Hôm nay,  

Lão (II)

29/08/202405:00:00(Xem: 1944)
TG Phi Nguyen
TG Phi Nguyễn viếng thăm cung điện Versailles tháng 11/2023 (hình do tác giả cung cấp)

Tác giả Phi Nguyễn lần đầu tham dự VVNM với bài "Trái mít". Bà sinh sống và làm việc tại thành phố Brunswick, Georgia. Đây là bài mới nhất viết tiếp bài “Lão” đã đăng trên trang Viết Về Nước Mỹ năm 2022 với lời kể dí dỏm về người chồng thân yêu của mình,



Lão đi cắt tóc về, bước vào trong nhà nhìn thấy mụ đang đứng ở gian bếp, lão xoay đầu cất tiếng hỏi:

- Mình xem lần này tóc tôi cắt có OK không?

Ngước mắt nhìn, mụ nhủ thầm, chỉ có một kiểu tóc giống nhau từ hồi nào đến giờ! Một kiểu tóc cắt rất đơn giản, thẳng một đường từ dưới lên trên, không bềnh bồng, kiểu cọ gì ráo thì có gì mà OK với không OK nhỉ!

Chưa kịp nghe mụ trả lời lão đã xoay người lại nói:

- Mình xem sau ót có thẳng không?

À thì ra điều lão muốn biết có OK không là đây! Mụ kêu lão cúi đầu xuống, quay đầu qua lại rồi bảo:

- Tốt, không xiên xẹo gì! Lần này mình cắt tóc chỗ khác?

- Không! Vẫn cắt ở chỗ John.

Mụ gầm gừ trong miệng: lại lão John!

Con người của lão lạ kỳ, gọi như thế nào cho đúng đây? Chung thủy, trung thành, không thay đổi…! Đi vô tiệm ăn nếu thích món nào thì khi trở lại lão ăn hoài món đó. Vô tiệm ăn Thái lão chỉ ăn một món Red Curry. Đến tiệm Cheddar lão chỉ ăn món cá hồi nướng. Vô tiệm Muscat’s Charlie lão chỉ ăn mỗi món cá tuna nướng! Chỉ cần một lần món nào vừa miệng là lão chỉ ăn món đó, không hề thay đổi! Mụ bảo hãy thử món khác nhiều khi ngon hơn thì sao nhưng lão lắc đầu! Lão như vậy nên các tiệm ăn quen mặt, biết ý. Bao giờ cũng vậy, vừa ngồi xuống người hầu bàn sau khi viết xuống món mụ muốn, họ cười toe quay qua lão:

- Tôi biết ông muốn món gì rồi!  Red Curry phải không? Cá hồi nướng phải không….?

Và chuyện lão cắt tóc cũng vậy, bao nhiêu năm nay lão chỉ cắt mỗi tiệm của lão John, không hề đi bất cứ tiệm nào khác! Cách đây hai tháng trong một lần lão đi cắt tóc về mụ khám phá ra tóc ở sau ót của lão lẹm lên trên cổ một khoảng, nghĩa là không thẳng! Lần cắt tóc tiếp theo cũng bị y hệt như vậy! Bực mình quá mụ càu nhàu:

- Hai lần rồi! Lần sau ông không tới đó cắt tóc nữa nghe!

Lão im lặng không nói gì nhưng mụ biết là lão vẫn đến! Tính lão như thế, ngoài cái chỗ cắt tóc quen thuộc vừa ý thì lão và lão John rất ăn ý nhau trong mọi vấn đề, nói chung là rất “già” chuyện, đặc biệt là chuyện thời sự đất nước! Hai tay “bảo thủ” này gặp nhau là sa đà nên có lẽ vì say sưa nói hay sao mà lão John đã 2 lần “xởn“lão 2 miếng tóc?!!

Con người lão rất đàng hoàng về tất cả mọi phương diện, đặc biệt là giờ giấc, luôn luôn đúng giờ! Mụ cũng là người tôn trọng giờ giấc nhưng không hiểu sao lúc nào cũng…bị trễ!!!  Mụ có cái tật không bỏ được là ngủ nướng! Đồng hồ báo thức reo rồi nhưng vẫn rề rà chưa muốn dậy!  Thêm một cái tật thứ hai là trang điểm lâu!  Nói đến đây mụ chợt nhớ hồi lâu lắm, lúc còn ở quê nhà thấy có một lần ông chú bà con ngồi chờ vợ chú để chở đi đâu đó mà chờ rất lâu mới thấy thím sửa soạn xong. Bực bội quá nên khi vừa nhát thấy bóng thím từ trên cầu thang đi xuống, ổng “nhiếc” thím:

-Hát dở mà sắm tuồng lâu!  

Ngày đó mụ không hiểu chú muốn nói gì chỉ nhớ là thím khóc và giận lẫy không đi nữa! Sau mới biết ra là ý chú nói thím đã không đẹp thì có cố mà trang điểm lâu cũng không thể đẹp hơn! Viết đến đây mụ đang nghĩ không biết lão (trong đầu) có khi nào “nhiếc” mụ là “Hát dở mà sắm tuồng lâu” không nhỉ? Thật sự mà nói 2 cái tật trên không làm bị trễ vì mụ cũng “canh” giờ dữ lắm, nhưng cái tật quên trước quên sau đã làm mụ bị dính chưởng! Vừa ngồi vào trong xe mụ la hoảng:

- Khoan đi đã, chờ một chút!

- Chuyện gì vậy?

- Quên cái kính rồi!

