Hôm nay,  

My ...

14/08/202405:00:00(Xem: 3237)
TG Phan Khoi nguyen VVNM 2018 cat banh tai le trao giai VVNM 2018
TG Phan-Khôi nguyên VVNM 2018 đang cắt bánh trong buổi lễ trao giải VVNM 2018

 

Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây là một bài viết mới kể về một chuyện tình nhẹ nhàng cho trang VVNM (bài không dự thi). *
 
 
Tiếng bánh xe máy bay chạm đất làm tôi bừng tỉnh. Thế là chuyến bay dài như trắc ẩn trong lòng mấy mươi năm xa đã về đến quê nhà, trắc ẩn trong lòng về chuyện My chưa hề nguôi sau nhiều năm không gặp, nhiều năm muốn quên nhưng lòng lại nhớ My hơn…
 
Đã đến lúc phải đối mặt với thực tế. Kẻ trốn chạy tay không nên ngày về cũng không hành lý, chỉ phải chờ mọi người lần lượt xuống máy bay là văn minh học được ở xứ người. Vừa bước ra khỏi máy bay đã nghe mùi áp bức, khó thở, sôi máu vì thiếu tự do… Nhưng mặc kệ mùi quê cũ mang theo đã mấy chục năm ra đi vẫn nguyên vẹn trở về. Tôi tiến ra cửa, làm thủ tục hải quan nhanh chóng vì không có hành lý, giấy tờ nhập cảnh cũng không có gì ngoài cái hộ chiếu, cái hộ chiếu cũng không có gì đáng cho hải quan xem ngoài tờ hai chục đô la kẹp bên trong. (My dặn sao tôi làm vậy sau mấy mươi năm không hối lộ ai ở xứ người.)
 
Tôi ra cửa nhanh gọn, ghi nhận tiến bộ ở quê nhà qua lời chúc: “Bác về thăm quê vui vẻ…” của cô hải quan sân bay trẻ hơn con tôi. Bất chấp là giả dối hay thật lòng thì cũng phải công nhận đó là một tiến bộ ở quê nhà sau mấy chục năm xa cách. Hải quan ngày xưa họ căm ghét ra mặt những người đi xuất ngoại nên làm khó đủ điều, làm tiền đủ cách với những người rời bỏ thiên đường xã hội chủ nghĩa…
  
Nhìn rừng người đang đón chờ thân nhân ở phi trường, người đón tôi lại đang lơ đãng với cái điện thoại trên tay. Tạ ơn trên, người vẫn thế; chuyện gì đến sẽ đến, chẳng bao giờ háo hức hay hào hứng với bất cứ chuyện gì. Tôi tiến đến, cất tiếng, “Chào em.”
  
My ngưng tay với cái điện thoại, ngước mắt nhìn tôi như người về từ cõi chết. Ngực cô phập phồng vì hổn hển thở, cô cố trấn tĩnh lại cảm xúc, bỏ luôn cái điện thoại trên tay cô vào túi áo vét tôi vì dễ dàng hơn bỏ vào cái bóp nhỏ cô đeo bên người. Cô ôm chầm lấy tôi như thỏi nam châm bị vỡ làm hai, khi tìm được mảnh vỡ, ráp lại vừa khít như chưa bao giờ... Cả phút trôi qua, tôi hỏi thăm, “Em khoẻ không?” Nhưng câu hỏi không thoát ra khỏi miệng được trọn vẹn vì cô đưa tay bịt miệng tôi. Mùi hương quen thuộc từ những ngón tay nhỏ gầy, thọc thẳng vào ký ức một thời làm tôi hóa đá. Bức tượng đá của My đã về, làm chỗ dựa cho người phụ nữ nhỏ nhắn, đẹp lão; dựa mái tóc bạc phơ vào bức tượng như tô màu thời gian lên năm tháng phôi phai. Có lời bài hát nào đó, “xin cho thời gian đứng yên lắng đọng…” đang gõ nhịp trong tôi.
  
Chưa bao giờ tôi và My tiễn nhau tại phi trường nên càng hụt hẫng khi My đón tôi. Hụt hẫng đến không biết nói gì với nhau, ngôn ngữ duy nhất tôi có thể là choàng tay qua vai My, và My cũng không hơn, không biết làm gì ngoài việc cho tay qua ôm eo tôi. Chắc chúng tôi nhìn giống một đôi tình nhân, chỉ thiếu bó hoa và chụp hình tự sướng là giống thiên hạ nên ánh mắt tò mò luôn dư thừa ở quê tôi tha hồ nhìn theo…
  
Ra đến xe đón đậu bên ngoài, không ngờ My của ngày xưa là người tài xế đưa tôi với My về nhà. My của ngày xưa có phần đằm thắm hơn cô bé lái xe duyên dáng và lanh lợi hơn mẹ khi còn trẻ. Cháu thăm hỏi tôi suốt đường về nhà. Cô cháu chiếm hết cảm tình cûa tôi với sự ân cần khi cứ nhắc đi nhắc lại là bác đừng ăn bất cứ gì ngoài đường, đừng đi đâu một mình… Cháu sẽ thu xếp thời gian để đưa bác với mẹ cháu đi bất cứ đâu hai người muốn…
  
