự săn sóc chu đáo cho chồng mình liên tục trong suốt trên 15 năm. Chúng tôi cảm thấy yên tâm biết Kim Oanh sống trong tình yêu thương và bảo bọc của các con và cháu. Chúng tôi và Kim Oanh vẫn giữ liên lạc với nhau, gởi cho nhau những lời chúc trong những mùa lễ, hình ảnh tin tức về con cháu…
 
Đầu tháng 10, 2024, Kim Oanh điện thoại xác nhận ngày đến thăm chúng tôi, cùng lúc xin gặp mặt anh chị Hồ Xuân Tịnh trong ngày tiệc. Khoảng hai tuần trước khi đến Cali, Kim Oanh xin phép cho đem theo người bạn trai của mình, ý muốn chính thức giới thiệu với các anh chị bạn tù trước đây của chồng mình, là những người mà cá nhân Kim Oanh rất cảm kích. Chúng tôi nhìn thấy Kim Oanh thật tế nhị và cẩn thận, từng bước một tỏ bày câu chuyện lòng của mình. Kế đến, chúng tôi nhận được quà từ Kim Oanh gởi qua bưu điện, là những bao khô bò gởi tặng cho anh chị Tịnh, Maurice Emanuel, là tên người bạn trai của Kim Oanh và cho chúng tôi, mỗi cặp 2 gói. Thật là chu đáo khi Kim Oanh vừa cám ơn chúng tôi sẽ đón tiếp mình và bạn trai lại vừa tinh tế gián tiếp giới thiệu tên người bạn trai của mình.
 
Về phía chúng tôi, không chút mảy may thành kiến, chúng tôi không những chọn thái đội cởi mở, trìu mến dang tay đón nhận Kim Oanh cùng Maurice, mà chúng tôi thật tình mong muốn và ủng hộ Kim Oanh trong sự tìm lại tình yêu đôi lứa ở tuổi chín chắn. Biết Kim Oanh từng khổ sở nuôi chồng 4 năm trong tù cải tạo, móc nối tạo điều kiện cho chồng trốn trại tù, sắp xếp cho vợ chồng sống tạm ở vùng hẻo lánh xa kiểm soát của công an CS, rồi mưu toan lo cho chồng vượt biên cả mươi lần. Về sau, gia đình Tân và Kim Oanh đoàn tụ, định cư tại Kansas, quyết chí xây dựng tương lai gia đình, nhưng chỉ được khoảng 20 năm hạnh phúc thanh xuân bên chồng con, Kim Oanh lại một lần nữa quên mình, gác lại tất cả lạc thú trên đời, dồn mọi nỗ lực vào chuyện săn sóc cho Tân liên tục trong 15 năm tiếp theo, cho đến khi chồng mất.

Hạnh Phúc Cuối Đường
Maurice và Kim Oanh
 
Qua Kim Oanh, tôi biết thêm Maurice chưa bao giờ lập gia đình, bố mẹ không còn, chỉ có một người anh và một người chị cùng cha khác mẹ. Maurice giữ chức vụ giám đốc điều hành công nghệ thông tin và là nhân vật số 3 trong hãng Globe Life Insurance Conpany. Kim Oanh làm việc cho hãng này hơn 3 năm qua, và khác văn phòng với Maurice, ít khi có dịp gặp mặt nhau tại sở. Hai người bắt đầu quen nhau, rồi từ 2 năm nay, thường xuyên gặp nhau, tâm sự và tìm hiểu nhau mỗi cuối tuần. Tình yêu từ từ đến, và chính thức sau ngày 18 tháng 9, 2022 khi 2 người dẫn nhau đi chơi xa.  Các con của Kim Oanh đều biết câu chuyện này tỏ lời thông cảm cho mẹ, và quý trọng Maurice. Có điều Kim Oanh hơi tỏ ra quan tâm vì Maurice thích quan niệm Thiền với Tỉnh Thức, Ý Nguyện Hòa Bình và tinh thần Lắng Nghe của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh, và đã từng tình nguyện giúp khá nhiều cho nhánh Thiền địa phương về in ấn, về công nghệ thông tin.
 