Thế là mụ nhảy ra khỏi xe chạy ngay vô nhà kiếm cặp kính! Không phải là một lần mà là nhiều lần như thế, khi thì cặp kính đọc sách, cặp kính mát, khi thì cái phone, ống son, đôi giày…!  Cứ như thế thành ra đến Nhà thờ bị… hơi trễ một xíu! Một xíu thôi nhưng mụ biết lão bực mình lắm vì lão rất coi trọng việc đi lễ đúng giờ. Lão không nói tiếng nào nhưng sau đó “ra lệnh”:

- Từ rày sấp lên chúng ta ra khỏi nhà lúc 10 giờ 30 thay vì 10 giờ 45! 

- Lễ lúc 11am, nhà mình chỉ cách nhà thờ chưa tới 15 phút, đi chi sớm dzậy!

- Đi vậy sát nút quá không được! Nhiều khi kẹt xe trên đường!

Thiệt tình! Cái thành phố nhỏ xíu xiu, lại thêm ngày Chúa Nhật, mấy ai đi làm, lấy đâu ra mà kẹt xe chớ! mụ hiểu rồi, mụ hiểu vì sao có quyết định này! Con người của lão lịch sự không nói ra lý do đó thôi! Chẳng qua thì cũng là lỗi tại mụ bê bối, lề mề nên bây giờ mới phải không ngủ được thêm 15 phút!

Cuối tuần rồi mụ đi đến Sam’s mua một ít thực phẩm. Vừa vào trong tiệm gặp ngay Jessica, con nhỏ làm cùng chỗ lúc trước. Gặp mụ con bé ôm thật chặt mừng rỡ:

- Từ ngày bà về hưu đến hôm nay mới gặp lại! Trông bà thật thảnh thơi!

Mụ nhìn con bé, trông nó cũng tươi tỉnh ra, không nhìn thấy cái dáng vẻ “đầu bù tóc rối” như ngày nó còn làm việc cùng chỗ với mụ cách đây 4 năm! Hỏi thăm thì nay chồng nó được làm tại văn phòng, không phải lái xe đi giao hàng nữa, mấy đứa con cũng lớn hơn nên nó đỡ đầu tắt mặt tối!

Vợ chồng nó quen nhau từ thời còn học High school. Học xong Trung học thì lo lấy nhau, không màng học lên để đời sống khá hơn! Mới 25 tuổi mà leo nheo lóc nhóc 3 đứa con ra đời, đứa 5 tuổi, đứa 3 tuổi, đứa 1 tuổi! Thằng chồng phụ trách công việc giao hàng cho UPS bận rộn suốt ngày, phải lái xe đi từ thành phố này đến thành phố khác. Bận rộn quá nên ít khi có giờ rảnh phụ vợ. Bởi vậy nên lúc nào nó cũng tất ta tất tưởi, chở con đi học, đi gửi con, đi đón con! Rồi việc nhà, rồi tiền bạc không thong thả, vợ chồng cứ cắn đắng nhau… Bởi vậy khuôn mặt nó lúc nào cũng như đầy tâm sự!

Ngày đó có lần nó mon men lại gần nói chuyện nhà chuyện cửa rồi lan man hỏi:

- Bà với ông Chuck có thường xuyên gây nhau không?

- Không bao giờ!

- Không bao giờ? Nghĩa là sao?

- Thì nghĩa là không bao giờ chớ sao!

Con nhỏ tròn mắt:

- Mấy chục năm lấy nhau mà chưa bao giờ gây nhau, sao hay vậy?

- Có gì đâu mà hay! Mày biết rồi, Take two to Tango, có hai người mới nhảy Tango được thì cãi nhau cũng vậy thôi! Có hai người nói qua nói về thì mới thành cãi nhau. Đằng này chỉ có mình tao nói mà ổng không nói thì làm sao mà thành gây nhau được!

- Ổng không nói lại tiếng nào hả?

- Không nói, không thèm để ý!

Con bé chép miệng:

- Sao có người tốt tính như vậy nhỉ! Thằng quỷ chồng tui, nói một tiếng nó nói lại một tiếng, không bao giờ chịu thua đâu!

Thật sự cái tốt tính này cũng làm mụ tức ghê lắm, bởi vì khi mình gân cổ lên mà đối phương không thèm đáp lại phải làm sao đây? Rốt cuộc sau một hồi độc thoại thì mụ cũng đành im tiếng thôi!

Tuy là rất hiền lành nhưng đôi khi lão cũng nói móc họng chứ chả chơi! Như đã nói lão là con người đàng hoàng trong tất cả mọi phương diện! Lái xe thì khỏi nói, tuân thủ luật lệ nghiêm ngặt. Ngừng xe ngay khi thấy bảng Stop, thấy đèn vàng là từ từ giảm tốc độ. Vận tốc trên đường cho phép bao nhiêu lão theo đúng bấy nhiêu! Mụ thì thấy đèn vàng là đạp ga chạy cho kịp không thôi kẹt đèn đỏ! Lại thêm cái tật lái xe nhanh. Ngày còn ở quê nhà đã là như vậy, leo lên chiếc Honda là phải phóng nhanh! Mẹ mụ ngày đó đã có lần nói với cha của mụ “con gái mà đi xe như con trai, chạy xe vù vù, ngồi sau lưng nó chở, sợ bắt chết”! Cái tính này nằm trong máu từ bao năm bởi vậy ngồi trên xe thấy lão lái “chậm như rùa” là mụ thật là khó chịu.

- Ông chạy chậm quá!  

- Xe chạy 70 dặm (112km) đúng vận tốc tối đa cho phép! Mình mà muốn tôi lái nhanh hơn gặp Cảnh sát thì đừng nói là xui nghen! 

- Tôi có nghe người ta nói là vận tốc cho phép là như vậy nhưng Cảnh sát cho chạy hơn 5, 10 miles cũng không sao mà, không hề bị phạt!