Nhà My không có gì thay đổi từ khi chúng tôi quen nhau, rồi chia xa tới nay gặp lại. Căn nhà quê nằm trong lòng Sài gòn làm chứng cho biết bao thăng trầm, thay đổi ở Sài gòn về mọi mặt, cả con người; vẫn mảnh sân xi măng nho nhỏ, rêu xanh nơi góc tường có ống máng xối, cái xích đu thời ông Diệm là kiểu mới thì bây giờ là đồ cổ nhất còn lại ở Sài gòn. Luôn cả cái sập gỗ có mái che, nơi mẹ My thường ngồi lặt rổ rau cho bữa ăn thường nhật, lau chùi xấp lá chuối để gói bánh ú, bánh tét ngày tết; nơi tuổi hai mươi của chúng tôi ngồi nhìn mưa chiều mịt mù như tương lai tuổi trẻ sau hòa bình, nhìn sao trời những đêm hè oi ả ở Sài gòn… cuối cùng là nơi ngộ độc mùi hương của những ngón tay nhỏ gầy đã bóp nát linh hồn tôi…
  
My đã hoàn hồn sau mấy mươi năm không gặp, vẫn dáng người nhỏ nhắn ngày xưa, thích mặc váy tới đầu gối khi đi học và váy dài hơn tới bắp chân khi đi chơi, vẫn nhẹ nhàng với đôi dép kẹp ở nhà, đôi xăn đan da mỏng khi đến trường. Tôi thích cái lý luận My từng nói: người đã nhỏ con thì mang giày cao gót chỉ làm cho hai cánh tay bị ngắn thêm bởi mất cân đối, và câu hỏi của tôi: Người nhỏ con nhưng tóc dài quá có tạo nên ảo giác lùn thêm chút không? My vẫn chưa trả lời…
 
My đoán được tôi đang nghĩ gì với ly nước trà nóng xoay xoay trong tay khi đã về đến nhà nên cô nói, “Hồi em nghĩ ra được, mớ tóc dài không làm cho người ta thấy lùn hơn khi có người mê nghịch như chơi với cái đuôi ngựa thì không còn gặp anh để nói. Nên em đã cắt để làm cây phất trần cho Lý Mạc Sầu chiêu hồn anh…” Cả hai cùng cười hóm hỉnh như xưa. My nói tôi đi tắm rửa, thay đồ cho khoẻ rồi ra ăn cơm. My vụng về chuyện bếp núc của ngày xưa nay đã lột xác thành người phụ nữ của gia đình sau nhiều năm không gặp nên tôi được ăn lại bữa cơm mơ ước trong đời lưu lạc đã lâu. Bốn mươi năm thời gian đằng đẵng trong đời người với biết bao thay đổi, nhưng tình cảm không có tuổi nên My vẫn tự nhiên dùng đũa xắn con cá kèo làm hai, phần đầu bỏ vô chén tôi, My ăn phần đuôi vì không thích ăn ruột cá kèo có vị đắng. Tôi lại thích vị đắng nhẫn ấy và mỡ bụng cá kèo kho béo ngậy. Mùi rau răm hợp với cá kèo kho đã thành kinh điển, cơm nóng vừa ăn thật thỏa ước mơ những đêm đông quê người thèm ăn bữa cơm nhà My. Hương quê gợi nhớ ân tình khi gắp gắp lá me non có con tép bạc trong tô canh, chấm chút nước mắm mặn giằm ớt cay cay, ăn từng năm xa cách, từng năm xa quê, từng đêm trăn trở… nhưng làm sao ăn nổi bốn mươi gắp cho bằng thời gian cách biệt.
  
Bữa cơm mất hút trong đời sống xa quê như mơ như thật, tuổi trẻ tay trắng mộng đầy như thật như mơ… My nói chuyện xưa theo những câu hỏi của tôi trong bữa ăn. Cha My chết sớm nên nhà chỉ có mẹ với ba chị em gái thì tôi biết từ xưa rồi. Chị Uyên học đại học kinh tế, nhìn chị như con lai vì da trắng, tóc vàng, mắt màu hạt dẻ, chị cao người chứ không thấp như My giống mẹ. Nói tóm lại là chị đẹp, chỉ hơi ít cười cho gương mặt rạng rỡ hơn. Cuối cùng chị Uyên đi làm cho công ty nước ngoài sang Việt Nam đầu tư, lấy chồng người Hòa Lan, lên sinh sống ở Đà Lạt cả chục năm vì chồng làm việc trên ấy. Khi hai con của chị lên trung học thì cả gia đình trở về Hòa Lan cho mấy đứa nhỏ đi học tốt hơn bên Việt Nam.
 