Buổi tiệc ngày thứ Sáu, 25 tháng 10, 2024 tại nhà xẩy ra trong khung cảnh thân thiết, ấm cúng nhưng đồng thời trang trọng và lịch sự. Maurice và tôi nói chuyện khá nhiều và cởi mở. Anh cho biết anh làm việc cho hãng này được 38 năm, và vẫn chưa tính chuyện về hưu – sự kiện này cho thấy anh là một con người trung thành với công ty mình. Tuy trụ sở Mẹ nằm ở Oklahoma City, nhưng hãng có mặt tại nhiều tiểu bang khác và các thành phố lớn như New York, Dallas… đang bành trướng tốt đẹp. Anh cho biết anh vẫn giữ đạo Anh Giáo (Presbyterian Church), và Thiền chỉ giúp thêm anh tĩnh tâm. Tôi sơ lược cho Maurice biết chuyện chiến tranh Việt Nam, sự xảo quyệt và tàn nhẫn của Cộng sản, cuộc sống của tù nhân sau chiến tranh, so sánh cho anh thấy sự khác biệt giữa chiến tranh Nam Bắc nước Mỹ chấm dứt trong danh dự cho cả 2 phe, với cuộc chiến tranh VN chấm dứt trong trả thù và phân biệt chia rẽ Nam Bắc cho dù thống nhất đất nước; rồi câu chuyện 3 bạn tù nằm sát bên nhau, che chở cho nhau và cầu nguyện với nhau, mà nay còn hai mống trước mắt anh… Tôi nhìn thấy ở anh sự cảm thông đối với nạn nhân cuộc chiến, mà Kim Oanh là một chứng nhân điển hình.
 
Tôi nhìn thấy Maurice có dáng người cao, khá đẹp trai, nhỏ nhẹ, thân thiện, chân thật, giản dị và dễ hòa đồng. Khi cháu Bồ Câu từ trường về nhà bằng xe bus, cả Kim Oanh và Maurice đồng đến gần, ôm chào hỏi cháu với nhiều thương mến, trao tặng thú nhồi bông và bánh kẹo cho cháu.  

Hạnh Phúc Cuối Đường 3
  
Trước khi chào nhau ra về, Maurice và tôi đứng chụp chung một tấm hình. Đó cũng là lúc tôi cám ơn Maurice đã làm cho Kim Oanh vui hẳn lên vì tôi nhìn thấy đôi mắt Kim Oanh sáng ngập hạnh phúc. Đồng thời tôi cũng chúc phúc cho đôi bạn chia sẻ phần đời còn lại với nhau. Và tôi cũng xin phép trước sẽ ghi lại câu chuyện tuyệt vời này, như một món quà cho cả hai.

Hạnh Phúc Cuối Đường 4
TG Vĩnh Chánh (bên trái) và Maurice

Cùng trong chiều hôm ấy, Maurice gởi riêng cho chúng tôi lời cám ơn rất chân thành và mong ước sẽ còn gặp nhau trong tương lai. Hai người tiếp tục thăm viếng miền Nam Cali, gởi cho chúng tôi nhiều tấm hình thật dễ thương, trông rất xứng đôi. Trong những tấm hình đó có quang cảnh của Thiền Viện Deer Park Monastery ở Escondido do cố Thiền Sư Nhất Hạnh sáng lập. Về lại Oklahoma, Kim Oanh chia sẻ thêm nhiều tâm sự, cùng hình ảnh của 2 người, lời viết tay của Maurice bày tỏ tình yêu và quý mến gởi cho Kim Oanh nhân dịp kỷ niệm ngày anniversary cuộc tình của nhau…Tuy nhiên, với tôi, có lẽ câu viết của Kim Oanh sau đây là quan trọng nhất: “Nếu anh Tân là người yêu đầu tiên của em qua sự giới thiệu và quen biết giữa hai gia đình, để từ đó em trở thành vợ anh Tân lúc em mới 17 tuổi, quá non nớt và bồng bột để tự hỏi đó là tình yêu?! Nhưng bây giờ qua bao thử thách, em thấy rõ tình yêu của Maurice dành cho em rất lớn và trân trọng. Nếu anh Chánh hỏi ý kiến em về đề tựa cho câu chuyện đời em, em bằng lòng với “Tình Yêu Cuối Đời”. Riêng với tôi, “Hạnh Phúc Cuối Đường” có lẽ thấm hơn và mênh mông hơn.
 