Lão gật gù móc họng:

- Ừ, mình cứ chạy như vậy đi rồi khi Cảnh sát có chặn lại thì nói với họ là có nghe nói được phép như vậy. Họ sẽ tha cho mình đó!!

Như đã nói con người lão rất ư là hiền lành, chu đáo, luôn tử tế với tất cả mọi người.  Mụ không có gì than phiền về lão nhưng nhiều khi mụ cũng bị tức mình vì lão rất…lãng nhách!

Một buổi sáng như thường lệ sau khi thức dậy, sửa soạn xong đâu đó mụ ra phòng ăn ăn sáng trước khi rời nhà đến sở làm. Chỉ có mụ ngồi ăn, lão đã đi làm từ sớm. 8 giờ mới tới giờ làm việc nhưng 7 giờ là lão đã đi rồi. Lão bảo vô sớm yên tĩnh, không bị quấy rầy bởi những cú điện thoại, làm được nhiều việc!  

Ngồi xuống bàn ăn mụ thích thú nhìn cái tô với dăm trái blueberries (trái việt quất) trên bàn. Lão rất thích loại trái cây này nhưng sao lại còn mấy trái trong tô? Chắc là đã không muốn ăn hết, chừa lại cho mụ đây! Cảm động quá đi thôi! Bốc một trái cho vào miệng, ui da, sao mà nó bấy bấy trong miệng, cái cảm giác ghê ghê! Mụ phun nhanh vào miếng giấy lau miệng! Trái thứ hai, rồi thứ ba, cũng y như vậy! Mụ đưa tay bóp thử mấy trái còn lại, tất cả chúng mềm èo như nhau!! Chẳng biết như thế nào, gạt cái tô với mấy trái blueberries qua một bên! Mụ ăn vội cái tô cereal không thôi lại trể giờ đến sở!
Vào đến chỗ làm mụ nhấc máy gọi lão:

- Sao mình để mấy trái blueberries cho tôi mà trái nào cũng không ăn được?

Có tiếng lão trả lời ngơ ngác:

- Ơ… ơ…ơ…có đâu! Có để lại cho mình đâu! Mấy trái đó bị hư không ăn được nên tôi chừa lại! 

Trời! Nghe mà tức anh ách, thì ra mụ bé cái nhầm!  Cứ tưởng lão ưu ái để dành cho mụ!! Mụ dấm dẳng:

- Hư sao không quăng thùng rác mà lại bỏ trên bàn?

- Ơ, sáng nay gấp quá nên tôi quên mất! Xin lỗi mình!

Bực mình! Lỗi với phải! Chưa thấy ai…lãng nhách như lão! Mụ lầm bầm!

Chưa hết đâu!  Có một năm đó lão đi làm việc ở Gaborone, Botswana (một nước bên Châu Phi) 7 tuần lễ! Buổi chiều đi làm về nhà chỉ có một mình, không cần phải nấu nướng chi. Mụ thơ thẩn ra khu vườn nhỏ nơi mụ trồng được mấy cây cà chua, cà tím… Năm nay trong khu vườn mụ chỉ trồng được một nửa, một nửa kia lão nhảy vô trồng strawberry (dâu tây)! Số là năm trước đó thấy nhà của mẹ lão ở sát cạnh bên trồng strawberry trái ra đầy vườn, lão thấy thích quá nên muốn trồng! Trước khi đi lão cẩn thận lấy một tấm lưới phủ trên đám strawberry để nay mai có trái lũ chim không ăn được.  
Trong mảnh vườn nhỏ này mụ thích nhứt là mấy cây cà chua cherry sai đặc trái mụ trồng, trái nhỏ thôi, cở bằng 2/3 đầu ngón tay cái nhưng đặc biệt chúng kết lại giống như chùm nho nhìn rất thích!  

Chiều nay như mọi chiều ra thăm vườn, Mụ ngồi sà xuống bên cạnh một cây cà chua sát bên đám strawberry. Nhanh chưa, mới chiều hôm qua trái chỉ mới ươm vàng thế mà chiều nay đã chín đỏ rực, đẹp quá chừng! Mụ đưa tay mân mê một chùm cà chua đỏ au thì bất chợt nghe có tiếng sột soạt gần bên. Ngoái nhìn xuống dưới chân, trời đất, một con rắn to bằng cổ tay mụ, mang những khoanh đỏ, khoanh đen trên lưng đang loay hoay tìm cách thoát ra khỏi tấm lưới bao quanh những bụi strawberry. Có lẽ cả ngày trời nóng bằng cách nào đó nó chui được vào đám strawberry cho mát, đến khi nghe tiếng động tìm cách bò đi chỗ khác! Hoảng hồn, mụ đứng bật dậy như lò xo và co giò chạy vô garage kiếm cái cuốc. Mụ sợ nhứt đồng thời cũng ghét nhứt trên đời là con rắn, đặc biệt là giống rắn độc! Giống rắn có khoang như thế này hồi còn ở nhà nghe cha của mụ nói đó là giống rắn độc tên gọi là mai gầm, cắn chết người. Trở ra lại với cái cuốc, mụ đứng hơi xa xa nhắm con rắn mà cuốc, cuốc một chập thì con rắn banh xác!!

Mụ trở vô trong nhà mệt nhừ người và hãy còn hoảng sợ! Một chặp sau lão từ Gaborone gọi điện thoại về. Mụ chỉ chờ có thế, bốc điện thoại lên kể một hơi không ngừng nghỉ! Câu hỏi đầu tiên của lão bên kia đầu dây sau khi mụ ngừng nói:

- Vậy là mấy bụi strawberry đã hư hết rồi phải không mình?