Em gái của My cũng cao ráo như chị Uyên, con nhỏ thích chơi đá banh với con trai ngoài đầu hẻm, thích đi xe đạp sườn ngang như con trai, cắt tóc tém rất lãng tử… khi muốn tăng tốc con ngựa sắt, nó đứng lên đạp xe như con trai vậy. Không ngờ nó mất sớm rồi, để lại chồng con rất thương tâm. My nuôi cháu gái tới trưởng thành, đã lấy chồng. Người em rể đã có gia đình mới nhưng vẫn về thăm con, phụ giúp chị My nuôi con dùm anh ta…   
  
Tôi ngồi nghe chuyện nhà My thật buồn, Một tay chị Uyên lo hết cho gia đình từ khi mẹ bệnh mấy năm tới mất. Bé Lành nhỏ nhất trong nhà cũng không may, mới sinh con được vài năm thì tai nạn giao thông, qua đời trong túng thiếu đủ thứ, cũng chị Uyên lo cho nó tới cuối cùng. My chẳng làm được gì giúp đỡ chị em, gia đình vì bản thân cứ như người đi trên mây…
  
My hỏi tôi như tự hỏi mình nên tôi trả lời không cần cố gắng, “Năm thứ ba, giữa năm học tức khoảng gần Tết. Thay vì anh hay hỏi My chiều nay muốn đi đâu chơi không? My móc túi là đồng ý, có bao nhiêu tiền đưa cho anh hết. Anh cộng với tiền anh có mà lên kế hoạch đi đâu cho hết buổi chiều sau khi tan học. Nhưng đột nhiên My tránh mặt anh bằng cách nghỉ học hoài, anh đến nhà cũng không gặp được để biết chuyện gì. Chẳng bao giờ My có ở nhà hay trốn trong phòng thì anh thật sự không biết! Vào trường có thỉnh thoảng gặp nhưng My không cho cơ hội nói chuyện vì đủ thứ lý do. Anh đến nhà thì chị Uyên cho ly nước uống, ngồi chơi chờ My đến chán thì về.
  
Tết năm ấy đến, những ngày giáp tết rất buồn vì My thôi đi học và cũng không ở nhà. Anh với chị Uyên ngồi trò chuyện với nhau trên xích đu không yên với người trong xóm cứ lũ lượt kéo nhau đi chơi những ngày giáp tết trước ngõ. Một hôm anh chở chị Uyên đi uống cà phê, ngắm thiên hạ vui tết đến. Anh có hỏi thăm về người bạn trai của chị mà anh có lần gặp. Chị nói đã chia tay, rồi mắt long lanh, gương mặt chị buồn như thời đại. Anh còn nhớ anh ấy, dạy học ở trường Bách khoa. Anh ấy hiền hơn cả chị Uyên nên tuân lệnh tuyệt đối khi cha anh ấy đi tù cải tạo về, ông ấy cấm con cái có bạn gái, bạn trai. Không cưới hỏi gì hết để ông không phải kẹt lại Việt nam vì bổ túc hồ sơ con dâu, con rể. Ông kiên quyết thoát khỏi Việt nam sớm ngày nào hay ngày nấy. Nỗi buồn của chị Uyên cũng là nỗi buồn trong anh trước khi quen biết em, vì anh cũng vậy.
  
Từ đó, anh ghé nhà tìm em không gặp thì chở chị đi uống cà phê, hôm cuối cùng là đi chợ hoa ngoài đường Nguyễn Huệ. Anh không nhắc tới My vì chị không hỏi, nhưng sau đêm giao thừa đó, anh đã không lên chơi nhà vào sáng ngày đầu năm như chị mời. Đêm đó trở về nhà anh cũng thao thức lắm, nhưng anh quyết định không đến nhà My nữa, không gặp chị Uyên nữa. Vào trường cũng không đi tìm My nữa khi My đã đi học lại nhưng cố tình tránh mặt thì chạy theo cái bóng của quá khứ làm gì, chuyện đã qua hãy để cho qua như năm cũ vừa qua…
  
Những ngày đen tối ấy rất khó quên. Đôi khi chiều tối, anh đạp xe đến đầu hẻm nhà em, nhưng chỉ dựa cột đèn ngoài đầu hẻm một lát rồi quay về, không vào nhà. Một hôm gặp bé Lành đi đá banh về, đôi giày đinh máng trên ghi đông xe đạp đầy sình đất. Hai anh em đi uống nước, nó nói cho anh biết, ‘chị My có vị hôn phu rồi nên chị mới tránh mặt anh. Chuyện tóm tắt là người dì họ xa lắc xa lơ của em từ Pháp về, dì nhất định cưới chị My cho con trai của dì đang ở bên Pháp. Mẹ em đã đồng ý nên chị My… làm sao em hiểu được quyết định, chọn lựa của chị My. Chị đã ít nói, càng ít nói hơn sau việc đó. Em cũng nói luôn cho anh biết, sau những ngày Tết, chị Uyên thường nhắc tới anh. Chị không biết anh đã xảy ra chuyện gì mà suốt những ngày Tết không thấy anh ghé chơi nhà. Sau Tết đi học lại, chị có ghé trường anh, chỉ để thấy anh có ra khỏi cổng trường giờ tan học nghĩa là anh không sao. Em cũng bắt đầu theo đàn chị ra sân Phú Thọ để xổ giò cho quen sân lớn, chị Uyên dặn em khi nào gặp anh ngoài sân banh thì nói anh ghé nhà chơi… Em có gặp nhưng không nói, vì anh không đến có lý do của anh…’
  