Bài này được viết trong mùa Lễ Tạ Ơn. Để cám ơn Trời, cám ơn Đời, cám ơn nước Mỹ luôn cho mọi người chân thiện có cơ hội tìm thấy hạnh phúc ở bất cứ tuổi nào.
 
Vĩnh Chánh
Tháng 11, 2024.
 
** Nhà văn Nhật Tiến là tác giả của nhiều tác phẩm nổi tiếng trước 1975, như Thềm Hoang, Chim Hót Trong Lồng, Những Vì Sao Lạc…Cuối năm 1979 ông vượt biển và chuyến đi đã gặp hải tặc trong Vịnh Thái Lan. Ông và nhiều thuyền nhân bị hải tặc đem vào đảo Ko Kra giam nhiều tuần trước khi được nhân viên của Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc giải cứu. Ông là người đầu tiên chính thức viết những bản cáo trạng nhờ tổ chức Boat Peope S.O.S. phổ biến. Câu chuyện của ông đã gây dư luận xúc động khiến thế giới quan tâm nhiều hơn đến vấn đề thuyền nhân và nạn hải tặc. Tại Hải Ngoại, Ông có những sáng tác như: Tiếng Kèn, Mồ Hôi Của Đá, Một Thời Đã Qua… Nhà văn Nhật Tiến từ trần năm 2020 tại CA, không đầy một tháng sau khi người bạn đời của Ông ra đi về miền vĩnh hằng.
 
 