Trời, nghe lão hỏi mà tức cành hông! Lão coi mấy bụi strawberry hơn mụ! Chớ hề hỏi là mình có sao không, có sợ không…?? Tại sao trên đời lại có người… lãng nhách như vậy nhỉ?! Chưa kịp đáp trả thì đã nghe lão tiếp lời:

- Sắp hết giờ rồi. Ở nhà mọi sự OK hết phải không? Thôi mình sửa soạn ăn tối đi. Ngon miệng nghe, tôi đi ngủ bây giờ! 

Thế là lão cúp máy! Tức thì thôi!  Mỗi lần đi làm việc ở các nước lão chỉ được phép gọi về nhà mỗi ngày một lần, mỗi lần 5 phút! Đúng 5 phút là lão cúp. Kiểu này làm sao đủ giờ cho mụ “nghiến răng” với lão đây!

Tối hôm đó mụ không ngủ được phần thì hãy còn sợ con rắn phần thì tức vì cái lãng nhách của lão! Thì ra lão xạo ghê! Đi làm xa thì thôi chứ ởnhà là lâu lâu lại bỏ vào tai mụ:

- Mình có biết là mình là niềm hạnh phúc nhứt đời của tôi không?

- Mình có biết là mỗi ngày vào giờ kinh tối tôi luôn cảm ơn Chúa đã mang mình đến trong đời tôi không?

- Mình có biết là tôi không thể sống thiếu mình trong đời không? Lão vừa nói mà mắt lão ươn ướt, chớp chớp nữa chớ, làm mụ đã thiệt là cảm động ghê đi! Ui cha, còn rất nhiều “Mình có biết” hoa lá cành nữa mà giờ đây mụ nghĩ lại thấy lão xạo ghê!

Càng nghĩ càng tức mình, hôm sau mụ gọi qua Cali để kể lể với mẹ mình. Tức thì nghe tiếng mẹ chặc lưỡi:

- Để ý chi ba cái chuyện vặt vãnh nớ chớ! Lấy được người đàng hoàng, biết lo chu toàn cho gia đình, người ta thương mình thiệt hay giả thì 9, 10 năm nay cũng biết rồi cần chi phải để ý một câu nói nhỏ nhoi như rứa!!

Không được, mụ không đồng ý với mẹ đâu! Cuối tuần mụ gọi cho Hiền, con bạn thân ở Oregon phải kể cho nó nghe mới được. Vừa nghe xong, đầu giây bên kia nghe cái giọng đặc sệt miền Nam của nó la toáng lên:

- Ôi bà ơi, tui nói bà nghe mấy cái thằng cha chồng là…dzô dziêng ghê lắm (nguyên văn)! Để tui kể bà nghe chuyện tui nè! Có một lần đó buổi sáng tui thức dậy bước xuống giường tự nhiên té cái đùng xuống nền nhà, ráng ngồi dậy mà chóng mặt quá dậy không được, ông chồng tui phải phụ đưa tui lên giường trở lại. Tui phải gọi vô chỗ làm xin nghỉ hôm đó. Nằm cả ngày buổi chiều thấy đỡ đỡ tui ra phòng khách mở TV coi. Một lúc sau ổng đi làm về, vừa ngó thấy tui ổng hỏi: "Có gì ăn chưa, anh đói bụng quá!"
Trời ơi, tui nghe mà ứa gan! Mình bịnh cả ngày thằng chả đi về chớ hề hỏi thăm là mình ra sao rồi, có bớt chóng mặt không? Tui tức mình không thèm trả lời. Một lúc sau ổng đi ra thấy mặt tui chù ụ, ổng dần lân hỏi tới hỏi lui. Khi đó tui mới nói, ông là con người ích kỷ, vô tình vô nghĩa, không đoái hoài tới vợ, vợ bịnh về tới nhà không biết hỏi thăm chỉ lo hỏi ăn! Bà biết lúc đó ổng nói sao không? Ổng nói: "Giận gì kỳ cục! Thấy ngồi đó coi TV là biết hết bịnh rồi, hỏi chi nữa!" Thiệt là tui chưa từng thấy ai mà dzô dziêng như thằng chả!

Sau một hơi dài kể chuyện rốt cuộc nó hạ giọng:

- Thôi kệ, bỏ đi bà ơi! Tui bây giờ cũng không để ý làm gì cho mệt! Nhiều khi tui nghĩ có thằng cha chồng dzô dziêng, lãng nhách dzậy còn hơn người khéo ăn khéo nói, lanh mồm, lanh miệng ra đường con gái nó bu theo thì mệt nữa!

Trời, than thở với hai người, người nào cũng nói kiểu đó! Coi như trớt quớt! Chỉ con cách chờ lão về để “gầm gừ” với lão thôi. Rồi cũng tới ngày lão về, chờ cho lão bày hết ba cái món lão tha về từ Gaborone, tắm rửa xong xuôi mụ “nghiến răng” với lão ngay! Cho đến bây giờ đã gần 20 năm qua mà mụ vẫn nhớ cái mặt ngớ ra của lão cùng câu nói của lão lúc đó:

 - Nghe mình kể đầu đuôi rành mạch vậy tức là mình không sao rồi, hỏi làm gì nữa! 

Nghe lão nói mà ứa gan! Tại sao trên đời này lại có những ông chồng dzô dziêng như chồng của bạn mụ và lãng nhách như chồng của mụ? Không biết ngoài kia có đức ông chồng nào giống như vậy không nhỉ?!  