Anh suy nghĩ nhiều về chị. Nếu nói là thích thì anh thích chị Uyên hơn vì có rất nhiều điều giống nhau từ suy nghĩ tới quan điểm, quan niệm. Có lẽ cùng con giáp, bằng tuồi nhau, đồng cảnh tương lân nữa... Nhưng nghĩ đến em nhiều hơn với những bất đồng, thái độ sống của chúng ta dường như đối lập, tình cảm cứ chập chờn tới ngưỡng chia tay thì một bên xuống nước, bên kia tự giác biết điều, nhưng không lâu lại như cũ… Hai kẻ ương bướng chưa phân thắng bại thì mọi chuyện đã đến hồi kết, anh có đi ngang khu nhà em, nhưng chỉ đi ngoài đường lớn, nhìn vào con hẻm với lòng buồn rười rượi. Sau nữa là anh tránh đi luôn con đường lớn để khỏi nhìn vào hẻm nữa…
  
Không nhớ đã mấy năm bặt tin từ khi ra trường, cho đến một hôm anh đang làm ăn ở Sài gòn, Anh ra ngoài giao tiếp với khách hàng. Khi trở về, người quản lý đưa cho anh mảnh giấy nhỏ và nói, ‘Có cô bé đến tìm anh. Tôi nói anh ra ngoài giao tiếp với khách hàng, không biết bao giờ về. Nên cô ta để lại mảnh giấy này cho anh. Cô ta đi rồi.’
   
Anh mở giấy ra đọc thì biết ngay là bé Lành vì chữ viết của nó như cua bò, anh từng dạy nó cầm cây viết cho đàng hoàng hơn để viết chữ dễ coi hơn hồi còn nhỏ. Nhưng nay đàn cua vẫn bò trên mảnh giấy có mấy chữ, ‘em cần gặp anh, cần anh giúp. Em ra sân Phú Thọ tập banh tới 6 giờ… anh đến đó nhé. Bé Lành.’
  
Anh đến ngay, Lành nói cần ít tiền nhưng xoay sở không nổi nên cầu cứu anh. Anh không nhớ nó nói cần bao nhiêu, nhưng anh đưa cho Lành gấp đôi ba lần gì đó. Anh nói luôn là anh cho em đó, không cần phải trả lại. Hai anh em đi ăn hủ tíu lề đường, gặp trời mưa như trút nước nên gọi bia uống trú mưa. Lúc ấy anh uống bia tới quán đóng cửa thì về chứ đâu biết mấy chai, nhưng hôm đó Lành cũng uống hết chai bia Sài gòn. Không biết nó hỏi hay bia hỏi, ‘nếu là em mượn cho chị My thì anh có cho mượn không?’ Anh nói, nếu là cần cho chị My thì em cầm hết đi! Lúc đó anh làm ăn quy ra vàng chứ tiền mặt thì phải đem theo bao đựng nên trong túi có ít khâu vàng, anh đưa hết cho Lành. Nó không nhận, chỉ lấy hai cái khâu năm chỉ anh đã đưa rồi. Rồi cứ đòi uống bia thêm, anh không cho nó uống nữa nên chia tay ra về khi mưa vừa tạnh…
Không riêng Lành khó hiểu là sao anh không thăm hỏi gì tới em mà thậm chí anh cũng không hiểu sao anh không thăm hỏi tới em một lời. Có lẽ anh tin vào trực giác là bé Lành không nói thật với anh, nó chỉ mượn cớ gặp anh để nhắn anh đến nhà, chắc em ở bên Pháp mới về thăm nhà nên Lành nghĩ tới tình xưa nghĩa cũ, nó tìm cách cho anh hay vậy thôi…”
   
My ngồi nghe tôi nói như ngày nào My nghe đạo sĩ thúi này diễn thuyết đạo đời những trưa lay lất trong sân trường tào lao thiên đế. Bây giờ My đẹp hơn xưa vì đã biết long lanh. Hồi xưa dễ gì, té xe đạp tới đầu gối máu me còn không khóc... Tôi nói My đi tắm rửa đi, tôi dọn rửa bàn ăn đã có kinh nghiệm ba mươi năm ở hải ngoại. My nói vui, “từ khi anh đáp máy bay tới giờ, em mới nghe được câu hay nhất, Việt kiều nhất của anh.”
  
Tôi dọn rửa vừa kịp My đã xong. Vẫn trang phục nhẹ nhàng như ngày nào, thêm chút trang điểm làm tôi ôm bụng cười khi nhớ tới ngày xưa còn đi học, My quan niệm dễ thương hết biết, “tiền mua son phấn để đi ăn sướng hơn…”
  
Tôi nhờ My gọi con gái đến để đưa chúng tôi đi dạo một vòng Sài gòn trong ký ức thân thương, thuê cho tôi khách sạn để qua đêm… Nhưng My bảo không cần, My sẽ đích thân đưa tôi đi dạo, rồi về nhà ngủ, không cần khách sạn vì nhà có mỗi mình My.”
  