Ý kiến bạn đọc
25/11/202421:41:45
Khách
Cảm ơn Tác giả chia sẻ một bài viết hay.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 412,540
Anh Đào Quang Mỹ là nhà giáo, nhà văn và là nhà báo với bút danh Hoài Mỹ, khi viết các bài văn trào phúng anh ký bút hiệu Thạch Thủ. Anh là Chủ Nhiệm báo Bán Nguyệt San Ngàn Thông, ra đời vào thập niên 70 tại miền Nam Việt Nam, phục vụ độc giả thuộc lớp tuổi mới lớn, tuổi học trò. Nhóm chủ trương Bán Nguyệt San Ngàn Thông là các giáo sư trường trung học Nguyễn Bá Tòng, Sài Gòn, gồm những giáo sư, nhà văn, nhà thơ: Quyên Di-Bùi Văn Chúc, Hoài Mỹ-Đào Quang Mỹ, Đình Bảng-Lê Quang Bảng, Thái Bắc-Tăng Vĩnh Lộc, nhạc sĩ Hoàng Quý-Hoàng Kim Quý, nhạc sĩ Dương Đức Nghiêm, họa sĩ ViVi-Võ Hùng Kiệt. Bảo trợ tài chánh cho Bán Nguyệt San Ngàn Thông là giáo sư Đoàn Văn Thơm, trường Nguyễn Bá Tòng.
Alaska nguyên là thuộc địa miền Tây Bắc Bắc Mỹ của Nga. Qua sự đề xuất của Ngoại-trưởng William Seward, ngày 30-3-1867, Thượng Viện Hoa Kỳ đã đồng ý mua lại vùng thuộc địa này từ Đế-quốc Nga chỉ với giá 7,200,000.00 đô la. Quốc kỳ Hoa kỳ nhanh chóng được cắm lên vùng lãnh thổ mới vào ngày 18-10-1867 và qua một vài thay đổi về mặt hành chánh, trước khi đựợc tổ chức thành lãnh thổ vào ngày 11-5-1912. Alaska trở thành Tiểu bang thứ 49 của Hoa kỳ ngày 3-1-1959. Là một trong hai tiểu bang không cùng ranh giới với Hoa kỳ (Hawaii và Alaska), Alaska ở vùng cực Bắc nước Mỹ, phần lớn diện tích bị băng tuyết phủ quanh năm. Với những phong cảnh thiên nhiên đẹp và hùng vĩ, Alaska đã thu hút rất nhiều du khách từ nhiều nước trên thế giới.
“…Người xưa nói ngắn gọn mà ý nghĩa sâu xa, “có phước có phần”? Đứa bé đi chơi về, trao cho bà ngoại miếng bánh, viên kẹo nó đã để dành cho bà ngoại chứ không phải nó không muốn ăn. Một việc nhỏ trong mắt người lớn nhưng là việc lớn đối với trẻ nhỏ luôn thích ăn bánh kẹo. Nếu cha hay mẹ nó mua cho bà ngoại cả hộp bánh, cả túi kẹo bà ngoại thích ăn là chuyện bình thường thì cái bánh, viên kẹo đứa cháu thương, nghĩ đến bà nên đem về là phước phần của bà ngoại. Nếu cho bà ngoại miếng ngọc bằng cái bánh, hay thỏi vàng bằng viên kẹo thì bà ngoại vẫn chọn cái bánh, viên kẹo của cháu bà. Ông bà mình nói là bà ngoại có phước có phần. Phước là có đứa cháu ngoại thảo ăn, thương bà. Phước cũng là “không” có đứa cháu, cha mẹ đã nói là mua cho bà ngoại, nhưng ngồi trong xe nó cứ cố tháo gỡ bao bì cho đã nư…”
Hàng năm, vào khoảng đầu tháng Năm, sau khi tuần lễ biết ơn thầy cô giáo (Teachers’ Appreciation Week) kết thúc, lòng tôi lúc nào cũng nôn nao mong đợi mùa hè. Những ngày cuối của tháng Năm là những ngày để lại trong tôi nhiều cảm xúc nhất. Tôi tạm xa đồng nghiệp, xa học trò, xa trường lớp trong vòng ba tháng. Tôi sẽ nhớ những em học trò chào tôi bằng tiếng Việt mỗi buổi sáng dù các em không nói được tiếng Việt nhiều.
Con người của lão lạ kỳ, gọi như thế nào cho đúng đây? Chung thủy, trung thành, không thay đổi…! Đi vô tiệm ăn nếu thích món nào thì khi trở lại lão ăn hoài món đó. Vô tiệm ăn Thái lão chỉ ăn một món Red Curry. Đến tiệm Cheddar lão chỉ ăn món cá hồi nướng. Vô tiệm Muscat’s Charlie lão chỉ ăn mỗi món cá tuna nướng! Chỉ cần một lần món nào vừa miệng là lão chỉ ăn món đó, không hề thay đổi! Mụ bảo hãy thử món khác nhiều khi ngon hơn thì sao nhưng lão lắc đầu! Lão như vậy nên các tiệm ăn quen mặt, biết ý. Bao giờ cũng vậy, vừa ngồi xuống người hầu bàn sau khi viết xuống món mụ muốn, họ cười toe quay qua lão: - Tôi biết ông muốn món gì rồi! Red Curry phải không? Cá hồi nướng phải không….?