*
Tháng 11 năm rồi vợ chồng mụ đi Châu Âu hai tuần, có được bốn ngày tròn ở Paris. Ngày cuối cùng ở Pháp đi thăm cung điện Versailles. Buổi sáng hôm đó sau khi mua vé xong đang xếp hàng đứng đợi để vào bên trong cung điện thì trời lất phất mưa! Tuy chỉ mưa nhẹ nhưng nhìn dòng người xếp hàng dài trước mặt, mụ độ chừng đứng chịu trận như thế này đến khi vô tới được bên trong thì cũng không dễ chịu chút nào! Mụ thầm trách mình là sáng nay tự nhiên đổi cái jacket có cái mũ đàng sau mặc cái áo không mũ này! Đang lúc không vui vẻ gì đột nhiên mụ nghe có tiếng rao gần bên:

 - Paris umbrella! Paris umbrella! (Dù Paris đây! Dù Paris đây)

Ui trời ơi, “buồn ngủ gặp chiếu manh.” Mụ quay người lại vừa lúc người Tây Ma-rốc trên cánh tay móc đầy những chiếc dù cũng vừa tới. Mụ hỏi: 

- Combien? (bao nhiêu?)

- 10 €

-  5 €

Cái tật quen trả giá thôi chứ mụ đang cần, anh ta không bán mụ cũng mua! 10 Euros vẫn rẻ hơn hôm qua khi đang xếp hàng vào mua vé ở Viện bảo tàng Louvre thấy người ta mua đến 15 Euros. Nhưng không ngờ người bán dù đã trao chiếc dù ra cho mụ!

Giương chiếc dù lên mụ vô cùng thích thú! Thứ nhứt, không sợ mưa làm ướt tóc nữa. Thứ hai, mụ đã thích nó từ hôm qua lúc ở Louvre muốn mua mang về nhà làm kỷ niệm nhưng thấy thân dù dài quá sợ bỏ vô vali không vừa mà phải cầm tay phiền phức quá nên thôi. Bây giờ tự nhiên xui khiến có được!
Buổi chiều ra về trong lúc đứng bên đường chờ xe trở lại khách sạn, mụ giương chiếc dù lên ngắm nghía. Công nhận nó thật là dễ thương, nhỏ nhắn, người ta làm theo cái kiểu cổ xưa, mái dù cong sâu xuống, kích thước chỉ vừa đủ cho một người dùng. Hình ảnh Nhà Thờ Đức Bà, Tháp Eiffel, Khải Hoàn Môn…. cùng dòng chữ “I love Paris” viết nghiêng nghiêng! Tất cả được in lên trên màu trắng trong veo của chiếc dù, trông thật đẹp và sang. Mụ quay sang lão nói:

- Cái dù này thật xinh xắn phải không mình, mà lại chỉ có 5 €. Tôi thật sự thích nó quá đi!

Lão nhìn lên chiếc dù nhẹ nhàng bảo:

- Ừ, đúng là nó thật xinh! Nhưng mà lần sau mình đừng trả giá nữa nghen!  

Mụ ngơ ngác:

- Sao vậy? Mấy người bán hàng cho du khách xạo lắm, không trả giá là bị họ lừa. Mình nhớ tuần trước khi ở Rome nếu tôi không trả giá bức tranh mà mình thích thì chúng ta đã phải trả $250 Euros thay vì $150 Euros cho bức tranh đó rồi phải không?

Lão ôn tồn:

- Trả giá không có gì sai, nhưng ý tôi muốn nói là đối với những người bán hàng rong như người bán dù thì đừng trả giá, tội nghiệp họ! Cứ cho là mình bị lừa đi để cuối ngày khi họ về nhà, gia đình họ có thêm miếng thịt, con cá trong bữa ăn chiều!

Lão nói xong tự nhiên mà mụ nghe thấm thía, ray rứt trong lòng! Sinh ra và lớn lên trong một đất nước mà trả giá là một thói quen, là một sự thường tình trong xã hội! Nhà nhà người người đều trả giá, trả giá từ cọng hành, bó rau muống, con cá đến thước vải, bộ quần áo, chiếc xe đạp…! Mụ đã biết trả giá từ khi 12, 14 tuổi khi thỉnh thoảng mẹ mụ sai đi ra chợ mua vài thứ gì đó! Thói quen trả giá đã nằm trong máu từ cái thuở nào rồi! Có bao giờ mụ nghĩ đến là đối tượng nào nên trả giá và đối tượng nào không nên đâu!

Chao ơi, càng nghĩ càng hối hận! Mụ nhìn quanh chiếc sân rộng của cung điện Versailles hy vọng có bóng dáng người Tây Ma-rốc bán dù sáng nay rảo bước đâu đó để mụ được chuộc lỗi! Nhưng cuối ngày rồi, khoảng sân vắng lặng, không còn ai! Người bán dù sáng nay chắc cũng đã về đến nhà!! 
 
Tháng Ba vừa qua, vợ chồng mụ về Việt Nam. Mới giữa tháng Ba mà trời đã khá nóng. Xế chiều cái nắng nóng dịu đi được một chút, lão muốn đến Bưu điện lớn Saigon gửi những cái post cards về cho những người bạn. Xong việc lão muốn thả bộ xuống trung tâm thành phố, nơi mà lão rất thích đến mỗi khi có dịp về Việt Nam. Vừa ra khỏi Bưu điện, một người phụ nữ với một cái khay gỗ mang trước ngực tiến đến:

- Cô mua giùm em mấy tấm thiệp, thiệp đẹp lắm!