Tôi không nói gì thêm vì tôi về không phải để cãi nhau với My như xưa. Tôi theo My rời nhà, đến những nơi mà tôi với My thường đến khi xưa, chỉ để nhìn lại một lần, và để làm gì, tôi cũng không biết! My lái xe một tay, tay thừa nắm tay tôi, trấn an, “đừng sợ”! Chúng tôi đã đến bờ ảo vọng, tôi hy vọng mình không lầm vì chính tôi gọi khúc sông này là bờ ảo vọng, vì tôi từng ngồi đây nhiều đêm viễn mộng xa xôi, xa xôi đến cuối cùng là không có mộng ước nào thành nên tôi gọi là bờ ảo vọng…
  
My bây giờ không thờ ơ như xưa, nữ tính hơn nhiều, biết quan tâm đến tôi hơn xưa nhiều lắm, nhưng không biết được mấy ngày sẽ hết kiên nhẫn. Tôi lặng yên thả dòng hoài niệm chốn sông xưa, cảnh vật chung quanh đã không còn dấu vết nào. Nước sông ngày ấy đã thay bao lần… Tôi chỉ còn kỷ niệm những hôm đi chụp hình đám tiệc cưới hỏi, sinh nhật con nhà giàu thời ấy, có được chút tiền bỏ túi thì hôm sau dẫn My đi uống cà phê, nghe nhạc Pháp không lời, tới chạng vạng tối thì đi ăn bữa tối khá tươm tất. Sau đó chở nhau đến bờ sông, tôi uống mấy chai bia hấp, My ăn mía hấp chấm muối ớt vì trời về tối nơi bờ sông gió lạnh. Tôi nhớ một lần kể chuyện cười cho My nghe, My sặc muối ớt vào mặt tôi một mặt để những đêm buồn hải ngoại, tôi nhớ My, quẹt tay lên mặt rồi ngậm ngón tay vào miệng, ớt cay muối mặn những đêm đông não nùng…”
  
My cứ nói những gì thích nói, tôi không cản, không khuyến khích vì tôi về không phải để cãi nhau như chó với mèo ngày xưa, không phải để nghe chuyện ngày xưa vì ngày xưa ấy đã qua rồi, vui buồn đã lắng đọng như trầm tích dưới khúc sông không ngờ có ngày tôi trở lại, một lát ra về là chia tay khúc sông này lần nữa, lần cuối cùng tôi với bờ ảo vọng…
  
Hình như My nói, “Em ngày ấy đúng là hờ hững trước cuộc đời, hờ hững cả với mình. Em mặc kệ cuộc đời xô đẩy tới đâu hay tới đó! Người dì họ xa bên Pháp về rất khó nhìn ra ý dì muốn gì? Mẹ em lúc đó bệnh hoạn, chị Uyên với em còn đang học, chưa đi làm, con Lành còn nhỏ, biết đá banh thôi. Mỗi ngày qua là mỗi ngày thêm nợ nần tiền thuốc men, bác sĩ cho mẹ; tiền chợ búa cơm nước trong nhà từ tiền bán dần mọi thứ trong nhà tới không còn gì để bán đi. Cái cuối cùng có thể bán được là căn nhà, nhưng bán căn nhà cũng không đủ trả nợ, rồi ở đâu? Mẹ em trông cậy vào chị Uyên vừa đi học vừa đi làm thêm để phụ giúp gia đình, nhưng vẫn thiếu trước hụt sau… Tất cả những bế tắc của mẹ em lúc đó đều được người dì họ bên Pháp giúp đỡ giải quyết hết. Cho đến trước khi về lại bên Pháp dì mới nói ra ý định muốn hỏi cưới em cho con trai của dì. Dì thề trước bàn thờ ông bà ngoại em là con trai dì rất ngoan, siêng năng chịu khó… Dì sẽ cho con trai dì về thăm gia đình em. Nếu em không đồng ý, dì vẫn chấp nhận…
 
Dì đi không lâu, con trai dì về. Em không đủ cam đảm nói cho anh biết, vì khi đó anh không… ít nhất là thấy hiền lành như bây giờ. Em không biết chuyện gì sẽ xảy ra với tính khí anh lúc đó. Phía anh bên kia cũng đúng như dì nói, anh hiền lành, lớn lên bên Tây nên ga lăng hết nói. Quan trọng nhất là mẹ em quý mến anh ta không thua gì anh. Lúc mẹ nói vô cho anh ta, em hỏi mẹ còn nhớ anh không? Mẹ đẻ ra em thì làm sao không hiểu lòng con gái nên chỉ cúi mặt. Chị Uyên chất vấn làm nước mắt mẹ rơi.
 