Vào năm 2001, khi tờ nhật báo Việt Báo khởi xướng Viết Về Nước Mỹ, tôi hoàn toàn tán thành với chủ trương của tòa soạn trong việc gìn giữ văn hóa Việt nơi xứ người, và tôi đã bắt đầu tập tành việc viết lách. Viết trước hết là để ủng hộ, sau tham gia ghi lại những câu chuyện, những kinh nghiệm để các con, các cháu, các thế hệ tiếp nối hiểu rõ hơn những gì thế hệ đi trước đã trải qua...
Tôi biết chị Hồng khi chúng tôi còn sinh hoạt trong cộng đồng người Việt vùng Richmond, Virginia. Chị Hồng là thủ quỹ của hội Người Việt Richmond. Mỗi năm vào dịp Tết Nguyên Đán, Hội Người Việt đều in đặc san Xuân, chị thường nhờ tôi viết bài cũng như giúp chị liên lạc với nhà in CT Printing ở Maryland. Ngoài thủ quỹ của Hội Người Việt ra, chị Hồng còn được biết đến với vai trò ca đoàn phó trong Giáo Xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Tánh tình chị dễ mến, hoạt bát, và hòa đồng. Chị luôn sốt sắng phụng sự trong giáo xứ cũng như cộng đồng, nên được rất nhiều người quý mến. Công việc thường ngày của chị là thư ký cho văn phòng bác sĩ. Tính tới thời điểm bây giờ thì chúng tôi biết nhau cũng hơn hai mươi năm.
... Nơi chúng tôi đặt chân đến nước Mỹ là Sacramento, California, nhà của ông anh, với nhiều ngỡ ngàng mới lạ. Thuở đó Sacramento đất rộng người thưa. Nhiều hôm tôi ra trước nhà, nhìn tới nhìn lui không thấy bóng người qua lại; tôi ngồi bệt xuống đường đi bộ cho đỡ mỏi chân. Nhiều người nhìn tôi nói, sao mà giống y như "homeless", nếu tôi có thêm một vài bao bị kề bên. Nhiều đêm, giật mình tỉnh giấc tôi ngỡ mình đang ở Việt Nam. Một thời gian ngắn, chúng tôi xuôi Nam xuống Los Angeles... rồi đến Florida. Vì cuộc mưu sinh, tôi đi nhiều nơi, viếng nhiều chỗ nhưng chưa có dịp trở lại nơi đầu tiên đến Mỹ với nhiều kỷ niệm...
Tôi có thói quen thích đi chợ trời. Mỗi cuối tuần ấn định hai ngày thứ Bảy và Chúa Nhật, chưa kể ngày lễ, tôi rất háo hức mong trời mau sáng để đi chợ trời. Một người bạn ở Mỹ lâu năm chê: - Tao không biết chợ trời có gì hấp dẫn mà lôi cuốn mày đến đó u mê như một tên nghiện? - Ậy, điều sung sướng mày sao biết được, “Flea market-Chợ trời” mua được nhiều đồ vật lạ, các đồ cổ mày không thể nào mày thấy trong cửa hàng. Không đi mày làm sao cảm hứng thú vị được như tao....
Để cục pin mới vô, chỉnh lại, cái đồng hồ tik tok tik tok đều đặn. Lần đầu gặp nhau, khi Cô Ba đi làm về. Dựng chiếc Yamaha Dame màu xanh cây trong sân, bước vô cửa, thấy anh ngồi trong phòng khách đang nói chuyện với anh rể. Phép lịch sự, gật đầu chào một cái rồi te te thẳng vô phòng trong, thay đồ. Thời gian đó cô không ưa gì người Mỹ. Sau đó thì anh tới nhà gặp anh rể, gần như mỗi buổi chiều, có khi còn cầm bó bông Lay-ơn màu đỏ, đưa tặng cô, mà không nói tiếng nào. Ngó những cành bông đã nở bung ra, không còn cái nụ chúm chím nào hết mà thấy mắc cười. Má cô nói -Chàng Mỹ thiệt thà bị mấy cô bán bông trong mấy cái ki-ốt dụ bán những bó bông sắp sửa tàn rồi
Nhạc sĩ Cung Tiến