Vừa nói người phụ nữ vừa mở ra một tấm đưa cho mụ xem. Nhìn bên ngoài như một tấm thiệp bình thường nhưng mở ra là hình cắt của nguyên Nhà thờ Đức Bà. Mụ mở những tấm khác là những hình ảnh khác: Chùa Thiên Mụ, con đò và cô lái đò, Bưu Điện Saigon… Cũng hay hay, hình cắt sắc sảo, màu sắc đẹp và trung thực, mua về làm quà cho mấy người bạn quen cũng được đó, mụ thầm nghĩ. Ngước nhìn người bán hàng mụ hỏi:

- Bao nhiều một tấm vậy chị?

- Dạ 30 chục ngàn. 

Mụ toan nói 20 ngàn thôi, nhưng bất chợt hình ảnh người Tây Ma-rốc bán dù ở cung điện Versailles hiện ra trước mắt. Mụ nhìn người phụ nữ bán hàng, chưa già, ánh mắt hãy còn trong, song nắng mưa và sự lam lũ làm làn da sạm lại nên khuôn mặt trông già đi rất nhiều.

- Chị gói cho tôi 8 tấm thiệp nhé. 

Tiếng người phụ nữ “dạ” mà mụ nghe như có nốt nhạc vang lên!

Lão móc túi trả tiền rồi đưa mắt nhìn mụ miệng nở nụ cười ý nhị!

*
Đường phố Saigon chật ních người, xe Honda như một mảng lưới giăng khắp nơi! Mụ không thích Saigon chút nào, ồn ào náo nhiệt quá! Có thể sống ở tỉnh nhỏ từ bé đến lớn nên mụ quen với nếp sống yên tĩnh. Lão trái lại yêu Saigon vô cùng!

Còn nhớ ngày đầu tiên mụ và lão thư từ qua lại vào năm 1992. Trong một lá thư sau đó, lão đã viết:

 “…. Ngày đầu tiên tôi đến Việt Nam cách đây 20 năm, lúc ấy chỉ quanh quẩn ở Saigon thôi mà sao thấy yêu thích đất nước này quá đổi! Saigon đẹp quá với những kiến trúc cổ kính, sang trọng. Những con đường, những dãy phố, những ngôi chợ, những quán ăn, khách sạn…đâu đâu cũng thu hút tôi. Tôi không ngờ ở một nơi xa xôi lại có một đất nước xinh đẹp như thế này! Tôi có dịp tiếp xúc với những người dân, thấy người Việt Nam thân thiện và đáng mến quá. Người phụ nữ Việt Nam thì thật là đẹp. Tôi đã cố gắng tìm hiểu về văn hóa đất nước này và cảm giác có điều gì đó thật gần gũi với mình! Tôi thật sự đã “fall in love” vào cái đất nước nhỏ bé này rồi! Viết thư về cho má tôi nói những cảm nghĩ về Việt Nam và cũng nói với má là sau này khi cưới vợ tôi chỉ muốn lấy vợ người Việt Nam thôi. Nếu không được thì sẽ không bao giờ lập gia đình!

Ngày đó tôi muốn được ở Việt Nam dài lâu hơn nhưng mà 7 tháng sau tôi phải trở về Mỹ. Ngày rời xa nước mắt đã đầy trong mắt tôi vì không biết mình có còn cơ hội trở lại đất nước xinh đẹp này nữa không?  

Thế mà tôi đã có dịp trở lại vào năm 1990. Saigon lúc này không có gì thay đổi so với ngày tôi mới đặt chân đến vào năm 1972. Tôi thật sự xúc động khi thấy những con đường, những ngôi nhà, những công trình kiến trúc vẫn y nguyên như ngày tôi rời xa cách đây 18 năm. Tôi không nghĩ là mình đã cách xa nó một quãng thời gian dài như thế….”  

Lão viết miên man, dài thật dài về Việt Nam. Lúc đó mụ nghĩ thầm là lão dẻo miệng quá, đặc biệt là cái câu: “Sau này khi lấy vợ chỉ lấy vợ là người Việt Nam thôi, nếu không thì sẽ không bao giờ lập gia đình”!  Còn nhớ mụ đưa thư cho đứa em kế xem nó bảo: “Ông này “tán” khéo ghê!”

Nhưng về sau mụ mới biết là lão đã nói rất thật! Trong nhà có ba cái kệ sách lớn mà trong đó nguyên một kệ là sách báo về Việt Nam! Chưa kể một “trời” đồ kỷ niệm lão mang về từ Việt Nam. Trong một lần mẹ chồng con dâu đi shopping, bà già thủ thỉ: “Má chỉ lo Chuck không lập gia đình vì không tìm được người Việt Nam. Bây giờ điều mong muốn của nó đã thành, má thiệt là mừng”! 

Chiều xuống dần, cái nóng đỡ hơn một chút, nhưng không có nghĩa là mát mẻ. Mụ đã thấy thấm mệt và cặp giò đã mỏi! Nhưng hình như lão thì không! Mồ hôi đã lấm tấm trên khuôn mặt lão nhưng nụ cười vẫn điểm trên môi, bước chân đi thoăn thoắt kéo mụ băng qua từ con đường này sang con đường khác! Tư thế này mụ không tìm thấy ở lão khi đi chơi các nơi khác. Cho hay con người ta khi yêu thích một điều gì thì tất cả những phiền lụy khác đểu không thành vấn đề! 

Ngang qua khách sạn Continental lão ngừng lại chụp mấy tấm ảnh, ánh mắt nhìn xa xa lẩm nhẩm như nói với chính mình:

- Saigon thay đổi nhiều quá, mỗi lần về là mỗi lần thấy khác đi! Cũng may vẫn còn Continental, còn Caravel và còn Palace. Những nơi này nhắc nhiều kỷ niệm của những ngày cũ!  

Quay người sang mụ, lão nói: 

- Mình à, không hiểu sao mỗi khi đến Việt Nam tôi cứ có cảm giác là đi về nhà, cái cảm giác không giống như khi đến các xứ khác!