Em quyết định nói với anh một lời xin lỗi, nhưng tính tình anh lúc ấy vừa nóng nảy, vừa ngang ngạnh, Chị Uyên khuyên em im lặng, chị sẽ thay em nói điều em muốn nói với anh…”
  
Tôi nói My thôi đi, chuyện qua rồi. Em nhắc lại cũng là chuyện qua rồi! Điều anh muốn là em quên đi. Anh quyết định quên em đi là cách giải thoát cho cả hai. Cho tới hôm nay anh có thể nói là không quên được, nhưng nhớ khác xưa thì có. Ngày xưa nhớ em quay quắt đến đốt nhà em anh cũng dám làm, chỉ không lo nổi chỗ ở cho những người vô can, vô tội nên chùn tay. Giết chết em anh cũng không ngại vì kẻ thù đích thực của anh là phản bội. Nhưng tháng ngày bên hải ngoại, tuổi đời chồng chất lên, anh thấm đời vô ngã, hiểu chị Uyên hơn anh hiểu ngày xưa? Hiểu tại sao và tại sao, hiểu chị, hiểu anh trong hoàn cảnh thúc thủ ngày ấy… Thôi quên đi em, anh về đây không phải để nghe, để biết chuyện đã qua.”
  
My thở dài vì biết tôi không muốn nghe chuyện ngày xưa ấy nữa nên nói, “Đây là nơi duy nhất còn lại khúc sông xưa chúng ta thường đến. Những nơi từng đến khi xưa đã hoàn toàn không còn nữa… Em không biết đưa anh đi dâu bây giờ?”
 
“Thôi chúng ta về nhà. Em ghé chỗ nào có bán thì mua ít mía hấp về nhậu. Mua cho anh mấy chai bia Sài gòn…”
 
“…”
 
Đường về khi xưa sau một buổi đi chơi cũng không khác mấy bây giờ vì ngày mai vẫn là vô định. My có khác ngày xưa là bây giờ đoán được tôi đang nghĩ gì. My bây giờ là chị Uyên của ngày xưa, ít nhất cũng đoán biết được nửa phần tôi đang nghĩ gì, chỉ tội bé Lành là em út lại đi trước vì tai nạn. Cô bé cừ khôi của tôi, Lành lại tìm tôi không gặp như lần trước, gởi lại người quản lý cái phong bì cho tôi. Mở ra hai cái khâu vàng em hoàn trả với lời cảm ơn chân thành.
  
Trong gian phòng khách không thay đổi gì so với ngày xưa, những còn đó đã thành cổ tích, những mất đi đã hết kiếp nạn, nhưng lắng đọng ưu phiền vì lẽ ra tôi không nên nhớ như bộ ván gõ một miếng từ đời ông nội của My truyền lại, mối mọt không ăn nổi nó, nhưng cơn đói bao tử sau hòa bình của con cháu đã nhai hết rồi, tạo ra một khoảng trống trong phòng khách. Bây giờ để cái máy đi bộ thể dục, không ra thể thống gì trong căn nhà cổ.
  
My ngồi ăn mía hấp chấm muối ớt, tôi uống bia hấp như ngày nào, như giữa chúng tôi chưa từng có chuyện gì xảy ra, những điều My nói không phải chuyện chúng tôi, chuyện của thời khốn nạn trong lịch sử… My qua Pháp với người chồng hết lòng chăm sóc cho My, anh ấy là một người tốt, rất tế nhị và thông cảm nên My chỉ tập trung vô việc học, đi học như chưa từng lấy chồng. My chỉ có ý thức mình đã có chồng khi tình cờ thấy được chồng My ôm hôn một người thanh niên khác say đắm. Một dấu chấm hết khổng lồ như khối thiên thạch giáng xuống đầu My tới tê dại vĩnh viễn chứ không phải nhất thời. My bỏ hết để trở về nhà vì khủng hoảng, nhưng chị Uyên lại thay mẹ khuyên My trở qua Pháp, cố gắng hoàn thành việc học, rồi sau đó tính tiếp…
 
Nhưng My không thể chịu đựng thêm nữa khi anh chồng thú nhận là người đồng tính. Tội ác và trừng phạt đã đến với My làm càng nhớ ông đạo sĩ thúi ngày xưa chung trường hay lải nhải ban trưa cho qua bữa. Thế nào là tội ác, thế nào là trừng phạt? Luật nhân quả không phải chờ kiếp sau mà báo ứng tức thời… Nhưng cũng chưa phải là đòn trí mạng, đòn hạ gục My là tin sét đánh, bé Lành đã chết vì tai nạn giao thông. My quyết định trở về căn nhà xưa cũ để nuôi con cho bé Lành tới lớn khôn, không bao giờ trở qua Pháp nữa…
 
Tôi hiểu rồi, đứa cháu gái dễ thương gọi My là mẹ, nhưng nó là con của bé Lành. Nó thông minh, lanh lợi, và nhiệt tình hệt mẹ nó. Nó cũng cao ráo người nhưng rắn chắc chứ không phải gầy yếu, nó hệt như bé Lành với chiếc xe đạp sườn ngang và đôi giày đá banh máng trên ghi đông…
 
Tôi thấy thương My hơn cả những ngày còn đi học, My nhỏ bé đã trải qua đoạn đời cùng cực hơn cả tôi lầm lũi quê người từ tóc xanh tới bạc đầu. Nhưng tôi cũng đồng thời biết lần gặp này là lần cuối. Tôi sẽ bình an ở xứ người trong cô đơn đã chọn khi quá khứ ngủ yên, My cũng bình an trong căn nhà xưa, sống với kỷ niệm trong quãng đời còn lại. Chỉ mong cho căn nhà sớm có tiếng cười trẻ nhỏ, tiếng gọi bà ngoại khoả lấp cho My những trống vắng trong lòng, những chợt nhớ da diết đã thôi khắc khoải vì những điều My muốn nói thì tôi đã nghe.
 