- Cũng đúng thôi, mình là con rể VN rồi, thì về VN là coi như về nhà!

Quàng tay qua vai mụ, lão thì thầm:

 - Cám ơn mình đã chấp nhận cho tôi làm rể Việt Nam! Cám ơn Chúa đã cho tôi một người vợ như tôi hằng mong ước! Mình có biết mình là tất cả đối với tôi không? 

 Mụ nheo mắt trêu lão:

- Thiệt vậy sao? Tôi tưởng mấy bụi strawberry là tất cả đối với mình chớ!

- Ui trời! Trí nhớ mình tốt thật. Chuyện mấy chục năm rồi mà vẫn không quên!

- Đàn bà thù dai mà, đặc biệt là đàn bà Việt Nam!  

Biết mụ đùa, lão phá lên cười khanh khách, tiếng cười sảng khoái, vui tươi vang vọng trên con đường lộng gió!!

 

Phi Nguyễn 

Tháng 8/2024

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 409,960
Hồi mới qua Mỹ, tôi phải vừa đi làm vừa đi học để tự trang trải cuộc sống. Tôi được một công ty sửa chữa hàng điện tử, mướn vào làm ca đêm, vì ca ngày đã đầy. Ban đêm đi làm, ban ngày đi học cũng khá phù hợp với lịch trình của tôi lúc ấy. Tôi thuê một phòng trọ nhỏ, chỉ về nhà ngủ vài tiếng mỗi ngày trước khi tiếp tục công việc. Tôi làm việc không kể nặng nhọc hay khó khăn vì so với việc làm hồi còn ở Việt Nam thì sá gì với mấy công việc nhẹ nhàng này. Tôi vào hãng với tinh thần thoải mái vì tôi được làm việc trong một môi trường vui vẻ và tôi yêu thích công việc này. Ngược lại, việc học ở trường thì tôi vật lộn với nó như bò kéo xe lên dốc.
Người xưa có câu "70 chưa gọi là lành", ý nói họa phước của mỗi người tới 70 tuổi vẫn chưa biết được, phải tới khi hết thở thì mới có thể nói rằng cuộc sống của một người tốt xấu, lành dữ, ra sao. Câu chuyện dưới đây là một chuyện có thật về một chuyến du lịch bị trở ngại vào phút chót và những người trong cuộc đã trải qua những thử thách rất khó khăn, giống như họ phải chèo chống một con thuyền mong manh vượt qua cơn sóng dữ...
Hòa thức dậy lúc 5 giờ sáng sau giấc ngủ ngắn từ giữa khuya, căn phòng bệnh viện màu trắng ngà dưới ánh đèn vàng vọt buồn thiu, bên ngoài kia trời còn phảng phất lạnh lẽo của đầu mùa đông, dù mùa đông Seattle không nhiều tuyết tái tê như những nơi miền Đông Bắc nước Mỹ. Hòa vẫn thường ngủ ít và dậy sớm, có lẽ bệnh nhân nào cũng thế, nằm trong bệnh viện khắc khoải lo âu bệnh hoạn, lại thêm y tá nhân viên thường xuyên ra vào cả ngày lẫn đêm ai mà ngủ ngon cho được. Hòa rời khỏi giường, đi ra phía cửa, rồi đi dạo khu hành lang cho đầu óc khỏi suy nghĩ rồi lại buồn lại khóc. Các phòng bệnh đều đóng kín, mỗi bệnh nhân là một thế giới riêng, đau buồn riêng. Cuối hành lang xa xa thỉnh thoảng có bóng dáng vài cô y tá tất bật qua lại, ghé vào phòng nào đó thăm bệnh, lấy máu, đo huyết áp, đưa thuốc... nói chung là đủ thứ của công việc y tá.
Ông ngồi nhâm nhi tách trà, ánh mắt mông lung thả vào khoảng không. Từ tách trà nóng, một làn khói mỏng tỏa lên. Hương sen lãng đãng trong khu vườn buổi sáng, quyện cùng mùi cỏ cây, mùi sương ẩm. Buổi sáng bao giờ cũng là thời khắc êm đềm đối với ông. Không có gì phải vội vàng, ông cứ ngồi như thế, cho đến khi mặt trời lên cao và bình trà cạn nguội ngắc ngơ. Nhưng hôm nay thì khác. Bãi sân trống cạnh nhà là nơi tụ tập đá bóng của bọn trẻ từ sớm. Kỳ nghỉ hè vừa mới bắt đầu, bao nhiêu sự phấn khích cùng với năng lượng tràn đầy dồn vào những cú sút bóng ầm ầm, vào tiếng la hét vang dậy. Rồi cái gì đến cũng đã đến. Một cú sút thẳng chân, hất quả bóng bay qua hàng rào, rơi ngay bàn trà của ông...
... Có nhiều người nói nhổ răng hàm trên, nhất là mấy cái răng cấm thì dễ bị chạm dây thần kinh và về sau sẽ bị “mát dây”, và cũng có vài đứa bà con tôi biết sau khi nhổ răng cấm thì tâm thần rất là bất ổn, nếu không nói là bị bệnh thần kinh. Nhà tôi và mấy đứa con thì nói răng không đau đâu cần nhổ làm gì cho... thêm chuyện; thằng con còn “hù” tôi, kể lại khi nó đi nhổ răng khôn, người ta dùng kềm móc cái răng rồi “đu” người lên mà kéo; ông bố thì “dọa”, coi chừng nhổ răng xong bà không còn nhớ tôi là ai; rồi vài chị bạn tôi kể nhổ răng khôn về sưng đau hành rất lâu, rất mệt v.v... làm tôi hãi quá. Tôi lên “net” tìm hiểu về “lợi và hại của việc nhổ răng khôn” thì có quá nhiều thông tin xuôi chiều và ngược chiều, nên tôi quyết định không nhổ. Cho nó lành...