Tiếng bánh xe máy bay lại miết trên đường băng phi đạo, đưa tôi rời xa quê nhà lần cuối. Nhưng linh hồn tôi đã ở lại vĩnh viễn bên người.
 
Phan
 

Ý kiến bạn đọc
15/08/202412:16:46
Khách
Hay quá!...
Để tui tìm đọc “Mây Trắng Bay”
14/08/202415:18:07
Khách
Hay quá, Phan ơi! Hay tương đương với "Mây Trắng Bay" viết năm 2007!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 410,198
Vài ngày trước Giáng Sinh 2023, tôi điện thoại chúc Thầy Cô Viện trưởng Lê Thanh Minh Châu bình an trong tình yêu thương của Chúa Hài Đồng, đồng thời chúc sức khỏe Thầy Cô trong năm mới 2024. Vào dịp Tết Nguyên Đán tháng 2, 2024, tôi lại điện thoại chúc Tết Thầy Cô, nhưng lần này không được trả lời, nên tôi đành gởi lời chúc qua text message, kèm theo lời mời sớm, mong Thầy Cô tham dự Đại Hội Y Khoa Huế (YKH) Hải Ngoại vào khoảng tháng 7 năm nay. Tôi không nhận trả lời của Thầy. Mãi hơn một tháng sau, trong bất ngờ và cảm xúc, Hội YK Huế Hải Ngoại nhận tin buồn chính thức từ gia đình cho biết Thầy Lê Thanh Minh Châu đã thanh thản ra đi vào ngày thứ Tư, 28 tháng 2, 2024, tại Rancho Mirage, CA, hưởng đại thọ 94 tuổi.
Thông thường sau những ngày nắng hè oi bức, mùa thu mang đến sự mát mẻ dễ chịu cả đêm lẫn ngày. Ra đường phải mặc thêm áo khoác nhẹ, choàng cái khăn quàng quanh cổ. Năm nay đặc biệt thời tiết thay đổi. Vùng Hoa Thịnh Đốn mưa nắng bất thường. Mưa liên miên mấy hôm liền dù không lớn nhưng trời âm u ẩm ướt, không mấy khi có nắng cả ngày. Tuy nhiên nhờ có mưa các sân cỏ vàng hoe mấy tháng hè vì thiếu nước nay xanh tươi trở lại. Hoa cúc trồng từ những năm trước ra hoa rực rỡ màu sắc. Mấy cây cà, cây ớt vẫn còn tươi tốt chưa bị ảnh hưởng thời tiết se lạnh mùa thu. Lá cây trên cành vẫn còn xanh tuy đã vào tháng 10. Thấy thời tiết tương đối dễ chịu ngày cuối tuần con gái Vân rủ Mẹ đi thăm nhà nghỉ mát của người bạn ở ngoại ô Maryland trên hòn đảo nhỏ, cách nhà khoảng 90 phút lái xe.
... Tôi biết gia đình chị Thương gồm hai mẹ con, ngày ấy bà Sáu chưa nhiều tuổi lắm, chỉ trên 40, bà chưa từng bước ra đường kiếm tiền bao giờ hồi còn ở quê hương, thế mà từ ngày đặt chân đến Canada bà đã phải đi làm, ban đầu lau nhà, dọn dẹp rác trong những shopping mall, sau này bà có chút vốn liếng về tiếng Pháp, bà xin được vào hãng may; bà làm cực nhọc để nuôi con gái đi học, bà muốn chị sau này sẽ bớt khổ, sẽ làm một chức vụ nào đó kha khá để khỏi uổng công bà đã mang nặng đẻ đau, bị nhà chồng ruồng bỏ từ khi biết bà mang bầu là con gái; rồi bà và chị đã phải vượt biên chết đi sống lại khổ sở trên biển cả, bao nhiêu khổ cực oan trái bà đã từng cầu xin Trời Phật để bà gánh vác thay con, để con gái có một cuộc sống thật nhàn nhã, sung sướng sau này...
Mùa hè năm ấy, thằng Huy về nhà nghỉ hè trên đôi nạng gỗ. Cu cậu vừa mới hoàn thành xong khóa huấn luyện quân sự Cadet Field Training và khóa huấn luyện Air Assault (không kích trên không). Ngày cuối cùng của khóa huấn luyện Không Kích Trên Không, cu cậu không may bị bong gân nên phải chống nạng. Tuy đi khập khiễng nhưng cu cậu hớn hở ra mặt vì được về thăm nhà và nghỉ hè được một tháng. Chị ra sân bay đón con trai. Thấy chị từ xa, thằng Huy đưa tay lên cao vẫy - “Má ơi, con ở đây nè”. Chị vội vàng chạy lại. Hai má con ôm nhau. Chị xót xa:
Cuối hè, thu về trước ngõ nhưng khí hậu vẫn còn nóng oi bức, gần 100 độ F vào giữa trưa, nhờ có gió biển từ Đại Tây Dương thổi vào làm mọi người cảm thấy dễ chịu. Năm đó cũng vào mùa nầy, có người bạn rủ tôi qua Florida để tìm lại hương xưa, từ khí hậu nắng mưa, có vườn cây ăn trái không khác gì quê hương mình. Trong khi đó cũng có người nói rằng ở Nam Florida lắm mưa nhiều bão, như Andrew năm 1992, tàn phá tàn phá khủng khiếp miền Nam Florida, nó san bằng cả đến những cây cổ thụ trên 100 tuổi, làm sập nhà cửa, FEMA (cơ quan cứu trợ khẩn cấp Liên bang) phải đến từng nhà bị sập để cứu người. Cuối cùng tôi quyết định cùng vài người bạn đến Florida thử thời vận, khi sống ở Nam Florida tôi chứng kiến nhiều cơn bão đi qua như: Katrina, Wilma, Irma... và những người bạn đi chung với tôi đã bỏ đi.
Sáng nay trong lúc mơ mơ màng màng, chuông điện thoại reng. Tôi mở điện thoại ra coi, trên màn hình là một người phụ nữ ngoài năm mươi, đưa mắt nhìn qua máy security camera, bà ta vẫy tay chào. Tôi vội chạy xuống nhà dưới, mở cửa: - Chào buổi sáng. Tôi có thể giúp gì cho bà? Người phụ nữ nhìn tôi, ái ngại rồi giải thích sự có mặt của mình. - Xin lỗi cậu. Tôi là Jane. Năm ngoái tôi có mua bông của cậu bán, những người hàng xóm đi qua đều khen hoa đẹp, nên năm nay tôi trở lại xem coi cậu có còn bán không. Vì không tìm ra cách thức liên lạc, nên tôi mới đánh liều tới hỏi cậu. Xin lỗi vì đã làm phiền cậu vào cuối tuần...
Trường hợp này xảy ra cho chính bản thân tôi ngay trên nước Mỹ văn minh và giàu có: nhà tôi bị trộm viếng, tôi bắt được ngay tại trận, chạm mặt với nó, và rượt đuổi nó. Sau khi nó chạy thoát, tôi phải cất công đi làm “thám tử” điều tra coi tên trộm từ đâu đến, để rồi khi kiếm ra, chính tôi phải kiếm đến tận nhà để làm hòa và tha thứ cho “ngài đệ tử” của thần Đạo Chích này.
Tôi biết Khánh đã lâu, từ khi còn là cô bé du sinh, vô xin việc làm thêm ở toà báo để có thêm thu nhập. Nói nhiêu đó đã đủ biết Khánh không phải con cán bộ qua Mỹ ăn chơi bằng diện du sinh. Ngặt thời ấy, cộng đồng người Việt ở địa phương còn chống Cộng dữ lắm nên tôi chỉ biết tôn trọng những người bị bứng ra khỏi quê hương, sống đời hải ngoại. Tuy cái ăn, cái mặc, chỗ ở, việc làm; đặc biệt là tự do đều rộng mở ra tương lai tươi sáng; chỉ nỗi nhớ người thân, quê nhà canh cánh trong lòng người xa quê.
Đang ngủ say, Bin bỗng giật mình tỉnh giấc vì nghe những tiếng ầm ì rất lớn. Cửa sổ muốn bể toang như có ai đang dập mạnh vào. Em sợ hãi nhìn sang giường bên. Chị Ti đang ngồi trùm chăn run rẫy . Bỗng dưng điện tắt phụt. Bóng tối mang gương mặt kinh dị của Halloween, như muốn nuốt chửng lấy cả hai. Hốt hoảng, hai chị em cùng nhảy phóc xuống giường, chạy nhanh sang phòng ba mẹ, gào khóc inh ỏi.
Tôi gặp anh khi cuộc đời anh đã ba chìm bảy nổi, cộng thêm tôi vào là thành chín cái lênh đênh. Hề gì, một mái lều tranh hai quả tim vàng. Tôi dạy học, dẫu đồng lương chết đói, nhưng yên chí mỗi tháng có 13kg gạo, nửa ký đường và ba chục đồng “tiền Bác”, đủ sống qua ngày. Điều quan trọng tôi là thành phần gương mẫu trong xã hội, chưa hề có “nợ máu với nhân dân”. Thời chế độ cũ, tôi chỉ có đi học. Di cư vào Nam năm hai tuổi, tới mùa hè 1975 học xong, rồi đi dạy, thì chắc chắn phải là thành phần gương mẫu. Vì vậy khi lập gia đình với một ông vừa ra khỏi “trại cải tạo”, hàng xóm cũng nhân nhượng không để ý lắm tới sinh hoạt của chúng tôi.
Nhạc sĩ Cung Tiến