Trong cuộc đời của mỗi người, bất kỳ ở nơi nào trên thế giới, từ khi có trí khôn, là ta đã mang nợ và phải biết ơn nhiều người- từ Tổ Tiên Ông Bà, người làm ra hạt gạo nuôi ta, Đấng Sinh Thành, đến những Thầy Cô dẫn dắt ta, các cô chú Thương Phế Binh đã bảo vệ chúng ta bằng chính cuộc đời họ, đến bạn bè, người quản lý và giám đốc nơi ta làm việc, đồng nghiệp... người quen người lạ… tất cả mọi người chung quanh, ta đều mang ơn họ, không nhiều thì ít. Và riêng đối với những người được định cư ở quê hương thứ hai, ta còn phải mắc nợ thêm bao nhiêu là người nữa- từ chính phủ, những vị tổng thống, từ những vị giúp những chương trình tái định cư HO, ODP… đến những vị ân nhân bảo lãnh...v.v... trái tim nhân ái của họ bao la vô cùng... Kể ra tất cả những người làm ơn cho ta sẽ không hết - ở đây tôi chỉ xin đơn cử một vài việc rất gần đối với gia đình tôi, với đất nước “Cờ Hoa” đầy tình người này.
Cách đây rất nhiều năm. hồi chị còn đi học đại học ở Mỹ, trong một lớp của chương trình sư phạm, một vị giáo sư hỏi cả lớp trước khi cả lớp chuẩn bị nghỉ lễ Tạ Ơn: - Các bạn sẽ nói lời cảm ơn với ai trong dịp lễ Tạ Ơn năm nay? Các bạn đồng môn của chị nhao nhao, nói sẽ cảm ơn gia đình, thầy cô, bạn bè. Vị giáo sư quay sang hỏi chị có ai để cảm ơn không, dĩ nhiên chị có rất nhiều người để nói lời cảm ơn. Chị nói với vị giáo sư rằng chị rất biết ơn ba má và bạn bè của chị, người đã giúp đỡ chị quay lại trường đại học ở Mỹ. Chị biết ơn nước Mỹ đã cưu mang gia đình chị và giúp đỡ chị về tài chánh để chị được đi học. Chị biết ơn các giáo sư ở Mỹ đã khuyến khích, tận tâm giải thích cho chị những lúc chị không hiểu bài. Chị cảm ơn con trai chị đã giúp chị có động lực để quay lại trường học vì chị muốn làm tấm gương cho thằng Huy-là-con trai của chị. Chị muốn thằng Huy sau này khi lớn lên sẽ đi đại học như rất nhiều di dân gốc Việt khác...
Tôi thức dậy từ 6 giờ sáng lo những việc cá nhân lẹ làng, sau đó thay bộ áo dài cờ vàng lái xe lên San Jose, đến điểm tập họp trước “parking” của Walmart nằm trên đường Story. Vì câu nói của em trai Minh Huy trưởng đoàn Hậu Duệ Việt Nam Cộng Hòa, khi Hoa Nguyễn mời, tôi đã ngại ngùng nói ”Chị già rồi không phù hợp với tuổi trẻ, đường xá xa xôi, vấn đề lái xe trở ngại, chỉ có thể đi tham dự hạn chế”. Minh Huy thưa ”Chị ơi! chúng em rất cần ba thế hệ một tấm lòng ...”. câu nói lễ phép với cả chân tình của tuổi trẻ đầy tha thiết đã động vào trái tim mình, nên tôi quên mất tuổi già không đủ sức khỏe tốt, vượt đường xa mưa gió góp mặt cùng nhóm hậu duệ đi diễn hành Lễ Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ.
Một ngày trong tháng 9, 2024, Kim Oanh điện thoại cho vợ chồng chúng tôi, ngỏ ý muốn qua thăm “anh chị”. Chúng tôi cho biết, nếu cần đưa đón, chúng tôi sẵn sàng. Nhưng Kim Oanh trả lời sẽ nhờ người quen đưa đến. Chúng tôi hẹn gặp nhau vào cuối tháng 10, 2024 tại nhà chúng tôi. Kim Oanh là vợ của Trung Úy Không Quân Hoàng Văn Tân, một người bạn tù cải tạo rất thân thiết của tôi trong 2 năm tại Long Khánh. Kim Oanh có lần dẫn vợ tôi cùng nhau thăm lén hai ông chồng trong rừng cao su bên ngoài trại tù ở Long Khánh. Đây là một kỷ niệm không bao giờ quên, vì cả hai cặp có được chút thì giờ “tâm sự” riêng với nhau giữa cảnh màn trời chiếu đất. Anh Hoàng Văn Tân mất vào đầu năm 2016 tại San Diego.
Dân ta ở các tiểu bang miền Tây như Cali, Texas… gọi họ là dân “Mễ” vì họ vào nước Mỹ từ xứ Mexico; các tiểu bang miền Đông như Maryland, Virginia… gọi là dân “Xì”, vì nghe họ nói tiếng Spanish - tiếng gọi khác nhau, nhưng “Mễ” hay “Xì” cũng là di dân từ các nước Trung hay Nam Mỹ. Người Mỹ gọi họ là dân Hispanic hay Latino. “Chuyện dài di dân gốc Mễ”: từ nhà ra phố đến chuyện quốc gia đại sự đều có mặt dân “Xì”; vui buồn, thương cảm hay giận đến căm gan đều có bóng dáng anh “Mễ”...
Nhạc sĩ Cung Tiến